Chiến thuật học và phong cách học đa ngôn ngữ
Đa ngôn ngữ là sự thông thạo nhiều ngoại ngữ của một cá nhân, và nhờ đó, có khả năng chuyển đổi giữa nhiều ngôn ngữ một cách dễ dàng tùy từng tình huống giao tiếp. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “đa ngôn ngữ” có thể dịch thành “multilingualism” và “plurilingualism”. Tuy nhiên, trong khi multilingualism chỉ những người có thể nói nhiều ngôn ngữ một cách lưu loát, thì plurilingualism không chỉ nhấn mạnh về khả năng và năng lực xuất chúng khi học nhiều ngoại ngữ, mà còn khả năng tiếp thu kiến thức ngôn ngữ học và văn hóa một cách chuyên sâu trong từng ngôn ngữ được học.
Những người thành thạo nhiều ngoại ngữ thường có tài năng bẩm sinh. Bên cạnh đó, họ cũng có những chiến thuật và phong cách học tiếng cụ thể.
Trong bài viết sau, tác giả sẽ phân tích rõ hơn về các chiến thuật học ngoại ngữ, phong cách học ngoại ngữ, và mối quan hệ giữa chúng với hiện tượng đa ngôn ngữ. Để từ đó, học sinh, đặc biệt là những bạn đang gặp khó khăn và chưa xác định được phương pháp học cụ thể, có thể tham khảo các lựa chọn sẵn có , và sau đó chọn lọc cho mình những phương pháp và chiến thuật học hợp lý.
Key takeaways:
Giới thiệu 6 nhóm chiến thuật học ngoại ngữ: affective, social, metacognitive, memory, cognitive và compensatory.
Giới thiệu mô hình VARK bao gồm 4 phong cách học: visual, auditory. reading and writing và kinesthetic
Giải thích mối liên hệ giữa hiện tượng đa ngôn ngữ và chiến thuật học, cùng với hiện tượng đa ngôn ngữ và phong cách học.
Ứng dụng kiến thức đã nêu vào việc tối ưu hóa việc học ngoại ngữ.
Chiến thuật học ngoại ngữ
Learning strategies là tập hợp những hành động hay kỹ thuật cụ thể mà học sinh sử dụng, thường là có chủ đích, nhằm cải thiện sự tiến bộ ngoại ngữ. Người học ngoại ngữ giỏi thường áp dụng rất nhiều chiến thuật học khác nhau, ví dụ như tận dụng cơ hội luyện tập, luôn sẵn sàng đoán nghĩa và thường đoán rất chính xác, hiểu và quản lý được các vấn đề về cảm xúc trong suốt quá trình học ngoại ngữ và khả năng tự điều chỉnh kỹ năng nói của mình. Họ thường có nhận thức sâu về chiến thuật sử dụng và lý do sử dụng chúng. Những người học như trên còn có khả năng điều chỉnh chiến thuật học làm sao cho phù hợp với từng nhiệm vụ và nhu cầu cá nhân khi học.
Những người học ngoại ngữ kém hơn có khả năng xác định chiến thuật cần thiết, tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn chiến thuật phù hợp và liên kết chúng lại để tạo thành một chuỗi chiến thuật hữu ích.
Oxford và Nykios (1989) cho rằng số năm dành cho việc học ngôn ngữ quyết định đáng kể kiểu chiến thuật học ngôn ngữ. Cụ thể, những người học ngoại ngữ từ 4-5 năm có xu hướng sử dụng Functional practice stategies (tạm dịch: phương pháp luyện tập theo chức năng), có thể hiểu là người học tập trung chủ yếu vào luyện tập giao tiếp phát âm, ví dụ như xem phim nước ngoài hay nói chuyện với người bản xứ. Phương pháp tiếp theo cũng được sử dụng bởi những người ở nhóm trên có tên là Conversational input elicitation stategies (tạm dịch: chiến thuật lấy kiến thức giao tiếp), có thể hiểu là việc cố gắng xin kiến thức liên quan đến giao tiếp từ người khác, ví dụ như yêu cầu nói chậm lại hoặc xin sửa phát âm trong lúc giao tiếp với họ.
Theo Oxford (1990), có 6 nhóm chiến thuật cụ thể:
Affective
Chiến thuật Affective có thể hiểu là những phương pháp giúp giảm cảm giác lo lắng, sợ sệt khi sử dụng ngoại ngữ, hoặc cũng có thể là khích lệ bản thân bằng cách tự thưởng sau mỗi giờ học căng thẳng. Bản chất của từ Affective liên quan đến cảm xúc và thái độ nhiều, cho nên phương pháp học ngoại ngữ này tập trung chủ yếu vào mặt tâm lý cảm xúc của người học.
Phương pháp Affective có thể bao gồm các hoạt động cụ thể như khích lệ bản thân nói ngoại ngữ khi cảm thấy sợ sệt, hoặc tự nhận thấy bản thân đang căng thẳng và lo lắng, để từ đó tự cố gắng thư giãn cơ thể và tập luyện tốt hơn. Ngoài ra, với phương pháp này, người học cũng thường tự thưởng bản thân sau khi đạt được thành tích nào đó liên quan đến ngoại ngữ, ví dụ như giới thiệu được về bản thân bằng tiếng Anh hay chào hỏi người quen bằng tiếng Hàn. Phương pháp Affective còn bao gồm việc viết xuống những dòng cảm xúc hay những việc đã làm vào nhật ký.
Social
Chiến thuật học ngoại ngữ tiếp theo mang tên Social (liên quan đến xã hội/ xã hội học). Như cái tên đã chỉ ra, phương pháp vừa nêu tâp trung chủ yếu vào khía cạnh tương tác giữa người với người trong xã hội hoặc một môi trường văn hóa nào đó, mà ở đó, một hay nhiều ngôn ngữ được sử dụng.
Cụ thể, chiến thuật Social có thể hiểu đơn giản là luôn tò mò và đặt câu hỏi, tương tác và thảo luận nhiều với người bản xứ, cũng như nhận thức tầm quan trọng cũng như sự thú vị của khác biệt văn hóa trong mỗi ngôn ngữ. Người học thiên về chiến thuật Social thường có xu hướng thích đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh, nhờ người khác lặp lại lời đã nói hay nói chậm lại khi chưa hiểu, nhờ sự giúp đỡ của người bản xứ, ví dụ như nhờ sửa sai phát âm hay sửa cách dùng từ. Bên cạnh đó, những người học thiên về phương pháp social thường có khả năng am hiểu khá sâu về đặc trưng văn hóa trong mỗi ngôn ngữ mà họ sử dụng, thay vì chỉ hiểu và giao tiếp thành thạo bằng một ngôn ngữ nhất định.
Metacognitive
Chiến thuật thứ ba mang tên Metacognitive. Về bản chất, từ Metacognitive là sự kết hợp của tiền tố Meta- (siêu) và tính từ Cognitive (thuộc về nhận thức), từ đó có thể suy ra được ý nghĩa của phương pháp Metacognitive.
Nói một cách đơn giản, Metacognitive là một chiến thuật mà người học sẽ sử dụng khả năng siêu nhận thức của mình. Cụ thể, người học hoàn toàn có thể tự đánh giá quá trình tiến bộ của bản thân, lên kế hoạch đúng đắn và phù hợp cho mỗi nhiệm vụ học ngôn ngữ, chủ động tìm kiếm cơ hội luyện tập, tập trung cao độ và đặc biệt, theo dõi và giám sát lỗi sai.
Những người học theo thiên hướng Metacognitive thường chủ động tìm kiếm những người mà họ có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, tìm kiếm cơ hội đọc tài liệu tiếng nước ngoài, tập trung cao độ khi nghe ai đó nói, phát hiện ra lỗi sai và chủ động sửa sai, cố gắng phát triển cái nhìn toàn diện hơn về việc học ngoại ngữ, và từ đó, tìm kiếm nhiều cách thức để có thể sử dụng ngôn ngữ đó.
Ngoài ra, những người ở hạng mục Metacognitive thường có khả năng tự lên kế hoạch rất tốt, cụ thể họ đặt ra những mục tiêu đúng đắn kèm theo thời gian hợp lý để giúp cải thiện ngôn ngữ, ví dụ trong một tuần họ sẽ phải nghe 5 podcasts ngắn 10-20 phút, học thêm 20 từ mới hoặc nói chuyện với thầy cô từ 5-10 phút về một chủ đề nhất định.
Điều đặc biệt nhất ở chiến thuật học này là người học thường xuyên cố gắng suy ngẫm, nhận thức và phát triển tư duy về quá trình tiến bộ của bản thân, ví dụ như sau 1-2 tuần, tự kiểm tra xem đã có thay đổi gì so với thời gian trước, phát âm có cải thiện hơn, hoặc kỹ năng nói có trôi chảy hơn trước. Chính những lần tự kiểm điểm như vậy sẽ giúp người học nhận ra được nhiều thứ, đặc biệt là hiểu rõ hơn về phương pháp học nào sẽ hiệu quả nhất với mình và từ đó, điều chỉnh cho kế hoạch học tập trong tương lai.
Memory
Chiến thuật Memory bao gồm tất cả những phương pháp học ngoại ngữ bằng việc sử dụng trí nhớ, ví dụ như nhóm từ để học từ vựng, sử dụng hình ảnh để giúp nhớ từ vựng tốt hơn, học từ vựng theo nhóm từ cùng vần, cử động chân tay cơ thể để tiếp thu kiến thức hoặc ôn tập kiến thức một cách có hệ thống.
Với phương pháp Memory, người học có thể liên hệ giữa kiến thức được học, ví dụ từ mới với các yếu tố khác như một hình ảnh/ bức tranh nào đó, một tình huống tưởng tượng ra trong đầu, hay vị trí mà từ đó xuất hiện, ví dụ như trên trang sách hay dưới phần bình luận của một bài báo điện từ chẳng hạn. Những liên kết giữa lý thuật và thực tế ấy sẽ giúp học sinh cải thiện trí nhớ một cách đáng kể.
Ngoài ra, người học có thể nhớ kiến thức bằng cách tìm điểm tương đồng để liên hệ giữa những điều mới học được với những kiến thức cũ hơn.
Ví dụ, bạn A học được kiến thức về tiền tố inter- trong tiếng Anh có nghĩa là “liên, giữa hai hay nhiều bộ phận”. Tiền tố Inter- có thể tìm thấy trong từ international (kết hợp giữa tiền tố inter và tính từ national), suy ra international có nghĩa là “liên giữa các quốc gia”, hay ngắn gọn hơn sẽ là “thuộc về quốc tế”. Ngày hôm sau, bạn A thấy từ interaction và kết luận interaction có nghĩa là “sự tương tác”, vì từ này được hình thành từ tiền tố inter- và danh từ action (hành động), nên bạn suy ra interaction có nghĩa là “hành động giữa hai hay nhiều người”, hay nói ngắn gọn hơn là “sự tương tác”.
Thêm vào đó, để học ngoại ngữ, những học sinh trội về phương pháp memory hơn thường sử dụng flashcards để ghi nhớ từ vựng, ghép chung những từ có cùng vần để học, sử dụng từ mới để cấu tạo câu mới và quan trọng không kém, ôn tập thường xuyên để củng cố kiến thức cũ.
Cognitive
Chiến thuật Cognitive là chiến thuật đòi hỏi người học phải vận dụng lý trí, phân tích, tóm gọn và luyện tập những tài nguyên ngoại ngữ. Có thể hiểu đơn giản, với phương pháp học Cognitive, người học sẽ đảm nhiểm vai trò chủ động trong việc sử dụng ngôn ngữ, thay vì chỉ tham gia một khóa học và ngồi nghe giảng.
Chiến thuật Cognitive bao gồm các phương pháp, kỹ thuật học như sau:
Nội dung | Cognitive strategies (Chiến thuật nhận thức) |
---|---|
Luyện nói | Cố gắng nói như người bản xứ |
Luyện tập phát âm các âm tiết trong tiếng Anh | |
Chủ động sử dụng tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác) trong các cuộc nói chuyện. | |
Luyện nói hoặc viết từ mới nhiều lần | |
Học từ vựng, kiến thức mới | Sử dụng những từ đã học được theo nhiều cách, có thể theo nghĩa, theo vị trí, theo cụm collocations… Ví dụ sử dụng từ theo nhiều nghĩa.
-» Please watch your little sister.
-» I need a new watch battery. Ví dụ sử dụng danh từ attention theo cụm collocations.
-» Don’t pay attention to what they say.
-» Small children have a very short attention span. |
Luôn cố gắng tìm ra công thức, hoặc mẫu số chung trong kiến thức ngoại ngữ học được. Ví dụ:
Suy ra, trạng ngữ kết hợp với một quá khứ phân từ của động từ sẽ tạo thành tính từ mới, có nghĩa là sự kết hợp nghĩa của 2 thành phần trên. | |
Đoán nghĩa của từ mới dựa trên kiến thức cũ. Ví dụ: Bạn A đã học được -less là hậu tố, được thêm vào sau danh từ để biến từ đó thành tính từ, với lớp nghĩa bổ sung là “hầu như không có cái gì”, ví dụ từ homeless (không nhà), penniles (không xu dính túi). Khi bạn A bắt gặp từ emotionless, bạn ấy lập tức suy luận ra được nghĩa cũng như loại từ của từ trên, dựa vào kiến thức cũ đã học trước đó. | |
Phương pháp học nói chung | Xem phim truyền hình hoặc phim ảnh bằng tiếng Anh. |
Tìm đọc tài liệu bằng tiếng Anh cho vui | |
Viết ghi chú ngắn bằng tiếng Anh | |
Đọc lướt trước khi đọc kỹ | |
Tóm tắt thông tin, có thể là một đoạn văn vừa mới đọc được bằng xác định keywords, nhóm thông tin và tóm tắt lại dựa trên hiểu biết của mình. | |
Cố gắng không dịch từng từ từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ khác và ngược lại. Thay vào đó, học các cụm từ thường đi với nhau và cấu trúc diễn đạt cố định để nói và viết tự nhiên hơn. Ví dụ: Thay vì nói: “In my opinion, learning English is hard” (Theo quan điểm của tôi, học tiếng Anh thì khó). Sử dụng:
|
Compensatory
Phương pháp Compensatory có thể hiệu đơn giản là “bù đắp” cho phần kiến thức còn thiếu, bằng cách đoán nghĩa của từ dựa trên ngữ cảnh, hoặc sử dụng từ đồng nghĩa và cử chỉ để truyền đạt ý kiến.
Phong cách học ngoại ngữ
Theo mô hình VARK của Neil Fleming, có 4 phong cách học: visual, auditory. reading and writing và kinesthetic. Mỗi phương pháp học sẽ có những đặc điểm riêng, cụ thể:
Visual
Visual learning tập trung chủ yếu về mặt tiếp thu kiến thức thông qua thị giác. Cụ thể, những người học thiên về visual thường hay nhìn xung quanh và xem xét tình huống. Họ suy nghĩ về mọi thứ dưới dạng hình ảnh trong tâm trí và thường có trí tưởng tượng rất phong phú.
Ngoài ra, visual learners còn có khả năng nhớ từ vựng ngay lập tức, đặc biệt là khi từ vựng đó được trình bày dưới dạng hình ảnh minh họa. Những người học thuộc hạng mục này rất thích ghi chú kiến thức, nhưng họ có một điểm yếu là rất nhạy với sự lộn xộn trong môi trường hay sự dịch chuyển nào đó, vì thế mà dễ bị xao nhãng bởi các yếu tố xung quanh.
Phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả và phù hợp dành cho visual learners bao gồm:
Vẽ mindmaps, hoặc bản đồ, biểu đồ, danh sách liệt kê.
Ghi chép và sử dụng bút highlight để hệ thống các phần kiến thức
Xem video có hình minh họa, xem chương trình truyền hình hoặc phim bằng tiếng nước ngoài.
Học từ vựng bằng flashcards.
Chú ý miệng và biểu cảm của giáo viên ngoại ngữ khi họ nói.
Auditory
Auditory learning là phong cách học ngoại ngữ thông qua kỹ năng nghe. Các auditory learners tiếp thu thông tin tốt hơn dưới hình thức nghe, có thể là nghe người khác nói, nghe audio hay video có tiếng hoặc nghe chính bản thân mình nói. Vì vậy, những bài tập nhóm đòi hỏi nhiều thảo luận và trao đổi qua lại giữa các thành viên nhóm rất phù hợp với những auditory learners.
Phương pháp học cụ thể dành cho những người có phong cách học auditory bao gồm:
Ghi nhớ kiến thức từ bài giảng bằng cách ghi âm lại và nghe lại nhiều lần.
Nghe bản ghi âm của tư liệu học khi rảnh rỗi
Đọc to, hoặc trao đổi tư liệu & kiến thức với người khác
Paraphrase ý tưởng về khái niệm mới
Diễn đạt hiểu biết cá nhân thông qua tư liệu bằng hỉnh ảnh hoặc biểu đồ, ví dụ nhìn vào mindmap và diễn đạt những gì người học hiểu.
Luyện nói về điều cần làm, cách làm và tại sao cần làm như vậy khi đối mặt với quá trình mới. Ví dụ, khi được giao cho nhiệm vụ hoàn thành bài luận (1000 từ) trước cuối tuần này, người học nói về những điều cần làm để đạt được kết quả, cách làm cụ thể và tại sao chọn hướng đi như vậy, rồi mới bắt tay vào làm.
Reading & Writing
Người học thiên về kỹ năng reading & writing rất nổi trội về mảng chữ viết, và thường tiếp thu nhanh kiến thức nếu nó được truyền tải dưới dạng worksheets, bản thuyết trình hay những nguồn tài liệu chứa nhiều chữ khác. Người có phong cách học reading & writing thích ghi chép thông tin và viết rất tốt, đặc biệt là khi cần tham chiếu thông tin viết từ các nguồn khác.
Với phong cách học như trên, những phương pháp học cụ thể và hiệu quả nhất là:
Luôn ghi chép kiến thức trong lớp học, sau đó viết hoặc đọc nhẩm lại nhiều lần.
Đọc thêm thông tin bổ trợ ngoài thông tin/ kiến thức chính và trọng tâm, từ đó, phát triển khả năng hiểu sâu hơn.
Hệ thống suy nghĩ bằng cách lập danh sách theo thứ tự cụ thể.
Kinesthetic
Các Kinesthetic Learners thường thích sử dụng cả 5 giác quan khi học, và tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp thu kiến thức, thay vì chỉ ngồi một chỗ một cách bị động. Những người học này thường không có kỹ năng lắng nghe, chỉ nhớ những điều đã làm nhưng dễ quên những gì đã thấy hoặc nói ra và dễ bị mất tập trung, Vì vậy, trong môi trường học tập đòi hỏi sự tham gia chủ động của học sinh, kinesthetic learners thường rất nổi trội.
Phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả cho các Kinesthetic Learners bao gồm:
Vừa học (có thể là đọc, viết, suy nghĩ, giải thích quan điểm nói) và vừa đi tới lui một khu vực cụ thể, ví dụ phòng học, công viên, lớp học,….
Di chuyển và nói chuyện với vạn vật, có thể tưởng tượng giao tiếp với một vật cụ thể, có thể là bức tường, bàn ghế…..
Để tăng khả năng ghi nhớ, người học có thể vừa nói to một câu nào đó và thực hiện chính xác hành động đó. Ví dụ, cụm lend someone money (có nghĩa: cho ai đó mượn tiền), người học có thể vừa lẩm nhẩm cụm từ trên vừa thực hiện hành động chìa tiền ra cho người khác mượn.
Viết kiến thức trên bảng trắng sử dụng bút, hoặc trong không khí sử dụng chuyển động tây.
Sử dụng tư liệu, tài liệu có thể cầm nắm được để hỗ trợ việc học, ví dụ in tài liệu giấy, sách, giáo trình, hoặc các vật dụng khác liên quan đến việc học ngoại ngữ.
Sử dụng flashcards, và chia chúng thành hai mảng kiến thức: đã biết và chưa biết.
Học trong khoảng 30-60 phút, đi dạo một vòng và sau đó quay lại học tiếp.
Mối liên hệ giữa chiến thuật học, phong cách học và hiện tượng đa ngôn ngữ
Mối liên hệ giữa chiến thuật học và hiên tượng đa ngôn ngữ
Green và Oxford (1995) kết luận mối liên kết giữa áp dụng chiến thuật học và sự thành công trong việc học ngoại ngữ. Cụ thể, những người học giỏi ngoại ngữ áp dụng nhiều chiến thuật học khác nhau hơn so với những người có trình độ kém hơn. Ngoài ra, nghiên cứu của Green và Oxford đã chỉ ra rằng cognitive strategies được sử dụng nhiều nhất bởi những người có trình độ ngoại ngữ cao nhất, sau đó đến trung bình và cuối cùng là cấp độ cơ bản.
Một số nghiên cứu khác, như nghiên cứu đối tượng học sinh tiểu học trong các lớp học ngâm ngôn ngữ của Chamot và El Dinary 1999, hay nghiên cứu lên những trẻ thành thạo hai ngôn ngữ của Purdie và Oliver (1999), và môi trường ngoại ngữ của Lan và Oxford (2003) đều có kết luận tương tự về sức ảnh hưởng của mức độ thông thạo ngoại ngữ lên việc sử dụng chiến thuật học. Kết quả là càng thành thạo ngoại ngữ, người học càng có xu hướng sử dụng chiến thuật học cụ thể nhiều hơn.
Mối liên hệ giữa phong cách học và hiện tượng đa ngôn ngữ
Theo nghiên cứu của Hyland (1993), những người học tiếng Anh lâu năm thường có phong cách học kinaesthetic & tactile so với những người khác có thời gian học ít hơn. Phong cách học kinaethetic và auditory tăng theo thời gian với những đối tượng có cơ hội học với giáo viên ngoại quốc và trong môi trường giáo dục quốc tế.
Violand Sanchez (1995) nghiên cứu phong cách học và nhận thức của 257 học sinh trung học thuộc thiểu số ở Mỹ, cho thấy rằng những đối tượng ở trên có xu hướng phát triển kỹ năng tiếng Anh tốt hơn bằng cách liên hệ kiến thức học được với những trải nghiệm và cảm xúc của bản thân.
Tóm lại, những nghiên cứu trên đi đến kết luận rằng những người thành thạo ngoại ngữ thường có phong cách học tactile và kinesthetic hơn. Điều này có thể được giải thích bởi độ tuổi và sự cần thiết hoạt động về mặt sinh lý của những người trẻ nêu trên. Bên cạnh đó, những cá nhân này cũng dựa nhiều vào trải nghiệm và cảm xúc cá nhân hơn là phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh để học ngôn ngữ. Cụ thể, họ tự phát triển tư duy phân tích và phán xét của chính mình trong chính ngoại ngữ họ đang học. Càng về già, những người này càng trở nên hướng nội và trực giác hơn so với những người khác, và họ cũng học giỏi hơn so với những người không thành thạo ngoại ngữ.
Ứng dụng
Dựa trên những thông tin cung cấp, người học có thể điều chỉnh phương pháp học và kế hoạch học ngoại ngữ làm sao cho phù hợp với bản thân. Những người giỏi về ngoại ngữ thường có xu hướng kết hợp nhiều chiến thuật học khác nhau, vì vậy, việc áp dụng đa dạng và linh hoạt các chiến thuật học sẽ góp phần giúp người học cải thiện ngoại ngữ tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc tìm ra phong cách học ngoại ngữ phù hợp nhất dành cho bản thân cũng sẽ giúp ích cho quá trình học ngoại ngữ. Cụ thể, người học sẽ tập trung vào phương pháp và cách thức học phù hợp với mình, từ đó, tiếp thu và cải thiện nhanh hơn cũng như rút ngắn thời gian dành cho việc học ngoại ngữ mà vẫn đạt được hiệu quả mong muốn.
Ví dụ, nếu người học cảm thấy việc luyện nghe video tư liệu người bản ngữ nói giúp cá nhân phát âm hay hơn, chính xác và tự nhiên hơn, có khả năng người học có phong cách học auditory. Tù đó, học sinh có thể tăng thời lượng học những nguồn tài nguyên nghe để tiếp thu được nhiều kiến thức nhất và cải thiện nhanh nhất.
Tổng kết
Bài viết trên đã làm rõ mối liên hệ giữa hiện tượng đa ngôn ngữ và chiến thuật học cũng như phong cách học. Tác giả hy vọng thông qua bài viết, học sinh ngoại ngữ có thể hiểu và nắm được thế nào là đa ngôn ngữ và tại sao một số người lại giỏi ngôn ngữ hơn so với người khác, để từ đó, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với bản thân. Bài viết không nhằm mục đích đưa ra giải pháp cụ thể, mà chỉ gợi ý một hướng đi đúng đắn hơn dành cho học sinh ngoại ngữ dựa trên dữ liệu các bài nghiên cứu trước đó. Tác giả khuyến khích người học tự tìm tòi và trải nghiệm, từ đó, rút ra được nhiều bài học quý báu cho chính bản thân mình.
Bình luận - Hỏi đáp