Cải tiến cấu trúc câu phù hợp (Tailored Sentence Structure Improvement)

Việc xây dựng cấu trúc câu Tiếng Anh phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin và nâng cao hiệu quả khi giao tiếp. Tuy nhiên, việc cải tiến, phát triển cấu trúc câu đúng, đa dạng và phù hợp yêu cầu nhiều yếu tố cũng như sự luyện tập chăm chỉ, kiên trì của người học. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những nghiên cứu liên quan đến cấu trúc câu Tiếng Anh và các phương pháp giúp cải tiến cấu trúc câu phù hợp tại ZIM Academy.
Phạm Bảo Ngọc
31/07/2024
cai tien cau truc cau phu hop tailored sentence structure improvement

Key Takeaways

  • Cấu trúc câu là sự sắp xếp trong câu gồm có các từ, cụm từ hoặc mệnh đề (Datchuk & Rodgers, 2019; Demirezen, 2012). Nói cách khác, cấu trúc câu là thứ xác định hình thức của một câu văn như thế nào. 

  • Những lỗi sai thường gặp trong việc xây dựng cấu trúc câu được đề cập đến trong bài viết: Lỗi bỏ sót (Omission), Lỗi thừa từ (Addition), Sử dụng sai từ/ cụm từ (Misinformation), Sai trật tự câu (Misordering), Lỗi lạm dụng quá nhiều câu văn ngắn/ dài/ lặp cấu trúc câu.

  • Những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng cấu trúc câu phù hợp: Sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (mother tongue interference), Khái quát hóa quá mức (overgeneralization), Tài liệu hoặc phương pháp giảng dạy (teaching materials and method).

  • Tầm quan trọng của việc cải tiến cấu trúc câu thích hợp: Cấu trúc câu đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và chính xác, đồng thời giúp nâng cao khả năng giao tiếp trong cả hai kỹ năng nói và viết.

  • Những khó khăn gặp phải: Nếu chưa nắm vững các quy tắc ngữ pháp cơ bản hoặc thiếu vốn từ vựng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng các câu văn phức tạp và trôi chảy. Ngoài ra, nhiều người học cũng có tâm lý ngại mắc lỗi khi sử dụng tiếng Anh.

  • Môi trường học tập tại ZIM Academy giúp học viên cải tiến cấu trúc câu phù hợp: Môi trường học tập tại ZIM chú trọng tới sự linh hoạt trong việc hỗ trợ người học, do mỗi học viên sẽ có những đặc điểm, mục tiêu, và phương pháp học tập khác nhau. ZIM xây dựng lộ trình giúp học viên cải tiến cấu trúc câu qua ba giai đoạn chính.

Cấu trúc câu (Sentence structure)

Cấu trúc câu (Sentence structure)

Định nghĩa

Câu (sentence) là một đơn vị ngữ pháp gồm một nhóm các từ, ngữ có ý nghĩa hoàn chỉnh, thường chứa chủ ngữ và vị ngữ, bao gồm một mệnh đề chính và đôi khi là một hoặc nhiều mệnh đề phụ. Cấu trúc câu là sự sắp xếp trong câu gồm có các từ, cụm từ hoặc mệnh đề (Datchuk & Rodgers, 2019; Demirezen, 2012). Nói cách khác, cấu trúc câu là thứ xác định hình thức của một câu văn như thế nào. 

Tương tự như Tiếng Việt, tiếng Anh có rất nhiều cấu trúc ngữ pháp, cấu trúc câu được sử dụng đa dạng trong nhiều trường hợp. 4 loại câu cơ bản là: câu đơn (simple sentence), câu ghép (compound sentence), câu phức (complex sentence), câu phức tổng hợp (compound - complex sentence). Mỗi loại câu sẽ bao gồm các thành phần câu và cấu trúc khác nhau.

 Những lỗi sai thường gặp trong việc xây dựng cấu trúc câu

 Những lỗi sai thường gặp trong việc xây dựng cấu trúc câuLỗi bỏ sót (Omission)

Lỗi bỏ sót là lỗi bị thiếu mất một thành phần cần thiết trong câu bao gồm hình vị nội dung (thiếu danh từ, động từ, tính từ hoặc trạng từ) và hình vị ngữ pháp (thiếu các biến tố, mạo từ, giới từ, trợ động từ, hoặc liên từ)  (Dulay, Burt, & Krashen, 1982).

  • Theo nghiên cứu bởi Dulay, Burt, & Krashen's (1982), lỗi bỏ sót lớn nhất mà người học ngôn ngữ hay mắc phải khi sử dụng câu đơn là lược mất hình vị ngữ pháp như danh từ hoặc các biến thể của động từ. Người học thường bỏ qua đuôi -s, -es, -ed, và -ing.

Ví dụ: học viên viết “My sister doing homework now”. (Chị gái tôi đang làm bài tập về nhà). Trong trường hợp này, học viên đã quên mất động từ to be. Thay vào đó, cấu trúc câu đúng nên là “My sister is doing homework now”. 

  • Ngoài ra, đối với hình thức câu ghép thì theo nghiên cứu, hầu hết người học mắc lỗi bỏ sót mạo từ, giới từ hoặc động từ. Chẳng hạn, thay vì viết “the sale day was Thursday, so I came to the supermarket” (ngày giảm giá là thứ năm, nên tôi đã tới siêu thị) , thì học viên lại viết “sale day is Thursday, so I came to the supermarket”. Tức là ở đây, mạo từ “the” đã bị bỏ sót mất. 

Lỗi thừa từ (Addition)

Lỗi thừa từ là một lỗi sai liên quan đến sự hiện diện không cần thiết của một thành phần trong câu.

  • Lỗi thừa từ phổ biến nhất trong các câu mà người học hay mắc phải là việc sử dụng sai danh từ số ít và số nhiều.

Ví dụ: một học viên viết “The informations are very useful" (thông tin rất hữu ích). Ở đây, việc thêm “s” vào danh từ “information” được coi là không chính xác vì vì "information" là danh từ không đếm được, nên phải dùng dạng số ít khi muốn nói về một thông tin duy nhất. Câu văn đúng nên được sửa lại thành “The information is very useful”.

  • Một lỗi thừa từ căn bản khác là việc xác định sai động từ chính trong câu. Chẳng hạn, trong câu văn "He used the permanent marker, and that is makes us laugh" (anh ấy đã sử dụng bút đánh dấu vĩnh viễn và điều đó khiến chúng tôi bật cười), có tới tận hai động từ trong vế thứ 2 là “is” và “makes”. Vì vậy, câu văn đúng nên được lược bớt một động từ và sửa lại thành ”He used the permanent marker, and that made us laugh”. 

Sử dụng sai từ/ cụm từ (Misinformation)

Việc sử dụng sai từ hoặc cụm từ là lỗi liên quan đến việc sử dụng sai hình vị hoặc cấu trúc trong văn bản. 

  • Ví dụ về bài làm của một học sinh thể hiện sự sai lệch về từ vựng, học sinh đó đã viết “their are three mobile phones on the table” (có ba chiếc điện thoại di động trên bàn). Ở đây, từ “their” là đại từ sở hữu số nhiều, dùng khi muốn nói chung về một nhóm người đã được đề cập trước đó. Tuy nhiên, trong câu này, không có chủ ngữ cụ thể nào được đề cập trước, do vậy câu văn nên được sửa thành “there are three mobile phones on the table”. 

  • Một ví dụ khác thể hiện việc xác định sai loại từ trong câu văn, một học sinh viết “I hope this situation can quick be better” (tôi hy vọng tình trạng này có thể nhanh chóng được cải thiện). Trong câu này, "quick" là một tính từ, không phải là động từ, do đó, không thể sử dụng nó sau trợ động từ "can", thay vào đó cần sửa lại thành “I hope this situation will be better soon” hoặc “I hope this situation will quickly be better soon”. 

Lỗi lạm dụng quá nhiều câu văn ngắn/ dài/ lặp cấu trúc câu 

Việc sử dụng câu văn ngắn có thể hiệu quả trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi viết tiêu đề hoặc lời thoại. Tuy nhiên, việc lạm dụng câu văn ngắn có thể khiến bài viết trở nên rời rạc, khó hiểu và thiếu thu hút. Tương tự, sử dụng quá nhiều câu văn dài có thể dẫn đến khó đọc, khó hiểu và gây nhàm chán, không nắm bắt được trọng tâm cho người đọc. Nên kết hợp đa dạng các loại câu, bao gồm cả câu ngắn và câu dài, để tạo nên một bài viết mạch lạc và đa dạng cấu trúc câu. 

  • Ví dụ, thay vì viết “John went to the park. He saw a girl. The girl was playing with a ball. The ball was red.” (John đã đi đến công viên. Anh nhìn thấy một cô gái. Cô gái đang chơi với một quả bóng. Quả bóng có màu đỏ) sẽ khá dài dòng và rời rạc, người học có thể gộp lại thành “As John strolled through the park, he spotted a girl engrossed in playing with a red ball.” (Khi John đi dạo trong công viên, anh ấy nhìn thấy một cô gái đang say mê chơi với quả bóng màu đỏ). Bằng cách đó sẽ giúp tăng tính mạch lạc, liên kết của cấu trúc câu. 

  • Một ví dụ khác, học viên viết "The company's new product is a revolutionary new product that will change the way people live their lives. The product is the result of years of research and development. The product is sure to be a hit with consumers." (Sản phẩm mới của công ty là một sản phẩm mới mang tính cách mạng sẽ thay đổi cách sống của mọi người. Sản phẩm là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Sản phẩm chắc chắn sẽ gây ấn tượng với người tiêu dùng.)

Câu văn này quá dài và chứa nhiều thông tin, khiến người đọc khó theo dõi và nắm bắt ý chính. Ngoài ra, cụm từ "the product is" cũng bị lặp lại nhiều lần, khiến cho câu văn trở nên nhàm chán và thiếu súc tích.

Thay vào đó, người viết có thể gộp lại thành "The company's new product is a revolutionary one that will change the way people live their lives. Moreover, it is also the result of years of research and development and is sure to be a hit with consumers." (Sản phẩm mới của công ty là một sản phẩm mang tính cách mạng sẽ thay đổi cách sống của mọi người. Hơn nữa, nó còn là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển và chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng) để tránh lặp lại cấu trúc câu cũng như làm cấu trúc câu bớt rườm rà, dài dòng. 

Những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng cấu trúc câu phù hợp

Nghiên cứu bởi Miles et al. (2014) chỉ ra rằng có ba nguyên nhân chính tác động đến việc xây dựng cấu trúc câu thích hợp trong Tiếng Anh: sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (mother tongue interference), khái quát hóa quá mức (overgeneralization) và tài liệu hoặc phương pháp giảng dạy (teaching method): 

Những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng cấu trúc câu phù hợpSự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (mother tongue interference)

Tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành cấu trúc câu tiếng Anh phù hợp. Mỗi ngôn ngữ có cấu trúc câu riêng và các quy tắc ngữ pháp khác nhau. Khi tư duy bằng tiếng Việt, người học tiếng Anh có thể dịch trực tiếp cấu trúc câu tiếng Việt sang tiếng Anh, dẫn đến những câu tiếng Anh không tự nhiên hoặc sai ngữ pháp.

Ví dụ: Thay vì nói "I went to the store yesterday to buy groceries." (Hôm qua tôi đến cửa hàng để mua đồ tạp hóa) (Cấu trúc câu tiếng Anh), họ có thể nói "Yesterday I went to the store to buy groceries." (Cấu trúc câu tiếng Việt). 

Động lực (Motivation)

Theo Harmer (1991), động lực được định nghĩa là một loại sức mạnh nội tại nào đó khuyến khích người ta theo đuổi một hành động nhằm đạt được một mục tiêu nhất định, dài hạn hoặc ngắn hạn. Điều vô cùng cần thiết đối với người học là có động lực để thực hiện việc viết câu của mình và đạt được mức độ thỏa mãn khi viết bằng Tiếng Anh (Nacira, 2010).

Vì vậy, có thể hiểu rằng nếu người học có động lực cao, họ có nhiều khả năng viết tốt hơn những người ít có động lực hơn. Những người có động lực tốt sẽ chú ý hơn với việc phân biệt các cấu trúc câu cũng như có khả năng tập trung cao độ và ghi nhớ thông tin tốt hơn. Nhờ vậy mà có thể tiếp thu kiến thức về ngữ pháp và cấu trúc câu tiếng Anh một cách dễ dàng và chính xác hơn. 

Ellis (1985) cũng phân biệt hai loại động lực là động lực thâm nhập (Integrative motivation) - khi người học nghiên cứu một ngôn ngữ vì họ quan tâm đến con người và văn hóa của ngôn ngữ đó và động lực thực dụng (Instrumental motivation)- khi mục tiêu học ngôn ngữ thứ hai của người học mang tính chức năng, ví dụ như khi cần học ngôn ngữ để có được một công việc tốt hơn hoặc để được tăng lương. Người học cũng cần xác định rõ động lực và mục tiêu học tập để từ đó chọn được phương pháp học tập hiệu quả, từ đó xây dựng và tiếp cận các cấu trúc câu phù hợp. 

Tài liệu hoặc phương pháp giảng dạy (teaching materials and method)

Việc lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp để giúp học sinh cải thiện cấu trúc câu tiếng Anh là một thách thức do có nhiều yếu tố cần cân nhắc, bao gồm trình độ, phong cách học tập, mục tiêu học tập khác nhau của từng đối tượng học viên. Một số học sinh có thể tiếp thu nhanh qua các bài giảng lý thuyết, trong khi những học sinh khác lại cần phương pháp học tập thực hành hơn. Đánh giá mức độ cải thiện cấu trúc câu của học sinh cũng có thể là một việc khó khăn. Việc sử dụng các bài kiểm tra truyền thống có thể không đánh giá chính xác khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh trong giao tiếp thực tế.

image-alt

Tầm quan trọng của việc cải tiến cấu trúc câu thích hợp và những khó khăn gặp phải

Tầm quan trọng 

Cấu trúc câu đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý tưởng của người một cách rõ ràng và chính xác.

Nghiên cứu tiến hành bởi Zhang và Yin (2020) xác nhận rằng việc sử dụng cấu trúc câu và khả năng hiểu thông tin của người đọc, người nghe có liên hệ mật thiết với nhau. Đồng thời, khi hiểu rõ về cấu trúc câu, người học sẽ dễ dàng học hỏi và ghi nhớ các từ vựng và ngữ pháp mới. Điều này là do cấu trúc câu cung cấp cho người học một khung để sắp xếp các từ và cụm từ một cách logic. Cải thiện cấu trúc câu cũng có thể giúp người học nâng cao khả năng giao tiếp trong cả hai kỹ năng nói và viết. Khi sử dụng cấu trúc câu tốt, người học sẽ có thể diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng và trôi chảy hơn. Điều này sẽ giúp việc giao tiếp trở nên hiệu quả hơn với người khác trong mọi tình huống. 

Khó khăn

Cải thiện cấu trúc câu tiếng Anh là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Ngoài những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng cấu trúc câu mà bài viết đã đề cập ở trên, để sử dụng cấu trúc câu tiếng Anh một cách chính xác, người học cần có kiến thức nền tảng về ngữ pháp và từ vựng.

Nếu chưa nắm vững các quy tắc ngữ pháp cơ bản hoặc thiếu vốn từ vựng, người học sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng các câu văn phức tạp và trôi chảy. Ngoài ra, nhiều người học cũng có tâm lý ngại mắc lỗi khi sử dụng tiếng Anh, điều này khiến họ hạn chế sử dụng các cấu trúc câu phức tạp và tránh giao tiếp bằng tiếng Anh. 

Tầm quan trọng của việc cải tiến cấu trúc câu thích hợp và những khó khăn gặp phải

Môi trường học tập tại ZIM Academy giúp học viên cải tiến cấu trúc câu phù hợp

Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cấu trúc câu trong việc học ngôn ngữ. Nghiên cứu của Larsen-Freeman (2018) chỉ ra rằng việc hiểu và sử dụng đúng cấu trúc câu góp phần mang lại sự chính xác, rõ ràng và mạch lạc về mặt ngữ pháp trong giao tiếp. Sự lưu loát là mục tiêu quan trọng trong việc tiếp thu ngôn ngữ và cấu trúc câu đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu đó. Tại ZIM, đội ngũ giáo viên với trình độ chuyên môn cao và liên tục được cập nhật với các tài liệu, nghiên cứu chất lượng sẽ giúp học viên cải tiến, nâng cao khả năng sử dụng cấu trúc câu Tiếng Anh một cách bài bản và linh hoạt nhất. 

Các giai đoạn giúp xây dựng, cải tiến cấu trúc câu phù hợp tại ZIM 

Môi trường học tập tại ZIM chú trọng tới sự linh hoạt trong việc hỗ trợ người học, do mỗi học viên sẽ có những đặc điểm, mục tiêu, và phương pháp học tập khác nhau. ZIM xây dựng lộ trình giúp học viên cải tiến cấu trúc câu qua ba giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Giáo viên hỗ trợ người học xác định những điểm mạnh, điểm yếu trong cấu trúc câu của mình 

Giai đoạn 1Người dạy có vai trò chủ chốt trong việc giúp học viên xác định cấu trúc câu Tiếng Anh của mình hiện tại đang mắc những lỗi gì.

Phân tích bài viết và bài tập:

  • Xác định lỗi sai về ngữ pháp: Giáo viên có thể đọc bài viết và bài tập của học viên để xác định các lỗi sai về ngữ pháp liên quan đến cấu trúc câu.

  • Phân loại lỗi sai: Giáo viên có thể phân loại lỗi sai theo loại (ví dụ: lỗi về thì, chia động từ, trật tự từ) để giúp học viên nắm rõ các điểm yếu của mình.

  • Cung cấp giải thích và sửa lỗi: Giáo viên sẽ giải thích rõ ràng lý do sai và cách sửa lỗi cho từng lỗi sai được phát hiện.

Giai đoạn 2: Đề xuất các phương pháp giúp cải tiến cấu trúc câu phù hợp

Việc tìm ra phương pháp thích hợp để cải tiến cấu trúc câu Tiếng Anh sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là năng lực và trình độ của người học. Người học ở từng trình độ khác nhau nên tiếp cận những định hướng, phương pháp học khác nhau sao cho phù hợp nhất với khả năng và mục tiêu của bản thân. Dưới đây là một số lưu ý về cách cải tiến cấu trúc câu phù hợp cho các mức độ từ cơ bản đến nâng cao mà bạn đọc có thể tham khảo. Giai đoạn 2

Mức độ cơ bản (Beginner)

Đối với người học đang làm quen với việc xây dựng cấu trúc câu phù hợp, việc cải thiện cấu trúc câu tập trung vào việc xây dựng nền tảng ngữ pháp vững chắc và sử dụng các cấu trúc câu đơn giản một cách chính xác. Chủ yếu ở trình độ này, người học nên sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc đơn giản, dễ hiểu và tập trung vào việc truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng.

Sử dụng các cấu trúc câu đơn giản: Người mới bắt đầu học tiếng Anh thường gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng các cấu trúc câu phức tạp. Khi sử dụng các cấu trúc câu đơn giản, người học sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc xây dựng câu bắt đầu bằng các cấu trúc đơn giản giúp người học rèn luyện tư duy logic và trình bày ý tưởng một cách rõ ràng, mạch lạc. Đây là nền tảng quan trọng để họ có thể sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong các tình huống giao tiếp khác nhau. Một số ví dụ về cấu trúc câu căn bản người học nên dùng: 

  1. Câu chủ ngữ - động từ - tân ngữ (SVO): Đây là cấu trúc câu phổ biến và dễ sử dụng nhất trong tiếng Anh.

Ví dụ:

  • I (S) like (V) chocolate (O).

  • She (S) is (V) a student (O).

  • They (S) will go (V) to the park (O).

  1. Câu đơn:

  • SVO: I eat (V) breakfast (O) every morning (O).

  • Phủ định: I do not (V) like (V) spicy food (O).

  • Hỏi: Where (Wh) do you live (V)?

  1. Câu ghép:

  • SVO + SVO: I like (V) reading books (O) and (conj) watching movies (O).

  • She is (V) intelligent (O) but (conj) she is (V) shy (O).

Tập trung vào ngữ pháp cơ bản: Ngữ pháp là nền tảng cơ bản để xây dựng cấu trúc câu trong tiếng Anh. Nắm vững ngữ pháp căn bản sẽ giúp người học hiểu được cách thức hoạt động của ngôn ngữ, từ đó có thể sử dụng các cấu trúc câu một cách chính xác và hiệu quả. Người học cần nắm vững các thì cơ bản (hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn), chia động từ đúng theo ngôi, số và thì. Ngoài ra, người học cũng cần luyện tập sử dụng các đại từ nhân xưng, tính từ sở hữu và mạo từ sao cho phù hợp và chính xác. 

Sử dụng từ vựng đơn giản: Từ vựng căn bản thường được sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày, do đó dễ dàng học tập và ghi nhớ hơn so với từ vựng chuyên ngành hoặc học thuật. Việc sử dụng từ vựng quen thuộc sẽ giúp người học tập trung vào việc xây dựng cấu trúc câu mà không bị phân tâm bởi nghĩa của từ. Người học nên sử dụng những từ vựng phổ biến, dễ hiểu để tránh mắc lỗi ngữ pháp và chính tả. Có thể trau dồi vốn từ vựng bằng cách học theo chủ đề, phân tích các bài viết mẫu và dành thời gian phân tích các cấu trúc câu, hoặc đọc sách, báo, tạp chí Tiếng Anh.

Xem thêm:

Mức độ trung cấp (Intermediate)

Đối với người học tiếng Anh ở mức độ này, việc cải thiện cấu trúc câu là một bước quan trọng để nâng cao khả năng giao tiếp và viết. Ở giai đoạn này, người học đã nắm được những kiến thức ngữ pháp cơ bản và có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp trong các tình huống đơn giản lẫn phức tạp. Dưới đây là một số định hướng để cải tiến cấu trúc câu cho người học ở mức độ này: 

Mở rộng cấu trúc câu: Khi đã ở mức độ intermediate, người học nên bắt đầu sử dụng các cấu trúc câu phức tạp hơn như câu ghép, câu điều kiện, câu bị động. Cấu trúc câu đơn giản chỉ cung cấp thông tin cơ bản, nhưng khi mở rộng cấu trúc câu, người học có thể bổ sung thêm nhiều chi tiết để làm rõ ý nghĩa của câu, giúp người nghe hoặc người đọc hiểu rõ hơn về điều người học muốn truyền tải. 

  • Câu điều kiện: Sử dụng các cấu trúc câu điều kiện (if, unless, when, etc.) để diễn tả các tình huống giả định hoặc kết quả có thể xảy ra.

Ví dụ: "If I had more time, I would have travelled to Europe."

  • Câu bị động: Sử dụng cấu trúc câu bị động (the passive voice) để thay đổi vị trí chủ ngữ và tân ngữ trong câu.

Ví dụ: "The book was written by a famous author."

Kết hợp các từ nối: Việc sử dụng từ nối đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cấu trúc câu và nâng cao kỹ năng viết. Từ nối giúp liên kết các ý trong câu, đoạn văn một cách logic, mạch lạc, đồng thời thể hiện rõ mối quan hệ giữa các ý tưởng. Người học ở mức độ này cần nắm vững các loại từ nối cơ bản: từ nối chỉ mục đích (in order to, so that,...), từ nối chỉ kết quả (therefore, as a result,...), từ nối tương phản (while, on the contrary,...),...Thay vì sử dụng các từ nối cơ bản như "and", "but", "or", hãy sử dụng các từ nối phức tạp hơn để thể hiện các mối quan hệ tinh tế hơn giữa các ý tưởng.Từ đó ứng dụng để liên kết các câu trong đoạn văn và thể hiện sự chuyển đổi ý tưởng. 

Đa dạng hóa từ vựng: Sử dụng nhiều từ vựng phong phú, chính xác bao gồm cả từ đồng nghĩa, trái nghĩa và thành ngữ giúp người học diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng, sinh động và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ. Thay thế các từ vựng đơn giản bằng những từ vựng có nghĩa tương tự nhưng mang tính học thuật cao hơn. Ví dụ, thay vì viết “I like doing exciting activities such as surfing, scuba diving, hiking and taking photos of the beautiful scenery”, người học có thể cải tiến thánh “I engaged in thrilling activities such as surfing, scuba diving, hiking and capturing breathtaking moments of the stunning scenery.” (Tôi tham gia các hoạt động ly kỳ như lướt ván, lặn biển và đi bộ đường dài, ghi lại những khoảnh khắc ngoạn mục của khung cảnh tuyệt đẹp). 

Mức độ nâng cao (Advanced)

Đối với người học tiếng Anh ở mức độ nâng cao (Advanced), việc cải thiện cấu trúc câu tập trung vào việc sử dụng các cấu trúc phức tạp và đa dạng hơn, cũng như nâng cao độ chính xác và sắc thái trong cách sử dụng ngôn ngữ. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả:

Sử dụng các cấu trúc câu phức tạp: Người học nên sử dụng các cấu trúc câu ít gặp hơn như câu phức tổng hợp, câu đảo ngữ, câu gián tiếp. Sử dụng các cấu trúc câu phức tạp xen kẽ với các câu đơn giản sẽ giúp bài viết trở nên sinh động và thu hút hơn. Đồng thời, khi có thể sử dụng các cấu trúc câu đa dạng và linh hoạt, người nghe/đọc sẽ đánh giá cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của người học hơn.

  • Câu gián tiếp: Sử dụng cấu trúc câu gián tiếp (reported speech) để thuật lại lời nói hoặc suy nghĩ của người khác.

Ví dụ: "She said that she was happy."

  • Câu phức tổng hợp: Kết hợp nhiều mệnh đề phụ thuộc và độc lập để tạo ra câu phức với nhiều tầng ý nghĩa. Ví dụ: "It is important that we understand the different cultures of the world so that we can communicate effectively with people from all walks of life." (Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu các nền văn hóa khác nhau trên thế giới để có thể giao tiếp hiệu quả với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội.

  • Cấu trúc đảo ngữ: Thay đổi trật tự thông thường của chủ ngữ và động từ để nhấn mạnh hoặc tạo hiệu ứng phong cách. Ví dụ: "Never have I seen such a beautiful sunset." (Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một hoàng hôn đẹp như vậy.)

Phân biệt các phong cách viết: Đối với người học tiếng Anh ở mức độ nâng cao (Advanced), việc phân biệt các phong cách viết khác nhau là một công cụ hiệu quả để cải thiện cấu trúc câu. Người học cần nắm vững các phong cách viết khác nhau như văn phong trang trọng, văn phong học thuật, văn phong giao tiếp. Mỗi phong cách viết có những đặc điểm riêng về cấu trúc, từ vựng và ngữ điệu, giúp người học sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác hơn trong các ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ:

  • Viết học thuật: Sử dụng cấu trúc câu phức tạp, từ vựng chuyên ngành và ngữ điệu trang trọng. Ví dụ: "A recent study by the University of Oxford has shown that..."

  • Viết báo chí: Sử dụng cấu trúc câu đơn giản, từ vựng dễ hiểu và ngữ điệu khách quan. Ví dụ: "A fire broke out at a local factory this morning..."

  • Viết sáng tạo: Sử dụng nhiều loại cấu trúc câu, từ vựng phong phú và ngữ điệu đa dạng. Ví dụ: "The old woman sat by the window, watching the rain fall."

Giai đoạn 3: Đánh giá và điều chỉnh 

Giai đoạn 3Theo dõi tiến trình học tập của học viên: 

  • Giáo viên sẽ giữ bài tập của học viên và lập bảng theo dõi để có thể quan sát, ghi lại số lượng lỗi sai, loại lỗi sai và mức độ tiến bộ của từng học viên.

Cung cấp phản hồi chi tiết:

  • Giải thích rõ ràng lý do sai: Khi sửa bài, giáo viên sẽ giải thích rõ ràng lý do sai cho từng lỗi sai về cấu trúc câu của học viên.

  • Hướng dẫn cách sửa lỗi: Giáo viên hướng dẫn học viên cách sửa lỗi sai một cách chính xác.

  • Đề xuất các bài tập luyện tập: Giáo viên có thể đề xuất các bài tập luyện tập phù hợp để giúp học viên củng cố kiến thức và khắc phục lỗi sai.

Cung cấp bài tập luyện tập:

  • Thiết kế bài tập theo mức độ: Các bài tập luyện tập theo mức độ từ dễ đến khó sẽ được thiết kế để giúp học viên củng cố kiến thức về cấu trúc câu một cách hiệu quả.

  • Gợi ý các cấu trúc câu mới: Giáo viên có thể giới thiệu và hướng dẫn học viên sử dụng các cấu trúc câu mới trong bài tập để giúp học viên đa dạng hóa cách diễn đạt.

  • Cung cấp phản hồi chi tiết: Sau khi học viên hoàn thành bài tập, giáo viên sẽ cung cấp phản hồi chi tiết về lỗi sai và cách khắc phục để giúp học viên học hỏi từ sai lầm của mình.

Tạo cơ hội cho học viên tự đánh giá:

  • Hướng dẫn học viên cách tự xác định lỗi sai: Giáo viên có thể hướng dẫn học viên cách tự xác định lỗi sai về cấu trúc câu trong bài viết và bài tập của mình.

  • Khuyến khích học viên tự tin mắc lỗi: Giáo viên cần giải thích cho học viên rằng mắc lỗi là một phần tự nhiên của quá trình học tập và không nên ngại mắc lỗi vì học viên có thể học và điều chỉnh từ lỗi sai của bản thân. 

  • Tạo bầu không khí lớp học thoải mái và cởi mở: Môi trường lớp học năng động, cởi mở tại ZIM giúp học viên tự tin đặt câu hỏi và trao đổi thông tin với giáo viên. 

Tổng kết 

Nhìn chung, việc cải tiến cấu trúc câu phù hợp sẽ giúp người học nâng cao trình độ ngữ pháp và tự tin giao tiếp hiệu quả. Tại ZIM Academy, các thầy cô luôn cố gắng theo dõi sát sao tiến độ và năng lực của từng đối tượng học viên. Từ đó hỗ trợ các bạn xác định được điểm mạnh, điểm yếu còn tồn tại trong cấu trúc câu của mình, đồng thời đưa ra sự hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp nhất với năng lực, trình độ của từng bạn. 


Tài liệu tham khảo

  • Datchuk, S. M., & Rodgers, D. B. (2019). Text writing within simple sentences: A writing fluency intervention for students with high‐incidence disabilities. Learning Disabilities Research & Practice, 34(1), 23–34.

  • Demirezen, M. (2012). An analysis of the problem-causing structures of simple sentences for Turkish university Students. International Journal of Humanities and Social Science, 2(3), 135–146.

  • Dulay, H., Burt, M., & Krashen, S. D. (1982). Language two. New York: Oxford University Press.

  • Miles, M. B., Huberman, A. M., & Saldana, J. (2014). Qualitative data analysis: A methods sourcebook. Thousand Oaks, California 91320: SAGE Publications, Inc.

  • Zhang, S., & Yin, J. (2020). The Relationship Between Knowledge of Sentence Structure and Reading Comprehension: Evidence from Chinese EFL Learners.

  • Larsen-Freeman, D. (2018). Research on teaching grammar. In N. Schmitt & M. McCarthy (Eds.), The Routledge handbook of applied linguistics.

  • Harmer, J. (1991). The Practice of English Language Teaching (New edition). England: Longman.

  • Nacira, g. (2010). Identification and analysis of some factors behind students’ poor writing productions, Algerria, Batima University.

  • Ellis, R. (1985). Learning a second language through interaction, London, Blackwell publishing.

Tham vấn chuyên môn
authorNgô Phương Thảo
Giáo viên
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu