Bài thi PTE Writing là gì? - Những lưu ý và cách làm cho từng dạng bài

Giới thiệu các dạng câu hỏi trong bài thi PTE Writing, tiêu chí, cách tính điểm, hướng dẫn làm bài cũng như lưu ý cho người học
author
Bùi Hoàng Phương Uyên
18/02/2022
bai thi pte writing la gi nhung luu y va cach lam cho tung dang bai

Bài thi PTE (Pearson Language Test) giúp người học tiếng Anh trên toàn thế giới có thêm một công cụ để đánh giá khả năng tiếng Anh của bản thân. Người học có thể sử dụng chứng chỉ này để tiếp cận với những nền giáo dục danh giá ở các nước nói tiếng Anh và nhiều cơ hội nghề nghiệp khác. Phần thi PTE Writing (viết) có cấu trúc và nội dung khá đặc biệt, và có thể gây khó khăn cho người học khi muốn chinh phục một điểm số cao. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp cho thí sinh toàn bộ những thông tin đáng chú ý về PTE Writing cũng như những lưu ý riêng cho từng dạng bài.

Key Takeaways

  • Phần thi PTE Writing được cấu tạo từ 2 phần, gồm 2 dạng câu hỏi chính là Summarize Written Text (Tóm tắt văn bản) và Essay (Bài văn nghị luận). Cả hai đều kiểm tra đánh giá kỹ năng tóm tắt và tư duy phản biện khi Viết của thí sinh.

  • Tiêu chí đánh giá cho 2 dạng câu hỏi có sự khác biệt, tuy vậy nhìn chung vẫn xoay quanh 4 yếu tố chính, bao gồm: Form (định dạng), Content (Nội dung), Grammar (Ngữ pháp) và Vocabulary (Từ vựng).

Tổng quan về bài thi PTE Academic Writing?

Bài thi PTE Writing là phần thứ hai của bài thi lớn PTE Speaking and Writing; vì vậy, thời gian làm phần thi Writing sẽ được tính chung với phần thi Speaking, rơi vào khoảng từ phút 72 đến 93. Sau khi hoàn thành phần thi Speaking cuối cùng - Answer Short Question (trả lời câu hỏi ngắn), thí sinh sẽ bấm nút “Next” để được chuyển tiếp tới phần thi Writing.

Mục đích của bài thi PTE Writing là kiểm tra kỹ năng viết trong môi trường học thuật của thí sinh. Cụ thể hơn, thí sinh sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng của bài viết: những hiểu biết về ngữ pháp, cách hình thành các loại câu đơn-kép-phức, nội dung câu thể hiện.

Về cấu trúc, phần thi PTE Writing được cấu tạo từ 2 phần, gồm 2 dạng câu hỏi chính như sau:

Dạng

Yêu cầu đề bài

Số lượng câu hỏi

Độ dài tiêu chuẩn cho mỗi câu trả lời

Kỹ năng được đánh giá

Thời gian lý tưởng cho từng phần

Summarize Written Text (Tóm tắt văn bản)

Tóm tắt vắn tắt một văn bản ngắn.

từ 2 đến 3 câu

1 câu hoàn chỉnh không quá 75 từ

Đọc và Viết

10 phút cho mỗi câu hỏi 

Essay (Bài văn nghị luận)

Viết một đoạn văn ngắn từ 200 đến 300 từ về một chủ đề cho trước.

từ 1 đến 2 câu

Tối đa 200 từ và tối thiểu là 300 từ.

Viết

20  - 30 phút cho mỗi câu hỏi 

Mặc dù bài thi PTE chấp nhận nhiều cách viết tiếng Anh khác nhau như Anh-Mỹ, Anh-Anh, Anh-Úc, …; thí sinh nên đồng nhất chỉ chọn một cách viết xuyên suốt bài làm của mình ở cả 2 phần thi.

Trong quá trình làm bài, thí sinh có thể theo dõi số từ mình đã viết phía dưới ô bài làm trong phần “Total Word Count”  và sử dụng các lệnh trợ giúp sau:

  • Cut (Cắt): Chọn phần văn bản từ bài làm mà thí sinh cần gỡ bỏ hoặc di chuyển, nhấn chuột trái và chọn lệnh “Cut”.

  • Copy (Sao chép): Chọn phần văn bản từ bài làm mà thí sinh cần sao chép, nhấn chuột trái và chọn lệnh “Copy”.

  • Paste (Dán): Chọn phần văn bản từ bài làm mà thí sinh cần dán phần cắt hoặc phần sao chép, nhấn chuột trái và chọn lệnh “Paste”.

image-alt

Hình ảnh minh hoạ cho ô bài làm trong PTE Writing

Dạng câu hỏi: Summarize Written Text

Yêu cầu

Đối với dạng câu hỏi này, thí sinh được yêu cầu tóm tắt một văn bản có độ dài trong khoảng 300 từ trong 1 câu. Thí sinh có tổng cộng 10 phút để viết một câu hoàn chỉnh duy nhất không quá 75 từ để tóm tắt nội dung chính của văn bản vừa được đọc.

image-alt

Các tiêu chí và cách tính điểm

Thí sinh cần nắm rõ các tiêu chí và cách tính điểm của phần thi này để tránh mắc lỗi trong quá trình viết và luyện tập cải thiện kỹ năng dựa trên các yêu cầu theo từng tiêu chí.

Phần thi này được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

Form (Định dạng):

Tiêu chí xem xét xem câu trả lời của thí sinh đã đáp ứng đúng yêu cầu của đề bài hay chưa. Có 2 mốc điểm cho tiêu chí này:

  • Điểm 0: Khi thí sinh mắc các lỗi như viết nhiều hơn một câu, viết dưới 5 từ hoặc trên 75 từ, toàn bộ câu trả lời đều viết thường hoặc viết hoa.

  • Điểm 1: Câu trả lời theo đúng yêu cầu đề gồm một câu hoàn chỉnh dưới 75 và trên 5 từ.

Content (Nội dung):

Tiêu chí này được đánh giá dựa trên nội dung mà câu trả lời truyền tải. Có 3 mốc điểm cho tiêu chí này:

  • Điểm 0: Không nêu được quan điểm chính của bài đọc hoặc hiểu sai nội dung chính của bài đọc.

  • Điểm 1: Tóm tắt được nội dung chính của bài đọc nhưng thiếu đi 1 hoặc 2 khía cạnh quan trọng.

  • Điểm 2: Tóm tắt được toàn bộ nội dung chính của bài đọc, không thiếu bất kì chi tiết quan trọng nào.

Grammar (Ngữ pháp):

Ở tiêu chí này, thí sinh cần thể hiện mình viết đúng cấu trúc câu, chia thì phù hợp cũng như không mắc bất kỳ lỗi ngữ pháp nào. Có 3 mốc điểm cho tiêu chí này:

  • Điểm 0: Cấu trúc câu sai nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cách hiểu của người đọc.

  • Điểm 1: Có một số lỗi ngữ pháp nhưng không ảnh hưởng đến cách hiểu của người đọc.

  • Điểm 2: Hoàn toàn không sai ngữ pháp.

Vocabulary (Từ vựng):

Từ vựng được sử dụng trong câu trả lời cần đảm bảo phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp, mang tính chất học thuật. Các yếu tố khác như sử dụng synonyms (từ đồng nghĩa) phù hợp cũng sẽ được đánh giá. Có 3 mốc điểm cho tiêu chí này:

  • Điểm 0: Sử dụng từ sai ngữ cảnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ ý nghĩa của câu.

  • Điểm 1: Có lỗi chính tả, dùng từ nhỏ, không ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền đạt ý nghĩa.

  • Điểm 2:  Tất cả các từ được dùng trong câu đều trang trọng và phù hợp.

Hướng dẫn làm bài

Về phần thi Summarize Written Text, thí sinh cần tóm tắt nhanh chóng nội dung của toàn đoạn, vì thế việc xác định được câu chủ đề hoặc từ khoá chủ đề là vô cùng quan trọng. Thông thường, câu chủ đề của đoạn văn sẽ nằm ở câu đầu của đoạn hoặc là câu tóm tắt cuối cùng; từ khoá chủ đề là từ khoá được lặp lại xuyên suốt toàn bài và thường chỉ có thể thay bởi từ thay thế (reference word) - các từ khoá có thể là tên riêng hoặc một sự việc/sự vật. Sau khi xác định được câu chủ đề và từ khoá, người học liên kết các câu lại bằng các liên từ thích hợp như ‘and, but,..’ để tạo thành các câu văn có nghĩa.

Lưu ý trong quá trình làm bài

Xuyên suốt quá trình trả lời câu hỏi dạng Summarize Written Text, thí sinh cần chú ý các điều sau nhằm tối đa hoá kết quả của bản thân:

●      Thí sinh cần viết một câu đầy đủ dấu chấm câu và viết hoa ở đầu câu. Ngoài ra, câu trả lời của thí sinh phải có độ dài tối thiểu 5 từ và tối đa 75 từ - tất cả các câu trả lời dưới 5 từ hoặc trên 75 từ đều không được tính điểm.

●      Thí sinh nên sử dụng các cấu trúc câu phức hoặc câu ghép trong bài làm của mình. Trong đó, mệnh đề chính của câu sẽ tóm tắt các điểm chính trong bài đọc và mệnh đề phụ sẽ tóm tắt các chi tiết phụ có liên quan tới luận điểm chính. Việc sử dụng các cấu trúc câu ghép, phức trong bài làm sẽ giúp thí sinh ghi được điểm cao hơn câu trả lời của mình.

Dạng câu hỏi: Essay

Yêu cầu

Ở dạng câu hỏi này, thí sinh phải viết một bài nghị luận ngắn (argumentative essay) với tối thiểu là 200 từ và tối đa là 300 từ về một chủ đề cho trước. Thí sinh chỉ có 20 phút để hoàn thành phần thi của mình.

image-alt

Hình ảnh minh hoạ cho một đề bài thuộc dạng Essay (nguồn: ptetutorials.com)

Các tiêu chí và cách tính điểm

Phần thi này được chấm dựa trên 7 tiêu chí:

Content (Nội dung):

Thí sinh cần phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu của đề, đưa ra luận điểm chính, luận điểm phụ, dẫn chứng rõ ràng.

  • Điểm 0: Hoàn toàn không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của đề.

  • Điểm 1: Thí sinh chỉ trả lời được một phần nhỏ yêu cầu của đề, hoặc không trả lời được phần trọng tâm của yêu cầu đề.

  • Điểm 2: Thí sinh trả lời được trọng tâm của yêu cầu đề nhưng thiếu mất một chi tiết nhỏ quan trọng.

  • Điểm 3: Thí sinh trả lời được tất cả các yêu cầu của đề bài.

Form (Định dạng):

Độ dài của bài viết cần đạt tiêu chuẩn như trong lời hướng dẫn của đề bài.

  • Điểm 0: Bài viết dưới 120 từ hoặc trên 380 từ. Bài viết đủ số lượng từ nhưng viết hoa hoàn toàn hoặc gạch đầu dòng và không dùng dấu câu đều sẽ nhận được số điểm này.

  • Điểm 1: Bài viết có độ dài từ 120 đến 199 từ hoặc 301 đến 380 từ.

  • Điểm 2: Bài viết có độ dài từ 200 đến không quá 300 từ.

Development, structure and coherence (Phát triển, cấu trúc, và tính nhất quán):

Bài viết cần được chia thành các đoạn rõ ràng, sử dụng các từ nối phù hợp và phát triển ý hợp lý.

  • Điểm 0: Bài viết không có sự nhất quán, thí sinh chỉ nêu ra được các ý riêng lẻ.

  • Điểm 1: Bài viết được cấu trúc tốt nhưng một số ý tưởng rời rạc hoặc không liên kết với nhau.

  • Điểm 2: Bài viết được xây dựng tốt, hoàn chỉnh về mặt nội dung và được cấu trúc chặt chẽ.

Grammar (Ngữ pháp):

  • Điểm 0: Thí sinh còn mắc phải những lỗi ngữ pháp cơ bản hoặc chỉ sử dụng được những cấu trúc câu đơn giản.

  • Điểm 1: Thí sinh sử dụng được các cấu trúc câu phức tạp, tuy nhiên còn mắc nhiều lỗi sai nhỏ nhưng không gây ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin đến người đọc.

  • Điểm 2: Thí sinh sử dụng được đa dạng các cấu trúc câu khác nhau, có mắc những lỗi nhỏ nhưng khó để nhận ra.

General linguistic range (Phạm vi ngôn ngữ chung):

Sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau để nhấn mạnh, đưa ra lý do và định nghĩa rõ ràng.

  • Điểm 0: Thí sinh chỉ sử dụng được ngôn ngữ cơ bản, thiếu sự chính xác.

  • Điểm 1: Thí sinh có đủ ngôn ngữ để mô tả vấn đề rõ ràng, bày tỏ quan điểm và phát triển lập luận của mình.

  • Điểm 2: Thí sinh thể hiện sự thông thạo nhiều cách diễn đạt khác nhau, không có dấu hiệu cho thấy thí sinh thiếu đi vốn từ cần thiết để diễn đạt quan điểm của mình.

Vocabulary range (Vốn từ vựng):

Thể hiện được khả năng dùng các loại từ vựng một cách linh hoạt như từ đồng nghĩa, cụm từ, hoặc thành ngữ.

  • Điểm 0: Thí sinh chỉ dùng được những từ vựng đơn giản, thiếu vốn từ khi cần miêu tả các vấnđề phức tạp.

  • Điểm 1: Thí sinh sử dụng được nhiều từ vựng phức tạp nhưng đôi chỗ còn chưa phù hợp.

  • Điểm 2: Thí sinh có vốn từ vựng rộng, sử dụng được thành ngữ và các cụm từ (collocation) một cách phù hợp.

Spelling (Chính tả):

Bài viết cần đảm bảo không mắc lỗi chính tả.

  • Điểm 0: Thí sinh mắc nhiều hơn một lỗi sai chỉnh tả.

  • Điểm 1: Thí sinh mắc 1 lỗi sai chính tả.

  • Điểm 2: Thí sinh không phạm lỗi chính tả, nếu có thì do lỗi đánh máy.

Hướng dẫn làm bài

Chìa khoá để đạt được điểm số cao cho dạng câu hỏi này là các thí sinh hình thành lập luận logic, trả lời được đầy đủ các yêu cầu của đề và tránh viết về những vấn đề không liên quan hoặc xa rời vấn đề cần bàn luận.

Về hình thức và kỹ năng kiểm tra đánh giá, phần thi Essay của bài thi PTE có nhiều sự tương đồng với phần thi Writing Task 2 trong bài thi IELTS. Vì thế, người học IELTS sẽ có nhiều lợi thế trong tư duy phân tích đề cũng như hình thành và triển khai lập luận cho phần thi Essay của PTE. Để trau dồi thêm về cách xây dựng và triển khai ý tưởng, người học PTE hoàn toàn có thể tham khảo sách Understanding Grammar for IELTS – Paragraph and Essay. Sau khi hiểu về cách triển khai luận điểm, thí sinh có thể xây dựng được dàn ý chung (template) cho bài viết và ứng dụng vào các bước làm bài bên dưới đây :

 Bước 1: Phân tích đề bài

Trước khi bắt tay vào viết bài, thí sinh cần phân tích thật kỹ các từ khóa có trong đề bài; bao gồm 4 loại từ khoá sau:

●      Từ khóa trong lời hướng dẫn: từ khóa thể hiện thời lượng làm bài, thể loại văn bản của câu trả lời, và số lượng từ được phép viết.

●      Từ khóa chủ đề: Từ khóa thể hiện chủ đề của toàn bộ bài luận.

●      Từ khóa góc nhìn và phạm vi của bài luận: Từ khóa cho thấy góc nhìn của câu hỏi tích cực, tiêu cực, hay trung hoà; phạm vi bàn luận cho chủ đề sẽ xoay quanh các đối tượng/ bối cảnh nào.

●      Từ khóa yêu cầu của đề bài: Từ khoá chỉ định cho hướng viết của thí sinh, thường là bàn luận về các khía của vấn đề hoặc đưa ra quan điểm cá nhân.

Ví dụ: (ptetutorials.com)

 image-alt

Đề : You will have 20 minutes to plan, write and revise an essay about the topic below. Your response will be judged on how well you develop a position, organize your ideas, present supporting details, and control the elements of standard written English. You should write 200-300 words. Belching and unauthorized behavior is unacceptable in modern offices. How far do you support this view? Give your response with justification.

(Bạn sẽ có 20 phút để lập kế hoạch, viết và sửa lại một bài luận về chủ đề dưới đây. Phản hồi của bạn sẽ được đánh giá dựa trên mức độ bạn phát triển vị trí, sắp xếp ý tưởng của mình, trình bày các chi tiết hỗ trợ và kiểm soát các yếu tố của tiếng Anh viết chuẩn. Bạn nên viết 200-300 từ. Ợ hơi và các hành động trái với chuẩn mực đạo đức là hành vi không thể chấp nhận được trong môi trường làm việc hiện đại? Bạn ủng hộ quan điểm này đến mức nào? Hãy đưa ra câu trả lời của bạn kèm theo dẫn chứng để trả lời câu hỏi trên?)

 

Từ đề bài trên thí sinh rút ra được các từ khoá sau:

-        Từ khóa trong lời hướng dẫn: Thời gian làm bài 20 minutes (20 phút), thể loại bài luận (Essay), đồ dài câu trả lời từ 200 đến 300 từ (200-300 words).

-        Từ khóa chủ đề: Belching (Ợ hơi) và Unauthorized behavior (Các hành động trái với chuẩn mực đạo đức) là chủ đề chính của bài viết.

-        Từ khóa góc nhìn và phạm vi: Unacceptable in modern offices (không thể chấp nhận được trong môi trường làm việc hiện đại)

-        Từ khoá yêu cầu của đề bài: How far do you support this view? (Bạn ủng hộ quan điểm này đến mức nào?) ➯ Thí sinh cần trình bày ý kiến của bản thân về quan điểm trên.

Bước 2: Lập dàn ý

Từ các từ khoá đã được xác định ở bước 1, thí sinh sẽ tiến hành lập dàn ý cho bài viết của mình. Thí sinh không nên bỏ qua bước này vì đây lại giai đoạn then chốt giúp thí sinh đảm bảo được cấu trúc của toàn bài viết có sự thống nhất và hợp lý.

Thí sinh có thể tham khảo dàn ý sau:

-        Introduction (Mở bài): Giới thiệu về chủ đề của bài luận và đưa ra quan điểm của bản thân về chủ đề hoặc tóm tắt ngắn gọn các luận điểm sẽ được bàn luận ở phần thân bài.

-        Paragraph 1 (Đoạn 1): Luận điểm thứ nhất kèm theo lập luận hoặc dẫn chứng.

-        Paragraph 2 (Đoạn 2): Luận điểm thứ hai kèm theo lập luận hoặc dẫn chứng.

-        Conclusion (Kết luận): Tóm gọn 2 luận điểm được bàn luận ở thân bài đưa ra ý kiến của bản thân.

Hướng dẫn chuẩn bị cho bài thi và cách lập dàn ý hiệu quả sẽ được giới thiệu ở phần 4 bên dưới của bài viết.

Bước 3: Viết bài

Thí sinh bắt đầu viết bài dựa trên dàn bài đã được lập nên ở bước 2. Chú ý rằng thí sinh sẽ được chấm điểm dựa trên vốn từ vựng và ngữ pháp thí sinh sử dụng trong bài viết của mình. (Phần 3.3)        

Lưu ý trong quá trình làm bài

Trước khi bấm nút “Next” để tiếp tục bài thi PTE, thí sinh nên dành vài phút để kiểm tra lại toàn bộ bài kiểm tra. Các lỗi chính tả hoặc ngữ pháp đều có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh.

Thí sinh nên tận dụng các tổ hợp phím chức năng như Copy, Paste khi làm bài để tiết kiệm thời gian nếu có chỉnh sửa hoặc sai sót trong quá trình làm bài.

Tổng kết

Bài viết đã giới thiệu về bài thi PTE Writing nói chung cũng như 2 dạng câu hỏi chính trong bài thi này. Mỗi phần thi đều được thiết kế để kiểm tra các loại kỹ năng khác nhau của thí sinh và có tiêu chí chấm điểm tương đối rõ ràng. Phần thi PTE Writing vừa kiểm tra kỹ năng tổng hợp thông tin và tư duy phản biện khi viết, đánh giá thí sinh tương đối tổng quan trên nhiều khía cạnh như nội dung bài làm, ngữ pháp và vốn từ vựng.

Tham khảo thêm khóa học luyện thi PTE tại ZIM, giúp học viên có lộ trình học hiệu quả nhất, chinh phục mục tiêu du học, tạm trú, định cư và lao động tại nước ngoài.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu