Foreign Language Speaking Anxiety là gì? Cách vượt qua nỗi lo âu trong IELTS Speaking
Lo âu giao tiếp, được định nghĩa là trạng thái căng thẳng và lo lắng khi tham gia vào các hoạt động giao tiếp, là một trở ngại phổ biến đối với người học tiếng Anh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khả năng giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, lo âu giao tiếp có thể làm giảm sự tự tin, cản trở quá trình học tập và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả các bài thi. Bài viết này sẽ đi sâu vào các nguyên nhân gây ra lo âu giao tiếp (Foreign Language Speaking Anxiety), bao gồm cả yếu tố tâm lý và ngôn ngữ, đồng thời đề xuất các phương pháp thực tế để giúp người học vượt qua rào cản này và nâng cao khả năng giao tiếp của mình.
Key takeaways |
---|
|
Nhận diện nỗi lo âu khi nói tiếng Anh
Định nghĩa
Sự lo âu trong quá trình học ngoại ngữ, hay còn gọi là Foreign Language Anxiety, là một trạng thái tâm lý phức tạp bao gồm các thành phần nhận thức, tình cảm và hành vi. Trạng thái này xuất phát từ những lo ngại, bất an liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ mới, đặc biệt trong các tình huống giao tiếp. Horwitz, Horwitz và Cope (1986) đã phân loại foreign language anxiety thành ba loại chính: (1) Lo âu giao tiếp (communication apprehension): liên quan đến nỗi sợ mắc lỗi khi giao tiếp bằng ngôn ngữ mới; (2) Sợ bị đánh giá tiêu cực (fear of negative evaluation): lo ngại về phản ứng của người khác đối với khả năng ngôn ngữ của bản thân; và (3) Lo âu thi cử (test anxiety): căng thẳng khi phải thực hiện các bài kiểm tra hoặc đánh giá bằng ngôn ngữ mới. [1]
Nỗi lo âu khi nói tiếng Anh (Foreign Language Speaking Anxiety) là một nhánh cụ thể của Foreign Language Anxiety. Nỗi lo này chủ yếu xuất phát từ sự hạn chế trong việc tiếp xúc với Tiếng Anh, lo lắng vì thiếu từ vựng và ngữ pháp để diễn đạt, sợ phát âm không chính xác hoặc do môi trường học tập chưa phù hợp (Hutabarat & Simanjuntak, 2019). [2]
Bên cạnh đó, do tính chất của bài thi IELTS Speaking yêu cầu thí sinh tương tác trực tiếp với giám khảo, điều này cũng tạo ra áp lực tâm lý lớn hơn so với những kỹ năng khác. Sự hạn chế về mặt thời gian cũng là một trong những yếu tố tác động lên tâm lý của thí sinh. Do trên thực tế, người nói chỉ có vỏn vẹn 1’ để chuẩn bị cho phần IELTS Speaking Part 2 và cần phản xạ ngay với câu hỏi trong Part 1 và 3, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhanh và diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc với sự đa dạng nhiều chủ đề khác nhau. Phòng thi IELTS cũng thường có không gian khá trang trọng và yên tĩnh, vô tình tạo cảm giác căng thẳng cho nhiều người.
Biểu hiện
Việc nhận diện các dấu hiệu lo âu là tiền đề quan trọng để can thiệp và hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn trong quá trình học ngoại ngữ. Cụ thể, các biểu hiện này có thể được chia thành hai nhóm:
Về mặt sinh lý, căng thẳng gây ra phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" (fight-or-flight response), kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Điều này dẫn đến các biểu hiện như tăng nhịp tim, hô hấp nhanh, đổ mồ hôi và nhạy cảm với các tác động bên ngoài. Những phản ứng này làm giảm khả năng tập trung, gây cản trở quá trình xử lý thông tin, khiến thí sinh có xu hướng đưa ra các quyết định dựa trên bản năng thay vì dựa trên kiến thức đã học. Theo nghiên cứu của Marlett và Watson (1968), trạng thái căng thẳng có thể dẫn đến việc lãng phí thời gian vào những nhiệm vụ không cần thiết, ví dụ như dành quá nhiều thời gian để triển khai một chi tiết nhỏ trong bài thi nói. [3]
Về mặt tâm lý, căng thẳng gây ra lo âu, một trạng thái cảm xúc tiêu cực liên quan đến sự lo sợ, bất an và mất kiểm soát. Trong ngữ cảnh của bài thi IELTS Speaking, lo âu có thể biểu hiện qua các triệu chứng như sợ hãi, mất tự tin, nói lắp, và khó diễn đạt ý tưởng. Những cảm xúc tiêu cực này làm giảm hiệu suất ngôn ngữ và có thể dẫn đến việc mắc nhiều lỗi hơn.
Tìm hiểu thêm: Foreign Language Anxiety là gì? Cách vượt qua nỗi sợ học tiếng Anh
Ảnh hưởng của sự lo âu đến bài thi IELTS Speaking
Sự lo âu là một trở ngại lớn đối với nhiều thí sinh khi tham gia bài thi IELTS Speaking. Cảm giác lo lắng, hồi hộp không chỉ làm giảm sự tự tin mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trình bày ý tưởng và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Một số những tác động mà sự lo âu gây ra cho sự thể hiện của thí sinh trong bài thi nói có thể là:
Khó khăn trong việc tập trung: Khi lo lắng, não bộ sẽ tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc bất an. Lo âu gây trở ngại cho quá trình ghi nhớ và tập trung, dẫn đến việc quên kiến thức đã học, mắc lỗi ngữ pháp và chính tả. Vòng luẩn quẩn của việc mắc lỗi và lo lắng càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ: Sự lo lắng có thể gây ra hiện tượng biết từ muốn nói nhưng không thể nhớ ra cách diễn đạt là gì. Điều này dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản hơn, ít phong phú và chính xác hơn.
Giọng nói run rẩy, khó nghe: Căng thẳng khiến cơ thể tiết ra nhiều adrenaline, gây ra các triệu chứng vật lý như tay chân run rẩy, giọng nói run và khó điều khiển.
Mất tự tin: Sự lo lắng có thể khiến người học ngôn ngữ cảm thấy chán nản, mất tự tin vào khả năng của mình, ngại tham gia các hoạt động trên lớp, thậm chí từ bỏ nỗ lực học ngôn ngữ (Na, 2007) [4]. Cảm giác lo lắng về việc sẽ mắc lỗi hoặc không thể trả lời câu hỏi một cách hoàn hảo sẽ khiến thí sinh mất đi sự tự tin cần thiết để giao tiếp hiệu quả.
Tránh né câu hỏi: Để tránh mắc lỗi, nhiều thí sinh có xu hướng trả lời ngắn gọn hoặc né tránh những câu hỏi phức tạp. Điều này làm giảm điểm số vì không thể thể hiện được đầy đủ khả năng ngôn ngữ của mình.
Ảnh hưởng đến thời gian: Sự lo lắng khiến thời gian trôi qua nhanh hơn và thí sinh có thể cảm thấy bối rối, không biết nên nói gì tiếp theo. Điều này dẫn đến việc trả lời quá ngắn hoặc quá dài so với yêu cầu của đề bài.
Một số phương pháp làm giảm sự lo âu trong bài thi IELTS Speaking
Đối với nhiều người, phần thi IELTS Speaking là phần khiến thí sinh cảm thấy căng thẳng nhất. Trong bài thi Speaking, giám khảo không chỉ đánh giá khả năng ngôn ngữ mà còn đánh giá cả sự tự tin, thái độ tích cực và khả năng giao tiếp của người nói. Vì vậy, trước hết, việc chuẩn bị một tâm lý vững vàng sẽ giúp thí sinh tận dụng tối đa cơ hội để thể hiện bản thân. Khi không bị phân tâm bởi những lo lắng, thí sinh có thể tập trung vào nội dung bài nói, sử dụng vốn từ vựng và ngữ pháp một cách hiệu quả hơn, từ đó đạt được điểm số cao hơn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị về mặt kiến thức cũng đóng vai trò quan trọng không kém, bởi IELTS Speaking là một phần thi đánh giá đa dạng khía cạnh kiến thức khác nhau, bao gồm khả năng sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, khả năng tư duy và diễn đạt. Khi tự tin và chủ động về kiến thức, thí sinh cũng sẽ có thể giao tiếp một cách tự nhiên và thoải mái hơn.
Dưới đây là một số phương pháp giúp thí sinh giảm thiểu sự lo âu trong bài thi nói, cả về khía cạnh tâm lý và kiến thức:
Về mặt tâm lý
Chuẩn bị kỹ lưỡng: Thí sinh cần hiểu rõ cấu trúc đề thi, tìm hiểu kỹ về các phần của bài thi Speaking, các dạng câu hỏi thường xuất hiện, tiêu chí chấm điểm và cách xây dựng câu trả lời hiệu quả. Ngoài ra trước khi thi thật, thí sinh có thể tham gia thi thử tại các trung tâm uy tín hoặc tìm các đề thi mẫu trên mạng để làm quen dần và chủ động hơn khi thi thật.
Giữ thái độ tích cực bằng phương pháp Positive self-talk: Thái độ bi quan trong học tập có thể là một rào cản lớn trong quá trình học ngôn ngữ và làm giảm đáng kể sự hứng thú của người học (Villafuerte & Romero, 2017) [5]. Positive self-talk (tự nhủ tích cực) là một công cụ tâm lý hiệu quả giúp bạn thay đổi suy nghĩ tiêu cực thành những suy nghĩ tích cực. Thay vì tập trung vào những suy nghĩ bi quan như "Mình không biết dùng từ gì để diễn đạt ", "Mình sợ sẽ dùng sai thì ngữ pháp”, hãy tập trung vào những suy nghĩ tích cực như "Mình đã chuẩn bị rất kỹ", "Mình có thể làm được". Việc nhắc nhở bản thân về những điểm mạnh của bản thân sẽ giúp thí sinh tin tưởng vào khả năng của mình, tập trung tốt hơn và trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng.
Khởi động trước khi thi: Việc khởi động nhẹ nhàng trước khi thi có thể được xem như một hình thức chuẩn bị tâm lý, giúp giảm thiểu căng thẳng và lo âu. Các hoạt động như nghe nhạc, xem video Tiếng Anh, nghe podcast không chỉ cung cấp một khoảng thời gian thư giãn mà còn tạo ra một liên kết giữa tâm trí và cơ thể, giúp thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái và tự tin hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong các kỳ thi đòi hỏi khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên như IELTS.
Kỹ thuật trong phòng thi: Hãy tập trung lắng nghe thật kỹ câu hỏi của giám khảo trước khi trả lời để tránh hiểu sai ý câu hỏi. Trước khi trả lời, hãy dành vài giây để suy nghĩ và sắp xếp ý tưởng của mình trong đầu một cách logic. Cố gắng thể hiện giọng điệu tự tin, rõ ràng, phối hợp sử dụng eye-contact (tương tác bằng mắt), body language (ngôn ngữ hình thể) và facial expressions (biểu cảm gương mặt) thật linh hoạt để tạo ấn tượng tốt với giám khảo.
Quản lý thời gian: Người học nên luyện tập trả lời trong thời gian giới hạn tại nhà để giúp làm quen với kỹ năng quản lý thời gian và tránh tình trạng nói quá dài hoặc quá ngắn. Vì trên thực tế, thí sinh sẽ có 1’ để chuẩn bị và tối đa 2’ để trình bày bài nói của mình, tuy nhiên sẽ khó để biết được khi nào sắp hết thời gian cho phép. Việc luyện nói trong thời gian khuôn khổ tại nhà giúp thí sinh hình dung về lượng thông tin và kiểm soát tốc độ nói thế nào cho phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Áp dụng phương pháp Self-talk để học viên hướng nội cải thiện IELTS Speaking
Về mặt kiến thức
Bài thi IELTS Speaking có mục đích nhằm đánh giá khả năng giao tiếp tự nhiên và linh hoạt của thí sinh trong các tình huống thực tế, không phải kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, việc thực hành trước và chuẩn bị tốt về kiến thức có thể giúp thí sinh cảm thấy thoải mái và tự tin thể hiện hơn. Chuẩn bị kiến thức ở đây không có nghĩa là học thuộc lòng một bài văn hay một câu chuyện nào đó vì điều này sẽ vô tình khiến bài nói trở nên gượng gạo và thiếu tự nhiên. Thay vào đó, thí sinh hãy tích cực trau dồi khả năng Tiếng Anh của mình trên các khía cạnh và chủ đề mà bài thi nói yêu cầu như từ vựng, ngữ pháp và sự mạch lạc về nội dung.
Mở rộng vốn từ vựng
Một trong những giai đoạn thường gây nhiều thách thức nhất cho người học là quá trình lựa chọn từ vựng để truyền đạt ý tưởng. Những khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ thứ hai có thể dẫn đến lo ngại về việc bị người nghe hiểu sai, từ đó làm giảm động lực giao tiếp.
Một trong những phương pháp hiệu quả để nâng cao vốn từ vựng IELTS Speaking là tập trung học từ vựng theo chủ đề. Cụ thể, việc xây dựng hệ thống từ vựng xoay quanh các chủ đề thường gặp trong phần thi như gia đình, công việc, học tập hay sở thích... giúp người học giới hạn được phạm vi kiến thức. Bài thi IELTS Speaking thường thiết kế các câu hỏi thuộc đa dạng chủ đề nhằm đánh giá khả năng vận dụng ngôn ngữ linh hoạt của thí sinh. Qua đó, giám khảo có thể đánh giá được vốn từ vựng của thí sinh, đặc biệt là khi được yêu cầu thảo luận về những chủ đề ít quen thuộc. Ví dụ, các từ vựng như “kick off”, “blow off steam” hay “unwind” sẽ được đánh giá cao trong các câu trả lời cho chủ đề “leisure and entertainment”.
Các chủ đề thường gặp trong IELTS Speaking bao gồm:
environment
leisure and entertainment
tourism
learning and education
the internet
crime and punishment
health and diet
travel
transport
social media
sport
art and music
modern lifestyles and societal changes
traditions and customs
fashion
advertising
employment
Để đáp ứng yêu cầu đa dạng của bài thi IELTS Speaking, thí sinh cần trang bị một vốn từ vựng phong phú và đa dạng, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. Việc xây dựng một hệ thống từ vựng logic, bao gồm cả các cụm từ cố định (collocations) và thành ngữ (idiomatic expressions), sẽ giúp thí sinh tự tin diễn đạt ý tưởng một cách chính xác và trôi chảy.
Sau khi đã tư duy đầy đủ, thí sinh có thể áp dụng Mind Mapping - một công cụ học tập hiệu quả giúp kết nối các ý tưởng và thông tin một cách trực quan. Khi áp dụng vào việc học từ vựng cho IELTS Speaking, thí sinh sẽ có một cái nhìn tổng quan hơn về các chủ đề, từ đó dễ dàng nhớ và sử dụng từ vựng một cách linh hoạt.
Ví dụ:
Nguồn: IDP
Bên cạnh việc nắm vững vốn từ vựng liên quan trực tiếp đến chủ đề, người học cần đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn bị các cấu trúc ngôn ngữ phục vụ cho các mục đích giao tiếp cụ thể. Ví dụ, khi được yêu cầu diễn tả cảm xúc cá nhân, thí sinh cần trang bị một kho từ vựng đa dạng để thể hiện sắc thái cảm xúc một cách chính xác. Việc xác định trước các mục tiêu giao tiếp sẽ giúp người học tự tin hơn trong việc ứng biến trước những tình huống giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, khi được yêu cầu so sánh giữa 2 đối tượng, việc sử dụng các từ/ cụm từ như “similarly”, “alternatively” hay “on the other hand” để dẫn dắt vào ý tưởng chính sẽ được đánh giá cao.
Nguồn: IDP
Cải thiện ngữ pháp
Trong bài thi IELTS Speaking, độ chính xác và đa dạng của ngữ pháp (Grammatical Range and Accuracy) là tiêu chí quan trọng, chiếm đến một phần tư tổng điểm. Để cải thiện khả năng ngữ pháp của mình, thí sinh có thể chia việc luyện tập thành 2 giai đoạn lớn:
Đầu tiên, thí sinh có thể áp dụng nguyên lý "Controlled Practice" (Luyện tập có kiểm soát), trong đó người học thực hiện các bài tập có cấu trúc rõ ràng, có định dạng quen thuộc như điền từ, chia động từ, hoàn thành câu, tương tự như các bài tập truyền thống ở cấp phổ thông. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là người học sẽ thực hành bằng hình thức nói thay vì viết. Việc tạm thời không phối hợp các yếu tố khác như nội dung và vốn từ vựng sẽ giúp người học tập trung tối đa vào việc vận dụng các cấu trúc ngữ pháp đã được chỉ định, từ đó nâng cao hiệu quả luyện tập.
Sau giai đoạn tập trung củng cố ngữ pháp thông qua các bài tập có kiểm soát, người học tiến hành tích hợp ngữ pháp đã học vào việc hình thành các câu hoàn chỉnh. Ở giai đoạn này, nhằm đảm bảo sự tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, người học nên chuẩn bị sẵn nội dung ý tưởng để làm nền tảng cho việc luyện tập. Tiếp theo, người học sẽ chuyển sang giai đoạn tự do vận dụng ngữ pháp đã học, kết hợp với vốn từ vựng đa dạng và sáng tạo ý tưởng. Đây là giai đoạn quan trọng để người học làm quen với việc ứng dụng kiến thức vào thực tế giao tiếp, đặc biệt là trong ngữ cảnh bài thi IELTS Speaking. Để nâng cao hiệu quả luyện tập, người học nên ghi âm lại quá trình thực hành và tự đánh giá, điều chỉnh. Bài thi IELTS Speaking sẽ đánh giá cao việc người nói sử dụng chính xác và kết hợp nhuần nhuyễn giữa những cấu trúc ngữ pháp khác nhau như câu đơn, câu phức, câu điều kiện,... Vì vậy, chuẩn bị trước một vài cấu trúc “tủ” sẽ giúp thí sinh phần nào tự tin hơn với việc diễn đạt của mình. Chẳng hạn như cấu trúc “Not only... but also…” (Không chỉ... mà còn...) hoặc sử dụng mệnh đề quan hệ sẽ được giám khảo đánh giá cao.
Song song với việc luyện tập, người học nên tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về các tiêu chí đánh giá ngữ pháp của band điểm mong muốn, từ đó tối ưu hóa quá trình học tập và tránh cảm giác lo lắng, chán nản.
Luyện tập lên ý tưởng
Việc xây dựng được nội dung ý tưởng cho câu trả lời một cách logic, mạch lạc cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc giúp thí sinh tự tin, thoải mái hơn khi nói. Tại giai đoạn này, thí sinh nên tiến hành xây dựng một dàn ý chi tiết để làm nền tảng cho bài nói. Dàn ý sẽ giúp thí sinh định hướng mạch lạc cho bài nói, tránh tình trạng lạc đề hoặc thiếu ý tưởng. Có hai phương pháp xây dựng dàn ý phổ biến:
Phương pháp liệt kê: Thí sinh liệt kê các ý tưởng chính (bullet points) tương ứng với từng gợi ý của đề bài dưới dạng các gạch đầu dòng.
Phương pháp sơ đồ tư duy (Mind map): Thí sinh sử dụng sơ đồ tư duy để hình ảnh hóa các ý tưởng, từ đó tạo ra một cấu trúc bài nói tổng quan và trực quan hơn.
Để đạt được hiệu quả cao, thí sinh nên tập trung vào việc phát triển các ý tưởng chính một cách rõ ràng và mạch lạc trước. Sau khi đã có những ý tưởng cốt lõi, thí sinh có thể bổ sung thêm các chi tiết cụ thể để làm phong phú cho bài nói. Việc chuẩn bị dàn ý kỹ lưỡng sẽ giúp thí sinh tự tin hơn khi trình bày và tránh tình trạng bị ngắt quãng trong quá trình nói.
Bài viết cùng chủ đề:
Làm sao để vượt qua nỗi lo khi nói tiếng Anh cho IELTS Speaking?
Làm thế nào để không cảm thấy lo lắng trong phòng thi IELTS?
Giảm lo lắng trước - trong kỳ thi IELTS Speaking bằng kỹ thuật tự học cá nhân hóa
Tổng kết
Nhìn chung, việc chuẩn bị thật kỹ cả về mặt tâm lý và kiến thức sẽ giúp thí sinh tự tin, thoải mái và thể hiện hiệu quả hơn trong bài thi IELTS Speaking. Người học nên xác định được những rào cản mà sự lo âu mang lại, từ đó có sự chuẩn bị thật tốt và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho bản thân.
Ngoài ra, để làm quen với áp lực phòng thi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài thi chính thức, thí sinh có thể trải nghiệm thi thử IELTS giống thi thật tại Anh Ngữ ZIM. Bài thi đánh giá chính xác khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh thông qua 4 kỹ năng: Listening, Reading, Writing và Speaking. Cấu trúc bài test giống 100% đề thi thật với độ khó tương đương được biên soạn từ hội đồng chuyên môn của ZIM. Đăng ký thi: tại đây.
Nguồn tham khảo
“Foreign Language Classroom Anxiety.” The Modern Language Journal, 31/12/1985. doi.org/10.2307/327317. Accessed 9 August 2024.
“A Phenomenological Study: Speaking Anxiety Overwhelms English Learners.” Acuity : Journal of English Language Pedagogy, Literature and Culture, 31/12/1969. doi.org/10.35974/acuity.v4i1.679. Accessed 9 August 2024.
“Test anxiety and immediate or delayed feedback in a test-like avoidance task.” Journal of Personality and Social Psychology, 01/01/1968. doi.org/10.1037/h0025273. Accessed 9 August 2024.
“A Study of High School Students English Learning Anxiety.” The Asian EFL Journal, 31/12/2006. www.asian-efl-journal.com/main-editions-new/a-study-of-high-school-students-english-learning-anxiety/index.htm. Accessed 9 August 2024.
“ Learners’ Attitudes toward Foreign Language Practice on Social Network Sites.” Journal of education and learning, 31/12/2016. www.researchgate.net/publication/318025038_Learners'_Attitudes_toward_Foreign_Language_Practice_on_Social_Network_Sites. Accessed 9 August 2024.
Bình luận - Hỏi đáp