Có nên phúc khảo IELTS hay không? Những điều cần lưu ý

Đặc điểm và quy trình phúc khảo bài thi IELTS cũng như giúp đặt ra những câu hỏi giúp quyết định việc phúc khảo bài thi của mình.
co nen phuc khao ielts hay khong nhung dieu can luu y

Bất kỳ ai tham gia kỳ thi IELTS cũng kỳ vọng bản thân sẽ đạt được một band điểm nhất định, tuy nhiên sẽ không tránh khỏi việc band điểm nhận được thấp hơn so với dự định ban đầu. Khi đó thí sinh sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu có nên phúc khảo IELTS với hy vọng sẽ nhận được số điểm cao hơn hay nên tiến hành thi lại để đạt được số điểm mong muốn?

Trong bài viết dưới đây, tác giả đưa ra một số phân tích giúp người đọc có cái nhìn cụ thể hơn về đặc điểm và quy trình phúc khảo IELTS cũng như giúp đặt ra những câu hỏi giúp quyết định việc phúc khảo bài thi của mình.

Phúc khảo IELTS là gì?

Phúc khảo IELTS, tương tự như phúc khảo tại trường phổ thông, là việc thí sinh yêu cầu bài thi của mình được đánh giá và chấm lại với một mức phí phúc khảo nhất định. Yêu cầu này được gọi là Enquiry on Results (EOR). Việc cho phép thí sinh thực hiện các yêu cầu phúc khảo giúp một phần thể hiện tính công bằng và minh bạch của kỳ thi. Đồng thời, trong một số trường hợp việc có nhiều giám khảo cùng xem xét và chấm điểm một bài giúp thí sinh có cảm giác an tâm về quy trình đánh giá kết quả thi và điểm số nhận được.

Trong quy trình phúc khảo IELTS, có những đặc điểm nổi bật mà thí sinh cần lưu ý:

  • Sau khi yêu cầu phúc khảo, phần trả lời thí sinh sẽ được gửi đến hội đồng chấm thi tại Úc hoặc Anh để đánh giá lại (tuỳ thuộc vào vị trí của hội đồng thi đã đăng ký trước đó).

  • Một giám khảo khác sẽ thực hiện việc đánh giá lại kết quả thi và họ sẽ không được thông báo về số điểm mà thí sinh đã nhận trước đó.

  • Thí có thể yêu cầu chấm lại toàn bộ 4 kỹ năng hoặc từng kỹ năng bất kỳ với mức phí cố định. Hội đồng Anh (British Council): 2.160.000 VND. IDP Education: 2.268.000 VND.

  • Sau khi phúc khảo, nếu điểm số có sự thay đổi bất kỳ, phí phúc khảo sẽ được hoàn lại toàn bộ.

  • Toàn bộ quá trình phúc khảo sẽ kéo dài trong khoảng 3 đến 8 tuần với bài thi trên giấy; tùy thuộc vào phần kỹ năng mà thí sinh chọn phúc khảo (Nếu phúc khảo bài thi trên máy tính thời gian này có thể ngắn hơn từ 1 đến 3 tuần)

  • Trong thời hạn phúc khảo, chứng chỉ gốc của thí sinh sẽ được hội đồng thi thu lại. Thí sinh sẽ được liên hệ để cấp chứng chỉ mới nếu điểm số có sự thay đổi. Trong trường hợp điểm số được giữ nguyên, thí sinh sẽ được hội đồng hoàn trả chứng chỉ gốc.

  • Với phần kỹ năng nói, giám khảo sẽ nghe lại phần trả lời của thí sinh qua đoạn băng thu âm, thí sinh sẽ không cần phải tham gia lại bài thi nói.

  • Với các kỹ năng còn lại, giám khảo sẽ chấm lại dựa trên phiếu trả lời của thí sinh.

Phúc khảo bài thi IELTS

Tâm lý phúc khảo IELTS đến từ đâu?

1. Tác động của sự kỳ vọng

Trong thi cử, mỗi thí sinh ít nhiều đều có sự kỳ vọng nhất định với kết quả của bản thân. Yếu tố của sự kỳ vọng ảnh hưởng trực tiếp và chi phối cảm xúc cá nhân. Nhận được số điểm mong đợi, thí sinh sẽ cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm và an tâm. Ngược lại, khi nhận được kết quả thi thấp hơn mong đợi, thí sinh sẽ cảm thấy chán nản và đôi phần bất lực. Kỳ vọng của thí sinh càng cao, những xúc cảm đó sẽ càng mãnh liệt. Từ đó, cá nhân sẽ tích cực tìm kiếm các biện pháp để giải quyết vấn đề của mình.

2. Với khả năng của mình, thí sinh đã có thể làm tốt hơn thế

Không ai khác ngoài chính thí sinh có thể hiểu và đánh giá được chính xác nhất năng lực của bản thân. Việc dành ra nhiều thời gian để chuẩn bị và luyện tập cho kỳ thi để rồi nhận được số điểm dưới mong đợi khiến nhiều thí sinh cảm thấy bất mãn. Thí sinh sẽ đặt nghi vấn về việc liệu số điểm ấy có phản ánh đúng thực lực của mình.

3. Tác động của “Peer pressure”

phuc-khao-bai-thi-ielts-4Peer pressure

“Peer pressure” hay “Áp lực đồng trang lứa” được định nghĩa là áp lực khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.

Khi một người bạn thân hay một người đồng nghiệp trong công ty cùng tham gia kỳ thi IELTS và đạt được số điểm cao hơn. Thí sinh bắt đầu có một sự so sánh nhất định với số điểm của bản thân cũng như với năng lực tiếng Anh nói chung. Từ đó một số thí sinh đưa ra quyết định phúc khảo IELTS nhằm đạt được số điểm cao hơn để tránh mất mặt với bạn bè đồng trang lứa.

Tìm kiếm sự an tâm với kết quả và tính minh bạch của kỳ thi

Với nhiều thí sinh, việc có một giám khảo chấm thi tạo cảm giác bất an và hoài nghi với tính khách quan của bài thi. Cá nhân thí sinh ấy luôn có một suy nghĩ về việc nếu điểm số của họ được chấm bởi một giám khảo khác thì liệu có sự thay đổi nào khác không. Hơn nữa, thí sinh nhận được số điểm sau khi đã có sự xem xét và đánh giá của một nhóm giám khảo sẽ khiến họ dễ dàng chấp nhận kết quả hơn đồng thời cảm thấy an tâm về hệ quy chuẩn chấm thi và tính minh bạch của kỳ thi.

Vậy có nên phúc khảo IELTS hay không?

Đây là một câu hỏi khá phổ biến của thí sinh sau khi nhận được kết quả thi. Thay vì đưa ra một lời khuyên cụ thể, tác giả muốn đặt ra một số câu hỏi để chính bản thân người đọc trả lời trước khi đưa ra quyết định phúc khảo IELTS.

1. Thí sinh đã thực hiện đúng yêu cầu của bài thi?

Trong thi cử, thí sinh không tránh khỏi việc mắc những lỗi liên quan đến hình thức làm bài. Trong kỳ thi IELTS, đã có không ít trường hợp thí sinh dự thi bị mất điểm do không thực hiện đúng yêu cầu đề bài.

Trong phần thi nghe và đọc, thí sinh được yêu cầu điền đáp án vào một phiếu trả lời độc lập. Việc điền đáp án không đúng ô khiến thứ tự các câu trả lời bị xáo trộn là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó việc không đọc kỹ đề cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc mất điểm.

Trong phần thi nói, áp lực với việc phải phản xạ liên tục với câu hỏi khiến thí sinh có tâm lý căng thẳng; từ đó, thí sinh thường có xu hướng nói lạc đề và đi ngoài trọng tâm của câu hỏi. Hơn nữa, việc nhiều thí sinh chỉ có thể diễn đạt ý trả lời của mình trong khoảng trên dưới 1 phút ở part 2 khiến tiêu chí về độ trôi chảy và mạch lạc (Fluency & Coherence) của thí sinh bị đánh giá thấp.

Ở phần thi IELTS Writing có quy định rõ ràng về số từ tối thiểu mà mỗi thí sinh phải viết, cụ thể là 150 từ cho bài Task 1 và 250 từ cho bài Task 2. Tuy phần thi không có quy định rõ ràng về số từ tối đa có thể viết; thí sinh chắc chắn sẽ bị mất điểm nếu không đạt được số từ tối thiểu theo yêu cầu của đề bài.

2. Thí sinh đã nắm được tiêu chí đánh giá và chấm điểm của kỳ thi IELTS?

Bài thi IELTS được thiết kế và sử dụng nhằm mục đích kiểm tra sự thành thạo và đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của một cá nhân. Tương tự như những kỳ thi kiểm tra trình độ khác, IELTS cũng có những tiêu chí đánh giá riêng của nó. Việc thí sinh biết và hiểu được những tiêu chí đó giúp tránh được những quan niệm sai lầm khi ôn tập; quá trình thi diễn ra thuận lợi và kết quả nhận được sẽ phản ánh được chính xác nhất năng lực cá nhân.

Bài thi đọc và nghe sẽ được giám khảo chấm một cách khách quan. Do đáp án của hai bài thi này đã được ghi chú trên phiếu trả lời độc lập và giám khảo chỉ dựa vào phiếu trả lời để đánh giá kết quả. Vậy nên điểm số ở hai bài thi này thường ít khi xảy ra sai sót chấm điểm. Thí sinh nên cân nhắc kỹ nếu muốn thực hiện phúc khảo hai kỹ năng IELTS này.

Với hai kỹ năng còn lại là viết và nghe, năng lực của thí sinh sẽ được giám khảo đánh giá dựa trên các tiêu chí của bảng mô tả thang điểm IELTS (IELTS Band Descriptors) và phần chấm điểm này sẽ có phần mang tính chất chủ quan. Dù vậy, các giám khảo bắt buộc phải dựa vào 4 tiêu chí của thang điểm để đưa ra số điểm cuối cùng. Nhiều người cho rằng để đạt điểm cao trong các bài IELTS Writing, người viết cần sử dụng các từ vựng “cao siêu”, phức tạp, thuộc band C1-C2 (theo khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu).

Điều này khiến cho một số thí sinh luôn cố gắng sử dụng những từ này mỗi khi có thể mà không thật sự hiểu rõ ý nghĩa của chúng, do vậy họ thường dùng sai ngữ cảnh và khiến cho câu văn khó hiểu.

Ví dụ

  1. The phone is important to me. (Dịch: Tạm dịch: Chiếc điện thoại rất quan trọng với tôi)

  2. The phone is vital to me. (Dịch: Tạm dịch: Chiếc điện thoại là thiết yếu với tôi)

phuc-khao-bai-thi-ielts-1

Ở hai ví dụ trên, important (thuộc band A1) và vital (thuộc band B2) đều chỉ sự quan trọng; tuy nhiên, chúng lại được dùng diễn tả hai mức độ quan trọng khác nhau. Trong khi “important” mang nghĩa quan trọng đơn thuần thì “vital” lại mang ý nghĩa sống còn – không thể sống được nếu thiếu đi. Việc mô tả chiếc điện thoại là “thiết yếu” với bản thân thì có phần không hợp ngữ cảnh và khá gượng ép khi đặt vào câu, khiến người đọc khó hiểu.

3. Thí sinh đã thực sự đánh giá khách quan năng lực bản thân?

Như đã đề cập ở trên, không ai biết rõ năng lực bản thân chính thí sinh. Liệu rằng thí sinh đã trung thực đánh giá năng lực của bản thân; thí sinh có thực sự tự tin với lượng kiến thức của mình và đảm bảo nó phù hợp với những tiêu chí đánh giá của bài thi.

Bên cạnh các yếu tố về kiến thức, các yếu tố ngoại cảnh cũng tác động không nhỏ tới quá trình làm bài. Thí sinh cần xem xét lại về phong độ làm bài của mình trong ngày thi cũng như mức độ hoàn thành phần thi của bản thân trước khí đưa ra quyết định phúc khảo IELTS.

4. Điểm thành phần có sự chênh lệch đáng kể?

Điểm số của kỳ thi IELTS được chấm trên thang điểm 9 và điểm tổng quát của thí sinh là điểm trung bình cộng của từng kỹ năng. Nếu điểm thành phần có sự chênh lệch đáng kể (Ví dụ : Reading – 9.0; Writing – 5.0), bài thi của thí sinh sẽ được giám khảo xem xét lại để tránh những sai phạm cũng như gian lận trong thi cử. Nếu thí sinh đã nhận được bảng điểm với điểm số chênh lệch thì khả năng cao bài thi đã được giám khảo coi lại, thí sinh có thể an tâm về số điểm phản ánh đúng thực lực của mình.

5. Thí sinh đã đối chiếu với các bài thi trước đây của mình?

Mỗi kỳ thi IELTS sẽ có một số chủ đề nhất định; việc thí sinh gặp được chủ đề quen thuộc giúp tạo cảm giác thoải mái và dễ dàng và điểm số đạt được có phần cao hơn so với việc gặp những chủ đề lạ lẫm. Tuy nhiên, việc so sánh với những bài thi gần nhất mà thí đã tham dự cũng là một cách để thí sinh đánh giá thực lực của bản thân. 

Chứng chỉ IELTS có hiệu lực trong thời hạn 2 năm, đó là thời gian tiêu chuẩn để xác định liệu năng lực sử dụng tiếng Anh của một người đã giảm sút hoặc tiến bộ. Nhưng cần nhớ, nếu lần thi gần nhất đã quá thời hạn trên thì giá trị so sánh của nó sẽ có độ chính xác không cao.

6. Mục đích của việc sử dụng chứng chỉ IELTS của thí sinh là gì?

Thí sinh tham dự kỳ thi IELTS có nhiều mục đích sử dụng khác nhau với chứng chỉ mà họ nhận được. Một phần lớn trong số đó sử dụng chứng chỉ IELTS để hoàn tất hồ sơ cho việc du học và định cư. Cần lưu ý rằng, trong thời gian phúc khảo IELTS (từ 6 đến 8 tuần với kỳ thi giấy và từ 1 đến 3 tuần với kỳ thi trên máy tính), chứng chỉ IELTS gốc của bạn sẽ được hội đồng thi thu lại và kết quả sẽ bị tạm thời bị “đóng băng”.

Nếu thí sinh cần sử dụng chứng chỉ IELTS của mình gấp trong thời gian đó, nên cân nhắc về việc phúc khảo vì kết quả sẽ không được công nhận tính hợp lệ để làm những thủ tục hồ sơ nói trên.

Những yếu tố cần cân nhắc

Trong nhiều trường hợp, thí sinh cũng phân vân lựa chọn giữa hai hình thức phúc khảo IELTS hay thi lại IELTS. Dưới đây là một số yếu tố giúp thí sinh cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

1. Yếu tố về tiền bạc

Tính đến tháng 1/2024, lệ phí phúc khảo như đã đề cập phía trên là 2.160.000 VND tại Hội đồng Anh và 2.268.000 VND tại IDP trong khi chi phí một kỳ thi IELTS là 4.664.000 VND cho cả hai dạng bài thi học thuật và tổng quát (trên giấy và trên máy tính). Với một số thí sinh, việc thi lại kỳ thi IELTS trong một khoảng thời gian ngắn là việc khá khó khăn do hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần cân nhắc về vấn đề phí phúc khảo IELTS. Nếu kết quả phúc khảo không thành công, chi phí phúc khảo sẽ không được hoàn lại.

phuc-khao-bai-thi-ielts-3Chi phí phúc khảo IELTS

2. Yếu tố về thời gian

Thời gian phúc khảo không được cung cấp cụ thể, có thể dao động từ 1-8 tuần tuỳ thuộc vào hình thức thi cũng như kỹ năng mà thí sinh lựa chọn phúc khảo IELTS. Với việc thi lại kết quả sẽ có sau một mốc thời gian cố định là 13 ngày với bài thi giấy và 3-5 ngày với bài thi trên máy tính. Như đã đề cập phía trên, nếu thí sinh cần sử dụng chứng chỉ IELTS gấp thì nên cân nhắc lựa chọn phúc khảo vì có thể sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành một quy trình phúc khảo.

phuc-khao-bai-thi-ielts-2Thời gian có kết quả phúc khảo.

3. Yếu tố về điểm số

Trong quá trình chấm thi, không tránh khỏi rủi ro giám khảo gặp phải sai sót chấm điểm hoặc không nắm được ý diễn đạt của thí sinh. Đôi lúc cũng có những trường hợp mà hai giám khảo sẽ có cái nhìn khác nhau về một bài làm. Tuy nhiên nên nhớ rằng, tất cả giám khảo IELTS đều là những chuyên gia đánh giá có chuyên môn sâu và tiêu chí chấm điểm của họ đều dựa vào bảng mô tả thang điểm của IELTS. Điểm số mà bạn nhận được là điểm số đã được xem xét kỹ và sàng lọc dựa theo tiêu chuẩn đánh giá chung.

Nếu thí sinh có dự định phúc khảo IELTS tăng từ 2 band điểm trở lên thì sẽ khó để có thể đạt được mong muốn. Thay vào đó thí sinh có thể dành thời gian để thiết kế lại lộ trình học IELTS, trau dồi thêm kiến thức và phương pháp làm bài để có thể đạt được số điểm cao hơn trong lần thi tới.

Thí sinh có thể tham khảo việc đăng kí dự thi lại IELTS với hội đồng Anh (British Council) tại ZIM.

Hướng dẫn thủ tục phúc khảo kỳ thi IELTS tại IDP Education và Hội đồng Anh (British Council)

Thời hạn hợp lệ để nộp đơn phúc khảo IELTS tại IDP Education và Hội đồng Anh (British Council) là 4 tuần kể từ ngày nhận kết quả hoặc 6 tuần kể từ ngày thi chính thức. Trước khi đến trung tâm khảo thí IELTS để phúc khảo, thí sinh cần chuẩn bị trước giấy tờ tùy thân (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) hợp lệ đã dùng để đăng ký thi cùng với chứng chỉ IELTS gốc để thực hiện thủ tục.

Tại hội đồng thi, thí sinh sẽ được nghe hướng dẫn kỹ hơn về toàn bộ quá trình phúc khảo IELTS cũng như được nhân viên trung tâm khảo thí hỗ trợ điền thông tin vào phiếu yêu cầu phúc khảo. Sau đó thí sinh sẽ được hướng dẫn đến quầy thu ngân để nộp lệ phí và kết thúc thủ tục yêu cầu phúc khảo.

  1. Nếu kết quả có sự thay đổi, thí sinh sẽ được hoàn lại toàn bộ phí thi. Do vậy thí sinh sẽ được yêu cầu giữ lại biên lai để đối chiếu.

  2. Nếu kết quả không có sự thay đổi, thí sinh sẽ được liên lạc để lên hội đồng thi lấy bảng điểm gốc về.

Cuối cùng, thí sinh nên biết điểm sau phúc khảo của thí sinh sẽ là số điểm cuối cùng, thí sinh sẽ không được phép phúc khảo IELTS lại lần thứ hai để sửa đổi điểm.

Tổng kết

Qua bài viết này, tác giả mong rằng người đọc sẽ có được một cái nhìn rõ ràng hơn về quy trình phúc khảo IELTS cùng những thông tin liên quan đến thủ tục phúc khảo. Bên cạnh đó, bài viết có sự đề cập và phân tích các yếu tố chi phối quyết định phúc khảo hay thi lại kỳ thi IELTS. Từ đó, mong người đọc có thể nắm được điểm khác biệt giữa hai hình thức và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Bắt đầu ngay khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu