Cách giải quyết các dạng bài Reading trong bài thi PTE Academic – Phần 3 dạng sắp xếp đoạn văn

Bài viết phân tích yêu cầu và cách giải quyết dạng câu hỏi: sắp xếp đoạn văn (Re-order paragraphs) trong bài thi PTE Reading Academic.
author
ZIM Academy
13/09/2020
cach giai quyet cac dang bai reading trong bai thi pte academic phan 3 dang sap xep doan van

Giới thiệu chung

Bài viết cuối cùng trong loạt bài về kỹ năng đọc trong bài thi PTE Academic tập trung phân tích yêu cầu và cách giải quyết dạng câu hỏi: sắp xếp đoạn văn (Re-order paragraphs).

Cách giải quyết dạng bài sắp xếp đoạn văn (re-order paragraphs) trong bài thi PTE Academic

Trong phần bài này, thí sinh được yêu cầu sắp xếp lại các câu trong 2 hoặc 3 đoạn văn ngắn. Trên máy tính, thí sinh kéo các câu văn từ khung bên trái và thả chúng vào khung bên phải theo trình tự hợp lý.

Nhìn chung, dạng câu hỏi sắp xếp đoạn văn (re-order paragraphs) tập trung đánh giá khả năng xác định chủ đề, hoặc đọc hiểu ý chính của thí sinh. Các câu cần sắp xếp thường không quá dài (khoảng 20 – 40 từ) nhưng có mối quan hệ khá chặt chẽ thông qua hệ thống từ nốiđại từ. Ngoài ra, để làm tốt đạng câu hỏi này, thí sinh cũng cần có khả năng phân loại và nắm bắt trình tự thông tin trong đoạn văn.

Với dạng câu hỏi sắp xếp đoạn văn (re-order paragraphs), thí sinh có thể làm bài theo các bước sau:

Đọc và tìm ra câu chủ đề

  • Trong bước đầu tiên, thí sinh cần đọc qua một lượt các câu trong đề bài. Trong quá trình đọc, hãy tìm ra câu văn có tính bao quát nhất, giới thiệu cô đọng nhất chủ đề mà các câu còn lại thể hiện.

  • Thông thường, một câu chủ đề chính xác sẽ không chứa từ tham chiếu đến bất kỳ thông tin nào được nêu trước nó.

  • Câu chủ đề cũng không chứa các lập luận nửa vời (phải đầy đủ nguyên nhân – kết quả).

  • Ngoài ra, câu chủ đề đôi lúc sẽ chứa các định nghĩa, thuật ngữ mới, được đặt trong dấu nháy.

Nhận diện mối liên hệ giữa các câu

  • Từ những câu sau trở đi, thí sinh nên tập trung tìm các từ liên kết như “However” (“Tuy nhiên”) hoặc “In addition” (“Ngoài ra”). Một dấu hiệu khác là hệ thống đại từ tham chiếu thay thế các danh từ đã được đề cập trước đó như “he”, “it”, hoặc từ như “this” cho danh từ số ít và danh từ không đếm được hoặc “these” cho danh từ số nhiều.

  • Sự hiểu về các mao từ như “a”, “an” hay “the” cũng có tác dụng khá nhiều. Thông thường, mạo từ “a” được dùng cho các danh từ được đề cập lần đầu tiên trong văn bản, “the” dùng cho các đối tượng đã xuất hiện trước đó).

  • Sau khi tìm hiểu mối liên kết giữa các câu, thí sinh có thể sắp xếp các đoạn văn theo một thứ tự hợp lý.

Kiểm tra lại đoạn văn

  • Trong khi đọc lại các câu đã sắp xếp theo thứ tự, thí sinh cần chú ý đến đến hệ thống các từ nối, đại từ, và từ tham chiếu.

  • Nếu trong các câu có bất kì từ nào chưa có chức năng rõ ràng, hãy đọc lại thật kỹ, có thể thử thay đổi thứ tự với những câu khác để kiểm tra sự liền mạch và logic về ý nghĩa.

Ứng dụng ví dụ bài thi PTE Reading Academic

Dưới đây là 1 bài tập ngắn cho dạng câu hỏi sắp xếp đoạn văn (re-order paragraphs).

The text boxes in the left panel have been placed in a random order. Restore the original order by dragging the text boxes from the left panel to the right panel.

  1. Clearly, a number of factors have contributed to its remarkable appearance.

  2. The result is a unique story of land collisions and erosions, and of rising and falling water levels.

  3. Experts who have analysed the rock formations say that, historically, it goes back nearly two billion years.

  4. Anyone who has ever visited the Grand Canyon will agree that it is one of the most incredible sights in the world.

  5. The geological processes that have taken place since then are exposed for everyone to see, not hidden beneath vegetation or a fast-flowing water course.

Thí sinh có thể giải câu hỏi này theo từng bước sau:

Đọc và tìm ra câu chủ đề

  • Sau khi đọc qua các câu trong đề bài, thí sinh có thể bỏ qua các câu có từ nối hoặc đại từ như A và C, hoặc thể hiện một lập luận chưa hoàn chỉnh như B (chỉ đề cập đến kết quả, không có nguyên nhân). Khi cân nhắc giữa câu E và D, thí sinh có thể thấy câu D thể hiện ý tưởng khái quát hơn: “Bất cứ ai đã từng đến thăm Grand Canyon sẽ đồng ý rằng đây là một trong những điểm tham quan kì vĩ nhất trên thế giới.”

Nhận diện mối liên hệ giữa các câu

  • Sau khi tìm hiểu mối liên kết giữa các câu còn lại, thí sinh có thể sắp xếp các đoạn văn theo một thứ tự như sau:

  • D: Câu chủ đề

  • A: Tính từ sở hữu “its” nói đến “the Grand Canyon” trong câu D và cụm từ “remarkable appearance” cũng tương ứng với “incredible sights” trong câu đó.

  • C: Đại từ “it” dành cho “the Grand Canyon” và “rock formations” giải thích cho “remarkable appearance” mà địa danh này có được.

  • E: Cụm từ chỉ thời gian “since then” tương ứng với “two billion years” trong câu trước.

  • B: Nói về kết quả của cả quá trình được miêu tả trong câu A, C, E.

Kiểm tra lại đoạn văn

  • Nhìn chung, các câu trong dạng bài dạng câu hỏi sắp xếp đoạn văn (re-order paragraphs) không quá rắc rối, phức tạp về cấu trúc. Hệ thống từ nối, từ tham chiếu cũng theo hướng một chiều, đi theo một mạch văn đơn giản. Trong đoạn văn minh hoạ, các từ này xuất hiện khá ít trong từng câu, và chức năng của chúng cũng khá rõ ràng.

Phương pháp luyện tập

Để làm tốt đạng bài này, thí sinh cần tập trung luyện tập khả năng xác định ý chính và nhận ra hệ thống từ nối, từ tham chiếu. Dưới đây là một vài phương pháp luyện tập:

  • Tận dụng các tài liệu ngoài giáo trình ôn thi: Thí sinh có thể thử tìm các đoạn văn ngắn từ 4-5 câu trên báo chí. Sau đó đọc câu đầu tiên và tìm hiểu vì sao câu văn này lại đứng trước những câu khác. Thông thường, các câu đứng đầu đoạn sẽ là câu chủ đề, khái quát ý tưởng chung của đoạn văn.

  • Chọn một đoạn văn bất kỳ, đánh dấu tất cả các từ chỉ sự liên kết (liên từ, đại từ, mạo từ, từ tham chiếu) và tìm hiểu chức năng, đối tượng mà chúng đại diện. Sau đó, thí sinh có thể che lại các từ này, để qua một vài ngày sau và kiểm tra xem bản thân có thể điền chúng lại đúng như phiên bản ban đầu hay không.

  • Ngoài ra, thí sinh có thể lập danh sách các liên từ, đại từ, mạo từ, từ tham chiếu, sau đó ghi nhớ chức năng thường gặp của chúng.

Tổng kết

Qua loạt bài vừa rồi, một điều có thể rút ra là các dạng câu hỏi trong phần thi Reading trong bài thi PTE Academic khá đa dạng, mỗi dạng kiểm tra các khía cạnh khác nhau trong kỹ năng đọc – hiểu của thí sinh. Nhìn chung, các dạng bài đòi hỏi các kỹ năng như: đọc hiểu ý chính, xác định bố cục và tính liên kết của đoạn văn, hiểu được thái độ và quan điểm của tác giả, hiểu nghĩa của từ.

Để hoàn thành tốt các dạng câu hỏi này, thí sinh cần luyện tập thật kỹ các thao tác đọc lấy đại ý và đọc hiểu chi tiết. Ngoài ra, dù các văn bản không chứa các cấu trúc quá phức tạp hay quá nhiều từ vựng nâng cao (đa phần từ cấp độ B2 trở xuống), một nền tảng từ vựng và ngữ pháp vững chắc sẽ giúp thí sinh chọn đáp án hiệu quả hơn.

Tham khảo thêm khóa học luyện thi PTE tại ZIM, giúp học viên có lộ trình học hiệu quả nhất, chinh phục mục tiêu du học, tạm trú, định cư và lao động tại nước ngoài.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu