Cải thiện bài thi IELTS Speaking Part 3 với hoạt động phản biện nhóm

Bài viết chia sẻ về một hoạt động nhóm mà thí sinh có thể tự thực hiện tại nhà để cải thiện kĩ năng phản xạ và khả năng lập luận cho phần thi cuối của bài thi Nói (Part 3).
author
Nguyễn Dương Minh
05/07/2022
cai thien bai thi ielts speaking part 3 voi hoat dong phan bien nhom

IELTS Speaking part 3 là phần cuối cùng và cũng là phần khó nhất để có thể gây ấn tượng với giám khảo. Trong khi ở hai Phần thi trước (1 và 2), thí sinh chỉ được hỏi về những suy nghĩ, sở thích và trải nghiệm cá nhân trong vòng 2 phút, thì ở Phần 3, thí sinh cần có khả năng phản biện và phản xạ tốt để trả lời những câu hỏi mang tính bao quát hơn về những vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, phần thi cũng thường yêu cầu thí sinh phải mở rộng câu trả lời hết mức có thể và phát triển ý tưởng đến những mức độ và giới hạn mà thí sinh có thể chưa từng nghĩ tới. Để vượt hơn mốc điểm 6.5 cho kĩ năng này, thí sinh cần đưa ra các câu trả lời và lập luận đa dạng, chặt chẽ và mang tính thuyết phục cao.

Vì vậy, việc luyện tập cho phần thi cuối cùng này là vô cùng quan trọng khi các sĩ tử đặt mục tiêu cho kĩ năng Nói cao hơn band điểm 6.5. Hiểu được vấn đề này, bài viết gợi ý các thí sinh có thể kết hợp hoạt động phản biện cùng với một nhóm bạn (từ 6-8 người) vào các buổi ôn tập để không chỉ thư giãn sau những giờ học căng thẳng mà còn một phần giúp tăng khả năng phản biện và lập luận trong tiếng Anh, đặc biệt là Tiếng Anh học thuật, để có thể hỗ trợ tốt nhất cho bài thi IELTS Speaking Part 3 này.

 Key Takeaways

  1. Câu hỏi của IELTS Speaking part 3 tập trung hỏi xoáy vào những vấn đề trong xã hội thay vì về những đặc điểm và câu chuyện chia sẻ cá nhân của các thí sinh.

  2. Phần thi yêu cầu khả năng phản xạ tốt và lập luận chặt chẽ, yêu cầu thí sinh biết cách chia và mở rộng câu trả lời ra nhiều hướng khác nhau. Độ khó của câu hỏi tăng lên theo từng câu và các thí sinh nhắm đến mục tiêu 6.5+ cho phần thi Nói nên trả lời càng nhiều câu hỏi càng tốt. Bởi vì, giám khảo chỉ đặt thêm câu hỏi nếu khả năng thí sinh được đánh giá rằng có khả năng trả lời tiếp tục được.

  3. Thí sinh nên tổ chức những hoạt động phản biện nhóm để tăng khả năng phản xạ và lập luận dưới áp lực thời gian lớn cho các loại chủ đề khác nhau.

    • Về yêu cầu hoạt động, thí sinh cần có 1 nhóm bạn từ 9-11 người (ít nhất 6 người) (chưa tính trọng tài/giáo viên) để chia thành 3 nhóm chơi, gồm bồi thẩm đoàn, nhóm A và nhóm B.

    • Trọng tài chuẩn bị một chủ đề và chia ra 2 hướng (Đồng ý và Không đồng ý) để mỗi nhóm chọn bảo vệ luận điểm (mỗi nhóm chọn đề tài và thứ tự nói thông qua tù xì).

    • Thí sinh có 3 vòng chơi chính (10 phút) và thời gian lên ý giữa các vòng (10 phút) với sự hỗ trợ của các đại diện từ bồi thẩm đoàn.

    • Khi cuộc thi đấu diễn ra, mỗi nhóm cử ra 1-2 đại diện mới để bảo vệ cho luận điểm của nhóm và đặt câu hỏi phản biện lại cho những luận điểm được đưa ra ở vòng thi trước của đội đối phương.

    • Sau 3 vòng, bồi thẩm đoàn sẽ có 10 phút hội ý và có thể xin sự giúp đỡ của trọng tài để đưa ra quyết định cuối cùng. Khi đưa ra phiếu bầu, từng đại diện của bồi thẩm đoàn phải giải thích lý do cho quyết định của mình dựa trên tiêu chí chấm đã đề ra (bao gồm về ngữ pháp, phát âm, từ vựng, ý tưởng và thái độ tham gia của từng nhóm). Tuy vậy, trọng tài vẫn có thể thay đổi quyết định nếu quyết định nhóm thắng cuộc của bồi thẩm đoàn không phù hợp hoặc không được đồng ý bởi đa số các đội tham gia

Đặc điểm phần thi IELTS Speaking Part 3

Trong khi ở 2 phần đầu tiên của bài Nói, phần lớn các câu hỏi đều về những chủ đề liên quan trực tiếp hoặc gắn liền với cuộc sống và kinh nghiệm của thí sinh thì ở phần thi cuối, đa số các câu hỏi lại xoay quanh những vấn đề, phong tục, văn hóa và truyền thống ở đất nước của thí sinh. Khi này, bài thi đòi hỏi các sĩ tử có khả năng ứng biến và lập luận khá để nhanh chóng đưa ra những câu trả lời chi tiết và thuyết phục. Ngoài ra, câu trả lời trong phần thi Nói này không chỉ tăng lên về độ khó câu hỏi mà còn cả về độ khó trong yêu cầu của một câu trả lời hoàn chỉnh.

Xét về yếu tố câu trả lời hoàn chỉnh, một câu trả lời tốt trong phần thi Nói cuối cần phải có ít nhất từ 2-3 ý tưởng và mỗi ý tưởng này phải được giải thích và lập luận đầy đủ (có thể kèm theo ví dụ). Không những vậy, từ vựng cần đa dạng và cụ thể hơn cho từng chủ đề để bàn luận về nhiều khía cạnh khác nhau. Vậy nên, thí sinh nên luyện tập tự ứng biến với các dạng câu hỏi mở rộng về các chủ đề xã hội để có thể hoàn thành tốt cho bài thi cuối. Cuối cùng, câu trả lời của thí sinh cần được mở rộng và bàn luận một cách khách quan và khái quát nhất. Nghĩa là, thí sinh cần chia câu trả lời thành 2 hoặc nhiều hướng khác nhau để đa dạng hóa câu trả lời.

Ví dụ câu hỏi: Do people in your country prefer traveling?

Trả lời:

Generally speaking, I presume it depends on the age of the people you are talking about.

Talking about the old,_______

Speaking of the young,______

Nghĩa là:

Câu hỏi: Người ở đất nước bạn thì có thích đi du lịch hay không>

Trả lời:

Nói chung, tôi nghĩ rằng điều này phụ thuộc vào độ tuổi của những người mà bạn đang nhắc đến.

Xét về người già,_____

Nói về người trẻ,_____

Từ ví dụ trên, thí sinh có thể hình dung rằng một câu trả lời khái quát của phần thi Nói cuối cần được bàn luận theo nhiều hướng và nhiều góc nhìn khác nhau. Thí sinh không nên chỉ bàn luận dựa trên một góc nhìn cá nhân, bởi điều này sẽ hạn chế nội dung câu trả lời và khiến thí sinh không tận dụng hết được vốn từ và cấu trúc hay để gây ấn tượng với giáo khảo và lấy điểm được.

Vì sao thí sinh cần lo lắng về ấn tượng của giám khảo ở phần thi cuối?

Ở phần thi cuối cùng của bài Nói, thường giám khảo sẽ đặt câu hỏi nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng trả lời của thí sinh. Lý do bởi vì độ khó của câu hỏi càng ngày càng tăng. Thí sinh cần có khả năng phản xạ và trả lời tốt để giám khảo đặt thêm những câu hỏi khó hơn. Bên cạnh đó, việc giám khảo có đặt thêm câu hỏi cho thí sinh tiếp hay ngừng lại cũng phụ thuộc vào độ thú vị và thuyết phục của nội dung câu trả lời của thí sinh. Vì vậy, việc được đặt nhiều câu hỏi cũng có thể phản ánh ấn tượng của giám khảo về khả năng tiếng Anh của thí sinh.

Cách cải thiện phần thi Nói cuối cùng thông qua các hoạt động tự học nhóm

Một trong những nguyên tắc vàng để cải thiện kĩ năng Nói trong một khoảng thời gian ngắn chính là luyện tập Nói Tiếng Anh thường xuyên, khoảng 2-3 lần 1 tuần.

Khác với các hoạt động tự luyện tập tiếng Anh cá nhân hằng ngày, thì hoạt động phản biện Nhóm có thể được thực hiện hàng tuần hoặc hàng tháng. Đầu tiên thí sinh cần tìm một nhóm bạn có cùng mục tiêu là mong muốn cải thiện kĩ năng Nói và phản xạ giao tiếp trong đời sống.

Yêu cầu: từ 9-11 bạn. Tối thiểu là 6 bạn và tối đa là 11 bạn (chưa bao gồm trọng tài/giáo viên).

Yêu cầu để tham gia và bày hoạt động phản biện nhóm như sau:

Bước 1: 1 người làm trọng tài (có thể là giáo viên hoặc một bạn hiểu rõ luật chơi để giải thích các bước tham gia hoạt động cho 11 bạn tham gia) và 11 bạn tham gia.

Bước 2: 11 bạn tham gia chia thành 3 nhóm, bao gồm nhóm bồi thẩm đoàn (những bạn giỏi của nhóm), nhóm A và nhóm B. Mỗi nhóm cần 3-4 bạn để hoạt động có thể diễn ra một cách vui nhất (Thành viên sẽ được ưu tiên cho nhóm A & B trước). Trường hợp nếu chỉ có 6 bạn tham gia (chưa gồm trọng tài) thì mỗi nhóm sẽ chỉ có 2 bạn.

Bước 3:  Trọng tài chuẩn bị sẵn trước một chủ đề hoặc vấn đề và thông báo đề cho các bạn ở 2 nhóm A & B. Lưu ý, mỗi đề sẽ được chia ra thành 2 luồng ý kiến khác nhau là “Đồng Ý” và “Không Đồng Ý”

Ví dụ đề: Primary students shouldn’t be allowed to use phones in class at school.

Requirements: 1 team agrees and 1 team disagrees with the statement.

Nghĩa là:

Ví dụ đề: Học sinh tiểu học thì không nên được cho phép sử dụng điện thoại trong lớp ở trường.

Yêu cầu: 1 team sẽ theo phe đồng ý và một team sẽ theo phe không đồng ý với lập luận trên.

Bước 4: Cả 2 nhóm tù xì để chọn phe và quyết định team nào sẽ nói trước (Team thắng sẽ được quyền chọn phe HOẶC chọn thứ tự nói, và Team thua sẽ quyết định yếu tố còn lại).

Bước 5: Bắt đầu vào trò chơi

Một hoạt động hoàn chỉnh sẽ diễn ra như thế nào?

Một hoạt động phản biện nhóm bao gồm 3 vòng chính và kéo dài trong 1 tiếng đồng hồ. Các thí sinh tham gia liên tục được tham gia bàn luận, lên ý tưởng và luyện tập nói.

Ở đây, các thí sinh ở mỗi đội cần phải liên tục họp nhóm trong khoảng thời gian cho phép trước các vòng thi (dưới sự hướng dẫn và góp ý của bồi thẩm đoàn và trọng tài) để triển khai ý tưởng chứng minh cho quan điểm của đội mình là hợp lý.

Vòng 1: 10 phút lên ý tưởng + 10 phút thi đấu.

  • 10 phút lên ý tưởng:

Ở vòng đầu tiên, 2 đội chơi có 10 phút lên ý tưởng trước khi chọn ra 1-2 bạn đại diện nhóm để nói. Trong lúc đó, 1-2 đại diện từ bồi thẩm đoàn đi đến mỗi đội để hỗ trợ các đội lên ý tưởng. Ý tưởng của các đội phải kiểm tra lại với đại diện của bồi thẩm đoàn vì những bạn này sẽ là người chấm điểm và quyết định team chiến thắng.

  • 10 phút thi đấu:

Trong khi vòng thi đấu đầu tiên diễn ra, các đội chuẩn bị sẵn giấy bút để ghi chép lại đầy đủ toàn bộ ý tưởng của đội đối phương để đưa ra các lập luận phản biện sát sao nhất. Bởi vì trong vòng tiếp theo, các đội sẽ dựa trên những lập luận ở vòng đầu của đội đối phương để đưa ra câu hỏi và lập luận phản ngược lại để đưa lợi thế về phe của mình. Do đó, thí sinh của đội đang nghe phải cần thể hiện sự tôn trọng bằng cách giữ trật tự nhóm và không gây ồn vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng ghi chép lại của chính đội đó, cũng như là quá trình chấm điểm của bồi thẩm đoàn.

Xét về nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn, trong cả 3 vòng thi, bồi thẩm đoàn ghi chú và tóm tắt lại những nội dung quan trọng của các đội chơi để có thể chấm điểm và hỗ trợ các đội lên ý tưởng để cải thiện trong các vòng sau. Ngoài ra, bồi thẩm đoàn cần tuân theo các tiêu chí chấm điểm (giải thích ở phía dưới) để có thể đưa ra lý do giải thích và lý do quyết định cho phiếu bầu của mình (trong vòng đưa ra kết quả cuối cùng).

Vòng 2:  10 phút lên câu hỏi cho đội đối phương và lập luận phản biện + 10 phút thi đấu

  • 10 phút lên câu hỏi cho đội đối phương và lập luận phản biện:

Khi này, thí sinh cần bám sát vào những lập luận của đội đối phương trong vòng đầu tiên để đặt những câu hỏi phản biện và lý lẽ chỉ ra được điểm yếu trong lập luận của đối phương. Ở vòng này, thí sinh không đưa ra lý lẽ để chứng minh cho quan điểm của nhóm mình mà chỉ sẽ tập trung vào việc phản biện và đặt câu hỏi. Thí sinh làm sai quy định vòng đấu thứ 2 sẽ bị trừ điểm. Ngoài ra, ở vòng này, thí sinh sẽ chọn ra 1-2 bạn khác để nói (bạn nào đã nói rồi sẽ không được nói nữa, trừ khi nhóm chỉ có 2 bạn và phải xoay vòng).

Đối với nhóm bồi thẩm đoàn, những bạn nào trong vòng đầu tiên đã hỗ trợ cho nhóm A thì ở vòng 2 phải đổi sang nhóm B. Ở đây, bồi thẩm đoàn sẽ hỗ trợ các bạn ở nhóm mới những lập luận và hướng đi tốt để phản lại đội còn lại (dựa trên những ghi chép mà bồi thẩm đoàn đã viết lại từ vòng đầu tiên) và bồi thẩm đoàn tuyệt đối phải công minh và không thiên vị giữa các đội.

  • 10 phút thi đấu:

Thí sinh từ mỗi đội đặt ra nhiều câu hỏi và dẫn chứng để bác bỏ những luận điểm được đưa ra trong vòng 1 của đội đối phương. Kết thúc vòng 2, nếu những câu hỏi và lập luận phải biện của bất kì đội nào đưa ra mạnh hơn thì sẽ được điểm cộng lớn từ trọng tài và bồi thẩm đoàn.

Bồi thẩm đoàn khi này cần liên tục ghi chép lại những lập luận phản bác tốt và cách sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc ngữ pháp để đưa ra lập luận của mỗi đội để tính điểm.

Vòng cuối: 5-10 phút lên ý tưởng trả lời cho những câu hỏi được đặt + 10 phút trả lời và đóng phần thi bản biện của nhóm mình.

-         10 phút lên câu trả lời:

Các đội phải bám sát vào những câu hỏi được đề ra của đội đối phương để trả lời và phản biện lại. Những ý tưởng và lập luận mới sẽ được đưa thêm ở đây để tăng sự thuyết phục cho quan điểm mà mỗi đội phải bảo vệ trước khi buổi thi đấu kết thúc.

Bồi thẩm đoàn sẽ một lần nữa đổi nhóm và quay về lại nhóm mình hỗ trợ ở vòng đầu tiên để giúp đỡ các bạn lên ý tưởng và lập luận trả lời cho vòng thi đấu cuối cùng.

-         10 phút trả lời và đóng phần thi bản biện của nhóm mình:

Những đại diện cuối cùng của mỗi đội sẽ đại diện trả lời cho những câu hỏi của đối đối phương ở vòng 2 và đưa ra thêm những luận điểm mới liên quan để chốt lại phần thi của nhóm mình.

Bồi thẩm đoàn tiếp tục ghi chép và chuẩn bị đưa ra kết luận cuối cùng.

Thời gian hội nhóm + đưa kết quả: 10 phút để bồi thẩm đoàn hội nhóm + 3 phút cho mỗi đại diện đưa ra phiếu bầu của mình và lý do.

  • 10 phút để bồi thẩm đoàn hội nhóm:

Bồi thẩm đoàn có thể xin ý kiến và đóng góp của giáo viên/trọng tài để hỗ trợ đưa ra quyết định cuối cùng. Bồi thẩm đoàn cần tổng hợp lại ý kiến và chia sẻ giữa các thành viên với nhau.

  • 3 phút cho mỗi đại diện đưa ra phiếu bầu của mình và lý do:

Từng đại diện bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra phiếu bầu của mình và lý do vì sao. Lý do và tiêu chí chấm điểm đưa ra cần dựa sát vào những chỉ tiêu sẽ được nêu ở mục tiếp theo.

Cuối cùng, trọng tài hoặc giáo viên sẽ đưa ra feedback và quyết định cuối cùng dựa trên phần thi và trình bày của cả 2 nhóm và quyết định của bồi thẩm đoàn.

Các yếu tố chấm điểm của bồi thẩm đoàn

1. Câu trả lời của các đội phải đạt được các tiêu chí sau:

  • Câu trả lời to rõ và lưu loát

  • Phát âm từ vựng dễ nghe

  • Sử dụng được nhiều cấu trúc diễn đạt ý tưởng phức tạp và từ vựng hay.

  • Các thì ngữ pháp đã học phải liên tục được sử dụng chính xác và đa dạng.

2. Ý tưởng phải đa dạng và không bị lạc khỏi trọng tâm của chủ đề được giao

3. Các lập luận và phản biện phải chặt chẽ, rõ ràng và dễ hiểu.

4. Thái độ lắng nghe và phản biện phù hợp và không thái quá hoặc thể hiện sự thiếu tôn trọng cho đội đối phương.

Khi chọn bồi thẩm đoàn, thí sinh tham gia làm thẩm đoàn nên có khả năng Nghe khá để có thể đưa ra đánh giá chung tốt nhất. Tuy vậy, trọng tài (có thể là giáo viên) vẫn hỗ trợ bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định cuối cùng.

Bài tập

Chủ đề mẫu: Tourists should be charged an entrance fee to visit a touristy destination. Agree/Disagree?

Nghĩa là: Khách du lịch nên bị thu phí vé vào cổng để có thể tham quan một địa điểm du lịch. Đồng Ý/Không Đồng Ý?

Gợi ý hướng trả lời:

  • Agree (Đồng ý):

1. Money collected can be used for preserving & renovating the touristy destination. (Tiền thu được có thể dùng cho việc bảo tồn và nâng cấp địa điểm du lịch)

2. Money collected can be used to pay staffs and buy equipment. (Tiền thu được có thể dùng để trả nhân viên và mua thêm vật dụng máy móc)

  • Disagree (Không đồng ý):

1. Government should use tax money to pay for the services at a touristy destination. (Chính phủ nên sử dụng tiền thuế để trả cho các dịch vụ ở những địa điểm du lịch)

2. Charging entrance fee can discourage people, especially students, from visiting touristy sites.

(Thu phí vào cổng sẽ làm mọi người, đặc biệt là học sinh, không còn muốn tham quan những địa điểm du lịch này nữa)

Tổng Kết

Đây là một hoạt động vô cùng hữu ích cho tất cả các bên tham gia, bất kể là ở vị trí thí sinh thi đấu hay bồi thẩm đoàn. Tất cả thí sinh đều có cơ hội được tham gia đưa ra ý kiến, quan điểm và những lập luận để bảo vệ cho những quan điểm đó. Hoạt động này không chỉ giúp thí sinh cải thiện sự tự tin và kĩ năng phản xạ dưới một áp lực lớn và một khoảng thời gian giới hạn mà sẽ đẩy thí sinh đến giới hạn để có thể biết được những góc cạnh khác của bản thân. Tất cả những bài học rút ra từ hoạt động này đều sẽ giúp ích cho các thí sinh trong phần thi cuối của bài thi Nói IELTS. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả tối ưu, thí sinh cần thực hiện hoạt động này tối thiểu 2 lần 1 tháng để có thể liên tục trau dồi kĩ năng phản xạ và làm quen với việc suy nghĩ và lên ý tưởng bằng Tiếng Anh.

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu