Banner background

Cách khuyến khích Extensive Reading cho người học tiếng Anh

Extensive Reading (Đọc mở rộng) là một phương pháp học tiếng Anh được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong việc phát triển kỹ năng đọc và từ vựng. Mục tiêu của bài viết này là giới thiệu các phương pháp khuyến khích người học tự tham gia Extensive Reading một cách chủ động và tự đánh giá quá trình phát triển của bản thân.
cach khuyen khich extensive reading cho nguoi hoc tieng anh

Key takeaways

Giới thiệu về Extensive Reading:

  • Là phương pháp hiệu quả giúp người học tiếng Anh cải thiện kỹ năng đọc hiểu, mở rộng từ vựng, và hình thành thói quen đọc sách.

  • Chọn tài liệu phù hợp và hấp dẫn để duy trì động lực học tập.

Phương pháp khuyến khích Extensive Reading:

  • Lựa chọn tài liệu phù hợp với trình độ và sở thích cá nhân

  • Xây dựng thói quen đọc hàng ngày

  • Phương pháp đọc hiệu quả và ghi chú

Hướng dẫn tự đánh giá:

  • Phương pháp tự đánh giá hiệu quả của Extensive Reading: duy trì nhật ký đọc (reading journal)

  • Các tiêu chí tự đánh giá: tốc độ đọc, mức độ hiểu bài và sự cải thiện về vốn từ vựng

  • Tự động viên và điều chỉnh mục tiêu

Ứng dụng và tài nguyên trực tuyến:

  • Sử dụng các ứng dụng như Duolingo Stories, Kindle, LingQ, và báo điện tử để dễ dàng tiếp cận tài liệu phù hợp.

  • Kết hợp đọc và nghe qua podcast để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ.

Giới thiệu

Extensive Reading (Đọc mở rộng) là một phương pháp học tiếng Anh được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong việc phát triển kỹ năng đọc và từ vựng. Phương pháp này khuyến khích người học đọc nhiều tài liệu dễ hiểu và phù hợp với trình độ của mình, giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Trong bối cảnh học tiếng Anh hiện nay, việc đọc nhiều và tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua sách, báo, truyện ngắn không chỉ giúp người học mở rộng vốn từ mà còn nâng cao kỹ năng viết và khả năng giao tiếp. Mục tiêu của bài viết này là giới thiệu các phương pháp khuyến khích người học tự tham gia Extensive Reading một cách chủ động và tự đánh giá quá trình phát triển của bản thân.

image-alt

Cơ sở lý luận

Khái niệm Extensive Reading

Extensive Reading (Đọc mở rộng) là một phương pháp tiếp cận ngôn ngữ qua việc đọc nhiều tài liệu dài và dễ hiểu, từ đó giúp người học cải thiện vốn từ vựng và kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Theo Day and Bamford (2002) [1], phương pháp này khuyến khích người học tiếp cận nhiều tài liệu không quá khó, tạo điều kiện cho việc đọc hiểu nhanh và hiệu quả hơn so với Intensive Reading (Đọc sâu), nơi người học phân tích kỹ lưỡng từng từ và cấu trúc ngữ pháp.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của Extensive Reading trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Robb và Susser (1989) [2] đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy rằng những người học tham gia chương trình Extensive Reading cải thiện kỹ năng đọc nhanh hơn so với nhóm chỉ tập trung vào các bài học đọc chuyên sâu. Green (2005) [3] cũng báo cáo rằng những người học tham gia đọc mở rộng thường phát triển khả năng từ vựng nhanh chóng hơn nhờ việc tiếp xúc với từ mới trong ngữ cảnh tự nhiên.

Lợi ích của Extensive Reading

image-alt

Phát triển từ vựng

  • Extensive Reading giúp người học tiếp cận từ vựng trong ngữ cảnh thực tế, hỗ trợ ghi nhớ và sử dụng từ vựng dễ dàng hơn (Elley, 1991). [4]

  • Khi đọc nhiều tài liệu phong phú, người học có cơ hội mở rộng vốn từ và hiểu cách từ vựng được dùng trong các ngữ cảnh khác nhau.

Phát triển kỹ năng đọc

  • Kỹ năng đọc hiểu của người học có thể cải thiện đáng kể khi đọc thường xuyên các tài liệu phù hợp với trình độ (Nuttall, 1982). 5]

  • Việc đọc đa dạng tài liệu giúp người học làm quen với nhiều phong cách viết và cấu trúc câu, từ đó nâng cao khả năng đọc nhanh và hiểu sâu.

Phát triển kỹ năng viết và nói

  • Extensive Reading còn mang lại ảnh hưởng tích cực đến kỹ năng viết và nói của người học (Mason & Krashen, 1997). [6]

  • Khi tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên qua các tài liệu, người học có thể học cách sử dụng từ ngữ và cấu trúc câu một cách linh hoạt, mượt mà.

  • Renandya và Jacobs (2016) [7] nhấn mạnh rằng Extensive Reading giúp người học phát triển sự tự tin khi giao tiếp.

Đọc thêm: Phương pháp phát triển kỹ năng lưu loát và mạch lạc cho học viên khi nói tiếng Anh.

Các phương pháp khuyến khích Extensive Reading

Lựa chọn tài liệu phù hợp với trình độ và sở thích cá nhân

Việc lựa chọn tài liệu phù hợp là yếu tố quan trọng nhất để khuyến khích người học tham gia Extensive Reading. Krashen (1982) [8] đề xuất khái niệm "i+1", trong đó tài liệu nên có độ khó chỉ cao hơn một chút so với trình độ hiện tại của người học để họ có thể tiếp thu một cách thoải mái mà không bị quá tải. Đồng thời, tài liệu cần phản ánh sở thích cá nhân của người học nhằm tạo động lực đọc.

Chẳng hạn, người học yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng có thể bắt đầu với những câu chuyện ngắn hoặc tiểu thuyết dễ đọc của các tác giả nổi tiếng như Ray Bradbury. Người yêu thích tin tức thời sự có thể chọn đọc các bài báo trên trang BBC News hoặc The Guardian, nơi cung cấp nội dung ở nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau. Việc lựa chọn tài liệu phù hợp giúp người học cảm nhận đọc là một hoạt động thư giãn, thay vì tạo áp lực.

Giáo viên cần hướng dẫn người học áp dụng nguyên tắc "i+1" của Krashen (1982) khi chọn sách, đảm bảo tài liệu đọc có độ khó vừa phải—tức là người học có thể hiểu từ 95-98% nội dung mà không cần tra từ điển, và phần còn lại sẽ chứa các từ vựng hoặc cấu trúc mới (+1) để kích thích sự phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Các tiêu chí cụ thể:

  • Nếu người học hiểu dưới 80% nội dung mà không tra từ điển, tài liệu đó có thể quá khó và gây nản chí.

  • Nếu người học hiểu trên 98% nội dung, tài liệu sẽ không đủ thách thức để phát triển thêm vốn từ và cấu trúc mới.

Ví dụ: Với người học trình độ trung cấp, dòng sách "Graded Readers" từ các nhà xuất bản Oxford hoặc Cambridge là lựa chọn hợp lý, vì sách đã được điều chỉnh theo mức độ ngôn ngữ phù hợp. Điều này giúp người học dễ dàng nắm bắt câu chuyện nhưng vẫn mở rộng vốn từ và ngữ pháp một cách hiệu quả.

Xây dựng thói quen đọc hàng ngày

image-alt

Việc xây dựng thói quen đọc hàng ngày không chỉ là một yếu tố cần thiết để khuyến khích Extensive Reading mà còn là nền tảng giúp người học phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách bền vững. Để thực hiện điều này, người học nên thiết lập các mục tiêu cụ thể và dễ dàng đạt được để tạo động lực duy trì thói quen đọc lâu dài. Một số cách đơn giản như đọc 20-30 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc tranh thủ đọc trong giờ giải lao có thể giúp duy trì sự hứng thú và tăng cường kỹ năng đọc một cách tự nhiên.

Ví dụ cụ thể để phát triển thói quen đọc hàng ngày:

  1. "Reading Sprint": Người học có thể áp dụng kỹ thuật "reading sprint," tức là đọc ngắn trong khoảng 10-15 phút. Kỹ thuật này giúp người học tránh cảm giác áp lực khi đọc trong thời gian dài và tạo điều kiện để họ từ từ tăng thời gian đọc mỗi khi cảm thấy thoải mái hơn. Bằng cách bắt đầu với các khoảng thời gian ngắn, người học sẽ dần dần cảm thấy đọc là một hoạt động dễ chịu và có thể xây dựng thói quen đọc lâu dài.

  2. Sử dụng Goodreads: Đây là một nền tảng tuyệt vời giúp người học theo dõi các sách đã đọc, đặt mục tiêu đọc và tìm các đề xuất sách phù hợp với sở thích cá nhân. Người học có thể tạo danh sách sách muốn đọc, cập nhật tiến độ đọc và chia sẻ với cộng đồng người yêu sách để có thêm động lực. Ngoài ra, Goodreads còn giúp người học khám phá thêm các tựa sách đa dạng, từ đó làm phong phú hơn trải nghiệm đọc và mở rộng kiến thức.

Xây dựng kế hoạch đọc cá nhân hóa:

Người học có thể thiết lập một mục tiêu cụ thể cho số trang hoặc thời gian đọc mỗi ngày. Chẳng hạn, mục tiêu có thể là đọc 10 trang hoặc dành ít nhất 15 phút để đọc mỗi ngày, sau đó tăng dần khi cảm thấy thoải mái hơn. Kết hợp các kỹ thuật như "reading sprint" và theo dõi tiến độ trên Goodreads sẽ giúp người học nhận ra những tiến bộ nhỏ mỗi ngày, từ đó tạo nên thói quen đọc bền vững.

Phương pháp đọc hiệu quả và ghi chú

Để tối ưu hoá Extensive Reading, người học nên áp dụng các kỹ thuật như đọc lướt (skimming) để nắm bắt ý chính và ghi chú để củng cố từ vựng.

Ví dụ:

  • Sử dụng OneNote để ghi lại từ mới và tóm tắt các ý chính, xem lại thường xuyên để tăng cường ghi nhớ.

  • Đọc lướt giúp người học nhanh chóng hiểu các bài báo dài mà không dừng lại ở từng từ mới.

Tự đánh giá tiến trình và sự phát triển qua Extensive Reading

image-alt

Phương pháp tự đánh giá hiệu quả của Extensive Reading

Tự đánh giá là một công cụ quan trọng để người học theo dõi sự tiến bộ của mình trong quá trình áp dụng Extensive Reading. Người học có thể duy trì nhật ký đọc (reading journal), trong đó ghi lại các tài liệu đã đọc, thời gian đọc mỗi ngày, số trang và các từ vựng mới đã học được. Ví dụ, người học có thể ghi lại mục tiêu đọc hàng tuần hoặc hàng tháng và theo dõi xem mình đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm so với kế hoạch đề ra.

Một phương pháp khác để tự đánh giá là người học có thể quay lại các bài đọc cũ sau một thời gian để kiểm tra xem họ có thể hiểu bài mà không cần tra từ điển nữa hay không. Điều này giúp người học nhận ra sự phát triển trong khả năng hiểu ngữ cảnh và ghi nhớ từ vựng.

Các tiêu chí tự đánh giá

Các tiêu chí tự đánh giá có thể bao gồm tốc độ đọc, mức độ hiểu bài và sự cải thiện về vốn từ vựng. Ví dụ, người học có thể so sánh tốc độ đọc của mình qua từng tháng để thấy sự cải thiện. Nếu ban đầu người học chỉ có thể đọc một trang trong 5 phút, thì sau vài tuần, tốc độ có thể giảm xuống còn 3 phút mỗi trang.

Khả năng hiểu ngữ cảnh và nhận biết từ vựng mới cũng là những tiêu chí quan trọng. Người học có thể tự đánh giá qua việc thử không sử dụng từ điển trong khi đọc và xem họ có thể hiểu được bao nhiêu phần trăm bài đọc.

Tự động viên và điều chỉnh mục tiêu

Việc tự động viên rất quan trọng trong quá trình học ngôn ngữ. Người học nên tự thưởng cho mình khi đạt được các mục tiêu ngắn hạn, như hoàn thành một quyển sách hoặc hiểu được toàn bộ nội dung một bài báo mà không cần tra từ điển. Điều này giúp họ duy trì động lực trong quá trình học.

Nếu người học cảm thấy mục tiêu ban đầu quá dễ hoặc quá khó, họ nên điều chỉnh lại cho phù hợp với tiến trình hiện tại. Việc này không chỉ giúp duy trì sự hứng thú mà còn tối ưu hóa quá trình học tập.

Hướng dẫn người học cách chọn sách phù hợp

Chọn sách đúng với trình độ và sở thích cá nhân là bước quan trọng trong quá trình khuyến khích người học tham gia Extensive Reading. Việc này đảm bảo rằng người học không bị áp lực và có thể duy trì động lực đọc liên tục.

image-alt

Dựa trên sở thích cá nhân

Sở thích cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân người học với thói quen đọc sách. Giáo viên có thể khuyến khích người học lựa chọn những chủ đề mà họ thực sự yêu thích để tạo động lực. Một số chủ đề phổ biến bao gồm:

  • Văn học cổ điển: Đối với những người yêu thích văn học, các tác phẩm như Pride and Prejudice của Jane Austen hoặc Great Expectations của Charles Dickens có thể là lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, các phiên bản "graded" (biên soạn lại theo cấp độ) thường phù hợp hơn cho người học ở trình độ trung cấp hoặc cao cấp.

  • Khoa học viễn tưởng hoặc giả tưởng: Người học có thể chọn các tác phẩm dễ hiểu như Harry Potter của J.K. Rowling hoặc The Hunger Games của Suzanne Collins nếu họ yêu thích thể loại viễn tưởng. Với các trình độ thấp hơn, những câu chuyện ngắn thuộc thể loại này trong các bộ sách dành cho học sinh trung học có thể là điểm bắt đầu tốt.

  • Thời sự và báo chí: Đối với những người yêu thích tin tức thời sự, giáo viên có thể hướng dẫn họ đọc các bài báo ngắn từ BBC News, The Guardian hoặc Reuters. Các trang này cung cấp bài viết ở nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với nhiều trình độ học.

Một mẹo nhỏ để người học không bị nhàm chán là khuyến khích họ đọc nhiều thể loại khác nhau. Chẳng hạn, thay vì chỉ tập trung vào một thể loại cụ thể như tiểu thuyết, người học có thể đọc xen kẽ với bài báo, truyện ngắn, hoặc thậm chí là blog cá nhân.

Sử dụng tài nguyên từ các ứng dụng và trang web đọc sách

Ngoài sách giấy, người học cũng có thể sử dụng các tài nguyên điện tử để tìm sách phù hợp. Các ứng dụng như Goodreads, ScribdKindle cung cấp kho sách rộng lớn và cho phép người dùng tra cứu đánh giá, nhận xét về từng cuốn sách trước khi chọn đọc. Điều này giúp người học dễ dàng tìm được những cuốn sách được đánh giá cao và phù hợp với trình độ của mình.

Ví dụ, trên Goodreads, người học có thể tìm kiếm các danh sách sách như "Easy English Books for Beginners" hoặc "Graded Readers", nơi các tác phẩm đã được phân chia theo cấp độ từ dễ đến khó. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm và chọn lựa sách phù hợp.

Tham khảo thêm: Top trang báo tin tức Tiếng Anh cho mọi trình độ.

Hướng dẫn cách đọc thử và đánh giá độ phù hợp

image-alt

Trước khi quyết định đọc một cuốn sách nào đó, người học nên dành thời gian đọc thử một vài trang đầu tiên. Giáo viên có thể hướng dẫn họ tự đánh giá độ phù hợp của sách qua các câu hỏi sau:

  • Tôi có thể hiểu nội dung mà không cần tra từ điển quá nhiều không?

  • Câu chuyện hoặc chủ đề có hấp dẫn không?

  • Tôi có gặp khó khăn trong việc hiểu cấu trúc câu không?

Nếu người học có thể trả lời "có" cho hầu hết các câu hỏi này, thì đó là cuốn sách phù hợp với họ. Nếu không, họ có thể cần tìm một cuốn sách dễ hơn hoặc phù hợp hơn về mặt nội dung.

Tìm hiểu thêm: Phương pháp chọn tài liệu tiếng Anh uy tín và phù hợp với trình độ.

Ứng dụng và tài nguyên trực tuyến

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc tận dụng các ứng dụng và tài nguyên trực tuyến là một cách hiệu quả để khuyến khích người học phát triển thói quen Extensive Reading. Dưới đây là một số ứng dụng và tài nguyên nổi bật giúp người học tiếp cận với các văn bản phù hợp trình độ của mình một cách tiện lợi và linh hoạt:

Duolingo Stories

Duolingo không chỉ nổi tiếng với ứng dụng học ngôn ngữ, mà còn cung cấp tính năng Duolingo Stories, một tập hợp các câu chuyện ngắn được xây dựng theo cấp độ từ dễ đến khó. Ứng dụng này cung cấp các bài đọc ngắn có nội dung thú vị, phù hợp cho người học ở nhiều trình độ, từ sơ cấp đến trung cấp. Mỗi câu chuyện đi kèm với câu hỏi kiểm tra mức độ hiểu, giúp người học không chỉ luyện kỹ năng đọc mà còn cải thiện khả năng suy luận và trả lời câu hỏi. Điều này tạo nên môi trường học tập tương tác, khuyến khích người học đọc nhiều hơn.

Kindle và Scribd

KindleScribd là hai nền tảng đọc sách trực tuyến nổi bật, cung cấp hàng ngàn đầu sách thuộc nhiều thể loại và cấp độ khác nhau. Người học có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lọc các cuốn sách phù hợp với trình độ tiếng Anh của mình. Cả hai ứng dụng đều hỗ trợ tính năng tra cứu từ vựng trực tiếp trên nền tảng, giúp người học không cần phải ngắt quãng quá trình đọc để tìm nghĩa của từ. Ngoài ra, các công cụ này còn cho phép đánh dấu trang, ghi chú và tạo danh sách từ vựng mới, giúp người học theo dõi quá trình tiến bộ của mình một cách thuận tiện.

LingQ

LingQ là một nền tảng học ngôn ngữ dựa trên phương pháp đọc hiểu, nơi người học có thể tiếp cận với vô số tài liệu đọc như sách, báo, podcast và video có phụ đề. Người dùng có thể tra từ mới ngay trong quá trình đọc và lưu lại để ôn tập sau. Một ưu điểm nổi bật của LingQ là khả năng cá nhân hóa nội dung: người học có thể tải lên các bài viết hoặc tài liệu mà họ quan tâm và nhận lại các gợi ý từ vựng và ngữ pháp phù hợp với trình độ. Điều này giúp người học mở rộng khả năng đọc hiểu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

image-alt

BBC Learning English và Breaking News English

Các trang web như BBC Learning EnglishBreaking News English cung cấp các bài báo và câu chuyện thời sự được thiết kế cho người học tiếng Anh ở nhiều trình độ. Những bài viết này thường có độ dài vừa phải, đi kèm với các bài tập luyện nghe, đọc và từ vựng, giúp người học có trải nghiệm toàn diện. Đặc biệt, Breaking News English cung cấp các bản tin theo nhiều cấp độ (từ dễ đến khó), giúp người học dễ dàng chọn bài viết phù hợp với năng lực của mình. Đây là cách tuyệt vời để người học vừa cập nhật thông tin thời sự, vừa mở rộng vốn từ và cải thiện kỹ năng đọc.

Đọc thêm: Học tiếng anh trên BBC Learning English có ưu điểm và nhược điểm gì?

Podcast có phụ đề

Ngoài việc đọc sách và báo, người học có thể kết hợp luyện nghe và đọc qua các chương trình podcast có phụ đề. Các chương trình như ESL Pod hoặc BBC 6 Minute English cung cấp những đoạn hội thoại ngắn gọn, dễ hiểu, kèm phụ đề, giúp người học vừa nghe vừa đọc theo để nắm bắt ngữ điệu và từ vựng. Điều này không chỉ giúp người học cải thiện kỹ năng đọc mà còn tăng cường khả năng nghe hiểu một cách tự nhiên. Việc sử dụng podcast có phụ đề là một cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với người học bận rộn.

Kết luận

Extensive Reading là một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, giúp người học phát triển kỹ năng ngôn ngữ tự nhiên thông qua việc đọc nhiều tài liệu phù hợp. Để khuyến khích người học tham gia tích cực, cần có sự hỗ trợ trong việc lựa chọn tài liệu, xây dựng thói quen đọc và hướng dẫn cách tự đánh giá quá trình học tập. Extensive Reading không chỉ là một phương pháp giúp người học tiếp thu từ vựng và ngữ pháp một cách tự nhiên mà còn giúp họ phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ khác như viết và nói.

Nếu người học có bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn nhận tư vấn từ các giáo viên giàu kinh nghiệm, hãy truy cập ZIM helper – nơi người học sẽ nhận được giải đáp nhanh chóng và tận tình từ đội ngũ giáo viên nhà ZIM.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...