Banner background

Ảnh hưởng của tính cách cá nhân (personality) đến việc học ngoại ngữ

Bài viết sẽ giới thiệu những nhân tố trong tính cách cá nhân giúp người học có thể định hình được vai trò của tính cách đối với việc học tập một ngôn ngữ mới và từ đó có thể giúp người học có những thay đổi phù hợp.
anh huong cua tinh cach ca nhan personality den viec hoc ngoai ngu

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của tính cách cá nhân đến quá trình học ngoại ngữ  cho ra nhiều kết quả theo nhiều chiều hướng khác nhau. Có thể nói, hiện chưa có đủ bằng chứng để xác định mối quan hệ giữa tính cách của người học và việc tiếp thu ngoại ngữ do đặc tính phức tạp của hai đối tượng nghiên cứu này.

Tuy vậy, một bộ phận lớn các nghiên cứu đều chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa hai đối tượng. Tính cách có thể là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến các yếu tố chủ quan khác, như thái độ học tập, phương pháp và kế hoạch học.

Đã có nhiều mô hình nghiên cứu về tính cách con người trong môi trường dạy và học, như the Jungian Myers–Briggs type indicator (MBTI), Eysenck Personality Questionnaire (EPQ).  Bài viết dưới đây tổng hợp một số tính cách thường gặp và ảnh hưởng tương ứng lên việc học ngoại ngữ, kèm theo cách người học nên nhìn nhận, điều chỉnh sao cho đạt được hiệu quả cao hơn.

Tính mặc cảm, tự ti (Inhibition)

Trong quá trình tiếp thu một ngôn ngữ mới, đặc biệt là ở giai đoạn ban đầu, người học rất khó tránh được việc mắc lỗi. Thậm chí, lỗi vẫn xuất hiện thường xuyên khi người học sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Phản ứng thông thường của đa số người học khi mắc lỗi là cảm thấy xấu hổ, lo lắng và hình thành tính cách tự ti, mặc cảm về khả năng của bản thân về lâu dài. Điều này thường có khả năng xảy ra cao ở lớp học – khi xung quanh người học có giáo viên hướng dẫn, bạn bè quen thuộc – hơn so với ở ngoài bối cảnh lớp học.anh-huong-cua-tinh-cach-ca-nhan-personality-den-viec-hoc-ngoai-ngu-mac-cam

Tính mặc cảm, tự ti thường được biểu hiện ở người lớn rõ hơn trẻ em bởi sự nhận thức về bản thân có xu hướng tăng dần và hoàn thiện dần theo độ tuổi. Loại tính cách này được cho là có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học ngoại ngữ bởi người học dần dà sẽ trở nên bị động , sẵn sàng “đánh liều” khi phải tìm tòi tiếp thu các điểm kiến thức mới; từ đó, người học khó nhận được các đóng góp mang tính xây dựng  và không cải thiện được khả năng của bản thân. 

Như đã nêu trên, lỗi lầm khi học là khó thể tránh khỏi. Để dần làm giảm đi tính tự ti, mặc cảm, người học cần tận dụng những lần mắc lỗi đó làm cơ hội để hoàn thiện chính mình. Quan sát, rút ra kiểu lỗi thường mắc và từ đó tập trung cải thiện chính những điểm yếu đó. Hơn thế, người học nên tập trung vào tiến độ, hiệu quả học tập của chính mình thay vì quan tâm quá nhiều về người khác để tránh việc so sánh không cần thiết. 

Xem thêm: Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với việc học

Tính hay lo âu, bồn chồn (Anxiety)

Không chỉ dừng lại là một cảm giác nhất thời, sự lo âu, bồn chồn còn có thể là một đặc điểm tính cách luôn thường trực của nhiều người học. Các thang đo về lo âu khi học ngôn ngữ, ví dụ như Foreign Language Classroom Anxiety Scale (Horwitz, Horwitz, Cope 1986), đã nghiên cứu sự lo âu theo hướng cố định này.

Tính cách lo âu có thể được biểu hiện rõ khi người học phải thể hiện bản thân mình (performance-anxiety) trong các tình huống  như thuyết trình, phát biểu ý kiến hay khi tham gia làm bài kiểm tra (test-anxiety). Người học hay lo âu vừa phải quan tâm đến nhiệm vụ cần làm, vừa bị ức chế bởi cảm giác của chính mình, nên thường có tốc độ và hiệu quả tiếp thu kiến thức kém hơn  những người học có  tinh thần thoải mái, dễ chịu.anh-huong-cua-tinh-cach-ca-nhan-personality-den-viec-hoc-ngoai-ngu-lo-au

Sự lo âu, bồn chồn không hẳn luôn có hại bởi nếu biết cách, người học có thể biến cảm giác này thành động lực để tập trung và thể hiện hết sức mình. Một số nghiên cứu định danh tính cách này là “áp lực” (tension) thay vì “lo âu” để thể hiện được cả mặt tính cực. Cách tốt nhất để hạn chế được tính lo âu khi học ngoại ngữ là sự chuẩn bị kỹ càng và luyện tập đủ nhiều đến mức thành phản xạ.

Ví dụ, sau khi hoàn thiện nội dung bài nói, người học có thể tự độc thoại thuyết trình một mình và nghe lại, sửa các lỗi dùng từ hay ngữ điệu cho phù hợp Sau đó, hãy thử thuyết trình trước một nhóm người thân, bạn bè để buộc bản thân quen với nhiệm vụ này.

Hay trước khi tham dự một kỳ thi, người học cần lên kế hoạch học, dàn trải lượng kiến thức ra hợp lý để ôn tập và làm thử một số đề thi mẫu, nhờ đó tránh được cảm giác bất ngờ, lo lắng khi làm bài thi thật. Một lý do khiến số lượng lớn các giáo viên hướng dẫn trong lớp thường lựa chọn hoạt động đóng vai giả định (role play) chính là giúp người học làm quen với các tình huống thực tế.

Xem thêm: 3 cách thức não bộ ghi nhớ thông tin và ứng dụng vào học từ vựng tiếng Anh

Tính cởi mở (Openness to Experience)

Tính cách này được xem là mang tính di truyền khá cao. Những người mang tính cởi mở với các trải nghiệm mới thường biểu hiện sự hiếu kỳ, tự lập trong việc đưa ra các đánh giá. Họ hay có những ý tưởng lạ, sáng tạo và thậm chí  nhạy cảm với cái đẹp.

Do vậy, trong quá trình học ngôn ngữ mới, người học mang tính cởi mở sẽ ít có xu hướng “chỉ trích” và thay vào đó, nhìn nhận và trân trọng ngôn ngữ này như một “di sản” về văn hóa. Bên cạnh đó, việc thích tìm tòi sẽ tạo nên tâm thế học chủ động, luôn cố gắng nghĩ ra nhiều hướng giải quyết cho vấn đề nhất có thể.anh-huong-cua-tinh-cach-ca-nhan-personality-den-viec-hoc-ngoai-ngu-coi-mo

Một loại tư duy đặc trưng của những người mang tính cởi mở là tư duy phân nhánh – quá trình tư duy nhằm tìm tòi và phát hiện các ý tưởng sáng tạo. Người học có thể tìm hiểu kỹ hơn về lối tư duy này ở bài viết về tư duy phân nhánh tại ZIM.

Bên cạnh đó, để phát triển được tính cách cởi mở hay giữ vững được nó, việc “luyện tập” là cần thiết. Người học nên hạn chế “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias) – một dạng xu hướng ưu tiên những thông tin nào thống nhất với những niềm tin, thành kiến hiện hữu và lờ đi các ý kiến trái nghịch. Thoát khỏi “vùng an toàn”, sẵn sàng để sự hiếu kỳ và mong muốn khám phá “dẫn đường” thay vì luôn gắn bản thân với những điều vốn quen thuộc sẽ là bước đầu giúp người học tiến tới gần hơn những điều mới mẻ, lý thú trong ngôn ngữ.

Xem thêm: Giới thiệu phương pháp ghi nhớ Loci và Phạm vi ứng dụng của phương pháp

Tính biết cảm thông (Empathy)

Cảm thông được hiểu là khả năng thấu hiểu, cảm nhận suy nghĩ, xúc cảm của người khác. Nhà ngôn ngữ học và giáo dục học nổi tiếng Stephen Krashen đã chỉ ra rằng để học một ngôn ngữ hiệu quả, việc tỉ mỉ lắng nghe người khác và quan tâm đến tương tác, giao tiếp còn quan trọng hơn các lỗi sai . Nhà nghiên cứu và giáo dục học về tiếp thụ ngoại ngữ Douglas Brown cũng đã chỉ ra rằng, người học cần thấu hiểu cảm giác của người khác để tăng cường hiệu quả giao tiếp.anh-huong-cua-tinh-cach-ca-nhan-personality-den-viec-hoc-ngoai-ngu-cam-thong

Để tăng cường tính cảm thông, người học cần tập thói quen quan sát và lắng nghe người khác thay vì chỉ tập trung vào việc thể hiện bản thân mình. Việc chia sẻ với nhau còn có thể là một dạng “làm việc nhóm”, giúp phát triển được nhiều ý tưởng, giải pháp cho cùng một vấn đề. Người học cũng cần thay đổi các định kiến và khám phá điểm tương đồng giữa người với người  thay vì tập trung vào sự khác biệt.

Xem thêm: Một số nỗi sợ phổ biến trong IELTS và cách khắc phục

Tổng kết

Bài viết trên đã lý giải ảnh hưởng của bốn loại tính cách cá nhân thường gặp ở người học ngôn ngữ lên quá trình tiếp thu một ngoại ngữ và kèm theo gợi ý hướng nhìn nhấn, điều chỉnh tính cách sao cho phù hợp. Tác giả hy vọng các điểm thông tin trên sẽ giúp người học đạt được tiến độ, hiệu quả cao hơn trong hành trình của mình.

Phạm Trần Thảo Vy

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...