Các bước làm dạng bài Matching trong IELTS Listening
Dạng bài Matching là dạng câu hỏi phổ biến trong IELTS Listening. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn người học phân tích và làm bài Matching trong đề thi IELTS Listening kèm những lưu ý quan trọng.
Tổng quan về dạng bài Matching trong IELTS Listening
Dạng bài Matching là dạng câu hỏi phổ biến trong bài thi IELTS Listening và có xu hướng xuất hiện ở IELTS Listening Part 2 (đoạn độc thoại của một cá nhân về một khu vực hay đối tượng nào đó) và IELTS Listening Part 3 (đoạn hội thoại giữa 2-3 người trong bối cảnh học thuật);
Dạng câu hỏi này bao gồm hai nhóm thông tin:
Các câu hỏi (được đánh theo số thứ tự)
Các phương án trả lời (được đánh theo chữ cái A, B, C,…)
Thí sinh cần phải ghép các thông tin cho phù hợp nhau căn cứ trên nội dung nghe từ đoạn hội thoại;
Dạng câu hỏi Matching được thể hiện qua hai hình thức khác nhau:
Hình thức 1 (phổ biến ở Part 2 trong đề thi IELTS Listening)
Các câu hỏi là một danh sách các đối tượng khác nhau và các phương án trả lời là một danh sách các đặc trưng hay thông tin liên quan đến các đối tượng đó. Thí sinh nghe đoạn ghi âm và xác định đâu là đặc trưng cụ thể hay thông tin liên quan đến đối tượng tương ứng.
Ví dụ: IELTS Cambridge 11, Test 3, Part 2, Questions 16-20
Hình thức 2 (phổ biến ở Part 3 trong đề thi IELTS Listening)
Các câu hỏi là một danh sách các chủ đề về chuyên ngành học thuật (ví dụ: các tác phẩm văn học, các sự kiện lịch sử) hay là các phần khác nhau trong một bài thuyết trình/ bài luận. Các phương án trả lời là một danh sách các đặc trưng hay thông tin liên quan đến các đối tượng nêu trên (ví dụ: các hành động sẽ thực hiện đối với chủ đề, tên người chịu trách nhiệm nghiên cứu chủ đề đó). Thí sinh nghe đoạn ghi âm và xác định đâu là đặc trưng cụ thể hay thông tin liên quan đến đối tượng tương ứng.
Ví dụ: IELTS Cambridge 15, Test 4, Part 3, Questions 25-30
Ví dụ: IELTS Cambridge Listening Sample Task (ielts.org), Questions 21-25
Ví dụ: IELTS Cambridge 15, Test 1, Part 3, Questions 21-26
Các bước tiến hành xử lý dạng bài Matching trong IELTS Listening
Trước khi nghe đoạn ghi âm
Thí sinh cần tranh thủ thời gian để đọc trước đề bài nhằm phân tích và nắm bắt nội dung câu hỏi; từ đó, 1) dự đoán bối cảnh của đoạn ghi âm, và 2) xác định những nội dung cần tập trung lắng nghe để chọn được các đáp án chính xác.
Đọc thêm: Sử dụng transcript trong luyện tập IELTS Listening Part 3
Đọc hiểu sự liên kết giữa câu hỏi và các lựa chọn và dự đoán bối cảnh
Thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi đầu bài được đặt ra đầu tiên. Câu hỏi này nêu khái quát toàn bộ nội dung đoạn ghi âm và có liên quan trực tiếp đến các câu hỏi, các phương án phía dưới. Việc đọc hiểu câu hỏi này sẽ giúp thí sinh sẵn sàng tâm lý, biết rằng đoạn ghi âm có bối cảnh như thế nào, đồng thời hiểu được sự liên kết giữa các nội dung cần phải ghép với nhau.
Ví dụ: IELTS Cambridge 11, Test 3, Part 2, Questions 16-20
Câu hỏi đặt ra là đâu là kế hoạch dành cho các tiện ích được đề cập.
Bối cảnh đoạn ghi âm: một người thông báo về những dự định nâng cấp các cơ sở trong một thị trấn hoặc thành phố.
Thí sinh cần phải ghép kế hoạch sửa chữa/ di dời/ sử dụng ở phần thông tin ‘Plans’ với các cơ sở hạ tầng ở phần thông tin ‘Facilities’ căn cứ trên nội dung đoạn ghi âm.
Ví dụ: IELTS Cambridge 15, Test 4, Part 3, Questions 25-30
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người nghiên cứu từng chủ đề được liệt kê.
Bối cảnh đoạn ghi âm: hai sinh viên Annie và Jack thảo luận phân công nghiên cứu các chủ đề được nêu ra.
Thí sinh cần phải ghép tên người chịu trách nhiệm nghiên cứu ở phần thông tin ‘People’ với các chủ đề nghiên cứu ở mục ‘topics’ căn cứ trên nội dung đoạn ghi âm.
Ví dụ: IELTS Cambridge Listening Sample Task (ielts.org), Questions 21-25
Câu hỏi đặt ra là Jack nói với người hướng dẫn của anh ấy thế nào về việc đăng ký học các môn được nêu ra.
Bối cảnh đoạn ghi âm: Jack trao đổi với giáo viên hướng dẫn anh ấy về các môn học và đưa ra quyết định sẽ đăng ký học hoặc không học môn nào.
Thí sinh cần phải ghép dự định của Jack ở phần bên trái với các môn học được nêu ở mục ‘courses’ căn cứ trên nội dung đoạn ghi âm.
Ví dụ: IELTS Cambridge 15, Test 1, Part 3, Questions 21-26
Câu hỏi đặt ra là các nghiên cứu trước đây đã kết luận thế nào về nét tính cách mà một người con có thể có dựa trên vai vế cùa người con trong gia đình.
Bối cảnh đoạn ghi âm: hai sinh viên thảo luận với nhau về kết luận của các nghiên cứu trước đây rút ra về các nét tính cách đặc trưng có thể có của những người con trong gia đình.
Thí sinh cần phải ghép các nét tính cách ở phần thông tin ‘Personalities’ với các vai vế trong gia đình ở mục ‘position in family’ căn cứ trên nội dung đoạn ghi âm.
Các lưu ý quan trọng
Thứ tự đề cập các câu hỏi:
Trong dạng câu hỏi Matching, các câu hỏi sẽ được đề cập lần lượt theo thứ tự trong đoạn ghi âm nhưng các tùy chọn trả lời sẽ xuất hiện ngẫu nhiên.
Số lượng các câu hỏi và số lượng các phương án:
Nếu số lượng phương án nhiều hơn số lượng câu hỏi: mỗi đáp án chỉ xuất hiện một lần; ví dụ: khi đã chọn đáp án B cho câu hỏi số 16 thì không thể chọn đáp án B cho các câu hỏi tiếp theo;
Nếu số lượng phương án ít hơn số lượng câu hỏi: mỗi đáp án được xuất hiện nhiều lần và sẽ có xuất hiện hướng dẫn: “NB: You may choose any letters more than once” (NB: Thí sinh có thể sử dụng bất kỳ chữ cái nào nhiều hơn một lần).
Paraphrase:
Các từ trong các câu hỏi sẽ không được paraphrase trong đoạn ghi âm. Người nói sẽ dùng chính xác những từ được in trong câu hỏi.
Các từ trong các phương án sẽ được paraphrase trong đoạn ghi âm. Người nói sẽ không dùng các từ mà thí sinh nhìn thấy, thay vào đó, họ sẽ dùng các diễn đạt đồng nghĩa khác;
Ví dụ: IELTS Cambridge 15, Test 4, Part 3, Questions 25-30
Ví dụ: IELTS Cambridge 11, Test 3, Part 2, Questions 16-20
Đọc thêm: 4 cách paraphrase trong IELTS Writing Task 2
Trong quá trình nghe đoạn ghi âm dạng Matching trong IELTS Listening
Nghe và xác định các phương án gây nhiễu (distractors)
Tất cả các phương án mà thí sinh nhìn thấy đều sẽ được đề cập trong đoạn ghi âm. Đặc biệt, khi số lượng các phương án nhiều hơn số lượng các câu hỏi, các phương án thừa sẽ đóng vai trò gây nhiễu (distractors). Đây là các phương án mang nội dung đối lập với nội dung trong đoạn ghi âm, được đưa vào để đánh giá khả năng phân định thông tin chính xác và thông tin sai.
Các loại đáp án gây nhiễu phổ biến:
Phổ biến ở Part 2 của đề thi IELTS Listening
Phương án/ kế hoạch được đưa ra sẽ thực hiện trong tương lai xa thay vì trong hiện tại;
Phương án/ kế hoạch được đưa ra nhưng bị bác bỏ;
Phương án/ kế hoạch được đưa ra vẫn còn trong giai đoạn cân nhắc, chưa đạt được quyết định cuối cùng;
Phổ biến ở Part 3 trong đề thi IELTS Listening
Phương án/ kế hoạch đưa ra bị thay đổi;
Phương án/ kế hoạch được đưa ra chỉ được 1 người đồng ý và người còn lại phản đối, hoặc hoàn toàn bị phản đối;
Phương án/ kế hoạch đưa ra xuất hiện trong quá khứ hoặc tương lai, không phải dự định trong hiện tại;
Để xác định các phương án gây nhiễu, thí sinh cần lắng nghe các từ/ cụm từ mang tính chất phủ định hoặc đối lập với nội dung câu hỏi đầu bài.
Khi xác định được các tùy chọn gây nhiễu, thí sinh lập tức gạch bỏ để mắt không nhìn vào phương án đó nữa mà chú ý vào các phương án còn lại. Việc gạch bỏ các phương án gây nhiễu giúp thí sinh loại suy và đưa ra các đáp án đúng.
Nghe và xác định các đáp án đúng
Chỉ những phương án mang nội dung trùng khớp với nội dung đoạn ghi âm mới là đáp án chính xác.
Do các phương án sẽ được paraphrase trong đoạn ghi âm, thí sinh cần xác định các từ đồng nghĩa hoặc các diễn đạt trong đoạn ghi âm mà trùng khớp ý với các phương án.
Các lưu ý quan trọng
Trong quá trình nghe, nếu thí sinh bỏ lỡ thông tin của câu nào đó, nên giữ bình tĩnh và duy trì sự tập trung sang các câu kế tiếp. Nếu nghe rõ các câu kế tiếp, vẫn có thể nắm bắt đủ thông tin để thực hiện loại suy và chọn đáp án đúng cho câu hỏi mà mình bị bỏ lỡ.
Ghi chú tất cả các phương án có khả năng đúng ngay bên cạnh câu hỏi và tiếp tục lắng nghe cẩn thận để loại trừ trường hợp các thông tin quan trọng vẫn còn nằm phía sau.
Ví dụ:
Sau khi nghe đoạn ghi âm
Kiểm tra đáp án
Nếu số lượng phương án nhiều hơn số lượng câu hỏi: thí sinh kiểm tra không có đáp án nào xuất hiện hai lần; kiểm tra đáp án đúng bằng cách lý giải vì sao các phương án còn lại sai;
Nếu số lượng phương án ít hơn số lượng câu hỏi: thí sinh kiểm tra tất cả các phương án đều đã xuất hiện ít nhất một lần;
Viết đáp án vào giấy đáp án (answer sheet)
Thí sinh cần viết chữ cái đại diện cho phương án trả lời, chứ không viết toàn bộ cụm từ vào giấy đáp án, tuân theo sự hướng dẫn của đề bài:
Write the correct letter, A, B or C next to questions 21- 25. (Viết đúng chữ cái A, B hoặc C bên cạnh các câu hỏi 21-25.)
Lưu ý viết đúng đáp án theo vào đúng dòng tương ứng (ví dụ: đáp án câu 21 viết đúng vào dòng số 21)
Đọc thêm: IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu (P.1)
Tổng kết
Như vậy, bài viết trên đã hướng dẫn người học cách làm câu hỏi Matching trong IELTS Listening và đưa ra một số lưu ý quan trọng khi xử lý dạng bài này. Người học có thể tham khảo khóa IELTS Foundation tại ZIM để nắm bắt một số phương pháp luyện thi IELTS Listening hiệu quả.
Đào Ngọc Minh Thi
Bình luận - Hỏi đáp