Cách tăng sự tự tin khi nói Tiếng Anh - Nguyên nhân và cách cải thiện
Một tình trạng phổ biến ở người học Tiếng Anh là dù có từ vựng, có ngữ pháp, có ý tưởng nhưng vẫn không đủ để thể hiện ra bằng Tiếng Anh một cách tự tin và thoải mái. Tuy nhiên có một sự thật là, biết cách nói điều gì đó và tự tin để lên tiếng là hai điều hoàn toàn khác nhau! Và bài viết này sẽ hướng dẫn người đọc các cách để cải thiện sự tự tin trong việc nói và giao tiếp Tiếng Anh
Key takeaways |
---|
Tầm quan trọng của việc tự tin nói Tiếng Anh
Nguyên nhân chính cản trở sự tự tin trong giao tiếp:
Sai lầm thường mắc phải khi không tự tin:
Cách cải thiện sự tự tin trong việc nói Tiếng Anh Chuẩn bị về tinh thần
Chuẩn bị về kĩ năng
|
Tầm quan trọng của việc tự tin nói Tiếng Anh
Trước khi tìm hiểu về cách tăng sự tự tin, người học cần đặt câu hỏi cho bản thân: “Vậy tại sao mình cần giao tiếp tự tin bằng Tiếng Anh". Bởi chỉ khi thực sự hiểu mục đích, người học mới có động lực để luyện tập và bước ra khỏi vùng an toàn.
Mỗi người học sẽ có một mục tiêu khác nhau trên chặng đường học một ngôn ngữ mới, chẳng hạn như để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, để đi du học, để thuyết trình, thậm chí là để giao tiếp hàng ngày. Với tất cả mục tiêu đó, việc nói một cách tự tin là rất quan trọng.
Bài viết sẽ đưa ra 3 lý do cho Tầm quan trọng của việc cải thiện sự tự tin trong Tiếng Anh dưới đây:
Lý do đầu tiên: Nếu luôn giữ suy nghĩ rằng “Mình thực sự không giỏi Tiếng Anh" hoặc “Mình ghét Tiếng Anh", lâu dần nó sẽ trở thành “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (Self-fulfilling prophecy), hay nói cách khác, càng tin rằng bản thân không tốt thì điều đó sẽ trở thành sự thật. Từ đó, nếu thực sự tin rằng “Mình sẽ nói Tiếng Anh lưu loát” hay “Mình có thể làm được", thì quá trình học và luyện tập cũng trở nên dễ dàng hơn. Từ đó có thể thấy, sự tự tin không nằm ở trình độ, mà nằm ở thái độ của người học.
Lý do thứ hai: Nếu người học tự tin, những lỗi sai sẽ bị lu mờ. Đó là bởi khi giao tiếp, sự tự tin sẽ khiến người nói trông thành thạo hơn, và dù cho Tiếng Anh của người đó chưa hoàn hảo, người nghe cũng sẽ không quá chú tâm vào lỗi sai. Ngược lại, một người tỏ ra thiếu tự tin sẽ hay ngập ngừng, không nói hết câu một cách trôi chảy, từ đó người nghe sẽ không hiểu được nội dung muốn truyền tải mà còn chú ý nhiều đến lỗi sai.
Lý do cuối cùng: Đó là về cảm giác, người học khi tự tin sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái và bạo dạn hơn, từ đó hưởng thụ cuộc trò chuyện hơn so với việc phải nơm nớp lo sợ.
Tóm lại, có cải thiện được sự tự tin hay không, câu trả lời trước hết sẽ nằm ở mindset của mỗi người. Hiểu được tầm quan trọng của sự tự tin sẽ bước đầu giúp người học thoát ra khỏi việc lo sợ giao tiếp. Lưu ý rằng điều này không chỉ áp dụng cho người học ở trình độ cao, mà ở bất cứ trình độ nào của ngôn ngữ, hay nói rộng hơn là áp dụng cho việc học tất cả các ngôn ngữ.
Nguyên nhân chính cản trở sự tự tin trong giao tiếp
Sau khi xác định được lý do bản thân cần sự tự tin trong nói Tiếng Anh, người học cần nhìn vào thực trạng vấn đề, bởi tìm được nguyên nhân mới có thể giải quyết được thực trạng nhanh hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân cản trở sự tự tin trong giao tiếp:
Ngại nói: Đối với một số người học, đặc biệt là người hướng nội, việc giao tiếp hàng ngày bằng Tiếng Việt đã là một hạn chế. Khi tiếp xúc với Tiếng Anh, việc không chủ động nói và tránh trả lời câu hỏi như vậy cũng sẽ kìm hãm sự phát triển kỹ năng giao tiếp nói chung.
Sợ mắc lỗi sai: Đây là một vấn đề quen thuộc ở các cấp độ học, đặc biệt là người mới học Tiếng Anh, sợ khi nói ra sẽ mắc lỗi ngữ pháp, từ vựng, hay accent không chuẩn, v.v. Tuy nhiên người học cần biết rằng, rất hiếm ai vừa bắt đầu học đã biết cách sử dụng ngôn ngữ, cũng giống như một đứa trẻ, phải bắt đầu nghe quen rồi tập theo, dần dần tạo ra phát âm. Vì thế, mắc sai lầm hay không biết gì đó là việc rất đỗi BÌNH THƯỜNG trong quá trình học điều mới, và cần thoải mái hơn với việc đó.
Thiếu vốn từ: Đây là một vấn đề khiến người học sợ giao tiếp bằng Tiếng Anh, vì khi muốn biểu đạt một vấn đề nhưng không biết chuyển sang Tiếng Anh như thế nào. Tuy nhiên vốn từ là một phạm trù rất lớn, nếu muốn biết mặt tất cả các từ vựng rồi mới tự tin giao tiếp thì sẽ khó đạt được. Vì vậy, người học không nên đặt nặng việc vốn từ ít hay nhiều, mà nên cố gắng biểu đạt ý bằng tất cả những từ đã biết.
Phản ứng chậm: Ban đầu nhiều người có thói quen dịch Tiếng Anh sang Tiếng Việt để hiểu, nên khi nhận được câu hỏi bằng Tiếng Anh sẽ mất kha khá thời gian dịch và nghĩ câu trả lời, từ đó khiến người học cảm thấy cuống.
Trên đây là một số những vấn đề thường gặp nhất trong quá trình học nói Tiếng Anh, từ đó dẫn tới một số sai lầm thường mắc phải trong khi giao tiếp:
Nói quá nhanh: Một số người nói nhanh là do hồi hộp, hay muốn che lấp khuyết điểm trong lời nói. Cũng có một số người học nói nhanh vì cho rằng điều đó đồng nghĩa với độ trôi chảy tốt. Tuy nhiên với những người kĩ năng chưa hoàn chỉnh, việc nói nhanh và nuốt chữ nhiều có thể sẽ khiến người nghe không thể hiểu được nội dung truyền tải, từ đó ảnh hưởng chất lượng bài nói.
Nói ngắn theo từng cụm: Điều này có thể do người nói quá chú tâm vào việc tìm từ vựng hay để diễn đạt. Song sự chau chuốt này sẽ làm giảm độ trôi chảy, thậm chí các từ vựng hay kia có thể còn không phù hợp với ngữ cảnh bài nói, từ đó giảm hiệu quả giao tiếp.
Nói ngập ngừng, ngắt quãng: Khi chưa nghĩ ra idea phù hợp, hoặc từ vựng hay, người nói thường chèn từ đệm như “uhm", “ah" để kéo dài thời gian. Điều này là bình thường, tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến tốc độ nói và khiến người nghe mất kiên nhẫn.
Có thể thấy rằng, có rất nhiều nguyên nhân và trạng thái khác nhau của việc thiếu tự tin trong Tiếng Anh giao tiếp. Người học không cần quá lo lắng, bởi đây là tình trạng chung của rất nhiều người trên chặng đường học ngôn ngữ, và bài viết sẽ hướng dẫn các giải pháp giúp người học cải thiện được sự tự tin nói Tiếng Anh.
Cách cải thiện sự tự tin trong việc nói Tiếng Anh
Chuẩn bị về mặt tinh thần
Sử dụng Positive Affirmation (Khẳng định tích cực)
Bước đầu tiên chính là việc cải thiện thái độ của người học. Simon Sinek từng có một bài thuyết trình "The Human Brain Cannot Comprehend The Negative...", trong đó nói rằng não người không thể tiếp nhận được thông tin tiêu cực.
Cụ thể, khi trượt tuyết, nếu luôn nghĩ “Don't hit the tree", thì sẽ luôn nghĩ về “tree", và người trượt sẽ đâm phải cây. Ngược lại, muốn não không nghĩ về cái cây mà tập trung vào con đường, hãy nghĩ “ Follow the snow" hay “Follow the path".
Tương tự với việc học Tiếng Anh, thay vì nghĩ rằng “Tiếng Anh của tôi rất tệ", hay tự khẳng định một cách chủ động rằng “Tôi thích Tiếng Anh", Tôi đã biết một số tiếng Anh, và tôi sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp trong Tiếng Anh mỗi ngày!" Khi tập trung vào điều tích cực, sự tự tin của người học sẽ được tăng cường.
Bình thường hoá việc mắc lỗi
Tiếp theo là về cảm giác lo sợ khi bị người khác phát hiện ra lỗi sai. Sự thật là người nghe sẽ chỉ tập trung vào nội dung và không quá quan tâm đến lỗi sai của người nói, trừ khi nó làm gián đoạn mạch hiểu.
Thêm vào đó, ai cũng sẽ mắc lỗi sai, đặc biệt là nói chuyện trực tiếp bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Vì vậy nên khi mắc lỗi sai lớn, người học hãy giữ bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và sửa lại lỗi đó, người nghe sẽ không cảm thấy đó là vấn đề nữa. Đồng thời sau khi mắc lỗi, người học có thể học hỏi từ đó để cải thiện cho những lần tiếp theo.
Hình dung các tình huống nói tiếng Anh thành công để tăng cường sự tự tin
Hãy thử đặt bản thân vào vị trí của một diễn giả nổi tiếng, ví dụ như diễn giả của Ted Talk, hay ca sĩ yêu thích trên sân khấu, như Taylor Swift. Bản thân họ đứng trước hàng ngàn, hàng vạn người, họ có nói khi luôn nhìn xuống sàn nhà, hay nói ngập ngừng, ngắt quãng không? Câu trả lời là Không. Họ sẽ đứng thẳng, trả lời và giữ eye-contact với khán giả của họ. Kể cả có gặp khó khăn trong câu trả lời, họ cũng sẽ giải quyết bằng một nụ cười tự tin.
Với cách này, đôi khi tưởng tượng bản thân là người nổi tiếng đang diễn thuyết, đối đáp và xử lý vấn đề một cách tự tin, thì nó cũng có thể giúp người học biểu đạt thoải mái như vậy khi nói Tiếng Anh.
Chuẩn bị về kĩ năng
Tìm hiểu trước về những câu hỏi cơ bản trong Tiếng Anh
Mới tiếp xúc với Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác mà đã có thể thành thạo là điều không thể, vì vậy để có thể thoải mái trong giao tiếp hàng ngày, hay bất cứ mục đích nào, người học nên chuẩn bị trước một vài câu hỏi tình huống thường diễn ra, ví dụ như:
What is your name? → My name is Hồng in Vietnamese, but you can call me Rosie.
What are your hobbies? → I enjoy listening to K-pop, all of the idols look so cool when they are on the stage.
Bằng cách tìm hiểu những câu hỏi hàng ngày có thể gặp như vậy, người học dần sẽ tạo ra được phản xạ trả lời mà không cần suy nghĩ quá nhiều, mà câu trả lời cũng tự nhiên và nhiều ý tưởng hơn.
Luyện tập! Luyện tập! và Luyện tập!
Điều quan trọng nhất trong quá trình học chính là việc người học có thực sự đắm mình vào ngôn ngữ hay không. Kể cả một người có ở Mỹ 10 năm, sau đó sang Nam sống mà không sử dụng Tiếng Anh (Mỹ) thường xuyên cũng có thể quên.
Bởi vậy, người học cần tạo thói quen luyện tập mọi lúc mọi nơi, kể cả thụ động hay chủ động học. Bất cứ nơi đâu có thể nghe, nói, đọc, viết và thậm chí là suy nghĩ bằng Tiếng Anh thì người học nên tận dụng triệt để.
Luyện tập từng bước nhỏ và tăng dần độ khó của các tình huống nói tiếng Anh
Đương nhiên trong những lần đầu khi còn chưa đủ tự tin, người học có thể luyện tập với bạn bè, người thân hoặc là một mình để có thể tự nghe và sửa lỗi. Đồng thời các câu hỏi ban đầu cũng chỉ cần xoay xung quanh cuộc sống hàng ngày.
Sau đó khi đã quen dần với việc nói Tiếng Anh, người học có thể tăng mức độ khó dần lên, ví dụ như lên Phố Bùi Viện hay Phố Đi Bộ để thử nói chuyện với người nước ngoài, từ đó học thêm về ý tưởng và cách phát âm, đồng thời tăng thêm sự tự tin trong giao tiếp.
Tổng kết
Tóm lại, sự tự tin không phải là sự thiên bẩm, đó là một kĩ năng và có thể trau dồi luyện tập để trở nên tốt hơn. Hy vọng thông qua bài viết này, người đọc có thể cảm thấy thoải mái hơn về việc nói Tiếng Anh, bởi cho dù có là thuyết trình, thi lấy bằng,… thì cốt lõi vẫn là để giao tiếp và hiểu ý đối phương. Vì vậy, người đọc có thể thử áp dụng các phương pháp nêu trên trong bài cách cải thiện kỹ năng giao tiếp trong tiếng Anh để luyện tập cho sự tự tin khi nói Tiếng Anh nói riêng, hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác.
Nguồn tham khảo:
Acamedia, Blog. 5 Ways to Boost Your Confidence When You Speak English - academia21. 2020, https://www.academia21.com/blog/2020/07/10/5-ways-boost-confidence-when-you-speak-english/.
Rai, Preeti. “Building Confidence in English: What to Do When You're Not Feeling Confident.” LinkedIn, 25 Apr. 2023, https://www.linkedin.com/pulse/building-confidence-english-what-do-when-youre-feeling-preeti-rai.
Simon, Sinek. “How to Stop Holding Yourself Back: Simon Sinek.” YouTube, 4 May 2021, https://youtu.be/W05FYkqv7hM.
English, VOA Learning. “How to Gain Confidence in Your English Speaking.” VOA, VOA - Voice of America English News, 18 Apr. 2023, https://learningenglish.voanews.com/a/how-to-gain-confidence-in-your-english-speaking/5750911.html.
Espresso, English. Espresso English, 2023, https://www.espressoenglish.net/speak-english-confidently/.
Bình luận - Hỏi đáp