7 phương pháp học Tiếng Anh phổ biến (Phần 3)
“Mỗi người học có một phương pháp học tiếng Anh khác nhau” là câu khá phổ biến khi bàn luận về việc làm sao để học tập hiệu quả nhất. Ý tưởng về khái niệm “cá nhân hóa” phương pháp học cho từng nhóm người khác nhau đã được thai nghén từ thập niên 70 của thế kỉ trước mà trong đó, Neil Fleming là một trong những người tiên phong. Ông đã nghiên cứu và chia các phương pháp học thành 4 nhóm chính và tổng hợp lại trong một mô hình gọi là VAK/VARK: hình tượng (visual), thính giác (auditory), đọc-viết (read-write) và vận động (kinesthetic).
Trong đó, visual, auditory và kinesthetic được xem là cơ bản nhất vì đây là những phương pháp được đặt nền tảng đầu tiên. Về sau, nhà tâm lý học Howard Gardner đã hoàn thiện nghiên cứu của Fleming bằng việc khái quát hoá 4 phương pháp trên, đồng thời mở rộng thêm 3 phương pháp mới. 7 phương pháp học này dần dần được xem là khung định hình (framework) cho việc nghiên cứu tâm lí cũng như giáo dục
Series bài viết này sẽ giới thiệu, phân tích từng phương pháp học trên để người học có thể đạt hiệu quả tốt nhất dựa trên phương pháp học tiếng Anh của chính mình. Tiếp nối 2 phần trước, phần 3 tập trung phân tích 7 phương pháp học Tiếng Anh hiệu quả: Thị giác – Không gian, Thính giác – Âm nhạc, Ngôn từ, Vận động, Toán học – Logic, Xã hội, Cá nhân
Ứng dụng từng phong cách học trong việc học Tiếng Anh
Phong cách học Thị giác – Không gian
Những visual learners phát triển khả năng của mình ở mức cao nhất khi được hoạt động trong những lĩnh vực như thiết kế, kiến trúc hay quản lý dự án. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phong cách học này không thể ứng dụng trong việc học ngôn ngữ.
Có thể thấy, vì visual learners thích hợp với việc tiếp thu thông tin, tri thức bằng thị giác, việc học từ mới đối với họ sẽ được đơn giản hoá thông qua những hình ảnh tương ứng với từ vựng đó.
phong cách thị giác không gian
Đối với những từ vựng phức tạp và mang tính “chuyên ngành” hơn, người học có thể tận dụng mindmap (học qua sơ đồ hình vẽ) như một phương pháp hiệu quả và hệ thống hơn. Điều này là bởi vì những người học theo phong cách này không những có trí nhớ hình ảnh tốt, mà họ còn thiên phú trong việc sắp xếp hoặc nhóm các từ vựng, khái niệm có liên quan lại với nhau. Từ đó có thể mở rộng ra, phương pháp mindmap không những hữu ích trong việc học từ vựng mà còn áp dụng trong các hoạt động khác như hệ thống kiến thức ngữ pháp hay cấu trúc dàn ý bài viết. Ngoài ra, mindmap còn giúp người học tăng cường khả năng tóm gọn ý, giúp người học tiếp thu những gì tinh hoa nhất và ít tốn thời gian nhất.
Ví dụ như trong mindmap sau đây về việc học ngữ pháp trong tiếng Anh:
Mind Map học Tiếng Anh
Một công cụ hữu ích hơn cả hình ảnh chính là trình chiếu hoặc video. Ngoài việc học từ vựng hay ngữ pháp, người học còn có thể tận dụng những nguồn học có sẵn để rèn luyện kĩ năng nghe – hiểu và học cách người bản xứ nói chuyện như thế nào. Những video của Ted-Edu là những ví dụ điển hình:
How to stay calm under pressure – Noa Kageyama and Pen-Pen Chen
How to manage your time more effectively (according to machines) – Brian Christian
Việc tiếp xúc thường xuyên với những yếu tố thị giác ngoài giúp nâng cao hiệu suất học tập thì còn có vai trò trong việc “nâng cấp” khả năng ghi nhớ hình ảnh từ ngắn hạn (short-term) đến dài hạn (long-term). Theo một nghiên cứu, trí nhớ hình ảnh ngắn hạn chỉ kéo dài trong khoảng 30 giây, trong khi thời gian mà trí nhớ hình ảnh dài hạn nếu được cải thiện thường xuyên sẽ được lưu trữ tính bằng năm đến cả đời người. Vì thế, những phần mềm trên điện thoại được xem là một phương pháp hợp lý cho những visual learners, ví dụ như app Drops dành riêng cho việc học ngôn ngữ.
Visual learners
Tóm lại, người học theo phong cách này cần thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố thị giác như biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh hay video trình chiếu, … để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học. Ngoài ra, lợi thế của người học visual learning còn ở việc sắp xếp, nhóm và phân loại các ý tưởng, khái niệm, … có liên quan với nhau. Cuối cùng, việc “nâng cấp” khả năng ghi nhớ ngắn hạn thành dài hạn cũng được xem là yếu tố chủ chốt giúp người học vận dụng những gì đã học trong một khoảng thời gian lâu dài.
Phong cách học Thính giác – Âm nhạc
Như đã trình bày ở phần II.2, công cụ chính của những auditory learners sẽ là podcast, audio book (sách đọc) và ngay cả phương pháp học nhóm. Gardner cũng cho rằng, những người thuộc nhóm học kiểu Thính giác – Âm nhạc sẽ phù hợp với kiểu học Xã hội – Intrapersonal.
Đầu tiên, người học có thể tận dụng những nguồn tài nguyên có sẵn như Youtube hay Apple Podcast để tiếp thu kiến thức. Thói quen này còn giúp nâng cao kỹ năng nghe của người học. Dù vậy, để tiếp thu cũng như nâng cao hiệu quả một cách tốt nhất, người học nên chủ động ghi lại những từ vựng, câu, … mà người học cảm thấy ấn tượng để có thể tra lại trên từ điển để nắm vững về mặt ngữ nghĩa cũng như cách sử dụng của chúng.
Nếu người học muốn đầu tư thì một trong những dịch vụ tốt mà người viết gợi ý sử dụng là Audiobook hoặc trang web audiobooks.com – công cụ đọc những đầu sách hay trên thế giới. Đây là một phương pháp hữu hiệu khi bản thân người học không thích đọc (đặc trưng của những người thuộc phong cách auditory).
Ngoài ra cũng có một số ứng dụng thay thế như:
Apple Books
Audible
Libby
Google Play Books
Bên cạnh đó, quá trình học của những auditory learners có thể được tích hợp thêm yếu tố âm nhạc. Theo một nghiên cứu trên trang Study.com, việc tích hợp âm nhạc cổ điển, hòa tấu và đặc biệt là tiếng ồn trắng (tập hợp nhiều tần số âm có cùng cường độ, tiếng ồn trắng có một dung lượng âm lớn, tạo ra hiệu ứng che chắn tất cả những âm thanh đỉnh, bột phát gây trằn trọc, ngủ không sâu, hay gián đoạn giấc ngủ nên làm con người thư giãn hơn) với âm lượng vừa đủ trong quá trình học giúp cải thiện tâm trạng, góp phần làm tăng hiệu suất học tập nói chung. Tuy đây không phải là mẹo phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nó mang lại những hiệu quả nhất định đối với những auditory learners, khi phương pháp giúp người học phong cách này tập trung hơn so với những người học theo phong cách khác.
Cuối cùng, người học có thể nhờ bạn bè hoặc những người có cùng chuyên môn giảng lại những bài học khi ôn lại các kiến thức cũ. Cách học này đặc biệt hiệu quả cho auditory learners khi câu chữ và việc đọc vốn không hợp với họ. Đây cũng có thể giải thích cho hiện tượng một số học viên không hiểu bài hoặc không nhớ bài khi ôn lại bài cũ, nhưng lại hiểu rất nhanh và ghi nhớ rất lâu nếu được giảng lại bởi thầy cô hay bạn bè cùng lớp.
Tóm lại, việc vận dụng tối đa bài giảng nói riêng và kích thích thính giác nói chung sẽ giúp những người học theo phong cách này nâng cao hiệu suất học tập của họ, thay vì những phương pháp truyền thông như đọc-viết thông thường.
Phong cách học Ngôn từ
Đối với verbal learners, khả năng học tập và tiếp thu tri thức của họ sẽ được thăng hạng khi họ có không gian để “biểu diễn” khả năng nói của mình.
Phát biểu, tranh luận, thuyết trình, … đều là những cách cơ bản góp phần cải thiện lưu trữ kiến thức mới nhờ ghi lại ấn tượng và ghi nhớ sâu với những vấn đề được trình bày.
Giống như auditory learning, verbal learning cũng giúp người học cải thiện hiệu suất học của mình qua học nhóm. Người học có thể chủ động đề nghị truyền đạt lại những gì mình đã học cho bạn bè, người thân, … để củng cố những kiến thức ngôn ngữ đã tiếp thu.
Verbal learning giúp người học cải thiện hiệu suất học của mình qua học nhóm
Ngoài ra, cốt lõi của verbal learning chính là học qua việc tiếp xúc với ngôn từ. Vậy nên, nếu người học không thuộc tuýp người học nhóm, một phương pháp lâu dài và cân bằng có thể vận dụng là blogging. Người học có thể thử viết blog để vừa học trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu thể hiện khả năng thiên bẩm trong việc sử dụng ngôn từ của mình. Ngoài những công cụ media quen thuộc như Facebook, Youtube hay Instagram, một số nền tảng web chuyên cho việc blogging mà người học có thể tận dụng có thể kể đến như:
Spiderum.com
Kênh “Triết học tuổi trẻ” trên Ybox.com
BoredPanda.com
Hoặc một số nền tảng giúp người học tạo trang web của riêng mình miễn phí như
Wix.com
Blogger.com
Nếu người học không thích viết thì có thể cân nhắc đến việc đọc. Người học có thể dành thời gian đọc thêm tư liệu, báo, tạp chí về những vấn đề mình quan tâm bằng tiếng Anh (ví dụ về thể thao, dinh dưỡng, thời trang) để trau dồi thêm những từ vựng trong lĩnh vực đó, hoặc một cách vận dụng câu từ của người bản ngữ.
Nếu đang cần ôn lại những kiến thức đã học, ví dụ từ vựng hoặc ngữ pháp, người học có thể thử viết ra thành câu, thành đoạn hoặc tìm cách đặt trong một số ngữ cảnh cụ thể, thay vì học riêng lẻ từng từ hay từng cấu trúc một.
Nói chung, verbal learners là những người có thiên bẩm trong việc học ngôn ngữ nên việc tự tìm ra phương cách học phù hợp không phải quá khó đối với họ. Vấn đề nằm nhiều hơn ở tính kỷ luật và kiên trì của những verbal learners trong việc tiếp thu và luyện tập ngôn ngữ mới là thứ quyết định xem họ đi được bao xa trong quá trình học tiếng Anh.
Phong cách học Vận động
Khác với ba nhóm trên, và đặc biệt đối lập với verbal learners, những kinesthetic learners không phải bẩm sinh cho việc học ngôn ngữ. Nói cách khác, người học thuộc nhóm này có thể cảm giác bản thân khó học tiếng Anh hơn so với các nhóm phong cách học khác.
Tuy nhiên, vẫn có những phương thức riêng cho kinesthetic learners, một ví dụ ở phần 1 chính là việc tổ chức các hoạt động trò chơi vừa mang tính giải trí vừa giúp củng cố từ vựng. Tuy nhiên cách này không phù hợp với đa phần những người học là thanh niên – trung niên.
Có thể nói rằng, đối với một kinesthetic learner, việc đưa họ vào một môi trường chủ yếu sử dụng tiếng Anh và để họ dần thích nghi và tự học có thể là một trong những phương pháp phù hợp nhất đối với mindset của những người thuộc phong cách học này. Việc hoà mình vào một môi trường như vậy có ích cho động lực tự học của nhóm người học này. Dù phương pháp này trên thực tế khó áp dụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau (môi trường doanh nghiệp cần sự chuyên nghiệp; dễ ảnh hưởng hiệu suất làm việc; khó khăn cho bản thân người học trong môi trường sống và làm việc; ảnh hưởng đến tinh thần người học, …), nhưng đó cũng cũng là một ý tưởng cho các kinesthetic learners nếu đang có mong muốn nâng cấp vốn tiếng Anh: tìm một môi trường cần vận dụng tiếng Anh và “lặn ngụp” trong đó.
Kinesthetic Learner
Một trong những nghiên cứu phương pháp ghi nhớ của não bộ của Simonides đã cho ra đời một phương pháp học được gọi là “Lâu đài ký ức” (palace memory) hay Loci method mà theo nhiều ý kiến phản hồi rằng đây là một phương pháp hay để áp dụng cho kinesthetic learners. Phương pháp có các bước như sau:
Người học mường tượng ra một nơi quen thuộc với bản thân, có thể là nhà của mình
Người học “đi qua” từng khu (hoặc phòng) của nơi đó theo một trật tự nhất định. Tất cả diễn ra trong đầu mình.
Người học đặt những món đồ (mà ở đây là từ vựng) ở các vị trí nhất định trong các khu/phòng của ngôi nhà
Những lần sau đó khi cần nhớ tới món đồ (từ vựng), người học mường tượng lại bước vào ngôi nhà với những đồ vật (từ vựng) đã đặt ở đó.
Phương pháp này đã được khẳng định hiệu quả cho những người cần ghi nhớ lâu dài. Việc luyện tập thường xuyên cho “lâu đài” không biến mất là điều cần thiết.
Tuy không lợi thế bằng các nhóm khác trong quá trình học ngôn ngữ, nhưng bù lại nhìn vào mặt tích cực, những người thuộc nhóm học này có thể tự sáng tạo ra một “hệ thống” phù hợp nhất với bản thân.
Dưới đây là ví dụ của một giảng viên dạy tiếng Anh tên Elsa Budzowski trên cộng đồng Quora đã chia sẻ “hệ thống” của bản thân để dạy những người mới học tiếng Anh như sau:
Với những từ vựng thuộc nhóm động từ, người học đơn cử thực hiện lại hành động đó, ví dụ như chạy (run), nhảy (jump), đánh (hit), … Còn với những từ vựng thuộc danh từ và tính từ, người học cầm hoặc chỉ những đồ vật đó (ví dụ: lọ hoa) đồng thời đọc lên những từ để miêu tả danh từ đó (ví dụ: rực rỡ, đẹp, cầu kỳ,…).
Đối với việc học ngữ pháp, người học có thể “gán” cho một số bộ phận cơ thể là một nhóm cấu trúc ngữ pháp nhất định. Ví dụ:
Ngón trỏ tay trái = This
Ngón trỏ + Ngón giữa tay trái = These
Chạm vai trái = is
Chạm vai trái phía sau = was
Giơ tay = a
Giơ tay cao qua đầu = the
Ví dụ đối với câu “This is a pen” người học sẽ học vừa đọc vừa thực hiện những hành động tương ứng như sau:
This (giơ ngón trỏ) is (chạm vai trái) a (giơ tay) pen (chỉ vào cây bút)
“Hệ thống” này được Elsa lấy cảm hứng từ ngôn ngữ ký hiệu (sign language).
Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ đơn giản cho những người mới học tiếng Anh và không thể áp dụng hoàn toàn cho những người học đã có một vốn tiếng Anh nhất định, nhưng là một ví dụ tốt để cho người học phong cách này hình dung một “hệ thống” là như thế nào và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh nhất định của từng cá nhân mà tự sáng tạo một hệ thống phù hợp.
Tóm lại, đối với kinesthetic learners việc học chỉ có hiệu quả cao nhất khi đi đôi với hành động.
Phong cách học Toán học – Logic
Một bài viết của trường Đại học Brighton đã chỉ ra rằng, phương pháp dạy và học của người học phong cách này cần chú trọng đến 2 yếu tố: cấu trúc và kế hoạch. Việc tạo nên một kế hoạch học tập phù hợp và cập nhật tiến độ một cách chi tiết là cách tối ưu hoá quá trình cho người học có tư duy logic – toán học.
Có nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu của trường Đại học Brighton nói trên, chỉ ra rằng những người theo phong cách này dù có thiên phú, nhưng không nhất thiết phải là những người học toán giỏi. Thiên phú của họ, về bản chất, nằm trong khả năng tìm kiếm những quy luật cũng như khám phá những khái niệm, đặc biệt là những khái niệm trừu tượng. Tận dụng đặc điểm này, người học có thể chủ động nâng cao hứng thú của bản thân với việc học ngôn ngữ thông qua việc tìm hiểu những khái niệm, hiện tượng, … liên kết và giải quyết chúng.
Ví dụ khi bắt gặp một từ ngữ chuyên ngành thuộc chủ đề mình ưa thích, như “autodidacticism” (chủ nghĩa tự học), người học có thể mở rộng các câu hỏi và tìm hiểu thêm như:
How to follow autodidactism?
What is the connection between autodidactism and intelligence?
Những khái niệm, thuật ngữ như vậy có thể bắt gặp nhiều trong các bài đọc, bài báo, …
Trong quá trình tìm hiểu như vậy, người học sẽ va chạm với những kiến thức mới về từ vựng, khái niệm, … và có xu hướng hình thành liên kết giữa chúng. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng chỉ cần có sự liên kết khái niệm với nhau dù ít hay nhiều, logical learners sẽ có khả năng gợi lại nhanh hơn khi bắt gặp lại từ vựng hay khái niệm đó.
Trên thực tế, người học theo phong cách này có thể tận dụng những phương pháp của visual learners như vẽ mindmap để có thể liên kết cũng như thấy được bức tranh toàn cảnh của nội dung bài học. Bên cạnh đó, người học cũng có thể học từ vựng theo trường nghĩa.
Đối với một yêu cầu làm bài kỹ năng như Reading và Listening, người học phong cách này có thể tận dụng thế mạnh của mình bằng việc luận suy cấu trúc các đoạn (ví dụ đối với 1 bài reading), hiểu ý chính của các đoạn và kết nối đoạn đó trong quá trình đọc câu hỏi để có thể tìm ra đáp án nhanh hơn.
Đối với những kỹ năng khác như Writing và Speaking, người học phong cách này có xu hướng “công thức hoá” cấu trúc của bài luận hay bài nói. Ví dụ người học có thể đóng khung trước thứ tự nói/viết như thế nào cho phù hợp và bám theo đó, đơn cử như:
Statement – Explanation – Example (cho bài viết);
Statement – Example – Personal thoughts (cho bài nói)
3 quy tắc chính cho Logical Learners
Có nhiều hướng đi cho một logical learners cho việc tối đa hóa phong cách học của mình, nhưng chỉ cần bám theo 3 quy tắc chính:
Có quy trình cố định
Có sự liên kết, thấy được bức tranh toàn cảnh
“Đừng học thuộc, hãy hiểu!”
Phong cách học Xã hội
Dễ thấy từ định nghĩa, phong cách học này chú định việc kết nối giữa các cá nhân để tiếp thu kiến thức. Vì thế, học nhóm được coi là phương thức học tiêu biểu cho người học theo phong cách này. Việc tìm và kết nối được với những người có cùng phong cách học này để tạo thành 1 nhóm cũng đóng vai trò nhất định quyết định năng suất làm việc của nhóm đó.
Người học có thể nâng cao gắn kết của mình đối với nhóm hoặc dự án đang tham gia bằng việc lãnh đạo nhóm đó. Với thiên phú trong đọc vị cảm xúc của người khác, những interpersonal learners thường là những nhà lãnh đạo bẩm sinh.
Nếu vừa là một interpersonal learners vừa là một verbal learners, người học có thể củng cố những gì mình đã học bằng việc truyền tải lại những gì mình biết cho các thành viên trong nhóm. Trong tình huống khác, nếu người học vừa là interpersonal learners vừa là auditory learners, người học sẽ đóng vai trò là người lắng nghe, tiếp thu, phân tích và phản hồi các ý kiến.
Ngoài khả năng lãnh đạo, người học phong cách này còn có thế mạnh trong 2 khả năng khác: nhập vai (role-play) và động não ý tưởng (brainstorming). Trong quá trình học và luyện tập tiếng Anh, 2 kỹ năng này nên được tối ưu hoá. Ví dụ trong một buổi học nhóm writing hay speaking, người học có thể cho nhóm thảo luận các ý tưởng có thể triển khai trong bài viết/bài nói và đối sánh chúng với nhau.
Cụ thể, nếu bài viết là advantages and disadvantages, người học có thể phân chia nhóm thành 2 nhóm nhỏ lần lượt thảo luận hai khía cạnh của vấn đề, sau đó triển khai và thảo luận. Phương thức này thể hiện hiệu quả trong quá trình luyện tập của các interpersonal learners giúp nâng cao tinh thần tham gia tổng quan của các thành viên trong nhóm.
Interpersonal learners là phong cách học này chú định việc kết nối giữa các cá nhân để tiếp thu kiến thức
Như đã đề cập tới ở phần 2 của series bài viết, interpersonal learning tương đồng hơn với một dạng môi trường, một phương thức thuận tiện đối với người học để họ tiếp thu kiến thức, hơn là một dạng thiên phú trong “phong cách” học. Vì thế, thông thường một interpersonal learner sẽ có sự kết hợp với 5 phong cách học đầu tiên. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần tiếp theo.
Tóm lại, người mang phong cách học xã hội sẽ đạt hiệu suất cao nhất khi có sự kết nối với một hay một nhóm người khác. Với thế mạnh trong việc quản lý và đọc vị cảm xúc, việc học thông qua tương tác – đối với người theo phong cách này – trở thành một quá trình tận hưởng.
Phong cách học Cá nhân
Người học theo phong cách này có hiệu suất tốt nhất khi học và làm việc với chính bản thân họ – một yếu tố hoàn toàn đối nghịch với phong cách học xã hội.
Điều này xuất phát từ sự tập trung cao độ và tính kỷ luật sẵn có của họ – đối trọng với thiên phú quản lý và đọc vị cảm xúc của nhóm người theo phong cách học xã hội.
Người học có nhu cầu rất lớn đối với việc tự tìm tòi nghiên cứu. Để áp dụng thế mạnh này trong quá trình học và luyện tập tiếng Anh, người học nên có thói quen sưu tầm nhiều nguồn đáng tin cậy để phục vụ cho quá trình học của mình. Thế mạnh này còn cho phép người học tự mình “thử nghiệm” các phương pháp học khác nhau.
Ví dụ trong quá trình luyện tập một kỹ năng cụ thể – speaking. Thay vì thảo luận và phản hồi, đóng góp ý kiến như quá trình học của interpersonal learners, một intrapersonal learner được khuyến khích để tự trở thành giám khảo của chính mình. Người học có xu hướng ghi âm lại những đoạn nói, nghe lại, bắt lỗi và nâng cấp, lặp lại quá trình trước khi xin phản hồi từ thầy cô hoặc người đánh giá thực sự. Cách này có thể áp dụng tương tự với writing.
Một nghiên cứu tâm lý và tính cách cho thấy, người có tính cách intrapersonal ưu tiên “học sâu” thay vì “học rộng”. Áp dụng cùng nguyên lý đó, đối với việc luyện tập những kỹ năng vốn đã cần hoạt động một mình như reading, người học phong cách này có xu hướng “học một ôn mười”. Họ không làm bài theo cách “chạy đề” thường thấy, mà đọc kỹ câu chữ, ghi chú lại, làm chậm mà chắc và ôn lại khi có thể. Vì vậy, trong quá trình luyện tập, cách học này có thể tạo cho người học một độ “lắng” nhất định đối với vốn từ, câu cú cũng nhưng việc vận dụng vào thực tế bài thi sau này của các intrapersonal learners.
Intrapersonal ưu tiên “học sâu” thay vì “học rộng”
Tương tự như interpersonal learning, phong cách học này cũng nên được xem là một phương thức học kết hợp cùng với 5 phong cách học đầu tiên để tăng hiệu suất cao nhất cho người học. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần tiếp theo.
Chung quy, người học theo phong cách intrapersonal learning nên có không gian làm việc một mình. Bản thân người học đã có sẵn một thái độ làm việc độc lập tốt. Ngoài ra, việc tạo ra một không gian yêu thích cho bản thân để học và làm việc (phòng riêng, thư viện, quán cafe, …) cũng là một mẹo để giúp nâng cao chất lượng của quá trình.
Sự kết hợp tương quan giữa các phong cách học tiếng anh
Dù đã được Fleming phân loại và phân tích kỹ càng, cũng như nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu sau này, việc hoàn toàn tách biệt một “phong cách học” ra để cá nhân hoá cho bản thân một người được xem là khá phiến diện vì mang tính “tuyệt đối hoá”.
Thậm chí, có một vài ý kiến cho rằng một người học không thể học theo một phong cách chuyên biệt như Thị giác hay Thính giác, mà là “sự hoà trộn” của các phong cách với nhau. Đây được xem là một “myth” (điều được nhìn nhận là đúng một cách rộng rãi nhưng thật ra rất sai lầm).
Một vài ý kiến khác đề cập đến sự phát triển của công nghệ ngày nay như một tác nhân làm hoà lẫn nhiều hơn các phong cách học lại với nhau vì con người có xu hướng xử lí thông tin nhanh hơn, tiếp xúc với hình ảnh nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn, … từ các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và IoT (Internet of Things) nói riêng mang lại.
Như tiến sĩ Willingham đã chia sẻ trên trang Forbes, hãy xem các “phong cách học” là một “hộp công cụ” để người học lựa chọn, chứ không phải một “hướng đi bạn bắt buộc phải làm theo”, vì ai cũng có thể xử lí hình ảnh, thu thập thông tin qua thính giác, hiểu và vận động ngôn ngữ trong đầu, …
Dù lập luận như thế nào, việc một người thuần hướng theo một phong cách học chuyên biệt nào đó được xem là chỉ có trên lý thuyết. Nói cách khác, bản thân người học là một sự pha trộn giữa các phong cách học với nhau, dù rất có thể có một khuynh hướng là chủ đạo.
Việc nhận ra bản thân phù hợp với “khuynh hướng” nào là việc rất cần thiết để người học đạt được hiệu suất cao hơn, và làm việc “đúng hơn” với phong cách của bản thân mình. Như vậy, làm sao để biết bản thân đang thích hợp với “hộp dụng cụ” nào?
Cách 1
Một cách trực tiếp nhất, người học có thể tham khảo các trang web trắc nghiệm learning styles và “nhận diện” bản thân là người học như thế nào bằng cách gõ từ khóa trên Google. Dưới đây là một trang web trắc nghiệm learning styles tiêu biểu người học có thể tham khảo:
Cách 2
Một dạng bài test được gọi tên là Memletic Styles cũng sẽ phân tích các câu trả lời dựa trên các câu hỏi và tính toán xem người làm test thuộc dạng phong cách nào. Nhưng thay vì phân tích theo theo đơn phương một phong cách chủ đạo như cách 1, bài test Memletic sẽ phân tích cụ thể từng thành phần phong cách của người học, ví dụ 50% visual learner + 15% auditory learner + 5% kinesthetic learner + …
Memletic Styles
Người đọc có thể tham khảo qua: Memletic Test
Cách 3
Ngoài ra, dựa theo phân tích các tính chất của 7 phong cách học đã phân tích, đồng thời tham khảo nhiều tài liệu khác nhau về learning styles, các khuynh hướng có thể được tìm ra theo quy trình dưới đây. Người học có thể áp dụng nếu muốn khám phá phong cách học của chính bản thân một cách “thủ công”:
Các phong cách học được chia thành các nhóm:
Nhóm 1: Intrapersonal – Interpersonal
Nhóm 2: Visual – Logical
Nhóm 3: Auditory – Verbal – Kinesthetic
Đầu tiên, người học xác định bản thân thuộc khuynh hướng Intrapersonal hay Interpersonal. Đây là hai phong cách đối lập nhau nên người học có thể dễ dàng nhận diện.
Nếu thuộc Intrapersonal, người học có thể thử các phương pháp học ở nhóm 2 và chọn ra một phong cách hợp với bản thân nhất (visual hoặc logical).
Người học có thể thuộc cả hai phong cách đó (visual và logical), nếu thế đây có thể là sự kết hợp khuynh hướng của người học
Nếu người học thuộc 1 trong 2 (visual hoặc logical), người học lặp lại quá trình thử các phương pháp học ở nhóm 3 và chọn ra một phong phong cách hợp với bản thân nhất. Đây có thể là sự kết hợp khuynh hướng của người học.
Nếu thuộc Intrapersonal, người học có thể thử các phong cách học ở nhóm 3 và chọn ra một phong cách học phù hợp với bản thân nhất (auditory, verbal hoặc kinesthetic)
Người học có thể thuộc 2 trong số 3 phong cách trên, nếu thế đây có thể là khuynh hướng chính của người học
Nếu người học thuộc 1 trong 3, người học lặp lại quá trình thử các phương pháp học ở nhóm 2 và chọn ra một phong cách hợp với bản thân nhất. Đây có thể là sự kết hợp khuynh hướng của người học.
Quy trình này được tạo nên bởi các kết quả nghiên cứu khác nhau.
Đa số các nghiên cứu cho thấy một người học thường có sự kết hợp của 2 đến 3 phong cách học. Rất ít người có phong cách thứ 4 là chủ đạo. Nếu người học có 4 phong cách học trở lên, họ sẽ được xem là một Multi-model và có thể tương thích với đa phần các phương pháp học. Nói cách khác, họ không có phong cách học chủ đạo nào nữa.
Phương pháp học tiếng anh
Intrapersonal và Interpersonal không nên được xem là một phong cách học chủ đạo mà là một “môi trường học, phương thức học” có thể kết hợp với bất kỳ các phong cách học chính thống khác.
Một số phong cách học có sự tương đồng với nhau về mặt tính chất được xếp vào cùng một nhóm
Visual learning và Logical learning có chung tính chất hướng tới quy trình (procedures) và có khả năng giúp người học nhìn được bức tranh tổng quát của một vấn đề, hay một kế hoạch học tập mà người học đang theo đuổi. Họ đều có khả năng tự tìm tòi nghiên cứu cao nên có khả năng được xếp chung với nhóm Intrapersonal
Auditory, Verbal và Kinesthetic có xu hướng tương tác và vận động nhiều hơn so với Visual và Logical. Nhóm này thể hiện nhu cầu kết nối và sáng tạo. Vì vậy có khả năng được kết hợp với nhóm Interpersonal.
Nếu người học
Vừa là Visual, vừa là Auditory, thì sẽ được gọi là Read – Write learner
Vừa là Visual, vừa là Kinesthetic, thì sẽ được gọi là Spatial learners (Không gian)
Vừa là Auditory, vừa là Kinesthetic, thì sẽ được gọi là Musical learners (Âm nhạc)
Người học cần lưu ý đây chỉ là các tính chất tương đồng nhau (overlapped), nên việc xếp nhóm cố định sẽ không tuyệt đối. Do đó, người học cần cẩn thận thử nghiệm từng phương pháp (theo quy trình này) cho đến khi hiểu rõ bản thân mình thuộc kiểu kết hợp nào.
Ngoài ra, dưới đây là một số phong cách học/cách tiếp cận khác không được đề cập tới, người đọc có thể tự tham khảo thêm:
Generalist learning approach
Specialist learning approach
Naturalistic learning style
Rhythmic learning style
Kết luận
Phong cách học – Learning styles là một chủ đề được nghiên cứu rộng rãi và lâu dài trong ngành tâm lý – sư phạm nói riêng và giới khoa học nói chung. Mô hình phong cách học tới thời điểm này được phát triển và bổ sung rộng rãi nhất bao gồm 7 phong cách:
Thị giác – Không gian (Visual – Spatial)
Thính giác – Âm nhạc (Auditory – Musical)
Ngôn từ (Verbal – Linguistic)
Vận động (Physical – Kinesthetic)
Logic toán học (Logical – Mathematical)
Xã hội (Social – Interpersonal)
Cá nhân (Solitary – Intrapersonal)
Dù vậy, những phong cách này không bất biến trước thời gian. Trước sự phát triển và biến đổi của các tác nhân trong các thời kỳ khác nhau, các phong cách học này dần có sự hòa trộn lẫn nhau. Vì thế, người học không nên phân biệt rạch ròi từng phong cách một mà ứng dụng các phương pháp tương ứng vào trong các tác vụ khác nhau. Nhìn nhận một cách khác quan, những phong cách học này cũng là các tượng trưng cho thế mạnh nhất định của người học trên khía cạnh học thuật.
Tổng kết
Để tối ưu hoá thời gian cũng như quá trình học và rèn luyện tiếng Anh nói chung và chứng chỉ IELTS nói riêng, việc tìm hiểu, khám phá những phong cách, phương thức phù hợp nhất với bản thân nên được chú trọng như một trong những nền tảng cốt lõi của quá trình học.
Ngô Phương Thảo
Bình luận - Hỏi đáp