Chiến lược đọc dự đoán dành cho học viên trình độ tiền trung cấp (Pre-Intermediate) khi đọc các đoạn văn IELTS
Kỹ năng đọc hiểu là một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong kỳ thi IELTS. Đối với những người học ở trình độ tiền trung cấp (Pre-intermediate), việc sử dụng các chiến lược đọc dự đoán không chỉ giúp người học hiểu nội dung bài tốt hơn mà còn giúp cải thiện điểm số trong kỳ thi IELTS. Bài viết này sẽ giới thiệu một số chiến lược đọc dự đoán hữu ích, tập trung vào phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning) đối với đối tượng người học trình độ tiền trung cấp.
Key takeaways |
---|
Học viên trình độ tiền trung cấp (A2 Pre-intermediate) đã làm chủ các kiến thức cơ bản của tiếng Anh nhưng còn hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác. Những học viên này cần có chiến lược học tập phù hợp ngay cả trong kỹ năng đọc hiểu. Lợi ích của chiến lược đọc dự đoán đối với học viên trình độ tiền trung cấp:
Vấn đề của học viên trình độ tiền trung cấp đối mặt trong việc đọc dự đoán:
Các chiến lược đọc dự đoán cho học viên trình độ tiền trung cấp:
Các bước cụ thể để áp dụng đọc dự đoán trong IELTS Reading:
|
Người học trình độ tiền trung cấp
Người học trình độ tiền trung cấp (Pre-intermediate learners - A2) ở cấp độ thứ hai trong Khung Tham chiếu Chung Châu Âu (CEFR), một định nghĩa về các cấp độ ngôn ngữ được đưa ra bởi Hội đồng Châu Âu. Ở cấp độ này, người học đã làm chủ các kiến thức cơ bản của tiếng Anh và có thể giao tiếp những nhu cầu đơn giản một cách cơ bản. Người học thường có vốn từ vựng và ngữ pháp cơ bản, và còn hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác.
Đối với người học Pre-intermediate, có chiến lược học tập riêng phù hợp là điều cần thiết để phát huy tốt hơn. Việc tùy chỉnh nội dung và phương pháp học tập dựa trên nhu cầu, sở thích và tốc độ học của từng học viên giúp tăng động lực và hiệu quả học tập.
Học tập cá nhân hóa trong Reading
Các phương pháp và chiến lược học tập cá nhân hóa (Personalized Learning) có vai trò quan trọng để đáp ứng các mức độ năng lực khác nhau của học sinh trong kỹ năng Reading và nâng cao kỹ năng đọc hiểu của họ. Nghiên cứu của RAND Corporation đã cho thấy học sinh trong các trường sử dụng các phương pháp học tập cá nhân hóa đã tiến bộ hơn trong Reading so với các bạn cùng trang lứa trong các môi trường học truyền thống. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng "students with lower starting achievement experienced greater growth rates" (Pane và cộng sự, 2015). Hơn nữa, Ellis nhấn mạnh rằng cá nhân hóa không chỉ tăng cường sự tham gia mà còn giúp hiểu sâu hơn về tài liệu đọc, làm cho phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với học sinh ở các cấp độ thông thạo khác nhau (Ellis, 2009).
Một cách cụ thể, học tập cá nhân hóa trong đọc hiểu có thể bao gồm việc sử dụng các tài liệu đọc phù hợp với sở thích và trình độ của học sinh, cung cấp phản hồi kịp thời và chi tiết, và thiết kế các bài tập theo phong cách học tập của từng cá nhân. Ví dụ, học sinh có thể được giao các bài đọc về các chủ đề họ yêu thích, như khoa học, nghệ thuật, hoặc lịch sử, để tăng cường sự hứng thú và động lực học tập. Giáo viên có thể sử dụng các công cụ công nghệ để theo dõi tiến độ học tập của học sinh và điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp.
Bên cạnh đó, việc cá nhân hóa học tập còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng tự học, tự quản lý thời gian và tự đánh giá tiến độ học tập của mình. Những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong việc học đọc hiểu mà còn giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi như IELTS. Cá nhân hóa học tập còn tạo điều kiện để học sinh nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó xây dựng chiến lược học tập hiệu quả hơn.
Bài viết này tập trung vào chiến lược đọc dự đoán (Predictive Reading Strategies) dành riêng cho người học ở trình độ Pre-intermediate. Những chiến lược này sẽ được phân tích chi tiết nhằm giúp người học tận dụng tối đa phương pháp cá nhân hóa để nâng cao kỹ năng đọc hiểu, cải thiện kết quả học tập và tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Tầm quan trọng của chiến lược đọc dự đoán đối với học viên trình độ tiền trung cấp
Cải thiện kỹ năng suy luận và phân tích:
Dự đoán nội dung giúp người đọc phát triển kỹ năng suy luận và phân tích, bởi vì người đọc phải sử dụng kiến thức nền tảng và các manh mối ngữ cảnh để đưa ra các giả thuyết về nội dung sắp tới, và sau đó tư duy và phân tích thông tin đọc được một cách chủ động. Từ đó nâng cao khả năng hiểu và nắm bắt ý chính của đoạn văn.
Tăng cường khả năng ghi nhớ từ vựng hoặc kiến thức mới:
Khi học viên dự đoán nội dung, họ sẽ phải liên kết các thông tin đã biết với các thông tin mới, từ đó giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề.
Trong cuốn sách "Teaching and Researching Reading", Grabe và Stoller (2011) bàn luận về tầm quan trọng của các chiến lược trước khi đọc, chẳng hạn như dự đoán. Việc dự đoán giúp người học thiết lập một khung kiến thức cơ bản, giúp người học dễ dàng nắm bắt và liên kết thông tin mới khi đọc. Cụ thể, tác giả nhấn mạnh rằng việc dự đoán trước khi đọc kích hoạt kiến thức nền tảng và đặt ra mục đích cho việc đọc, từ đó nâng cao khả năng hiểu và giữ lại thông tin mới.
Tăng cường khả năng tập trung khi đọc:
Khi dự đoán nội dung của đoạn văn, người đọc sẽ cần phải tập trung hơn vào việc tìm kiếm các manh mối và từ khóa liên quan. Điều này không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung mà còn giúp tăng cường khả năng tập trung trong suốt quá trình đọc.
Tăng cường tự tin:
Khi người đọc Pre-intermediate đã quen với việc dự đoán, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với các đoạn văn phức tạp. Điều này giúp giảm bớt căng thẳng và áp lực trong quá trình thi cử.
Xác định các vấn đề học viên trình độ tiền trung cấp đối mặt trong việc đọc dự đoán
Vốn từ vựng hạn chế: Người học thường gặp khó khăn với các từ vựng mới và phức tạp, làm giảm khả năng hiểu bài đọc. Trong Cambridge English Insights, Jack Richards đã khám phá ra những thách thức mà học sinh phải đối mặt khi chuyển từ trình độ trung cấp thấp lên trung cấp cao (lower-intermediate to upper-intermediate levels). Ông đề cập rằng những người học này thường có vốn từ vựng hạn chế. Điều này sẽ cản trở người học tiền trung cấp trong các bài đọc IELTS, khi mà các từ vựng học thuật và chuyên ngành xuất hiện khá thường xuyên.
Nhận diện từ khóa và manh mối: Các từ khóa và manh mối thường là những từ hoặc cụm từ mang ý nghĩa quan trọng và xuất hiện nhiều lần trong đoạn văn. Nhiều người học cấp độ Pre-intermediate còn gặp vấn đề với các cấu trúc câu dài và phức tạp trong bài đọc, vì thế sẽ thấy khó khăn trong việc nhận diện các từ khóa và manh mối quan trọng trong những câu dài này, mà chúng lại cần thiết để dự đoán cũng như hiểu chính xác hàm ý tác giả (Paul Nation, 2001).
Suy luận và liên kết thông tin: Người học ở trình độ Pre-intermediate có thể gặp khó khăn trong việc liên kết các câu hoặc đoạn văn để hình thành một hiểu biết mạch lạc về văn bản. Điều này là do họ thường tiêu tốn quá nhiều tài nguyên nhận thức của mình (Cognitive Resources) để hiểu các từ riêng lẻ, dẫn đến việc khả năng tích hợp thông tin ở cấp độ câu hoặc đoạn kém hơn. Họ có khuynh hướng tập trung nhiều hơn vào việc giải mã nghĩa từ vựng riêng lẻ thay vì liên hệ các ý tưởng xuyên suốt các câu và đoạn văn (Hall et al., 2017; Lesaux et al., 2014; Spencer & Wagner, 2017).
Định hướng khi đọc bài: Nhiều người học cũng sẽ thiếu chiến lược học tập phù hợp, và điều này làm giảm hiệu quả trong việc đọc hiểu và dự đoán. Chẳng hạn như bắt đầu bằng việc dung nạp nhiều nguồn tài liệu Reading quá khó, không phù hợp với trình độ bản thân. Hoặc một số người học làm bài đọc hiểu chưa có chiến lược hiệu quả, đặc biệt là đối với những bài thi có giới hạn thời gian như IELTS Reading.
Các chiến lược đọc dự đoán cho học viên trình độ tiền trung cấp
1) Chiến lược đoán nội dung chính dựa vào từ khóa quan trọng
Người học tiền trung cấp sẽ ít có khả năng hiểu hết được cả câu trong các bài đọc Reading IELTS vì từ vựng và cấu trúc. Lúc này, song song với việc liên tục trau dồi vốn ngôn ngữ, người học cũng cần rèn luyện khả năng nhận diện thông tin quan trọng của câu nằm ở đâu. Cụ thể:
Đối với câu đơn, thông tin quan trọng sẽ nằm ở phần S (chủ ngữ) và V chính (động từ chính) của mệnh đề, nếu mệnh đề có thêm các thành phần phụ như tân ngữ, trạng ngữ, người học cần tập trung vào các danh từ chính, tính từ, các phần to V, V-ing.
Ví dụ câu đơn: “Celestial bodies, such as the sun, moon, and stars, are fascinating.” có ý chính nằm ở các từ “Celestial bodies, is fascinating.”
Đối với câu ghép, người học cần chú ý vào thông tin quan trọng của mệnh đề 1, từ nối, và thông tin quan trọng của mệnh đề 2.
Ví dụ câu ghép: “The hurricane caused devastation, and it left the area completely destroyed.” có ý chính nằm ở các từ “hurricane, caused, devastation, and, it, left, area, destroyed”
Đối với câu phức, người học cần xác định mệnh đề chính và tập trung hơn vào thông tin quan trọng của nó.
Ví dụ câu phức: “Photosynthesis, which is the process plants use to make food, is vital.” có ý chính nằm ở các từ “Photosynthesis, is vital”.
Ôn lại kiến thức về danh từ chính, động từ chính, nội dung chính câu ghép và câu phức ở đây:
2) Chiến lược dự đoán từ mới
Để không bị nản chí bởi nhiều từ vựng mới, người học ở trình độ này cần thiết phải trang bị cho bản thân khả năng phân tích thành phần từ vựng và thành phần ngữ pháp của câu.
Dự đoán dựa vào cấu tạo từ vựng: Người học cần nắm bản chất rằng từ vựng tiếng Anh được cấu thành từ gốc từ và các phụ tố bao gồm tiền tố và hậu tố. Gốc từ đóng vai trò trung tâm, giữ ý nghĩa cốt lõi của từ vựng; tiền tố thêm vào phía trước gốc từ sẽ ảnh hưởng nét nghĩa của gốc từ (tăng thêm mức độ, phủ định, v.v); phụ tố là phần được thêm vào cuối từ và thường sẽ giúp người học nhận diện từ loại của từ vựng (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ).
Việc nắm nghĩa các tiền tố và hậu tố thường gặp sẽ trang bị cho người học trình độ tiền trung cấp nền tảng, đây sẽ là một khởi đầu để giúp việc đọc hiểu trở nên không còn quá áp lực ở phương diện từ vựng.
Ví dụ: Người học có thể dự đoán nghĩa của “oversimplified” trong cụm từ “an oversimplified view” bằng cách phân tích cấu tạo của từ vựng. Cụ thể, từ này có gốc simple (nghĩa là “đơn giản”, đây là từ vựng mà nhiều người học ở bậc A2 đều biết), tiền tố over- nghĩa là “quá”, hậu tố -ed có thể thường được người học A2 dịch là “được” -> Ghép lại ta được “một góc nhìn bị đơn giản quá”, nghĩa này đã tương đối chính xác.
Người học có thể tìm hiểu thêm về gốc từ, tiền tố và hậu tố ở bài viết sau:
Áp dụng kiến thức về gốc từ – tiền tố – hậu tố để đoán nghĩa từ mới trong bài thi IELTS Reading
Dự đoán dựa vào cấu trúc ngữ pháp của câu: Nhìn vào cấu trúc câu, người học có thể tìm xem trong câu có định nghĩa, ví dụ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, hoặc dấu hiệu ngữ cảnh không, từ đó dự đoán nghĩa của từ vựng. Các ví dụ chứng minh ngữ pháp có vai trò trong việc dự đoán từ vựng bao gồm:
“Photosynthesis, which is the process plants use to make food, is vital.” -> dựa vào kiến thức về mệnh đề quan hệ which is, người học sẽ nhận ra được đây là định nghĩa của từ vựng Photosynthesis phía trước, và phần nào hiểu được rằng Photosynthesis là thuật ngữ chỉ quá trình của cây, khi cây tạo ra đồ ăn cho bản thân chúng.
“The hurricane caused devastation, and it left the area completely destroyed.” -> dựa vào kiến thức về cấu trúc “and”, người học sẽ đoán được rằng nét nghĩa của từ “destroyed” và “devastation” tương đồng nhau.
“Unlike his gregarious brother who make friends easily, Mark is quite reticent.” -> dựa vào kiến thức về cấu trúc unlike, người học mới có thể đoán rằng “gregarious” và “reticent” trái nghĩa nhau; cũng dựa vào kiến thức về mệnh đề quan hệ “who make friends easily”, người học sẽ đoán được rằng gregarious chỉ tính cách dễ kết bạn, có thể là người hòa đồng thân thiện, vậy thì “reticent” sẽ ngược lại.
"Celestial bodies, such as the sun, moon, and stars, are fascinating." -> dựa vào kiến thức về cấu trúc such as là để liệt kê ví dụ cho cái đứng trước, người học sẽ đoán được rằng celestial bodies (bao gồm trái đất, mặt trăng và ngôi sao) có thể là các đối tượng trong không gian, là thuật ngữ thiên văn.
"She felt elated after hearing the good news, a feeling she rarely experienced." -> dựa vào kiến thức ngữ pháp, người học hiểu được ngữ cảnh câu này; nó mô tả lại cảm xúc “elated” của cô gái sau khi nghe tin tốt. Từ ngữ cảnh này, người học hoàn toàn có thể dự đoán rằng từ “elated” mang nghĩa tích cực.
3) Chiến lược liên kết dựa vào các thiết bị kết nối và tham chiếu trong đoạn văn
Các thiết bị kết nối (cohesive devices) như "however," "therefore," "furthermore," và "in addition" giúp liên kết các ý tưởng trong đoạn văn. Nhận diện và hiểu các thiết bị này có thể giúp người học dự đoán nội dung tiếp theo của đoạn văn và xác định mối quan hệ giữa các phần thông tin.
Ví dụ cụ thể: Khi gặp từ "however" trong một đoạn văn, học viên có thể dự đoán rằng thông tin tiếp theo sẽ trái ngược ý trước đó.
Tham chiếu (referencing) là việc sử dụng các từ như "it," "they," "this," "that" để chỉ đến các từ hoặc cụm từ đã được đề cập trước đó trong đoạn văn. Nhận diện và hiểu các từ tham chiếu giúp học viên kết nối các thông tin và duy trì sự liền mạch trong quá trình đọc.
Ví dụ: Nếu một đoạn văn nói về "solar energy" và sau đó sử dụng từ "it," học viên có thể dự đoán rằng "it" chỉ "solar energy" và thông tin tiếp theo sẽ liên quan đến năng lượng mặt trời.
4) Chiến lược phân biệt thông tin tổng quan và thông tin cụ thể
Trong quá trình ôn luyện IELTS Reading, việc phân biệt giữa thông tin tổng quan (general information) và thông tin cụ thể (specific information) là một chiến lược dự đoán quan trọng giúp người học trình độ tiền trung cấp nâng cao kỹ năng đọc hiểu của mình. Thông tin tổng quan thường được sử dụng trong các câu hỏi và tiêu đề, trong khi thông tin cụ thể tương ứng sẽ thường xuất hiện trong nội dung bài văn.
Ví dụ, trong câu hỏi đề cập “a range of water sources”, nhưng trong bài đọc sẽ đề cập “rivers, lakes” (như trong bài đọc The Desolenator: Producing Clean Water, Cambridge IELTS Practice Test 15 - Test 3 - Passage 2).
Trong các từ “table, bookcase, furniture, cupboard, bed”, từ tổng quan là “furniture”, và nó sẽ là từ xuất hiện trong câu hỏi, người học cần có sự dự đoán rằng trong bài đọc sẽ có thể xuất hiện phiên bản cụ thể của “furniture”, chẳng hạn như “table, bookcase, cupboard, bed”.
Trong cuốn sách IELTS Reading Skills: A Guide for Students, Pauline Cullen đã cung cấp những lời khuyên thực tiễn về việc cần thiết phải liên kết được thông tin tổng quát trong các câu hỏi với các chi tiết cụ thể trong văn bản, giúp người học cải thiện các chiến lược đọc của họ cho kỳ thi IELTS.
5) Chiến lược đặt mình vào vị trí người viết
Việc "đóng vai" như một nhà văn đòi hỏi người học hình dung trước về ý định và cấu trúc của văn bản. Bằng cách đặt mình vào vị trí của người viết, người học có thể dự đoán nội dung và mục tiêu của văn bản, từ đó cải thiện khả năng hiểu và liên kết thông tin.
Ví dụ: Khi gặp bài đọc với tiêu đề "The Future of Renewable Energy", người học nên ngay lập tức đặt mình vào vị trí người viết và tưởng tượng bây giờ bản thân cần viết một bài với tiêu đề như vậy, người học sẽ nghĩ đến việc viết về các loại năng lượng tái tạo, sau đó lợi ích của chúng trong tương lai, hoặc bất cập gặp phải trong tương lai.
Nếu người học thực hiện chiến lược này một cách thường xuyên, nó có thể trở thành bản năng, tức là những dự đoán sẽ lướt qua trong đầu người học, không hề tốn nhiều thời gian.
Các bước cụ thể để áp dụng chiến lược đọc dự đoán cho người học tiền trung cấp
Bước 1: Phân tích tiêu đề bài đọc
Đọc kỹ tiêu đề, phần mở đầu (in nghiêng dưới tiêu đề) và các tiêu đề phụ của mỗi phần (nếu có) để hiểu được chủ đề chính của bài văn.
Ví dụ:
Khi gặp tiêu đề "The Future of Renewable Energy", bằng việc đặt mình vào vị trí nhà văn, người học có thể dự đoán rằng các đoạn văn trong bài có thể giới thiệu các loại năng lượng tái tạo, sau đó lợi ích của chúng trong tương lai, hoặc bất cập gặp phải trong tương lai.
Khi gặp tiêu đề “The Desolenator: Producing Clean Water”, bằng việc đặt mình vào vị trí nhà văn, người học có thể dự đoán rằng các đoạn văn trong bài có thể giới thiệu Desolenator là hệ thống hoặc thiết bị làm sạch nước, nó được tạo ra như thế nào bởi ai, sử dụng ở đâu, cấu tạo ra sao.
Bước 2: Đọc trước các câu hỏi
Như đã trình bày trong phần trước, thông tin tổng quan thường xuất hiện trong câu hỏi và thông tin cụ thể tương ứng sẽ xuất hiện trong bài đọc. Vì vậy việc đọc câu hỏi trước thay vì đọc thẳng passage giúp người đọc biết mình cần tìm những thông tin gì.
Hơn nữa, đối với bài đọc IELTS Reading, nếu đọc câu hỏi trước, người đọc có thể dự đoán được luôn nội dung bài viết, từ đó xác nhận lại những dự đoán trước đó từ tiêu đề.
Ví dụ, phần câu hỏi của bài đọc “The Desolenator: Producing Clean Water” có:
Question 1-7
Reading Passage has nine paragraphs, A-H
Choose the correct heading for each section from the list of headings below
Write the correct number, i-x, in boxes on your answer sheet.
List of Headings
I Getting the finance for production
II An unexpected benefit
III From initial inspiration to new product
IV The range of potential customers for the device
V What makes the device different from alternatives
VI Cleaning water from a range of sources
VII Overcoming production difficulties
VIII Profit not the primary goal
IX A warm welcome for the device
X The number of people affected by water shortages
Question 8-13
Complete the summary below.
Choose ONE WORD ONLY from the passage for each answer.
Write your answers in boxes on your answer sheet.
How the Desolenator works
The energy required to operate the Desolenator comes from sunlight. The device can be used in different locations, as it has (8) ……. Water is fed into a pipe, and a (9) …….. of water flows over a solar panel. The water then enters a boiler, where it turns into steam. Any particles in the water are caught in a (10) ……….. The purified water comes out through one tube, and all types of (11) ………… come out through another. A screen displays the (12) ……… of the device, and transmits the information to the company so that they know when the Desolenator requires (13) ……..
Dựa vào đề bài phần nối tiêu đề, ta có được các thông tin có thể xuất hiện trong bài đọc gồm:
I. Đạt được tài chính cho sản xuất
II. Một lợi ích bất ngờ
III. Từ nguồn cảm hứng ban đầu đến sản phẩm mới
IV. Phạm vi khách hàng tiềm năng cho thiết bị
V. Điều gì làm cho thiết bị khác biệt so với các lựa chọn thay thế
VI. Làm sạch nước từ nhiều nguồn khác nhau
VII. Khắc phục những khó khăn trong sản xuất
VIII. Lợi nhuận không phải là mục tiêu chính
IX. Một sự đón nhận nồng nhiệt cho thiết bị
X. Số lượng người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước
Và phần điền từ với nội dung “How the Desolenator works”, vậy chắc chắn sẽ có đoạn nói về cách thức hoạt động của thiết bị Desolenator.
=> Lúc này, người học sẽ tự tin hơn rằng bài viết có thể sẽ trình bày từ khâu cảm hứng, cách hoạt động, chức năng của thiết bị, phạm vi khách hàng, điểm tốt của thiết bị Desolenator. Sau đó, khi bắt tay vào đọc nội dung bài đọc, người học sẽ cần liên hệ xem đoạn nào viết về ý nào.
Bước 3: Dự đoán khi đọc nội dung đoạn văn
Trước khi đọc một đoạn văn, người học nên nhìn nhanh qua cả đoạn để xác định đoạn văn khoảng bao nhiêu câu, có xuất hiện cohesive devices nào không.
Sau khi đọc một câu hoặc một đoạn, hãy dừng lại và dự đoán xem nội dung tiếp theo sẽ nói về điều gì. Chẳng hạn sau khi đọc một đoạn về lợi ích của năng lượng mặt trời, dự đoán rằng đoạn tiếp theo có thể đề cập đến nhược điểm hoặc thách thức của việc sử dụng năng lượng mặt trời. Sau mỗi lần dự đoán đúng, người học sẽ củng cố liên kết ý mà mình đã hiểu; sau mỗi lần dự đoán sai, người học rút kinh nghiệm và cần cố gắng liên kết lại ý mới với ý đã đọc.
Ví dụ khi bắt tay vào đọc đoạn đầu tiên của bài “The Desolenator: Producing Clean Water”:
“Traveling around Thailand in the 1990s, William Janssen was impressed with the basic rooftop solar heating systems that were on many homes, where energy from the sun was absorbed by a plate and then used to heat water for domestic use. Two decades later, Janssen developed that basic idea he saw in Southeast Asia into a portable device that uses the power from the sun to purify water.”
Nhìn sơ qua đoạn này chỉ có hai câu, kết nối với nhau bằng cụm “Two decades later” -> thể hiện trình tự thời gian.
Sau khi hiểu nội dung câu đầu tiên (William Janssen bị ấn tượng bởi một basic rooftop solar heating systems). Người học dừng lại để dự đoán xem thời gian sau đó, chuyện gì có thể xảy ra, liệu rằng ông ấy có mua lại sản phẩm.
Đọc tiếp câu tiếp theo, người đọc có được thông tin “Janssen developed that basic idea, into a portable device” (bỏ qua các mệnh đề quan hệ that vì dự đoán rằng chúng chỉ bổ sung thông tin phụ) - “Janssen phát triển ý tưởng đơn giản đó, thành một thiết bị”, lúc này người đọc cần liên kết tham chiếu “that basic idea” với “basic rooftop solar heating systems” ở câu trước.
Nội dung đoạn này khớp với ý “Từ nguồn cảm hứng ban đầu đến sản phẩm mới” trong phần câu hỏi.
Từ vựng “portable” ở đây cũng có thể được dự đoán là tính từ với nghĩa tích cực, dựa vào ngữ cảnh của câu (bị ấn tượng, phát triển thành).
Sau đoạn này, người học dự đoán tiếp rằng đoạn sau có thể mô tả chi tiết cấu tạo thiết bị.
Bước 4: Xác nhận và sửa chữa sau khi đọc
Sau khi đọc xong một bài đọc, người đọc nên so sánh những gì bản thân dự đoán với nội dung thực tế của các đoạn văn. Nếu có thiếu sót trong khâu dự đoán, người học sẽ có cơ hội xem lại lý do dự đoán sai và điều chỉnh cách suy luận của mình.
Bài viết tập trung vào chiến lược đọc dự đoán cho người học trình độ tiền trung cấp, giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu và tự tin hơn khi thi IELTS. Bằng cách cá nhân hóa học tập và áp dụng các chiến lược dự đoán nội dung, học viên có thể nâng cao hiệu quả học tập và ghi nhớ từ vựng, đồng thời phát triển khả năng suy luận và phân tích.
Trích dẫn
Pane, John F., et al. "Informing Progress: Insights on Personalized Learning Implementation and Effects." RAND Corporation, 2015.
Ellis, Rod. "Second Language Acquisition." Oxford University Press, 2009.
Grabe, William, and Fredricka L. Stoller. "Teaching and Researching Reading." Routledge, 2011.
Richards, Jack. "Cambridge English Insights." Cambridge University Press, 2017.
Cullen, Pauline. "IELTS Reading Skills: A Guide for Students." Cambridge University Press, 2020.
"A2 Pre-intermediate." LearnEnglish, learnenglish.britishcouncil.org/english-levels/understand-your-english-level/a2-pre-intermediate.
Bình luận - Hỏi đáp