Giải quyết các khó khăn khi làm dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test

Bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích các khó khăn mà người học gặp phải khi làm dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test, đồng thời đề xuất giải pháp và hướng luyện tập giúp người học khắc phục các khó khăn này.
giai quyet cac kho khan khi lam dang bai listen and type trong duolingo english test

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các kỳ thi ngôn ngữ trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi hơn. Một trong số đó phải kể đến Duolingo English Test (DET). Bài thi trực tuyến này đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình, đóng vai trò là một phương tiện đáng tin cậy để đánh giá khả năng ngôn ngữ của người học.

Tuy nhiên, trong quá trình thi, nhiều người học thường gặp thách thức ở dạng câu hỏi Listen and Type - dạng câu hỏi yêu cầu người dự thi gõ lại chính xác những gì họ nghe được từ bài kiểm tra. Bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích các khó khăn mà người học gặp phải trong việc gõ chính xác câu sau khi nghe, đồng thời đề xuất giải pháp và hướng luyện tập giúp người học khắc phục các khó khăn này.

Key takeaways

Thử thách của bài thi Listen and Type: Ghi nhớ và gõ lại chính xác câu văn với giới hạn thời gian và số lần nghe.

Các khó khăn thường gặp:

  • Hiệu ứng vị trí nối tiếp: Nhớ phần đầu và cuối câu, dễ quên phần giữa.

  • Áp lực thời gian: Tăng tải nhận thức, dễ dẫn đến sai sót.

  • Đặc điểm phát âm: Nối âm, lướt âm, âm câm, âm đuôi,

  • Từ đồng âm: từ đồng âm khác nghĩa dễ gây nhầm lẫn.

  • Hạn chế từ vựng và ngữ pháp: Gây khó khăn trong việc nghe hiểu và phán đoán

Chiến lược cải thiện:

  • Tìm nguồn nghe phù hợp.

  • Tự dịch trước transcript.

  • Luyện nghe chép chính tả với giới hạn thời gian.

  • Sửa đáp án và ghi chú rút kinh nghiệm.

  • Shadowing (Luyện nói theo).

Đặc điểm dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test

Các kỳ thi truyền thống như IELTS hay TOEFL thường yêu cầu người thi điền vào chỗ trống hoặc trả lời câu hỏi dựa trên đoạn văn nghe. Chính vì thế, người học thường có thời gian để suy nghĩ và thậm chí ghi chú trong quá trình nghe, giúp giảm bớt áp lực và tăng cường khả năng tập trung vào thông tin quan trọng.

Trong khi đó, DET yêu cầu người học phải ghi nhớ toàn bộ một câu văn và gõ lại câu văn một cách chính xác. Bên cạnh đó, thời gian để hoàn thành việc gõ lại câu cũng bị giới hạn chỉ trong một phút và chỉ được phép nghe câu văn tối đa ba lần.

Điều này đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa khả năng nghe hiểu, ghi nhớ ngắn hạn, và kỹ năng gõ văn bản. Người học phải duy trì sự tập trung cao độ trong toàn bộ câu vì bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể dẫn đến sai sót. Thêm vào đó, việc gõ sai chính tả, sử dụng sai dấu câu, hoặc thậm chí là nhầm lẫn giữa các từ có âm tương tự cũng có thể khiến kết quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc điểm dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test

Người học có thể tham khảo thêm về giao diện phần thi ở bài viết này: Cách làm dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test

Xác định các khó khăn người học gặp phải khi làm dạng bài Listen and Type trong DET

Hiệu ứng vị trí nối tiếp (Serial-position Effect)

Một trong những khó khăn mà người học có trình độ thấp thường gặp phải trong bài "Listen and Type" là hiện tượng nhớ rõ phần đầu và phần cuối của câu, và dễ quên các từ ở giữa. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng vị trí nối tiếp (Serial-position Effect), bao gồm hai phần: hiệu ứng Primary and Recency Effect (tạm dịch là hiệu ứng thông tin đầu và cuối):

  • Primacy Effect: người học có khuynh hướng nhớ rõ phần đầu của thông tin do phần này được người học tập trung nhiều hơn và thường được lặp lại (rehearsal) trong đầu, tăng khả năng nó được lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn (Glanzer và Cunitz, 1966)

  • Recency Effect: người học có xu hướng nhớ rõ phần cuối của câu vì thông tin này vẫn còn hiện diện trong bộ nhớ ngắn hạn (Murdock, 1962). Thêm vào đó, nghiên cứu của Daneman và Carpenter (1980) về sự khác biệt cá nhân trong bộ nhớ làm việc và khả năng đọc hiểu cũng đã chứng minh rằng những người học có bộ nhớ làm việc hạn chế sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc giữ lại và xử lý toàn bộ câu văn, dẫn đến việc nhớ chủ yếu phần cuối của câu.

Trong bối cảnh bài thi "Listen and Type" của Duolingo, các hiệu ứng này dẫn đến việc người học thường nhớ được phần đầu và phần cuối của câu, nhưng dễ mắc lỗi ở phần giữa câu, nơi thông tin không được chú ý và xử lý kỹ lưỡng.

Ví dụ: Khi nghe một câu dài như "The man who was speaking on the phone walked towards the bus stop while checking his watch," một số người học có thể chỉ nhớ và gõ lại chính xác đầu - cuối như "The man who …. checking his watch," hoặc thậm chí một số người học chỉ nhớ phần cuối “... checking his watch”, trong khi phần giữa câu có thể bị bỏ sót hoặc gõ sai.

Áp lực thời gian

Ngoài khả năng ghi nhớ, tải nhận thức (cognitive load) là một yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu suất của người học trong phần thi Listen and Type. Sweller (1988) cho rằng tải nhận thức là tổng lượng thông tin mà bộ não phải xử lý tại một thời điểm. Khi tải nhận thức quá cao, người học có thể gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin và thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh bài thi Duolingo, người học không chỉ phải nghe và hiểu câu văn mà còn phải chuyển đổi thông tin đó thành văn bản một cách nhanh chóng. Áp lực về thời gian khiến họ dễ mắc sai lầm hơn, đặc biệt là khi họ phải xử lý những thông tin phức tạp trong một khoảng thời gian ngắn.

Ví dụ: Một câu nói nhanh và dài như "Despite the heavy rain, the children continued playing outside until their parents called them in for dinner" (Dù mưa rất to, lũ trẻ vẫn tiếp tục chơi ngoài trời cho đến khi bố mẹ gọi chúng vào ăn tối) có thể khiến người học cảm thấy choáng ngợp, đặc biệt khi họ phải gõ lại toàn bộ câu trong thời gian ngắn.

Áp lực thời gian

Các đặc điểm phát âm của người bản xứ

  • Nối âm: Khi một từ kết thúc bằng một phụ âm và từ tiếp theo bắt đầu bằng một nguyên âm, người nói thường nối âm để câu văn nghe mượt mà hơn. Điều này có thể làm cho người học khó nhận diện ranh giới giữa các từ, dẫn đến việc không hiểu nội dung, hiểu sau hoặc bỏ sót từ.

Ví dụ: Trong câu "Did you see her eyes?" việc nối âm giữa "her" và "eyes" có thể khiến người nghe nhầm thành "her rise." Điều này có thể dẫn đến việc người học gõ sai là "Did you see her rise?". Sự nhầm lẫn này xuất phát từ âm "r" ở cuối từ "her" nối liền với âm "e" ở đầu từ "eyes," làm cho câu nói trở nên khó phân biệt và dễ bị hiểu nhầm sang một nghĩa khác hoàn toàn.

  • Lướt âm: Trong tiếng Anh, một đặc điểm phổ biến là chỉ nhấn mạnh vào các từ nội dung (content words) như danh từ, động từ, tính từ, và trạng từ, trong khi các từ chức năng (function words) như giới từ, liên từ, và mạo từ thường bị lướt qua hoặc phát âm nhẹ hơn. Điều này tạo ra khó khăn cho người học khi làm bài "Listen and Type," vì họ có thể dễ dàng bỏ sót hoặc không nghe rõ các từ chức năng, dẫn đến việc gõ thiếu hoặc sai.

Ví dụ: Trong câu "He’s going to the store," người nói có thể nhấn mạnh vào các từ "going" và "store," trong khi các từ "He’s," "to," và "the" có thể bị lướt qua. Điều này có thể khiến người học chỉ nghe rõ các từ quan trọng và dễ dàng bỏ sót từ "to" hoặc "the," dẫn đến việc gõ sai thành "He’s going store."

Khó khăn này thường gặp ở những người học có trình độ thấp, khi họ chưa quen với đặc điểm nhấn âm trong tiếng Anh, đồng thời vốn ngữ pháp chưa vững để phán đoán từ bị lướt, dẫn đến việc hiểu sai hoặc gõ sai cấu trúc câu trong bài kiểm tra.

  • m đuôi: Các phụ âm cuối cùng của từ đôi khi có thể bị người nói lướt qua hoặc phát âm không rõ ràng, đặc biệt trong giao tiếp nhanh. Điều này gây khó khăn cho người học khi phải nhận diện và gõ lại đầy đủ các âm đuôi.

Ví dụ: Trong câu "He stopped by the store," âm "ed" ở cuối từ "stopped" có thể bị phát âm rất nhẹ hoặc lướt qua, đặc biệt trong giao tiếp nhanh. Điều này có thể khiến người học không nghe rõ và dễ gõ sai thành "He stop by the store" thay vì "He stopped by the store." Sự thiếu rõ ràng của âm đuôi "ed" trong từ "stopped" có thể gây nhầm lẫn, đặc biệt là đối với những người học chưa quen với cách phát âm này.

  • m câm: Nhiều từ chứa các chữ cái không được phát âm (âm câm), điều này có thể gây khó khăn cho người học khi phải viết lại chính xác từ ngữ mà họ nghe được. Ví dụ như từ "knight" (âm "k" là âm câm) hoặc "honest" (âm "h" là âm câm). Nếu người học không nhận biết được âm câm trong những từ này, họ có thể dễ dàng gõ sai khi viết.

Ví dụ: Trong câu "She added some special herbs to the soup," âm "h" trong từ "herbs" là âm câm trong tiếng Anh Mỹ, không được phát âm khi nói. Lúc này, hai từ special herbs sẽ có thể được đọc nối với nhau, khiến người học khó nhận ra. Việc này đặc biệt dễ xảy ra nếu người học không quen với cách phát âm của từ "herbs" trong ngữ cảnh tiếng Anh Mỹ.

Từ đồng âm

Từ đồng âm (homophones) là những từ phát âm giống nhau nhưng có nghĩa và cách viết khác nhau. Trong bài "Listen and Type", người học phải dựa vào ngữ cảnh để xác định từ chính xác cần gõ, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi người học không quen thuộc với ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh.

Ví dụ: Các từ như "flower" (hoa) và "flour" (bột) phát âm giống hệt nhau nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nếu không hiểu rõ ngữ cảnh, người học có thể gõ sai từ.

Hạn chế về mặt từ vựng và ngữ pháp

Ngoài những khó khăn trên, ngữ pháp và từ vựng là yếu tố điển hình cản trở nhiều người học, đặc biệt là người học ở trình độ thấp khi vốn từ và ngữ pháp chưa đủ linh hoạt để nghe hiểu hoặc dự đoán. Đối với những câu có cấu trúc ngữ pháp phức tạp hoặc chứa từ vựng không quen thuộc, người học khó lòng nào nghe hiểu để gõ lại được.

Đối với những câu có đặc điểm phát âm dễ gây nhầm lẫn, nếu người học có vốn từ và ngữ pháp, người học hoàn toàn có thể dự đoán được thông tin đúng; ngược lại, người học với một vốn ngôn ngữ hạn chế sẽ không thể phán đoán được hoặc cần nhiều thời gian hơn để dự đoán (điều này bất khả thi trong bài thi DET vì giới hạn thời gian đã trình bày ở phần trước).

Ví dụ: Giữa hai câu "She bought flower for baking" và "She bought flour for baking," nếu người học có vốn từ vựng tốt, họ sẽ nhận ra rằng "flour" là từ đúng để sử dụng trong ngữ cảnh nấu ăn, trong khi "flower" hoàn toàn không phù hợp. Điều này minh họa rõ ràng tầm quan trọng của việc nắm vững từ vựng và ngữ pháp trong việc nghe và viết lại chính xác.

Hạn chế về mặt từ vựng và ngữ pháp

Chiến lược cải thiện

Bước 1: Tìm nguồn nghe phù hợp

Đầu tiên, người học cần lựa chọn nguồn nghe có giọng đọc chuẩn và rõ ràng là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp người học luyện kỹ năng nghe mà còn tiếp thu đúng ngữ điệu, phát âm, và cách nối âm. Người học nên tránh các nguồn nghe nhiều tiếng lóng hoặc cách diễn đạt quá không trang trọng, vì chúng có thể không phù hợp với các bài thi chuẩn hóa như DET, nơi mà ngôn ngữ được sử dụng thường là ngôn ngữ chuẩn và rõ ràng.

Người học nên tìm đến các trang web như Ted Talks, English Listening Lesson Library Online (ELLLO), podcasts hoặc các nguồn nghe uy tín khác để đảm bảo chất lượng âm thanh và giọng đọc.

Bước 2: Tự dịch trước script

Trước khi nghe, người học nên tìm đến transcript và tự dịch hoặc ghi chú lại các từ vựng mới. Việc tự dịch trước transcript không chỉ giúp người học làm quen với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mà còn nâng cao vốn ngôn ngữ, giúp việc nghe hiểu ngữ cảnh trở nên dễ dàng hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc khi bước vào quá trình nghe chép chính tả, người học đã có sẵn một nền tảng hiểu biết về ngữ nghĩa và ngữ pháp, giúp họ tập trung hơn vào việc nhận diện âm thanh và viết lại chính xác những gì mình nghe được. Do đó, người học không cần lo lắng rằng bước chuẩn bị này sẽ ảnh hưởng đến việc chép chính tả, vì mục tiêu luyện tập là tăng cường toàn diện cả vốn ngôn ngữ lẫn kỹ năng nghe hiểu, chứ không chỉ đơn thuần là việc nghe và ghi lại từ ngữ.

Tự dịch trước script

Bước 3: Luyện nghe chép chính tả với giới hạn thời gian

Nếu bước trước tập trung vào việc xây dựng nền tảng ngôn ngữ, thì bước này giúp người học làm quen với hình thức bài thi Listen and Type, đồng thời rèn luyện khả năng ghi nhớ thông tin và quản lý thời gian dưới áp lực.

Mục tiêu của bước này là giúp người học phát triển kỹ năng nghe và viết lại chính xác, cũng như nâng cao khả năng xử lý thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả trong điều kiện thời gian hạn chế. Cụ thể:

  • Quen với hình thức bài thi: Luyện nghe chép chính tả giúp người học trải nghiệm thực tế cách làm bài Listen and Type. Thông qua việc luyện tập thường xuyên, họ sẽ nắm bắt được cấu trúc bài thi, đồng thời phát triển kỹ năng xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác, một kỹ năng rất quan trọng khi phải làm bài thi dưới áp lực thời gian.

  • Giải quyết vấn đề ghi nhớ thông tin: Nghiên cứu của Kiany & Shiramiry (2002) cho thấy rằng việc thực hiện bài tập chép chính tả giúp cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ ngắn hạn và dài hạn của người học. Khi nghe và viết lại thông tin, người học phải duy trì sự tập trung cao độ, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và phục hồi thông tin.

  • Rèn luyện áp lực thời gian: Việc thực hiện chép chính tả dưới điều kiện thời gian hạn chế giúp người học phát triển kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả hơn trong các kỳ thi.

Cách thực hiện:

  • Người học nghe từng câu một vì phần thi Listen and Type trong bài thi DET thường chỉ yêu cầu nghe chép lại một câu; nên sử dụng các trang web như DailyDictation.com để hỗ trợ việc ngắt câu tự động và hiện đáp án ngay sau mỗi câu.

  • Tự canh giờ tối đa 1 phút cho mỗi câu để vừa nghe và vừa đánh máy; trong 1 phút này, người học chỉ có thể nghe lại tối đa 3 lần.

  • Thực hiện chiến lược nghe hai lần, sau đó viết lại câu trả lời, cuối cùng lắng nghe thêm một lần nữa để kiểm tra và hoàn thiện câu trả lời của mình.

  • Người học cần lắng nghe cẩn thận và không nên vội vàng. Sau mỗi lần nghe, nên dành thời gian để suy ngẫm về nội dung vừa nghe được.

Bước 4: Sửa đáp án và ghi chú rút kinh nghiệm

Sau khi hoàn thành mỗi câu, người học so sánh ngay với đáp án chính xác, và ghi chú lại các lỗi thường gặp. Việc phân loại lỗi sai (lỗi do đặc điểm phát âm, lỗi liên quan đến từ vựng và ngữ pháp) cũng cần thiết để người học chú ý vào chúng và sửa chữa trong các lần luyện tập sau.

Bước 5: Shadowing (Luyện nói theo)

Shadowing không chỉ cải thiện phát âm mà còn giúp đồng bộ hóa khả năng nghe và nói, làm quen với ngữ điệu và nhịp điệu tự nhiên của tiếng Anh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng shadowing có thể cải thiện đáng kể khả năng nghe hiểu.

Người học có thể tìm hiểu kỹ hơn về sự hiệu quả của Shadowing ở bài viết này: Kỹ thuật Shadowing và cách áp dụng cải thiện kỹ năng nghe hiểu

Cách thực hiện: Sau khi chép chính tả, người học nghe lại và cố gắng lặp lại câu văn. Chú ý đến ngữ điệu, nối âm, và cách phát âm của từng từ. Thực hiện đều đặn sẽ giúp nâng cao khả năng nghe hiểu một cách rõ rệt.

Chiến lược cải thiện

Bước 6 (Không bắt buộc): Luyện đánh máy trong thời gian rảnh

Nếu người học chưa tự tin về phần đánh máy, người học có thể sử dụng các trang web hoặc ứng dụng luyện đánh máy như TypingClub hoặc 10FastFingers để luyện tập thêm trong thời gian rảnh.

Tốc độ đánh máy nhanh và chính xác là yếu tố quan trọng trong phần thi Listen and Type; luyện tập phần này có thể phần nào đó trang bị cho người học sự tự tin và quen với áp lực thời gian.

Tổng kết

Dạng bài Listen and Type trong Duolingo English Test không chỉ đơn thuần yêu cầu người học có khả năng nghe hiểu tốt, mà còn đòi hỏi sự nhạy bén trong việc xử lý thông tin, ghi nhớ ngắn hạn và khả năng gõ văn bản chính xác dưới áp lực thời gian. Những khó khăn về trí nhớ, áp lực thời gian, đặc điểm phát âm, và hạn chế về từ vựng, ngữ pháp là những thách thức đáng kể đối với người học.

Thông qua việc áp dụng các chiến lược luyện tập hiệu quả, như tìm nguồn nghe phù hợp, tự dịch trước transcript, luyện nghe chép chính tả với giới hạn thời gian, và sử dụng phương pháp shadowing để cải thiện phát âm và ngữ điệu, người học có thể vượt qua những trở ngại này và nâng cao kết quả thi của mình.

Nguồn tham khảo

Glanzer, Murray, and Anita R. Cunitz. "Two storage mechanisms in free recall." Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior 5.4 (1966): 351-360.

Murdock, Bennet B. "The serial position effect of free recall." Journal of Experimental Psychology 64.5 (1962): 482-488.

Sweller, John. "Cognitive load during problem solving: Effects on learning." Cognitive science 12.2 (1988): 257-285.

Kiany, G. Reza, and Ehsan Shiramiry. "The effect of frequent dictation on the listening comprehension ability of EFL learners." TESL Canada Journal 19.2 (2002): 57-63.

Tamai, Kazuaki. "Shadowing as a Practice in Listening Training." Power, Prestige & Bilingualism 5 (2005): 488-496.

Duolingo. The Official Duolingo English Test Guide. 2024, https://d23cwzsbkjbm45.cloudfront.net/media/resources/test-taker-guide/DET%20Guide%202024%20EN.pdf. Accessed 9 Aug. 2024.

Người học muốn trở nên tự tin giao tiếp trong công việc môi trường sử dụng tiếng Anh hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Nguồn tham khảo

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu