Các sai lầm cần tránh khi học tiếng Anh qua phim ảnh và giải pháp

Phim ảnh là nguyên liệu học tiếng Anh tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng có cách tiếp cận đúng với phương pháp học này. Bài viết hé lộ những sai lầm khi thí sinh tận dụng phim ảnh nói tiếng Anh trong quá trình trau dồi ngôn ngữ và cung cấp những giải pháp và tips hữu ích để giải quyết các vấn đề được nêu.
author
Bùi Thu Trang
19/04/2022
cac sai lam can tranh khi hoc tieng anh qua phim anh va giai phap

Khi tiếp cận với một ngôn ngữ mới, các thí sinh thường gặp một số khó khăn như: quá tập trung vào ngữ pháp khiến quá trình học trở nên mệt mỏi, khác biệt lớn về văn hóa, phát triển chưa cân bằng các kĩ năng,… Và hiện nay, phương pháp học qua phim đang trở nên càng ngày càng phổ biến trong cộng đồng học tiếng Anh bởi những lợi ích tối ưu nó đem lại, giúp giải quyết hầu hết các vấn đề kể trên nếu được áp dụng đúng cách. Tuy nhiên là một phương pháp thực tế và thú vị, thí sinh vẫn dễ mắc những sai lầm nhất định khi tiếp cận, làm giảm hiệu quả của cách làm này. Bài viết sau sẽ bật mí những lỗi thường gặp khi thí sinh sử dụng phim ảnh để học tiếng Anh và các giải pháp cho những vấn đề đó, cùng với một số tips bổ ích giúp quá trình học này trở nên dễ dàng.

Key takeaways

  • Tận dụng phim ảnh trong quá trình học tiếng Anh đem đến nhiều lợi ích như: học ngôn ngữ nói của người bản xứ, không hề nhàm chán, “nâng cấp” phản xạ tiếng Anh vượt bậc

  • Một số lỗi thí sinh dễ mắc phải khi học qua phương pháp này: chọn sai phim, tra quá nhiều từ mới, thụ động, tra quá nhiều từ, và không chia sẻ kiến thức học được với người khác

  • Bên cạnh việc khắc phục trực tiếp từng lỗi trên, để việc học thêm phần hiệu quả, thí sinh nên chia nhỏ đoạn phim, xem lại bộ phim yêu thích nhiều lần và cố gắng đưa vào luyện tập thật nhiều.

Vì sao nên học tiếng Anh qua phim ảnh

Học ngôn ngữ nói thực sự như người bản xứ

Có một sự thật đó là không phải tất cả những cấu trúc ngữ pháp, từ vựng thí sinh học ở trường là những gì người bản xứ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Việc phụ thuộc quá nhiều vào lý thuyết sách vở khiến lời nói của thí sinh đôi khi mất tự nhiên

Ví dụ: có một bạn học sinh có câu trả lời như sau: “I'm really crazy about going to the cinema to catch a flick with my buddies on weekends, but I'm up to my ears in work these days, so I often watch movies at home rather than going to the movie theater.”

hoc-tieng-anh-qua-phim-anh-watch-movies

Trong câu có chứa những cụm collocations, idioms được học tuy nhiên đây không phải cách người bản ngữ vẫn giao tiếp và việc lạm dụng chúng khiến câu trả lời của thí sinh trở nên  khá gượng gạo. Việc tiếp xúc nhiều với tiếng Anh giao tiếp qua phim ảnh giúp thí sinh làm theo với cách các cụm từ này được sử dụng.

Tăng cường phản xạ

Khi giao tiếp bằng tiếng Anh, nội dung những gì ta truyền tải không chỉ đến từ ngôn ngữ mà còn là biểu cảm, thái độ, ngữ điệu,..Không chỉ không tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt trong ngữ pháp, tiếng Anh nói gồm nhiều những từ, cụm từ lóng, collocations và nói tắt nhiều, kết hợp với giọng điệu của từng vùng. Đó cũng là lý do vì sao nhiều thí sinh đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ nói của người bản xứ. 

Chìa khóa cho vấn đề này đó là thí sinh tiếp xúc hàng ngày với tiếng Anh giao tiếp, và phim ảnh, podcast là những nguồn tài liệu tuyệt vời cho vấn đề này, khi không phải thí sinh nào cũng có cơ hội làm việc và học tập trong môi trường nói tiếng Anh.

Không gây nhàm chán

Khác với việc học từ vựng trên lớp và áp dụng giải những câu hỏi lý thuyết khiến thí sinh dễ “lạc trôi” kiến thức ra khỏi đầu, việc học qua phim ảnh là một hình thức “dễ thở” hơn nhiều. Đơn giản vì đây là một hình thức giải trí, thoát ra khỏi sự bó buộc của sách vở, thí sinh sẽ thấy được thư giãn hơn, “học mà như không học”. Hơn nữa, hàng ngàn bộ phim với chủ đề khác nhau giúp thí sinh dễ dàng thay đổi, chọn lựa chọn chủ đề mình quan tâm, đang cần bổ sung kiến thức và từ vựng.

Một số sai lầm cần tránh khi học tiếng Anh qua phim ảnh

Tuy đem đến nhiều ích lợi “siêu việt” đến vậy, thí sinh vẫn có thể mắc những lỗi nghiêm trọng khi tiếp cận phương pháp này khiến quá trình học không đạt hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập

Không kiên nhẫn

Khi mới bắt đầu tiếp cận cách học này, nhiều thí sinh vô cùng hào hứng, bật một bộ phim tiếng Anh nào đó lên, tắt hết subscription và đắm mình vào câu chuyện, sau đó lại ngậm ngùi tắt đi và không xem lại lần nào nữa.

Lý do cho việc này là vì nếu thí sinh ở những trình độ trung bình và trên trung bình chưa làm quen với việc nghe hiểu thường xuyên, chưa quen với việc theo dõi và suy nghĩ bằng tiếng Anh hàng ngày, việc không có phụ đề hay những công cụ hỗ trợ khiến thí sinh không theo kịp được nội dung, gây chán nản. 

Thí sinh nên hiểu, học một ngôn ngữ mới cũng như hồi nhỏ ta được dạy tiếng Việt, mất 5-6 năm mới có đọc, viết thuần thục. 

Giải pháp: Thí sinh hãy cho bản thân thời gian, “mưa dầm thấm lâu” khi tiếp xúc với tiếng Anh, đừng quá đặt áp lực và kỳ vọng không thực tế vào bản thân. Hơn nữa, thí sinh nên quan tâm nhiều hơn để chủ đề bộ phim mình xem và cân nhắc nó với nhu cầu của mình. Giả sử một bộ phim chủ đề tâm lý tội phạm sẽ gồm nhiều từ ngữ học thuật, khác với một bộ phim tâm lý tình cảm tuổi học đường với từ ngữ phổ thông dễ hiểu, dễ áp dụng.

Lựa chọn phim chưa phù hợp

Đây cũng là một sai lầm khi thí sinh chọn học theo phương pháp này vì rõ ràng, thí sinh có quá nhiều lựa chọn giữa hàng ngàn các bộ phim khác nhau và dù là hợp sở thích, không phải bộ phim nào cũng đem đến hiệu quả trong việc cải thiện ngôn ngữ cho thí sinh.

Ví dụ: Thí sinh lựa chọn phim dựa trên sự nổi tiếng, độ hot. Các phim chủ đề giả tưởng hay nghệ thuật thường bao gồm những từ ngữ học thuật hay các từ vựng có độ khó cao.

Giải pháp: Để khắc phục vấn đề này, thí sinh nên lựa chọn những bộ phim có chủ đề quen thuộc như xoay quanh gia đình, trường học, công việc. Những bộ phim có độ dài phù hợp cũng rất quan trọng, tránh chọn những phim quá dài hơi, dễ khiến thí sinh nản và bỏ ngang giữa chừng.

Gợi ý: Thí sinh có thể tham khảo các bộ sitcom huyền thoại mà ai học tiếng Anh cũng nên biết như Friends, How I met your mother (HIMYM). Những điểm cộng của hai bộ phim này:

  • Nội dung đơn giản, gần gũi hài hước: cùng kể về một nhóm bạn, những tình tiết xung quanh cuộc sống, công việc và tình cảm của các nhân vật

  • Thời lượng vừa phải: một tập phim Friends và HIMYM dài tối đa là 20 phút

  • Hiểu thêm về văn hóa Mỹ: những trò đùa chỉ người Mỹ mới hiểu, các từ tiếng lóng, cách ứng xử và cả những tập phim đặc biệt về các ngày lễ ít nhiều cung cấp cho thí sinh những kiến thức, góc nhìn về văn hóa của đất nước này. 

Quá thụ động

Dù bản thân là một hình thức giải trí, nhưng nếu phim ảnh được thí sinh tận dụng để làm nguồn tài liệu học, việc chủ động học tìm tòi học tập là điều tối quan trọng. Nhiều thí sinh nghĩ cứ nghe nhiều, xem nhiều là khả năng nghe-hiểu sẽ tự được trau dồi, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất về học tập trong phương pháp này sẽ cần cố gắng nhiều hơn là chỉ ngồi một chỗ và xem phim.

hoc-tieng-anh-qua-phim-anh-nghe-thu-dong

Giải pháp:

  • Lặp lại lời thoại khi xem phim: giống việc chúng ta nhại theo lời nói của người lớn khi học nói bằng tiếng Việt, cách ta “bắt chước” lời thoại của các nhân vật trong phim là một phương pháp tuyệt vời để cải thiện phát âm, fluency và ngữ điệu của bản thân (Đọc thêm về phương pháp shadowing tại đây). Cách làm về cơ bản là như sau:

  • Xem phim như bình thường, bắt đầu bằng việc dừng lại phim ở những phân đoạn có lời thoại hay, lặp lại chính xác những gì nhân vật trong phim nói

  • Khi đã quen dần với cách này, thí sinh thậm chí không cần dừng băng lại nữa mà sẽ lặp lại đồng thời lời thoại trên phim cùng lúc với nhân vật, cố gắng “nhại lại” hoàn toàn về ngữ điệu, tông giọng thậm chí là cách nhân vật suy nghĩ.

  • Take-note và take-note: dù cách học này chủ yếu sẽ phát triển các kĩ năng nghe-nói, tuy nhiên cách ghi chép truyền thống này vẫn vô cùng hiệu quả trong việc giúp thí sinh ghi chép từ. Thí sinh hãy có cho mình một cuốn sổ nhỏ, ghi chép lại những cụm từ mình cảm thấy hay, các cụm từ lóng, collocations hay bắt gặp trong khi xem phim và cố gắng đưa chúng vào khi luyện tập. Thậm chí thí sinh có thể thử thách bản thân bằng việc tự mình tóm tắt/ kể lại một phân cảnh bằng tiếng Anh. Tuy nhiên cách phải cách làm này cũng rất dễ dẫn đến một sai lầm khác ngay sau đây.

 Tra cứu quá nhiều từ mới

Không thể phủ nhận việc tra cứu từ mới là hoạt động xây dựng và phat triển vốn từ rất tốt, nhưng lại không mang lại hiệu quả nhiều trong quá trình luyện nghe. Thí sinh không thể hi vọng mình sẽ hiểu được cặn kẽ từng từ được nói trong phim, do vậy việc dừng lại để tra tất cả các từ mới mình gặp sẽ dẫn đến những hậu quả như: nản chí, làm gián đoạn mạch câu chuyện, không có tác dụng nhiều  trong việc nghe hiểu đại ý câu văn.

Giải pháp:

  • Chỉ take-note lại những cách diễn đạt bản thân thấy tâm đắc, hay những từ tiếng lóng, collocation lặp đi lặp lại nhiều lần

  • Tạm hoãn việc tra từ mới, lấp đầy những chỗ trống đó bằng cách tự suy luận và đoán nghĩa của câu, dựa vào ngữ cảnh và những từ ngữ đã biết nghĩa rồi

  • Tập trung vào ý chính của câu thay vì cố hiểu từng từ riêng lẻ, kĩ năng nghe hiểu đại ý này sẽ rất hữu ích nếu được vận dụng vào bài thi listening.

Không chia sẻ

Việc học ngoại ngữ về cơ bản là một hoạt động yêu cầu những sự tương tác qua lại. Khi vận dụng phương pháp này, thí sinh có xu hướng chìm đắm vào những bộ phim một mình, liên tục nghe nhưng không giao tiếp hay trao đổi những kiến thức học được với ai. Việc theo đuổi mục tiêu học ngoại ngữ đơn độc như vậy sẽ không đem đến được nhiều hiệu quả.

Giải pháp:

  • Xem phim cùng người khác: thí sinh có thể chọn cách xem phim cùng bạn mình hoặc tham gia các hội nhóm xem phim học tiếng Anh. Cùng nhau chia sẻ những từ vựng hay, kiến thức được học qua phim, các bạn còn có thể trao đổi bằng tiếng Anh về bộ phim mình vừa xem. Việc làm này sẽ làm tăng cường đáng không chỉ khả năng giao tiếp, phản xạ với tiếng Anh mà thí sinh còn có cơ hội tiếp cận, bàn luận sâu về những chủ đề mà mình quan tâm, tăng kiến thức về văn hóa và xã hội nói chung.

Một số tips khiến việc học tiếng Anh qua phim ảnh dễ dàng và hiệu quả hơn

Xem lại nhiều lần

Thí sinh không cần thiết phải áp dụng phương pháp này với tất cả các bộ phim mình xem, tuy nhiên đối với những bộ phim bản thân thực sự yêu thích và tâm đắc, thí sinh có thể xem lại 2,3 lần. Qua mỗi lần, thí sinh có thể thay đổi hướng tiếp cận, ví dụ như: lần thứ nhất tập trung xem phim có bật phụ đề, có thể dừng lại tra cứu một số từ ngữ được lặp lại nhiều lần hoặc quá khó hiểu; lần thứ hai, bật phụ đề bằng tiếng Anh, hạn chế tối đa tra cứu từ mới; lần thứ ba, thí sinh hãy xem hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc nếu có thể, tắt hoàn toàn phụ đề và chỉ tập trung vào lời thoại. Khi đã quen với nội dung, thậm chí đã nhớ được một phần lời thoại, cách làm này sẽ khiến từ vựng và khả năng nghe hiểu của thí sinh được “nâng cấp” lên rất nhiều lần.

Chia nhỏ đoạn phim

Với những thí sinh mới làm quen với các bộ phim tiếng Anh, cách làm trên có thể sẽ hơi ngợp khi phải tiếp xúc với một lượng lớn lời thoại trong một thời gian dài, chưa kể thí sinh phải tập trung nghe hiểu và nhắc lại. Để giải quyết vấn đề này, thí sinh nên chia nhỏ bộ phim theo những phân cảnh, hoặc những đoạn phim có độ dài từ 3-5 phút để shadowing. Mới đầu cách làm này có thể sẽ tốn thời gian, tuy nhiên sau thời gian và quen dần, thí sinh có thể tăng độ dài từng đoạn phim lên cho đến khi có thể xem trọn vẹn từ đầu đến cuối.

Luyện tập và luyện tập

Xem phim và thu thập từ vựng chính là “input”, để có thể biến những kĩ năng và kiến thức được học đó thành của mình, thí sinh cần có “output” – bằng cách luyện tập, vận dụng những gì mình học vào luyện tập hàng ngày. Như đã đề cập ở trên, cách hiệu quả nhất để luyện tập vẫn là qua tương tác với người khác, thí sinh có thể rủ bạn mình, hoặc tham gia các hội nhóm học tiếng Anh qua phim,…để tối ưu khả năng giao tiếp, phản xạ và suy nghĩ bằng ngôn ngữ thứ hai này. Trong trường hợp không có partner, thí sinh hãy cân nhắc vận dụng phương pháp shadowing đã được nói đến ở trên.

Tổng kết

Hình thức học tiếng Anh qua phim ảnh là cách tiếp thu ngôn ngữ một cách trực tiếp, những lợi ích mà phương pháp này đem lại là vô cùng vô tận. Qua bài viết này, mong thí sinh có thể tránh được những lỗi sai cơ bản thường gặp, áp dụng được các giải pháp và tips.

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu