Cách tạo động lực cho việc đọc tiếng Anh để vượt qua sự chán nản

Việc đọc từ lâu đã được chứng minh là giữ vai trò quan trọng trong việc học ngôn ngữ. Đọc giúp người học cải thiện rất nhiều những khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ, đặc biệt là từ vựng và ngữ pháp, cũng như cách sử dụng từ vựng trong ngữ cảnh. Ngoài ra, việc đọc giúp người học bổ sung thêm kiến thức tổng quan, hỗ trợ cho quá trình suy nghĩ ý tưởng để xử lý các câu hỏi khó trong bài thi IELTS Speaking và Writing.
cach tao dong luc cho viec doc tieng anh de vuot qua su chan nan

Các mặt tích cực của việc đọc có thể được nhìn thấy khá rõ ràng trong việc học ngôn ngữ, cho dù đó là đọc chuyên sâu (Intensive reading) hay đọc mở rộng (Extensive reading) như trong 2 bài viết và đã đề cập. Tuy nhiên, nhiều người học cảm thấy khó khăn trong việc tạo ra và duy trì động lực cho việc đọc, từ đó dẫn đến việc chán nản, bỏ bê việc đọc tiếng Anh.

Vì lí do này, bài viết này sẽ gợi ý một vài phương pháp tạo ra một môi trường đọc hiệu quả, góp phần phát triển động lực để đọc nhiều hơn và giữ được động lực đó.

Key takeaways

Các phương pháp để tăng cường động lực đọc tiếng Anh:

1. Người học phải có tài liệu theo trình độ phù hợp.

2. Tài liệu đọc phải thú vị và phù hợp với người học.

3. Người học nên có nhiều sự lựa chọn

4. Lợi ích của việc đọc cần phải được hiểu rõ ràng

5. Người học cần cảm thấy họ là những thành viên có giá trị và được tôn trọng trong cộng đồng

6. Mục tiêu đọc phải ngắn hạn, rõ ràng và có thể đạt được.

Động lực cho việc đọc đến từ đâu?

Ngoài các bài đọc mà giáo viên có thể cung cấp ở trên lớp, bản thân người học tiếng Anh sẽ phải tự tìm thêm các nguồn tài liệu khác nhau để thực hành ngoài lớp học và duy trì thói quen đọc để có thể cải thiện ngôn ngữ của mình.

Tuy nhiên, không phải người học nào cũng có thể xây dựng được thói quen này, dẫn đến việc học trở nên kém hiệu quả. Để hiểu rõ nguyên nhân tại sao một vài người có thể duy trì việc đọc và một số lại không, trước hết, cần tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy việc đọc thường xuyên.

Sự tự tin

Yếu tố này được nhắc đến trong bài nghiên cứu của Protacio (2012). Việc người học tin vào khả năng đọc của mình, hay nói cách khác, tin rằng mình có đủ khả năng ngôn ngữ để đọc có ảnh hưởng nhiều đến động lực của họ.

Nếu người học tự tin vào việc có thể thành công hiểu được nội dung bài đọc, họ sẽ cố gắng hơn, duy trì lâu hơn, thể hiện tốt hơn và trở nên có động lực nhiều hơn (Wigfeld et al., 2015). Ngược lại, nếu như người học không xây dựng được sự tự tin này, sẽ rất khó để họ có thể tạo ra đủ động lực để thực hiện, chưa kể việc duy trì việc đọc.

Thật không may, có nhiều người không tin rằng mình là một người đọc tốt và ít cố gắng đọc. Lý do cho việc này thông thường bởi vì bài đọc có thể chứa quá nhiều từ mà người học chưa biết, hay chứa các ngữ pháp và cách diễn đạt ngôn ngữ phức tạp.

Các rào cản này có thể làm chậm quá trình đọc đến mức nó ngăn cản người học kết nối các ý tưởng từ trang này sang trang khác. Điều này dẫn đến thái độ tiêu cực và tăng sự lo lắng đối với việc đọc, dẫn đến việc tránh xa sách hoàn toàn (Guthrie & Barber, 2019).

image-alt

Độ khó của tài liệu

Khi người học được cung cấp sách ở một trình độ phù hợp, họ tránh phải trải qua sự thất vọng khi phải vật lộn để đọc các tài liệu nằm ngoài khả năng của họ. Rất nhiều người học mất sự tự tin về ngôn ngữ của mình do lựa chọn đọc các tài liệu vượt ngoài khả năng ngôn ngữ của họ.

Quá nhiều từ vựng lạ trong một bài đọc sẽ làm quá trình đọc trở nên chậm lại bởi vì người học không thể kết nối được các ý tưởng chính của từng câu, dẫn đến không hiểu được nội dung chính của toàn bài.

Điều này khiến việc đọc trở nên rất gian khổ, và dễ dàng làm cho người học cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc.

image-alt

Vì vậy, để tăng cơ hội đọc thành công và nâng cao hiệu quả, người học cần phải quen thuộc với hầu hết các từ trong bài đọc.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết người học cần phải biết với ít nhất 98% số lượng từ trong một văn bản để đạt được khả năng đọc hiểu đầy đủ (Hu & Nation, 2000). Điều đó tương đương với chỉ một từ mới trong mỗi 50 từ.

Trong một nghiên cứu khác, khoảng một từ không biết trong mỗi 20 (độ bao phủ 95%) là xem như một ngưỡng tối thiểu cho phép một số người học đọc thành công (Laufer & Ravenhorst-Kalovski, 2010).

Nói cách khác, càng nhiều từ quen thuộc trong một bài đọc, khả năng đọc hiểu càng cao, góp phần nâng cao động lực đọc của người học.

Tuy nhiên, cũng không nên lựa chọn các tài liệu quá dễ so với trình độ hiện tại của người học, vì chúng dễ dàng làm người học cảm thấy bị chán (Turner, 1995). Krashen (1988) đã đề xuất lý thuyết “i + 1”, trong đó i là cấp độ hiện tại của người học ngôn ngữ, trong khi + 1 là cấp độ kế tiếp.

Krashen giải thích rằng những người học ngôn ngữ thứ hai cần được cung cấp tài liệu một cấp độ cao hơn trình độ ngôn ngữ hiện tại của họ để tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Hứng thú của người đọc đối với tài liệu

Nội dung của tài liệu đọc

Nếu nội dung đọc có thể thu hút người học, chúng sẽ trở nên dễ nhớ hơn (Leather & Uden, 2021). Nghiên cứu về text-based interest (hứng thú với tài liệu đọc) cho thấy rằng những cuốn sách được viết tốt cung cấp sự hứng thú cao hơn và thường dẫn đến kết quả hiệu quả hơn, do đó có nhiều khả năng tạo động lực hơn cho người học.

Điều này đặc biệt đúng khi người học hào hứng với một tác giả, khi họ đắm mình sâu trong một cuốn tiểu thuyết hoặc những thông tin mới, hoặc khi họ đọc hoàn toàn vì họ muốn đọc mà không vì lí do nào khác.

Ngược lại, các tài liệu được viết một cách sơ sài, kém thu hút sẽ gây ra sự chán, làm giảm động lực đọc của người học.

Sở thích cá nhân

Mỗi người học sẽ có các thể loại cụ thể hoặc phương pháp đọc mà họ yêu thích.

Ví dụ, Leather và Uden (2021) chỉ ra rằng các cô gái có xu hướng đọc nhiều câu chuyện phiêu lưu, kinh dị/ma, động vật, học đường và thơ nhiều hơn, trong khi con trai đọc nhiều truyện khoa học và tưởng tượng hơn, hoặc những nội dung liên quan đến thể thao sách, chiến tranh và những câu chuyện gián điệp.

Hay có người sẽ thích đọc sách theo kiểu truyền thống, nhưng cũng có người thích đọc sách trên internet nhiều hơn.

Vì vậy, nếu như người học được tự do lựa chọn nội dung để đọc và tự do dừng đọc những nội dung mà họ không hứng thú, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc đọc, khuyến khích họ tìm hiểu sâu hơn về bài đọc.

Nói cách khác, nếu người học được cung cấp với những cuốn sách ở đúng năng lực và được phép lựa chọn những cuốn sách/phương pháp mà họ thích đọc, động lực đọc có thể được tạo ra nhiều hơn.

Các yếu tố xã hội - môi trường

Nghiên cứu của Protacio (2012) chỉ ra các yếu tố về xã hội – môi trường cũng có thể gây tác động lên độc lực đọc của người học. Một người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nơi không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, sẽ có nhiều động lực để luyện tập ngôn ngữ hơn.

Hay đối với trẻ em, bố mẹ và bạn bè của chúng của có thể ảnh hưởng đến việc chúng có thích đọc hay không. Nếu bố mẹ có thói quen đọc sách, con cái của họ cũng sẽ có xu hướng bắt chước theo, hoặc việc đọc cũng có thể trở thành thói quen nếu như bố mẹ yêu cầu con cái của họ thực hiện việc này mỗi ngày.

Ngoài ra, chơi chung với một nhóm bạn có sở thích đọc và bàn luận về sách cũng sẽ khuyến khích người học đọc nhiều hơn. Nhìn chung, xã hội và môi trường, bao gồm gia đình và bạn bè, dường như cũng có ảnh hưởng và thúc đẩy người học đọc thường xuyên hơn.

image-alt

Sự quan trọng của việc đọc

Việc người học có hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc đọc hay không cũng ảnh hưởng đến động lực đọc của họ. Các học sinh trong nghiên cứu của Protacio (2012) đều cho rằng họ thích đọc hơn bởi vì họ tin rằng việc đọc đang giúp mang lại kiến thức hoặc giúp mở rộng vốn từ tiếng Anh, ngôn ngữ mà đang muốn học.

Tương tự như vậy, Leather và Uden (2021) cũng cho rằng những người học tham gia vào việc đọc ngôn ngữ thứ hai bởi vì họ tin rằng nó sẽ giúp họ trở thành những người đọc ngôn ngữ này tốt hơn và nó có thể nâng cao khả năng ngôn ngữ tổng thể của họ.

Ngược lại, khi người học xem bài đọc như một nhiệm vụ vô nghĩa, không liên quan đến lợi ích, hoặc nhu cầu của họ, họ có xu hướng tránh nó hoàn toàn.

Sự thành công trong việc đọc

Sự thành công hoặc thất bại trong một việc trước đó đều sẽ có ảnh hưởng đến quyết định có tiếp tục thực hiện việc đó hay không trong tương lai.

Ví dụ, nếu một người học đã trải qua liên tiếp những thất bại với tư cách là người đọc ngôn ngữ thứ hai, các giá trị tiêu cực sẽ được gán cho việc đọc và nhiều khả năng người học sẽ từ bỏ việc đọc. Việc này khá tương đồng với nội dung liên quan về độ khó của tài liệu được đề cập ở trên.

Càng cố gắng hiểu nội dung bài đọc, người học sẽ có thể hiểu nhầm rằng khả năng đọc của mình rất yếu, từ đó mất tự tin vào khả năng ngôn ngữ của bản thân, và mất đi động lực để đọc.

Ngược lại, càng đạt được nhiều thành công, ví dụ như học được thêm nhiều kiến thức, mở rộng được vốn từ thông qua các bài đọc trước đó, người học lại càng cảm thấy thích thú hơn trong việc đọc.

image-alt

Cách tạo ra động lực cho việc đọc

Như đề cập ở trên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến động lực đọc của người học ngôn ngữ. Việc hiểu rõ các ảnh hưởng của những yếu tố này lên động lực đọc, người học có thể xây dựng một góc nhìn tích cực hơn cho việc đọc, từ đó tạo ra thói quen đọc nhiều hơn.

Sau đây, bài viết sẽ gợi ý một vài phương pháp giúp người học có thể tự tạo ra động lực đọc cho bản thân mình.

Tự tạo ra môi trường thúc đẩy bản thân

Các yếu tố xã hội – môi trường (bạn bè, bố mẹ) cũng ảnh hưởng đến động lực đọc. Vì vậy, nếu như xung quanh có những người đề cao sự quan trọng của việc đọc, bản thân người học cũng sẽ có khuynh hướng đọc nhiều hơn. Có nhiều cách để có thể tạo được môi trường này.

Người học có thể tham gia một khóa học tiếng Anh, nơi có những người cũng muốn cải thiện khả năng ngôn ngữ như mình. Hoặc có thể tham gia các câu lạc bộ về sách, nơi mọi người chia sẽ niềm đam mê liên quan về việc đọc.

Hay đơn giản hơn có thể thảo luận nhiều hơn về sách với bạn bè của mình, hoặc thậm chí tạo ra những cuộc thi đọc giữa bạn bè với nhau để cùng thúc đẩy nhau đọc nhiều hơn.

image-alt

Đặt ra các mục tiêu ngắn hạn

Như có đề cập ở trên, nếu người học cảm nhận thấy được sự hiệu quả của việc đọc, khi họ thấy được tầm quan trọng của việc đọc, thì động lực được tạo ra sẽ lớn hơn. Để làm được việc này, người học cần đề ra những mục tiêu mà họ hi vọng sẽ đạt được thông qua việc đọc sách.

Mục tiêu càng cụ thể, càng rõ ràng sẽ giúp người học đánh giá bản thân chính xác hơn, và tiến xa hơn trong quá trình học ngôn ngữ. Ngược lại, một mục tiêu mơ hồ và xa tầm với sẽ khiến người đọc cảm thấy chán nản vì học không thấy được giá trị của thói quen đọc sách.

Leather và Uden (2021) đề xuất rằng người học nên suy nghĩ về mục tiêu của mình với tiêu chí: bắt đầu nhỏ và suy nghĩ lớn.

Để giải thích rõ hơn, trong khi các mục tiêu dài hạn có thể là đọc đủ số lượng sách để cải thiện ngôn ngữ một cách hiệu quả nhất, ban đầu, người học có thể bắt đầu với mục tiêu đọc nhỏ hơn, dễ quản lý hơn để giúp kích thích sự tò mò và khuyến khích họ đọc thêm.

Một mục tiêu đơn giản để bắt đầu có thể chỉ là đọc lời giới thiệu ở mặt sau của một quyển sách hoặc chọn một cuốn sách mà người học quan tâm. Các mục tiêu có thể tăng dần từ hoàn thành một vài trang đến một vài chương, cho đến khi cuối cùng người học tự tin rằng họ có thể hoàn thành một toàn bộ cuốn sách.

Hay thời gian dành cho việc đọc cũng có thể xem như là một mục tiêu. Những người học ở trình đọc cấp thấp nhất với vốn từ hạn chế hơn có thể duy trì việc đọc trong khoảng 15 phút mỗi ngày, trong khi người học với trình đọc cao cấp hơn có thể mất khoảng tổng cộng ba giờ để đọc (Day & Bamford, 1998).

Việc đạt được các mục tiêu đề ra sẽ giúp người học kiểm soát được sự tiến bộ của họ. Việc này đặc biệt hiệu quả khi người học lựa chọn nguồn tài liệu phù hợp và thấy được sự phát triển của mình thông qua từng bài đọc. Dần dần, việc đọc sẽ trở nên thú vị hơn và có thể trở thành một việc làm không thể thiếu trong ngày.

image-alt

Lựa chọn nguồn tài liệu phù hợp

Như đã nói ở trên, tài liệu quá dễ so với trình độ sẽ gây ra cảm gián chán, nhưng nếu quá khó sẽ ngăn cản người học duy trì việc đọc. Vì vậy, người học nên chọn nguồn tài liệu nào thực sự phù hợp với mình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Các yếu tố cần lưu ý như sau:

1. Độ khó tài liệu nên phù hợp với trình độ hiện tại của người học

Người học cần đánh giá chính xác khả năng hiện tại của mình và nên lựa chọn tài liệu đọc phù hợp với khả năng đó. Việc đọc một tài liệu phù hợp với trình độ sẽ góp phần xây dựng sự tự tin của người học đối với khả năng ngôn ngữ của mình, qua đó giúp họ tự tin hơn trong việc đọc.

Cũng có thể lựa chọn tài liệu với một cấp độ cao hơn để có thể học nhiều hơn từ một bài đọc. Ví dụ, khi đang ở trình độ B1 (IELTS 4.0-5.0) thì người đọc nên tìm các tài liệu ở level B1 hoặc B2 để có thể vừa đảm.

2. Tài liệu cần phải được viết một cách kĩ lưỡng

Tránh lựa chọn các nguồn đọc quá cũ hoặc được viết một cách sơ sài. Các tài liệu như vậy có thể làm người học có góc nhìn tiêu cực về việc đọc. Thay vào đó, nên lựa chọn các nguồn đọc từ các nhà xuất bản uy tín, các tác giả nổi tiếng để duy trì được sự hứng thú trong việc đọc.

Người học có thể tham khảo sách của một số nhà xuất bản cho người học tiếng Anh phổ biến như Cambridge, National Geographic hoặc Pearson.

3. Tài liệu đọc nên phù hợp với sở thích của người học

Người học nên chọn các tài liệu phù hợp với nội dung mà mình yêu thích để có hứng thú hơn trong việc đọc. Ngoài ra, việc đọc như thế nào (online hay offline), đọc ở đâu (tại nhà hay tại thư viện, …), đọc khi nào (sáng hay chiều) cũng nên do người học tự quyết định.

Việc được thoải mái lựa chọn phương pháp và tài liệu đọc sẽ củng cố được niềm đam mê đối với ngôn ngữ, giúp duy trì thói quen đọc mỗi ngày.

image-alt

Kết luận

Sự quan trọng của việc đọc, đặc biệt trong việc học ngôn ngữ, là không cần phải bàn cãi. Có rất nhiều yếu tố chi phối việc người học có thể tạo ra một thói quen đọc hay không. Việc hiểu rõ nguyên nhân, mặt tích cực/tiêu cực của các yếu tố đó có thể sẽ giúp người học nhìn nhận lại khả năng của bản thân, từ đó tang cường thời gian cho việc đọc nhiều hơn.

Bài viết cũng gợi ý một vài phương pháp để người học tự tạo ra động lực cho mình. Tuy nhiên, do mỗi người có một phong cách, khả năng học khác nhau, người học cần lưu ý cần phải phối hợp các phương pháp trên và tìm ra phương pháp nào hiệu quả cho bản thân mình nhất. Hi vọng qua bài viết này, người học có thể thích việc đọc hơn, từ đó nâng cao khả năng ngôn ngữ tổng thể của mình.

Reference:

Day, R., & Bamford, J. (1998). Extensive reading in the second language. New York: Cambridge University Press

Guthrie, J.T., & Barber, A.T. (2019). Best Practices for Motivating Students to Read. In L.M. Morrow & L.B. Ganbrell (Eds.), Best practices in literacy instruction (6th ed., pp. 52–74). New York: The Guilford Press.

Hu, M., & Nation, I.S.P. (2000). Unknown vocabulary density and reading compre[1]hension. Reading in a Foreign Language, 13(1), 403–430

Krashen, S.D. (1988). Second language acquisition and second language learning. New York: Prentice Hall International.

Laufer, B., & Ravenhorst-Kalovski, G.C. (2010). Lexical threshold revisited: Lexical text coverage, learners’ vocabulary size and reading comprehension. Reading in a Foreign Language, 2, 15–30.

Leather, S. and Uden, J. (2021) Extensive reading: The role of motivation. New York: Routledge.

Protacio, Maria. (2012). Reading Motivation: A Focus on English Learners. The Reading Teacher. 66. 10.1002/TRTR.01092.

Turner, J.C. (1995). The influence of classroom contexts on young children’s motivation for literacy. Reading Research Quarterly, 30(3), 410–441. doi:10.2307/747624

Wigfeld, A., Eccles, J.S., Fredericks, J., Roeser, R., Schiefele, U., & Simpkins, S. (2015). Development of achievement motivation and engagement. In R. Lerner (Series Ed.) & C. Garcia Coll & M. Lamb (Volume Eds.), Handbook of child psychology (7th ed., Vol. 3, Social and emotional development). New York: Wiley

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu