Banner background

Sự ảnh hưởng của trí thông minh (Intelligence) đến việc học ngoại ngữ mới

Tác giả sẽ cung cấp thông tin về ảnh hưởng của các loại trí thông minh khác nhau đến việc học ngoại ngữ.
su anh huong cua tri thong minh intelligence den viec hoc ngoai ngu moi

Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích mối tương quan giữa trí thông minh và tốc độ tiếp thu ngoại ngữ để giải đáp thắc mắc về việc trí thông minh có ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ hay không. Ngoài ra tác giả cũng sẽ đề cập đến những loại trí thông minh khác nhau và tầm ảnh hưởng của chúng cùng với một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ.

Key takeaways:

1. Theo một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí thông minh và việc học ngoại ngữ (Salehi & Sadighi (2012)), trí thông minh thực sự có ảnh hưởng đến tốc độ tiếp thu ngoại ngữ và sự ảnh hưởng này càng lớn khi độ tuổi của người học càng cao.

2. Theo nghiên cứu của Howard Gardner - một nhà tâm lý học tại đại học Harvard, có 8 loại trí thông minh khác nhau: Spacial intelligence (trí thông mình về không gian), Bodily- kinesthetic intelligence (trí thông minh về sự vận động), Musical intelligence (trí thông minh về âm nhạc), Linguistic intelligence (trí thông minh về ngôn ngữ), Logical-mathematical intelligence (trí thông minh về toán học), Interpersonal intelligence (trí thông minh về giao tiếp), Intrapersonal intelligence (trí thông minh về nội tâm), Naturalistic intelligence (trí thông minh về khoa học tự nhiên).

3. Mỗi người đều sở hữu một số loại trí thông minh khác nhau, điều quan trọng là cần phải khám phá ra chúng và sử dụng chúng một cách hiệu quả và linh hoạt để đạt được miêu tiêu đề ra.

4. Ngoài trí thông minh ra thì cũng có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ ví dụ như độ tuổi, trí nhớ hoặc tiếng mẹ đẻ của người học.

Trí thông minh có ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ hay không?

Ắt hẳn có không ít người đặt câu hỏi liệu việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng có cần phải thông minh hay không cũng như thắc mắc việc học ngoại ngữ có phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi người hay không.

Những thắc mắc này thường xuất hiện do sự khác nhau về tốc độ tiếp thu một ngôn ngữ mới của các học sinh trong cùng một lớp học, cùng một giáo viên giảng dạy, cùng một giáo trình khác nhau, tuy nhiên có những học sinh có thể vận dụng được kiến thức trong bài để nghe và trả lời câu hỏi của thầy cô, nhưng một số học sinh lại không thể.

Điều này dẫn tới suy nghĩ rằng việc học ngoại ngữ cũng giống như học các môn học khác, đòi hỏi người học cần phải thông minh thì mới có thể tiếp thu nhanh được.

Theo một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí thông minh và việc học ngoại ngữ (Salehi & Sadighi (2012)), trí thông minh thực sự có ảnh hưởng đến tốc độ tiếp thu ngoại ngữ và sự ảnh hưởng này càng lớn khi độ tuổi của người học càng cao.

Một số người cho rằng tất cả mọi người khỏe mạnh khi sinh ra, sau một thời gian đều có thể nói thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, do đó ai cũng có khả năng học ngôn ngữ giống như nhau. Tuy nhiên việc tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ và việc học ngoại ngữ là hai chuyện khác nhau.

Trong một nghiên cứu về việc tiếp thu ngoại ngữ, nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen đã phân biệt việc “tiếp thu” tiếng mẹ đẻ và “việc học” ngoại ngữ.

Đối với trẻ nhỏ, chúng thường tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một cách tự nhiên, không có ý thức thông qua việc lắng nghe ba mẹ hoặc những người xung quanh mình, chúng dựa vào ngữ cảnh để hiểu được ý nghĩa của từ và cũng tiếp thu ngữ pháp thông qua việc bắt chước giống với những câu từ chúng đã từng nghe trong mỗi hoàn cảnh giao tiếp nhất định.

Khi đã thông thạo một ngôn ngữ và cũng đã nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh, việc học thêm một ngôn ngữ khác sẽ không dễ dàng như việc tiếp thu tiếng mẹ đẻ. Người học thường sẽ có xu hướng học một ngoại ngữ thông qua việc cố gắng hiểu những cấu trúc ngữ pháp, ghi nhớ nghĩa của từ và so sánh với tiếng mẹ đẻ của mình thay vì hiểu từ qua ngữ cảnh và bắt chước những câu từ mình thường hay nghe. Do đó, việc học ngoại ngữ theo cách xây dựng ngôn ngữ dựa trên ý thức, kiến thức thay vì tự phát này một phần nào đó sẽ bị ảnh hưởng bởi trí thông mình của đối tượng học.

8 loại trí thông minh và ảnh hưởng của chúng

Như đã nói ở trên, trí thông minh có ảnh hưởng đến tốc độ tiếp thu ngoại ngữ của một người, tuy nhiên trí thông minh được chia ra làm nhiều loại và không phải trí thông minh nào cũng giúp ích cho việc học ngoại ngữ.

Theo nghiên cứu của Howard Gardner - một nhà tâm lý học tại đại học Harvard, có 8 loại trí thông minh khác nhau:

  • Spacial intelligence (trí thông mình về không gian)

Người có trí thông mình về không gian thường sẽ giỏi về các lĩnh vực liên quan đến không gian như kiến trúc sư, thiết kế, hoặc phi công.

  • Bodily- kinesthetic intelligence (trí thông minh về sự vận động)

Người có trí thông mình này có thể hiểu được và điều khiển được sự di chuyển của tay, chân hoặc cơ thể, học thường giỏi về các lĩnh vực cần sự vận động của cơ thể như vận động viên, vũ công,

  • Musical intelligence (trí thông minh về âm nhạc)

Người có trí thông minh về âm nhạc sẽ có thể nắm được giai điệu và bắt nhịp rất tốt, học thường giỏi về các bộ môn liên quan đến âm nhạc như hát, chơi nhạc cụ hoặc nhảy,…

  • Linguistic intelligence (trí thông minh về ngôn ngữ)

Những người có trí thông minh này giỏi trong việc hiểu ý nghĩa của từ, giỏi viết văn, viết thơ cũng như phát biểu trước đám đông, ngoài ra học còn có thể hiểu và giải thích được một số quy luật trong ngôn ngữ.

  •  Logical-mathematical intelligence (trí thông minh về toán học)

Những người có trí thông minh này có thể phân tích các vấn đề một cách logic, thực hiện các phép toán và tìm hiểu các vấn đề một cách khoa học.

  • Interpersonal intelligence (trí thông minh về giao tiếp)

Những người này luôn có khả năng liên kết, hòa nhập tốt với người khác, dễ dàng bắt được cảm xúc, tâm trạng và chủ động trong mối quan hệ của họ, những người này có thể là nhà tâm lý học, những người đàm phán.

  • Intrapersonal intelligence (trí thông minh về nội tâm)

Những người này thường khá nhạy cảm với cảm xúc của bản thân và dễ nhận ra cảm xúc cũng như tính cách của người khác. Những người này thường giỏi về các lĩnh vực như tư vấn tâm lý, trị liệu, triết học,…

  • Naturalistic intelligence (trí thông minh về khoa học tự nhiên)

Những người này có khả năng hiểu được các sắc thái trong tự nhiên như sự khác biệt giữa thực vật, động vật và các yếu tố khác. Họ thường thích quan sát thế giới tự nhiên và làm những việc liên quan đến thiên nhiên.

image-alt

Như vậy, người có trí thông minh về ngôn ngữ sẽ tiếp thu ngoại ngữ nhanh hơn vì họ có khả năng cảm âm, hiểu và phát âm tốt hơn, ngoài ra họ còn nhớ và vận dụng từ, cấu trúc câu hiệu quả hơn. Do đó, không phải một người học rất giỏi các môn khoa học như Toán, Lý thì có thể học giỏi ngoại ngữ hơn một bạn học kém Toán và Lý. Mỗi người đều sở hữu một số loại trí thông minh khác nhau, điều quan trọng là cần phải khám phá ra chúng và sử dụng chúng một cách hiệu quả và linh hoạt để đạt được miêu tiêu đề ra.

Việc hiểu sự ảnh hưởng của trí thông minh đến việc học ngoại ngữ không phải là để khẳng định việc nếu không thông minh thì sẽ không thể học ngoại ngữ. Như đã nói ở trên, trí thông minh chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tiếp thu một ngôn ngữ nào đó và nó cũng được chia ra làm nhiều loại khác nhau. Hiểu rõ điểm mạnh hoặc điểm yếu của bản thân sẽ giúp quá trình đạt được mục tiêu diễn ra tốt hơn. Nếu người học không có trí thông minh về ngôn ngữ nhưng có trí thông minh về âm nhạc thì có thể thay đổi cách tiếp cận ngoại ngữ của mình, giúp cho việc học thú vị hơn bằng cách học tiếng Anh qua lời bài hát hoặc các bài viết về ca sĩ, nhạc sĩ mà họ yêu thích hoặc bắt đầu học ngoại ngữ càng sớm càng tốt vì ảnh hưởng của trí thông minh càng lớn khi độ tuổi càng cao.

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ

Ngoài trí thông minh ra thì cũng có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ ví dụ như độ tuổi, trí nhớ hoặc tiếng mẹ đẻ của người học.

Chuyên gia tâm lý học nổi tiếng Patricia Kuhl đã chỉ ra rằng, trẻ em từ khi trẻ sinh ra cho đến khi 7 tuổi thường sẽ nhạy bén hơn trong việc tiếp thu một ngôn ngữ mới nào đó. Sau giai đoạn này, tốc độ cũng như và hiệu quả tiếp thu một ngôn ngữ khác sẽ bắt đầu chậm lại. Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của độ tuổi đến tốc độ học ngoại ngữ, người đọc có thể tham khảo bài viết sau: Ảnh hưởng của tuổi tác đến khả năng tiếp thu ngoại ngữ và ứng dụng trong việc học ngoại ngữ hiệu quả.

image-alt

Ngoài ra, người có trí nhớ tốt hơn sẽ ghi nhớ được kiến thức mà họ đã học lâu hơn, từ đó tích lũy được nhiều kiến thức hơn trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Trí nhớ không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ học ngoại ngữ mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Hơn nữa, tiếng mẹ đẻ của người học cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ học ngoại ngữ. Ví dụ khi học tiếng Anh, nếu trong tiếng mẹ đẻ của người học có những âm tương tự như trong tiếng Anh thì việc học phát âm sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại nếu tiếng mẹ đẻ có khác biệt rất nhiều so với ngôn ngữ đang học thì việc học ngoại ngữ cũng sẽ kho khắn hơn, ví dụ như người Trung Quốc, Nhật Bản khi đã quen với chữ tượng hình thì khi chuyển qua học bảng chữ cái của tiếng Anh cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với người học ở các quốc gia có sử dụng bảng chữ cái Latin.

Tổng kết

Thông qua bài viết trên, tác giả hi vọng người học có thể hiểu được ảnh hưởng của trí thông minh đến việc học ngoại ngữ, hiểu được các loại trí thông minh khác nhau, từ đó khám phá được khả năng của bản thân cũng như điều chỉnh cách tiếp cận một ngôn ngữ nào đó.


Nguồn tham khảo:

  • Salehi, M.. & Sadighi, F./ Journal of Language, Culture, and Translation1(1) (2012),33–48. 34 The relationship between intelligence and foreign language learning.

  • Stephen Krashen. / Second Language Acquisition and Second Language Learning (2002).

  • Gardner, Howard. Multiple Intelligences: New Horizons. Completely rev. and updated. New York: BasicBooks, 2006. MLA (8th ed.)

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...