Banner background

Critical listening skills: Ứng dụng học kỹ năng nghe trong tiếng Anh

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho người học phương pháp Critical listening và chiến lược ứng dụng nó vào việc học tiếng Anh. Thêm vào đó, bài viết cũng gợi ý một số loại bài tập thực hành giúp người học cải thiện kỹ năng này, từ đó người học có thể tự rút ra cho bản thân những kinh nghiệm và cách thức hiệu quả nhất để áp dụng phương pháp này vào quá trình học tập kỹ năng nghe nói riêng và cả việc học tiếng Anh nói chung.
critical listening skills ung dung hoc ky nang nghe trong tieng anh

Critical listening là gì?

Để thành thạo kỹ năng nghe hiểu, người học phải có khả năng phát triển ba loại kỹ năng nghe khác nhau là nghe phân biệt (discriminative listening), nghe hiểu (comprehensive listening), và nghe phản biện (critical listening)[1]. Trong đó, nghe phân biệt giúp người nghe nhận biết các âm thanh khác nhau trong thông điệp, nghe để hiểu tập trung vào việc nắm bắt ý tưởng chính xác, và nghe phản biện giúp người học đánh giá, phản biện thông tin.

Critical listening (nghe phản biện) là quá trình lắng nghe một cách tập trung và hiểu rõ những gì được nói nhằm phân tích, đánh giá thông tin một cách hợp lý, và đưa ra nhận định về tính chính xác, hợp lý của bài nói [2], [3]. Nói cách khác, kỹ năng này không chỉ dừng lại ở việc hiểu mà còn yêu cầu người nghe suy luận, đặt câu hỏi về thông tin nhận được và phát triển tư duy phê phán sâu sắc hơn.

Kỹ năng này không chỉ giúp người học phát hiện ra các điểm thiếu sót hoặc phi logic trong bài nói mà còn khuyến khích họ so sánh, đối chiếu thông tin mới với kiến thức cũ. Điều này kích thích khả năng thảo luận và đưa ra quyết định dựa trên cả kinh nghiệm cá nhân và tiêu chí khách quan.

Tại sao phương pháp Critical listening quan trọng trong việc học tiếng Anh? 

Theo như Tiến sĩ Bedawy[4], Critical listening là một kỹ năng quan trọng và cần thiết trong quá trình học tiếng Anh, vì nó không chỉ giúp người học nắm bắt nội dung thông tin một cách chính xác mà còn giúp họ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác như nói, đọc và viết. Việc rèn luyện kỹ năng nghe có tư duy phê phán giúp người học phân biệt giữa ý chính và ý phụ, hiểu được ý nghĩa ngầm ẩn của bài nói, và suy luận từ bối cảnh giao tiếp.

Một trong những lý do chính mà Critical listening quan trọng là vì nó giúp người học phát triển khả năng tư duy phân tích và đánh giá thông tin từ các tài liệu nghe. Thay vì chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, người học cần phải suy nghĩ sâu sắc hơn về những gì họ nghe, từ đó đưa ra các nhận định khách quan và logic. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ mà còn tăng cường tư duy phản biện, một kỹ năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực học tập và công việc. [4]

Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp cải thiện hiệu quả giao tiếp của người học tiếng Anh. Khi hiểu rõ hơn về cách người nói truyền tải thông điệp, bao gồm giọng điệu, ngữ cảnh và cách lập luận, người học sẽ tự tin hơn trong việc phản hồi và tương tác. Đồng thời, kỹ năng này cũng giúp họ ghi nhớ thông tin một cách có hệ thống, từ đó nâng cao khả năng học tập và sử dụng ngôn ngữ trong thực tế.[4]

Áp dụng Critical listening vào học tiếng Anh

Để áp dụng Critical listening hiệu quả, ZIM xin gợi ý người học có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Chuẩn bị trước khi nghe: Tìm hiểu về chủ đề, từ vựng và ngữ cảnh liên quan. Điều này giúp tạo nền tảng kiến thức, giúp người học dễ dàng nắm bắt thông tin khi nghe.

  • Tập trung vào ý chính: Thay vì cố gắng hiểu từng từ, hãy tập trung vào ý chính của đoạn hội thoại hoặc bài nói. Điều này giúp nắm bắt được thông điệp tổng thể và không bị lạc hướng bởi các chi tiết nhỏ.

  • Nhận diện cấu trúc bài nói: Xác định các phần chính như giới thiệu, thân bài và kết luận. Việc này giúp người học dễ dàng theo dõi luồng thông tin và dự đoán những gì sẽ được đề cập tiếp theo.

  • Chú ý đến ngữ điệu và cách phát âm: Ngữ điệu và cách nhấn mạnh có thể tiết lộ nhiều thông tin quan trọng về ý định và thái độ của người nói.

  • Đặt câu hỏi và suy nghĩ phản biện: Trong khi nghe, hãy đặt câu hỏi về nội dung, đánh giá tính logic và độ tin cậy của thông tin. Điều này giúp phát triển tư duy phản biện và hiểu sâu hơn về chủ đề.

  • Ghi chép có chọn lọc: Ghi lại những điểm chính, từ khóa quan trọng để hỗ trợ quá trình ghi nhớ và phân tích sau này.

  • Liên hệ với kiến thức đã có: Kết nối thông tin mới với những gì đã biết để tạo ra sự hiểu biết toàn diện hơn về chủ đề.

  • Phản ánh và đánh giá: Sau khi nghe, dành thời gian để suy ngẫm về nội dung, đánh giá quan điểm của người nói và hình thành ý kiến cá nhân.

Ngoài ra, việc kết hợp nghe phản biện với các kỹ năng ngôn ngữ khác như nói, đọc và viết sẽ tạo ra một cách tiếp cận toàn diện trong việc học tiếng Anh, giúp người học phát triển khả năng ngôn ngữ một cách đồng đều và hiệu quả.

Ví dụ:

Người học nữ tên A áp dụng Critical listening vào quá trình học bằng cách chọn một bài TED Talk về biến đổi khí hậu.

Trước khi nghe, A tìm hiểu về chủ đề và ghi lại một số từ khóa liên quan như Climate change, global warming, greenhouse effect, v.v.

Trong quá trình nghe, cô ấy tập trung vào ý chính bằng cách lắng nghe theo từng đoạn và tóm gọn nội dung lớn.

Sau đó A nhận diện các phần quan trọng trong bài nói, bao gồm phần giới thiệu, thân bài và kết luận. Cô ấy để ý cách diễn giả chuyển từ phần này sang phần khác, nhận ra những điểm nhấn hay đoạn chuyển ý, đồng thời theo dõi các ví dụ minh họa được sử dụng để hỗ trợ cho lập luận.

Tiếp theo, A để ý những đoạn diễn giả lên giọng hoặc hạ giọng khi nhấn mạnh những điểm mấu chốt về hậu quả của biến đổi khí hậu.

Trong quá trình nghe, A luôn đặt câu hỏi phản biện về nội dung bài nói như "Những thông tin này có đáng tin không?" hay "Liệu có bằng chứng nào hỗ trợ cho lập luận này không?"

A cũng chọn lọc những ý chính và từ khóa quan trọng để ghi chép lại. Cô ghi lại những số liệu, ví dụ cụ thể hoặc những quan điểm nổi bật mà diễn giả đưa ra.

Sau khi kết thúc bài nói, A ấy liên kết và so sánh những thông tin vừa nghe được với những kiến thức trong sách báo mà mình đã đọc từ trước.

Cuối cùng A tóm tắt nội dung chính và viết một đoạn ngắn bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề.

Những lỗi thường gặp cần tránh

image-alt

Critical listening là một kỹ năng quan trọng trong việc học tiếng Anh, tuy nhiên nhiều người học thường mắc phải một số lỗi cơ bản. 

Một lỗi thường gặp khi áp dụng Critical listening là quy chụp ý nghĩa của các thông tin trong khi nghe. Để tránh lỗi này, người học cần lắng nghe toàn bộ thông tin trước khi đánh giá để tránh hiểu sai và đảm bảo phân tích khách quan, chính xác.

Thứ hai là không tập trung. Khi người học lơ là hoặc phân tâm thì sẽ dễ bỏ sót các chi tiết quan trọng, dẫn đến việc hiểu sai thông tin. Tập trung cao độ giúp đảm bảo việc phân tích và đánh giá nội dung một cách chính xác.

Một sai lầm khác là thiếu kiên nhẫn và muốn hiểu ngay lập tức. Kỹ năng nghe phản biện đòi hỏi thời gian và sự tập trung, vì vậy cần có thái độ kiên trì và sẵn sàng nghe lại nhiều lần. 

Cuối cùng, việc không chuẩn bị trước khi nghe cũng là một sai lầm. Người học nên tìm hiểu về chủ đề, từ vựng liên quan để dễ dàng nắm bắt nội dung. 

Bằng cách tránh những lỗi này, người học có thể cải thiện đáng kể kỹ năng Critical listening của mình, từ đó nâng cao khả năng tiếng Anh tổng thể.

Bài tập thực hành phát triển kỹ năng Critical listening

image-alt

Để phát triển kỹ năng này, người học cần thực hiện các bài tập thực hành cụ thể và phù hợp. Dưới đây là một số bài tập gợi ý nhằm nâng cao kỹ năng này.

  • Nghe và phân tích bài diễn văn hoặc bài nói chuyện: Người học lắng nghe bài diễn văn, sau đó xác định ý chính, phân tích giọng điệu, lập luận và đánh giá bằng chứng hỗ trợ quan điểm.

Ví dụ: Sau khi nghe bài phát biểu, người học A xác định ý chính bằng cách chú ý đến giọng điệu đầy cảm xúc và cách sử dụng ẩn dụ. A tự hỏi: "Thông điệp chính là gì?" và "Những ví dụ cụ thể nào King sử dụng để hỗ trợ quan điểm của mình?".

  • Thực hành nghe qua các đoạn hội thoại phức tạp: Chọn hội thoại có nhiều ý kiến trái chiều hoặc có các lập luận phức tạp, sau đó phân tích từng lập luận và so sánh chúng.

Ví dụ: Người học B nghe cuộc tranh luận về AI và việc làm. Chuyên gia AI thì lạc quan về tiềm năng của AI trong việc tạo ra công việc mới, nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại về tình trạng mất việc làm. Sau khi đánh giá các lập luận, B nhận ra rằng chuyên gia AI có thể quá lạc quan và không đề cập đến các thách thức ngắn hạn, còn nhà kinh tế có số liệu thuyết phục nhưng có thể đang bỏ qua tiềm năng dài hạn. Sau đó, B tạo một bảng so sánh các quan điểm, chỉ ra điểm chung (như nhu cầu chuẩn bị cho tương lai) và điểm khác biệt (như mức độ lạc quan về tương lai).

  • Tạo bản đồ tư duy: Vẽ một bản đồ tư duy trong khi nghe giúp người học hình dung được mối liên hệ giữa các lập luận, từ đó dễ dàng nắm bắt cấu trúc tổng thể của bài.

Ví dụ: Một bài nghe có Transcript như sau:

Reading books offers numerous benefits for personal growth. It enhances intellectual development by expanding knowledge and stimulating creativity. Regular reading also reduces stress, providing a healthy escape from daily pressures. Furthermore, it significantly improves language skills, increasing vocabulary and writing abilities. Reading sharpens focus and concentration, which can positively impact various aspects of life, including academic performance. In conclusion, reading is truly a key to personal development and well-being.

Người học C tạo bản đồ tư duy như dưới đây:

image-alt

  • Thực hành tóm tắt và diễn giải lại: Sau khi nghe, tóm tắt nội dung bài nói bằng lời của chính mình.

Ví dụ: Người học C ở trên có thể tóm tắt lại bài như sau: “Reading books enhances personal growth by improving intelligence, reducing stress, improving language skills, and sharpening focus. These advantages may contribute to overall well-being.”

Tổng kết

Critical listening là một phương pháp quan trọng giúp người học tiếng Anh nâng cao kỹ năng nghe. Tuy nhiên, để áp dụng nó hiệu quả, người học cần kiên nhẫn và thực hành thường xuyên bởi vì đây không phải là kỹ năng có thể phát triển trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì lâu dài. Một trong những con đường giúp áp dụng được kỹ năng này hiệu quả là tham gia Khóa học tiếng Anh giao tiếp để có nhiều cơ hội thực hành hơn.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...