Áp dụng Comprehensible input trong việc học và dạy ngôn ngữ

Comprehensible Input là những đầu vào ngôn ngữ có thể được hiểu bởi người nghe mặc dù học không hiểu được toàn bộ từ vựng và cấu trúc.
author
ZIM Academy
16/02/2022
ap dung comprehensible input trong viec hoc va day ngon ngu

Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau khi học một ngoại ngữ mới. Tùy thuộc vào khả năng ghi nhớ, tiếp nhận thông tin cũng như sự hứng thú, người học có thể lựa chọn tập trung vào phần kiến thức nào phù hợp với bản thân để đào sâu và tạo nền tảng cho việc học ngôn ngữ sau này chẳng hạn như ngữ pháp, từ vựng, hay kĩ năng nghe hoặc nói. Comprehensible Input (đầu vào có ý nghĩa) là một cách tiếp cận ra đời vào những năm 1980 do nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen. Đây là một phương pháp học ngôn ngữ được biết đến và công nhận rộng rãi bởi cộng đồng người học và dạy ngôn ngữ. Vậy Comprehensible Input là gì và làm thế nào để áp dụng phương pháp này nhằm đạt được những tiến bộ trong học ngoại ngữ nói chung và học tiếng anh nói riêng? Bài nghiên cứu sẽ đi sâu tìm hiểu những vấn đề trên.

Khái quát chung về Comprehensible Input

Comprehensible Input là một trong những lý thuyết học ngoại ngữ do Stenphen Krashen đề xuất. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ học, nghiên cứu về quá trình tiếp thu và phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là quá trình học ngôn ngữ thứ hai.

Comprehensible Input là những đầu vào ngôn ngữ có thể được hiểu bởi người nghe mặc dù học không hiểu được toàn bộ từ vựng và cấu trúc. Theo Krahen, quá trình đó sẽ giúp người học tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn, mà không phải ghi nhớ ngôn ngữ một cách máy móc.

Khi học ngoại ngữ, input (đầu vào) được chuyển hóa thành output (đầu ra). Nói một cách đơn giản những gì người học thu nhận khi học một ngôn ngữ sẽ trở thành nguyên liệu giúp họ tự tái tạo và sử dụng ngôn ngữ đó một cách độc lập. Nghe và đọc chính là các input, và output là nói và viết. Theo Stenphen Krashen, quá trình tiếp thu ngôn ngữ chỉ xảy ra khi người học hiểu được những nội dung mà họ tiếp xúc. Nếu khả năng hiện tại của người học là i thì các đầu vào nên ở mức độ i+1 (chỉ cao hơn khả năng của người học một chút). Nhờ vậy, những thông tin mới học không đi quá xa khỏi những kiến thức có sẵn của người học, giúp cho họ hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên, hiệu quả, dễ dàng hơn.

ap-dung-comprehensible-input-trong-viec-hoc-va-day-ngon-ngu-trinh-do

Ứng dụng Comprehensible Input trong việc học và dạy ngoại ngữ

Như đã trình bày ở trên, trọng tâm của Comprehensibe Input nằm ở những đầu vào ngôn ngữ mà người học được tiếp nhận, chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tiến bộ trong quá trình học ngoại ngữ. Do đó, những ứng dụng của Comprehensible Input không tách rời việc làm thế nào để xây dựng được một hệ thống đầu vào ngôn ngữ phù hợp với trình độ của người học. Những ứng dụng đó được trình bày cụ thể như sau:

ap-dung-comprehensible-input-trong-viec-hoc-va-day-ngon-ngu-phan-tich

Chọn lựa tư liệu học tập một cách có ý thức

Để học tốt ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng người học cần tiếp xúc liên tục với những nội dung của ngôn ngữ đang học. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc học một cách dàn trải, cố gắng đọc, nghe, hiểu bất kỳ thông tin nào. Nguyên nhân là vì điều đó chỉ khiến người học bị quá tải, choáng ngợp và thậm chí là chán nản nếu trình độ ngôn ngữ của họ không theo kịp với độ khó của nội dung đang học. Hậu quả là gây ra sự lãng phí thời gian mà không tạo được hiệu quả cao.

Vì vậy, trong lớp học người giáo viên có thể dựa vào trình độ của học viên để xây dựng tư liệu học phù hợp. Chẳng hạn, giáo viên có thể lựa chọn một đoạn văn bản đọc hiểu cho lớp học ở trình độ upper-intermediate từ giáo trình cho lớp ở trình độ lower advanced. Nguyên lý của điều này là những kiến thức và nội dung trong hai tài liệu nói trên không có khoảng cách quá lớn về độ khó. Những câu hỏi và từ vựng trong bài đọc ở trình độ low-advanced chỉ nâng cao hơn một chút so với trình độ upper-intermediate.  Như vậy, người học vẫn có thể hiểu nội dung cơ bản trong bài học và học các từ mới mà không bị “khớp” bởi quá nhiều từ khó. Quá trình tiếp nhận từ vựng, thông tin mới diễn ra một cách hiệu quả, tự nhiên hơn.

Cách tương tự cũng có thể được áp dụng cho những người tự học tiếng Anh. Họ nên có một đánh giá khái quát về khả năng ngôn ngữ hiện tại của bản thân (nhờ giáo viên nhận xét hoặc tham gia một số kỳ thi năng lực ngôn ngữ) rồi dựa vào đó để chọn lựa tài liệu học theo độ khó tăng dần.

Sử dụng ngữ cảnh và công cụ hình ảnh bổ trợ

Để hiểu những thông tin trong một ngôn ngữ mới không chỉ đơn thuần là việc người học được cung cấp phần định nghĩa trong tiếng mẹ đẻ cho những nội dung đó, nói cách khác là những “bản dịch” từ ngôn ngữ đích sang ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc thông hiểu đòi hỏi nhiều khía cạnh khác nữa ví dụ như ngữ cảnh sử dụng từ. Những từ mới nên được gắn trong những ngữ cảnh từ vựng quen thuộc, dễ hiểu sao cho người học có thể liên hệ được với bản thân mình.

Ví dụ, khi học từ “budget” (ngân sách, kinh phí) người học có thể học cả một cụm từ chứa từ đó là “on a tight budget” (với một ngân sách, kinh phí eo hẹp) cùng với ví dụ như sau: As a student, Jenna is living on a tight budget. (Là một học sinh, các khoản chi tiêu của Jenna khá eo hẹp.) hoặc The new project of my company was finished on time and within budget. (Dự án mới của công ty tôi được hoàn thành kịp tiến độ và không vượt quá ngân sách.)

Như vậy, từ “budget” được hiểu là một khoản tiền dành riêng để phục vụ một mục đích, hoạt động nào đó. Việc gắn các từ vào một ngữ cảnh cụ thể sẽ giúp người học dễ liên tưởng cũng như tiếp thu và sử dụng từ đó trong các lần sau một cách dễ dàng hơn.

Thậm chí những hình ảnh về sự vật được nhắc đến trong một vài trường hợp cũng nên được cung cấp để giúp ích cho quá thông hiểu. Chẳng hạn, từ “boomerang” trong từ điển Oxford được định nghĩa như sau: “a curved flat piece of wood that you throw and that can fly in a circle and come back to you. Boomerangs were first used by Australian Aborigines as weapons when they were hunting.” Khi đọc định nghĩa trên, người đọc có thể nhận thức được đây là một loại đồ vật cùng cách thức hoạt động của nó. Tuy nhiên, để hiểu và khắc sâu thông tin hơn nữa, một hình ảnh thậm chí một video về boomerang giúp ích rất nhiều.

ap-dung-comprehensible-input-trong-viec-hoc-va-day-ngon-ngu-anh-minh-hoa

Do đó trong lớp học, ngoài việc đưa ra giải nghĩa từ, nội dung trong ngôn ngữ đích, giáo viên nên gắn liền những thông tin đó với ngữ cảnh và đưa ra các giáo cụ trực quan nếu có thể. Phương pháp tương tự cũng có thể được người học áp dụng trong quá trình tự học ngôn ngữ, luôn gắn từ vựng mới trong những ngữ cảnh quen thuộc, và sử dụng nhiều giác quan (ví dụ như thị giác) để hiểu nghĩa của từ sâu hơn.

Tổng kết

Trong việc học ngoại ngữ nói chung, những gì mà người học chọn lựa để học tập và ghi nhớ rất quan trọng vì chúng hình thành nên nền tảng ngôn ngữ của người họ, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, cũng như sự tiến bộ nhanh hay chậm khi học ngôn ngữ đó. Vì vậy, bên cạnh việc dành nhiều thời gian kiên trì học ngoại ngữ, người học cũng nên tập thói quen tiếp nhận thông tin một cách có ý thức và chú trọng vào các đầu vào có ý nghĩa (Comprehensible Input) để “hấp thụ” ngôn ngữ một cách tự nhiên, dễ dàng và hiệu quả hơn.

Chu Minh Thùy

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu