Cách viết chương mở bài (Introduction) của Research proposal

Research Proposal, hay đề cương nghiên cứu khoa học, là bước đầu bắt buộc và quan trọng của độc giả khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp tại các cấp độ đào tạo từ đại học trở lên. Bài viết này sẽ giới thiệu các chương chính của đề cương nghiên cứu khoa học, đồng thời hướng dẫn độc giả viết chương mở bài đầu tiên của đề cương.
cach viet chuong mo bai introduction cua research proposal

Luận văn tốt nghiệp là một trong những yêu cầu tự chọn ở cấp bậc đại học, và là yêu cầu bắt buộc đối với cấp bậc cao học và nghiên cứu sinh khi học viên ở các cấp bậc giáo dục này muốn tốt nghiệp chương trình học. Trước khi bắt tay vào việc nghiên cứu và viết luận văn, việc lập ra một research proposal, hay còn gọi là đề cương nghiên cứu, là một điều hết sức cần thiết và gần như bắt buộc phải làm. Cấu trúc của một đề cương nghiên cứu khoa học có thể khác nhau tùy theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo, nhưng chắc chắn sẽ bao gồm các chương chính: tên đề tài (title), mở bài (introduction), cơ sở lý thuyết (literature review), phương pháp nghiên cứu (methodology), và nguồn tài liệu tham khảo (references).

Độ dài của một đề cương nghiên cứu cũng dao động tùy yêu cầu của từng cơ sở giáo dục và trường đại học. Thông thường các đề cương này được trình bày trong khoảng từ 7 đến 10 trang, hoặc khoảng 3000 từ. Các đề cương nghiên cứu thường sẽ được đọc và xét duyệt bởi các giảng viên trình độ từ thạc sĩ trở lên, do đó khi lựa chọn đề tài cho nghiên cứu, độc giả cần xem xét kĩ càng vì một nghiên cứu yêu cầu sự chuyên sâu về lĩnh vực nào đó. Ví dụ, độc giả muốn thực hiện nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, thì cần phải biết rõ hơn đề tài cụ thể nào trong giáo dục đang cần được nghiên cứu: phương pháp giảng dạy, kĩ năng học tập, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, v.v.

Nhiều độc giả thường gặp khó khăn khi bắt đầu viết đề cương nghiên cứu, đặc biệt là còn khá mơ hồ về phần mở bài (introduction). Do đó, bài viết này sẽ liệt kê các phần cần có trong mở bài và hướng dẫn cách viết từng phần đó.

Key takeaways

Research proposal: đề cương nghiên cứu khoa học, bao gồm 5 phần chính: tiêu đề, mở bài, cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu, tài liệu tham khảo

Mở bài của đề cương nghiên cứu bao gồm:

  • Thông tin nền tảng của nghiên cứu (background to the study)

  • Đặt vấn đề (statement of the problem)

  • Mục tiêu nghiên cứu (aim of the study)

  • Câu hỏi nghiên cứu (research question)

  • Phạm vi nghiên cứu (scope of the study)

  • Tầm quan trọng của nghiên cứu (significance of the study)

Mở bài (introduction) của đề cương nghiên cứu khoa học

Mở bài chính là phần quan trọng nhất để người đọc có tiếp tục xem xét nghiên cứu của độc giả hay không, vì đây là nơi mà lí do thực hiện nghiên cứu được miêu tả. Có hai lí do để đưa đến động lực nghiên cứu. Thứ nhất, lí do đến từ vấn đề còn tồn đọng mà các nền tảng lí thuyết và nghiên cứu trước đó chưa giải quyết được, hoặc các thiếu sót mà lí thuyết và thực tiễn nghiên cứu chưa tìm ra giải pháp. Thứ hai, lí do đến từ vấn đề thực tiễn mà độc giả gặp phải trong quá trình làm việc hoặc học tập nhưng chưa hoặc có rất ít nghiên cứu về vấn đề đó. Chính vì vậy, phần mở bài của đề cương nghiên cứu khoa học cần phải được viết sau khi độc giả đã tìm hiểu và đánh giá các lý thuyết và nghiên cứu trước đó. Điều này trái với lầm tưởng của một số độc giả rằng thứ tự viết chính là thứ tự của cấu trúc đề cương, nghĩa là cần viết mở bài trước cơ sở lý luận (literature review). Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Để đạt được yêu cầu về nội dung nêu trên, mở bài của đề cương nghiên cứu khoa học sẽ bao gồm các phần sau đây: background to the study (thông tin nền tảng của nghiên cứu, statement of the problem (đặt vấn đề), aim of the study (mục đích nghiên cứu), research questions (câu hỏi nghiên cứu), scope of the study (phạm vi nghiên cứu) và significance of the study (tầm quan trọng của nghiên cứu)

image-alt

Background to the study (thông tin nền tảng của nghiên cứu)

Phần này cung cấp cái nhìn từ tổng quan đến cụ thể về vấn đề mà nghiên cứu đang hướng đến. Điều này nhằm mục đích cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về lĩnh vực mà nghiên cứu đang thực hiện, từ đó hiểu sâu hơn về mối liên quan giữa vấn đề nghiên cứu với lý thuyết có sẵn hoặc tình huống thực tiễn. Đồng thời, trong phần này, độc giả cũng cần làm rõ các từ khóa của nghiên cứu (key terms) nhằm thuận lợi cho việc đưa ra định nghĩa của những từ khóa đó ở chương cơ sở lý luận.

Một lưu ý quan trọng của phần thông tin nền tảng là độc giả không nên mặc định người đọc đã có hiểu biết về vấn đề nghiên cứu trước đây hoặc tự cho rằng một hiện tượng nào đó là đúng dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Tất cả những lập luận của phần này cần được bổ sung bằng kết luận của các bài nghiên cứu hoặc báo cáo trước đó để tăng tính thuyết phục. Do đó, điều này một lần nữa khẳng định chương mở bài của đề cương nghiên cứu cần được thực hiện sau khi độc giả đã đọc và đánh giá cả lý thuyết và nghiên cứu liên quan.

Độc giả quan sát ví dụ sau đây, chủ đề nghiên cứu về việc ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược (the flipped classroom model) trong giảng dạy:

The arrival of Information and Communication Technologies (ICT) have had a profound effect on all facets of society, including education. They have been employed in the field of Foreign Language Teaching since the 1960s (Basal, 2015) and their benefits are extensively proven (Basal, 2015; Egbert, Herman & Lee, 2015; Lai & Kristonis, 2006).

Dịch: Sự xuất hiện của Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã có tác động to lớn đến nhiều khía cạnh trong xã hội, bao gồm giáo dục. Con người đã ứng dụng công nghệ này vào lĩnh vực giáo dục từ thập nhiên 1960 (Basal, 2015) và những lợi ích của điều đó đã được chứng minh rộng rãi (Basal, 2015; Egbert, Herman & Lee, 2015; Lai & Kristonis, 2006).

Dễ dàng nhận thấy trong nghiên cứu này, trước khi đề cập đến vấn đề cần tiếp cận, người viết đã dẫn dắt độc giả từ cái rộng. Đầu tiên, người nghiên cứu đã đề cập đến thông tin rộng là Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) rồi đi đến ứng dụng của nó trong lĩnh vực giáo dục. Độc giả cũng nhận thấy theo sau các nhận định trong phần tổng quát này luôn có các dẫn chứng từ các bài nghiên cứu trước đây, chứ không đơn thuần là đưa ra ý kiến cá nhân. Độc giả theo dõi đoạn kế tiếp như sau:

Among the several blended learning models, the flipped classroom has lately gained significant popularity (Ahmed, 2016; Muldrow, 2013). The core idea of this instructional model is to move direct instruction out of the classroom and have students watch videos explaining the materials before entering class. As a result, class time is freed up to do student-centered activities that focus on higher order thinking skills, which enhances students’ motivation and content learning (Basal, 2015).

Dịch: Giữa nhiều mô hình học tập kết hợp, mô hình lớp học đảo ngược nhận được sự phổ biến nhiều nhất (Ahmed, 2016; Muldrow, 2013). Ý niệm chính của mô hình này là chuyển từ hướng dẫn trực tiếp trong lớp học sang việc học sinh sẽ học tập từ các video giải thích nội dung bài học trước khi đến lớp. Kết quả là, thời gian trong lớp chỉ dùng cho các hoạt động lấy học sinh làm nền tảng, chú trọng hơn kĩ năng suy nghĩ, nâng cao động lực và năng lực học tập của học sinh (Basal, 2015).

Từ việc giới thiệu ICT, người nghiên cứu đã dẫn vào vấn đề chính của bài là mô hình lớp học đảo ngược (the flipped classroom model). Hiển nhiên, các thông tin mang các từ thể hiện quan điểm cần được làm rõ và chứng minh bằng cách nghiên cứu hoặc báo cáo trước đây.

Như vậy, phần thông tin nền tảng của nghiên cứu yêu cầu độc giả lập luận một cách có logic từ vấn đề khái quát của lĩnh vực đến vấn đề cụ thể mà nghiên cứu đang nhắm đến. Đồng thời đối với những khái niệm hoặc ý kiến, độc giả cần làm rõ bằng cách trích dẫn các bài nghiên cứu trước đây.

Statement of the problem (Đặt vấn đề)

Đây là phần thứ hai cần có trong chương mở bài của đề cương nghiên cứu khoa học. Tại phần này, độc giả sẽ trình bày lí do mà nghiên cứu được thực hiện, từ đó hội đồng khoa học hay giảng viên sẽ quyết định xem nghiên cứu mà độc giả thực hiện có tính mới, tính thực tiễn, hay tính khả thi hay không, từ đó mới quyết định độc giả được phép tiếp tục thực hiện bài nghiên cứu hay phải đổi sang đề tài khác. Do đó, đây là phần cực kỳ quan trọng quyết định đề cương nghiên cứu có được duyệt để trở thành bài nghiên cứu chính thức hay không.

Để viết được phần này, độc giả cần phải có cái nhìn tổng quát và sự phân tích kỹ lưỡng các lý thuyết và nghiên cứu trước đó về vấn đề mà nghiên cứu của bản thân đang hướng đến, nhằm xem xét tính mới và tính khả thi khi thực hiện nghiên cứu. Do đó, điều này một lần nữa khẳng định chương đầu tiên của đề cương nghiên cứu khoa học không thể viết ngay từ đầu mà chỉ có thể thực hiện sau chương thứ hai, cơ sở lý luận. Độc giả có thể viết phần này thành nhiều đoạn khác nhau, hoặc chỉ cần một đoạn duy nhất, nhưng phải bảo đảm trả lời đủ hai câu hỏi sau:

  • What we know about it. (Chúng ta đã biết gì về vấn đề này)

  • What we don’t know about it. (Chúng ta chưa biết điều gì)

Để hiểu thêm về việc này, độc giả quan sát ví dụ sau đây:

In respect to language teaching approaches, there are numerous studies in Vietnam and also myriad of implications for changing the way of language teaching and learning has been made. Students are introduced to the Communicative Language Teaching (CLT) (Ngoc & Iwashita, 2012; Hiep, 2007), total physical response (TPR) (Nguyen et al, 2020; Ngo & Pham, 2018), and task-based learning teaching (TBLT) (Barnard & Nguyen, 2010; Duong & Nguyen, 2021). However, when it comes to the development of applied technology in EFL classrooms, there seems to be a lack of research in this area (Hoang, 2018). As a result, very few studies are conducted in the view of the flipped classroom model, which is nearly a new concept in language teaching and learning in Vietnam. This brings the researcher to the motivation to conduct a new study in this area.

(Dịch: Đối với phương pháp giảng dạy ngôn ngữ, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở Việt Nam và nhiều đề xuất cho việc thay đổi cách giảng dạy và học tập ngôn ngữ đã được đề ra. Học sinh đã được giới thiệu phương pháp giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp (CLT) (Ngoc & Iwashita, 2012; Hiep, 2007), phương pháp phản ứng toàn diện thể chất (TPR) (Nguyen et al, 2020; Ngo & Pham, 2018), phương pháp dạy ngôn ngữ dựa trên nhiệm vụ (TBLT) (Barnard & Nguyen, 2010; Duong & Nguyen, 2021). Tuy nhiên, khi bàn đến sự phát triển và ứng dụng công nghệ vào các lớp học ngôn ngữ, dường như có sự thiếu hụt về các nghiên cứu trong lĩnh vực này (Hoang, 2018). Kết quả là có rất ít nghiên cứu được thực hiện về mô hình lớp học đảo ngược, một mô hình gần như mới mẻ hoàn toàn đối với việc giảng dạy và học tập ngôn ngữ. Điều này dẫn đến động lực cho người nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu mới cho lĩnh vực này.)

Độc giả nhận thấy, chỉ trong một đoạn văn, người nghiên cứu đã chỉ ra được ba khía cạnh cần đề cập của phần này:

  • Điều chúng ta biết: các nghiên cứu về cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy trước đây.

  • Điều chúng ta chưa biết: các mô hình lớp học khi ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đặc biệt là mô hình lớp học đảo ngược. Từ đó, nghiên cứu đề ra tính mới và thiết yếu của mình.

image-alt

Tóm lại, phần Đặt vấn đề của đề cương nghiên cứu khoa học mang tính thiết yếu và làm rõ tính mới của nghiên cứu, góp phần giúp đề cương được xét duyệt và thông qua bởi hội đồng khoa học.

Aim of the study (Mục đích nghiên cứu)

Phần này có tính kết nối với phần Đặt vấn đề ở trên, nghĩa là từ vấn đề mà độc giả đã đề ra, mục đích của nghiên cứu cần phải có sự liên hệ với phần trước nhằm đưa ra giải pháp hoặc tìm hiểu nguyên nhân cho vấn đề đó. Tùy thuộc vào nội dung và lĩnh vực mà mục đích nghiên cứu có thể khác nhau, chẳng hạn như: đối với nghiên cứu điển hình (case study), mục đích của nghiên cứu là tìm ra nguyên nhân gốc rễ và mối liên hệ giữa các yếu tố của vấn đề đã đặt ra trong bối cảnh thế giới thực; đối với nghiên cứu hành động (action research), mục đích của nghiên cứu là đề ra giải pháp nhằm giải quyết triệt để một vấn đề trong bối cảnh nghiên cứu; hay đối với nghiên cứu dân tộc học (ethnography) nhằm để tìm hiểu thông tin về văn hóa, tập tục của một hoặc một nhóm đối tượng trong bối cảnh đời thường.

Một số mẫu câu độc giả có thể dung để mở đầu phần này như:

  • This research aims to…..

  • This research seeks to…..

  • The purpose of this study is to…..

Ví dụ:

Based on the problem stated above, this study aims to investigate the implementation as well as teachers’ and students’ perceptions toward using the flipped classroom model. The study also pointed out some limitations and recommendations which further research should take into consideration for a better implementation of the flipped classroom.

(Dịch: Dựa trên vấn đề đã nêu ra, mục đích của nghiên cứu này nhằm kiểm tra sự áp dụng cũng như nhận thức của giáo viên và học sinh đối với việc áp dụng mô hình lớp học đảo ngược. Nghiên cứu đồng thời chỉ ra hạn chế và đề xuất cho các nghiên cứu sau nhằm áp dụng tốt hơn mô hình lớp học đảo ngược.)

Research question (Câu hỏi nghiên cứu)

Câu hỏi nghiên cứu là phần cụ thể hóa cách tiếp cận vấn đề, hay nói cách khác là nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra câu trả lời gì cho vấn đề mà độc giả đang tiếp cận. Nhìn một cách tổng thể, câu hỏi nghiên cứu sẽ làm nền tảng định hướng cho phương pháp và hướng đi của nghiên cứu, quyết định loại hình nghiên cứu và khung lý thuyết lẫn nội dung mà người thực hiện sẽ tiến hành sau này. Ở cuối mỗi bài nghiên cứu chính là trình bày câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong chương đầu tiên.

Độc giả cần lưu ý một số điều sau khi viết câu hỏi nghiên cứu:

  • Mỗi câu hỏi nghiên cứu chỉ tiếp cận một đối tượng duy nhất. Điều này có nghĩa là những câu hỏi nghiên cứu dưới đây bị xem là sai:

+What are the benefits and problems of implementing the flipped classroom model in EFL classes?

Dịch: Lợi ích và vấn đề của áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong lớp học ngoại ngữ là gì? (Sai vì có đến hai vấn đề trong cùng một câu hỏi)

+Do the advantages of the flipped classroom model outweigh its disadvantages?

Dịch: Lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược có nhiều hơn bất lợi hay không? (sai với lỗi tương tự)

  • Câu hỏi cần có tính thực tiễn và khả thi, nghĩa là tiếp cận đủ vấn đề và có khả năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó

  • Xem xét các dạng câu hỏi khác nhau tùy vào nội dung của bài nghiên cứu, bao gồm: câu hỏi mô tả (descriptive question) bắt đầu bằng các từ how, where, when, to what extent, câu hỏi khai thác (exploratory question) bắt đầu bằng từ why.

  • Ngoại trừ nghiên cứu thực nghiệm (experimental research), độc giả không sử dụng dạng yes/no để viết câu hỏi nghiên cứu

Đối với chủ đề về mô hình lớp học đảo ngược phía trên, độc giả có thể quan sát câu hỏi nghiên cứu mẫu như sau:

The study seeks answers for the following questions:

  1. How is the flipped classroom model implemented in EFL communication classes?

  2. What are the teachers’ perceptions on the implementation of the flipped classroom model?

  3. What are the students’ perceptions on the implementation of the flipped classroom model?

(Dịch: Nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi:

  1. Mô hình lớp học đảo ngược được ứng dụng thế nào trong lớp ngoại ngữ học giao tiếp?

  2. Quan điểm của giáo viên về mô hình lớp học đảo ngược là gì?

  3. Quan điểm của học sinh về mô hình lớp học đảo ngược là gì?)

Scope of the study (Phạm vi nghiên cứu)

Tùy vào quy định của từng cơ sở giáo dục mà phần phạm vi nghiên cứu có bắt buộc viết hoặc không, do đó phần này được xem như một phần tự chọn. Tuy nhiên, tác giả khuyến khích độc giả trình bày rõ phần này trong đề cương nghiên cứu khoa học vì đây là phần tóm tắt nội dung mà bài nghiên cứu nhắm đến, đối tượng tham gia, nơi thực hiện nghiên cứu và thời gian dự kiến cho nghiên cứu. Bằng cách trình bày rõ rang phần này, hội đồng khoa học sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn để giúp người nghiên cứu quyết định về tính khả thi và thực tiễn của nghiên cứu mà độc giả đang hướng đến.

Ví dụ về phần này có thể viết như sau:

Based on the nature of the study, the coverage is on the use of the flipped classroom model in English communication classes. In the view of this, the study provides an analysis on the implementation of the flipped classroom model in communication classes at X center in Ho Chi Minh City in terms of criteria, such as pronunciation and fluency. Furthermore, the study investigates the perceptions of teachers and students on the implementation of the new blended learning model. To conclude, the scope of this study is about the flipped classroom model and is limited to communication classes of a center in Ho Chi Minh City.

(Dịch: Dựa vào nội dung nghiên cứu, nghiên cứu được thực hiện về việc sử dụng mô hình lớp học đảo ngược trong lớp tiếng Anh giao tiếp. Theo cách này, nghiên cứu thực hiện phân tích sự ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong lớp tiếng Anh giao tiếp tại một trung tâm X ở thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các tiêu chí đánh giá như phát âm hoặc sự trôi chảy. Tóm lại, phạm vi nghiên cứu gói gọn trong mô hình lớp học đảo ngược và giới hạn trong lớp tiếng Anh giao tiếp ở một trung tâm.)

Sau khi viết xong phần này, độc giả hãy tự đặt câu hỏi để xem bản thân khi viết đã bao gồm các ý cần thiết hay chưa:

  • Nội dung chính: mô hình lớp học đảo ngược

  • Người tham gia: học viên và giáo viên trong lớp tiếng Anh giao tiếp

  • Nơi nghiên cứu: trung tâm X ở thành phố Hồ Chí Minh

image-alt

Significance of the study (Tầm quan trọng của nghiên cứu)

Tại phần này, độc giả sẽ đưa ra kết luận về việc nghiên cứu của mình sẽ đóng góp gì cho nền tảng lý thuyết hoặc đối tượng của lĩnh vực đó. Nói cách khác, nghiên cứu này sẽ góp ích gì cho khía cạnh mà nó nhắm đến, và thông tin này được thể hiện từ phần trả lời của các câu hỏi nghiên cứu.

Một số cấu trúc độc giả có thể dùng để dẫn dắt vào phần này:

  • This study provides new insights into…..

  • The findings should make an important contribution to the field of……

  • It is hoped that this research will contribute to a deeper understanding of…..

Độc giả quan sát ví dụ sau đây:

This study is hoped to provide new insights into implementation the flipped classroom model so that teachers and educators could develop more appropriate principles for this blended learning model in the future. Furthermore, the findings of my study also make an important contribution to the analysis of perspectives of teachers and learners. Therefore, curriculum developers and teachers would know how to establish and set up suitable and compatible activities concerning this model.

(Dịch: Nghiên cứu này được hy vọng sẽ mang lại hiểu biết sâu sắc về mô hình lớp học đảo ngược để giáo viên và các nhà giáo dục có thể phát triển những nguyên lý thích hợp cho mô hình giảng dạy kết hợp này. Hơn nữa, kết quả của nghiên cứu có thể góp phần phân tích quan điểm của giáo viên và học viên về mô hình này. Do đó, các nhà thiết kế khung chương trình và giáo viên có thể thiết lập và phát triển các hoạt động tương tích với mô hình này.)

Tổng kết

Thông qua bài viết này, tác giả đã đưa rõ định nghĩa và cấu trúc cần có của một bài research proposal, hay gọi là đề cương nghiên cứu khoa học, đồng thời làm rõ và hướng dẫn các đề mục nhỏ của chương mở bài trong đề cương.

Tài liệu tham khảo

(1) Ahmed, M. A. E. A. S. (2016): “The Effect of a Flipping Classroom on Writing Skill in English as a Foreign Language and Students’ Attitude Towards Flipping”, US-China Foreign Language, 14(2), pp 98-114.

(2) Barnard, R., & Nguyen, G. V. (2010). Task-based language teaching (TBLT): a Vietnamese case study using narrative frames to elicit teachers’ beliefs.

(3) Basal, A. (2015). The implementation of a flipped classroom in foreign language teaching. Turkish Online Journal of Distance Education, 16(4), 28–37.

(4) Duong, M. T., & Nguyen, H. T. M. (2021). The effects of task-based language teaching on Vietnamese EFL students’ reading comprehension at a secondary school.

(5) Egbert, J., Herman, D. & Lee, H. (2015): “Flipped Instruction in English Language Teacher Education: A Designed Based Study in a Complex, Open-ended Learn-ing Environment”, Teaching English as a Second or Foreign Language. The Electronic Journal for English as a Second Language, 19 (2), pp. 1-23.

(6) Guy, E. W. (2017). The dissertation warrior: the ultimate guide to being the kind of person who finishes the doctoral dissertation or thesis. Triumphant Heart International, Happy Valley.

(7) Hiep, P. H. (2007). Communicative language teaching: unity within diversity. ELT Journal.

(8) Hoang, V. V. (2018). The current situation and issues of teaching of English in Vietnam.

(9) Lai, C., & Kritsonis, W. (2006). The advantages and disadvantages computer technology in second language acquisition.

(10) Louis, C., Lawrence, M., & Keith, M. (2018). Research methods in education (8th ed.). New York: Taylor and Francis Group, Routledge.

(11) Muldrow, K. (2013): “A New Approach to Language Instruction – Flip-ping the Classroom”, The Language Educator, pp. 28-31.

(12) Ngo, T. C. A., & Pham, V. P. H. (2018). The effects of using total physical response (TPR) on EFL young learners’ vocabulary and speaking fluency.

(13) Ngoc, K. M., & Iwashita, N. (2012). A comparison of learners’ and teachers’ attitudes toward communicative language teaching at two universities in Vietnam. University of Sydney paper in TESOL.

(14) Nguyen, et al. (2020). Enhancing Vietnamese vocabulary knowledge and Vietnamese listening ability through the total physical response method of grade 1 students Satit school under Rajabhat University in Thailand. VNU Journal of Science: Educational Research, 36(2).

(15) Pham, T. T. H., Nguyen, H. M. H., Ly, N. H., Tran, Q. H., & Nguyen, K. H. (2023). Implementing the flipped classroom model: a case study of IMAP center.

Người học muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu