Banner background

Autonomous language learning | Tự chủ động trong việc học ngôn ngữ

Khả năng tự chủ trong việc học ngôn ngữ là một kĩ năng rất quan trọng và cần thiết để người học làm chủ bất kì ngôn ngữ nào. Bài viết phân tích cách trở nên tự chủ hơn trong việc học ngôn ngữ cho người học, nhất là người học ở trình độ cơ bản, hướng dẫn các phương pháp, cách ứng dụng cụ thể, và lợi ích của cách tiếp cận việc học ngôn ngữ Autonomous language learning.
 autonomous language learning tu chu dong trong viec hoc ngon ngu

Key takeaways

  • Khả năng tự chủ trong việc học ngôn ngữ phụ thuộc vào sự phát triển và vận dụng khả năng tách biệt, ra quyết định và hành động độc lập.

  • Các chiến lược học tập nhằm luyện tập tự chủ trong việc học ngôn ngữ: Cognitive Strategies và Metacognitive Strategies.

  • Cách áp dụng chiến lược nhận thức Cognitive Strategy và siêu nhận thức Metacognitive Strategy khi học IELTS Reading.

Định nghĩa Autonomous language learning - Tự chủ động trong việc học ngôn ngữ

Ngày càng có nhiều quan tâm về khái niệm tự chủ trong học việc học ngôn ngữ (language learning autonomy) trong thời gian gần đây do những đòi hỏi về các phương pháp học chủ động trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt là sau tác động của dịch Covid.

Đại dịch đã đòi hỏi một sự thay đổi từ phương pháp học truyền thống trước đây thành học trực tuyến mang tính linh hoạt hơn, và đi kèm đó là sự độc lập hơn của người học.

Cho đến nay, một định nghĩa chính xác về năng lực tự chủ trong việc học ngôn ngữ vẫn còn gây tranh cãi, các nhà giáo dục và ngôn ngữ học vẫn chưa đi đến kết luận chính xác về việc học tự chủ thực sự là gì.

Tuy nhiên, bài viết này trích dẫn khái niệm của Little (1991) và Holec (1981):

Khả năng tự chủ trong việc học ngôn ngữ phụ thuộc vào sự phát triển và vận dụng khả năng tách biệt, phản ánh mang tính phê phán, ra quyết định và hành động độc lập (Little, 1991); người học tự chủ chịu trách nhiệm xác định mục đích, nội dung, nhịp điệu và phương pháp học tập của họ, tự theo dõi tiến độ và đánh giá kết quả cuối cùng (Holec, 1981).

Nói một cách ngắn gọn, một người đủ tiêu chuẩn là người học tự chủ khi anh ta độc lập lựa chọn mục tiêu, mục đích của việc học. Tự chọn tài liệu, phương pháp và nhiệm vụ cần học và tự lựa chọn các tiêu chí để đánh giá việc học, thay vì phụ thuộc vào giáo viên và người hướng dẫn.

Điều này không đồng nghĩa với việc một người học tự chủ sẽ không cần có sự hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc đưa người học vào việc tiếp cận với cách học này và giúp đỡ họ duy trì (Sheerin, 1997).

Các chiến lược học tập nhằm luyện tập tự chủ trong việc học ngôn ngữ

Theo O’Malley và Chamot (1990), chiến lược học tập là những suy nghĩ hoặc hành vi đặc biệt mà các cá nhân sử dụng để giúp họ hiểu, học hoặc lưu giữ thông tin mới. Còn với Wenden (1998), chiến lược học tập là các bước hoặc hoạt động tinh thần mà người học sử dụng để học một ngôn ngữ mới và điều chỉnh nỗ lực để đạt được.

Các chiến lược học tập có thể áp dụng:

image-alt

Chiến lược nhận thức (Cognitive Strategies)

Theo O'Malley và Chamot (1990,  p.44), các chiến lược nhận thức “xử lý trực tiếp thông tin đến, vận dụng nó theo cách giúp tăng cường học tập. Chiến lược này liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ học tập cần hoàn thành”.

Người học có thể sử dụng bất kỳ hoặc tất cả các chiến lược nhận thức sau đây (xem Cook, 1993,  p.114-115):

  • Sự lặp lại, bắt chước lời nói của người khác;

  • Sử dụng nguồn lực, ví dụ từ điển và các tài liệu khác;

  • Dịch nghĩa là sử dụng tiếng mẹ đẻ làm cơ sở để hiểu và/hoặc tạo ra ngôn ngữ đích (L2);

  • Ghi chép;

  • Suy diễn: tức là áp dụng có ý thức các quy tắc của ngôn ngữ nhắm đến.

  • Bối cảnh hóa, đưa một từ hoặc cụm từ vào một câu có ý nghĩa;

  • Chuyển giao, nghĩa là sử dụng kiến thức thu được trong L1 (ngôn ngữ mẹ đẻ) để ghi nhớ và hiểu các sự kiện và trình tự trong L2 (ngôn ngữ đích);

  • Suy luận, khi ghép một từ lạ với thông tin có sẵn (một từ mới, v.v.);

  • Câu hỏi để làm rõ, khi yêu cầu giáo viên giải thích, v.v.

Chiến lược siêu nhận thức (Metacognitive Strategies)

Chiến lược siêu nhận thức nghiên về cách học và sự đánh giá chất lượng học tập của cá nhân. Các chiến lược siêu nhận thức không liên quan trực tiếp đến tài liệu học tập, chúng ở trên mức chuyển đổi nhận thức về thông tin nhận được và quá trình xử lý thông tin.

Nói cách khác, chúng bao gồm suy nghĩ về quá trình học tập, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giám sát nhiệm vụ đang được thực hiện và đánh giá nhiệm vụ đã thực hiện (Chamot, 2005). Chính vì thế, chiến lược siêu nhận thức không chỉ được sử dụng trong toàn bộ quá trình học  mà còn cả trước và sau khi học.

Các chiến lược siêu nhận thức có thể là:

  • Trực tiếp chú ý khi quyết định việc tập trung vào khía cạnh chung của một nhiệm vụ học tập.

  • Chú ý có chọn lọc, chú ý đến các khía cạnh cụ thể của một nhiệm vụ.

  • Tự giám sát, ví dụ: tự kiểm tra khả năng nói của chính mình

  • Tự đánh giá: đánh giá khả năng của một người so với các tiêu chuẩn do chính họ đặt ra.

  • Tự củng cố, tự thưởng khi thành công.

Theo Weden, 1998, p.27, ở giai đoạn lập kế hoạch, người học xác định mục tiêu của họ và xác định cách họ sẽ đạt được chúng. Trong quá trình hành động, họ có thể xem xét lại mục tiêu của mình và xem xét lại cách thức mà họ sẽ thực hiện để đạt được chúng.

Ở giai đoạn đánh giá, người học ngôn ngữ đóng vai trò là người quan sát và tự đánh giá việc học ngôn ngữ của họ bằng cách tự hỏi bản thân "Tôi đang làm như thế nào? Tôi có gặp khó khăn gì với nhiệm vụ này không?", v.v. Cuối cùng, khi người học đánh giá, họ đánh giá dựa trên kết quả của nỗ lực sử dụng một chiến lược nhất định. 

Cách áp dụng chiến lược nhận thức Cognitive Strategy và siêu nhận thức Metacognitive Strategy khi học IELTS Reading

Vì độ rộng và tính đa dạng của các chiến lược Cognitive and Metacognitive trong quá trình tự học tiếng Anh. Trong giới hạn bài viết này chỉ tập trung vào kỹ năng Reading để người đọc áp dụng được hai chiến lược này một cách cụ thể vào việc học.

Áp dụng chiến lược nhận thức Cognitive Strategy vào việc học IELTS Reading

Một trong những cách thức thực hiện thuộc chiến lược Cognitive khi học kĩ năng Reading đó là chiến lược suy diễn (Inference strategy).

Định nghĩa về Inference strategy trong IELTS Reading

Chiến lược suy luận (Inference strategy) khi đọc tiếng Anh là việc sử dụng các thông tin từ văn bản và kiến thức của chính người đọc, nhằm hiểu được ý nghĩa của văn bản, đôi lúc trên cả những gì được viết.

Điều này liên quan đến việc đưa ra những phỏng đoán có học thức hoặc rút ra kết luận về ý nghĩa dự định của tác giả dựa trên thông tin được cung cấp.

Suy luận thường được thực hiện dựa trên ngữ cảnh, kiến thức cơ bản và manh mối được cung cấp trong văn bản. Ví dụ: chẳng hạn như tác giả nêu ra một nhận định lâu đời của xã hội và đề cập nhận định này bỏ qua một số khía cạnh quan trọng khác, có thể suy diễn được được mục đích của tác giả đang muốn chỉ ra một giả định sai lầm.

Hay văn bản đề cập đến tình trạng nước biển dâng, có thể suy ra được tác giả đang muốn hướng sự chú ý của người đọc đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Chiến lược này cực kì quan trọng khi người đọc phải cần đọc những văn bản có tính trừu tượng cao, liên quan đến những chủ đề khoa học hiếm gặp trong IELTS Reading.

Chiến lược này nên được áp dụng để xử lý dạng bài Multiple Choice trong những dạng câu hỏi  “What are the writers doing in the second paragraph?” hay “In the fourth paragraph, the writer describes the way in which…?”

Cách áp dụng chiến lược Inference strategy trong IELTS Reading

Để cải thiện kỹ năng suy luận (Inference skills), người đọc cần tập trung chú ý vào những chi tiết trong đoạn văn bản,  kết hợp việc bổ sung vốn từ học thuật và những kiến thức nền (nếu có thể). Có thể bản thân những câu “Tác giả muốn nói lên điều gì trong đoạn văn?”, “Tác giả sẽ đề cập những điều gì tiếp theo”.

Ví dụ: Trích từ bài đọc “Insight or evolution?” - Test 2 - Reading Passage 3 của sách Cambridge IELTS 17

Câu hỏi số 27: The purpose of the first paragraph is to

A. defend particular ideas. 

B compare certain beliefs. 

C disprove a widely held view. 

D outline a common assumption.

Thông tin đoạn 1 của văn bản

Scientific discovery is popularly believed to result from the sheer genius of such intellectual stars as naturalist Charles Darwin and theoretical physicist Albert Einstein. Our view of such unique contributions to science often disregards the person’s prior experience and the efforts of their lesser-known predecessors. Conventional wisdom also places great weight on insight in promoting breakthrough scientific achievements, as if ideas spontaneously pop into someone’s head – fully formed and functional.

Cách sử dụng kĩ năng suy luận để trả lời câu hỏi: 

Đoạn văn này đề cập đến một quan điểm về việc những khám phá khoa học thường được xuất phát từ các ngôi sao thiên tài như Charles Darwin hay Albert Einstein. Quan điểm này thường xem nhẹ (disregard) về trải nghiệm trước đó của bản thân các nhà khoa học hoặc của các nhà khoa học tiền thân ít được biết đến. Những hiểu biết truyền thống thường nhấn mạnh vào những thành tích khoa học mang tính đột phá (ví như tự nhiên chúng xuất hiện trong đầu ai đó).

Suy luận từ “popularly believed” và “disregards” -> dựa vào kiến thức từ vựng của người đọc có thể suy luận được những ý tưởng của tác giả trong đoạn văn này có liên quan trực tiếp đến một giả định phổ biến “common assumption”. Ở đây có thể suy luận được hành động của tác giả chỉ là “outline” - đơn giản chỉ kể ra một nhận định và cho rằng chúng xem nhẹ những điều quan trọng khác. Các từ “defend -bào chữa”, “compare - so sánh”, “disprove - bác bỏ”, ở các câu còn lại đều không phù hợp với văn cảnh của đoạn văn.

Từ đó suy luận được đáp án của câu hỏi là câu D. 

Như vậy, để trả lời được câu hỏi này một cách chắc chắn. Người học phải dựa vào kiến thức nền (kiến thức về các nhà khoa học thiên tài như Darwin hay Einstein là những nhà khoa học được con người qua các giai đoạn của xã hội tin rằng họ sở hữu tài năng “tự nhiên mà có”). Cộng với kiến thức về từ vựng như “disregard-xem nhẹ”, “assumption-giả định”, “place great weight on - nhấn mạnh”) và các từ vựng trong từng lựa chọn của câu hỏi để kết luận câu trả lời chính xác. Đây chính là áp dụng kĩ năng suy luận (Inference skills) trong chiến lược nhận thức.

Áp dụng chiến lược siêu nhận thức Metacognitive Strategy vào việc học IELTS Reading

Chiến lược siêu nhận thức (Metacognitive strategy) được xem là chặng đường cuối cùng của việc làm chủ kỹ năng đọc, điều giúp phân biệt được một người đọc bình thường và một người đọc xuất sắc. Đây là một quá trình dài, đòi hỏi người đọc cần luyện tập với sự kiên nhẫn để đạt đến những cột mốc cao hơn trong quá trình đọc.

Định nghĩa về Metacognitive strategy trong IELTS Reading

Chiến lược siêu nhận thức được hiểu là một chiến lược mà người đọc phải “suy nghĩ về những suy nghĩ của bản thân” (“thinking about one’s thinking”), “biết về cái mình biết” (“knowing about knowing”).

Đây là một quá trình lên kế hoach, thực hiện, đánh giá, chiêm nghiệm, đúc kết, sửa đổi và tự quản lý việc học của mỗi cá nhân cho đến khi đạt được mục tiêu.

Cách áp dụng chiến lược Metacognitive strategy trong IELTS Reading

Trước khi đọc, người đọc có thể đọc tiêu đề và đọc lướt qua bài văn để liên kết với các kiến thức mà mình có trước đó.

Sau khi đọc và trả lời xong các câu hỏi, ngược đọc có thể tự tóm tắt lại văn bản sử dụng ngôn ngữ của các nhân để ôn lại các từ vựng và ý tưởng trong bài đọc. Hoặc người đọc có thể dừng lại để tự hỏi bản thân những câu như sau.

  • Điều gì cần lưu ý trong khi đọc văn bản, tại sao tôi lại sai ở các câu sai? Có phải việc sai đó đến từ việc tôi chưa đủ tập trung, hoặc suy luận sai, hoặc tôi thiếu kiến thức ở các từ vựng và ngữ pháp?

  • Tôi có hiểu ý tưởng của một đoạn văn nếu chỉ đọc đoạn văn đó, hay có cần thiết để tôi đọc các đoạn văn trước để hiểu ý nghĩa của một đoạn văn nhất định?

  • Có những điều gì tôi cần rút kinh nghiệm trong những lần đọc tiếp theo?

  • Bài đọc này cho tôi các kiến thức gì về khoa học, xã hội, điều này có bổ sung thêm kiến thức của tôi về thế giới, hay cho tôi biết về một lĩnh vực hoàn toàn mới hay không? Những kiến thức này sẽ giúp gì cho việc đọc của tôi trong các văn bản tiếp theo của IELTS Reading?

image-alt

Tổng kết

Kĩ năng học tự chủ đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và làm chủ bản thân của người học, tuy nhiên khi người học vượt qua những khó khăn và làm chủ được việc học của bản thân thì thành quả sẽ rất lớn. Bài viết hy vọng sẽ cung cấp cho người học một cái nhìn tổng thể về khả năng tự chủ trong việc học ngôn ngữ và một số ứng dụng dễ hiểu của hình thức học này.

Nguồn tham khảo:

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...