Cách xây dựng thói quen đọc: Các kỹ thuật để tăng cường sự tập trung & cải thiện kỹ năng Tiếng Anh

Bài viết sẽ đưa ra một số phân tích về việc xây dựng thói quen đọc hiệu quả, từ đó cung cấp các phương thức và mẹo để giúp người học có thể nâng cao sự tập trung và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ.
cach xay dung thoi quen doc cac ky thuat de tang cuong su tap trung cai thien ky nang tieng anh

Key Takeaways

Bài viết tổng hợp các cách giúp người học nâng cao sự tập trung trong quá trình đọc và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ:

  • Xây dựng mục tiêu theo phương pháp SMART: Hướng dẫn người học áp dụng phương pháp SMART Goal trong thiết lập mục tiêu đọc hiệu quả

  • Tìm kiếm tài nguyên đọc phù hợp: Xây dựng các tiêu chí trong việc lựa chọn tài liệu đọc phù hợp

  • Tạo môi trường đọc lý tưởng: Thiết lập một môi trường đọc lý tưởng nhằm tối ưu sự tập trung cho người đọc

  • Phân chia thời gian đọc và nghỉ ngơi: Hướng dẫn một số mẹo về phân chia thời gian giữa việc đọc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý

  • Tham gia các hoạt động sau khi đọc: Khuyến khích người đọc tham gia các hoạt động sau khi đọc nhằm duy trì sự đam mê và nhiệt huyết với nội dung đã đọc

Giới thiệu tổng quan

Đọc là gì?

Đọc là gì?Đọc (Reading) là gì? Mặc dù phần đông người học đều biết hành động ‘đọc’ là hành động thế nào, nhưng khi nói về định nghĩa của “đọc” thì nhiều người thường bối rối. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu vẫn luôn tranh cãi về định nghĩa chính xác và đầy đủ của “đọc”.

Năm 1985, Richard C. Anderson, Elfrieda H. Hiebert, Judith A. Scott, and Ian A. G. Wilkinson đã xuất bản quyển sách Becoming a Nation of Read-ers (BNR): The Report of the Commission on Reading, với câu hỏi được đặt ra ngay chương đầu của sách: “What is reading?” (Đọc là gì?). Theo đó, trong quyển sách này, các tác giả đã định nghĩa đọc (reading) là “quá trình xây dựng ý nghĩa từ các văn bản viết” và lưu ý rằng, “đây là một kỹ năng phức tạp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nguồn thông tin có liên quan” (trang 7) [1]. Ngày nay, mặc cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự tiến bộ trong tư duy và nhận thức của con người, định nghĩa “đọc” của nhóm tác giả BNR được cho là chính xác và phù hợp với thời đại nhất.

Vì sao nhiều người vẫn chưa có thói quen đọc?

Vì sao nhiều người vẫn chưa có thói quen đọc?Để tìm hiểu tại sao nhiều người vẫn còn chưa có thói quen đọc thường xuyên, chúng ta có thể xem xét 2 khía cạnh khách quan và chủ quan như sau:

Các lý do khách quan

  • Sự phát triển mạnh của các thiết bị công nghệ: Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các nền tảng mạng xã hội đã mang đến người dùng các phương tiện nghe, nhìn như hình ảnh, video hoặc podcast. Các loại hình phương tiện nghe, nhìn này thu hút phần đông người dùng, đặc biệt là người dùng trẻ bởi các phương tiện này thường vui nhộn, dễ sử dụng và đặc biệt là truyền tải nội dung nhanh chóng. Trong khi đó, đọc sách, báo hoặc tạp chí thường đòi hỏi người dùng phải tập trung cao độ cũng như có ít sự trực quan hơn nếu so sánh với các phương tiện nghe, nhìn kể trên.

  • Chi phí cao: Một nguyên nhân khách quan nữa có thể kể tới là khoản chi phí mà người đọc phải bỏ ra để có trải nghiệm đọc tốt nhất. Một nguồn tài nguyên đọc có thể kể tới là sách - vốn có giá thành khá cao khoảng từ 80.000 đồng trở lên đối với sách Tiếng Việt và hàng trăm nghìn đồng trở lên đối với sách ngoại văn. Bên cạnh đó, các trang báo hoặc website cung cấp nội dung đọc Tiếng Anh như The Washington Post hay The New York Times thường yêu cầu người đọc phải trả phí hàng tháng hoặc hàng năm.

  • Thiếu thời gian: Với sự phát triển nhanh của xã hội, phần đông học sinh và người đi làm phải dành phần lớn thời gian để xử lý công việc hoặc học tập, thậm chí họ còn có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Do đó, việc dành thời gian đọc trở thành một việc khó khăn hơn.

Các lý do chủ quan

  • Thiếu sự tập trung: Nguyên nhân thứ đầu tiên có thể kể đến là người đọc thường không thể duy trì sự tập trung trong khi đọc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của cả quá trình đọc. Theo Từ điển Oxford, sự tập trung (concentration) khả năng hướng tất cả nỗ lực và sự chú ý vào một việc mà không nghĩ đến những việc khác [3]. Tuy nhiên, trong môi trường sống ngày nay, việc duy trì sự tập trung trở nên ngày càng khó khăn hơn do luôn có các yếu tố gây sao nhãng (distractor) xung quanh như các thiết bị điện tử (điện thoại, TV, máy tính, …), tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, … Các yếu tố gây sao nhãng trên làm người đọc phân tâm, không thể duy trì sự tập trung trong thời gian dài cho quá trình đọc.

  • Thiếu sự hứng thú hoặc đam mê: Một lý do khá phổ biến mà nhiều người thường gặp phải là thiếu đi sự nhiệt huyết và đam mê khi đọc sách hoặc các văn bản nói chung. Có thể khi mới bắt đầu, người đọc sẽ có động lực và quyết tâm để hoàn thành một quyển sách, một tạp chí hoặc một bài báo nào đó, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người đọc mất đi sự hứng thú ban đầu và cuối cùng ‘bỏ ngang’ việc đọc các nội dung đó. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể là do các đam mê hoặc hứng thú đó mang tính nhất thời và chưa đủ lớn để giúp người đọc duy trì thói quen thường xuyên, hoặc cũng có thể do người đọc chưa thực sự tìm được đề tài hoặc nội dung mà mình thực sự đam mê.

  • Thiếu môi trường: Người học cần phải có một môi trường thực sự tối ưu cho việc đọc, thế nhưng ngày nay, nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm ra một không gian yên tĩnh và thoải mái. Tiếng ồn, sự xao lãng từ công nghệ, và áp lực cuộc sống bận rộn đều có thể cản trở quá trình đọc, làm giảm khả năng tập trung và hiệu quả của việc học tập nói chung.

Mối liên hệ giữa thói quen đọc và cải thiện kỹ năng Tiếng Anh

Mối liên hệ giữa thói quen đọc và cải thiện kỹ năng Tiếng AnhNhiều nghiên cứu đã được thực hiện về việc đọc trong một ngôn ngữ nước ngoài và cho thấy rõ rằng việc luyện đọc không chỉ cải thiện kỹ năng đọc mà còn giúp nâng cao kỹ năng tiếng Anh trong viết, nói và nghe khi bạn trở nên quen thuộc hơn với từ vựng và cách sử dụng từ trong ngữ cảnh [4]. Cụ thể, đọc giúp cải thiện các kỹ năng Tiếng Anh sau:

  • Đọc cải thiện kỹ năng nghe Tiếng Anh: Mặc dù điều này nghe có vẻ vô lý, song hàng loạt các nghiên cứu trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng, nếu kết hợp việc đọc và nghe một cách hợp lý, người học có thể cải thiện đáng kể kỹ năng nghe của mình. Một nghiên cứu xuất bản trong Tạp chí Central Asian Journal of Literature, Philosophy and Culture chỉ ra rằng, đọc một bản phiên âm âm thanh của nội dung mà một người vừa nghe có thể giúp cải thiện kỹ năng nghe. Điều này đặt não bộ vào khuôn khổ chú ý đến từng từ. Khi học một ngôn ngữ nước ngoài, đọc có thể là phương pháp hiệu quả hơn, vì việc nhìn thấy văn bản giúp củng cố mục đích sử dụng của nó. [7]

  • Đọc cải thiện kỹ năng nói Tiếng Anh: Đọc có ảnh hưởng và tác động lớn đến việc cải thiện kỹ năng nói của người học Tiếng Anh. Một nghiên cứu tại Bangladesh cho thấy đọc có thể giúp cải thiện kỹ năng nói, với 80% người tham gia cho rằng nó mang lại lợi ích. Cụ thể, 30% cho biết đọc giúp họ kể chuyện và 30% cho rằng nó hữu ích cho việc đóng vai. Ngoài ra, 75% người tham gia cho rằng đọc giúp tăng cường trí tưởng tượng hoặc vốn từ vựng của họ. [8]

  • Đọc cải thiện kỹ năng viết Tiếng Anh: Một trong những lợi ích cơ bản nhất của đọc là giúp người học có thể cải thiện kỹ năng viết. Việc đọc các văn bản như sách, báo, tạp chí hoặc nghiên cứu ngoài cải thiện từ vựng và ngữ pháp, còn mang đến những kiến thức quý báu về đời sống, con người và khoa học. Thông qua đó, người học có thể vận dụng các kiến thức ấy vào bài viết của mình để giúp bài viết tốt hơn.

  • Đọc cải thiện nhiều yếu tố khác: Ngoài các điều kể trên, đọc cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn khác như:

    • Cải thiện tư duy và nhận thức con người về xã hội

    • Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đọc với bản thân, gia đình và xã hội

    • Là hình thức giải trí lành mạnh và tốt cho sức khỏe tinh thần

    • Cải thiện trí nhớ và rèn luyện sự tập trung

    • Phát triển sự sáng tạo

Các lợi ích kể trên cũng có những đóng góp gián tiếp đến quá trình cải thiện khả năng Tiếng Anh, từ đó nâng cao năng lực Tiếng Anh nói chung của người học.

Mục tiêu của bài viết

Như đã phân tích, có thể phân chia thành 2 loại nguyên nhân (gồm chủ quan và khách quan) dẫn tới tình trạng nhiều người ngày nay vẫn chưa có thói quen đọc thường xuyên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung đề xuất các giải pháp cho các vấn đề mang tính chủ quan, xoay quanh việc cải thiện sự tập trung của người học. Đồng thời, thông qua sự liên hệ về lợi ích của việc đọc và cải thiện kỹ năng Tiếng Anh, người học có thể xây dựng kế hoạch đọc hiệu quả để có thể cải thiện được trình độ Tiếng Anh của mình.

Xây dựng mục tiêu đọc dựa trên phương pháp SMART

Xây dựng mục tiêu đọc dựa trên phương pháp SMARTDoran (1981) lần đầu tiên giới thiệu phương pháp cụ thể, có thể đo lường, có thể giao cho, thực tế và có thời hạn (SMART) để viết các mục tiêu quản lý hiệu quả. Ngày nay, phương pháp SMART trong quản lý thường được coi là tiêu chuẩn để phát triển các mục tiêu và mục tiêu có thể đo lường hiệu quả [5]. SMART là viết tắt của Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Có thể đạt được), Realistic (Thực tế), và Time-bound (Có thời hạn). Phương pháp này giúp mọi người đặt ra các mục tiêu rõ ràng, khả thi và có thể đo lường, giúp cải thiện hiệu quả làm việc và đạt được kết quả mong muốn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mục tiêu được thiết lập theo phương pháp SMART giúp tăng động lực và sự cam kết, dẫn đến hiệu suất cao hơn.

Vậy, dựa theo phương pháp SMART, bài viết sẽ gợi ý người đọc cách xây dựng mục tiêu đọc Tiếng Anh hiệu quả bằng phương pháp SMART như sau:

  • Cụ thể (Specific): Mục tiêu cần rõ ràng và cụ thể nhằm giúp người học hiệu được nhiệm vụ mà mình cần hoàn thành. Ví dụ một mục tiêu cụ thể có thể là “Tôi sẽ học được 5 từ vựng mới trong buổi đọc hôm nay” hoặc “Tôi sẽ đọc 3 bài đọc về đề tài Sport trong buổi sáng hôm nay”.

  • Đo lường được (Measurable): Khi đặt một mục tiêu, người học cần đảm bảo có thể đo lường được kết quả bằng một đơn vị nào đó. Ví dụ, “Tôi sẽ dành 30 phút sáng nay để đọc 2 bài đọc Tiếng Anh về đề tài Health” → Con số 30 phút và 2 bài đọc có thể dễ dàng đo lường được, từ đó người học có thể đánh giá mình đã đọc đủ số phút và số bài hay chưa.

  • Có thể đạt được (Achievable): Một mục tiêu khi đề ra cần đảm bảo tính khả thi, nghĩa là “có thể đạt được” theo khả năng của người học. Ví dụ, người học có thể chia một mục tiêu lớn như “Tôi sẽ đọc một quyển sách trong một tháng” thành “Tôi sẽ hoàn thành một chương của sách trong 2 ngày”. Như vậy, người học có thể dễ dàng theo kịp được tiến độ đọc một quyển sách trong tháng đó và cũng đồng thời chia nhỏ mục tiêu để mục tiêu đó trở nên “có thể đạt được”.

  • Thực tế (Realistic): Mục tiêu cần phải thực tế, nghĩa là phải căn cứ dựa trên năng lực, thời gian và nhiều yếu tố khác của người học. Ví dụ về một mục tiêu không thực tế: “Tôi là người học ở level Beginner nhưng tôi sẽ đọc hết quyển sách ngữ pháp Tiếng Anh này trong 1 tháng” → Mục tiêu này không chỉ quá sức của người học mà còn thiếu tính khả thi về thời gian (do ngữ pháp Tiếng Anh rất nhiều). Vậy, khi lựa chọn xây dựng mục tiêu, người học cần phải thiết lập một mục tiêu thực tế, tránh tình trạng đề ra mục tiêu quá “cao siêu” nhưng lại thiếu tính thiết thực.

  • Thời gian rõ ràng (Time-bound): Người học đặt một thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu. Ví dụ, người học đặt mục tiêu hoàn thành 2 bài đọc Tiếng Anh trong 30 phút. Với thời gian 30 phút, người học sẽ nhận thức được áp lực thời gian và từ đó sẽ tập trung để hoàn thành kịp tiến độ.

Tìm kiếm tài nguyên đọc phù hợp

Tìm kiếm tài nguyên đọc phù hợpSau khi thiết lập một mục tiêu cụ thể như hướng dẫn nêu trên, bước tiếp theo mà người học cần chuẩn bị là tìm kiếm các tài nguyên, nguồn đọc phù hợp. Theo đó, một nguồn đọc phù hợp nên đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Phù hợp với trình độ người học

Việc lựa chọn tài liệu đọc nên dựa trên trình độ thực tế của người học. Lựa chọn nguồn tài liệu phù hợp với trình độ sẽ góp phần tạo động lực cũng như giúp duy trì sự tập trung trong suốt quá trình đọc. Ví dụ:

  • Trình độ A1 - A2 (Beginner - Elementary): Đây là trình độ của phần đông người học mới, do đó, các tài liệu đọc ở level này nên được thiết kế đơn giản với các đề tài gần gũi với đời sống thường ngày. Người học có thể lựa chọn các nguồn đọc như truyện tranh (phiên bản Tiếng Anh của các truyện như Doraemon, Dragon Ball, …), các bài báo ngắn hoặc tài liệu luyện thi sơ cấp (British Council Learn English Kids, bộ sách Cambridge English: Flyers, ...)

  • Trình độ B1 - B2 (Intermediate - Upper-Intermediate): Đây là trình độ trung cấp, do đó tài liệu đọc ở level này nên dài hơn và thử thách hơn so với level trước đó. Người học có thể lựa chọn các blog hoặc truyện ngắn, các tài liệu chuyên ngành (National Geographic, BBC Learning English, …) hoặc một số trang báo (CNN, BBC, …)

  • Trình độ C1 (Advanced): Ở trình độ này, người học có thể hiểu một loạt các văn bản dài và phức tạp, nhận ra các ý nghĩa ẩn. Do đó, các tài liệu phù hợp cho level này có thể là các bài nghiên cứu học thuật, tiểu thuyết hoặc truyện dài (Harry Potter, , các bài báo phân tích kinh tế - xã hội (The Guardian, The New York Times, …)

  • Trình độ C2 (Proficient): Đây là trình độ cao cấp nhất theo khung tham chiếu CEFR của Cambridge, do đó phần đông người học ở level này đã có ý thức xây dựng được những thói quen bổ ích nhằm củng cố và cải thiện trình độ Tiếng Anh của mình. Sau đây là một số nguồn tài liệu đọc tham khảo: các tác phẩm văn học phức tạp (Les Misérables của Victor Hugo, Norwegian Wood của Haruki Murakami, …), các bài phân tích chuyên sâu của các trường Đại học (Harvard Business Review, MIT Technology Review, …) hoặc các tạp chí chuyên ngành khác (Aeon về lĩnh vực tâm thần, ..)

Phù hợp với sở thích và sở trường

Yếu tố tiếp theo mà người học cần cân nhắc chính là lựa chọn các tài liệu và nguồn đọc phù hợp với sở thích và sở trường của mình. Đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì thói quen đọc, cũng như mang đến sự thoải mái và năng lượng trong quá trình đọc của người học. Vậy, tìm kiếm tài liệu phù hợp với sở thích và sở trường của mình bằng cách nào? Câu trả lời đó là người học cần phải thực sự hiểu về bản thân mình. Trước tiên, người học cần phải xác định bản thân thực sự thích bà đam mê và có thế mạnh ở lĩnh vực nào. Người học có thể tự đặt cho bản thân các câu hỏi như:

  • Những chủ đề hoặc lĩnh vực nào khiến mình cảm thấy hào hứng và muốn tìm hiểu thêm?

  • Khi đọc hoặc học, mình thường tập trung và hứng thú hơn với loại tài liệu nào?

  • Những lĩnh vực nào mình tự tin và thường được người khác khen ngợi?

  • Khi nghĩ về một lĩnh vực mà mình đam mê, mình có sẵn sàng dành thời gian và nỗ lực để học hỏi thêm không?

  • Mình có thích tham gia các hoạt động nhóm hoặc tự nghiên cứu một mình?

Ngoài ra, để xác định chính xác và chi tiết hơn, người học có thể tạo ra một danh sách các lĩnh vực và đề tài, từ đó quyết định và lựa chọn những tài liệu đọc phù hợp và sát với các lĩnh vực yêu thích của bản thân.

Đáng tin cậy

Yếu tố tiếp theo liên quan đến tính minh bạch và độ tin cậy của các nguồn đọc. Các nguồn đọc và tài liệu đọc mang đến nhiều thông tin cho người đọc, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng cũng như tương lai sau này của chính người đọc. Do đó, người học cần lựa chọn các nguồn đọc sao cho:

  • Uy tín: Lựa chọn từ các tổ chức hoặc nhà xuất bản danh tiếng như Cambridge, Oxford, BBC, hoặc tạp chí học thuật.

  • Cập nhật: Ưu tiên các tài liệu được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính chính xác.

  • Có nguồn tham khảo: Lựa chọn tài liệu có kèm theo tài liệu tham khảo hoặc dẫn chứng từ các nghiên cứu và nguồn đáng tin cậy khác nhằm kiểm tra, đối chứng khi có các thắc mắc.

  • Được xuất bản và phát hành đúng quy định: Lựa chọn các sách, báo và tài liệu được phát hành theo quy định là cách tôn trọng quyền tác giả, ủng hộ các cá nhân có đóng góp thực sự cho sự phát triển chung của nhân loại.

Có các đánh giá, phản hồi tích cực

Trước khi đọc các sách và tài liệu, người học nên tham khảo qua các phần Review hoặc Bình luận để tham khảo qua cảm nhận của các người đọc trước. Điều này giúp xác định chất lượng nội dung và độ tin cậy của tài liệu. Các phản hồi chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu, từ đó người học có thể cân nhắc lựa chọn phù hợp với sở thích và phong cách học tập của mình. Ngoài ra, các bình luận còn có thể gợi ý những tài liệu liên quan hữu ích khác cho quá trình học tập.

Trên đây là các tiêu chí mà người học có thể tham khảo trong quá trình chọn lọc tài liệu nhằm giúp quá trình đọc diễn ra hiệu quả hơn. Người học cũng có thể cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chí phù hợp với bản thân giúp có trải nghiệm đọc tốt hơn.

Xem thêm: Tìm kiếm nguồn thông tin tốt và đáng tin cậy bằng cách nào?

Tạo môi trường đọc lý tưởng

Tạo môi trường đọc lý tưởngTiếp theo, người học cần tạo ra một môi trường thực sự lý tưởng nhằm tối ưu khả năng tập trung. Sau đây là các nội dung mà người học cần chú ý:

Hạn chế các thiết bị công nghệ

Đã và đang có hàng loạt các nghiên cứu chỉ ra tác động của các thiết bị công nghệ như (máy tính, điện thoại, …) và các nền tảng ứng dụng (email, Facebook, …) ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung của con người. Nhà báo Nicholas Carr đã đề cập lại vấn đề này trong một bài viết trên tạp chí Atlantic vào năm 2008, trước khi xuất bản cuốn sách The Shallows hai năm sau đó. Ông viết: “Việc đắm mình vào một cuốn sách hoặc một bài viết dài từng rất dễ dàng đối với tôi. Tâm trí tôi sẽ bị cuốn theo câu chuyện hoặc các lập luận, và tôi sẽ dành hàng giờ để đi dạo qua những đoạn văn dài." [9]. Trong thời đại công nghệ như ngày nay, nhằm tạo ra một môi trường đọc sách tối ưu hóa sự tập trung, người học nên tắt các thiết bị công nghệ trong phạm vi không gian đọc như:

  • Hạn chế các thiết bị công nghệ trong phạm vi đọc như điện thoại hoặc máy tính bảng. Trong trường hợp đọc các tài liệu trực tuyến, người học nên tắt thông báo từ các mạng xã hội như Facebook hoặc Instagram để tránh bị sao nhãng

  • Ưu tiên giải quyết các công việc trước khi dành thời gian đọc sách nhằm tạo tâm lý thoải mái trong quá trình đọc

  • Hạn chế lướt Mạng xã hội trước khi đọc vì điều này có thể làm người đọc quên đi nhiệm vụ của mình

Tạo vị trí đọc thoải mái

Tiếp theo, người đọc nên có tư thế ngồi đọc sao cho thực sự thoải mái. Người đọc nên ngồi thẳng lưng để tránh mỏi và đau lưng, đồng thời giữ sách hoặc thiết bị đọc ở mức ngang tầm mắt để giảm căng thẳng cho cổ. Ngoài ra, nên chuẩn bị ghế và bàn đọc sách phù hợp, có tựa lưng và êm ái nhằm tạo ra cảm giác dễ chịu nhất cho quá trình đọc.

Giữ vệ sinh không gian đọc

Vị trí và không gian đọc nên gọn gàng và sạch sẽ, với các vật dụng được sắp xếp ngăn nắp để tránh gây xao nhãng. Bàn đọc cần được lau chùi thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, và các thiết bị như đèn đọc, sách, hay tài liệu nên được bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc sử dụng. Người học không nên đặt quá nhiều đồ dùng không cần thiết trong phòng hoặc không gian đọc vì rất khó sắp xếp, cũng như dễ gây phân tâm cho người đọc.

Giảm thiểu tiếng ồn

Mặc dù đây là yếu tố quan trọng nhưng lại rất khó cho phần đông người học, đặc biệt là người học sống ở khu vực thành thị với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Để khắc phục vấn đề này, người học nên lựa chọn khung giờ phù hợp cho việc đọc như lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Ngoài ra, một cách nữa để xử lý vấn đề này là người học có thể sử dụng các loại tai nghe chống ồn nhằm giảm thiểu những tác động đến quá trình đọc của mình.

Xem thêm: Tối ưu hóa môi trường đọc dựa trên phong cách học tập cá nhân

Phân chia thời gian đọc và nghỉ ngơi phù hợp

Phân chia thời gian đọc và nghỉ ngơi phù hợpCác nghiên cứu chỉ ra rằng, việc nghỉ ngơi có thể giảm hoặc ngăn ngừa căng thẳng, giúp duy trì hiệu suất làm việc trong suốt cả ngày và giảm nhu cầu cần phục hồi lâu dài vào cuối ngày. Nghiên cứu của Kim, Park và Niu (2017) [5] cho thấy rằng việc nghỉ ngơi ngắn trong suốt ngày làm việc là rất quan trọng. Những khoảng nghỉ ngắn này giúp hỗ trợ sức khỏe của con người và tăng cường năng suất làm việc. Một khoảng nghỉ ngắn chỉ cần vài phút rời xa công việc; điều này có thể bao gồm việc trò chuyện với ai đó ở bên cạnh hoặc đi lấy nước.

Vậy, có thể thấy có các khoảng nghỉ đóng vai trò quan trọng, giúp người học có thể duy trì sự tập trung tốt hơn. Sau đây là một số mẹo mà người học có thể áp dụng để giúp quá trình đọc hiệu quả hơn:

  • Dành một vài phút nghe bài hát yêu thích

  • Nói chuyện với người thân xung quanh

  • Lấy thêm nước hoặc thức ăn

  • Thiết lập thời gian nghỉ cố định

  • Đi bộ một vòng quanh nhà

  • Tập vài động tác giãn cơ nhẹ nhàng

  • Ngồi thiền hoặc hít thở sâu để thư giãn đầu óc

  • Vẽ hoặc viết nhật ký ngắn gọn để thay đổi trạng thái tinh thần

  • Chơi một trò chơi nhỏ hoặc giải câu đố để làm mới tinh thần

Cần lưu ý rằng các hoạt động nghỉ giữa giờ nên được thực hiện một cách có kiểm soát, với thời lượng vừa đủ để người học thư giãn nhưng không bị xao nhãng quá lâu. Người học nên thiết lập giới hạn thời gian cho mỗi hoạt động nghỉ, chẳng hạn như 5-10 phút, để đảm bảo không làm gián đoạn mạch đọc. Việc này giúp duy trì sự tập trung và hiệu quả, tránh tình trạng bị cuốn theo các hoạt động giải trí mà quên đi mục tiêu chính là việc đọc.

Tham gia các hoạt động sau khi đọc

Tham gia các hoạt động sau khi đọcNgoài việc xây dựng thói quen đọc thường xuyên, tham gia các hoạt động sau khi đọc cũng đóng vai trò quan trọng. Các hoạt động sau khi đọc (Post/After Reading Activities) đơn giản là những hoạt động được thực hiện sau khi hoàn thành các hoạt động trong khi đọc. Ở giai đoạn này, học sinh đang trong trạng thái hoặc điều kiện thay đổi tạm thời, tức là họ đã biết điều gì đó mà trước đây họ chưa biết [6]. Sau đây là một số gợi ý là các hoạt động sau khi đọc mà người học có thể tham khảo

Thảo luận trên các diễn đàn, hội nhóm

Người học có thể tận dụng sự phát triển của Mạng xã hội để kết nối với các người học có cùng đam mê trên khắp thế giới. Ngày nay, sự phát triển của Internet đã thúc đẩy sự phát triển của các hội, nhóm, diễn đàn, blog hoặc các website về các đề tài hoặc sở thích khác nhau, thu hút hàng nghìn người tham gia và thảo luận sôi nổi. Ví dụ, người học có thể tham gia một diễn đàn chuyên phân tích và đánh giá về ô tô, từ đó có thêm kiến thức cũng như trao dồi sự đam mê về đề tài đó. Sau đây là một số nền tảng hữu ích để người học có thể tham gia:

  • Reddit: Cộng đồng thảo luận với đa dạng các chủ đề trong cuộc sống, với sự tham gia của nhiều chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm

  • Quora: Nền tảng hỏi đáp cho các cuộc thảo luận chuyên sâu

  • Facebook: Có nhiều hội, nhóm chia sẻ rất nhiều kiến thức và nội dung

  • Discord: Máy chủ giao lưu trực tiếp về nhiều lĩnh vực, cho phép nhắn tin trong nhóm và thực hiện cuộc gọi

  • LinkedIn Groups: Kết nối và học hỏi từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là các đề tài về công việc và học tập

Thảo luận với bạn bè

Một trong những hoạt động sau khi đọc mà phần đông người học có thể áp dụng là thảo luận và trò chuyện với chính những bạn bè xung quanh mình. Người học có thể chia sẻ những nội dung hay mà mình đã đọc được bằng cách trò chuyện với bạn bè trong lớp, với giáo viên hoặc với người thân trong gia đình. Ngoài ra, người học cũng có thể đăng một bài đăng hoặc câu chuyện lên trang cá nhân Facebook hoặc Instagram để cùng thảo luận với bạn bè.

Xem thêm:

Tổng kết

Tổng kếtBài viết đã đưa ra những phân tích và đề xuất các cách thức mà người học có thể vận dụng nhằm nâng cao sự tập trung và cải thiện kỹ năng Tiếng Anh. Hy vọng thông qua những chia sẻ trên, người học có thể xây dựng cho riêng mình những chiến lược hiệu quả để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, tác giả cũng khuyến khích người học tham khảo và kết hợp các chiến lược và cách thức khác vào quá trình đọc của mình, tùy chỉnh các phương thức đã nêu trên nhằm tạo ra tính cá nhân hóa cho quá trình đọc. Người học có thể bổ sung hoặc thay đổi các tiêu chí kể trên dựa trên ngành học/công việc của bản thân, đặc điểm học tập hoặc lứa tuổi để quá trình đọc trở nên thú vị và bổ ích hơn.

Nguồn tham khảo

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu