Trong kì thi IELTS Writing, dạng bài IELTS Writing Task 2 Discussion là một trong những dạng bài hay gặp nhất và phổ biến nhất đối với thí sinh. Tuy nhiên để đạt được band điểm cao với dạng bài viết này, đặc biệt là trong tiêu chí Task Response là một điều không hề dễ dàng. Vậy làm thế nào để người học có thể viết được một bài essay tốt?
Về tiêu chí Task Response
Trước hết, người học cần hiểu được tiêu chí Task Response IELTS Writing là gì và chúng được đánh giá cụ thể như thế nào.
Task Response là 1 trong 4 tiêu chí chấm điểm dựa trên Band Descriptor của bài thi Ielts Writing Task 2 (bao gồm: Task Response; Coherence and cohesion; Lexical Resource; Grammatical Range and Accuracy), chiếm 25% trong tổng số điểm của bài viết.
Về tổng quan, có thể hiểu tiêu chí này đưc sử dụng nhằm đánh giá khả năng đáp ứng và trả lời câu hỏi mà đề bài đưa ra của người viết. Chẳng hạn như: người viết có thực sự hiểu đề bài hay không, người viết có thể trả lời đầy đủ các vấn đề được đưa ra hay không hay đi sâu hơn nữa là người viết có thể phát triển ý cho bài essay một cách trọn vẹn, logic và nhất quán hay không?
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều thí sinh lại cho rằng đây là tiêu chí không quá quan trọng mà chỉ tập trung vào việc sử dụng các từ vựng “khủng” hay thậm chí là những cấu trúc ngữ pháp cao siêu mà hoàn toàn quên mất rằng liệu bài viết của mình có đang bị lạc đề hay trả lời thiếu ý hỏi của đề bài? Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều bài viết chỉ dừng lại ở band điểm thấp và không đạt được kỳ vọng như người học mong muốn.
Vậy đối với mỗi band điểm cụ thể, tiêu chí Task Response yêu cầu bài viết của thí sinh phải đáp ứng được những yếu tố nào? Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết sẽ đi vào phân tích và so sánh những đặc điểm của tiêu chí Task Response giữa 2 band điểm 4.0 và band điểm 5.0
Sự khác nhau giữa band điểm 4.0 và band điểm 5.0 trong tiêu chí Task Response
Theo như Writing Task 2 Band Descriptors (Public version), một bài viết đạt band điểm 4.0 và band 5.0 trong tiêu chí Task Response sẽ có những đặc điểm sau đây:
Band 4.0
Responds to the task only in a minimal way or the answer is tangential; the format may be inappropriate. | Bài viết chỉ trả lời được một ý nhỏ của đề bài hoặc câu trả lời không liên quan đến chủ đề, lạc đề. Bố cục của bài viết có thể chưa phù hợp. |
Presents a position but this is unclear. | Thí sinh trình bày được quan điểm cá nhân nhưng không nhất quán và rõ ràng. |
Presents some main ideas but these are difficult to identify and may be repetitive, irrelevant or not well supported. | Thí sinh nêu được một vài ý chính tuy nhiên người đọc khó có thể xác định và nhận dạng các ý này. Ý chính có thể bị trùng lặp hoặc không liên quan đến chủ đề và không được làm rõ bởi các luận điểm. |
Band 5.0
Addresses the task only partially; the format may be inappropriate in places | Thí sinh không trả lời được đầy đủ các phần của câu hỏi trong đề bài. Cấu trúc và văn phong có lúc không phù hợp |
Expresses a position but the development is not always clear and there may be no conclusions drawn | Thí sinh trình bày được quan điểm cá nhân, nhưng cách phát triển ý thường không rõ ràng và có thể không đi đến được kết luận cụ thể. |
Presents some main ideas but these are limited and not sufficiently developed; there may be irrelevant detail | Thí sinh có thể đưa ra một số ý chính nhưng cách phát triển ý còn hạn chế, và có một vài chi tiết không liên quan đến câu hỏi. |
Dựa vào những yếu tố được đưa ra ở phía trên, có thể nhận thấy tiêu chí Task Response đánh giá bài viết của thí sinh thông qua 3 đặc điểm chính:
Đó là: Addressing the task (khả năng đáp ứng được yêu cầu đề bài), Position (Quan điểm của thí sinh xuyên suốt bài viết) và Idea Development (khả năng phát triển ý). Để có thể hiểu rõ một cách chi tiết và cụ thể hơn, bài viết sẽ phân tích từng đặc điểm một ở cả hai band điểm 4.0 và 5.0.
Addressing the task (Khả năng đáp ứng được yêu cầu đề bài)
Với Band 4.0
Có thể thấy, ở band điểm 4.0, người viết không có khả năng khái quát được yêu cầu của đề bài hay nói cách khác là chưa hiểu đề bài, vậy nên chỉ có thể trả lời được một ý nhỏ, không làm rõ được vấn đề cần được giải quyết.
Cùng với đó, bố cục của bài viết không đúng dạng hoặc không có bố cục 3 phần: Mở, Thân, Kết.
Với Band 5.0
Với band điểm này, có thể nhận thấy rõ rằng người viết có thể hiểu được đề bài và chủ đề cần phân tích. Tuy nhiên, thí sinh chỉ có thể trả lời được một phần mà không trả lời hết được các vấn đề mà đề bài đưa ra.
Bài viết có thể có đúng bố cục tuy nhiên văn phong trong bài chưa phù hợp với một bài viết học thuật.
Position (Quan điểm của thí sinh xuyên suốt bài viết)
Với Band 4.0
Thí sinh có thể nêu được quan điểm và lập trường của bản thân về vấn đề cần thảo luận mà đề bài đưa ra nhưng thường có xu hướng không nhất quán và không rõ ràng. Điều này khiến người đọc đôi khi gặp khó khăn trong việc xác định quan điểm của người viết.
Với Band 5.0
Ở band điểm này, thí sinh đã có thể đưa ra được quan điểm cùng với lập trường của mình thông qua 2 câu chủ đề ở thân bài 1 và thân bài 2 nhưng lại có mâu thuẫn trong cách phát triển ý hay các ý đưa ra trái ngược với quan điểm ở câu chủ đề của đoạn. Điều này khiến cho bài viết không thể đi đến một kết luận thỏa đáng.
Idea Development (Khả năng phát triển ý).
Với Band 4.0
Ở band điểm 4.0, với những ý chính được đưa ra, người viết thường không có khả năng đưa ra các luận điểm hay luận cứ nào để chứng minh cho ý chính của mình, dẫn đến lối lập luận xoay vòng, lặp ý tưởng hay thậm chí là lạc đề.
Với Band 5.0
Khác với band 4.0, ở band 5.0, thí sinh đã có thể đưa ra được một vài luận điểm hay luận cứ nhất định để phát triển ý chính của mình nhưng điều này có gặp nhiều hạn chế. Cụ thể các luận điểm và luận cứ không thật sự phù hợp và logic, đôi khi có thể chứa các chi tiết không liên quan đến câu hỏi.
Giới thiệu tổng quan dạng bài IELTS Writing Task 2 Discussion
Dạng bài Discussion yêu cầu người học thảo luận về hai quan điểm trái chiều về một vấn đề nào đó được đưa ra trong đề bài. Với dạng bài này, câu hỏi thường sẽ là “Discuss both views and give your opinion”, yêu cầu người viết phải trình bày và phân tích được hai mặt của vấn đề đồng thời nêu rõ quan điểm cá nhân.
Chính vì vậy, người học cần phải có được cái nhìn đa chiều cùng với khả năng suy luận logic để có thể đưa ra được những luận điểm và luận cứ xác đáng. Đây cũng là lí do vì sao rất nhiều thí sinh gặp khó khăn khi viết dạng bài này.
Để xử lý dạng bài này, người học cần phải đảm bảo bố cục bài viết đầy đủ 3 phần như sau:
1.Mở bài
Paraphrase câu hỏi của đề bài.
Khái quát tổng quan về hai mặt của vấn đề sẽ phân tích.
Nêu quan điểm cá nhân của về vấn đề được đưa ra.
2. Thân bài
Đoạn thân bài 1: Lập luận chứng minh cho quan điểm thứ nhất
Câu chủ đề nêu rõ nội dung của cả đoạn
Đưa ra các luận điểm, luận cứ chứng minh cho câu chủ đề
Đoạn thân bài 2: Lập luận chứng minh cho quan điểm thứ hai
Câu chủ đề nêu rõ nội dung của cả đoạn
Đưa ra các luận điểm, luận cứ chứng minh cho câu chủ đề
3. Kết bài
Khẳng định lại đề bài
Đưa ra quan điểm cá nhân
Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ mang đến cho người đọc những cách làm để có thể đạt được band điểm 5.0 trong tiêu chí Task Response của dạng bài này.
Cách làm bài đạt mức điểm 5.0 Task Response dạng bài Discussion
Để người đọc có thể hiểu rõ cách viết cũng như cách xây dựng ý tưởng cụ thể, bài viết sẽ sử dụng một đề thi IELTS Writing Task 2 Discussion để đưa ra các ví dụ cũng một như bài mẫu hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết để đạt được band điểm 5.0 trong tiêu chí Task Response.
Với đề bài như sau:
Some people think that zoos are all cruel and should be closed down. Others, however, believe that zoos can be useful in protecting wild animals. Discuss both opinions and give your opinion.
(Dịch: Một số người cho rằng các sở thú đều tàn ác và nên bị đóng cửa. Tuy nhiên, người khác tin rằng các sở thú có thể hữu ích trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Thảo luận cả hai quan điểm và đưa ra ý kiến của bạn.)
Để đạt được band 5.0 trong tiêu chí Task Response, người viết cần
1. Hiểu được đề bài cũng như hai mặt của vấn đề cần phân tích, nêu ra được vấn đề đó và quan điểm cá nhân trong đoạn mở bài.
Với đề bài trên, mở bài có thể viết như sau:
While some people believe that zoo existence plays a pivotal role in the process of protecting wild animals, others argue that zoos are cruel and unnecessary. Personally, I agree with the idea that animals should not be kept in zoos.
(Dịch: Trong khi một số người tin rằng sự tồn tại của sở thú đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động vật hoang dã, thì những người khác lại cho rằng sở thú là tàn ác và không cần thiết. Cá nhân tôi đồng ý với ý kiến rằng không nên nuôi động vật trong sở thú.)
Với mở bài trên, người học có thể thấy rõ được vấn đề được đưa ra là sự tồn tại của sở thú liệu có cần thiết hay không cũng như thấy được quan điểm rõ ràng của người viết, cho rằng động vật thì không nên bị giữ trong sở thú. Tuy nhiên người viết đã không đề cập đến việc có nên đóng cửa sở thú hay không, điều này đối với band 5.0 trong tiêu chí Task Response là có thể chấp nhận được.
2. Bài viết phải tiến hành bàn luận và phân tích được hai mặt của vấn đề, trong đó mỗi mặt cần được trình bày ở một đoạn riêng trong phần thân bài và điều này có thể được thể hiện qua 2 câu chủ đề ở thân bài 1 và thân bài 2.
Với đề bài trên, thân bài có thể viết như sau:
On the one hand, many people assume that zoos are useful. There is no denying that zoos can protect animals. As a result, wild species that are on the verge of extinction will be saved. Moreover, zoos can become tourist destinations where visitors can come and learn about wild animals’ habitats.
(Dịch: Một mặt, nhiều người cho rằng sở thú là hữu ích. Không thể phủ nhận rằng sở thú có thể bảo vệ động vật. Nhờ đó, các loài hoang dã đang trên bờ vực tuyệt chủng sẽ được cứu. Hơn nữa, vườn thú có thể trở thành điểm du lịch nơi du khách có thể đến và tìm hiểu về môi trường sống của động vật hoang dã.)
On the other hand, others hold firmly to their belief that zoos can be unnecessary. First of all, it is widely believed that animals living in a zoo need to depend on others for food. They are kept in artificial environments such as cages or have limited space. Secondly, nowadays, many zoos have been reported to abuse animals and exhibit them with an aim of making money. Therefore, these animals had to suffer from stress and anxiety.
(Dịch: Mặt khác, những người khác giữ vững niềm tin của họ rằng sở thú có thể là không cần thiết. Trước hết, người ta tin rằng động vật sống trong sở thú cần phải phụ thuộc để kiếm thức ăn. Chúng được giữ trong môi trường nhân tạo như lồng hoặc phải sống trong không gian hạn chế. Thứ hai, ngày nay, có một số sở thú đã bị báo cáo là ngược đãi động vật và trưng bày chúng với mục đích kiếm tiền. Do đó, những con vật này đã phải chịu đựng sự căng thẳng và lo lắng.)
Ở hai đoạn thân bài trên, thông qua 2 câu chủ đề của mỗi đoạn là: “On the one hand, many people assume that zoos are useful” và “On the other hand, others hold firmly to their belief that zoos can be unnecessary.”, có thể thấy rõ người viết tiến hành bàn luận được về cả hai mặt của vấn đề: vì sao sở thú được cho là cần thiết và ngược lại.
Tuy nhiên cách phát triển ý vẫn chưa thật sự rõ ràng và đặc biệt là chưa thể hiện rõ quan điểm cá nhân nghiêng về ý kiến nào, đây là một đặc điểm thường thấy với band điểm 5.0 trong tiêu chí Task Response.
3.Bài viết phải trình bày được những luận điểm và luận cứ nhất định để chứng minh được quan điểm được nêu ra ở hai câu chủ đề trong phần thân bài.
Để hiểu rõ hơn về cách làm này, bài viết tiếp tục đi vào phân tích hai đoạn thân bài được đề cập phía trên:
On the one hand, many people assume that zoos are useful. There is no denying that zoos can protect animals. As a result, wild species that are on the verge of extinction will be saved. Moreover, zoos can become tourist destinations where visitors can come and learn about wild animals’ habitats.
On the other hand, others hold firmly to their belief that zoos can be unnecessary. First of all, it is widely believed that animals living in a zoo need to depend on others for food. They are kept in artificial environments such as cages or have limited space. Secondly, nowadays, many zoos have been reported to abuse animals and exhibit them with an aim of making money. Therefore, these animals had to suffer from stress and anxiety.
Ở đoạn thân bài thứ nhất, với ý chủ đề là công nhận mặt tích cực của sở thú, người viết đã đưa ra đưa ra được hai luận điểm để chứng minh cho nhận định này. Thứ nhất, người viết cho rằng các sở thú hiện nay có thể bảo vệ được động vật hoang dã, đặc biệt là những giống loài đang trên bờ vực tuyệt chủng. Thứ hai, các sở thú có thể trở thành các địa điểm du lịch cho du khách tham quan và học hỏi về môi trường sống của động vật hoang dã. Tuy nhiên những luận điểm được đưa ra lại chưa được hoàn chỉnh và đầy đủ vì nó chưa được chứng minh bằng các ví dụ cụ thể và các ý cũng chưa được giải thích và phân tích kĩ càng để đảm bảo tính logic.
Tương tự vậy, với đoạn thân bài thứ hai, người viết đưa ra ý chủ đề là các sở thú có thể được cho là không cần thiết và đồng thời cũng đưa ra hai luận điểm để chứng minh cho quan điểm này. Thứ nhất việc sống trong môi trường sở thú khiến cho động vật hoang dã không thể tự kiếm ăn mà phải phụ thuộc vào người khác. Thứ hai có rất nhiều sở thú bị buộc tội ngược đãi động vật với mục đích kiếm lợi nhuận khiến cho động vật bị stress và gặp vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, hai luận điểm này cũng chưa được phân tích kĩ càng hay được chứng minh bởi ví dụ thực tế xác đáng, đây là những đặc điểm mà người học nhận thấy được ở một bài viết band 5.0 trong tiêu chí Task Response.
Vậy kết luận lại, để đạt được band 5.0 cho tiêu chí Task Response trong dạng bài này, bài viết của thí sinh phải đáp ứng được khả năng trả lời câu hỏi đề bài, nêu được quan điểm về vấn đề phân tích và khả năng phát triển ý bằng luận điểm và luận cứ.
Tổng kết
Như vậy, bài viết đã phân tích chi tiết tiêu chí Task Response trong IELTS Writing Task 2 đồng thời nêu ra các cách làm giúp người đọc cải thiện band điểm từ 4.0 lên 5.0 trong tiêu chí Task Response với dạng bài IELTS Writing Task 2 Discussion.
Thông qua bài viết này, tác giả hi vọng thí sinh có thể rút ra được cho bản thân những cách làm để đạt được band điểm 5.0 với Task Response cùng cách xử lý dạng bài Task 2 Discussion.
Trích nguồn tham khảo
“Tiêu chí Task Response trong Writing Task 2 – Phân tích chuyên sâu theo Band 4, 5, 6.” ZIM Academy, 3 September 2020, https://zim.vn/tieu-chi-task-response-trong-writing-task-2-phan-tich-chuyen-sau-theo-band-4-5-6. Accessed 14 July 2023.
“Discuss both views trong IELTS Writing Task 2: Cách viết chi tiết.” ZIM Academy, 27 September 2022, https://zim.vn/discuss-both-views-trong-ielts-writing-task-2. Accessed 14 July 2023.
“Cải thiện tiêu chí Task Response đối dạng câu hỏi Opinion từ band 4 -5.” ZIM Academy, 6 May 2021, https://zim.vn/cach-cai-thien-band-diem-tu-4-5-trong-tieu-chi-task-response-doi-dang-cau-hoi-opinion-agree-or-disagree. Accessed 14 July 2023.
Bình luận - Hỏi đáp