3 Lỗi IELTS Speaking ở tiêu chí Grammatical Range thường gặp ở thí sinh Việt Nam và cách xử lý

Nguyên nhân của 3 lỗi IELTS Speaking về ngữ pháp thường gặp trong bài thi nói của thí sinh Việt Nam và cung cấp cách xử lý những lỗi trên. 
3 loi ielts speaking o tieu chi grammatical range thuong gap o thi sinh viet nam va cach xu ly

Kỹ năng nói (Speaking) là một trong bốn kỹ năng trong bài thi IELTS, bên cạnh kỹ năng nghe, đọc và viết. Một vấn đề trong kỹ năng nói mà thí sinh hay mắc phải, bao gồm cả các thí sinh Việt Nam, chính là việc kiểm soát lỗi ngữ pháp trong khi nói. Mặc dù có nhiều thí sinh hiểu rõ và thành thạo các chủ điểm ngữ pháp, nhưng khi nói, thí sinh vẫn mắc những lỗi sai ngữ pháp. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 3 lỗi IELTS Speaking ở Tiêu chí Grammatical Range and Accuracy thường gặp trong bài thi nói của thí sinh Việt Nam. Sau đó, bài viết sẽ phân tích nguyên nhân với trọng tâm sự khác biệt giữa ngữ pháp Tiếng Việt và Tiếng Anh, từ đó, cung cấp cho người học các cách xử lý những lỗi trên. 

Tiêu chí Grammatical Range & Accuracy đánh giá những gì

Tiêu chí Grammatical Range and Accuracy (GRA) là một trong bốn tiêu chí đánh giá thí sinh trong bài thi nói bên cạnh:

  • Pronunciation (phát âm)

  • Fluency & Coherence (độ trôi chảy và mạch lạc)

  • Lexical Resources (từ vựng).

Tóm tắt từ Band Descriptors (bảng tiêu chí chấm điểm) của IELTS Speaking, tiêu chí GRA sẽ được đánh giá dựa trên Range (độ đa dạng) và Accuracy (độ chính xác) của các thành phần, cấu trúc ngữ pháp người nói sử dụng.

loi-ietls-speaking-smart-artTiêu chí Grammatical Range & Accuracy

Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào tiêu chí Accuracy (độ chính xác) bằng việc tổng hợp những lỗi sai về ngữ pháp mà thí sinh Việt Nam hay mắc phải trong bài thi IELTS Speaking và đề xuất cho người học các cách xử lý. 

Các lỗi IELTS Speaking về ngữ pháp phổ biến ở thí sinh Việt Nam

loi-ietls-speaking-smart-art-2Các lỗi IELTS Speaking về ngữ pháp phổ biến

Lỗi IELTS Speaking: sử dụng sai thì động từ

Kiến thức ngữ pháp về thì động từ

Thì động từ (tense) là một chủ điểm ngữ pháp trong tiếng Anh. Theo định nghĩa của từ điển Oxford, thì động từ là “các dạng của động từ để chỉ thời gian của hành động hoặc trạng thái được thể hiện bởi động từ” (“any of the forms of a verb that may be used to show the time of the action or state expressed by the verb”).

Nói cách khác, Thì của động từ trong một câu sẽ cho cung cấp hai thông tin: thời gian diễn ra hành động (quá khứ, hiện tại, tương lai) và trạng thái của hành động (chưa kết thúc hoặc đã kết thúc).

Trong Thì còn có khái niệm Thể (aspect) với 4 thể chính: thể đơn giản, thể tiếp diễn, thể hoàn thành và thể hoàn thành tiếp diễn.

Thì động từ được phân thành 12 loại cơ bản, chia đều cho 3 mốc thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. 

Lỗi về thì động từ ở các thí sinh Việt Nam trong bài thi IELTS Speaking

Biểu hiện

Lỗi về thì động từ của các thí sinh Việt Nam trong bài thi nói IELTS Speaking thường được biểu hiện qua:

Lỗi dùng sai thì động từ khi nói về các mốc thời gian khác nhau. Một ví dụ rõ nhất là các thí sinh Việt Nam thường quên chia thì quá khứ và sử dụng thì hiện tại để nói về một việc xảy ra trong quá khứ.

  • Câu sai: “ I often go to the park when I was young.”

  • Câu đúng: “I often went to the park when I was young.”

Lỗi bỏ đi đuôi của các động từ ở các Thể khác nhau. Cụ thể, thí sinh có xu hướng bỏ đuôi “ed” và “ing” cho các động từ chia ở thể đơn giản và tiếp diễn.

loi-ietls-speaking-thiVí dụ

Nguyên nhân

Khi tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến thí sinh Việt Nam thường mắc lỗi sai về Thì trong bài thi nói, người viết thấy được trọng tâm nằm ở sự khác biệt giữa ngôn ngữ Tiếng Việt và ngôn ngữ Tiếng Anh, cụ thể ở đây là cách nói về hành động ở từng mốc thời gian. 

Theo Giang Tang (2007) “Tiếng Việt khác với Tiếng Anh ở chỗ nó không đánh dấu hình thái cho các thì, thể hoặc số” ( “Vietnamese also differs from English in that it does not morphologically mark tense, aspect, or number”).

Nói cách khác, trong Tiếng Việt, khi nói về hành động ở quá khứ, hiện tại, tương lai, người nói sẽ sử dụng các từ đi kèm như “đã”, “đang”, “sẽ” hoặc có thể không sử dụng nếu như ngữ cảnh đã rõ.

Ví dụ: “ Hôm qua, tôi dành ra hai tiếng để tập thể dục.”

-> Câu trên không sử dụng “đã” để nói về hành động trong quá khứ. 

Trong khi đó, Tiếng Anh sử dụng biến tố của động từ (verb inflections) để chỉ Thì và Thể. Các biến tố đó là đuôi “ed” và “ing” hoặc động từ bất quy tắc (irregular verbs).

VD: “Yesterday, I spent two hours exercising.”

-> Từ “spend” được biến đổi thành “spent” (động từ bất quy tắc).

Suy ra, nếu tư duy theo ngữ pháp Tiếng Việt khi nói Tiếng Anh, thí sinh có thể theo thói quen không thay đổi thì động từ khi nói về mốc thời gian khác nhau, từ đó dẫn đến biểu hiện thứ nhất: dùng sai thì động từ cho các mốc thời gian khác nhau. Ngoài ra, do Tiếng Việt không thay đổi hình thái động từ, thí sinh dễ theo thói quen bỏ đi các biến tố của động từ như biểu hiện thứ hai. 

Cách xử lý 

  • Bước đầu tiên, người học cần nắm chắc khái niệm, cấu trúc và cách sử dụng của từng loại thì động từ để tránh trường hợp sử dụng sai cấu trúc hoặc không đúng mục đích. Người học có thể tìm hiểu kỹ về Thì qua series thì động từ của ZIM (dẫn link).

  • Sau khi nắm rõ về thì động từ, người học cần tìm hiểu về lỗi sai của mình. Cụ thể, người học nên ghi âm lại bài nói của mình, nghe lại và liệt kê những lỗi sai về thì động từ trong bài nói. Qua đó, người học hãy xác định tần suất lỗi sai và những loại thì động từ thường xuyên sai hoặc ít sai.

  • Sau khi đã hình thành được nhận thức về lỗi sai, người học tiếp tục luyện tập nói, nhưng ở những lần sau này, người học hãy chú ý hơn đến những lỗi vừa liệt kê, có thể ưu tiên những lỗi hay sai nhất trước.

  • Việc nhận thức và luyện tập nhiều lần sẽ giúp người học sử dụng chính xác và linh hoạt hơn khi sử dụng thì động từ trong bài thi nói. 

Lỗi IELTS Speaking: sắp xếp sai trật tự từ 

Kiến thức ngữ pháp về trật tự từ

Theo từ điển Collins, trật tự từ (word order) là “cách sắp xếp các từ trong cụm từ, mệnh đề và câu” (“the arrangement of words in a phrase, clause, or sentence”)

Nói cách khác, trật tự từ chính là vị trí đúng của các từ các từ trong cụm từ, mệnh đề và câu.

Ở cấp độ cụm từ, vị trí của các từ loại cơ bản được quy định:

Tính từ thường/tính từ sở hữu + Danh từ

Mạo từ/đại từ chỉ định + danh từ

Trạng từ chỉ mức độ + tính từ

to be + Động từ thêm đuôi ing (Ving)

have + Động từ ở thể quá khứ phân từ hai (Ved)

động từ khuyết thiếu (modal verb) + Động từ chính (main V)

Lưu ý: Những vị trí trong cụm từ được nhắc trên thuộc mức cơ bản. Thực chất còn nhiều cách kết hợp phức tạp hơn. 

Người học có thể tìm hiểu về vị trí đúng của các từ loại trong bài viết Các vấn đề khi sử dụng loại từ tiếng Anh của người mới học IELTS (trình độ 3.5 – 4.5)

Ở cấp độ mệnh đề và câu, trật từ từ được quy định:

  • Trật tự từ cơ bản:

Chủ ngữ (S – subject) – Động từ chính (V – main verb) – {Tân ngữ (O – object)}.

Ví dụ:

loi-ietls-speaking-ngu-phapVi dụ

Lưu ý: Tân ngữ chỉ có khi động từ là ngoại động từ (transitive verbs)

  • Ở mức độ chi tiết hơn, các thành phần được sắp xếp:

Chủ ngữ (subject) – Động từ chính (main verb) – {Tân ngữ (object)} – Trạng từ chỉ địa điểm (adverbials of place) – Trạng từ chỉ thời gian (adverbials of time).

Ví dụ: She drinks coffee at the office in the morning. 

            S         V             O        Adv of place   Adv of time

Lỗi sắp xếp sai trật tự từ trong câu 

Biểu hiện

Lỗi về trật tự từ của thí sinh Việt Nam được biểu hiện rõ nhất qua:

  • Sắp xếp sai trật tự tính từ và danh từ trong cụm danh từ. Cụ thể, thí sinh Việt Nam thường mắc lỗi để tính từ đằng bổ sung đằng sau danh từ.

Câu sai: “I live in a city beautiful.”

Câu đúng: “I live in a beautiful city.”

  • Sắp xếp sai trật tự trạng từ trong câu. Khi có nhiều trạng từ trong câu, thí sinh Việt Nam dễ mắc lỗi sắp xếp sai thứ tự ưu tiên của trạng từ.

Câu sai: “I played the piano yesterday in a restaurant.”

Câu đúng: “I played the piano in a restaurant yesterday.”

Nguyên nhân

Nguyên nhân của lỗi sắp xếp sai trật tự từ trong cụm từ, mệnh đề và câu trong bài thi nói của thí sinh Việt Nam cũng nằm ở sự khác biệt giữa ngữ pháp Tiếng Việt và ngữ pháp Tiếng Anh.

Đối với việc sắp xếp sai trật tự tính từ và danh từ, Giang Tang (2007) cho rằng “Trong Tiếng Anh, tính từ sẽ đứng trước danh từ; còn trong Tiếng việt tính từ thường đi sau danh từ mà nó miêu tả.” (“In English, adjectives precede nouns; in Vietnamese adjectives follow the nouns they describe.”). 

Hay nói cách khác, lý do thí sinh Việt Nam thường nhầm lẫn sắp xếp tính từ sau danh từ khi nói là do thói quen tiếng mẹ đẻ có trật tự tính từ và danh từ ngược lại so với Tiếng Anh.

VD: Câu “Tôi đã có một chuyến đi rất vui.” Dịch sang Tiếng Anh “I had such an interesting trip.”

-> Trong câu Tiếng Việt, tính từ vui đứng trước danh từ chuyến đi. Còn trong câu Tiếng Anh, tính từ “interesting” đứng trước danh từ “trip”.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp sai thứ tự các trạng từ trong câu cũng do sự khác biệt giữa văn nói Tiếng Việt và Tiếng Anh. Cụ thể, Tiếng Việt không có quy định cho thứ tự ưu tiên các trạng từ.

VD: Câu “Học sinh đã thực hành ngày hôm qua ở phòng thí nghiệm.” Dịch sang Tiếng Anh “Students practiced in the laboratory yesterday.”

-> Trong câu Tiếng Việt, 2 trạng từ “ngày hôm qua” và “phòng thí nghiệm” có thể đổi chỗ cho nhau. Còn trong câu Tiếng Anh, trạng từ chỉ nơi chốn “in the laboratory” phải đứng trước trạng từ chỉ thời gian “yesterday”.

Suy ra, nếu thí sinh tiếp tục áp dụng tư duy về thứ tự các từ trong cụm từ và mệnh đề của tiếng mẹ đẻ, thí sinh sẽ dễ mắc phải hai lỗi trên hơn. 

Cách xử lý 

  • Bước đầu tiên, người học cần nắm chắc vị trí và vai trò của từng từ loại trong cụm từ, mệnh đề và câu. 

  • Sau khi nắm rõ lý thuyết, người học cần tìm hiểu về lỗi sai của mình. Cụ thể, người học nên ghi âm lại bài nói của mình, nghe lại và liệt kê những lỗi sai về trật tự từ trong bài nói. Qua đó, người học hãy xác định tần suất lỗi sai và những lỗi trật tự từ cụ thể. 

  • Người học tự tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những lỗi sai trật tự từ, ví dụ như do có thói quen dịch trong đầu.

  • Sau khi đã xác định được nguyên nhân, người học đã hình thành được nhận thức về lỗi sai, người học tiếp tục luyện tập nói, nhưng ở những lần sau này, người học hãy chú ý hơn đến những lỗi vừa liệt kê, có thể ưu tiên những lỗi hay sai nhất trước.

  • Việc nhận thức và luyện tập nhiều lần sẽ giúp người học sắp xếp chính xác trật tự từ  trong bài thi nói. 

Lỗi IELTS Speaking: chia sai dạng cho danh từ số ít, số nhiều và động từ cho danh từ số ít, số nhiều

Kiến thức ngữ pháp danh từ số ít, số nhiều và động từ cho danh từ số ít, số nhiều

Trong Tiếng Anh, khi dựa trên tiêu chí số lượng, danh từ được chia làm danh từ đếm được (countable noun) bao gồm danh từ số ít (singular noun) và danh từ số nhiều (plural noun). Loại danh từ số hai là danh từ không đếm được (uncountable noun). 

VD:

  • work – danh từ không đếm được

  • a cat – danh từ đếm được – danh từ số ít

  • cats – danh từ đếm được – danh từ số nhiều

Bên cạnh đó, động từ cũng được chia làm động từ số ít (singular verb) và động từ số nhiều (plural verb).

VD:

  • has – động từ số ít

  • have – động từ số nhiều

Trong Tiếng Anh, dạng danh từ hoặc rộng hơn là chủ ngữ số ít, số nhiều trong câu sẽ có mối quan hệ tương thuộc với động từ chính của nó. 

Theo từ điển Cambridge, sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ (subject-verb agreement) là “Ngôi và số chủ ngữ của mệnh đề sẽ quyết định ngôi và động từ của mệnh đề”(“The person and number of the subject of the clause determine the person and number of the verb of the clause”).

Nói cách khác, khi chủ ngữ là một danh từ số ít thì động từ chính phải là động từ số ít, hoặc khi chủ ngữ là danh từ số nhiều thì động từ chính phải là động từ số nhiều. 

Mời người đọc tìm hiểu chi tiết về Các quy tắc về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ trong Tiếng Anh.

Lỗi chia sai dạng cho danh và động từ số ít, số nhiều

Biểu hiện

Khi thi nói, thí sinh có thể gặp phải lỗi không chia dạng cho danh từ, động từ số ít, số nhiều,  cụ thể là:

Lỗi không chia danh từ số ít, số nhiều. Cụ thể khi nói đến danh từ số nhiều, thí sinh thường bỏ qua thêm âm “s” ở cuối hoặc chuyển dạng đúng nếu danh từ đó có hình thái đặc biệt khi chuyển sang số nhiều. 

loi-ietls-speaking-danh-tu-so-nhieuVí dụ

  • Lỗi không chia động từ cho danh từ số ít, số nhiều. Một ví dụ điển hình là thí sinh dùng chủ ngữ số ít nhưng động từ chính lại không thêm “s” hoặc “es”.

Câu sai: “She go to the park to have a stroll.”

Câu đúng: “She goes to the park to have a stroll.”

Nguyên nhân

Ở lỗi chia sai dạng cho danh từ, động từ số ít, số nhiều, McDonald (2000) cho rằng người Việt Nam có thể gặp khó với những biến tố của danh từ và động từ vì ngôn ngữ tiếng việt không có dấu hiệu hình thái như động từ thì quá khứ có đuôi “ed”, danh từ số nhiều có đuôi “s” hoặc ngôi thứ ba số ít sẽ chia động từ số ít có đuôi “s”.

Còn trong Tiếng Việt, danh từ số ít, số nhiều sẽ không thay đổi hình thái mà được xác định bằng số từ (numerals) như một, hai, ba…

VD: three cats – 3 con mèo

-> Cat thêm đuôi “s” còn con mèo giữ nguyên.

Bên cạnh đó, động từ trong Tiếng Việt không được chia thành động từ số ít, số nhiều.

Suy ra, thí sinh Việt Nam có thể mắc những lỗi chia dạng cho danh từ, động từ số ít, số nhiều do khi giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, thí sinh không có thói quen phải thay đổi hình thái của danh từ và động từ.

Cách xử lý 

  • Bước đầu tiên, người học cần nắm chắc hình thái của danh từ, động từ số ít, số nhiều và các quy tắc hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ.

  • Sau khi nắm rõ lý thuyết, người học cần tìm hiểu về lỗi sai của mình. Cụ thể, người học nên ghi âm lại bài nói của mình, nghe lại và liệt kê những lỗi sai về số ít, số nhiều. Cụ thể ở đây, người học hãy để ý đến những âm cuối (ending sound) như “s” hoặc “es”. Nếu những âm này không được phát âm ra, có thể người học đang mắc lỗi sai về chia danh từ, động từ số nhiều, số ít. 

  • Sau khi đã xác định được nguyên nhân, người học đã hình thành được nhận thức về lỗi sai, người học tiếp tục luyện tập nói, nhưng ở những lần sau này, người học hãy chú ý hơn đến những lỗi vừa liệt kê, có thể ưu tiên những lỗi hay sai nhất trước.

  • Việc nhận thức và luyện tập nhiều lần sẽ giúp người học tăng khả năng chia chính danh từ, động từ trong bài thi nói. 

Tổng kết

Bài viết trên đã cung cấp cho người học những biểu hiện, nguyên nhân và cách xử lý ba lỗi IELTS Speaking về ngữ pháp thường gặp của thí sinh Việt Nam trong bài thi nói: lỗi sử dụng sai Thì, lỗi sắp xếp sai trật tự từ, lỗi chia sai dạng cho danh từ và động từ số ít, số nhiều. Với trọng tâm phân tích là sự khác biệt giữa ngữ pháp Tiếng Việt và Tiếng Anh, người viết hi vọng người học có được một góc nhìn khoa học hơn với những lỗi ngữ pháp hay mắc phải, từ đó tự thiết kế cho mình những phương án cải thiện thích hợp nhất. 

Hồ Thị Minh Anh

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...