Banner background

GRE là gì? Những gì thí sinh cần biết về bài kiểm tra sát hạch để du học bậc cao học

Bài viết này sẽ nói qua về bài thi GRE - bài kiểm tra tiêu chuẩn đánh giá năng lực cho bậc sau đại học, lệ phí thi, cấu trúc 2 dạng đề và một vài câu hỏi mẫu trong đề.
gre la gi nhung gi thi sinh can biet ve bai kiem tra sat hach de du hoc bac cao hoc

Nhu cầu du học bậc cao học tại Hoa Kỳ đang càng ngày càng tăng cao, vì thế mà hiểu biết về bài kiểm tra tiêu chuẩn đánh giá năng lực cho bậc sau đại học GRE (tên đầy đủ là The Graduate Record Examination) sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết này sẽ nói qua về bài thi GRE, lệ phí thi, cấu trúc 2 dạng đề và một vài câu hỏi mẫu trong đề. 

Chú giải những thuật ngữ, từ viết tắt xuất hiện trong bài:

  1. GRE: The Graduate Record Examination, bài kiểm tra tiêu chuẩn đánh giá năng lực cho bậc sau đại học

  2. ETS: Educational Testing Service, hội đồng tổ chức các kì thi GRE, TOEFL iBT,...

  3. MFA: Master of Fine Arts, chương trình thạc sĩ nghệ thuật

  4. Analytical Writing: viết phân tích

  5. Verbal Reasoning: lập luận bằng lời 

  6. Quantitative Reasoning: suy luận định lượng, hoặc định lượng

Key takeaways

  1. GRE là bài kiểm tra dành cho những ai muốn du học bậc cao học tại Hoa Kỳ, với lệ phí thi rơi vào mức $205 cho bài thi tổng quát, và $150 cho bài thi chuyên ngành.

  2. Bài thi tổng quát dành cho bất kỳ ai muốn du học bậc sau đại học, còn bài thi chuyên ngành chỉ dành cho 4 lĩnh vực Hóa học, Toán học, Vật lý và Tâm lý học.

  3. Đề thi sẽ khác biệt với mỗi bài thi chuyên ngành, thí sinh nên tham khảo đầy đủ tại website. Đề thi của bài thi tổng quát sẽ gồm 3 phần cố định, tính điểm (Analytical Writing, Verbal Reasoning, Quantitative Reasoning) và 2 phần không cố định, không tính điểm (Unscored, Research)

GRE là gì và dành cho ai?

The Graduate Record Examination (GRE) là bài kiểm tra tiêu chuẩn đánh giá năng lực cho bậc sau đại học. Những ai muốn du học tại Hoa Kỳ bậc sau đại học ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (không bao gồm Y, Dược, và Luật) đều phải làm bài thi GRE. Đối với các quốc gia khác, GRE không bắt buộc, mặc dù vẫn có một vài trường ở Canada yêu cầu điểm GRE.  

Tuy nhiên, không phải chương trình bậc sau đại học nào ở Hoa Kỳ cũng bắt buộc thí sinh phải có điểm GRE. Một vài chương trình như thạc sĩ nghệ thuật (MFA - Master of Fine Arts), các chương trình thạc sĩ trực tuyến (Online Master’s Programs),... có thể không yêu cầu điểm GRE. Thí sinh trước khi ứng tuyển vào các trường bậc sau đại học nên tìm hiểu trên website của nhà trường về yêu cầu về điểm GRE (nếu có).

Mục đích của GRE là kiểm tra khả năng tư duy trừu tượng (abstract thinking) trong những phạm vi của viết phân tích, toán học và từ vựng. Kết quả bài thi sẽ giúp những người duyệt hồ sơ quyết định thí sinh nào sẽ phù hợp cho chương trình bậc sau đại học của trường họ. Kết quả GRE của thí sinh sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Lệ phí thi GRE cho bài thi tổng quát là $205 (dành cho những quốc gia ngoài Trung Quốc, Ấn Độ), với bài thi chuyên ngành là $150. Lệ phí dời lịch thi là $50. Nếu muốn có thêm một bản báo cáo điểm, thí sinh cần trả thêm $27. Hội đồng tổ chức kỳ thi GRE là ETS (Educational Testing Service), đây cũng là nơi tổ chức các kỳ thi như TOEFL iBT, TOEIC,...  

Cấu trúc đề thi GRE

GRE được chia thành 2 dạng, đó là bài thi tổng quát (General Test) và bài thi chuyên ngành (Subject test).

 Bài thi tổng quát (General Test)

Bài thi chuyên ngành (Subject test)

Có phần thi viết và trả lời bằng số

Chỉ bao gồm những câu hỏi trắc nghiệm

Không tập trung vào lĩnh vực cụ thể

Tập trung vào một trong những lĩnh vực cụ thể sau đây: Hóa học, Toán học, Vật lý hoặc Tâm lý học

Có thể làm trên giấy hoặc máy tính

Chỉ có thể làm trên giấy

Hiện tại, bài thi GRE chuyên ngành Sinh học (GRE® Biology Test) và Văn học Tiếng Anh (GRE® Literature in English Test) đã ngừng diễn ra từ tháng 5/2021. Bài thi GRE chuyên ngành Hóa sinh, Tế bào và Sinh học phân tử (GRE® Biochemistry, Cell and Molecular Biology Test) đã ngừng diễn ra từ tháng 12/2016.

Những bài thi chuyên ngành còn diễn ra hiện tại là GRE Hóa học, Toán học, Vật lý và Tâm lý học. Cấu trúc tổng quát và những điểm chính sẽ được liệt kê ở dưới.

Cấu trúc đề

Cấu trúc bài thi tổng quát

Phần thi Analytical Writing (Viết phân tích) sẽ luôn nằm đầu tiên trong bài thi. Với phần Verbal Reasoning (Lập luận bằng lời), Quantitative Reasoning (Định lượng), và Unscored (phần không chấm điểm) sẽ có thể xuất hiện trong bất kì trình tự nào, vì thế mà thí sinh nên coi mọi phần như phần sẽ được tính điểm. Riêng phần Research (Nghiên cứu) sẽ luôn nằm ở cuối bài thi. 

Analytical Writing (viết phân tích)

  1. Tổng số lượng: 1 phần (có hai yêu cầu)

  2. Thời gian: 30 phút cho mỗi yêu cầu

  3. Cấu trúc: gồm một yêu cầu “phân tích một vấn đề” (Analyze an Issue) và một yêu cầu “phân tích một luận điểm” (Analyze an Argument)

  4. Phần viết phân tích sẽ được dùng để kiểm tra khả năng tư duy phản biện và kĩ năng viết phân tích của thí sinh. Thí sinh cũng cần trình bày và hỗ trợ các ý tưởng phức tạp một cách rõ ràng, đồng thời xây dựng và đánh giá các lập luận, cũng như duy trì một bài thảo luận một cách tập trung, mạch lạc. 

Verbal Reasoning (lập luận bằng lời) 

  1. Tổng số lượng: 2 phần

  2. Thời gian: 30 phút mỗi phần

  3. Cấu trúc: 20 câu hỏi mỗi phần

  4. Phần lập luận bằng lời sẽ đánh giá khả năng phân tích và đánh giá tài liệu, và khả năng tổng hợp thông tin từ những tài liệu đó. Cùng lúc, thí sinh phải phân tích mối quan hệ giữa các thành phần của câu và xác định mối quan hệ giữa các từ vựng và khái niệm có trong câu.

Một ví dụ về dạng đề Verbal Reasoning (nguồn: ETS.org) 

gre-la-gi-noi-dung-bai-thi

Quantitative Reasoning (định lượng)

  1. Tổng số lượng: 2 phần

  2. Thời gian: 35 phút mỗi phần

  3. Cấu trúc: 20 câu hỏi mỗi phần

  4. Phần định lượng sẽ kiểm tra khả năng toán học căn bản của thí sinh, sự hiểu biết về khái niệm toán học sơ cấp, và khả năng suy lượng một cách định lượng để mô hình hóa và giải quyết vấn đề (bằng cách phương pháp định lượng)

Một ví dụ về dạng đề Quantitative Reasoning (nguồn: ETS.org)

gre-la-gi-noi-dung-bai-thi-2

Unscored (phần không tính điểm)

  1. Thời gian: tùy thuộc vào đề, không xác định

  2. Cấu trúc: tùy thuộc vào đề, không xác định. Có thể nằm ở bất cứ phần nào trong bài thi trừ phần đầu (Viết phân tích) và phần cuối (phần nghiên cứu)


Research (phần nghiên cứu, không tính điểm)

  1. Thời gian: tùy thuộc vào đề, không xác định

  2. Cấu trúc: tùy thuộc vào đề, không xác định. Sẽ nằm ở cuối bài thi.

Cấu trúc bài thi chuyên ngành

Với mỗi môn trong bài thi chuyên ngành sẽ có những cấu trúc đề khác nhau, thí sinh nên tham khảo thông tin đầy đủ tại website của ETS. Dưới đây, bài viết sẽ nêu cấu trúc tổng quát của từng bài thi, nhưng sẽ không liệt kê đầy đủ từng nội dung với từng môn.

Chemistry Test

  1. Gồm 130 câu hỏi trắc nghiệm

  2. Sẽ có một bảng tuần hoàn được in trong sổ tay bài thi (test booklet) 

  3. Các câu hỏi nhằm đơn giản hóa các thao tác toán học, vì thế mà thì sinh sẽ không cần máy tính hay bảng tính logarit. 

Mathematics Test

  1. Gồm 66 câu hỏi trắc nghiệm, trình độ đại học

  2. Khoảng 50% các câu hỏi sẽ là giải tích và ứng dụng của giải tích

  3. Khoảng 25% câu hỏi sẽ là đại số sơ cấp, đại số tuyến tính, đại số trừu tượng và lý thuyết số. 

  4. Những câu hỏi còn lại sẽ liên quan đến những lĩnh vực toán học khác hiện đang nằm trong giáo trình học của sinh viên ở nhiều trường và cơ sở học thuật. 

Physics Test

  1. Gồm khoảng 100 câu trắc nghiệm (dạng 5 đáp án)

  2. Đa số các câu hỏi có thể được trả lời nếu đã thành thạo ba năm đầu của vật lý cấp độ đại học.

  3. Hệ đo lường quốc tế (SI) sẽ được sử dụng chủ yếu trong bài thi

Psychology Test

  1. Gồm khoảng 205 câu hỏi trắc nghiệm (dạng 5 đáp án)

  2. Các câu hỏi sẽ được rút ra từ các kiến thức chủ chốt thường gặp trong các khóa học trong lĩnh vực tâm lý, mức độ đại học

Cách tính điểm bài thi GRE

Điểm của bài thi GRE sẽ khác với từng dạng bài. Đối với dạng tổng quát, phần Verbal Reasoning sẽ có thang điểm trung bình từ 130-170. Với phần Quantitative Reasoning sẽ có thang điểm từ 130-170, và phần Analytical Writing từ 0-6. Đối với dạng chuyên ngành, thang điểm trung bình cho mỗi môn sẽ rơi vào mức 200 đến 990.

Tổng kết

Bài viết này đã liệt kê các cấu trúc tổng quát của bài thi dạng tổng quát và dạng chuyên ngành của kì thi đánh giá năng lực cho cấp bậc sau đại học - GRE. Sau khi đọc xong, người đọc sẽ nắm được những thông tin khái quát về kì thi và hình dung được những câu hỏi có thể xuất hiện trong đề tổng quát của kỳ thi GRE, cùng với sự khác biệt giữa cách thức kiểm tra của dạng tổng quát và dạng chuyên ngành.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...