Các rào cản trong việc hình thành và rèn luyện tư duy phản biện

Bài viết này sẽ liệt kê 9 tác nhân phổ biến ngăn cản quá trình hình thành loại tư duy này để từ đó, người đọc có thể nhận thức và loại bỏ những tác nhân ấy trong quá trình tư duy nhằm đảm bảo việc đưa ra một cái nhìn sáng suốt, rõ ràng và tường tận về mọi khía cạnh của bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.
author
ZIM Academy
10/01/2022
cac rao can trong viec hinh thanh va ren luyen tu duy phan bien

Lời mở đầu

Tư duy phản biện hay còn gọi là Critical Thinking là một quá trình tư duy bao gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo cái nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định tính chính xác của vấn đề đó. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tư duy phản biện là một kĩ năng cần thiết không chỉ trong nghiên cứu học thuật mà còn ở mọi khía cạnh khác trong cuộc sống như kinh doanh hay trong quá trình tuyển dụng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong việc hình thành và rèn luyện tư duy phản biện. Thay vì đưa ra những phương pháp để cải thiện và luyện tập tư duy phản biện, bài viết này sẽ liệt kê 9 tác nhân phổ biến ngăn cản quá trình hình thành loại tư duy này để từ đó, người đọc có thể nhận thức và loại bỏ những tác nhân ấy trong quá trình tư duy nhằm đảm bảo việc đưa ra một cái nhìn sáng suốt, rõ ràng và tường tận về mọi khía cạnh của bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.

9 rào cản trong việc hình thành và rèn luyện tư duy phản biện

Thói quen hằng ngày

Trước hết, người đọc cần hiểu rõ thói quen là gì và tại sao thói quen lại có thể tác động nhiều lên quá trình hình thành tư duy phản biện.

Thói quen là những phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi (nếp sống, phương pháp học tập) lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện (học tập, làm việc) và được coi là bản chất thứ hai của con người. Chính vì vậy mà thói quen, tưởng chừng là những điều rất đơn giản và đời thường, nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn và lâu dài lên việc định hướng tư duy. Một cái nhìn thiếu chiều sâu, mang tính sơ sài sẽ không thể tạo ra được năng lượng tích cực để giúp nhìn nhận vấn đề một cách tường tận. Nếu con người chỉ biết chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, những thói quen hàng ngày như một lẽ hiển nhiên mà không tự thắc mắc “Tại sao?”, não bộ sẽ dần hình thành phản xạ lâu dài về việc tư duy thụ động và ngăn cản cách nhìn nhận có chiều sâu vào bản chất của vấn đề.

Để giải quyết một vấn đề, con người cần nhìn vào bản chất của vấn đề đó và vận dụng mọi cách nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết nó, thay vì chấp nhận kết quả và tìm cách đổ lỗi cho những tác nhân khác. Một ví dụ đơn giản có thể tìm thấy trong cuộc sống là khi một nhân viên dù làm việc rất nhiều năm nhưng vẫn không thể thăng tiến lên vị trí cao hơn mà anh ta mong muốn. Nếu anh ta duy trì thói quen chỉ nhìn vào mặt nổi của sự thật rằng anh ta mãi là một nhân viên cấp dưới và tự trách bản thân mình không tài giỏi hay đổ lỗi cho sự may rủi như cách anh ta đối mặt với những vấn đề khác trong cuộc sống, người nhân viên đó sẽ mãi chẳng thể nào đạt được cái mà anh ta mong muốn. Thay vào đó, một cách tư duy tốt và hiệu quả hơn chính là hiểu được bản thân đã thực hiện sai cách ở khía cạnh nào trong công việc và học hỏi thêm từ người khác để nắm rõ mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu.

Sự phớt lờ

Một ví dụ thường thấy về sự phớt lờ trong cuộc sống hằng ngày là khi một người đang đi trên đường và không để ý rằng trời đang âm u sắp mưa cho đến khi một giọt nước nhỏ rơi vào áo anh ta. Con người thường ít lưu tâm đến những gì mà bản thân cho rằng không có ý nghĩa. Và trong quá trình phớt lờ đi những điều đó, con người thường bỏ sót ít nhiều những thông tin có ích và quan trọng. Sự chú ý chưa đủ và đúng trên mọi phương diện trong quá trình diễn ra sự việc khiến cho não bộ kém nhạy cảm với các dấu hiệu của sự thay đổi. Việc này làm ngăn cản sự tập hợp lượng thông tin cần thiết giúp giải quyết vấn đề và từ đó cản trở tư duy phản biện. Vậy nên, mỗi người nên tiếp cận, phân tích và đánh giá bất kỳ vấn đề trên cơ sở lý trí để có thể không vội vã lờ đi những dấu hiệu mà cảm xúc nghĩ là “không đáng để tâm”.  Một số khía cạnh nên được xem xét một cách kỹ lưỡng khi gặp một vấn đề nào đó có thể kể đến như:

  • môi trường bên trong
  • môi trường bên ngoài
  • giá trị cốt lõi
  • thông điệp nó mang lại
  • sự liên quan của vấn đề này với những vấn đề khác và ảnh hưởng của nó lên những phương diện khác.

Tính bảo thủ

Sự bảo thủ trong suy nghĩ là một trong những rào cản nguy hiểm nhất gây khó khăn cho việc phát triển tư duy phản biện. Người bảo thủ thường có xu hướng từ chối lắng nghe và khăng khăng giữ nguyên ý kiến cùng những định kiến ban đầu của bản thân. Trong một vài trường hợp, sự bảo thủ là nguyên nhân khiến cho một số người hay “cãi cùn” (không có lỹ lẽ chính đáng) trong những cuộc tranh luận và trở nên “nảy lửa”, và trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến vũ lực.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Mạnh Hà – giảng viên trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh “ranh giới mong manh giữa sự bảo thủ và sự kiên định khiến cho người bảo thủ đôi khi khá thành công trong xã hội và rồi khi đạt đến một địa vị nào đó, họ cho rằng tất cả những gì họ nghĩ đều đúng, và chính vào lúc này, ranh giới được phân định rõ ràng và đó đích thị là người bảo thủ”. Tính bảo thủ thường được thể hiện qua việc một người tỏ ra không hài lòng với những hiện tượng có phần lạ lẫm và quy chúng về các giá trị đạo đức trong khi bản thân những sự vật, sự việc ấy không hề gây hại cho bất kỳ cá nhân nào. Ví dụ như khi một số người phản đối hôn nhân đồng giới vì nghĩ rằng điều này đi ngược lại với những giá trị truyền thống đã được hình thành từ xa xưa, rằng hôn nhân là đích đến của mối quan hệ tình cảm giữa một nam và một nữ. Việc mãi giữ lấy những tư tưởng bảo thủ khiến cho một người khó mà tiếp cận được hết những khía cạnh khác nhau của một vấn đề và cũng khiến cho chính bản thân anh ta gặp bất lợi trong việc thích nghi với môi trường mới, nhất là trong bối cảnh xã hội luôn thay đổi một cách nhanh và khó đoán như hiện nay.

Tự tin thái quá

Tự tin là một yếu tố cần thiết trong mọi quá trình dẫn đến thành công vì chỉ khi người ta hoàn toàn tin tưởng vào chính mình và nhận biết được giá trị của bản thân, họ mới có đủ dũng khí vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá tự tin vào bản thân hay tự tin một cách mù quáng lại gây phản tác dụng và ngăn cản con người khỏi việc đánh giá đầy đủ các mặt của vấn đề. Để tư duy phản biện, một người cần sẵn sàng đi ngược lại với những niềm tin vốn có của bản thân và suy xét một vấn đề theo một góc nhìn khác để đảm bảo rằng không có mặt nào của vấn đề đó bị bỏ qua. Tự tin thái quá khiến cho con người mãi chú tâm vào những gía trị bản thân cho là bất biến, mà không biết rằng sự tự tin này không phải lúc nào cũng phù hợp và mang lại hiệu quả trong mọi trường hợp. Hãy nhìn vào một ví dụ đơn giản về một người dẫn chương trình luôn tự tin rằng anh ta có khả năng hùng biện và phản xạ nhạy bén trong mọi tình huống. Người này tự tin đến nỗi mà khi đồng ý tham gia vào một chương trình truyền hình trực tiếp về chủ đề anh ta không có nhiều kinh nghiệm, anh ta không chịu đọc trước nội dung và hình thức của chương hình vì tin rằng mình có khả năng ứng biến tốt. Kết quả là, trong chương trình đó, anh ta không biết giải thích một khái niệm mà khán giả trường quay bất ngờ đưa ra và trở nên lúng túng vì không biết giải thích đáp án.

Sự vị kỷ

Tâm lý vị kỷ là một nguyên nhân khác cản trở quá trình hình thành tư duy phản biện. Nói một cách đơn giản hơn, tâm lý vị kỷ xuất hiện khi con người luôn được thúc đẩy bởi những tư lợi và ích kỷ cá nhân, ngay trong những hành động dường như khoác lên vẻ ngoài của sự vị tha. Như khi một người chọn cách giúp đỡ người khác, nhìn bên ngoài thì có vẻ người này có lòng vị tha và biết quan tâm tới những người khác. Nhưng trên thực tế, họ làm vậy chỉ vì lợi ích cá nhân mà chính bản thân họ mong đợi có được, trực tiếp hay gián tiếp, từ việc làm đó. Một để bản thân cảm thấy yên lòng vì ít nhất mình có thể làm được gì tốt cho người khác, hai là để những người khác nhìn vào thấy được rằng mình là một nhà hảo tâm. Vì sao nói sự vị kỷ là một trong nguyên nhân khiến một người không thể tư duy phản biện? Lí do dễ hiểu là bởi vì người đó chỉ biết quan tâm tới những mặt của vấn đề mà có lợi ích cho bản thân họ, từ đó định hình tư duy theo một hướng và chỉ tiếp cận một số mặt của vấn đề mà bỏ qua những khía cạnh khác gây bất lợi cho họ. Điều đó đi ngược lại với tính chất của tư duy phản biện khi một người cần phải tiếp cận vấn đề theo một góc nhìn khác để làm sáng tỏ và khẳng định tính chính xác của nó.

Nỗi sợ hãi

Ai cũng có nỗi sợ hãi của riêng mình và những nỗi sợ hãi đó vô hình chung gây cản trở rất nhiều điều trong cuộc sống của con người. Sự sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe doạ và khiến con người có xu hướng chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại. Đại đa số nỗi sợ thường liên quan đến các sự kiện trong tương lai, khi mà con người không đủ dũng cảm tiếp tục thực hiện những gì đang diễn ra trong hiện tại chỉ vì sợ rằng công sức bỏ ra sẽ đến một lúc nào đó “đổ sâu đổ bể”, nói cách khác, sẽ trở nên vô ích.

Bên cạnh đó, khi sợ hãi, một người thường không có đủ dũng cảm để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và rõ ràng vì lo rằng nếu nghĩ về một khía cạnh nào đó khác, vấn đề sẽ xuất hiện một vài biến thể mà người đó không có khả năng giải quyết. Nỗi sợ hãi còn khiến cho người này e ngại rằng, nếu tiếp tục tiếp cận vấn đề đó theo một góc nhìn khác, sẽ có không ít người xung quanh bị ảnh hưởng.

Nói tóm lại, một người có thể sợ rằng việc tiếp cận vấn đề theo một cách khác sẽ có ảnh hưởng tới bản thân mình và cả những cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết vấn đề đó. Ví dụ như khi cùng làm việc trong một dự án trong trường đại học, nhóm sinh viên đã đồng ý với nhau rằng kết quả cuối cùng của bài nghiên cứu là ảnh hưởng của môi trường sống lên việc hình thành tư duy của trẻ em. Nhưng khi hoàn thành xong dự án, một sinh viên trong nhóm phát hiện trường hợp mà môi trường sống không tác động gì đến việc hình thành tư duy của trẻ nhỏ, người này lại không dám nêu ý kiến vì sợ công sức của cả nhóm sẽ trở nên vô ích khi phải phản biện lại kết quả của bài nghiên cứu. Trong trường hợp này, sự sợ hãi của cậu sinh viên đó có thể xuất phát từ việc cho rằng nếu lật lại vấn đề, người này sẽ không đủ khả năng để chứng minh quan điểm của mình, nên đã chọn cách im lặng không phát biểu ý kiến cá nhân với những thành viên khác trong nhóm.

Sự lười biếng

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta đều cũng từng lười biếng, dù thường xuyên hay chỉ trong một giai đoạn ngắn hoặc một hoàn cảnh nào đó. Lười biếng là trạng thái ngại vận động, không thích hoặc hời hợt, đồng thời tỏ vẻ khó chịu khi phải buộc thực hiện một hành động nào đó. Biểu hiện của sự lười biếng còn có thể được tìm thấy trong hành vi trốn tránh, không muốn nỗ lực cố gắng và ngại hy sinh trước khó khăn thử thách. Khi con người nhanh chóng chấp nhận kết quả để không phải nhận thêm trách nhiệm nào về mình, cũng là một dấu hiệu rõ nét của sự lười biếng. Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến con người trở nên lười biếng, cụ thể là sự bảo bọc quá nhiều từ gia đình hay do việc chứng kiến những người xung quanh đang hoạt động một cách trì trệ và thiếu động lực.

Trong công việc và quá trình học tập nghiên cứu, sự lười biếng là trở ngại lớn trong việc hình thành tư duy phản biện vì nó ngăn cản một người tiếp cận tới những mặt trái của vấn đề. Vì lười suy nghĩ và tiếp cận những phương diện khác của vấn đề, nhiều người có nhiều lập luận chưa chặt chẽ, có “lỗ hổng” và từ đó, giải pháp khắc phục vấn đề chưa được toàn diện.

Thiếu trung thực

Thiếu trung thực với bản thân và những người xung quanh là một tác nhân gây ảnh hưởng không nhỏ lên quá trình tư duy phản biện. Một người thường nói dối hoặc lảng tránh sự thật vì nhiều nguyên nhân, một trong số đó là nỗi sợ hình ảnh của bản thân trong mắt người khác bị ảnh hưởng. Khi cố tình bỏ qua và từ chối nhìn vào sự thật cùng toàn bộ những mặt trái của nó, con người đang tự giới hạn chính bản thân trong việc tiếp cận toàn diện một vấn đề. Những tác nhân có tác dụng “ươm mầm” tính thiếu trung thực có thể được kể đến như: cái tôi quá lớn của một người hay tính thiếu tự lập và rèn luyện trước khó khăn, thử thách. Dù cho vì bất cứ nguyên do nào chăng nữa, nếu một người thiếu trung thực, anh ta sẽ không thể đủ sáng suốt để có thể phân tích và đánh giá một thông tin theo góc nhìn khác vì anh ta từ chối nhìn vào những sự thật có thể gây mất lòng. Sự việc nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, nếu chỉ biết chấp nhận sự thật theo mặt tích cực mà không nhận biết mặt còn lại thì trong trường hợp có vấn đề nào đó phát sinh, người ta sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm cách giải quyết. Một ví dụ thường thấy về việc thiếu trung thực gây cản trở quá trình tư duy phản biện có thể được tìm thấy trong môi trường làm việc. Trong một cuộc họp bàn về phương hướng chiến lược kinh doanh cho quý mới, một thành viên trong ban điều hành công ty vì muốn gây ấn tượng tốt với giám đốc và những thành viên khác, nên đã nói dối rằng kế hoạch của mình sẽ rất thành công dù anh ta biết rõ kế hoạch của mình có nhiều rủi ro và nếu thực hiện sẽ gây tổn thất không nhỏ cho công ty.

Tâm lý “bầy đàn”

Sau khi đã phân tích những tác nhân mang tính chủ quan, yếu tố cuối cùng mang tính khách quan mà bài viết này muốn đề cập đến là tâm lý “bầy đàn”. Tâm lý “bầy đàn” hay tâm lý đám đông là sự mô tả cách một số người bị ảnh hưởng bởi những người thân cận của họ thông qua những hành vi nhất định, theo xu hướng và/hoặc theo những điểm tựa. Tâm lý “bầy đàn” khác với hành vị bầy đàn, vì hành vi bầy đàn chỉ dùng cho những nhóm động vật, trong khi đó “tâm lý” là một thứ đặc trưng của loài người.

Theo khoa học, tâm lý “bầy đàn” là một loại phản ứng tâm lý gây ra bởi phản ứng sợ hãi áp lực lên tâm lý cá nhân, và từ đó con người bắt đầu hành động để tránh cảm giác “bị loại ra khỏi nhóm”. Có nhiều người buộc phải từ bỏ cá tính của mình để chạy theo phong trào, bởi mỗi chúng ta không thể hiểu được tường tận mọi sự việc nên việc chọn đi theo ý kiến số đông là sự lựa chọn được xem là mang tính an toàn, ít rủi ro nhất.

Theo một số người, thông tin được truyền đạt liên tục từ người này sang người khác sẽ mang tính đảm bảo cao vì tin rằng rất nhiều khác đã trải qua điều tương tự và có kinh nghiệm giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả và nhanh chóng nhất. Trên thực tế, việc đi theo ý kiến số đông không hề sai, nhưng không phải lúc nào nó cũng chính xác. Việc bỏ qua suy nghĩ của bản thân và nuông chiều theo ý kiến mà được nhiều người tán thành nhất đôi khi lại là một trở ngại vô cùng lớn trong việc tư duy phản biện để tiếp cận vấn đề theo một phương diện khác.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông chính là có bao nhiêu người ủng hộ một ý kiến chứ không phải do bản chất đúng sai, khả thi hay bất khả khi của ý kiến đó. Trong xã hội ngày nay, truyền thông đóng vai trò là tác nhân kích thích lớn nhất cho “hiệu ứng bầy đàn”. Một luồng quan điểm chỉ mang tính phiến diện khi được phát trên sóng truyền hình hay xuất hiện trên mặt báo có thể trở thành thực tế được công nhận ngay trong tức khắc. Một tin đồn không có căn cứ hay bình luận “bóc phốt” (hành động phơi bày những hiện tượng và hành vi xấu của một đối tượng) có thể khiến cho dư luận bị “dắt mũi” dù họ không thật sự nắm rõ thông tin đó đã được xác thực bằng những bằng chứng cụ thể nào hay chưa. Việc đi theo đám đông mà không suy xét kĩ những nguồn cơn và ảnh hưởng của một vấn đề vô hình chung cản trở việc một người đặt một vấn đề ở góc nhìn khác. Và cũng vì lẽ đó, người ta thường làm tổn thương nhau bằng lời nói, ánh nhìn đầy ác cảm hay thái độ thiếu tôn trọng dù không hề biết rằng sự thật đằng sau có thể không như những gì họ nghĩ. Ví dụ: do ảnh hưởng từ ý kiến của đại đa số người, một số cá nhân thường vội vàng nhận định một cô gái “hư hỏng”  là một cô gái “xăm hình, xỏ khuyên và đi chơi qua đêm” vì những biểu hiện đó thường đem lại cảm giác “khó chịu” cho người đối diện. 

“Hiệu ứng bầy đàn” còn xuất hiện trong thị thường việc làm, khi mà một số bạn trẻ đang trong độ tuổi xin việc làm thường có xu hướng học những ngành nghề “hot” như ngành IT vì quan niệm của rất nhiều người khác “làm IT kiếm được nhiều tiền”.

Kết luận

Tóm lại, bài viết vừa đưa ra cho người đọc 9 trong số những nguyên nhân gây cản trở việc một người hình thành tư duy phản biện. Tuỳ vào hoàn cảnh và tính cách của từng cá nhân mà những tác nhân này đem lại trở ngại không nhỏ trong việc suy nghĩ một cách thấu đáo và nhìn nhận toàn diện một vấn đề. Thông qua bài viết này, hi vọng mỗi người sẽ có thể tự nhận thức được những rào cản trong suy nghĩ của bản thân mình và tìm cách khắc phục để có thể tiếp cận mọi vấn đề trong cuộc sống một cách rõ ràng hơn.

Nguồn tham khảo:

Định nghĩa thói quen: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%B3i_quen

Định nghĩa tâm lý vị kỷ: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2m_l%C3%BD_v%E1%BB%8B_k%E1%BB%B7

Tâm lý bầy đàn: http://redsvn.net/ban-ve-tam-ly-bay-dan-cua-con-nguoi-tu-doi-song-den-hoat-dong-kinh-te/

Định nghĩa lười biếng/: https://trinhducduong.com/luoi-bieng-la-gi/

Tác giả: Nguyễn Hồ Ngọc Anh – Giảng viên tại ZIM

Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu