Cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh - Ưu & nhược điểm các phương pháp

Bài viết giới thiệu về cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh này bao gồm các phương pháp nổi bật, ưu và nhược điểm của chúng để thí sinh dễ dàng chọn lọc.
author
Trà My
19/10/2023
cach ghi chep ngu phap tieng anh uu nhuoc diem cac phuong phap

Việc ghi chép đóng vai trò quan trọng trong quá trình ôn luyện Tiếng Anh, vì việc này giúp hệ thống lại kiến thức đã học, hiểu sâu hơn khi phải suy nghĩ và tóm tắt thông tin, cũng như dễ dàng ghi nhớ và kiểm tra kiến thức trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều công cụ phục vụ cho việc ghi chép, có thể khiến thí sinh bối rối vì không biết công cụ nào mới thực sự phù hợp với cách học của bản thân. Bài viết sẽ giới thiệu cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh, với ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp để thí sinh có thể tham khảo và so sánh.

Key Takeaways

1. Ghi tay truyền thống 

  • Ưu điểm: ghi nhớ lâu hơn, điều chỉnh linh hoạt, sử dụng mọi lúc, mọi nơi  

  • Nhược điểm: dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, khó quản lý và tìm kiếm, có thể thất lạc 

2. Ghi chép trên máy tính (Microsoft Word, Google Docs) 

  • Ưu điểm: dễ dàng chỉnh sửa, tự động lưu trữ, dễ dàng tích hợp tệp, tìm kiếm nhanh chóng 

  • Nhược điểm: dễ xao lãng, nguy cơ mất dữ liệu, mất kết nối internet, giảm hiệu suất máy tính 

3. Sử dụng ứng dụng và phần mềm ghi chú (OneNote, Notion,...) 

  • Ưu điểm: dễ dàng tiếp cận, tích hợp đa phương tiện, trình bày có tổ chức, tự động đồng bộ hoá  

  • Nhược điểm: yêu cầu kỹ thuật, cần thời gian làm quen, giới hạn bảo mật, phí sử dụng 

4. Ghi chú bằng biểu đồ và sơ đồ tư duy (Mindmap)

  • Ưu điểm: dễ tiếp cận, dễ tổ chức thông tin, tạo hứng thú trong ghi chép 

  • Nhược điểm: giới hạn về chi tiết, không phù hợp kiến thức phức tạp, yêu cầu khả năng thiết kế 

5. Ghi chú qua flashcards

  • Ưu điểm: hiệu quả trong ghi nhớ, sử dụng linh hoạt, dễ dàng kiểm tra lại kiến thức

  • Nhược điểm: giới hạn về độ sâu kiến thức, khó tạo và quản lý, có thể thất lạc 

6. Sử dụng ảnh, hình vẽ và biểu đồ 

  • Ưu điểm: ghi nhớ thông tin nhanh chóng, minh hoạ rõ ràng, hỗ trợ trực quan 

  • Nhược điểm: nguy cơ hiểu sai, hiểu nhầm, hạn chế với kiến thức phức tạp, mất thời gian và công sức 

7. Ghi chép bằng phương pháp Cornell Notes 

  • Ưu điểm: tổ chức thông tin rõ ràng, dễ nhận biết thông tin quan trọng, xem lại nhanh chóng 

  • Nhược điểm: mất thời gian và công sức, hạn chế không gian ghi chú, yêu cầu kỹ năng quản lý thời gian 

8. Ghi chép bằng phương pháp Bullet Journal 

  • Ưu điểm: tạo hiệu suất cao, linh hoạt và toàn diện, thúc đẩy trí sáng tạo 

  • Nhược điểm: cần thời gian và kỉ luật, dễ bị lạc hướng, yêu cầu nhiều đồ dùng

Tổng hợp các cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh

Ghi tay truyền thống

Trong các cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh thì đây là phương pháp sử dụng bút và giấy để tạo ra một bản ghi chép của thông tin đang học hoặc nghiên cứu.

Ưu điểm

  • Ghi nhớ lâu hơn: Việc tự tay viết thông tin vào giấy giúp thí sinh có tương tác với kiến thức, từ đó ghi nhớ lâu hơn những gì mình viết. 

  • Điều chỉnh linh hoạt: Thí sinh có thể linh hoạt điều chỉnh hình thức, ngôn từ, các ví dụ minh hoạ từ sách giao khoa hoặc tài liệu tham khảo khi viết vào số/vở của mình sao cho dễ hiểu nhất. 

  • Sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi: Thí sinh không cần kết nối internet hay thiết bị công nghệ nào cho phương pháp này, mà chỉ cần giấy và bút. 

Nhược điểm

  • Có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài: Màu mực có thể bị phai sau một khoảng thời gian ghi chép, hay chữ viết có thể bị nhoè, trở nên khó đọc do vô tình làm đổ chất lỏng và một số tình huống bất chợt khác. 

  • Khó quản lý và tìm kiếm: Nhiều trang ghi chép có thể khiến việc quản lý và tìm kiếm thông tin trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, người học có thể sẽ phải sử dụng nhiều quyển sổ/vở cho một chủ đề học, từ đó sẽ phải cẩn thận hơn trong khâu tổ chức và quản lý tài liệu. 

  • Khó giải quyết nếu xảy ra tình trạng mất ghi chép: Nếu làm mất sổ ghi chép, người học có thể mất một lượng lớn thông tin. 

Ghi chép trên máy tính (Microsoft Word, Google Docs)

Đây là phương pháp sử dụng các ứng dụng văn bản như Microsoft Word hoặc Google Docs để tạo và lưu trữ thông tin, ghi chép từ bài giảng hoặc tài liệu học.

Ưu điểm

  • Dễ dàng chỉnh sửa: Người học có thể dễ dàng chỉnh sửa và cập nhật ghi chép mà không phải viết lại từ đầu hay làm ảnh hưởng tới hình thức. 

  • Tự động lưu trữ: Máy tính và các dịch vụ đám mây như Google Drive tự động lưu trữ ghi chép của người học. 

  • Tích hợp hình ảnh và âm thanh: Người học có thể chèn hình ảnh, âm thanh, hay video một cách dễ dàng, nhanh chóng. 

  • Tìm kiếm nhanh chóng: Các ứng dụng văn bản cho phép người học tìm kiếm từ khóa trong ghi chép, giúp dễ dàng tìm lại thông tin cần thiết.

Nhược điểm

  • Dễ phân tâm, xao lãng: Các thiết bị điện tử có thể phân tán sự chú ý của người học trong quá trình ghi chép bằng việc cho phép mở nhiều trang web cùng lúc. 

  • Nguy cơ mất dữ liệu: Máy tính có thể gặp sự cố, bị hỏng hoặc gặp virus, dẫn đến việc mất dữ liệu nếu không sao lưu định kỳ hoặc lưu trữ trong nguồn dự phòng. 

  • Mất kết nối internet: Trong trường hợp không có kết nối internet, người học không thể truy cập Google Drive. 

  • Giảm hiệu suất máy tính: Các tệp tài liệu được lưu trong máy có thể làm giảm dung lượng lưu trữ, từ đó khiến máy tính hoạt động chậm hơn. 

Sử dụng ứng dụng và phần mềm ghi chú (OneNote, Notion,...)

Đây là phương pháp ghi lại thông tin bằng cách sử dụng các ứng dụng và công cụ điện tử như OneNote, Notion, Evernote,.... 

Ưu điểm

  • Tiện lợi và dễ dàng tiếp cận: Người học có thể truy cập ghi chép của mình từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, đặc biệt có thể sử dụng dễ dàng trên điện thoại bằng cách tải ứng dụng về máy. 

  • Tích hợp đa phương tiện: Các ứng dụng ghi chú cho phép thêm hình ảnh, video, tệp đính kèm, và liên kết web vào ghi chép, giúp làm giàu thông tin.

  • Gợi ý trình bày thông tin có tổ chức: Các ứng dụng này thường có giao diện tổ chức thông tin một cách khoa học. 

  • Tự động đồng bộ hóa: Ghi chép trên các ứng dụng này thường tự động đồng bộ hóa trên các thiết bị bằng thông tin đăng nhập, hạn chế mất dữ liệu nếu một thiết bị gặp trục trặc. 

Nhược điểm

  • Yêu cầu kỹ thuật: Để sử dụng phương pháp này, người học cần truy cập vào thiết bị điện tử và kết nối internet.

  • Cần thời gian làm quen: Một số ứng dụng có nhiều chức năng, đòi hỏi người học phải thường xuyên sử dụng để nắm bắt tốt hơn. 

  • Giới hạn bảo mật: Người học cần đảm bảo tính bảo mật của thông tin cá nhân khi sử dụng các ứng dụng ghi chú trực tuyến.

  • Phí sử dụng: Một số ứng dụng ghi chú cung cấp phiên bản miễn phí với giới hạn chức năng, trong khi phiên bản cao cấp yêu cầu trả phí.

Ghi chú bằng biểu đồ và sơ đồ tư duy (Mindmap)

Đây là phương pháp sử dụng một hình ảnh trực quan của một ý tưởng hoặc chủ đề chính giữa, với các ý nhỏ hơn nằm xung quanh, tạo ra một mô hình tương tác giữa các ý tưởng. 

Ưu điểm

  • Dễ tiếp cận: Mindmap và biểu đồ có tính sinh động sẽ dễ tiếp cận hơn so với văn bản chữ, giúp người học nắm bắt thông tin nhanh chóng.

  • Tổ chức thông tin: Mindmap và biểu đồ tổ chức ý tưởng và thông tin một cách có cấu trúc, giúp người học ghi nhớ thông tin theo hệ thống logic, có liên hệ.

  • Tạo hứng thú trong ghi chép: Người học có thể sử dụng trí sáng tạo và màu sắc để tạo nên mindmap hay biểu đồ của riêng mình, từ đó giúp việc học trở nên thú vị hơn. 

Nhược điểm

  • Giới hạn về chi tiết: Biểu đồ và Mindmap có thể bị giới hạn về việc trình bày chi tiết trong trường hợp cần phải truyền đạt nhiều thông tin cụ thể về cấu trúc ngữ pháp.

  • Không thích hợp cho tất cả loại dữ liệu: Đối với một số loại kiến thức phức tạp, phương pháp này có thể không hiệu quả.

  • Yêu cầu kỹ năng thiết kế: Tạo ra biểu đồ và Mindmap đẹp và dễ đọc đòi hỏi kỹ năng thiết kế.

Ghi chú qua flashcards

Đây là phương pháp sử dụng thẻ ghi chú nhỏ, gọi là flashcards, để ghi thông tin quan trọng. Trên mỗi flashcard, thông tin hoặc khái niệm được ghi ở mặt trước và đáp án hoặc mô tả chi tiết ở mặt sau.

Ưu điểm

  • Hiệu quả trong ghi nhớ: Flashcards giúp ghi nhớ kiến thức bằng cách lặp đi lặp lại thông tin trên mặt trước và kiểm tra bằng mặt sau.

  • Sử dụng linh hoạt: Người học có thể sử dụng flashcards bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Flashcards cũng nhỏ gọn và dễ mang theo (phiên bản giấy). 

  • Dễ dàng kiểm tra kiến thức: Người học có thể chủ động và dễ dàng kiểm tra kiến thức định kỳ, bằng cách chia nhỏ kiến thức theo từng thẻ flashcard và kiểm tra theo từng thẻ đó. 

Nhược điểm

  • Giới hạn về độ sâu kiến thức: Flashcards thường tập trung vào việc ghi nhớ thông tin cơ bản và không giúp phát triển khả năng áp dụng kiến thức vào kiến thức phức tạp hơn.

  • Mất thời gian tạo và quản lý flashcards: Tạo và quản lý theo hệ thống một số lượng lớn flashcards có thể tốn thời gian và công sức. 

  • Dễ thất lạc (phiên bản giấy): Vì flashcards này có thể tách rời nhau nên có thể dẫn tới việc thất lạc một vài flashcards trong quá trình học. 

Sử dụng ảnh, hình vẽ và biểu đồ

Đây là phương pháp trình bày kiến thức thông qua hình ảnh. 

Ưu điểm

  • Ghi nhớ thông tin nhanh chóng: Hình ảnh sinh động có thể giúp người học nắm bắt thông tin nhanh hơn so với văn bản.

  • Minh họa rõ ràng: Hình vẽ và biểu đồ có thể minh họa một khái niệm phức tạp một cách rõ ràng và dễ hiểu.

  • Hỗ trợ trực quan: Hình vẽ và biểu đồ giúp người học thấy được cấu trúc, mối quan hệ giữa các cấu trúc hay thành phần khác nhau và luôn nhớ lâu hơn.

Nhược điểm

  • Nguy cơ hiểu sai, hiểu nhầm: Nếu không sử dụng một cách cẩn thận, hình ảnh có thể dẫn đến sự hiểu biết sai lầm hoặc hạn chế.

  • Hạn chế với kiến thức phức tạp: Nếu không có sự hiểu biết cơ bản, nhất định đối với chủ đề học thì người học có thể gặp khó khăn trong việc liên kết hình ảnh với kiến thức phức tạp. 

  • Mất thời gian và công sức: So với việc viết hoặc đọc văn bản, việc tạo ra hình ảnh và biểu đồ có thể tốn nhiều thời gian và công sức hơn.

Ghi chép bằng phương pháp Cornell Notes

Ghi chép bằng phương pháp Cornell Notes

(Nguồn ảnh: Cornell University)

Đây là phương pháp ghi chép được phát triển bởi Walter Pauk tại Đại học Cornell. Theo Cornell University, phương pháp này chia trang giấy chép thành ba phần chính: phần trên bên trái là Cue để viết các câu hỏi hoặc ý chính, phần trên bên phải rộng hơn là Note để ghi chép nội dung chi tiết hơn tương ứng với câu hỏi, cuối cùng là phần dưới, Summary, để viết tóm tắt những gì đã học.

Ưu điểm

  • Tổ chức thông tin: Phương pháp này giúp tổ chức thông tin một cách rõ ràng và hệ thống, giúp người học dễ dàng tìm kiếm thông tin sau này.

  • Nhận biết các thông tin quan trọng: Cornell notes chia thông tin theo các phần khác nhau, có phần ý chính, chi tiết và tóm tắt, vậy nên người học có thể dễ dàng nắm bắt những thông tin cần thiết nhất. 

  • Tiết kiệm thời gian xem lại: Việc có sẵn tóm tắt ở phía dưới giúp người học tiết kiệm thời gian khi cần xem lại.

Nhược điểm

  • Đòi hỏi thời gian và công sức: Việc phải chia trang giấy và viết tóm tắt, câu hỏi đòi hỏi thêm thời gian so với việc ghi chép truyền thống.

  • Hạn chế không gian ghi chú: Có thể phương pháp này sẽ không phù hợp với một số người học ưa thích việc ghi chú chi tiết, nhưng vẫn gọn gàng vừa đủ trong dung lượng 1 trang giấy. 

  • Yêu cầu kỹ năng quản lý thời gian: Người học cần biết cân nhắc thời gian để có đủ thời gian ghi chép và tóm tắt. Bên cạnh đó, phương pháp này có thể không phù hợp với một số bài giảng hay thảo luận ngữ pháp diễn ra nhanh chóng. 

Ghi chép bằng phương pháp Bullet Journal

Ghi chép bằng phương pháp Bullet Journal

Đây là phương pháp ghi chép cá nhân dựa trên một hệ thống ghi chép dựa trên các ký hiệu đơn giản như dấu bullet, dấu gạch ngang, dấu sao, và dấu chấm, bên cạnh đó là các hình trang trí vẽ tay hay hình dán. 

Ưu điểm

  • Tạo hiệu suất cao: Bullet Journal cung cấp cấu trúc của các bản kế hoạch, lịch trình, nhưng người học vẫn có thể điều chỉnh theo nhu cầu, phong cách riêng, từ đó giúp theo dõi và hoàn thành công việc tốt hơn. 

  • Linh hoạt, toàn diện: Bullet Journal cho phép người học tổ chức mọi thứ, từ lịch trình học hàng ngày đến mục tiêu dài hạn khi học ngữ pháp, danh sách bài tập cần làm, và cả ghi chú cá nhân.

  • Khám phá sáng tạo: Người học có thể thêm màu sắc, hình ảnh, và trang trí để biến bản tóm tắt, ghi chép kiến thức thành một tác phẩm nghệ thuật cá nhân, từ đó có hứng thú học tập, ôn luyện hơn. 

Nhược điểm

  • Cần thời gian và kỷ luật: Thiết kế và duy trì một Bullet Journal yêu cầu thời gian và sự kỷ luật. Điều này có thể khá tốn kém đối với một số người học hướng tới sự nhanh gọn.

  • Dễ bị lạc hướng: Do tính linh hoạt của Bullet Journal, có nguy cơ người học sẽ bị lạc hướng và bỏ lỡ mục tiêu quan trọng là ghi chép, và có thể dành nhiều thời gian hơn vào việc trang trí. 

  • Cần chuẩn bị nhiều đồ dùng: Với tính sáng tạo sẵn có, Bullet Journal thường được biết đến như một phương pháp ghi chép yêu cầu đa dạng dụng cụ học tập, ví dụ như bút highlight, màu sắc, bút calligraphy, sticker, washi tape,... 

Tổng kết 

Việc ghi chép kiến thức ngữ pháp khi học tiếng Anh là vô cùng quan trọng. Như vậy, bài viết đã giới thiệu các cách ghi chép ngữ pháp Tiếng Anh để thí sinh tham khảo và lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với mình dựa trên các ưu, nhược điểm đã nêu. Thí sinh có thể học ngữ pháp từ cuốn sách Understanding English Grammar - Tenses: Giải Thích Ngữ Pháp Tiếng Anh Cơ Bản - Thì Tiếng Anh, kết hợp với việc ghi chép theo một hoặc nhiều hơn phương pháp phía trên để ôn tập tốt nhất, cùng với cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh.

Tham khảo thêm khoá học tiếng anh giao tiếp cấp tốc tại ZIM, giúp học viên phát triển kỹ năng tiếng Anh và tự tin trong các tình huống giao tiếp thực tế trong thời gian ngắn.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu