Cultural Knowledge là gì? Vai trò trong nghe hiểu và cách luyện tập
Key takeaways
Cultural Knowledge là tập hợp các kiến thức nền tảng về văn hóa của một xã hội hoặc nhóm người, bao gồm các quy ước, lễ nghi, giá trị và niềm tin của một cộng đồng văn hóa.
Có 3 loại mô hình nhận thức quan trọng liên quan đến kỹ năng nghe hiểu, lần lượt là: linguistic schema, formal schema và content schema. Trong đó, content schema có liên hệ mật thiết với Cultural Knowledge trong nghe hiểu.
Cultural Knowledge có thể hỗ trợ khả năng nghe hiểu qua việc: Tăng hiệu suất nghe hiểu và khả năng ghi nhớ thông tin, Hỗ trợ phán đoán và suy luận, giải nghĩa các ngữ cảnh trong bài, Giảm thiểu sự mơ hồ để tập trung xử lí các thông tin giá trị.
Các giải pháp luyện tập nghe cho người học bị hạn chế về kiến thức văn hóa gồm: Luyện nghe với các bài nói về chủ đề văn hóa phổ biến, Kết hợp học văn hóa chủ động với luyện tập ngôn ngữ, Luyện tập giao tiếp với người bản xứ, Sử dụng flashcards và các ứng dụng.
Cultural Knowledge, hay còn gọi là kiến thức văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ, đặc biệt là trong kỹ năng nghe hiểu. Kiến thức văn hóa không chỉ bao gồm sự hiểu biết về các giá trị, tập quán và phong tục của một quốc gia, mà còn tác động trực tiếp đến khả năng nghe hiểu cũng như tham gia vào các tình huống giao tiếp. Đặc biệt đối với những người học ngoại ngữ chuẩn bị đi du học, việc trang bị kiến thức văn hóa là yếu tố cần thiết giúp hiểu đúng ngữ cảnh, sử dụng ngôn ngữ phù hợp và tránh được các hiểu lầm trong giao tiếp.
Tuy nhiên, đối với người học hạn chế về kiến thức văn hóa, việc luyện tập nghe trở nên khó khăn hơn. Do đó, bài viết này sẽ đi sâu vào việc giải thích khái niệm Cultural Knowledge, phân tích ảnh hưởng của nó đối với kỹ năng nghe hiểu, đồng thời đề xuất những giải pháp luyện tập hiệu quả để cải thiện kỹ năng nghe cho những người học gặp khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức văn hóa.
Prior Knowledge và Cultural Knowledge trong bối cảnh học ngoại ngữ

Định nghĩa về Prior Knowledge
Về cơ bản, Prior Knowledge (kiến thức nền) là toàn bộ những thông tin, hiểu biết và kinh nghiệm mà người học đã tích lũy được trước khi tiếp xúc với kiến thức mới [1].
Trong bối cảnh học ngoại ngữ, Prior Knowledge không chỉ bao gồm từ vựng hay ngữ pháp cơ bản mà còn nói đến hiểu biết về sự vật, sự việc, bối cảnh và các khía cạnh khác liên quan đến đối tượng trong ngôn ngữ đang học (hay còn được gọi là ngôn ngữ mục tiêu). Prior Knowledge là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình và kết quả tiếp thu ngôn ngữ mới, cũng như quyết định phần nào sự thành công trong việc áp dụng các kỹ năng tư duy cao cấp hơn như phân tích và giải quyết vấn đề xuyên suốt bài học [2].
Cụ thể trên thực tế, Prior Knowledge xuất hiện nhiều trong bối cảnh học ngoại ngữ, chẳng hạn như trình độ am hiểu ngữ pháp và từ vựng của người học, hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn, hiểu biết về văn hóa hoặc hiểu biết về ngữ cảnh xã hội,…
Định nghĩa về Cultural Knowledge
Cultural Knowledge (kiến thức văn hóa) là một phạm trù cụ thể hơn của Prior Knowledge. Cultural Knowledge là tập hợp các kiến thức nền tảng về văn hóa của một xã hội hoặc nhóm người, bao gồm các quy ước, lễ nghi, giá trị và niềm tin của một cộng đồng văn hóa. Trong bối cảnh học ngoại ngữ, Cultural Knowledge không chỉ định hình cách người học giao tiếp mà còn ảnh hưởng đến cách họ hiểu cũng như phản hồi trong các ngữ cảnh khác nhau [3][4].
Cultural Knowledge có thể được ví dụ qua hiểu biết về các ngày lễ truyền thống như Tết Nguyên Đán của Việt Nam, hoặc văn hóa cúi chào khi gặp nhau của người Nhật Bản,… Một ví dụ khác về Cultural Knowledge trong học ngôn ngữ là khi người học tiếng Anh nhận ra rằng câu nói "break a leg" không có nghĩa đen là "đập gãy chân" mà là một cách thể hiện lời chúc may mắn theo văn hóa phương Tây.
Nhìn chung, Cultural Knowledge là yếu tố quan trọng trong việc học ngoại ngữ, giúp người học không chỉ hiểu ngữ nghĩa của từ mà còn hiểu được cách sử dụng từ ngữ, thành ngữ trong các tình huống giao tiếp xã hội, từ đó nâng cao khả năng ứng dụng ngôn ngữ trên thực tế.
Khái quát về kĩ năng nghe, nghe hiểu và lý thuyết mô hình nhận thức
Sơ lược về kĩ năng nghe
Nói về kĩ năng nghe, Nunan (1998) tin rằng “Nghe là kỹ năng cơ bản để học một ngôn ngữ. Nếu không có kỹ năng nghe, người học sẽ không bao giờ học được cách giao tiếp hiệu quả. Trên thực tế, hơn 50% thời gian người học sử dụng một ngoại ngữ sẽ được dùng để nghe” [4].
Là một trong hai kênh tiếp nhận thông tin chính, kỹ năng nghe đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu một ngôn ngữ, đồng thời cũng là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác, đặc biệt là kỹ năng nói. Tuy nhiên, kỹ năng nghe thường được cho là yếu nhất trong số các kỹ năng của người học ngoại ngữ và cũng ít được chú ý hơn so với viết, đọc và nói [5].
Dù vậy, kỹ năng nghe vẫn là một thành phần tất yếu trong giảng dạy ngôn ngữ xuyên suốt 5 thập kỷ qua. Qua thời gian, hoạt động nghe đã được tổ chức với ba giai đoạn chủ yếu: giảng dạy dựa trên văn bản, giảng dạy theo giao tiếp và giảng dạy theo người học. Trong đó, giảng dạy dựa trên văn bản coi việc nghe là một quá trình thụ động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết và hiểu các yếu tố ở thông tin đầu vào, chẳng hạn như ngữ âm, từ khóa hay cụm từ. Ngược lại, giảng dạy theo giao tiếp xem việc nghe như một quá trình chủ động sắp xếp, cấu thành ngữ nghĩa cho câu. Mặt khác, giảng dạy theo người học tập trung vào một phương pháp siêu nhận thức (meta-cognitive), dạy người học cách lắng nghe và tương tác với các dữ kiện âm thanh [5].
Nghe hiểu và các tiến trình nghe hiểu
Cũng giống như kĩ năng đọc, quá trình nghe nói chung luôn đòi hỏi người học phải liên tục suy luận ra ngữ nghĩa hơn là chỉ đơn giản giải mã các câu chữ đã cho [3].
Trong đó, kĩ năng nghe hiểu (hay còn gọi là listening comprehension) được biết đến như một quá trình thường xuyên biến động, thể hiện qua việc tương tác qua lại giữa kiến thức nền tảng của người nghe với thông tin được tiếp nhận. Năm 1972, Piaget đã đề xuất rằng sự tương tác này bao gồm hai tiến trình cơ bản là đồng hóa (assimilation) và thích nghi (adaptation).
Cụ thể, sự đồng hóa có thể hiểu là quá trình thay đổi về lượng của Schema theory, đề cập đến việc người học tiếp nhận và chủ động tích hợp thông tin liên quan từ môi trường ngoài vào Schema theory hiện có. Ngược lại, sự thích nghi là biểu hiện thay đổi về chất của Schema theory, xảy ra khi hệ thống nhận thức sẵn có không thể đồng hóa thông tin mới thu được từ môi trường, từ đó đòi hỏi tái cơ cấu và biến đổi Schema theory để có thể thích ứng với thông tin mới [5].
Schema theory - Lý thuyết mô hình nhận thức trong bối cảnh nghe hiểu

Theo các học giả (Al-Issa, 2000; Huang, 2009; Oller, 1995; Xiao-hui, Jun, & Wei-hua, 2007), có 3 loại mô hình nhận thức quan trọng liên quan đến kỹ năng nghe hiểu, lần lượt là: linguistic schema (mô hình ngôn ngữ), formal schema (mô hình hình thức), và content schema (mô hình nội dung) [5]. Trong đó, mỗi loại mô hình đều phản ánh đối tượng, chức năng khác nhau:
Linguistic schema được thể hiện qua lượng kiến thức về ngôn ngữ, chẳng hạn như từ vựng, cụm từ, cấu trúc câu, ngữ pháp hay các cấu trúc liên kết trong câu… Ví dụ, khi thực hành nghe, người học cần hiểu cách sử dụng các cụm từ thông dụng và các quy tắc ngữ pháp như thì, cấu trúc chủ động - bị động để có thể xử lí được ngữ nghĩa câu nói.
Formal schema đề cập đến các hình thái tổ chức, sắp xếp câu cú và cấu trúc tu từ của bài nói. Formal schema giúp người học hiểu cách một văn bản, bài nói được cấu thành, từ đó nhận diện được thể loại và các yếu tố ngữ cảnh có liên quan đến thông điệp đang được truyền tải. Chẳng hạn như một bài diễn thuyết sẽ có cấu trúc phức tạp và trịnh trọng hơn một cuộc hội thoại thường ngày.
Content schema liên quan đến kiến thức nền tảng về một chủ đề cụ thể, gồm kiến thức thực tế và hiểu biết về văn hóa - xã hội của người học. Đây cũng là đối tượng có liên hệ mật thiết với Cultural Knowledge trong nghe hiểu. Khi nghe một ngôn ngữ mới, nếu người học đã biết về nền văn hóa của đất nước đó hoặc các sự kiện lịch sử quan trọng, họ thường có xu hướng tiếp thu và hiểu nội dung liên quan đến chủ đề đó tốt hơn [3].
Nhìn chung, cả 3 loại mô hình này đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người học tiếp nhận và xử lý thông tin trong quá trình nghe hiểu, đồng thời xây dựng mối liên kết giữa ngữ nghĩa và ngữ cảnh của các câu nói.
Xem thêm: Ứng dụng Metacognitive strategies vào việc học nghe tiếng Anh
Phân tích tác động của Cultural Knowledge đến kỹ năng nghe hiểu
Một số nghiên cứu về tác động của Cultural Knowledge đến việc học ngoại ngữ, hoạt động nghe và nghe hiểu
Dù là một trong bốn kỹ năng quan trọng của việc học ngôn ngữ, kỹ năng nghe thường ít được chú trọng hơn so với viết, đọc và nói. Để giải thích điều này, Cross cho rằng phương pháp giảng dạy thường tập trung vào các kỹ năng mang tính chủ động, trong khi hoạt động nghe thường được coi là thụ động hơn [3]. Qua thời gian, kỹ năng nghe đã được các học giả dành thêm sự quan tâm, từ đó cho ra nhiều công trình nghiên cứu về tác động của kiến thức văn hóa đối với việc học ngoại ngữ nói chung và việc nghe nghe hiểu nói riêng.
Để xác định ảnh hưởng của nền tảng tôn giáo đối với khả năng nghe hiểu của học viên, Markham và Latham (1987) đã sử dụng một bài nghe mô tả nghi lễ cầu nguyện của Hồi giáo và Thiên chúa giáo, nghiên cứu trên 16 người theo đạo Hồi, 20 người theo đạo Thiên chúa và 28 người không theo đạo. Kết quả cho biết, đối tượng tham gia nghiên cứu có thể nhớ lại nhiều thông tin hơn và đưa ra những giải thích chi tiết hơn, ít sai lệch hơn khi nói về nội dung liên quan đến tôn giáo của họ. Từ đó có thể thấy rằng hiểu biết về tôn giáo có ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu [5].
Ở một công trình khác, Tsou (2005) đã nghiên cứu tác động của giáo dục văn hóa đối với việc học ngoại ngữ. Tại bối cảnh nghiên cứu, việc giảng dạy các giá trị văn hóa, các phong tục, tập quán được triển khai trong hai lớp học tiếng Anh cấp tiểu học trong vòng một học kỳ để xem xét tác động đối với tiến trình học ngoại ngữ. Sau khi chương trình văn hóa được tích hợp vào giảng dạy tiếng Anh, trình độ ngoại ngữ của học sinh đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thêm hứng thú với việc học ngoại ngữ [3].
Từ các nghiên cứu đã đề cập ở trên, có thể kết luận rằng người học có xu hướng thể hiện khả năng nghe tốt hơn khi tiếp xúc với những dữ kiện quen thuộc hoặc có liên quan đến nền tảng văn hóa hay tôn giáo của mình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu thực nghiệm tập trung chứng minh kiến thức văn hóa có ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học tiếng Anh.
Do đó, vào năm 2023, Zhaochun Sun đã thực hiện một báo cáo điều tra tác động của việc giảng dạy kiến thức văn hóa tới khả năng nghe hiểu của người Trung Quốc học tiếng Anh. Nghiên cứu gồm 32 bác sĩ nam từ Quảng Đông, Trung Quốc, chia thành hai nhóm và cùng tham gia khóa học nghe tiếng Anh kéo dài 4 tháng với tần suất 3 buổi/tuần. Cả hai nhóm đều được hướng dẫn bài nghe qua ba bước: trước, trong và sau khi nghe, nhưng Nhóm 2 có tham gia thêm khóa học "Giới thiệu về Văn hóa Anh và Mỹ." Bài kiểm tra cuối khóa cho thấy Nhóm 2 có kết quả vượt trội hơn về năng lực nghe hiểu nhờ có thêm kiến thức văn hóa được tích hợp cùng với chương trình học [5].
Những tác động của Cultural Knowledge đến kỹ năng nghe hiểu
Những nghiên cứu được đề cập ở trên đều đã chứng minh Cultural Knowledge có thể đem lại ảnh hưởng tích cực, hỗ trợ khả năng tiếp thu tiếng Anh nói chung và khả năng nghe hiểu nói riêng. Qua đó, nội dung dưới đây sẽ phân tích cụ thể cách mà kiến thức văn hóa có thể giúp người học cải thiện được khả năng nghe hiểu của mình.

Tăng hiệu suất nghe hiểu và khả năng ghi nhớ thông tin
Trang bị Cultural Knowledge, người học có thể trở nên quen thuộc hơn với các thuật ngữ liên quan đến phong tục và truyền thống văn hóa trong bài nghe. Điều này đã góp phần kích hoạt content schema của người học (Alptekin, 1981; Schank & Abelson, 1977) [4]. Nói cách khác, người học khi nghe các nội dung liên quan đến văn hóa thường ít phải xử lý các thuật ngữ xa lạ, từ đó họ có khả năng nghe hiểu tốt hơn vì có thể xử lý thông tin mới trong trí nhớ ngắn hạn với hiệu suất cao hơn.
Giả sử trong một bài nghe có nội dung về lễ hội Thanksgiving của Mỹ, nếu người học đã được trang bị kiến thức về lịch sử và phong tục của lễ hội này (chẳng hạn như việc tạ ơn, ăn uống cùng gia đình, và các món ăn đặc trưng như gà tây), họ sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ khi nghe về những từ ngữ như "turkey" (gà tây), "stuffing" (nhồi thịt) hay "cranberry sauce" (nước sốt nam việt quất). Khi người học đã quen thuộc với các thuật ngữ này từ trước, chúng sẽ được kích hoạt trong content schema, giúp họ nhanh chóng hiểu được thông điệp trong bài nghe mà không cần phải dừng lại để tập trung phán đoán hay xử lý thông tin này. Điều này sẽ giúp người học sử dụng hiệu quả bộ nhớ ngắn hạn của mình để nắm bắt thông tin mà không bị gián đoạn, từ đó tăng khả năng nghe hiểu.
Hỗ trợ phán đoán và suy luận, giải nghĩa các ngữ cảnh trong bài
Anderson và Lynch (2000) đề xuất rằng Cultural Knowledge trang bị cho người học những thông tin cần thiết để dễ dàng xử lí thông tin và nghe hiểu một chủ đề mới lạ [4]. Nguyên nhân bởi lượng kiến thức văn hóa trong content schema đã giúp người học nhận diện và hiểu rõ hơn các yếu tố văn hóa, xã hội ẩn chứa trong bài nghe. Khi người học có kiến thức về các chủ đề văn hóa quen thuộc, họ sẽ dễ dàng phán đoán trình tự, ngữ nghĩa cũng như hiểu cách biểu đạt của từ ngữ, thông tin chứa trong bài, từ đó hỗ trợ quá trình suy luận nhanh và chính xác hơn trong những bối cảnh đề cập trong bài.
Cụ thể, khi người học biết về các nghi thức văn hóa như lễ hội, phong tục hoặc giá trị xã hội đặc trưng trong một nền văn hóa nhất định, họ có thể dễ dàng giải nghĩa các từ ngữ hay câu nói trong các bài nghe liên quan đến các chủ đề đó, giảm thiểu sự hiểu lầm. Việc có sẵn Cultural Knowledge cũng giúp người học suy luận tốt hơn về các tình huống không hoàn toàn rõ ràng trong bài nghe, đặc biệt là khi các thông điệp được truyền tải gián tiếp hoặc sử dụng hình thức biểu đạt theo văn hóa đặc trưng của khu vực.
Ví dụ, khi nghe một bài nói về các ngày lễ truyền thống của Việt Nam, nếu người học đã có kiến thức về Tết Nguyên Đán và các phong tục liên quan như gia đình quây quần hay truyền thống lì xì, xông đất, họ sẽ có thể nghe hiểu tốt hơn các thông tin đề cập đến trong bài. Người học không cần phải bối rối về ý nghĩa của từ ngữ hay các tiến trình lễ nghi, vì kiến thức văn hóa đã giúp họ xác định ngay được bối cảnh và trình tự của các hành động được nhắc đến trong bài.
Giảm thiểu sự mơ hồ, tập trung xử lí các thông tin giá trị
Cũng chính từ việc kích hoạt content schema, Cultural Knowledge có thể giúp giảm thiểu sự mơ hồ khi nghe hiểu qua việc lọc bỏ những thông tin gây nhiễu hoặc không phù hợp, từ đó tập trung vào những yếu tố phức tạp hơn trong bài nghe [5].
Ví dụ, trong một bài nghe về văn hóa ẩm thực Nhật Bản, nếu người học đã có kiến thức về các món ăn như sushi, ramen hay tempura, người học sẽ nhanh chóng nhận diện các từ ngữ liên quan và không phải mất quá nhiều thời gian suy đoán ý nghĩa của chúng. Thay vào đó, người học có thể tập trung vào những thông tin quan trọng hơn như các thành phần chính, cách chế biến hoặc sự liên quan giữa các món ăn với các phong tục truyền thống của Nhật Bản. Nhờ vậy, Cultural Knowledge đã giúp lược bớt những thông tin gây nhiễu, giúp người học dễ dàng tiếp thu và xử lí bài nghe hiểu một cách chính xác hơn.
Nhìn chung, Cultural Knowledge đóng vai trò như một cầu nối giúp người học ngôn ngữ phần nào vượt qua được rào cản ngữ nghĩa và ngữ cảnh trong các bài nghe. Việc trang bị và trau dồi kiến thức văn hóa sẽ giúp người học cải thiện khả năng nghe hiểu, đồng thời tạo nền tảng để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác như nói, đọc và viết.
Các giải pháp luyện tập nghe cho người học bị hạn chế về kiến thức văn hóa
Những nội dung trên đã chứng minh rằng Cultural Knowledge đóng vai trò quan trọng và có thể mang lại nhiều tác động tích cực trong việc cải thiện nghe hiểu. Để cải thiện kỹ năng nghe cho những người học có hạn chế về kiến thức văn hóa, đặc biệt là những người chuẩn bị đi du học, những phương pháp dưới đây sẽ giúp cải thiện khả năng nghe hiểu, song song với đó là trau dồi thêm vốn kiến thức văn hóa.

Luyện nghe với các bài nói về chủ đề văn hóa phổ biến
Để cải thiện kỹ năng nghe hiểu, người học, đặc biệt là những người chuẩn bị đi du học nên luyện tập những bài nghe về các chủ đề văn hóa phổ biến trên thế giới. Các nền tảng trực tuyến như BBC Learning English hay TED Talks cung cấp rất nhiều bài diễn thuyết không chỉ giúp luyện nghe tiếng Anh mà còn đề cập nhiều đến các vấn đề văn hóa, xã hội quốc tế. Những bài nghe này có thể giúp người học quen dần với các thuật ngữ văn hóa, đồng thời hiểu rõ hơn về phong tục, truyền thống của các quốc gia khác nhau.
Với phương pháp này, người học sẽ trau dồi khả năng nghe, đồng thời củng cố thêm kiến thức văn hóa, giảm trở ngại khi tiếp xúc với các tình huống giao tiếp trong môi trường du học hoặc trong các nội dung nghe về văn hóa.
Kết hợp học văn hóa chủ động với luyện tập ngôn ngữ
Một phương pháp hữu ích đối với những người chuẩn bị đi du học là kết hợp tìm hiểu văn hóa chủ động với luyện tập ngôn ngữ. Việc đọc bài báo, xem vlog hoặc các phim tài liệu liên quan đến văn hóa sẽ giúp người học không chỉ cải thiện từ vựng mà còn nắm bắt được các yếu tố văn hóa đặc trưng trong ngữ cảnh giao tiếp. Ví dụ, việc đọc báo về phong tục đón Tết hay xem chương trình khám phá các nền văn minh khác nhau sẽ giúp người học trau dồi Cultural Knowledge, hiểu thêm về các chủ đề có thể gặp trong các cuộc hội thoại hoặc bài giảng khi đi du học.
Luyện tập giao tiếp với người bản xứ
Một trong những cách hiệu quả để cải thiện kỹ năng nghe hiểu là luyện tập giao tiếp với người bản xứ. Việc hiểu rõ về ngữ điệu, cách sử dụng từ ngữ và các biểu hiện văn hóa trong giao tiếp sẽ giúp người học trở nên tự tin hơn khi đối mặt với các thông tin trong bài nghe hoặc các tình huống thực tế khi du học.
Người học có thể kết nối online qua các diễn đàn quốc tế hoặc tham gia câu lạc bộ giao lưu ngôn ngữ ở địa phương để luyện tập kỹ năng đồng thời nghe và nói. Điều này có thể hỗ trở cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời giúp người học hiểu thêm về các cách thức giao tiếp và các đặc trưng văn hóa khi trò chuyện.
Sử dụng flashcards và các ứng dụng
Sử dụng flashcards để ghi nhớ từ vựng và thuật ngữ liên quan đến văn hóa là một cách hiệu quả để củng cố Cultural Knowledge, mang lại hiệu quả tốt hơn khi thực hiện nghe hiểu. Người học có thể tạo các flashcards về thuật ngữ văn hóa và sử dụng chúng để luyện tập hàng ngày. Ngoài ra, một số ứng dụng học ngôn ngữ như Duolingo cũng cung cấp hệ thống bài học kết hợp giữa giảng dạy ngôn ngữ và phổ cập văn hóa. Qua việc sử dụng các ứng dụng này, người học có thể làm quen với các cấu trúc câu và từ ngữ thường dùng trong bối cảnh văn hóa, từ đó giúp nâng cao kỹ năng nghe hiểu khi gặp các tình huống tương tự trong thực tế hoặc bài làm.
Đọc thêm: Cải thiện kỹ năng nghe cho trình độ sơ và trung cấp
Tổng kết
Tóm lại, Cultural Knowledge - kiến thức văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc học ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe hiểu. Trang bị hiểu biết về văn hóa sẽ không chỉ giúp người học nhận thức đúng ngữ cảnh mà còn tạo cơ hội giao tiếp hiệu quả trong nhiều tình huống. Trong bối cảnh du học, kiến thức văn hóa càng trở nên thiết yếu, giúp người học hiểu được ngôn ngữ đồng thời thích ứng tốt với môi trường mới. Tuy nhiên, những người học bị hạn chế về kiến thức văn hóa có thể gặp khó khăn khi tiếp cận nội dung nghe. Để cải thiện nghe, người học có thể áp dụng các phương pháp luyện tập được đề cập trong bài viết, từ đó nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, hoàn thiện khả năng giao tiếp cũng như trình độ tiếng Anh của mình.
Nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế, hệ thống đào tạo tại ZIM Academy mang đến giải pháp phù hợp. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 hoặc truy cập website để được tư vấn chi tiết.
Tác giả: Chu Đặng Thanh Hương
Nguồn tham khảo
“Prior knowledge.” TeachingEnglish, https://www.teachingenglish.org.uk/professional-development/teachers/knowing-subject/n-p/prior-knowledge. Accessed 18 November 2024.
“The Relevance of Prior Knowledge in Learning and Instructional Design.” American Journal of Pharmaceutical Education, Accessed 18 November 2024.
“ Is Listening Comprehension Influenced by the Cultural Knowledge of the Learners? A Case Study of Iranian EFL Pre-intermediate Learners.” RELC Journal, Accessed 18 November 2024.
“The Impact of Cultural Knowledge on Listening Comprehension .” Canadian Center of Science and Education (CCSE), Accessed 18 November 2024.
“The Positive Effect of Cultural Knowledge on Listening Comprehension of EFL Learners.” Canadian Center of Science and Education (CCSE), Accessed 18 November 2024.
Bình luận - Hỏi đáp