IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu (P.1)
Nghe là kỹ năng đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ của người mới học (Vandergrift, 1999). Cụ thể hơn thì việc phát triển kỹ năng nghe sẽ dẫn đến việc phát triển được khả năng hiểu và xử lý ngôn ngữ nói chung. Hơn nữa, cũng theo như Vandergrift, người học sẽ có thêm động lực trong quá trình học ngôn ngữ, do sự cải thiện kỹ năng nghe dễ nhận thấy hơn các kỹ năng khác, từ đó khiến người học nhận thức rõ hơn kết quả của nỗ lực của mình. Tuy nhiên thì nghe cũng là kỹ năng được coi là khó để học nhất (Vandergrift, 2008), vì những lý do như việc không tua lại nghe được lời nói trực tiếp, giọng nói vùng miền, tốc độ nói nhanh, không hiểu nội dung nói, sự mất chú ý,… Những khó khăn trên đã đặt ra thách thức lớn đối với những người mới bắt đầu học tiếng Anh. Tuy nhiên, những thách thức này hoàn toàn có thể vượt qua được bằng cách áp dụng những chiến lược nghe hiểu cơ bản.
Cơ sở lý thuyết về chiến lược nghe hiểu IELTS Listening cho người mới bắt đầu
Roth (1991) cho rằng người việc người nghe chọn chiến lược nghe hiểu bắt nguồn chủ yếu từ hạn chế trong trình độ tiếng Anh của người nghe, hay có thể hiểu là việc dùng chiến lược có thể được coi là một sự bù đắp cho sự thiếu kiến thức về ngôn ngữ. Cụ thể hơn, khi người nghe gặp phải những phần nói khó hiểu hoặc quá cao so với trình độ thì họ thường sẽ tập trung hơn vào ý nghĩa của từng từ một, và cách sắp xếp những từ đó thành một cấu trúc thống nhất. Do vậy nên một số người học ngay lập tức nghĩ là nên cải thiện vốn từ vựng của mình, cũng như là cách gắn kết từng chi tiết đó một vào một câu chuyện lớn.
Tuy nhiên thì Roth đã chứng minh rằng phương pháp này không hiệu quả, vì trong một số trường hợp thì những từ mới có thể không cho ta biết được ngay về chủ đề chung của một bài. Ví dụ mà nhà nghiên cứu này đã đưa ra là về một câu chuyện lãng mạn nhưng lại có yếu tố y học. Những người nghe câu chuyện dù đã được cho biết trước định nghĩa của những từ mới liên quan đến y học trong bài như “tropical countries”, “encephalitis”, nhưng họ vẫn hoàn toàn không thể hiểu được nội dung chính của câu chuyện, vì vốn từ được sử dụng trong câu chuyện (liên quan đến y khoa) khác hoàn toàn với chủ đề chính (về một mối tình lãng mạn), dẫn đến sự bối rối trong khi nghe. Vì vậy nên việc tăng vốn từ vựng là không đủ để có thể hiểu toàn diện các bài nghe.
Do đó nên Roth đề xuất một phương thức khác, đó chính là áp dụng những chiến lược về nhận thức và siêu nhận thức trong việc nghe. Những chiến lược trên có khả năng giúp người nghe đạt được độ thấu hiểu nội dung nghe một cách nhanh chóng.
Nói một cách khác, những chiến lược nghe hiệu quả là những chiến lược hỗ trợ người học sử dụng tốt nhất khả năng tư duy và tập trung của mình trong khi làm bài nghe. Đây chính là cơ sở nền tảng của những chiến lược được đưa ra trong bài viết dưới đây.
Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu
Định nghĩa cơ bản về chiến lược nghe hiểu
Về cơ bản, các chiến lược nghe hiểu là “những quy trình mà người học sử dụng để tăng cường mức độ hiểu, khả năng học và khả năng ghi nhớ kiến thức về ngôn ngữ đang học”. Một khía cạnh thường được nhắc đến nhất của các chiến lược chính là những kỹ thuật mà người học dùng để hiểu rõ hơn nội dung trong khi đang nghe bài nói, như là việc đoán nghĩa từ dựa vào ngữ cảnh. Những kỹ thuật này được Vandergrift đặt tên là chiến lược nhận thức (cognitive strategies).
Tuy nhiên, chiến lược nhận thức còn đi kèm với một loại chiến lược khác, được gọi là siêu nhận thức (metacognitive strategies). Việc siêu nhận thức này có thể được hiểu là việc người học tự suy nghĩ và tự điều hướng quá trình nghe của mình, và bao gồm những hành động như là giám sát mức độ mình hiểu bài, lên kế hoạch và tự đánh giá bản thân.
Phân loại chiến lược
Theo Vandergrift thì hai chiến lược này liên kết chặt chẽ với nhau vì lý do là chiến lược siêu nhận thức đóng vai trò điều hành và chỉ hướng việc nghe, còn chiến lược nhận thức sẽ trực tiếp giúp người học hiểu bài nghe. Nếu thiếu một trong hai chiến lược trên thì việc nghe sẽ trở nên mất cân đối và không hiệu quả. Một ví dụ minh hoạ cho chức năng của hai chiến lược trên là vai trò của vị tướng và quân lính. Một vị tướng, giống như chiến lược siêu nhận thức, có vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, phê bình và khen thưởng. Còn những người lính, như chiến lược nhận thức, là những người tiếp nhận sự chỉ đạo để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Một vị tướng không có lính thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ, cũng giống như việc tự nhận thức mà không có nhận thức thì không thể cải thiện được kỹ năng nghe. Ngược lại, nếu chỉ áp dụng các chiến lược nghe một cách mù quáng mà không có sự chỉ dẫn của chiến lược siêu nhận thức thì nỗ lực luyện tập nghe sẽ bị phân tán, từ đó làm mất đi sự hiệu quả của chiến lược.
Vì vậy nên để có thể tối đa hoá khả năng tư duy và tập trung trong khi nghe thì người học nên áp dụng hài hoà và cẩn thận cả hai chiến lược trên. Trong những phần dưới đây, bài viết sẽ trình bày những hành động liên quan tới chiến lược nhận thức và siêu nhận thức, cũng như là đánh giá các ưu nhược điểm của chúng, để giúp người học đạt được mục tiêu trên.
Chiến lược nhận thức
Sau đây, bài viết sẽ trình bày những chiến lược nhận thức mà người học có thể sử dụng trong quá trình học tập. Những thông tin trên được kết hợp từ danh sách những chiến lược học nghe được tập hợp bởi Vandergrift (1997), và danh sách những chiến lược nghe được học viên coi là hiệu quả trong nghiên cứu của Chou (2015).
Chiến lược nhận thức 1: Giải thích
Trong chiến lược này thì người học sử dụng những kiến thức thu nạp được ở bối cảnh ngoài bài nói, rồi liên kết nó tới kiến thức thu nạp được ở trong bài nói. Mục đích của việc này là cho phép người học tự giải thích những thông tin mình chưa hiểu. Chiến lược này có một số dạng khác nhau, và sẽ được liệt kê ở dưới:
Tên dạng giải thích | Giải thích | Ví dụ |
Giải thích dùng trải nghiệm cá nhân | Người học sử dụng những trải nghiệm trong đời sống thực của mình để giải thích. | Người học được nghe một cuộc đối thoại giữa hai người. Đề bài của một bài nghe yêu cầu người học xác định thái độ của người nói. Có 3 đáp án khác nhau: A. Excited. B. Neutral. C. Sad. Sau khi nghe một bài nghe, người học cho rằng thái độ của người nghe là A, tức là phấn khích, vì đề tài chính của bài là về picnic, và theo trải nghiệm riêng của người học thì những chuyến picnic thường là những trải nghiệm vui vẻ. |
Giải thích dùng kiến thức xã hội | Người học sử dụng kiến thức xã hội thường ngày, không mang tính học thuật, để giải thích. | Người học được yêu cầu nghe một chương trình radio ngắn. Đề bài của bài nghe yêu cầu người học xác định chủ đề chính của đoạn âm thanh này. Có 3 đáp án khác nhau: A. A commercial for sports products. B. A news segment on a football team. C. A report on a stadium. Sau khi nghe, người học cho rằng đề bài của bài là B, tức là một bản tin về một đội bóng. Lời giải thích đáp án của người học là do bài nói có nhiều lần nhắc tới tên nhiều cầu thủ bóng đá, cũng như là các đội bóng nổi tiếng. |
Giải thích dùng kiến thức học thuật | Người học sử dụng kiến thức có được trong các môi trường học thuật để giải thích. | Người học được yêu cầu nghe một bài giảng ngắn. Đề bài của bài nghe yêu cầu người học điền từ đúng vào ô trống. Sau khi nghe thì người học đã chọn được đáp án đúng vì bài nghe này có chủ đề và từ vựng tương tự với một bài nghe mà họ đã học trước đó. |
Giải thích bằng cách sáng tạo | Người học tự sáng tạo ra một lời giải thích cho phần mình chưa hiểu bằng cách nhận thức sự kiện được nói theo một góc nhìn mới, hoặc bằng cách tự nghĩ ra một câu chuyện. | Người nghe được yêu cầu nghe một bài giảng. Đề bài nghe yêu cầu người học phải xác định hướng đi của một đoàn thám hiểm. Có 3 đáp án khác nhau: A. A remote region. B. An urban area. C. A natural park. Người học đã xác định được đáp án đúng là A bằng việc tưởng tượng rằng mình chính là một trong những người đi khám phá đó. Kết hợp điều này với những từ được nói trong bài như “jungle”, “dangerous” thì người học đã xác định được rằng đây là cung đường nằm ở vùng hẻo lánh. |
Đánh giá chiến lược:
Chiến lược trên có thể hữu ích đối với những người học không có vốn từ đa dạng, hoặc không hiểu phần lớn bài nghe, vì việc giải thích trên sẽ giúp người học sử dụng kiến thức cá nhân để lấp đầy chỗ trống về ngôn ngữ. Tuy nhiên, phương pháp này có độ chính xác không cao do sự phụ thuộc vào kiến thức bên ngoài bài nói, chứ không phải là những yếu tố nằm trong bài. Hơn nữa, chiến lược này phụ thuộc nhiều vào vốn kiến thức cá nhân của người học, và có thể không phù hợp đối với những người không có vốn kiến thức rộng.
Chiến lược nhận thức 2: Suy luận
Trong chiến lược trên thì người học sử dụng thông tin trong bài viết để suy luận ra nghĩa của những yếu tố gây khó hiểu, từ đó điền đáp án đúng.
Lưu ý: Chiến lược suy luận và chiến lược giải thích có thể dễ bị nhầm lẫn với nhau. Trong giải thích thì người học sử dụng những kiến thức nằm ở ngoài bài nói rồi liên kết chúng tới nội dung của bài nói để giải thích cho những yếu tố nằm trong bài nói. Trong suy luận thì người học chỉ sử dụng những yếu tố nằm trong bài nghe để đưa ra kết luận, và không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố ngoài bài nói nào.
Tên dạng suy luận | Giải thích | Ví dụ |
Dùng ngữ cảnh hoặc từ đã được nhắc tới để suy luận | Người học sử dụng những từ đã được nhắc tới trước đó hoặc là ngữ cảnh của bài nói để suy luận ra đáp án đúng. | Người nghe được nghe mộ đoạn độc thoại. Đề bài của bài nghe phải xác định hành động được miêu tả trong bài nói là hành động gì. Có 3 đáp án khác nhau: A. Exploring continents B. Navigating the seas. C. Looking at stars. Người học xác định được đáp án đúng là B – định vị trên biển, bằng cách nghe các từ như “pirates”, “East” và “waves” và “compass”. |
Dùng giọng nói và cách phát âm để suy luận | Người học suy luận bằng cách nghe cách người học phát âm. | Người nghe được nghe một cuộc phỏng vấn. Đề bài của bài nghe yêu cầu người học xác định rõ thái độ của người đang được phỏng vấn. Có 3 đáp án: A, Depressed. B, Disappointed. C, Neutral. Người học suy luận được chính xác thái độ là buồn bã vì giọng của người nói trầm trong suốt cả bài, và giọng của người phỏng vấn thì có sắc thái thông cảm. |
Giải thích bằng cách sử dụng kiến thức tiếng Việt | Người học dùng kiến thức tiếng Việt để giải thích cho những yếu tố trong bài. | Người nghe được yêu cầu nghe một bài giảng. Đề bài của bài nghe là yêu cầu người học phải xác định được nội dung chính của bài. Người học xác định chính xác được chủ đề là về các sự kiện đình đám trong giới phim ảnh vì các từ khoá là các từ mà tiếng Việt mượn từ tiếng Anh, như “diva”, “film” và “scandal”. |
Dùng kiến thức ngoài ngôn ngữ để suy luận | Người học sử dụng những yếu tố không liên quan đến ngôn ngữ để suy luận, như là âm thanh nền, nội dung trong phần giấy làm bài,… | Người nghe được yêu cầu nghe một đoạn thông báo ngắn. Đề bài của một bài nghe yêu cầu người học phải xác định được nơi mà bài nghe được nói. Người học suy ra được được đáp án đúng là “airport” dựa vào âm thanh của máy bay xuất hiện trên nền, vào giọng mang tính tự động của người nói, và vì các câu hỏi sau có chứa những từ như là “flight”, “airline”. |
Suy luận bằng cách nghe tổng thể bài nghe | Người học sử dụng thông tin được nói xuyên suốt bài nghe để suy luận. | Đề bài yêu cầu người học chọn đáp án đúng trong số 4 đáp án khác nhau. Người học xác định được đáp án đúng vì ba đáp án khác đã được nói đến ở phần trước đó của bài nói, nhưng lại xuất hiện ở những phần không liên quan tới chủ đề của câu hỏi hiện tại. |
Tổng kết
Đánh giá chiến lược: Chiến lược nhận thức trên chính xác hơn chiến lược số 1, do người đọc suy luận dựa trên nội dung của bài nghe chứ không phải kiến thức nằm ngoài bài. Tuy nhiên thì chiến lược trên yêu cầu người học phải có một vốn từ đủ rộng để nhận biết được những từ có liên quan tới câu hỏi, cũng như là phải có khả năng phân biệt được các từ với nhau trong phần nói.
Đọc thêm: IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu – Phần 2
Vũ Trọng Hiếu
Bình luận - Hỏi đáp