Banner background

Cách duy trì động lực học tiếng Anh qua Four-phase Model

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu phương pháp Four-Phase Model giúp người đọc duy trì được niềm yêu thích và động lực đối với Tiếng Anh.
cach duy tri dong luc hoc tieng anh qua four phase model

Để thành thạo một ngôn ngữ ở mức độ cao đòi hỏi người học dành nhiều thời gian và công sức hơn, và hơn thế. Vì vậy, người học mất dần niềm yêu thích và động lực theo thời gian. Người học không thể kiểm soát độ khó của ngôn ngữ tuy nhiên có thể hoàn toàn chủ động duy trì động lực học của cá nhân. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu phương pháp Four-Phase Model giúp người đọc duy trì động lực học tiếng Anh, giữ niềm đam mê tìm tòi, học hỏi ngôn ngữ này.

Four-phase Model là gì? 

Four-phase Model được xây dựng và nghiên cứu sâu bởi Suzanne Hidi and K. Ann Renninger. Đây là mô hình miêu tả sự phát triển của interest (tạm dịch: sự quan tâm/yêu thích, niềm hứng thú) của cá nhân đối với một vật hoặc vấn đề gì đó. Theo như Hidi và Renninger, sự hứng thú vừa chỉ trạng thái tâm lý ban đầu khi tiếp xúc với các nguồn nội dung, vừa nói đến khuynh hướng nhận thức và cảm xúc để có động lực tiếp tục tìm hiểu/gắn bó với nội dung đó theo thời gian. 

Four-Phase Model bao gồm 4 giai đoạn xây dựng dựa trên 2 loại hứng thú

Situational interest

Ý nghĩa: sở thích hình thành vì bị môi trường kích động, thường kéo dài trong khoảng thời gian ngắn – short term. Bao gồm tính chất mới mẻ, bất ngờ từ môi trường ngoài

  • Giai đoạn 1: Triggered Situational Interest (Kích hoạt niềm yêu thích nhờ môi trường/hoàn cảnh)

  • Giai đoạn 2: Maintain Situational Interest (Duy trì niềm yêu thích ở giai đoạn 1)

Individual interest

Ý nghĩa: niềm yêu thích cá nhân lâu dài – long term, được hình thành sau khi sự hứng thú được duy trì trong một thời gian và trở thành mối quan tâm lớn hoặc động lực lâu dài của một cá nhân. 

  • Giai đoạn 3: Emerging Individual Interest (Phát triển niềm yêu thích ở giai đoạn 2 thành niềm yêu thích cá nhân)

  • Giai đoạn 4: Well-developed Individual Interest (Niềm yêu thích cá nhân được phát triển sâu và toàn diện)

four-phase-model-cac-buoc

four-phase-model-vi-du

Các hiểu lầm về “niềm yêu thích” được giải quyết bởi Four-phase model

“Niềm yêu thích” không hề thay đổi theo thời gian? 

Với Four-Phase Model ta có thể thấy “niềm yêu thích” sẽ được phát triển theo thời gian dựa vào mức độ và tần suất người học tiếp cận với một nội dung nào đó. Người học càng tiếp xúc nhiều và liên tục với tiếng Anh thì càng phát triển được niềm yêu thích với ngôn ngữ này. 

Mỗi người sinh ra đã có niềm yêu thích với những lĩnh vực/môn học nhất định? 

Ví dụ, nếu một người vốn không thích tiếng Anh, người đó sẽ không thể học tốt Tiếng Anh. Đây là nhận định không chính xác vì chỉ cần thay đổi môi trường học sao cho kích thích hứng thú tìm hiểu về một lĩnh vực (giai đoạn 1 và 2) thì người học sẽ dần yêu thích lĩnh vực đó theo thời gian. 

Nếu một người có niềm yêu thích với lĩnh vực nào đó thì họ có thể làm tốt mà không cần sự hỗ trợ từ môi trường và mọi người?

Dù có niềm yêu thích tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó, người học vẫn cần sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm về nguồn tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy, cách học hiệu quả, hay đơn thuần là một môi trường học tích cực khuyến khích người học trao dồi. 

Để phát triển “niềm yêu thích” của một người với một lĩnh vực là điều quá phức tạp và rắc rối?

Phát triển niềm yêu thích của người học về bất kì lĩnh vực nào quả thực là điều không dễ dàng tuy nhiên không phải là không thể. Khi hiểu kĩ về Four-Phase model, ta sẽ thấy niềm yêu thích cái gì đó đơn thuần được phát triển từ hai yếu tố môi trường và cá nhân. Người học hoàn toàn có thể chủ động thay đổi hai yếu tố trên bằng Four-phase Model.

Four-phase Model giúp phát triển và duy trì động lực học như thế nào? 

Việc người học có niềm yêu thích về một thứ gì đó trong thời gian dài sẽ giúp người học có động lực liên tục tìm hiểu về lĩnh vực đó. Nói cách khác, động lực được bắt nguồn từ niềm yêu thích. Muốn có động lực học tiếng Anh lâu dài và có kết quả thì cần học cách yêu thích nó. 

Mặt khác, nếu niềm hứng thú về một thông tin dừng lại ở sự tò mò về cái mới (giai đoạn 1) thì người học sẽ không có động lực để tìm hiểu xa hơn về thông tin đó. Học tiếng Anh cũng như vậy, nếu chỉ dừng lại ở tò mò về một ngôn ngữ mới và học những thứ căn bản thì người học sẽ khó đưa sự hứng thú nhất thời thành mối quan tâm lâu dài hay động lực nghiêm túc để học ngôn ngữ. Nói cách khác, nếu người học không chủ động tiếp xúc liên tục hay duy trì và phát triển niềm yêu thích với ngôn ngữ thì sẽ dễ mất động lực để học ngôn ngữ đến cấp độ cao hơn. 

Cách áp dụng Four-phase Model trong duy trì động lực học tiếng Anh

Giai đoạn 1: Kích hoạt

Tạo môi trường học tập lí tưởng kích thích sự tò mò

Một trong những cách phổ biến nhất để tạo môi trường kích thích sự tò mò về ngôn ngữ là biến không gian học tập và làm việc bao quanh tiếng Anh.

Ví dụ như đổi ngôn ngữ trên điện thoại sang tiếng Anh, theo dõi nhiều kênh (websites, blogs) tiếng Anh, nghe nhạc, xem phim, đọc báo tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ/ lớp học tiếng Anh,…đều có thể tạo ra những sự tiếp cận tự nhiên và chủ động với tiếng Anh.

Thêm vào đó, ở giai đoạn đầu người học nên chọn những nguồn tài liệu mà bản thân vốn có hứng thú tìm hiểu. Ví dụ, nếu quyết định chọn học tiếng Anh qua phim, hãy chọn bộ phim mà mình yêu thích. Nếu quyết định tham gia một nhóm học tiếng Anh, hãy chắc chắn thầy cô và bạn bè ở đó đem lại năng lượng tích cực và thoải mái. Như vậy thì môi trường học mới tạo nên được duy trì động lực học tiếng Anh sau này. 

Mặc dù ở giai đoạn đầu người học cần tập trung tạo ra môi trường thoải mái để tiếp cận và kích thích sự tò mò về tiếng Anh, việc chọn những nguồn tài liệu uy tín và chính xác cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp người học được tiếp cận ngôn ngữ chuẩn ngay từ ban đầu và có nền tảng căn bản vững chắc cho những cấp độ cao hơn. 

Gợi ý một số nguồn học tiếng Anh cấp độ Beginner (sơ cấp) -> Intermediate (trung cấp)

  • Từ điển Anh – Anh uy tín: Oxford Learner’s Dictionaries, Cambridge Dictionary, Longman Dictionary

  • Ngữ pháp:  Essential Grammar in Use (Cambridge)

  • Nghe: BBC Learning English, British Council podcasts, Podcastsinenglish

  • Nói: người học có thể bắt đầu học phát âm qua bảng ngữ âm quốc tế IPA

  • Đọc: VOA Learning English

  • Nói: Duolingo, italki

Đọc thêm: 04 tạp chí học Tiếng Anh cải thiện kỹ năng Reading

Giai đoạn 2: Duy trì hoặc thay đổi 

Duy trì hoặc thay đổi môi trường học nếu thấy cần thiết

Sau khi đã tìm được một trường học lí tưởng, người học cần duy trì môi trường đó và tiếp xúc đều đặn với tiếng Anh. Bằng cách này, người học sẽ luôn được gợi nhớ về sự hứng thú với ngôn ngữ này và dần coi tiếng Anh là một sở thích cá nhân (giai đoạn 3).

Tuy nhiên, trường hợp người học thấy môi trường mình lựa chọn ở giai đoạn 1 chưa thực sự hiệu quả để duy trì sự hứng thú, người học nên chủ động thay đổi môi trường học và cách tiếp cận với ngôn ngữ càng sớm càng tốt. 

four-phase-model-vi-du-2

Ví dụ: Nếu người học chọn duy trì môi trường học lí tưởng  từ giai đoạn 1, có thể tiếp tục tìm hiểu sâu hơn những nguồn tài liệu sau: 

Gợi ý một số nguồn học tiếng Anh cấp độ Intermediate (trung cấp) -> Advanced (cao cấp) 

  • Nghe: TED talks, TED ed, CNN.

  • Ngữ pháp: English Grammar in Use (Cambridge), Advanced Grammar in Use (Cambridge) 

  • Đọc: The New York Times, The Economist, BBC, The Wall Street Journal.

Giai đoạn 3: Phát triển

Chủ động nghiên cứu tài liệu thích hợp và tăng cường tự học 

Đến giai đoạn 3, sau khi người học phải tạo ra môi trường học và duy trì hứng thú với Tiếng Anh ở hai giai đoạn trước, người đọc sẽ phần nào thấy được niềm yêu thích thực sự với ngôn ngữ.

Môi trường lý tưởng ở đây không còn quá quan trọng vì đến giai đoạn này người học sẽ chủ động tìm hiểu và học hỏi bất kể môi trường như thế nào. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn mà người học dễ mất đi động lực học, bởi những kiến thức tự tìm hiểu sẽ vượt ra ngoài khả năng và hiểu biết của họ. Vì vậy, ở giai đoạn này, người học cần được thoả mãn nhu cầu hỏi và đáp, nói cách khác họ cần người hướng dẫn hoặc nguồn tài liệu thích hợp giải đáp những thắc mắc của họ. 

Đọc thêm: Áp dụng phương pháp Pomodoro (Pomodoro Technique) để học tiếng Anh hiệu quả

Gợi ý một số nguồn tài liệu nghiên cứu học thuật chuyên sâu: 

  • Google Scholar

  • ScienceDirect

  • JSTOR

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, người học có thể có những mục đích rõ ràng hơn cho việc học và tiếp cận với ngôn ngữ, đặc biệt là tham gia các kỳ thi chứng chỉ Tiếng Anh như: IELTS, TOEFL, TOEIC, SAT, GMAT, GRE,…

Gợi ý một số nguồn tài liệu học thi chứng chỉ: 

  • Tổng quan và tips làm các bài thi chứng chỉ tiếng Anh: Zim.vn

  • IELTS: IELTS Liz, IELTS Simon 

  • SAT:  Khan Academy, College Board

Giai đoạn 4: Hoàn thiện

Duy trì động lực học lâu dài với kỉ luật và mục tiêu rõ ràng

Giai đoạn cuối ở đây có thể coi là kết quả của 3 giai đoạn trước tạo nên “well-developed interest” (niềm yêu thích hoàn thiện). Người học ở giai đoạn này có thể khẳng định họ yêu thích và duy trì động lực học tiếng Anh của họ cũng trở nên ổn định hơn. Người học có thể đặt nhiều câu hỏi hơn về Tiếng Anh và sẽ đủ khả năng để tự tìm ra được câu trả lời cho bản thân qua quá trình nghiên cứu. 

Tuy nhiên, vì ở giai đoạn này là “well-developed interest” mà không phải là “permanent interest” (niềm yêu thích vĩnh viễn), nên người đọc cần đặt ra kỷ luật và mục tiêu rõ ràng để có định hướng lâu dài đối với niềm yêu thích của mình.

Ví dụ: Thay vì nói yêu thích tiếng Anh và muốn học càng nhiều càng tốt, người học nên đặt ra mục tiêu mỗi ngày học tiếng Anh trong bao lâu, học bao nhiêu từ mới và tập trung vào kỹ năng nào. Hoặc người học có thể đăng ký những kì thi tiếng Anh và đặt ra những mục tiêu cụ thể để có động lực không ngừng cố gắng trau dồi kiến thức về tiếng Anh. 

Cách đặt mục tiêu cụ thể để duy trì động lực lâu dài theo phương pháp SMART: 

Ví dụ: Mục tiêu đạt được điểm cao trong kì thi IELTS là một mục tiêu mơ hồ và khó thể đo lường được người học đã đạt được mục tiêu hay chưa. Vì vậy, người học có thể dựa vào những tiêu chí theo nguyên tắc SMART sau để lập ra mục tiêu rõ ràng hơn:

four-phase-model-smart

  • Specific (Cụ thể): Thay vì mục tiêu là “điểm cao” chung chung, người học nên đề ra band điểm cụ thể như 5.0, 6.5, hay 7.0 (tuỳ thuộc vào mong muốn cá nhân hoặc yêu cầu công việc).

  • Measurable (Đo lường được): Với mục tiêu cụ thể hơn là 6.5 IELTS chẳng hạn thì người học cần đo lường được những sự tiến bộ của cá nhân trong quá trình ôn tập. Ví dụ sự tiến bộ có thể được đo bằng việc người học học được cụ thể bao nhiêu từ mới trong 1 ngày, áp dụng được bao nhiêu idioms hay collocations trong 1 tuần, và viết được bao nhiêu bài essay hoàn chỉnh trong 1 tháng. 

  • Attainable (Có thể đạt được): Dù có mục tiêu cụ thể là 6.5, người học có thể thấy khó đạt được và nhanh chóng nản chí hay mất đi động lực. Để khiến mục tiêu trở nên dễ dàng đạt được hơn, người đọc nên chia nhỏ mục tiêu của mình thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn. Ví dụ: mục tiêu tăng 0.5 band điểm listening trong vòng 1 tháng là điều có khả năng cao đạt được. Việc đạt được những mục tiêu nhỏ giúp người học có động lực để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. 

  • Relevant (Phù hợp): Khi xác định thi IELTS, người học cần chủ yếu học những nguồn tài liệu sát với bài thi nhất và phù hợp với việc cải thiện những điểm yếu trong từng nhóm kỹ năng. Ví dụ như nghiên cứu về cách bài thi được chấm điểm thế nào qua band descriptors public version, hay đọc về các tài liệu mang tính học thuật (academic) để chuẩn bị cho IELTS Academic. 

  • Time-bound (Thời gian): Để tạo ra tính kỷ luật cho quá trình học cũng như duy trì động lực học mỗi ngày, người học cần đưa ra một mốc thời gian giới hạn cho từng mục tiêu nhỏ đến từng mục tiêu lớn. Ví dụ như 3 tháng để tăng từ band điểm 6.5 lên 7.0, hay 6 tháng để tăng từ 7.0 lên 8.0. 

Đọc thêm: Áp dụng phương pháp S.M.A.R.T. trong cải thiện việc học tiếng Anh

Tổng kết

Như vậy để duy trì động lực học tiếng Anh lâu dài, người học trước hơn hết cần bắt đầu hình thành sự hứng thú với tiếng Anh. Quá trình duy trình động lực tương đương với quá trình kích hoạt, duy trì, phát triển và hoàn thiện sự hứng thú – được giải thích bởi Four-phase Model. 

Đọc thêm: Sự ảnh hưởng của tiếng Việt tới quá trình cải thiện việc học tiếng Anh (Phần 1)

Nguyễn Phương Thanh

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...