3 khía cạnh cần thiết để hiểu và sử dụng một từ vựng tiếng Anh

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các khía cạnh cần thiết khi học từ vựng để biết cách sử dụng một từ trong tiếng Anh.
3 khia canh can thiet de hieu va su dung mot tu vung tieng anh

Trong bất kì ngôn ngữ nào, từ vựng luôn là điều kiện tiên quyết để có thể hiểu và giao tiếp hiệu quả. Theo từ điển Oxford, số từ tối thiểu mà tất cả người học tiếng Anh cần phải “biết” là 3,000 từ. Thế nhưng ta cần học những gì để gọi là “biết” một từ? Thực tế cho thấy, ngay cả khi ta biết mặt chữ và nghĩa, việc vận dụng được từ vựng khi nói hay bắt được từ khi nghe là cả một thử thách cho người học. Để giải quyết các vấn đề này, ta cần bắt đầu từ việc học từ vựng một cách có chủ đích và toàn diện. Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc đáp ứng hai tiêu chí trên qua việc giới thiệu chiến lược khi học từ vựng cùng các khía cạnh cần thiết để “biết” một từ.

Đọc thêm: Các vấn đề khi sử dụng loại từ tiếng Anh của người mới học IELTS (trình độ 3.5 – 4.5)

Chiến lược để học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Có một sự thật không thể chối cãi rằng khả năng ngôn ngữ của một người phụ thuộc phần lớn vào phạm vi vốn từ vựng của họ. Thế nhưng điều này không có nghĩa là người học cần phải ghi nhớ tất cả những từ mà mình gặp trong quá trình học. Điều này không những là không khả thi, nó còn có thể khiến mức độ thuần thục khi vận dụng từ vựng của người học giảm sút. Học từ vựng hiệu quả chính là học từ một cách có chủ đích. Để làm được điều này, khi gặp từ mới, ta cần xác định mức độ hữu dụng của chúng. Tiếp đến là ta cần xác định mục đích sử dụng từ vựng để có cách học thích hợp.

hoc-tu-vung-hieu-quaChiến lược để học từ vựng hiệu quả

Mức độ hữu dụng của từ vựng

Xét các khía cạnh học từ vựng trong thực tế, không phải từ tiếng Anh nào cũng được sử dụng thường xuyên như nhau. Theo các nghiên cứu về tần suất sử dụng của các từ tiếng Anh, từ vựng có thể được phân thành 4 loại với mức độ hữu dụng giảm dần như sau (Nation, 2001):

  • Loại 1: Từ thông dụng (High frequency words): bao gồm 2 loại từ

Đầu tiên là những từ chức năng (function words) như: I, we, can, but, and, because, of, by,… Những từ này thì không mang quá nhiều ý nghĩa nhưng chúng giúp câu đúng về mặt ngữ pháp. Ta tiếp xúc với những từ này rất thường xuyên khi nghe, nói, đọc, viết và vì vậy ta cũng không cần mất quá nhiều sức để học được chúng.

Loại thứ hai là từ nội dung (content words) như: think, like, government, production, favorite,… Chúng là những từ quyết định ý nghĩa của câu, vì vậy được xem là quan trọng hơn từ chức năng. Những từ này dù rất thông dụng, nhưng với người học vỡ lòng hoặc ở trình độ sơ cấp thì vẫn cần dành nhiều thời gian học để có thể vận dụng được khi nghe, nói, đọc, viết.

Hai loại từ trên chiếm khoảng 80% số lượng từ trong một văn bản (Nation, 2001). Trong giao tiếp hằng ngày thì tỉ trọng sẽ còn có thể cao hơn. Người học có thể tham khảo phân loại từ này thông qua Danh sách Oxford 3000.

  • Loại 2: Từ học thuật (Academic words): những từ này thường xuất hiện trong các văn bản học thuật và chiếm khoảng 9% tổng số từ (Nation, 2001).

Loại từ này vẫn rất thường thấy, nhưng chỉ trong các văn bản hoặc giao tiếp mang tính học thuật. Một số ví dụ có thể bao gồm: policy, phase, adjusted, sustained,… (Nation, 2001). Một đặc điểm nữa của loại từ này là ý nghĩa và cách sử dụng của chúng đa dạng và phức tạp hơn các từ thông dụng, đòi hỏi người học tìm hiểu rất kỹ để có thể sử dụng thuần thục. Danh sách từ học thuật (Academic Word List) đã tổng hợp 570 đầu từ hữu dụng nhất trong loại từ này cùng với họ từ của chúng. Người học ở các trình độ sơ-trung-cao cấp nên tham khảo nguồn này để mở rộng vốn từ của mình.

  • Loại 3: Từ chuyên dụng (Technical words): những từ thuộc loại này có nghĩa rất cụ thể và được sử dụng chỉ trong một số chủ đề học thuật nhất định.

Ví dụ từ Ecology (sinh thái) chỉ được dùng khi nói về chủ đề môi trường, động thực vật chứ không thể được dùng trong chủ đề về giáo dục. Vì tính ứng dụng của loại từ này không cao, người học nên thực dụng và học có chọn lọc hơn so với hai loại từ trên. Với người học IELTS thì những chủ đề về Môi trường, Sức khỏe, Giáo dục, Truyền thông… thì nên được chú trọng hơn những từ thuộc chủ đề Chính trị hoặc Thiên văn.

  • Loại 4: Từ hiếm dùng (Low frequency words): là những từ gần như tất cả những người học tiếng Anh không sử dụng, ví dụ như là “eponymous”, “gibbous”, “bifurcate”,… (Nation, 2001).

Các từ vựng tiếng Anh này thường là những từ cũ hoặc với được dùng với nghĩa hiếm và do vậy sẽ rất ít khi xuất hiện trong các đoạn đối thoại hay văn bản. Việc sử dụng chúng khi giao tiếp hoặc viết cũng sẽ phần nào khiến người nghe/đọc khó hiểu. Vì các lý do trên nên người học không cần quá chú trọng việc học những từ này.

Để tìm hiểu độ phổ biến của một từ, ta có thể dùng công cụ Google Books Ngram Viewers. Đây là trang để tra cứu tần suất xuất hiện của một hoặc nhiều từ trong các văn bản có trên dữ liệu của Google. Sử dụng Ngram Viewers, sự hiếm dùng của từ ‘bifurcate’ (rẽ đôi, phân nhánh) thể hiện rất rõ khi ta đem nó so sánh với hai từ đồng nghĩa là ‘fork’ và ‘branch’.

tra-cuu-tan-suat-cua-tuTra cứu tần suất xuất hiện của một từ như thế nào?

Việc xác định mức độ hữu dụng của từ là rất cần thiết vì nó giúp việc học từ vựng trở nên có chọn lọc hơn, tránh học những từ không cần thiết, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức cho người học. 

Đọc thêm: Lỗi lạm dụng từ “very” trong tiếng Anh

Mục đích và hai cách học từ vựng tiếng Anh

Bước thứ hai trong việc học từ vựng tiếng Anh hiệu quả chính là xác định mục đích sử dụng từ vựng. Như đã đề cập ở đầu bài viết, mục đích này bao gồm việc hiểu và giao tiếp Anh ngữ hiệu quả. Đối với mỗi hoạt động, người học cần vận dụng hai loại kiến thức từ vựng khác nhau.

  • Nghe, đọc và hướng học để nhận diện từ (Receptive learning)

Nghe và Đọc là hai hoạt động yêu cầu người học tiếp nhận thông tin ngôn ngữ một cách thụ động. Dù thông tin đó có ở dạng văn bản hay lời nói, để hiểu được thì trước tiên ta phải nhận diện được từ vựng, và sau đó là truy hồi ý nghĩa của chúng. Khó khăn trong việc Nghe/Đọc hiểu đa phần là do người học gặp vấn đề ở 1 trong 2 bước trên, ví dụ như nghe được từ nhưng không biết cách viết hay biết mặt chữ hoặc không nhớ được nghĩa. Để cải thiện kỹ năng Nghe/Đọc hiểu, người học nên tập trung vào việc nhận diện từ vựng, cụ thể hơn là nhận diện âm thanh và hình dạng, cùng với việc ghi nhớ ý nghĩa và cách một từ được sử dụng trong câu. 

  • Nói, viết và hướng học để sử dụng từ (Productive learning)

Khác với việc Nghe và Đọc, Nói và Viết là hai hoạt động đòi hỏi ở người học khả năng chủ động tạo ra thông tin. Quá trình này có thể được tóm gọn trong ba bước là: (1) hình thành ý nghĩ trong đầu ⭢ (2) sử dụng từ vựng và ngữ pháp để hình thức hóa ý nghĩ thành ngôn ngữ ⭢ (3) diễn đạt ý nghĩ bằng lời nói hoặc ngôn từ (Levelt, 1989). Vậy thì nếu muốn phát triển hai kỹ năng là Nói và Viết, khi học một từ ta cần hướng đến mục tiêu sử dụng được từ đó hơn là nhận diện được nó. Điều này cũng có nghĩa là ta cần tập trung hơn vào cách phát âm, viết chính tả, cùng với cách sử dụng một từ sao cho chính xác và phù hợp.

Nhận xét hai khía cạnh nêu trên

Trước tiên, ta cần làm rõ một điểm là hai cách học trên có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Điển hình là khi ta học cách phát âm đúng một từ, khả năng ta nhận diện được chúng khi nghe cũng sẽ tăng theo. Hoặc một ví dụ khác là việc chú ý cách một từ được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh sẽ bổ trở việc ta sử dụng từ vựng đó chính xác và phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc học một từ sẽ có hiệu suất cao hơn nếu như ta biết cân đối hai hướng tiếp cận trên tùy theo nhu cầu sử dụng từ đó. 

Đối với các từ thông dụng, vì chúng được sử dụng rất thường xuyên trong cả 4 kỹ năng là Nghe – Nói – Đọc – Viết, yêu cầu cơ bản nhất đối với mỗi người học tiếng Anh là phải sử dụng được những từ này thuần thục. Để làm được điều này thì việc kết hợp việc học để nhận diện và học để sử dụng là cần thiết.

hoc-tu-de-lam-giHọc từ để làm gì?

Đối với loại từ còn lại, bao gồm từ học thuật, từ chuyên dụng và từ hiếm gặp, việc cần học một từ sâu đến mức nào phụ thuộc nhiều vào nhu cầu cá nhân. Đối với các thí sinh thi IELTS Academic, vốn từ học thuật sẽ là công cụ quan trọng để có thể làm tốt bài thi, đặc biệt là bài thi Viết (IELTS Writing) và Đọc (IELTS Reading). Ngược lại, cách học để nhận diện có lẽ sẽ phù hợp hơn đối với các loại từ chuyên dụng và hiếm gặp vì nhu cầu sử dụng chúng là không lớn trong bài thi IELTS. Tuy nhiên, người học có thể chọn lọc một số từ chuyên ngành thuộc các chủ đề hơi mang tính kỹ thuật như Môi Trường hay Công nghệ để có thể phát triển ý tưởng bài thi Viết được cụ thể hơn.

Các khía cạnh cần “biết” của một từ

Về cơ bản, để “biết” một từ thì người học cần phải nắm được về hình thái (form), ý nghĩa (meaning) và cách sử dụng (use) của từ đó. Mỗi khía cạnh này đều bao gồm các phạm trù con, tất cả được tóm tắt như hình sau.

cac-khia-canh-cua-mot-tuCác khía cạnh của một từ

Cả hai cách học bài viết giới thiệu ở trên, bao gồm học để nhận diện và học để sử dụng, đều hướng đến việc “biết” hết tất cả các yếu tố trong sơ đồ. Tuy nhiên, với mỗi cách thì ta sẽ hướng tiếp cận khác nhau. Trong cuốn sách “Learning Vocabulary in Another Language” (2010), các hướng tiếp cận này đã được công thức hóa thành những câu hỏi để người học dễ áp dụng, cụ thể như sau:

*R = Receptive learning (Học để nhận diện) – P = Productive learning (Học để sử dụng)

Hình thái

(Form)

Âm thanh

(Spoken)

R – Từ này nghe như thế nào?

P – Từ này được phát âm như thế nào?

Văn bản

(Written)

R – Từ này nhìn như thế nào?

P – Từ này được viết và đánh vần như thế nào?

Thành tố

(Word parts)

R – Từ này có những thành tố nào quen thuộc?

P – Những thành tố này thể hiện ý nghĩa gì?

Ý nghĩa

(Meaning)

Của hình thái

(Form-meaning connection)

R – Loại từ này thể hiện ý nghĩa gì?

P – Có thể sử dụng loại từ nào để diễn đạt ý nghĩa này?

Của khái niệm

(Concept and reference)

R – Từ này được sử dụng với ý nghĩa gì? 

P – Ta có thể sử dụng từ này để đề cập đến những điều gì?

Sự liên tưởng

(Associations)

R – Từ này khiến ta liên tưởng đến những từ nào?

P – Ta có thể dùng những từ nào khác thay vì từ này?

Cách sử dụng

(Use)

Ngữ pháp

(Grammar)

R – Từ này được sử dụng theo cấu trúc ngữ pháp nào?

P – Ta phải sử dụng từ này theo các cấu trúc ngữ pháp nào?

Collocations

R – Từ này được dùng chung với các từ nào?

P – Khi ta dùng từ này thì ta phải dùng chung với những từ nào để cho ra nghĩa thích hợp?

Ràng buộc khi sử dụng (Constraints on use)

R – Ta có thường gặp từ này trong ngữ cảnh nào và tần suất nó được sử dụng nhiều hay ít?

P – Trong ngữ cảnh nào thì ta có thể sử dụng từ này?

 Ví dụ, với khía cạnh học để nhận diện từ vựng, để học từ “well-equipped” thì ta cần phải thực hiện các việc sau:

  • Nhận diện được từ này khi nghe người khác phát âm

  • Làm quen với cách viết của từ để có thể nhận ra nó khi bắt gặp trong lúc đọc

  • Hiểu được từ này được tạo nên từ các thành tố là –well, –equip và –ed và hiểu được nghĩa của từng thành tố. Ở đây –well mang nghĩa là ‘đầy đủ’, -equip là động từ mang nghĩa là ‘trang bị cho ai đó’. Hậu tố -ed cho thấy chủ ngữ là đối tượng bị tác động, không thực hiện hành động, tức chủ ngữ là ‘được trang bị’.

  • Hiểu được nghĩa của từ ‘well-quipped’ là ‘được trang bị đầy đủ cái gì đó’’

  • Hiểu được trong ngữ cảnh từ ‘well-equipped’ được dùng thì nó mang nghĩa nào (‘cái gì đó’ trong ngữ cảnh này là gì? Trang bị, vật dụng hay kỹ năng?)

  • Liên tưởng đến một số từ liên quan như well-furnished, well-prepared, well-trained

  • Nắm được chức năng của từ ‘well-equipped’ trong cấu trúc ngữ pháp của câu (là tính từ, đứng sau danh từ)

  • Nắm được từ này thường đi theo các danh từ chỉ địa điểm (tòa nhà, phòng,…), các đại từ, danh từ chỉ người, hoặc cái giới từ như with và for.

  • Đây không phải là một từ chuyên dụng hay từ hiếm gặp.

Mặt khác, với cách học để sử dụng từ vựng, việc học từ ‘well-equipped’ bao gồm:

  • Có thể phát âm từ một cách chính xác, bao gồm cả trọng âm

  • Có thể viết nó đúng chính tả

  • Có thể xây dựng bằng cách sử dụng các bộ phận từ phù hợp ở các dạng thích hợp của chúng (Ví dụ: ‘equipped’ có đuôi –ed là tính từ, vậy nên cần dùng ‘well’ là trạng từ để đứng trước chứ không thể dùng ‘good’)

  • Khi muốn diễn đạt nghĩa ‘có đầy đủ cái gì đó’ thì nhớ được đến từ ‘well-equipped’

  • Sử dụng từ ‘well-equipped’ được trong nhiều ngữ cảnh khác nhau với sự đa dạng về nghĩa (có các trang thiết bị tân tiến / được trang bị đầy đủ / được chuẩn bị cẩn thận / được huấn luyện cẩn thận / …)

  • Hiểu được với mỗi nghĩa khác nhau thì ta có thể sử dụng từ nào để thay thế. Ví dụ: I looking to rent a well-equipped flat. ⭢ ‘Well-equipped’ được dùng với nghĩa ‘được trang bị đầy đủ, có giường, bàn ghế,…’ Vậy thì từ đồng nghĩa là ‘well-furbished’, không thể nào là well-trained hay well-prepared.

  • Có thể sử dụng từ này đúng ngữ pháp và mục đích. ‘Well-equipped’ là tính từ, bổ nghĩa cho danh từ đứng trước nó. Thế nên nó không được đứng trước động từ, trạng từ, hay bổ nghĩa cho các danh từ không liên quan (VD: newspaper)

  • Dùng từ ‘well-quipped’ chung với các từ đi chung đúng để cho ra nghĩa đúng. Ví dụ: The hospital is well-equipped by International standards. (Bệnh viện này được trang bị theo tiêu chuẩn của Mỹ)
    Ta không thể dùng giới từ ‘with’ thay cho ‘by’ trong câu trên vì như vậy sẽ cho ra nghĩa không phù hợp (‘Bệnh viện này trang bị nhiều tiêu chuẩn Mỹ’).

  • Có thể quyết định sử dụng hoặc không sử dụng từ đó cho phù hợp với ngữ cảnh. Từ “well-equipped” thường nói khi một nơi (hoặc người) có đủ những gì cần thiết, mang nghĩa tích cực, nhưng nếu ta muốn phê phán một nơi có nhiều thứ không cần thiết thì nên dùng từ “extravagant”.

Tổng kết

Khi gặp một từ vựng mới trong tiếng Anh, thay vì ngay lập tức cố gắng ghi nhớ nó, trước tiên ta nên xác định mức độ hữu dụng và cách học thích hợp để có thể tối ưu hiệu quả học tập. Sau khi đã xác định được hai điều này, bước tiếp theo chính là tìm hiểu một từ cùng với tất cả các khía cạnh liên quan đến nó, bao gồm hình thái, ý nghĩa và cách sử dụng. Trong các phần tiếp theo, bài viết sẽ tiến hành giới thiệu chi tiết về từng khía cạnh trên để người học có cái nhìn toàn diện nhất khi học từ vựng.

Đọc thêm: Bạn đã biết cách học từ vựng bằng việc tạo Danh sách từ (Wordlist) chưa?

Nguyễn Thị Vân Trang

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu