Banner background

B1 Business Preliminary - Lợi ích, cấu trúc bài thi & cách tính điểm

Bài viết cung cấp thông tin chung về chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary), cùng với đó là cấu trúc bài thi và cách tính điểm.
b1 business preliminary loi ich cau truc bai thi cach tinh diem

Key takeaways

1. Chứng chỉ B1 Business Preliminary, hay còn được gọi là BEC Preliminary, là một trong những bằng cấp quốc tế chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường kinh doanh và công việc hàng ngày ở mức độ sơ cấp.

2. Lợi ích của chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary):

  • Đạt những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết

  • Cơ hội nghề nghiệp

  • Giao tiếp hiệu quả

3. Cấu trúc bài thi B1 Business Preliminary (BEC Preliminary):

  • Kỹ năng Đọc và Viết (Đọc: 7 phần, Viết: 2 phần)

  • Kỹ năng Nghe (4 phần)

  • Kỹ năng Nói (3 phần)

4. Điểm sẽ được tính riêng cho từng kỹ năng (đọc, viết, nghe và nói) và cả khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh. Năm điểm số này sẽ được tính trung bình để đưa ra kết quả tổng thể cho kỳ thi. Thí sinh cũng sẽ được nhận một cấp bậc (grade) và mức độ theo Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ (CEFR).

Việc sở hữu chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary) sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn cho các thí sinh. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu về chứng chỉ này, cung cấp các lợi ích của chứng chỉ và cấu trúc bài thi cũng như cách tính điểm, thang điểm. Ngoài ra, thí sinh cũng được giải đáp một số thắc mắc liên quan đến loại chứng chỉ này.

Chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary) là gì?

Chứng chỉ B1 Business Preliminary, trước đây được biết đến với tên gọi Cambridge English: Business Preliminary (BEC Preliminary) là một trong những chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Đạt được chứng chỉ này, thí sinh sẽ có được các kỹ năng ngôn ngữ thực tiễn cần thiết để bắt đầu làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế bằng tiếng Anh. Đồng thời, thí sinh còn chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng họ có kiến thức tốt về tiếng Anh để sử dụng trong công việc và cuộc sống hằng ngày trong môi trường kinh doanh.

Có ba chứng chỉ tiếng Anh Cambridge cho lĩnh vực kinh doanh. Mỗi chứng chỉ nhắm đến đạt được một trình độ khác nhau và B1 Business Preliminary là kỳ thi đầu tiên trong số đó. Nội dung của mỗi kỳ thi dựa trên các công việc và nhiệm vụ kinh doanh hằng ngày và được thiết kế để phát triển kỹ năng tiếng Anh thương mại của thí sinh.

Chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary) là gì?

Đối tượng nào nên thi B1 Business Preliminary?

Đối tượng nên thi B1 Business Preliminary là những người muốn phát triển kỹ năng tiếng Anh của mình trong lĩnh vực kinh doanh hoặc muốn chứng minh khả năng giao tiếp trong môi trường công việc hàng ngày.

Sinh viên ngành kinh doanh thường cần chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường kinh doanh quốc tế. Chứng chỉ B1 Business Preliminary sẽ giúp họ củng cố và phát triển kỹ năng ngôn ngữ cần thiết cho sự thành công trong sự nghiệp sau này.

Bên cạnh đó, người đi làm cũng có thể cần chứng chỉ này để cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình trong công việc hàng ngày, đặc biệt là nếu họ làm việc trong một môi trường quốc tế hoặc giao tiếp thường xuyên với đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, những người đang tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực kinh doanh hoặc muốn thăng tiến trong công việc cũng nên xem xét thi chứng chỉ này. Việc có chứng chỉ B1 Business Preliminary không chỉ là một bằng chứng về khả năng tiếng Anh của họ mà còn là một điểm cộng lớn khi xin việc và thăng tiến trong sự nghiệp.

Lợi ích của chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary)

  • Đạt những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết: Với cấp độ này, chứng tỏ thí sinh đạt được các kỹ năng ngôn ngữ dùng trong những tình huống kinh doanh thực tế như diễn giải được các biểu đồ và sơ đồ, viết được một email thương mại với nội dung ngắn gọn, nghe hiểu những cuộc hội thoại qua điện thoại, bàn luận về chủ đề kinh doanh, …

  • Cơ hội nghề nghiệp: Sở hữu chứng chỉ B1 Business Preliminary mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn trong các công ty quốc tế và doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với những đối tác nước ngoài. Nó cũng giúp thí sinh tự tin hơn khi ứng tuyển vào các vị trí yêu cầu khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường kinh doanh.

  • Giao tiếp hiệu quả: Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường kinh doanh là rất quan trọng để hiểu và thể hiện ý kiến, thuyết phục đối tác và đồng nghiệp. Chứng chỉ B1 Business Preliminary giúp cá nhân phát triển kỹ năng giao tiếp cần thiết để thành công trong môi trường làm việc quốc tế.

Cấu trúc bài thi B1 Business Preliminary (BEC Preliminary)

Bài thi B1 Business Preliminary gồm các phần thi kỹ năng: Đọc và Viết, Nghe, Nói.

Kỹ năng Đọc và Viết

  • Số phần thi: Đọc: 7 phần (chiếm 25%) / Viết: 2 phần (chiếm 25%)

  • Thời gian: 90 phút.

  • Số câu hỏi: Đọc: 45 câu/ Viết: 2 tasks 

  • Nội dung kiểm tra: Thí sinh cần đọc và hiểu những điểm chính từ biểu đồ hoặc đồ thị, tin nhắn và email và có thể dùng từ vựng và cấu trúc một cách chính xác. Thí sinh cũng cần có khả năng viết được 2 đoạn văn bản ngắn (một thông tin liên lạc nội bộ, ví dụ  như một ghi chú hay một tin nhắn và một số thư từ kinh doanh, chẳng hạn như một email hoặc một lá thư.)

  • Part 1 (Dạng Multiple choice): Có 5 bài text ngắn, thí sinh cần đọc và chọn đáp án đúng.

  • Part 2 (Dạng Matching): Có 5 mô tả ngắn, thường là yêu cầu của con người và 1 bài text, thí sinh cần tìm thông tin cụ thể để nối mỗi người với phần của bài text.

  • Part 3 (Dạng Matching): Có 8 biểu đồ hoặc đồ thị và 5 câu hỏi. Thí sinh cần phải nối mỗi câu hỏi với một biểu đồ hoặc một phần của biểu đồ.

  • Part 4 (Dạng Right/Wrong/Doesn't say): Có 1 bài text và 7 câu hỏi. Thí sinh sẽ chọn Right (Đúng), Wrong (Sai) hoặc Doesn’t say (không đề cập) cho mỗi câu.

  • Part 5 (Dạng Multiple choice): Có 1 bài text với 6 câu hỏi. Thí sinh cần đọc để tìm ý chính và thông tin cụ thể để chọn đáp án đúng.

  • Part 6 (Dạng Multiple-choice cloze): Có 1 bài text với 12 chỗ trống được đánh số. Thí sinh phải chọn câu trả lời đúng (A, B, hoặc C) cho mỗi chỗ trống.

  • Part 7 (Dạng Note completion): Có 2 bài text ngắn và 1 mẫu đơn để điền. Thí sinh cần điền thông tin đúng, bao gồm 1 từ, 1 số hoặc 1 cụm từ vào các chỗ trống trong đơn.

  • Part 8 (Writing Part 1): Viết tin nhắn cho đồng nghiệp ngắn gọn (khoảng 30 - 40 từ) dựa trên các hướng dẫn trong đề.

  • Part 9 (Writing Part 2): Viết thư từ kinh doanh cho người ngoài công ty (khoảng 60 - 80 từ) dựa trên các hướng dẫn trong đề.

Kỹ năng Nghe 

  • Số phần thi: 4 phần (chiếm 25%)

  • Thời gian: 40 phút

  • Số câu hỏi: 30 câu 

  • Nội dung kiểm tra: Thí sinh phải biết theo dõi cũng như hiểu nhiều loại tài liệu nói bao gồm những cuộc phỏng vấn hoặc thảo luận về cuộc sống hằng ngày.

  • Part 1 (Dạng Multiple choice): Có 8 hội thoại hoặc độc thoại ngắn. Thí sinh cần lắng nghe và chọn đáp án đúng.

  • Part 2 (Dạng Note completion): Có 1 hội thoại hoặc độc thoại ngắn chứa thông tin thực tế và một mẫu đơn, bảng, biểu đồ hoặc nhiều ghi chú với các chỗ trống. Thí sinh phải nghe và viết thông tin chính xác (ngày tháng, giá cả, phần trăm, số liệu, v.v.) vào các chỗ trống.

  • Part 3 (Dạng Note completion): Có 1 độc thoại dài và nhiều ghi chú hoặc 1 mẫu đơn với các chỗ trống. Thí sinh phải nghe để điền thông tin còn thiếu vào các chỗ trống (chỉ 1 hoặc 2 từ).

  • Part 4 (Dạng Multiple choice): Có 1 bản ghi âm dài khoảng 3 phút, có thể là cuộc phỏng vấn hay cuộc thảo luận giữa 2 người trở lên về chủ đề kinh doanh. Thí sinh cần lắng nghe và chọn đáp án đúng cho 8 câu hỏi.

Kỹ năng Nói

  • Số phần thi: 3 phần (chiếm 25%)

  • Thời gian: 12 phút

  • Nội dung kiểm tra: Thí sinh sẽ thi cùng với thí sinh khác. Thí sinh phải thể hiện được khả năng nói tiếng Anh của mình trong cuộc trò chuyện, cần biết cách đặt các câu hỏi đơn giản và trả lời câu hỏi cũng như có thể nói chuyện một cách thoải mái về ý kiến ​​của mình khi thảo luận những chủ đề liên quan đến kinh doanh. Bài kiểm tra Nói thường được tiến hành trực tiếp với một hoặc hai thí sinh khác và hai giám khảo. Một trong những giám khảo (có thể là trực tuyến hoặc kiểm tra từ xa) sẽ nói chuyện với thí sinh và giám khảo còn lại sẽ lắng nghe. Điều này làm cho bài kiểm tra của thí sinh trở nên thực tế và đáng tin cậy hơn.

  • Part 1 (Interview): Giám khảo sẽ đặt câu hỏi và thí sinh cần cung cấp thông tin về bản thân cũng như ý kiến của mình về các chủ đề liên quan đến kinh doanh.

  • Part 2 (Long turn): Giám khảo sẽ đưa ra cho thí sinh hai chủ đề để lựa chọn và thí sinh sẽ có 1 phút để chuẩn bị, sau đó trình bày một bài nói ngắn kéo dài khoảng 1 phút.

  • Part 3 (Collaborative task): Giám khảo sẽ mô tả một tình huống và sẽ đưa cho thí sinh một số hình ảnh hoặc văn bản viết để giúp thí sinh. Thí sinh phải nói chuyện với thí sinh khác trong khoảng 2 phút về tình huống đó và quyết định phải làm gì.

Cách tính điểm và thang điểm B1 Business Preliminary (BEC Preliminary)

Điểm sẽ được tính riêng cho từng kỹ năng (đọc, viết, nghe và nói) và cả khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh. Năm điểm số này sẽ được tính trung bình để đưa ra kết quả tổng thể cho kỳ thi. Thí sinh cũng sẽ được nhận một cấp bậc (grade) và mức độ theo Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ (CEFR), cụ thể như sau:

  • 120–139 điểm: Level A2 (Grade) và A2 (CEFR level)

  • 140–152 điểm: Pass (Grade) và B1 (CEFR level)

  • 153–159 điểm: Pass with Merit (Grade) và B1 (CEFR level)

  • 160–170 điểm: Pass with Distinction (Grade) và B2 (CEFR level)

Mặc dù kỳ thi hướng đến cấp độ B1 của Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ (CEFR) nhưng kỳ thi cũng cung cấp đánh giá đáng tin cậy ở cấp độ trên B1 (cấp độ B2) và cấp độ dưới B1 (cấp độ A2).

Điểm số từ 120 đến 139 cũng được báo cáo trên Bảng Kết quả của thí sinh, tuy nhiên thí sinh sẽ không nhận được Chứng chỉ Sơ cấp Tiếng Anh Thương mại (Business English Certificate Preliminary).

Cách tính điểm và thang điểm B1 Business Preliminary (BEC Preliminary)

B1 Business Preliminary (BEC Preliminary) và B2 Business Vantage khác nhau như thế nào?

B1 Business Preliminary là kỳ thi đầu tiên trong chương trình Cambridge English: Business Certificates (BEC). Với trình độ này, thí sinh chỉ đạt được mức độ giao tiếp tiếng Anh cơ bản thường gặp trong môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ biết cách đọc và hiểu được sơ đồ và đồ thị trong những báo cáo kinh doanh, viết được email thương mại với nội dung đơn giản, … Trình độ này yêu cầu thí sinh dùng những cấu trúc câu và từ vựng cơ bản liên quan tới công việc kinh doanh và giao tiếp cơ bản.

B2 Business Vantage là kỳ thi thứ hai trong chương trình Cambridge English: Business Certificates (BEC). Để đạt được trình độ này, thí sinh cần phải đánh giá được những kỹ năng thương mại của bản thân, bao gồm kỹ năng viết các báo cáo kinh doanh ngắn để hỗ trợ cho công việc, đọc hiểu các bài báo, ấn phẩm, bản tin và tài liệu liên quan đến kinh doanh, lắng nghe để hiểu được những gì người khác đang nói nhằm nắm được những thông tin mà họ muốn truyền đạt. Trình độ này yêu cầu thí sinh phải có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt hơn, diễn đạt ý kiến một cách tự tin và rõ ràng. 

Câu hỏi thường gặp

Thi B1 business preliminary bao nhiêu tiền?

Lệ phí đăng ký thi chứng chỉ B1 Business Preliminary tùy thuộc vào nơi thí sinh dự thi.

Thi B1 business preliminary ở đâu?

Thí sinh có thể dự thi B1 Business Preliminary tại những trung tâm tổ chức thi Cambridge English được ủy quyền trên thế giới. Để dự thi, thí sinh cần đăng ký trực tiếp với 1 trung tâm tổ chức thi. Hiện nay, có hơn 2.700 trung tâm ở 130 quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, có một số trung tâm tổ chức thi BEC bao gồm:

  • Trung tâm ITD Academy (Thành phố Hồ Chí Minh)

  • Trung tâm Ecean Edu (Hà Nội)

  • Trung tâm Anh ngữ AMA (Thành phố Hồ Chí Minh)

Làm thế nào để đăng ký thi B1 Business Preliminary?

Có 3 bước đơn giản giúp thí sinh đăng ký thi Cambridge English.

  • Bước 1: Thí sinh có thể sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến của Cambridge English để tìm trung tâm tổ chức thi gần nhất.

  • Bước 2: Thí sinh cần liên hệ với trung tâm tổ chức thi để được hướng dẫn về cách thức đăng kí thi, lệ phí thi cũng như các khóa luyện thi tại khu vực mình sinh sống.

  • Bước 3: Thí sinh lựa chọn thời gian và cách thức thi.

Làm thế nào để đăng ký thi B1 Business Preliminary?

Chứng chỉ B1 Business Preliminary có giá trị bao lâu?

Chứng chỉ B1 Business Preliminary có giá trị vĩnh viễn.

Tổng kết

Bài viết trên đây đã giới thiệu về chứng chỉ B1 Business Preliminary (BEC Preliminary) cùng với đó là cung cấp các lợi ích của chứng chỉ và cấu trúc bài thi cũng như cách tính điểm, thang điểm. Ngoài ra, thí sinh cũng được giải đáp một số thắc mắc liên quan đến loại chứng chỉ này. Nếu thí sinh có bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ với ZIM Helper để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan:

Tham vấn chuyên môn
TRẦN HOÀNG THẮNGTRẦN HOÀNG THẮNG
GV
Học là hành trình tích lũy kiến thức lâu dài và bền bỉ. Điều quan trọng là tìm thấy động lực và niềm vui từ việc học. Phương pháp giảng dạy tâm đắc: Lấy người học làm trung tâm, đi từ nhận diện vấn đề đến định hướng người học tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...