Critical thinking and critical reading: mục đích, sự khác biệt và ứng dụng trong IELTS Reading – Phần 1

Giới thiệu: Tư duy phản biện (Critical thinking) và Đọc phản biện (Critical reading) vận dụng giải quyết T/F/NG và Y/N/NG của IELTS Reading. 
author
ZIM Academy
15/12/2020
critical thinking and critical reading muc dich su khac biet va ung dung trong ielts reading phan 1

Bên cạnh việc kiểm tra khả năng đọc hiểu tiếng Anh của thí sinh, phần thi IELTS Reading còn góp phần đánh giá trực tiếp khả năng tư duy và suy luận của người đọc thông qua các dạng bài như True – False – Not Given và Yes – No – Not Given. Dạng bài trên là một trong số ít dạng bài gây khó khăn và tranh cãi đối với việc nhận định và giải thích đáp án. Sự xuất hiện của yếu tố ‘Not Given’ (Không thể xác định/ không được đề cập trong bài) biến câu chuyện xác định ‘True’ – ‘False’ (Đúng – Sai) trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Đa phần người học thường cảm thấy khó khăn trong việc phân biệt một câu True hay Not Given hoặc một câu False hay Not Given. Chính vì vậy trong bài viết ‘Critical thinking and critical reading mục đích, sự khác biệt và ứng dụng trong IELTS Reading’, tác giả sẽ giới thiệu đến người đọc 2 kỹ năng: Tư duy phản biện (Critical thinking) và Đọc phản biện (Critical reading) nhằm vận dụng giải quyết các câu hỏi thuộc dạng True – False – Not Given và Yes – No – Not Given của bài thi IELTS Reading. 

Critical thinking (Tư duy phản biện)

Định nghĩa

Theo Wikipedia: “Critical thinking (Tư duy phản biện) là việc phân tích các dữ kiện để hình thành sự suy xét.”

Richard W.Paul và Linda Elder đã từng đinh nghĩa Critical thinking trong cuốn “Critical thinking: Tools for Taking Charge of Your Professional and Personal Life” như sau: “Tư duy phản biện là phương thức suy nghĩ về bất kỳ chủ đề, nội dung, hay vấn đề nào – trong đó, người thực hiện hành động tư duy đánh giá chất lượng tư duy của mình thông qua việc khéo léo đảm nhận các cấu trúc vốn có trong tư duy và áp đặt các tiêu chuẩn trí tuệ lên các cấu trúc tư duy có sẵn đó.”

Qua hai định nghĩa trên, tư duy phản biện nhấn mạnh các khía cạnh sau:

critical-reading

Đặc điểm của người có tư duy phản biện

Theo Dan Kurland (2000), 3 đặc điểm chính của một người có tư duy phản biện là: hoài nghi, chủ động, cởi mở. Một người có tư duy phản biện sẽ luôn tiếp cận những nguồn tri thức với sự hoài nghi về tính xác thực của tri thức đó. Việc này đòi hỏi tính chủ động cao, vì nếu không sở hữu đặc điểm này thì họ sẽ chỉ nhìn thấy được một khía cạnh của tri thức họ đang được tiếp xúc.

Việc thiếu chủ động dần dần sẽ hình thành sự thiếu cởi mở với tri thức mới, khiến một người không những thiếu đi sự tinh tế để thể phát hiện ra thêm các mối liên kết hay sự phức tạp ẩn sâu bên trong tri thức mà họ cũng sẽ có thể gặp phải khó khăn trong quá trình mở rộng kiến thức liên quan đến các lĩnh vực khác. 

Bên cạnh đó, trong quyển “Asking the Right Questions – A Guide to Critical Thinking” (2014), M.Neil Browne và Stuart M.Keeley cũng đề cập đến 3 khía cạnh của tư duy phản biện:

  • Sự nhận thức về một tập hợp các câu hỏi phản biện có liên quan với nhau;

  • Khả năng hỏi và trả lời những câu hỏi phản biện này một cách thích hợp;

  • Mong muốn sử dụng chủ động những câu hỏi phản biện.

Từ những sự tổng hợp trên, Tư duy phản biện được thể hiện rõ ràng ở tính hay hoài nghi, tính chủ động và tính cởi mở đối với việc đưa ra những câu hỏi phản biện đối với một thông tin/ đối tượng/ luận điểm. 

Đọc thêm: “An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” – nền tảng xây dựng tư duy phản biện và sáng tạo

Mục đích của tư duy phản biện nói chung và trong IELTS Reading nói riêng

Các câu hỏi phản biện tồn tại để đưa ra định hướng giúp người hỏi hiểu hơn về những khía cạnh cần cải thiện trong tri thức họ đang tiếp xúc và suy nghĩ về. Việc liên tục đặt ra các câu hỏi phản biệncố gắng đi tìm lời giải cho các câu hỏi phản biện đó sẽ tạo cơ hội cho người hỏi phân tích các dữ kiện và áp dụng một cách có ý thức các chiến lược tư duy để khám phá ra ý nghĩa mới hoặc củng cố kiến thức họ đang sở hữu. 

Đối với phần thi IELTS Reading, tư duy phản biện lại càng có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc hiểu những gì đang đọc, thí sinh cũng cần áp dụng tư duy phản biện để đưa ra câu hỏi phản biện cho những thông tin xuất hiện trong câu hỏi đối với dạng bài True/ False/ Not given. Việc trả lời chính xác các nghi vấn dựa vào những thông tin tìm được trong bài cũng chính là tiền đề để quá trình chọn đáp án trở nên tối ưu hơn. 

Critical reading (Đọc phản biện)

Định nghĩa 

Theo Wikipedia: “Critical reading (Đọc phản biện) là một hình thức phân tích ngôn ngữ không chỉ dựa trên nghĩa bề mặt của văn bản, mà là sự kiểm tra sâu hơn các tuyên bố được đưa ra cũng như các luận điểm bổ trợ và các phản biện có thể xuất hiện.” 

Khái niệm Critical reading cũng từng được đề cập trong cuốn “Asking the Right Questions – A Guide to Critical Thinking” được viết bởi M.Neil Browne và Stuart M.Keeley. Theo đó, đọc phản biện là sự đánh giá có hệ thống đối với những gì mà người đọc đang nhìn thấy. Điều này yêu cầu người đọc cần có một tập hợp các kỹ năng đọc được xây dựng xung quanh một loạt các câu hỏi phản biện liên quan.

Qua hai định nghĩa trên, đọc phản biện nhấn mạnh khía cạnh trình bày một lập luận hợp lý để đánh giá, phân tích và tạo ra những suy luận mới những gì đã đọc

Mục đích của đọc phản biện nói chung và trong IELTS Reading nói riêng

Theo Dan Kurland’s www.critical reading.com, Critical reading đi xa hơn Non-critical reading (hài lòng với khả năng nhận diện được những gì một văn bản đang nói – what a text says) trong khâu: hiểu được những gì văn bản làm (what a text does) và đưa ra những suy luận về ý nghĩa của văn bản (what a text means). 

Đọc phản biện không chỉ dừng lại ở việc đọc cẩn thận và chi tiết. Đọc phản biện còn yêu cầu người đọc chủ động nhìn nhận và phân tích thông tin trong văn bản, cụ thể là nội dung và sự lựa chọn ngôn ngữ. Từ đó, việc đọc phản biện sẽ giúp người đọc đạt được 3 mục tiêu quan trọng sau: 

critical-reading-2

Cả 3 yếu tố trên đều không được thể hiện về mặt câu chữ trong văn bản, đòi hỏi người đọc phải đọc kỹ để ‘thật sự hiểu’ và suy luận được ra. Chúng cũng mang tính tương đồng với các thông tin cần được tìm và trả lời trong dạng câu hỏi như True/ False/ Not given (xác định tính đúng sai của thông tin được cho).

Đối với những dạng câu hỏi này, người đọc (thí sinh) cần phải liên tục thực hiện tuần tự các bước phân tích (nhận diện được những khía cạnh quan trọng trong câu hỏi) và suy luận (suy nghĩ và diễn giải dữ liệu trong bài đọc) một cách đúng đắn.

Lưu ý đối với việc áp dụng Critical Reading trong thực tiễn

“Chúng ta không được cho phép mình buộc một văn bản phải nói những gì chúng ta muốn nó nói – hoặc chúng ta sẽ không bao giờ học được bất cứ điều gì mới!” (Dan Kurland, www.critical reading.com, 2000)

Từ nhận định trên, chúng ta có thể hiểu rằng người đọc phải đọc từng văn bản (bài đọc) dựa trên giá trị ngôn ngữ của chính nó (nội dung và từ được lựa chọn), không áp đặt kiến ​​thức hoặc quan điểm chủ quan của mỗi người. Trong quá trình này, người đọc cần phải đánh giá các ý tưởng trong bài đọc 1 cách xuyên suốt, không được làm sai lệch ý nghĩa cốt lõi trong bài đọc. 

Đọc thêm: Cách làm dạng bài Yes/No/Not Given trong IELTS Reading

Tổng kết

Trong phần này, tác giả đã lý giải định nghĩa về Critical thinking và Critical Reading cùng với ứng dụng của từng kỹ năng trong bài thi IELTS Reading. Ở phần tiếp theo, tác giả sẽ đi vào so sánh hai kỹ năng này đồng thời phối hợp cả hai kỹ năng trong bài thi IELTS Reading.

Đọc thêm: Critical thinking and critical reading: mục đích, sự khác biệt và ứng dụng trong IELTS Reading – Phần 2

Nguyễn Quang Hùng

Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Tham khảo khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS nhanh chóng.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu