Fossilized Grammar Errors | Định nghĩa và hướng giải quyết
“How many books is there on the table?”, “ I need an apples for my friend.”
Lỗi sai ngữ pháp là câu chuyện thường thấy khi học ngoại ngữ, và ắt hẳn ai cũng đã từng vướng mắc phải những lỗi sai này, thậm chí là lỗi cơ bản nhất. Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy nhiều trường hợp học viên chỉ gặp chút ít khó khăn hoặc thậm chí dễ dàng thành thạo ngữ pháp, trong khi một số học viên khác lại có cảm giác “bất lực” khi nhắc đến ngữ pháp, vì họ cứ liên tục mắc phải lỗi sai cũ và chẳng thể sửa đổi dù đã được nhắc nhở liên tục. Hiện tượng ấy được gọi là fossilization hay fossilized errors (sự “hóa thạch” ngôn ngữ), và định nghĩa của nó sẽ được phân tích cụ thể hơn. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ ra những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên: độ tuổi, động lực học tập và ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, và qua đó, gợi ý hướng cải thiện tình trạng này: thái độ của giáo viên và phương pháp học tập của học viên.
Key takeaways |
---|
|
Từ viết tắt:
NL: native language - ngôn ngữ bản địa/ tiếng mẹ đẻ
TL: target language - ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ/ ngôn ngữ mục tiêu
Định nghĩa
Interlanguage
Xét ví dụ sau đây: Một học viên người Việt nói một câu tiếng Anh: “Laura loves she mother”.
Có thể thấy, dựa theo nguyên tắc ngữ pháp tiếng Anh, she được xem như một lỗi sai (phải là tính từ sở hữu her). Thậm chí nếu dịch sang tiếng Việt, đại từ chủ ngữ she vẫn là lỗi sai ngữ pháp (phải là “của cô ấy”). Có thể thấy, việc dùng she ở đây sai ở cả ngữ pháp tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Dựa vào ví dụ trên, những “lỗi sai” tương tự về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp khi học viên cố gắng sử dụng TL (tiếng Anh) được gọi là interlanguage (Ngôn ngữ trung gian), và những “lỗi sai” này có thể xuất phát từ sự ảnh hưởng của NL (tiếng Việt).
Nói cách khác, “lỗi sai” chỉ xuất hiện khi chiếu theo những nguyên tắc và nền tảng của một ngôn ngữ, nhưng nếu nhìn khách quan dưới góc nhìn ngôn ngữ học (không dựa trên bất kì hệ thống, nguyên tắc ngôn ngữ cụ thể nào), thì đây được gọi là ngôn ngữ trung gian. Ngoài ra, ngôn ngữ trung gian cũng được xem như một hệ thống thứ 3 mà học viên thường sử dụng nhằm đạt được sự lĩnh hội ngôn ngữ (language acquisition).
Fossilization
Hiện tượng fossilization (sự “hóa thạch” ngôn ngữ) bao gồm 2 đặc điểm chính (Chen & Zhao, 2013):
Sự lặp lại lỗi sai (error reappearance): Lỗi sai lặp đi lặp lại bất chấp việc được sửa lỗi và nhắc nhở thường xuyên
Sự “hóa thạch” năng lực ngôn ngữ (language competence fossilization):
Trường hợp học viên sử dụng những ngôn ngữ trung gian mà không tuân theo những nguyên tắc của TL, hay nói cách khác, mắc phải các lỗi sai về ngữ pháp và từ vựng trong văn nói lẫn văn viết, dẫn đến gặp khó khăn trong tiến độ lĩnh hội TL
Có thể thấy, fossilized grammar errors (những lỗi sai liên tục về ngữ pháp) là một phần của hiện tượng fossilization, và chủ yếu liên quan đến việc sử dụng ngữ pháp sai chiếu theo hệ thống nguyên tắc của TL.
Nguyên nhân
Độ tuổi học viên
Tuổi tác là một trong những tác nhân quan trọng quyết định tốc độ lĩnh hội ngôn ngữ của học viên. Trong ngôn ngữ học, độ tuổi học viên càng trẻ thì càng dễ dàng lĩnh hội được TL. Cụ thể, mỗi cá nhân đều có cho mình một “giai đoạn vàng” (critical period) khi còn nhỏ, và nó là thời điểm tốt nhất để tiếp nhận kiến thức và học một ngôn ngữ. Sau khoảng thời gian ấy, học viên sẽ gặp khó khăn hơn trong việc học ngôn ngữ. Điều này cũng phù hợp với thực tế, vì những học viên vị thành niên trở lên (học sinh cấp 3, sinh viên, người đi làm) đều gặp khó trong việc học ngoại ngữ do bị chi phối bởi các mối bận tâm khác như: điểm trên trường lớp, các mối quan hệ, công việc, và dẫn đến, khả năng tiếp thu và sự nhanh nhạy sẽ không còn sắc bén so với các học viên nhỏ tuổi.
Bên cạnh đó, khi đặt lên bàn cân so sánh, nhóm học viên trưởng thành có xu hướng hiểu và ứng dụng kiến thức ở giai đoạn đầu tốt hơn (nhờ vốn kiến thức nền tích lũy được) so với nhóm học viên nhỏ tuổi (Spinner & Gass, 2019), nhưng ngược lại, nhóm nhỏ tuổi lại vượt trội hơn trong việc ghi nhớ và ứng dụng lâu dài (Ziglari & Ozfidan, 2016).
Qua đó, có thể thấy khi độ tuổi càng lớn, thì khả năng tiếp thu và ghi nhớ/ ứng dụng càng kém đi. Điều đó giải thích vì sao nhiều học viên dù đã có “thâm niên” học tiếng Anh rất lâu nhưng vẫn mắc những lỗi sai cơ bản về ngữ pháp.
(Trích từ Critical Period - StudySmarter)
Động cơ học tập
Theo Yule (2017), động cơ học tập (motivation) là nền tảng giúp học viên định hướng mục tiêu của việc học ngoại ngữ cho bản thân. Động cơ học tập bao gồm 2 loại: instrumental motivation (động cơ thực dụng - việc học TL nhằm phục vụ cho mục đích thi cử/ bằng cấp/ nhu cầu cá nhân) và integrative motivation (động cơ thâm nhập - việc học TL nhằm tạo điều kiện cho học viên tiếp cận với văn hóa, cộng đồng của người bản xứ). Việc không xác định rõ động cơ học tập sẽ dẫn đến việc học viên thiếu phương pháp học tập hiệu quả cũng như thiếu sự giám sát cần thiết từ giáo viên, dẫn đến việc sử dụng TL một cách cảm tính và dễ mắc lỗi sai là điều khó tránh khỏi.
Cụ thể, một vài yếu tố liên quan đến phương pháp học tập gây nên hiện tượng fossilization có thể kể đến như:
Thiếu góp ý chỉnh sửa cần thiết (corrective feedback)
Quá chú tâm về độ lưu loát (fluency) mà bỏ qua độ chính xác (accuracy)
Thiếu quan tâm đến tần suất (frequency) hoặc tính nghiêm trọng (severity) của các lỗi sai
Ảnh hưởng của NL
Ảnh hưởng của NL (language transfer) là hiện tượng sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp của NL khi đang thực hiện văn nói hoặc văn viết trong TL. Yule (2017) cho rằng có 2 hình thức ảnh hưởng:
Ảnh hưởng tích cực (positive transfer): khi việc sử dụng từ vựng, ngữ pháp của NL giống với cách dùng trong TL.
Ví dụ: “Chiếc váy này là chiếc đẹp nhất” (trong tiếng Việt) - “This skirt is the most beautiful one” (trong tiếng Anh)
Ảnh hưởng tiêu cực (negative transfer): khi việc sử dụng từ vựng, ngữ pháp của NL khác với cách dùng trong TL.
Ví dụ: “Dù trời mưa to nhưng Lam vẫn đi học” (trong tiếng Việt) - “Even though it rained heavily,
butLam still went to class” (trong tiếng Anh)
Hướng giải quyết
Đối với giáo viên
Việc mắc lỗi sai là chuyện khó tránh khỏi khi học ngôn ngữ, và là một phần trong quá trình lĩnh hội TL. Giáo viên, với vai trò là những người dẫn dắt, nên có cái nhìn khách quan và cởi mở hơn đối với những lỗi sai này. Những hành động như phê phán học viên sẽ khiến tình hình khó giải quyết hơn. Khi bị phê phán, học viên sẽ luôn nơm nớp lo sợ rằng mỗi chữ viết, mỗi câu nói của mình đều có thể bị “chê”, khiến việc học lại trở nên thật nặng nề, áp lực.
Ngoài ra, một vài phương pháp học được xây dựng đề cao sự lưu loát của bài nói, giúp mang lại sự tự nhiên nhưng lại không hề chú trọng sự chính xác trong câu nói, câu viết (Giáo viên không đặt nặng việc sửa lỗi). Việc bỏ qua lỗi thường xuyên sẽ khiến những lỗi sai đó đi sâu vào tiềm thức của học viên, nghĩa là về lâu dài, học viên sẽ thể hiện lại những lỗi đó như một bản năng và khó có thể sửa được.
Một vài phương pháp giáo viên có thể áp dụng:
Ghi âm: Cách hữu hiệu nhất để ghi nhận và đánh giá lỗi sai, đặc biệt là trong hoạt động nói. Đôi khi, việc chỉ ra lỗi sai nhưng lại không có “bằng chứng” cụ thể khiến học viên cảm thấy không thuyết phục mà sửa đổi, dễ dẫn đến thói quen bỏ qua những lỗi sai
Phân loại câu sai/ đúng: Giáo viên liệt kê một vài câu đúng lẫn lộn với các câu sai và yêu cầu học viên phân loại nhóm câu đúng/ câu sai. Việc nhận biết lỗi sai giúp học viên vận dụng kiến thức chủ động hơn, và cung cấp thêm những trường hợp mở rộng mà có thể học viên chưa được tiếp xúc
“Giả vờ không hiểu”: Khi nhận thấy học viên mắc lỗi sai, giáo viên có thể không trực tiếp chỉ ra cho học viên, thay vào đó thể hiện rằng mình chưa hiểu ý cách học viên sử dụng điểm ngữ pháp ấy và yêu cầu học viên diễn đạt lại bằng từ/ cấu trúc đúng
(Tham khảo thêm tại đây)
Tóm lại, giáo viên nên có thái độ tích cực với những lỗi sai, và đưa ra những nhắc nhở, gợi ý những cách thức chỉnh sửa lỗi sai sao cho phù hợp và tạo động lực cho học viên.
Đối với học viên
Sự chủ động chính là chìa khóa để học viên cải thiện hiện tượng fossilized grammar errors, bằng cách:
Đặt câu hỏi thường xuyên cho giáo viên liên quan đến ngữ pháp
Đối chiếu, tìm hiểu thêm về kiến thức đã học ở các nguồn học liệu khác nhau
Luyện tập các điểm ngữ pháp thường xuyên ở bài nói, bài viết. Học viên nên chủ động tự sửa (sử dụng tài liệu đáng tin cậy) hoặc nhờ cá nhân có chuyên môn để giúp đỡ và sau đó rút kinh nghiệm.
Tạo động lực cho bản thân, luôn chấp nhận và lập tức sửa đổi lỗi sai ngữ pháp.
Ví dụ: Bạn A nói: “Laura loves she mother.” và được giáo viên sửa thành her mother
Bạn A có thể hỏi giáo viên thêm những câu hỏi xoay quanh lỗi sai cũng như điểm ngữ pháp đó (Khi nào ta dùng she? She và her khác nhau như thế nào? Tính từ sở hữu khác ngoài her gồm những từ nào?)
Bạn A có thể xin phép giáo viên đặt thêm vài ví dụ hoặc cho 1 vài dạng bài tập để luyện tập áp dụng
Bạn A có thể tự đặt câu với tính từ ngữ pháp để luyện tập với bất kì đồ vật tùy ý (she/love/ pen —> She loves her pen; they/ build/ house —> They build their house)
Ngoài ra, dưới đây là một số đầu sách giúp học viên trau dồi và cải thiện ngữ pháp:
English Grammar In Use - Raymond Murphy
Giải thích ngữ pháp tiếng Anh - Mai Lan Hương, Hà Thanh Uyên
Oxford English Grammar - Sidney Greenbaum
Longman English Grammar Practice - L.G.Alexander
…
Tham khảo thêm: 20 sách ngữ pháp tiếng Anh thông dụng.
Tổng kết
Fossilized grammar errors là những lỗi sai cơ bản về ngữ pháp thường gặp ở học viên khi học tiếng Anh, tuy nhiên, chúng lại vô cùng khó sửa vì được hình thành từ rất lâu. Nguyên nhân chính của những lỗi sai này là do độ tuổi (tuổi càng lớn thì càng khó tiếp thu kiến thức ngôn ngữ), thiếu sự chủ động trong động lực học tập và chịu ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Để cải thiện hiện tượng fossilized grammar errors, giáo viên cần cởi mở và xem những lỗi sai này là điều không thể thiếu trong quá trình học, và hướng dẫn học viên sửa đổi cũng như rèn giũa khả năng ngữ pháp, tránh gây cảm xúc tiêu cực cho học viên. Đối với học viên, việc chủ động trong học tập có vai trò then chốt để cải thiện tình hình.
Trích dẫn
Hongping, Chen, and Bo Zhao. A Study of Interlanguage Fossilization in Second Language Acquisition ..., www.researchgate.net.
Manqiu, Qian, and Xiao Zhihong. Strategies for Preventing and Resolving Temporary Fossilization in ... - Ed, 2010, files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1081500.pdf.
Yule, George. The Study of Language. Cambridge University Press, 2017.
Ellii. “6 Strategies to Help Students Overcome Fossilized Speech Patterns.” 6 Strategies to Help Students Overcome Fossilized Speech Patterns – Ellii Blog, ellii.com/blog/6-strategies-to-help-students-overcome-fossilized-speech-patterns.
Bình luận - Hỏi đáp