Banner background

Chuẩn bị tâm lý trước khi thi IELTS thế nào cho tốt?

Bài nghiên cứu học thuật này nhắm tới việc tìm hiểu những nguyên nhân chính cho hiện tượng này, cũng như đề xuất ra những hướng giải pháp khắc phục các vấn đề tâm lý trước khi thi IELTS.
chuan bi tam ly truoc khi thi ielts the nao cho tot

Mình đã chuẩn bị đầy đủ rồi. Mình đã ôn hết những chủ đề forecast rồi. Mình phải làm được.

Đã bao lần những dòng suy nghĩ trên xuất hiện trong tâm trí thí sinh trong giờ kiểm tra, được nhẩm đi nhẩm lại như một câu thần chú cho sự tự trấn an; và cũng đã có bao nhiêu lần chúng phản tác dụng và làm khơi dậy nên một sự ngờ vực, nhấn chìm thí sinh trong sự lo âu, run rẩy. Trải nghiệm tâm lý trước khi thi IELTS này, chắc không là xa lạ với nhiều người trong khung thời gian kiểm tra và là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến hiệu suất của thí sinh, dẫn đến một kết quả thấp hơn dự tính, chênh lệch so với mức độ chuẩn bị của thí sinh. Bài nghiên cứu học thuật này nhắm tới việc tìm hiểu những nguyên nhân chính cho hiện tượng này, cũng như đề xuất ra những hướng giải pháp khắc phục các vấn đề tâm lý trước khi thi IELTS.

Chứng lo âu thi cử là gì?  

chung-lo-au-thi-cuChứng lo âu thi cử

Chứng lo âu thi cử là một loại lo âu về hiệu suất làm việc, xảy ra khi thí sinh có cảm giác lo âu và căng thẳng trong lúc làm bài kiểm tra. Nói một cách cụ thể hơn, khi có một áp lực đè nặng lên kết quả – thứ yêu cầu một hiệu suất tốt, thì sự lo lắng và hoài nghi sẽ trở nên nặng nề hơn đối với thí sinh trong những trường hợp này.

Hầu hết mọi người ai cũng sẽ gặp phải áp lực ở một mức độ ít nhiều trong khi làm kiểm tra. Khi chứng lo âu thi cử xảy ra, mức áp lực vượt khỏi tầm kiểm soát và sẽ dẫn đến những quá trình nhận thức, tập trung của thí sinh bị gián đoạn. Từ đó, hiệu suất làm bài của thí sinh sẽ bị ảnh hưởng do tâm lý trước khi thi IELTS.

Mức độ nghiêm trọng của chứng lo âu kiểm tra có thể khác nhau theo tuỳ người và tuỳ theo tầm quan trọng của bài kiểm tra. Vài người sẽ có thể cảm thấy một sự kích thích vừa phải về mặt tinh thần và các giác quan của họ, cần thiết để họ giữ tỉnh táo trong khi sẽ có vài người lại thấy khó khăn trong việc tập trung vào bài kiểm tra. 

Chứng lo âu thi cử ảnh hưởng hiệu suất làm bài như thế nào

Trong một nghiên cứu kinh điển về chủ đề này, Yerkes và Dodson (1908) đã chỉ ra rằng một mức độ vừa phải của sự lo lắng (khi tinh thần trở nên cảnh giác và các giác quan nhạy hơn thông thường cho việc tập trung cao độ) có thể dẫn đến một hiệu suất làm việc tối để. Quy luật này (được gọi là “Quy luật Yerkes-Dodson”) được thể hiện qua biểu đồ sau: 

Quy-luat-Yerkes-DodsonQuy luật Yerkes-Dodson

Kết quả của nghiên cứu này tới ngày nay vẫn được chấp nhận và sử dụng rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu, tâm lý học cho chủ đề đang bàn tới. Để giải thích cho biểu đồ trên, hiệu suất có thể giảm đáng kể khi mức độ lo lắng trở nên quá thấp hoặc quá cao. Do trường hợp lo lắng ở mức độ quá thấp ít khi xảy ra, nên bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào những trường hợp ngược lại.

Đối với các phần việc đơn giản, sư lo lắng có thể giúp thí sinh cải thiện hiệu suất làm bài. Ngược lại, khi những phần việc tăng dần độ khó và phức tạp, mức độ lo lắng tăng cao sẽ can thiệp vào việc thực hiện. Tâm lý trước khi thi IELTS có thể khiến thí sinh thấy khó để tập trung và nhớ lại những nội dung mà mình đã chuẩn bị trước đó.

Những hành vi phát sinh từ chứng lo âu thi cử

Khi chịu ảnh hưởng của chứng lo âu thi cử, thí sinh sẽ có khuynh hướng thực hiện những hành động dư thừa, gây can thiệp vào quá trình làm bài. Những hành động trên có thể là việc liên tục kiểm tra lại những đáp án, quan tâm quá nhiều về lượng thời gian còn lại, tay chân cựa quậy, di chuyển nhiều một cách không cần thiết, v.v. Ngoài ra, việc mất đi khả năng tập trung hoặc không nhớ lại được thông tin sẽ gây ra nhiều lo lắng và căng thẳng hơn cho thí sinh; dẫn đến việc không hoàn thành xong bài kiểm tra do thiếu sự chú ý. 

Nguyên dân dẫn đến chứng lo âu thi cử

nguyen-nhan-lo-auNguyên dân dẫn đến chứng lo âu thi cử

Khi phải đối mặt với một tình thế căng thẳng mang nhiều áp lực, phản ứng sinh học tự nhiên của cơ thể là sẽ tiết ra adrenaline, có tác dụng giúp thí sinh đương đầu với sự nguy hiểm trước mắt. Một lượng adrenaline lớn khi được giải phóng đột ngột sẽ dẫn đến tình trạng lo lắng bồn chồn, được thể hiện qua các biểu hiện như tim đập nhanh,  đổ mồ hơi, run rẩy tay chân, v.v.  

Cơ chế phản ứng này có thể xảy ra khi các thi sinh coi bài kiểm tra (và kết quả của nó) như là một sự đe doạ đến giá trị, cái tôi, hoặc tình trạng an yên của bản thân. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến chứng lo âu thi cử. 

Khi xem xét việc này kĩ hơn, đặc biệt là trong ngữ cảnh giáo dục, nguyên nhân này được hình thành từ những tác nhận chủ quan và khách quan như sau: 

Tác nhận chủ quan

Xuất phát từ tình trạng cá nhân của  thí sinh, bao gồm những yếu tố như sau:

  • Sự thiếu chuẩn bị: nếu như thí sinh chưa ôn tập kỹ hoặc chỉ “học tủ”, điều này có thể khiến sự lo âu trước và trong thời gian kiểm tra trở nên tệ hơn. Trong những trường hợp trên, thí sinh có thể có xu hướng chỉ nghĩ tới những nội dung chưa bao phủ trong phạm vi ôn tập, dẫn đến sự cố gắng vô ích để nhớ lại những nội dung đó. Khi họ dần nhận ra rằng điều này không khả thi, tâm trí của họ sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi sư lo âu, hoặc là sự tuyệt vọng trong vài trường hợp tệ hơn.

  • Một lược sử kiểm tra chưa được tốt: một chuỗi những lần làm bài kiểm tra không tốt có thể để lại vết hằn tâm lý trước khi thi IELTS cho thí sinh, khiến cho thí sinh trở nên lo sợ rằng sự thất bại tương tự có thể xảy ra một lần nữa trong kỳ thi tiếp theo. Tệ hơn cả, điều này có thể biến chứng lo âu kiểm tra thành một vòng tròn luẩn quẩn. Sau nhiều lần chịu đựng như vậy, học sinh có thể bắt đầu cảm thấy rằng họ không có khả năng thay đổi tình hình.

  • Xem bài kiểm tra như một thước đo giá trị:  khi thí sinh định mức giá trị bản thân mình và những người xung quanh dựa trên điểm số của bài kiểm tra, sẽ có khả năng là họ đặt một tầm quan trọng lớn lên điểm số, vì nó phản ánh giá trị bản thân họ. Nếu những thí sinh như vậy không chuẩn bị kỹ cho bài kiểm tra, họ có khả năng sẽ trở thành nạn nhân của chứng lo âu thi cử

  • Sự tự tin: đây chính là mức độ tự tin của thí sinh trong khả năng làm bài của bản thân-  liệu họ thực sự tin rằng mình có đủ khả năng để thực hiện tốt bài kiểm tra hay không. Ví dụ, nếu một thí sinh tin rằng họ khó có thể nào làm được những dạng câu hỏi khó, đặc biệt trong một bài kiểm tra, họ sẽ có khuynh hướng trở nên lo lắng trong thời điểm trước và trong lúc làm bài kiểm tra.

Tác nhân khách quan 

Thông thường, yếu tố khách quan gây ra chứng lo âu thi cử là sự kỳ vọng được tạo ra bởi những yếu tố bên ngoài như là mong đợi đến từ gia đình, công việc, và thí sinh thường được kỳ vọng là phải đạt được mục tiêu đó. Khi thí sinh nghĩ mình không thể đạt được kỳ vọng, điều này có thể dẫn đến sự lo âu trong thi cử. 

Những chiến lược cho việc vượt qua chứng lo âu thi cử

Mặc dù chứng lo âu thi cử gây ra nhiều căng thẳng cho những thí sinh đang trực tiếp trải nghiệm nó, đây lại là một điều rất đỗi bình thường. Sự lo âu và lo lắng là những phản ứng hoàn toàn tự nhiên trước áp lực. Dù ta không thể ngăn chặn những cảm xúc này xảy ra trong bản thân, nhưng ta vẫn luôn có thể chọn cách để hạn chế mặt tiêu cực của chúng. Sau đây là những chiến lược giúp thí sinh vượt qua chứng lo âu kiểm tra của mình:

Tập trung vào thời điểm hiện tại

Thí sinh cần phải chú tâm tiếp cận, phân tích và trả lời từng yêu cầu, câu hỏi một cách chắc chắn, sau đó làm tương tự với các câu tiếp theo, và hạn chế việc nhìn lại. Đây có thể là điều quan trọng nhất trong quá trình làm bài kiểm tra mà thí sinh cần lưu ý. 

Ví dụ, giả sử như có những câu hỏi Reading khó mà thí sinh sẽ chưa trả lời liền được. Trong trường hợp này, thí sinh nên để những câu hỏi này lại sang một bên và tập trung hoàn thành những câu hỏi khác. Việc cứ phân vân, vấn vương về những câu hỏi đang được dang dở sẽ nhiều khi ảnh hưởng tới độ tập trung của thí sinh trong việc trả lời những câu hỏi sau, dẫn đến những đáp án thiếu chính xác.

Tuy thi thoảng thí sinh sẽ cần có một cái nhìn tổng quát lại về quá trình làm bài của mình, nhưng việc liên tục nhìn bài kiểm tra đang làm dở có thể sẽ đặt áp lực tâm lý lên thí sinh. Ngoài ra, thí sinh hãy đặt sang một bên những suy nghĩ ngoài lề như điều gì sẽ xảy ra trong tương lai sau khi biết kết quả, hoặc liệu những thí sinh khác trong phòng có đang làm bài tốt hơn mình hay không, v.v. Trong thời điểm làm kiểm tra, chỉ có 2 thứ quan trong nhất: đó là yêu cầu của bài kiểm tra và cách mà thí sinh có thể tận dụng năng lực của mình để trả lời chúng.

Hoàn thiện vẫn tốt hơn là hoàn hảo

Thí sinh cần phải tránh cạm bẫy của sự hoàn hảo. Việc bắt đầu với kỳ vọng rằng có thể chinh phục hết các câu hỏi hoặc đáp ứng đủ hết các tiêu chí đánh giá sẽ có thể gây nhiều áp lực cho thí sinh. Thay vì vậy, thí sinh hãy hướng tới việc hoàn thành bài kiểm tra của mình, từng câu hỏi/ tiêu chí một. Những chỗ khó có thể để lại đến cuối một khi những phần nội dung chính đã được trả lời. 

Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực trong đầu

Việc mang những suy nghĩ tự đánh bại bản thân như “Mình không thể làm được”, “Mình chưa ôn chủ đề này” thật sự không giúp ích gì được cho thí sinh trong việc làm bài kiểm tra. Thay vì ngờ vực thực lực của mình hay trở nên bi quan về kết quả cuối cùng chỉ vì không làm được vài câu hỏi, thí sinh hãy tập trung vào những câu hỏi/ phần việc còn lại mà vẫn còn nằm trong năng lực của mình để tối đa hoá điểm số.

Ví dụ, giả sử như nếu thí sinh bỏ lỡ nhiều câu nghe trong một phần của bài thi nghe, thí sinh nên di chuyển liền qua các câu hỏi tiếp theo ngay sau đó và tránh để những câu hỏi bị bỏ lỡ làm liên luỵ tới những câu hỏi mình vẫn còn có thể làm được. 

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc trước ngày kiểm tra

Điều này sẵn đủ rõ ràng và hiển nhiên. Sự mệt mỏi và thiếu nghỉ ngơi thường sẽ khiến cho thí sinh có thiên hướng về những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực khi đối mặt với áp lực.

Ôn tập và chuẩn bị thật kỹ. 

Thí sinh cần phải có một kế hoạch ôn tập hợp lý mà phù hợp với trình kiến thức và tốc độ tiếp thu của mình. Điều này có nghĩa là thí sinh phải có đủ thời gian chuẩn bị để cảm thấy am hiểu về những chủ đề, nội dung cần thiết cho bài thi. Ngoài ra, thay vì việc “học tủ” từng chủ đề một, thí sinh thống có thể tìm một cách học tốt hơn là hiểu bản chất của vấn đề ở các chủ đề và tìm cách để liên kết những chủ đề xa lạ về trong hệ kiến thức của mình. Sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp cải thiện độ tự tin của thí sinh vào ngày kiểm tra và giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của sự lo âu.

Tập dượt làm quen với áp lực làm bài và không khí phòng thi, tích lũy kinh nghiệm phòng thi sẽ giúp thí sinh tự tin hơn nhiều khi bước vào kỳ thi IELTS chính thức. Bài thi thử IELTS tại ZIM là một lựa chọn tốt cho các thi sinh. ZIM là một đơn vị tổ chức thi thử uy tín nhiều năm nay được hàng nghìn thí sinh tin tưởng lựa chọn để tập dượt trước khi thi chính thức.

Tổng kết

Chứng lo âu thi cử là một tình trạng mà sẽ xảy ra ít nhất vài lần với phần lớn các thí sinh trong quá trình học.  Tuy không thể phủ nhận rằng việc lắng, từ áp lực tâm lý trước khi thi IELTS là một thứ khó có thể tránh khỏi, nhưng điều này không có nghĩa là sự lo lắng đó hoàn toàn gây hại hay là những ảnh hưởng tiêu cực của nó không thể chữa được. Thí sinh có thể bắt đầu việc chinh phục chứng lo âu kiểm tra bằng nhận thức rằng việc này hoàn toàn bình thường, và đôi khi cần thiết, để từ đó tìm những hướng giải quyết phù hợp mà sẽ giúp bản thân thích nghi dần được với áp lực đó. 

Nguyễn Vũ Đăng Duy

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...