5 cách tối ưu sự tập trung học tiếng Anh và luyện thi IELTS
Hiện nay, IELTS là điều kiện cần hoặc đủ của nhiều cơ hội giáo dục và việc làm, rất nhiều học sinh và người đi làm phải vừa học chứng chỉ IELTS, học tiếng Anh, vừa dành thời gian cho công việc và học tập những môn khác, và chưa kể đến thời gian cho bản thân và gia đình. Thời gian có thể dành ra để học là hạn chế, vì vậy, người học cần học một cách hiệu quả nhất và tập trung nhất để không lãng phí vốn thời gian có hạn. Tuy vậy, nói luôn dễ hơn làm, bởi vì nhiều yếu tố khác nhau, người học rất dễ xao nhãng khi học, dẫn đến tình trạng phí nhiều giờ ngồi trước bàn học nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Thêm vào đó, nhiều người học gặp khó khăn tập trung khi làm bài nghe hoặc đọc của IELTS dẫn đến những lỗi sai vì mất tập trung khi làm bài mà không phải vì người học không biết cách làm hay không đủ khả năng. Những lỗi sai này rất đáng tiếc vì người học hoàn toàn có thể cải thiện độ tập trung để làm bài tốt hơn. Vì vậy, mục đích của bài viết này là đưa ra những cách thức tự học, dựa trên nghiên cứu và các nguồn chính thống, mà người học có thể áp dụng để tăng hiệu quả và sự tập trung học tiếng Anh và luyện thi IELTS để có được kết quả tốt nhất.
Key takeaways
Chọn những điều kiện học tốt nhất bao gồm thời gian và không gian hợp lý và cố định.
Khung giờ học cố định cho các ngày học và chọn khung giờ sớm (buổi sáng, trưa, xế chiều) thay vì trễ vào ban đêm
Vị trí học cần cố định, yên tĩnh, không phải nơi để ngủ hay ăn, hoặc không nhìn vào nơi để ngủ. Giảm thiểu tối đa các yếu tố gây mất tập trung như điện thoại
Học một cách chủ động và tương tác với nội dung bài thay vì chỉ tiếp thu kiến thức một cách thuần tuý và tương tác với nội dung nhiều hơn
Hạn chế sử dụng điện thoại thông minh hoặc hạn chế đổi ứng dụng liên tục khi dùng để quen với việc tập trung cao độ vào một việc trong khoảng thời gian nhất định
Có những khoảng nghỉ nhỏ (5-10 phút) giữa những giờ học mỗi 30-45 phút
Có kế hoạch học tập hợp lý và thực tế. Trải dài bài học ra thay vì học dồn.
Những điều kiện học tốt nhất
Để tập trung tuyệt đối, người học cần tạo điều kiện tối ưu mà trong đó, người học làm việc với năng suất cao nhất, điều này bao gồm thời gian và không gian để học ("How to study efficiently and effectively").
Về thời gian
Rất nhiều người học rằng ban đêm là khoảng thời gian là thời gian năng suất nhất của bản thân, nhưng thật ra các khoảng thời gian sớm hơn mới là lý tưởng cho đa số người như buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối ngay sau mặt trời lặn ("How to study efficiently and effectively"). Những việc như đọc một bài báo khoa học, viết luận, hay làm bài tập đều cần sự tập trung cao độ, và thật ra càng về buổi đêm, khả năng tập trung để làm những việc này sẽ càng giảm ("How to study efficiently and effectively"). Có thể nhiều người học cho rằng bản thân năng suất nhất vào ban đêm bởi vì ban đêm ít sự quấy rầy và xao nhãng hơn, nhưng thật ra môi trường học cũng rất quan trọng, nếu chuẩn bị tốt không gian học, người học hoàn toàn có thể trở nên năng suất hơn vào ban ngày.
Người học nên xếp một khung thời gian hợp lý và cố định để học, và quan trọng là người học phải thực tế về quyết định của mình. Ví dụ, sau khi học ở trường hoặc học thêm liên tiếp nhau 7,8 tiếng đồng hồ, người học không thể tiếp tục học 3 tiếng IELTS, 30 phút có thể hợp lý hơn, hoặc ngủ một giấc ngắn trước khi tiếp tục. Về khung thời gian, người học cố gắng giữ một khung giờ học cố định mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày để có thể tạo thành thói quen cho bản thân. Khi đến giờ đó, não bộ tự động biết đó là giờ học.
Về địa điểm
Thông thường, học tập ở nhà thường dễ gây mất tập trung và xao nhãng, vì vậy, nếu người học có thể chọn một không gian thuận tiện và cố định khác hơn thì có thể tập trung tốt hơn ("How to study efficiently and effectively.”). Thư viện trường, thư viện công, quán cà phê yên tĩnh, phòng học ở trung tâm tiếng Anh là những địa điểm khá lý tưởng, hoặc nếu tự học ở nhà, người học tránh sử dụng phòng ngủ. Não bộ có xu hướng kết nối hoạt động và hình ảnh không gian, vì vậy đi vào những phòng dành cho những hoạt động riêng biệt như phòng để ngủ hay ăn thường kích thích người học muốn làm những việc này thay vì học. Nếu phải chọn phòng ngủ, người học chọn góc học nhìn vào tường hay cửa sổ thay vì nhìn vào giường ngủ.
Người học cũng cần loại bỏ hết những yếu tố có thể gây xao nhãng trước khi học ("How to study efficiently and effectively"). Nếu học ở nhà, người học có thể thông báo trước để tránh bị làm phiền bởi người nhà. Các thiết bị điện tử mà không cần thiết cho việc học như điện thoại nên được cất ở một nơi khác, phòng khác, hoặc tắt hoàn toàn. Điện thoại thông minh hiện tại có những chế độ tránh làm phiền hoặc người học có thể để nó một nơi khác ngoài tầm nhìn và tầm với. Laptop người học cũng đóng hết các cửa sổ web không liên quan đến việc học và dễ gây xao nhãng, nhất là mạng xã hội.
Tùy theo sở thích của mỗi người, một số người tập trung tốt nhất khi có sự yên lặng tuyệt đối, một người khác thì tập trung tốt nhất khi có một ít tiếng động nền nhỏ ("How to study efficiently and effectively"). Nhưng tiếng động lớn hay nhạc là những yếu tố ảnh hưởng sự tập trung cực kỳ tiêu cực, và cần phải loại bỏ ("How to study efficiently and effectively").
Học một cách chủ động và tương tác với nội dung bài
Khi đọc sách hay tài liệu, tiếp nhận thông tin một cách thụ động như chỉ đơn thuần đọc tài liệu sẽ làm người nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và nản chí. Thay vào đó, người học có thể cố gắng tương tác nhiều hơn với nội dung bài đọc. Tham gia chủ động vào nội dung bài đọc là lấy nghĩa từ nội dung, liên kết với bài học, và tạo ví dụ từ kiến thức ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020). Chỉ đơn giản là gạch dưới nội dung, đọc lại nhiều lần, hay học thuộc đều không phải là cách học tham gia chủ động ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020).
Người học có thể:
Tự hỏi bản thân những câu hỏi liên quan đến bài và soạn câu trả lời ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020)
Trở thành người dạy ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020), người học có thể tự nói lại nội dung theo cách hiểu của mình cho người khác hoặc tự nói, việc này giúp người học tự lưu trữ và diễn tả thông tin cách riêng của mình và có cơ hội trình bày lại
Tìm những ví dụ liên quan đến bản thân, gia đình, hoặc đất nước thành phố của bản thân
Vẽ sơ đồ, biểu đồ để liên kết thông tin ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020). Sơ đồ tư duy (mind map) là một phương pháp hệ thống thông tin phổ biến và hiệu quả, và có thể kết hợp chữ và hình ảnh để thể hiện thông tin
Đặt câu hỏi về những hướng phát triển của nội dung bài và nghĩ đến những gì to lớn và rộng hơn nội dung bài đưa ra. Ví dụ: nội dung này có đúng hay không khi áp dụng cho một nhóm người, trường hợp khác? Các bằng chứng đưa ra này đã đáng tin hay chưa? Khi biết thông tin này, trong tương lai có thể ứng dụng nó vào những lĩnh vực nào, việc nào?
Hạn chế sử dụng điện thoại thông minh hoặc hạn chế đổi ứng dụng liên tục khi dùng
Trong bài nói TED Talk: “How to Get Your Brain to Focus,” Chris Bailey đã chia sẻ rằng sau khi hạn chế sử dụng điện thoại thông minh, anh tập trung được trong khoảng thời gian dài hơn (Bailey 2019). Việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều đã thường là vấn đề chung của nhiều người. Sự tiện lợi của smartphone cho phép người dùng làm nhiều việc cùng một lúc, sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, và thay đổi giữa các ứng dụng dễ dàng. Tuy nhiên, điều này không phải là tốt nhất cho sự tập trung của chúng ta, tại một thời điểm nhất định, não người chỉ có thể tập trung vào một việc duy nhất. Việc đổi qua đổi lại quá nhiều mỗi vài phút có thể làm giảm khả năng tập trung trong một khoảng thời gian dài của não. Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc hạn chế sử dụng smartphone, người học cũng có thể thử chỉ tập trung vào một ứng dụng khi sử dụng thay vì đổi qua đổi lại giữa nhiều ứng dụng.
Cách tốt nhất vẫn là hạn chế sử dụng điện thoại và tắt điện thoại hoàn toàn khi học. Việc để dành những khoảng lặng cho não khi bản thân không làm bất cứ việc gì có thể cho não bộ có cơ hội “lạc đường" và dẫn người ta suy nghĩ đến tương lai, phản ánh lại quá khứ, hay có những ý nghĩ sáng tạo (Bailey 2019).
Có những khoảng nghỉ nhỏ giữa những giờ học
Thay vì học một thứ kéo dài vài tiếng, người học có thể học 1 loại bài, 1 kỹ năng, 1 một chủ đề trong vòng 30-45 phút, sau đó nghỉ khoảng 5-10 phút trước khi tiếp tục, và đổi sang chủ đề khác ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020). Đây là khoảng thời gian trung bình mà một người có thể tập trung cao độ. Tuy nhiên, bài thi của IELTS thường kéo dài 1 tiếng cho kỹ năng đọc và viết, trong trường hợp này, người thi có thể nghỉ khoảng vài phút khi đang làm bài để nhìn ra một nơi khác hoặc thư giãn rồi mới tiếp tục làm. Khi nghỉ giữa những giờ học, người học nên vận động thể chất để não bộ có thể tập trung vào cơ thể thay vì trí óc ("Studying 101: Study Smarter Not Harder" 2020), và nhờ thế, trí óc có thể nghỉ ngơi. Người học không nên sử dụng mạng xã hội giữa những giờ nghỉ để tránh việc bỏ việc học để sử dụng mạng xã hội.
Ngoài ra sau khi nghỉ giữa những giờ tập trung cao độ xong, người học cũng có thể đổi qua loại bài khác thay vì học 1 loại bài suốt nhiều giờ liền, đổi bài mỗi tiếng hay 45 phút giúp kích thích sự hứng thú với những cái mới và có thể giúp tập trung tốt hơn. Làm nhiều việc cùng một lúc thường dẫn đến mắc nhiều lỗi hơn, dễ bị nhỡ những thông tin và manh mối quan trọng, ít có khả năng giữ được thông tin trong trí nhớ đang hoạt động, làm ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề và óc sáng tạo (Hammerness & Moore 2017).
Sơ đồ gợi ý chia thời gian tự giải đề Reading ở nhà
Có kế hoạch học tập hợp lý
Người học cũng cần nên lên kế hoạch cụ thể cho việc học của bản thân, bao gồm ghi rõ những mục tiêu định sẵn, những khối lượng bài học sẽ làm, và những khung giờ cụ thể. Hai điều quan trọng nhất là người học cần biết những mục tiêu nào là thực tế cho bản thân, vì đưa ra những mục tiêu quá sức so với khả năng sẽ làm người học dễ nản chí, và người học cần bám theo kế hoạch của mình gắt gao. Việc có thêm bạn học có thể sẽ hữu ích cho điểm này, vì người đồng hành học chung có thể nhắc nhở nhau hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thay vì cố gắng dồn dập giờ học vào những tuần cuối cùng để thi, người học cần có kế hoạch lâu dài hơn cho việc học IELTS nếu có thể. Khi học dồn, người học không nhớ được nhiều thông tin bằng cách học giãn cách và ôn tập thường xuyên. Cùng bỏ ra 20 giờ, nhưng 20 giờ trải đều ra nhiều tuần, người học tham khảo ôn bài sau mỗi lớp học thì học hiệu quả và tốt hơn là 20 giờ dồn lại 4,5 ngày liên tục để học. Não bộ cần thời gian để tiếp thu, mã hoá, và đưa thông tin vào kho trí nhớ, tất cả quá trình này cần thời gian và sự luyện tập. Vì vậy, học bao nhiêu giờ không quan trọng bằng việc người học sử dụng thời gian như thế nào để học.
Cách tăng sự tập trung học tiếng Anh và luyện thi IELTS trong phòng thi
Trước ngày thi, để đảm bảo trạng thái tốt nhất, người thi nên ngủ đủ giấc và ăn các loại thức ăn tốt cho sức khỏe. Trước khi vào phòng thi, người thi có thể nghe 1 đoạn tiếng Anh ngắn hay đọc một bài báo ngắn bằng tiếng Anh nếu có thể để kích thích não bộ.
Áp dụng những cách thức trên người học cũng sẽ cải thiện được khả năng tập trung và giúp làm bài thi tốt hơn. Bên cạnh đó, người học cũng có thể áp dụng những gợi ý khi vào phòng thi:
Cho kỹ năng nghe
Người học cần kiểm tra thiết bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu, và giơ tay xin sự giúp đỡ khi thiết bị có vấn đề
Cho bài thi giấy, người thi đọc kỹ đề bài và gạch dưới từ khoá, khoanh tròn thay vì chỉ đọc. Cho bài thi máy tính, người thi có thể di chuyển con trỏ theo nội dung mình đọc để tương tác tốt hơn với tài liệu
Người thi chỉ nên tập trung vào hiểu những thông tin liên quan đến đáp án, không có gắng hiểu hết từng từ trong bài nghe ("IELTS test tips" 2020)
Khi bỏ lỡ một câu hỏi, người thi nhanh chóng chú ý lại vào file nghe xem bài nghe đã đến đoạn nào trong đề, không để câu bị nhỡ ảnh hưởng những câu sau đó
Cho kỹ năng đọc
Khi một câu hỏi tốn quá nhiều thời gian, người đọc tiếp tục làm câu khác mà không tiếp tục phí thời gian, có thể câu hỏi đó sẽ được trả lời khi người thi đã làm những câu khác, hoặc 1 khoảng thời gian nghỉ sẽ giúp có những ý tưởng hay cách hiểu mới để giải quyết vấn đề
Mặc dù không có nhiều thời gian nghỉ ngơi giữa các kỹ năng, người thi có thể nghỉ ngơi tại chỗ mỗi 30-45 phút bằng cách ngừng làm bài 1,2 phút để hít thở sâu, hoặc nhắm mắt, thư giãn mắt, nhìn đồng hồ để kiểm tra thời gian.
Tổng kết
Nhiều người học có suy nghĩ rằng chỉ cần bản thân bỏ ra khoảng thời gian đủ dài thì sẽ được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc học và tiếp thu ngôn ngữ là một quá trình tương đối phức tạp và tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Việc học bao nhiêu thời gian để có thể đạt được mục tiêu là tuỳ thuộc vào nền tảng tiếng Anh (ngữ pháp, từ vựng) của người học, khả năng tiếp thu ngôn ngữ, mức độ tiếp xúc với ngôn ngữ từ nhỏ đến lớn, sự hỗ trợ đúng và phù hợp của người hướng dẫn, v.v. trong số những yếu tố đó, cách thức và phương pháp học, sự tập trung học tiếng Anh và luyện thi IELTS cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Ví dụ một người chỉ bỏ ra một tiếng mỗi ngày để học đúng và hiệu quả, thì kết quả vẫn có thể học được tốt hơn người bỏ ra hai tiếng nhưng thường xuyên bị xao nhãng trong lúc học. Vì vậy người học cần áp dụng những phương pháp đúng và phù hợp để có thể tiết kiệm thời gian, công sức, và đạt được mục tiêu.
Bình luận - Hỏi đáp