Cách viết MBA Admission essay gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
MBA (Master of Business Administration) là bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh có nguồn gốc từ Mỹ. Đây là một trong những chương trình đào tạo quản lý sau đại học phổ biến và danh giá nhất trên thế giới. Mỗi năm có đến hàng ngàn cử nhân tham gia ứng tuyển vào chương trình học này. Người học MBA không chỉ được trang bị những kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau như tài chính, quản trị nguồn nhân lực, Marketing, quản trị chiến lược, quản lý dự án, thương mại quốc tế,... mà còn có thêm nhiều cơ hội thăng tiến vào các vị trí lãnh đạo cấp cao sau khi hoàn thành khóa học. Tùy theo sở thích hoặc định hướng cá nhân, ứng viên có thể lựa chọn chương trình học trong nước hoặc quốc tế. Tuy nhiên, quy trình xét tuyển MBA tại các quốc gia hàng đầu như Mỹ hay Anh Quốc sẽ tương đối gay gắt hơn. Bên cạnh những yêu cầu tối thiểu như ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp trước khi học MBA, hoàn thành chứng chỉ GMAT (Kỳ thi đánh giá tiêu chuẩn trình độ và khả năng của sinh viên nộp đơn vào chương trình học cao cấp về kinh doanh và quản trị) hoặc chứng chỉ GRE (Kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học) thì những học viện đào tạo quốc tế còn đưa ra quyết định xét tuyển dựa trên những cảm nhận riêng của họ về tiềm năng của ứng viên thông qua MBA admission essay (tiếng Việt tạm dịch là bài luận nhập học MBA). Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho người đọc các bước cần thiết và những lưu ý khi viết bài luận MBA để gây ấn tượng tốt cho hội đồng tuyển sinh.
Key takeaways
MBA admission essay là một bài luận cá nhân nằm trong bộ hồ sơ tuyển sinh, được yêu cầu bởi hầu hết các chương trình đào tạo thạc sĩ kinh doanh trên toàn thế giới, chủ yếu xoay quanh về những trải nghiệm trong quá khứ của ứng viên, lý do chọn MBA làm đích đến và những kế hoạch, mục tiêu trong tương lai.
Những khuyến nghị cần có đối với một bài luận MBA: người viết cần trung thực về những trải nghiệm được đề cập; lựa chọn ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc; định dạng đúng yêu cầu.
Cấu trúc thường thấy ở một bài luận MBA
Phần mở đầu: giới thiệu bản thân và chủ đề bài luận
Phần nội dung: xoay quanh việc trả lời cho bốn câu hỏi phổ biến như bản thân đã làm được những gì hoặc có những trải nghiệm cá nhân nào; mục tiêu ngắn hạn/dài hạn mà bản thân muốn chinh phục là gì và tại sao; ngôi trường mà ứng viên đăng ký ứng tuyển đóng vai trò như thế nào trên con đường phát triển nghề nghiệp sắp tới; điều gì đưa đến quyết định nhập học MBA ngay lúc này.
Phần kết: tóm tắt lại những nội dung đã nêu trước đó và gửi lời cảm ơn đến hội đồng.
MBA admission essay là gì và tầm quan trọng như thế nào ?
MBA admission essay (hay Statement of Purpose) là một bài luận cá nhân được yêu cầu bởi hầu hết các chương trình đào tạo thạc sĩ kinh doanh trên toàn thế giới và có ảnh hưởng lớn trong quá trình đưa ra quyết định xét tuyển của hội đồng tuyển sinh. Theo thống kê từ trang BusinessBecause, tỷ lệ chấp nhận hồ sơ nhập học cho các chương trình MBA hàng đầu như Stanford có thể thấp đến 8.9%, trong khi ở các trường đào tạo quốc tế thuộc phân khúc tầm trung thì con số này cao nhất cũng chỉ dao động từ 20-60%. Vì vậy, để gia tăng cơ hội được tuyển chọn, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc các chứng chỉ như GMAT hay GRE, ứng viên cần phải lên kế hoạch đầu tư nghiêm túc cho bài luận cá nhân của mình. Hằng năm, bộ phận tuyển sinh tại các trường đại học sẽ chọn ra những chủ đề bài luận khác nhau, chủ yếu xoay quanh về những trải nghiệm trong quá khứ của ứng viên, lý do chọn MBA làm đích đến và những kế hoạch, mục tiêu trong tương lai. Bài luận càng thể hiện rõ bản sắc cá nhân bao gồm sự sáng tạo, năng lực làm việc cũng như khao khát chinh phục những thử thách mới của người viết thì càng tạo ấn tượng tốt cho hội đồng tuyển sinh và gia tăng cơ hội được xét duyệt hồ sơ nhập học.
Bí quyết để viết một MBA admission essay gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
Những khuyến nghị cần có khi viết một bài luận MBA
Ngôn ngữ sử dụng nên rõ ràng, mạch lạc, tránh dùng những từ ngữ tối nghĩa hoặc những ngữ cảnh gây khó hiểu cho người đọc
Những trải nghiệm được đề cập phải mang tính xác thực
Tuyệt đối tuân theo định dạng bài viết được yêu cầu (bao gồm độ dài văn bản, phông chữ, cỡ chữ, canh lề…)
Văn bản nên được chỉnh sửa kỹ lưỡng trước khi nộp để đảm bảo về mặt hình thức và tránh các lỗi sai không đáng có như lỗi chính tả hay ngữ pháp
Cấu trúc thường thấy ở một bài luận MBA hoàn chỉnh
Thông thường, các trường đào tạo kinh doanh sau bậc đại học sẽ có những quy định nghiêm ngặt về số lượng từ trong một bài luận MBA. Ứng viên cần tuyệt đối tuân thủ theo quy định trên. Trường hợp không có yêu cầu cụ thể về số từ hoặc số trang, người viết cũng nên thể hiện bài luận của mình một cách ngắn gọn và xúc tích với độ dài dao động từ 750 đến 1300 từ. Cấu trúc một bài luận MBA thường bao gồm 5 đoạn: một đoạn mở đầu, ba đoạn nội dung và một đoạn kết. Mỗi đoạn văn nên dài khoảng ba đến bảy câu. Nếu có thể, người viết cố gắng tạo kích thước đồng nhất cho các đoạn văn. Điều quan trọng nữa là sử dụng những liên từ phù hợp để giữa các đoạn có được sự kết nối, từ đó, bài viết trở nên rõ ràng và mạch lạc hơn. Cụ thể những nội dung cần trình bày trong mỗi phần như sau:
Phần mở đầu
Ở đoạn đầu tiên này, ứng viên sẽ giới thiệu bản thân và chủ đề sẽ được bàn luận xuyên suốt bài viết. Có đến hàng ngàn bài viết được gửi về để hội đồng tuyển sinh xét duyệt, vì thế, một đoạn giới thiệu sáng tạo sẽ là điểm sáng để người đọc chú ý hơn vào những nội dung được trình bày kế tiếp.
Phần nội dung
Thường ứng viên sẽ dành ra từ 2 đến 3 đoạn để trình bày cho phần này nhưng về cơ bản, nội dung cần xoay quanh việc trả lời cho bốn câu hỏi phổ biến như sau:
Bản thân đã làm được những gì hoặc có những trải nghiệm cá nhân nào?
Trong phần sơ yếu lý lịch, những kinh nghiệm làm việc đã được liệt kê sơ lược cho các thành viên thuộc bộ phận tuyển sinh tham khảo. Vì thế, ứng viên chỉ nên dành ra khoảng 75 đến 125 từ để trình bày một cách cô đọng về kinh nghiệm đó.Ví dụ, nếu muốn đề cập đến những kinh nghiệm nghề nghiệp có được trong kỳ thực tập trước đó, thay vì liệt kê tất cả những công việc đã làm, người viết nên lồng ghép chúng thành một câu chuyện thú vị để tránh sự nhàm chán.
Mục tiêu ngắn hạn/dài hạn mà bản thân muốn chinh phục là gì và tại sao?
Với những kinh nghiệm và kỹ năng đã được tích lũy, người viết cần thể hiện rõ bản thân có những kỳ vọng như thế nào cho mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai gần và tại một thời điểm xa hơn. Hội đồng tuyển sinh thường sẽ đánh giá cao những thí sinh có mục tiêu rõ ràng, khả thi, phù hợp với năng lực cũng như sở trường của họ.
Ngôi trường mà ứng viên đăng ký ứng tuyển đóng vai trò như thế nào trên con đường phát triển nghề nghiệp sắp tới ?
Có rất nhiều khóa học MBA từ các trường đại học khác nhau trên thế giới, thí sinh cần trình bày rõ những đặc điểm nổi bật nào từ cơ sở đào tạo đã đưa đến quyết định nộp đơn ứng tuyển và tại sao đây là ngôi trường duy nhất mà bản thân cảm thấy phù hợp. Người viết cần cho hội đồng thấy được sự nghiên cứu nghiêm túc về ngôi trường này thông qua những tìm hiểu về sứ mệnh cũng như lịch sử hình thành. Ứng viên cũng có thể đề cập đến các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức hoặc các câu lạc bộ liên quan đến một lĩnh vực kinh doanh cụ thể và giải thích lý do vì sao việc tham gia vào các tổ chức này sẽ là một trải nghiệm giúp ích cho sự nghiệp của mình trong tương lai.
Điều gì đưa đến quyết định nhập học MBA ngay lúc này ?
Sau Đại học, ứng viên có thể đang làm chủ doanh nghiệp, làm nghề tự do hoặc là nhân viên cho một doanh nghiệp nào đó. Chính vì mỗi ứng viên sẽ có một hoàn cảnh khác nhau nên hội đồng tuyển sinh mong muốn hiểu rõ những động cơ nào khiến ứng viên từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi MBA. Đây có thể được xem là phần nhấn mạnh lại cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đã đề cập trước đó.
Phần kết
Tóm tắt lại những nội dung chính đã nêu trong bài, lời cảm ơn cũng như chào hỏi một cách ngắn gọn, tuyệt đối không trình bày thêm những luận điểm mới trong phần này.
MBA admission essay sample
Đề tài: Enrolling in a Business School is an important career decision. Critically look at your career to date, the choices you have made, the key influences behind those choices, your goals for the future and how do you think ISB’s PGP can help you in achieving your goals?
Phần mở đầu
[Giới thiệu sơ lược về bản thân]
My name is [tên]. I began an enriching journey of Human Capital Consulting at XXX because I was fascinated by the idea of influencing company success via people. I joined YYY as a pioneer in HR consulting in India to develop my solution knowledge after 20 months of advising Indian and international firms.
Phần nội dung
[Những trải nghiệm cá nhân]
While I was effective in resolving my clients' many 'human capital' issues, I was unprepared to address their larger 'business' issues, which included Operations, M&A, Marketing, and Strategy. As a result, I'm motivated by a desire to develop a strong 'business' layer on my consulting base and provide advice to customers on a wide range of management issues.
[ Mục tiêu ngắn hạn]
My short-term ambition is to work for a top management consulting firm, where I can assist firms in making sound business decisions. Only a theoretical and practical management education can help me reach my job goals. To build successful solutions to the client's business difficulties, I will draw on my experience across industries and the abilities learned at the ISB.
[Mục tiêu dài hạn]
Dr. Santrupt Mishra, Global Director HR, and CEO has inspired me to pursue a long-term career vision, and I believe that my management consulting experience will assist me in realizing that vision (Aditya Birla Group). In the long term, I envision running a huge company, reshaping its strategy, and driving competitiveness through innovation, high performance, and talent development.
[ Động lực chọn ngành và trường học]
The PGP program at ISB is a wonderful fit for my career goals. I will be able to assess real-life business scenarios and propose effective solutions thanks to ISB's case-based learning technique, instructors from top global business schools, core curriculum, and electives like ELP. The research-based curriculum at ISB, combined with current case studies, will prepare me for success in an ever-changing business environment. Case contests, practice interviews, and internship preparation seminars offered by consulting clubs will be beneficial. I will effectively make the next step down my career path with my business acumen and personal brand boosted by a rigorous one year of learning networking at ISB.
Phần kết
[Cám ơn và kết thư]
Thank you for your time and consideration of my application. Among the various options, I hope to be accepted by the admissions committee. I am looking forward to hearing from you.
Tổng kết
MBA admission essay là một trong những yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định xét duyệt hồ sơ của thí sinh. Chính vì thế, để tạo được ấn tượng mạnh với hội đồng tuyển sinh, bên cạnh việc tìm hiểu thật kỹ về ngành học cũng như cơ sở đào tạo, người viết cần nêu bật được những đặc điểm nổi trội của mình, cùng những định hướng đóng góp cho cộng đồng sau khi hoàn thành xong khóa học.
Lê Thị Mỹ Duyên
Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp