Chi tiết đánh lạc hướng & thay đổi thông tin trong IELTS Listening Part 3

Chi tiết đánh lạc hướng & thay đổi thông tin thường xuyên xuất hiện trong IELTS Listening Part 3. Do đó, bài viết cung cấp cái nhìn tổng quát cho người học về định nghĩa chi tiết đánh lạc hướng và phân tích cụ thể các ví dụ câu hỏi trong bộ đề Cambridge IETLS.
author
Trần Ngọc Thiên Thanh
27/12/2023
chi tiet danh lac huong thay doi thong tin trong ielts listening part 3

Giới thiệu

Bài thi của IELTS Listening được chia thành 4 phần. Trong đó, IELTS Listening Part 3 có tổng cộng 10 câu hỏi. Với phần thi này, thí sinh sẽ được nghe cuộc trò chuyện từ hai đến bốn người, thông thường là sự trao đổi thông tin giữa thầy cô với các bạn sinh viên hoặc giữa các bạn sinh viên với nhau về luận văn, dự án nghiên cứu hay bài thuyết trình.

Các dạng câu hỏi thường xuất hiện trong phần thi này bao gồm:

  • Dạng bài điền từ (Completion)

  • Dạng câu hỏi trắc nghiệm (Multiple Choice)

  • Dạng nối thông tin (Matching information)

  • Dạng trả lời câu hỏi ngắn (Short answer Questions)

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, người nói liên tục đưa ra các quan điểm và nhận xét của mình nên họ cũng thường bác bỏ các thông tin đã được đề cập trước đó. Do đó, đây cũng được xem là phần thi “khó nhằn” khi thí sinh cần xác định và loại trừ được những thông tin đã bị thay đổi.

Vì vậy, bài viết này sẽ phân tích cụ thể các chi tiết đánh lạc hướng trong IELTS Listening Part 3, từ đó hỗ trợ người học có chiến lược làm bài và loại trừ đáp án sai một cách hiệu quả hơn.

Key takeaways:

Chi tiết đánh lạc hướng trong IELTS Listening Part 3

  • Chi tiết đánh lạc hướng là gì?

  • Tầm quan trọng của việc xác định các chi tiết đánh lạc hướng

  • Các kỹ thuật đánh lạc hướng phổ biến

Phân tích các chi tiết đánh lạc hướng trong bộ đề Cambridge IELTS

  • Câu 21 - Đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3

  • Câu 22 - Đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3

  • Câu 25 - Đề Cambridge IELTS 17, Test 1, Listening Part 3

  • Câu 21, 22 - Đề Cambridge IELTS 16, Test 1, Listening Part 3

Các chiến lược xử lý các chi tiết lạc hướng và thay đổi thông tin

  • Nghe chủ động

  • Tập trung xác định những từ khóa (keywords)

  • Dự đoán các từ đồng nghĩa

Chi tiết đánh lạc hướng trong IELTS Listening Part 3

Chi tiết đánh lạc hướng là gì?

image-alt

Các chi tiết đánh lạc hướng trong IELTS Listening Part 3 là những thông tin gây nhiễu được đưa vào cuộc trò chuyện bên cạnh một đáp án chính xác khác. Những thông tin này góp phần tạo ra những “cái bẫy” - các đáp án sai, khiến việc chọn đáp án đúng trở nên khó khăn hơn. 

Do bản chất của bài thi IELTS là kiểm tra trình độ tiếng Anh, nên những cái bẫy này xuất hiện trong part 3 như một phương pháp để đánh giá toàn vẹn hơn về kỹ năng nghe hiểu của thí sinh, bao gồm độ tập trung và khả năng phân tích ý nghĩa của cuộc đối thoại một cách chính xác, tránh trường hợp thí sinh chỉ chờ nghe các từ khóa rồi lựa chọn đáp án nhanh chóng. 

Tầm quan trọng của việc xác định các chi tiết đánh lạc hướng

Sự đánh lạc hướng có thể khiến các thí sinh mất điểm trong bài thi IELTS Listening Part 3 do nhiều nguyên nhân như:

  • Nghe quá nhiều thông tin gây nhiễu, khiến thí sinh bị hoảng và chậm đưa ra quyết định 

  • Tâm lý bị ảnh hưởng, khó khăn trong việc nhận biết và bắt kịp nội dung của đoạn hội thoại 

  • Tốn quá nhiều thời gian để tìm thông tin không có trong bài nghe

  • Bỏ lỡ các câu hỏi khác

Chính vì thế, để có thể đảm bảo được band điểm mong muốn, các thí sinh nên có chiến lược xác định những chi tiết đánh lạc hướng và các thông tin đã thay đổi. Việc nhận biết được các từ vựng và tình tiết đang gây nhiễu sẽ giúp các thí sinh bình tĩnh và dễ dàng loại bỏ các đáp án sai nhanh chóng, giảm nguy cơ bị rối loạn và mất tập trung cho các câu trả lời còn lại trong IELTS Listening Part 3.

Các kỹ thuật đánh lạc hướng phổ biến

Chuyển trọng tâm

Kỹ thuật chuyển trọng tâm thường được sử dụng để dời sự chú ý của người nghe khỏi câu trả lời chính xác. Ví dụ như người nói có thể đột nhiên giới thiệu một chủ đề mới hoặc cung cấp thêm quá nhiều chi tiết không liên quan. Bằng cách thay đổi hướng cuộc trò chuyện, người nghe sẽ có xu hướng bị phân tâm hoặc choáng ngộp thông tin, dẫn đến việc khó xác nhận được đáp án đúng.

Ví dụ: Trong một đoạn nghe về các địa danh nổi tiếng, người nói bắt đầu thảo luận về bối cảnh lịch sử của một di tích, nhưng bỗng nhiên họ chuyển trọng tâm sang mô tả một tòa nhà bên cạnh. Sự thay đổi này có thể gây xao nhãng cho người nghe và lệch trọng tâm chú ý khỏi di tích ban đầu.

Tạo ra dự đoán sai 

Người nói sử dụng kỹ thuật này để khiến người nghe chú tâm vào một số tình tiết tưởng chừng như hợp lý nhưng thực chất là cái bẫy, khiến người nghe mong đợi được cung cấp thêm thông tin. Tuy nhiên, các thông tin này chính là những cái bẫy do những manh mối được bổ sung nghe có vẻ hữu ích nhưng thực chất lại có công dụng khiến người nghe lạc lối.

Ví dụ: Trong một đoạn nghe về một địa điểm du lịch, người nói có thể mô tả các điểm tham quan và hoạt động ở khu vực đó. Tuy nhiên, khi được hỏi về điều kiện thời tiết, họ có thể cung cấp thông tin sai lệch cho thấy ánh nắng mặt trời liên tục và nhiệt độ ấm áp quanh năm. Kỳ vọng sai lầm này có thể khiến người nghe chọn câu trả lời cho biết thời tiết luôn thuận lợi, trong khi trên thực tế, thời tiết có thể thay đổi theo mùa hoặc thỉnh thoảng có mưa.

Dẫn dắt bằng những mâu thuẫn

Thông thường, người nói có thể cố tình trình bày những thông tin hoặc ý kiến ​​trái ngược nhau. Đây là một kỹ thuật khác khiến thí sinh dễ bị mắc phải sai lầm khi trả lời câu hỏi vì người nghe bắt buộc phải nâng cao sự tập trung, cũng như liên tục phân tích những tranh cãi và bác bỏ của người nói.

Ví dụ: Trong một đoạn hội thoại về biến đổi khí hậu, ban đầu người nói có thể bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những tác động tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, sau cuộc trò chuyện, họ có thể đưa ra quan điểm trái ngược hoặc đề cập đến các lý thuyết đối lập gây nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Sự mâu thuẫn này có thể khiến người nghe bối rối, khiến việc nhận biết thông tin chính xác trở nên khó khăn.

Phân tích các chi tiết đánh lạc hướng trong đề Cambridge IELTS

image-alt

Câu 21 - Đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3

Vị trí script:

HUGO: Hi Chantal. What did you think of the talk, then?

CHANTAL: Hi Hugo. I thought it was good once I'd moved seats.

HUGO: Oh were the people beside you chatting or something?

CHANTAL: It wasn't that. I went early so that I'd get a seat and not have to stand, but then this guy sat right in front of me and he was so tall!

HUGO: It's hard to see through people's heads, isn't it?

CHANTAL: Impossible!

Đáp án đúng: A

Tham khảo thêm: Giải đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3: Talk on jobs in fashion design.

Câu hỏi

What problem did Chantal have at the start of the talk?

A   Her view of the speaker was blocked.

B   She was unable to find an empty seat.

C   The students next to her were talking.

Phân tích chi tiết đánh lạc hướng

Ở câu hỏi này, kỹ thuật “Tạo ra dự đoán sai” xuất hiện với thông tin Chantal phải di chuyển chỗ ngồi xuất hiện đầu tiên (I thought it was good once I’d moved seats), người học có thể chọn sai ngay đáp án B vì trong câu có keyword “find an empty seat”. 

Tuy nhiên, đây là một tình tiết đánh lạc hướng khi Chantal đã bổ sung sau đó: “I went early so that I’d get a seat and not have to stand”. Thông tin này đề cập đến việc cô ấy đến sớm nên đã có chỗ ngồi và không cần phải đứng, trái với keyword “unable” của đáp án B (không thể tìm thấy chỗ ngồi).

Ngoài ra, kỹ thuật “Chuyển trọng tâm” cũng được sử dụng. Người học cũng có thể bị phân tâm và chọn nhanh đáp án C khi HUGO thắc mắc vấn đề không liên quan: “Oh were the people beside you chatting or something?”

Câu 22 - Đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3

Vị trí script:

CHANTAL: Impossible! Anyway, to answer your question, I thought it was really interesting, especially what the speaker said about the job market.

HUGO: Me too. I mean we know we're going into a really competitive field so it's obvious that we may struggle to get work.

CHANTAL: That's right and we know we can't all have that 'dream job'.

HUGO: Yeah, but it looks like there's a whole range of areas of work that we hadn't even thought of like fashion journalism, for instance.

CHANTAL: Yeah I wasn't expecting so many career options.

Đáp án đúng: B

Tham khảo thêm: Giải đề Cambridge IELTS 18, Test 1, Listening Part 3: Talk on jobs in fashion design.

Câu hỏi

What were Hugo and Chantal surprised to hear about the job market?

A   It has become more competitive than it used to be.

B   There is more variety in it than they had realised.

C   Some areas of it are more exciting than others.

Phân tích chi tiết đánh lạc hướng

Khi nhận xét về thị trường, Hugo cho rằng thị trường lao động đang rất cạnh tranh và cũng có nhắc đến từ khóa “competitive” giống đáp án A (“I mean we know we're going into a really competitive field”) và Chantal cũng đồng ý (“That’s right – and we know we can’t all have that dream job”). Điều này càng nhấn mạnh sự khốc liệt để có được công việc như ý và có tác dụng khiến người nghe tập trung suy luận về phần đối thoại này trước khi nghe đến đáp án chính xác ở đoạn sau. Đây cũng là một ví dụ của kỹ thuật  “Tạo ra dự đoán sai”.

Mặc dù vậy, đoạn đối thoại này chưa từng đề cập đến mức độ cạnh tranh của thị trường lao động ở thời điểm hiện tại so với quá khứ, nên chưa thỏa mãn tất cả các keyword để chọn đáp án A (than it used to be).

Câu 25 - Đề Cambridge IELTS 17, Test 1, Listening Part 3

Vị trí Script: 

DIANA: I made a really embarrassing mistake when | was working in the milk shed. Some cows had been treated with antibiotics, so their milk wasn't suitable for human consumption, and it had to be put in a separate container. But I got mixed up, and I poured some milk from the wrong cow in with the milk for humans, so the whole lot had to be thrown away. The farmer wasn't too happy with me.

Đáp án đúng: C

Tham khảo thêm: Giải đề Cambridge IELTS 17, Test 1, Listening Part 3: Work experience for veterinary science students.

Câu hỏi

What happened when Diana was working with dairy cow?

A. She identified some cows incorrectly.

B. She accidentally threw some milk away.

C. She made a mistake when storing milk.

Phân tích chi tiết đánh lạc hướng

Sau khi đề cập đến lỗi sai mà Diana gặp phải, cô ấy đột nhiên nhắc đến chi tiết một vài sữa bò không thích hợp cho con người sử dụng và nên được phân loại riêng. Đây là kỹ thuật “Chuyển trọng tâm”, nhằm đột ngột cung cấp thêm thông tin “bẫy” khiến người học bị di dời sự chú ý từ câu trả lời sang chi tiết không cần thiết và dễ bỏ lỡ thông tin chính xác tiếp theo. Tiếp theo đó, người học có khả năng cao sẽ chọn đáp án B hoặc C khi nghe keyword Diana đã bỏ đi phần lớn sữa (“so the whole lot had to be thrown away”).

Câu 21, 22 - Đề Cambridge IELTS 16, Test 1, Part 3

Vị trí Script:

JESS: SO have I. When they gave US  all those handouts with details of books and websites to look at, I was really put off, but the more I read, the more interested I got. 

TOM: Me too. I found I could research so many different aspects of birds in art - colour, movement, and texture. So I  was looking forward to the Bird Park visit. 

JESS: What a letdown! It poured with rain and we hardly saw a single bird.  Much less useful than the trip to the  Natural History Museum. 

TOM: Yeah. I liked all the stuff about evolution there. The workshop sessions with Dr Fletcher were good too, especially the brainstorming sessions

JESS: I missed those because I  was ill. I wish we could’ve seen the projects last year’s students did.

Đáp án đúng: C, E

Đáp án dễ gây nhầm lẫn: A, B

Tham khảo thêm: Giải Cambridge IELTS 16, Test 1, Listening Part 3: Art Projects.

Câu hỏi

Which TWO parts of the introductory stage to their art projects do Jess and Tom agree were useful? 

A. the Bird Park visit 

B. the workshop sessions 

C. the Natural History Museum visit 

D. the projects done in previous years 

E. the handouts with research sources

Phân tích chi tiết đánh lạc hướng

Kỹ thuật “Dẫn dắt bằng những mâu thuẫn” xuất hiện khi Tom có nhắc đến việc mong chờ chuyến tham quan the Bird Park (“So I  was looking forward to the Bird Park visit”). Tuy nhiên, nếu người học không đủ tập trung sẽ dễ bỏ lỡ thông tin trái ngược quan trọng, đó là vì mưa lớn nên Jess không thể quan sát được. Thông tin của Jess và và Tom đối lập nhau và điều này rất dễ gây nhầm lẫn cho người học chọn đáp án A. 

Tương tự, kỹ thuật “Dẫn dắt bằng những mâu thuẫn” lại được áp dụng khi Tom có tham gia và đã nhận xét tốt với the workshop sessions (“The workshop sessions with Dr Fletcher were good too”). Thế nhưng, lại một lần nữa, Jess cũng không thể đến buổi hội thảo đó (“I missed those because I  was ill”) nên đáp án B cũng là thông tin gây nhiễu.

Các chiến lược xử lý các chi tiết lạc hướng và thay đổi thông tin

image-alt

Nghe chủ động

Phương pháp nghe chủ động yêu cầu người nghe có độ tập trung cao để hiểu được nội dung hoặc thông điệp truyền tải của người nói. Ngoài ra, để hiệu quả hơn, sau khi nghe, người học có thể tóm tắt lại các thông tin chính và xem lại lời thoại hay phụ đề tiếng Anh để rút ra các từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và phát âm chính xác của từ. 

Qua đó, phương pháp này giúp người học chủ động và rèn luyện khả năng tập trung, tăng kỹ năng nghe hiểu, cũng như cải thiện khả năng nhận xét và suy luận do có hoạt động phản hồi với những thông tin vừa được tiếp nhận. 

Tập trung xác định những từ khóa (keywords)

Xác định từ khóa là một chiến lược hữu ích khi người học có thể khái quát được nội dung chính cần nghe trước khi làm bài. Thêm vào đó, từ khóa còn được sử dụng như dấu hiệu nhận diện, giúp người học dễ dàng khoanh vùng trọng tâm và kiểm tra lại đáp án. Để giảm nguy cơ bị đánh lừa trong IELTS Listening Part 3, trước khi được nghe audio, người học nên tranh thủ thời gian chuẩn bị để phân biệt sự khác nhau giữa các câu hỏi và đáp án thông qua việc gạch chân một vài từ khóa dựa trên tên riêng, số liệu hay danh từ. Việc nắm rõ các từ khoá của câu hỏi và của sự lựa chọn cũng là yếu tố quan trọng để người nghe không bị đánh lừa bằng kỹ thuật “chuyển trọng tâm” đã đề cập.

Dự đoán các từ đồng nghĩa

Trước khi làm bài, người học có thể phân tích đề cùng với việc dự đoán các từ đồng nghĩa hay trái nghĩa của các từ khóa trong văn bản. Các từ vựng trong bài thi IELTS Listening Part 3 thường có nhiều từ học thuật và được diễn đạt lại (Paraphrase). Chính vì thế, người học cần lưu ý không nên chờ đợi chính xác các từ khóa trong văn bản để tránh bỏ lỡ thông tin. Việc dự đoán các từ có khả năng xuất hiện sẽ giúp người học tăng khả năng ghi nhớ nội dung đề bài và cải thiện phản xạ nghe bắt từ khóa.   

Kết luận

Bài viết đã giới thiệu tầm quan trọng của việc xác định các chi tiết đánh lạc hướng và thay đổi thông tin trong IELTS Listening Part 3, từ khái niệm tổng quát đến phân tích chi tiết các dấu hiệu trong đề. Do sự đánh lạc hướng thường xuyên diễn ra trong bài thi IELTS Listening Part 3, tác giả hy vọng người học nên luyện tập các dạng bài nhiều hơn, kết hợp với phương pháp nghe chủ động và xác định từ khóa để tăng khả năng tập trung và giữ bình tĩnh để nhận ra các dấu hiệu về các thông tin gây nhiễu.

Tài liệu tham khảo:

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu