Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh – Phần 3

Bài viết tiếp tục đào sâu vào những yếu tố người đọc cần nhận biết để tích hợp vào trong quá trình tăng tính tự nhiên giao tiếp tiếng Anh của bản thân, cụ thể là cụm động từ và ngữ điệu.
cach tang tinh tu nhien trong giao tiep tieng anh phan 3

Trong phần trước “Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh“, bài viết đã phân tích về hướng dẫn cải thiện 2 trong các khía cạnh người học cần cải thiện là giọng (accent) và cách vận dụng từ vựng. Phần tiếp theo sẽ tiếp tục đào sâu vào những yếu tố khác mà người đọc cần nhận biết hoặc chú ý hơn để có thể tích hợp vào trong quá trình tăng tính tự nhiên giao tiếp tiếng Anh của bản thân, cụ thể là cụm động từngữ điệu.

Cải thiện các yếu tố ngôn ngữ để tăng tính tự nhiên khi giao tiếp

Cụm động từ (phrasal verbs)

Cụm động từ (phrasal verbs) là gì?

Theo định nghĩa từ Merriam Dictionary, cụm động từ bao gồm các 2-3 từ kết hợp thành một cụm, các cụm này có thể là Verb + Adverb; Verb + Preposition hoặc Verb + Adverb + Preposition.

Ví dụ:

  • Verb + Adverb: look after (chăm sóc) – I looked after my grandfather when he was sick.
  • Verb + Preposition: look into (xem xét) – We’re looking into the possibility of changing the schedule.
  • Verb + Adverb + Preposition: look down on (khinh thường) – She has always looked down on me.

Cụm động từ có chức năng giống như một động từ (bao gồm chỉ 1 từ) bình thường. Cụm động từ cũng có “nội cụm động từ” (không cần tân ngữ theo sau) và “ngoại cụm động từ” (cần có tân ngữ theo sau). Ví dụ như:

  • They broke up. (Họ đã chia tay)
  • They pulled down the house. (Họ đã dỡ căn nhà xuống)

Đặc điểm một cụm động từ là chúng sẽ có khác biệt về mặt nghĩa so với động từ gốc (xem lại ví dụ trên: look – look after – look into – look down on). Chính vì vậy, người học không thể đơn giản chỉ nhìn vào động từ trong một cụm động từ mà có thể đoán được nghĩa của cả cụm.

Một trong những đặc điểm nữa của cụm động từ là tính đa nghĩa. Các cụm động từ có thể có cùng một kiểu kết hợp, nhưng tùy trường hợp chúng lại mang nghĩa khác. Ví dụ như cụm động từ pass out:

  • They both passed out watching a movie. (pass out: buồn ngủ)
  • The teacher hasn’t finished passing out the tests yet. (pass out: phân phát)

cum-dong-tang-tinh-tu-nhien-trong-giao-tiep

Tại sao cụm động từ lại quan trọng?

Với những đặc điểm kể trên, cụm động từ là một thành tố rất quan trọng trong việc diễn đạt, đặc biệt là trong giao tiếp hằng ngày. Nếu người học không quen thuộc với các cụm động từ, rất có thể người học sẽ rơi vào hoặc tạo ra những tình huống khó hiểu, bối rối, hiểu lầm hoặc gây hiểu lầm những gì đang diễn ra trong cuộc hội thoại vì nhìn chung, rất khó đoán được nghĩa của các cụm động từ, trừ khi đã được tiếp xúc từ trước. Điều này đến từ (1) việc hình thành một cụm động từ không dựa trên một quy luật cụ thể hay cố định nào; và (2) có một số cụm động từ có những tình huống sử dụng rất cụ thể.

Ví dụ: (1) go off = explode: (bom) nổ; (2) look up: tra từ (trong từ điển)

Ngoài ra, vì hầu hết đều mang tính không trang trọng, cụm động từ được sử dụng rất phổ biến trong các cuộc hội thoại hằng ngày của người bản ngữ, thay vì dùng chính xác động từ diễn tả hành động đó (xem lại các ví dụ trên).

Do đó, việc vận dụng thành thạo các cụm động từ khác nhau là một trong những dấu hiệu cho thấy người học có khả năng giao tiếp tự nhiên trong nhiều tình huống giao tiếp hằng ngày.

Làm thế nào để vận dụng tốt cụm động từ trong giao tiếp?

Một trong những cách truyền thống nhưng luôn hiệu quả khi nhắc đến việc vận dụng bất kỳ thứ gì hay kỹ năng gì đó là: luyện tập, luyện tập và luyện tập (Practice makes perfect). Tuy nhiên, luyện tập cũng có nhiều phương pháp và độ hiệu quả khác nhau. Để học cụm động từ, phương pháp được đánh giá cao nhất là “phương pháp nhóm”.

Dưới đây là một vài lưu ý để cho việc nhóm và luyện tập các cụm động từ đạt hiệu quả cao nhất:

Không nhóm các cụm theo động từ: một trong những phương pháp có thể người học sẽ nghĩ tới đầu tiên khi bắt đầu học cụm động từ đó là nhóm các cụm này theo động từ, ví dụ như: Nhóm các cụm động từ theo “Get”

  • Get up
  • Get over
  • Get through
  • Get back at
  • Get away with

Phương pháp này không những dễ làm nản và xao nhãng người học, mà còn không hiệu quả. Lý do là vì phương pháp này bắt buộc người học phải học một loạt các từ tương tự nhau nhưng lại khác nhau hoàn toàn về mặt nghĩa – vừa gây bối rối, vừa tạo ra nguy cơ người học sẽ vận dụng sai các cụm động từ này do nhớ nhầm nghĩa của các cụm động từ với nhau.

Thay vào đó, người học nên nhóm các cụm động từ theo các Adverb hoặc các Preposition: Việc này tối ưu hơn do ít nhất, người học ít bị nhầm lẫn nghĩa của các cụm động từ với nhau. Ngoài ra, việc học theo các thành phần này (adverb và preposition) có thể giúp người học suy luận nghĩa dễ dàng hơn, tạm gọi đó là những “hướng nghĩa”.

Ví dụ với “out”, ta có các hướng nghĩa như:

  • “Out” có hướng nghĩa là “hết”, ví dụ như trong câu:

We’re out of bread (Chúng ta hết bánh mì rồi).

Vậy ta có thể nhớ được hướng nghĩa này khi học cụm sell out (bán hết thứ gì đó), dựa trên hướng nghĩa của từ “out” ở trên.

They sold out of bread.

The tickets are sold out.

  • “Out” có hướng nghĩa là “tắt”, ví dụ như trong câu:

The fire is out (Đám lửa đã tắt)

Vậy ta có thể nhớ được hướng nghĩa này khi học cụm go out (điều gì đó không còn nữa), dựa trên hướng nghĩa của từ “out” ở trên.

The fire will go out if we don’t add more woods. (tắt lửa)

The power went out in the whole city because of the storm. (tắt điện)

Tương tự với các “hướng nghĩa” khác của từ “out” và những adverb hoặc các preposition khác.

dung-cum-gioi-tu-tang-tinh-tu-nhien-trong-giao-tiep

Nhóm các cụm động từ theo chủ đề: Cũng tương tự như phương pháp vừa trình bày trên, việc nhóm các cụm động từ theo chủ đề giúp người học đỡ nhầm lẫn nghĩa của các cụm động từ với nhau. Hơn thế nữa, người học có thể so sánh các từ này với nhau do chúng cùng chủ đề; và luyện tập sử dụng các từ này đồng thời (ví dụ nói một chủ đề có sử dụng tất cả những cụm động từ theo chủ đề đã học). Do đó, phương pháp này mang tính thực hành cao hơn.

Đọc thêm: Học từ vựng theo chủ đề từ bài mẫu IELTS Speaking Part 2 – Study & Work, Phần 2: Describe a person you enjoy working with

Ví dụ, người học có thể lên list các từ vựng có chủ đề bày tỏ cảm xúc như sau:

  • Crack up
  • Stir up
  • Light up
  • Tear up
  • Freak out
  • Take out on

(Người học có thể tham khảo nghĩa của những cụm động từ này tại bài viết 7 Phrasal Verbs to Express Your Feelings)

Sau đó cố gắng vận dụng những từ này nếu có cơ hội giao tiếp, hoặc làm một bài nói/kể một câu chuyện có sử dụng tất cả những cụm động từ trên. Phương pháp này vừa hiệu quả trong việc ứng dụng ngay lập tức, vừa tạo nên hứng thú cho người học. Ví dụ:

I went to my friend’s house yesterday evening. Her face lit up when she saw us coming. We had a fun time together. She cracked up when I told her what happened to me in the morning…

Nhóm các cụm động từ theo ngữ cảnh: Đây có lẽ là phương pháp gây hứng thú cho người học nhiều nhất. Có rất nhiều nguồn cho cách học này, trong đó có thể kể đến là phim ảnh, vlog và các nội dung video khác. Điểm mạnh của phương pháp này là người học có thể sẽ ghi nhớ nhanh hơn và biết cách sử dụng vì các cụm động từ đã được đặt sẵn trong câu/ngữ cảnh/ví dụ. Ngược lại, những cụm động từ này thường không được thống kê theo một hệ thống cụ thể (ví dụ như thống kê theo kiểu chủ đề). Ví dụ ở vlog tìm nhà ở New York trên Youtube:

Người học có thể liệt kê được một số từ như sau:

  • I will walk you through some apartments in New York. (walk someone through: hướng dẫn ai đó làm việc gì)
  • During the hunting process, I toured over 10 apartments. (tour over: xem qua)
  • Before we jump into my actual apartment tour, I want to give you some background information about this city. (jump into: bắt tay vào làm việc gì đó)

Có rất nhiều nguồn khác nhau trên Internet cung cấp rất nhiều các cụm động từ. Người học có thể tìm hiểu thêm và ghi chú lại các cụm động từ này và thử nghiệm kết hợp với các “phương pháp nhóm” trên để có thể hình thành phương pháp học hiệu quả nhất đối với bản thân.

Ngữ điệu (intonation)

Ngữ điệu là gì?

Ngữ điệu tiếng Anh miêu tả sự lên xuống cao độ trong giọng nói. Có 3 dạng ngữ điệu chính là (1) lên giọng (rising intonation), (2) xuống giọng (falling intonation) và (3) xuống giọng rồi lên giọng (fall-rise intonation).

Những ngữ điệu trên sẽ rơi vào một số thành phần nhất định (thường là thành phần chính của câu). Ngữ điệu giúp truyền tải mục đích giao tiếp (ví dụ: thắc mắc, ra lệnh, …) và thái độ giao tiếp của người nói (ví dụ: giận dữ, ngạc nhiên, …).

Ví dụ:

Nice to meet ↘you.

I’ll be back in a ↘minute.

Do you like your new ➚teacher?

Have you finished ➚already?

ngu-dieu-tang-tinh-tu-nhien-trong-giao-tiep

Tại sao ngữ điệu lại quan trọng?

Ngữ điệu cung cấp thông tin nhiều hơn những gì câu chữ thể hiện trong một cuộc giao tiếp do chức năng của ngữ điệu là biểu hiện thái độ, mục đích, cảm xúc của người nói; và đôi khi là thông tin ngữ pháp (ví dụ phân biệt giữa câu hỏi và câu khẳng định).

Vì thế, có thể nói nếu không thành thạo ngữ điệu thì cũng tương tự như việc người học mất một phương tiện truyền tải ý kiến, quan điểm,… trong giao tiếp. Từ đó gây nên những tình huống khó xử hoặc lỗi truyền đạt (miscommunication).

Ngoài ra, trong kỳ thi IELTS, ngữ điệu cũng là một tiêu chí quan trọng trong bài thi IELTS Speaking. Để tham khảo thêm về tầm quan trọng của ngữ điệu cũng như hiểu vai trò của các ngữ điệu khác nhau biểu hiện cho điều gì, người học có thể đọc bài viết Quy tắc ngữ điệu (Intonation) để giao tiếp tiếng Anh tự nhiên – Phần 1.

Làm thế nào để vận dụng tốt ngữ điệu trong giao tiếp?

Một trong những cách cơ bản nhưng hiệu quả trong việc luyện tập ngữ điệu là nghe và đọc lại với cùng ngữ điệu như vậy. Những nguồn chất lượng sẽ có sẵn ngữ cảnh để người đọc có thể tự đọc hiểu ngữ điệu đang truyền tải điều gì mà không cần phải cố gắng ghi nhớ.

Một số nguồn luyện tập ngữ điệu như sau:

  • BBC podcast: Có rất nhiều podcast với nhiều người dẫn chương trình nói về nhiều chủ đề khác nhau. BBC podcast được xem là một nguồn luyện tập ngữ điệu hiệu quả cho những người mới bắt đầu.
  • British Council podcast: Podcast của chính Hội đồng Anh sáng lập ra với nhiều chủ đề chuyên môn, thích hợp cho việc luyện tập nâng cao.
  • Ted Edu: Có cả trên Youtube lẫn website, Ted Ed là một nhánh của TED Talk mà nội dung trong đó sẽ trả lời cho những câu hỏi về những nguyên lý xảy ra xung quanh; kể những câu chuyện về lịch sử hay lí giải những sự kiện; ngoài ra còn có cả đố vui. Đây không chỉ là một nơi luyện tập lý tưởng mà còn là một nguồn tuyệt vời để người học tiếp thu kiến thức đời sống và kiến thức ngôn ngữ mới.
  • Youtube: là một nguồn “không giới hạn” về chủ đề và nội dung. Người học có thể tìm xem những video của các vlogger hoặc những nhà sáng tạo nội dung về những chủ đề nhất định để theo dõi.

Kết luận

Bài viết đã bao quát và phân tích và gợi ý cách học cho những khía cạnh về cụm động từngữ điệu mà người học đôi khi bỏ qua trong quá trình học, từ đó vô hình chung làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên khi giao tiếp tiếng Anh. Các phần sau của bài viết sẽ tiếp tục khai thác các khía cạnh khác để người học có thể ứng dụng trong quá trình luyện thi IELTS Speaking của mình.

Ngô Phương Thảo

Xem thêm:

 

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu