Học từ vựng tiếng Anh: Chuyển đổi từ vựng thụ động thành chủ động

Làm thế nào để chuyển hóa từ vựng đã học thành vốn từ có thể sử dụng hàng ngày và nhanh chóng đạt được tiến bộ trong quá trình học tiếng Anh?
hoc tu vung tieng anh chuyen doi tu vung thu dong thanh chu dong

Học từ vựng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình lĩnh hội bất kỳ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, một trở ngại nhiều người học gặp phải là không thể sử dụng những từ vựng mới học ngay cả khi đã học thuộc và biết nghĩa của từ vựng đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chuyển hóa từ vựng đã học thành vốn từ có thể sử dụng hàng ngày và nhanh chóng đạt được tiến bộ trong quá trình học ngôn ngữ. Bài nghiên cứu sẽ đi sau phân tích phương pháp chuyển đổi từ vựng thụ động thành chủ động khi học từ vựng tiếng Anh.

hoc-tu-vung-tieng-anh-chuyen-doi-tu-vung-thu-dong-thanh-chu-dong-minh-hoaHọc từ vựng tiếng Anh: Chuyển đổi từ vựng thụ động thành chủ động

Khái quát chung

khai-quat-chung-hoc-tu-vung-tieng-anhKhái quát chung học từ vựng tiếng anh

Từ vựng hay vốn từ là tập hợp tất cả những từ sử dụng để hiểu được thông tin trong ngôn ngữ đó. Vốn từ sẽ tăng lên nhờ quá trình ôn tập, rèn luyện của người học. Khi xét đến khả năng sử dụng từ vựng, có thể chia vốn từ vựng thành hai nhóm, đó là từ vựng chủ độngtừ vựng thụ động.

Từ vựng thụ động là những từ người học hiểu nhưng chưa thể sử dụng. Nói cách khác, nếu không có những tác nhân gợi nhớ từ vựng thụ động đến từ môi trường ngoài (ví dụ như nghe hoặc nhìn thấy từ vựng) người học sẽ không thể tái hiện những từ này trong ký ức.

Ngược lại, từ vựng chủ động là những từ người học hiểu và có thể sử dụng trong nói và viết mà không cần đến bất kỳ một tác nhân gợi nhớ nào. Vốn từ vựng chủ động và thụ động của một người thay đổi liên tục trong quá trình sử dụng một ngôn ngữ mới, nguyên nhân là vì đã liên tục học thêm từ mới, quên các từ từng học, tăng hoặc giảm tần suất sử dụng một số từ. ([1])

Trên thực tế, ngay cả trong ngôn ngữ mẹ đẻ cũng có từ vựng chủ động và từ vựng thụ động. Trong đó, vốn từ vựng chủ động sử dụng trong học tập và cuộc sống ít hơn rất nhiều so với những từ có thể hiểu được. Những từ này bao gồm tiếng lóng, thuật ngữ khoa học, từ vựng chuyên ngành, từ ngữ trang trọng, từ cổ…

Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải chuyển hóa tất cả từ vựng thụ động thành từ vựng chủ động không khi số lượng từ vựng của một ngôn ngữ rất nhiều và mỗi cá nhân chỉ sử dụng những từ nhất định liên quan đến một vài lĩnh vực đặc thù trong công việc và cuộc sống? Chẳng hạn, từ điển Oxford có tổng số từ tra cứu là 171,476 từ đang được sử dụng và 47,156 từ đã lỗi thời. ([2])

Nếu người học tiếng Anh nỗ lực chuyển hóa tất cả những từ đã gặp sang từ vựng chủ động sẽ gây ra hiện tượng quá tải, không đem lại hiệu quả và không cần thiết. Bên cạnh đó, khi quá chú trọng vào việc áp dụng tất cả những từ đã học vào thực tiễn, bao gồm cả những từ lỗi thời và không thực sự phù hợp với ngữ cảnh, nội dung nói, viết có thể trở nên kỳ quặc, khó hiểu.

Tuy nhiên, việc chuyển đối từ vựng thụ động thành từ vựng chủ động lại vô cùng quan trọng trong một số trường hợp. Đặc biệt là khi đi từ trình độ khá lên giỏi trong một ngôn ngữ, người học cần có khả năng sử dụng từ vựng linh hoạt, chính xác.

Do đó, mặc dù không nên học từ vựng một cách ôm đồm và không có chọn lọc, người học cần có một sự quan tâm nhất định để chuyển hóa những từ vựng hữu ích, cần thiết trong quá trình học sang vốn từ vựng chủ động và sử dụng thường xuyên trong học tập, công việc.

Mối quan hệ giữa từ vựng chủ động và từ vựng thụ động

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa từ vựng chủ động và từ vựng thụ động được tiến hành bởi nhà ngôn ngữ học Batia Laufer của đại học Haifa vào năm 1997. Kết quả của công trình nghiên cứu này được đăng tải trên ấn phẩm trường đại học Oxford vào năm 1998.

moi-quan-he-giua-tu-vung-chu-dong-va-tu-vung-thu-dongMối quan hệ giữa từ vựng chủ động và từ vựng thụ động

Trong đó, tác giả đặt mục tiêu xác định sự liên hệ giữa 3 loại từ vựng bao gồm từ vựng thụ động (passive vocabulary), từ vựng chủ động (active vocabulary) và từ vựng chủ động có kiểm soát (controlled active vocabulary).

Nhóm thứ 3 là nhóm từ vựng người học có khả năng sử dụng để làm bài kiểm tra hay hoàn thành một bài tập ngôn ngữ, nhưng sẽ không dùng trong các tình huống khác, khi được tự do sử dụng từ vựng theo ý muốn.

Đối tượng của nghiên cứu này là hơn 40 học sinh người Isarel. Tất cả học sinh được chia thành hai nhóm theo độ tuổi (16 và 17), được cho học cùng một chương trình ngoại ngữ nâng cao của hệ thống trường học tại Isarel. Tác giả đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá lượng từ vựng của người tham gia trong khoảng thời gian 1 năm.

Các yếu tố đầu vào về ngôn ngữ được đảm bảo tương đồng giữa hai nhóm. Điểm khác nhau duy nhất là chênh lệch về tuổi. Vì vậy, giả định của nghiên cứu là sự khác biệt về khả năng tiếp thu từ vựng giữa hai nhóm đối tượng này là do tuổi tác.

Một số kết quả quan trọng của nghiên cứu

Thứ nhất, từ vựng thụ động đã gia tăng đáng kể ở cả hai nhóm sau một năm học (tăng tới 84%). Con số này ở nhóm từ vựng chủ động có kiểm soát là 50%. Tuy từ vựng thụ động và chủ động có kiểm soát của người học đã được cải thiện, không có quá nhiều thay đổi trong việc sử dụng từ vựng của người học.

Thứ hai, khi xét đến mối quan hệ giữa ba loại từ vựng, từ vựng thụ động luôn nhiều hơn từ vựng chủ động có kiểm soát. Tuy nhiên tỷ lệ giữa hai nhóm từ vựng này có sự khác biệt giữ hai nhóm học sinh tham gia thí nghiệm. Trong nhóm các học sinh 16 tuổi, tỷ lệ từ vựng chủ động có kiểm soát/ từ vựng thụ động giảm từ 89% xuống còn 73%.

Điều này có nghĩa là khoảng cách giữa hai nhóm từ vựng trên sẽ ngày càng mở rộng khi người học đạt được mức độ sử dụng ngôn ngữ tốt hơn.

Thí nghiệm cũng chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa từ vựng thụ động và chủ động có kiểm soát, nói cách khác, người học càng có nhiều từ vựng thụ động, lượng từ vựng chủ động có kiểm soát cũng càng nhiều.

Đối với từ vựng chủ động, thí nghiệm chỉ ra không có mối liên hệ cụ thể nào giữa nhóm từ này với từ vựng thụ động và từ vựng chủ động có kiểm soát. Như vậy, một người có thể nhận biết nhiều mặt chữ hơn và có thể sử dụng những từ đó trong câu khi được yêu cầu chưa chắc đã sử dụng được trong những tình huống giao tiếp bình thường.

Những giải pháp giúp chuyển hóa từ vựng thụ động 

Tăng cường đầu vào ngôn ngữ

Dựa theo kết quả nghiên cứu ở phần 2, có thể thấy rằng tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa từ vựng thụ động và từ vựng chủ động có kiểm soát. Do đó, để kích hoạt vốn từ vựng chủ động có kiểm soát, người học cần tăng cường đầu vào ngôn ngữ nhằm nâng cao vốn từ vựng thụ động.

Để làm được điều đó, có thể nâng cao tần suất đọc và nghe ở nhiều nguồn khác nhau. Trong quá trình đó, người học nên dồn trọng tâm vào từ mới, tìm hiểu ý nghĩa, cách sử dụng của từ. Nên giữ một tâm thái thoải mái, nhẹ nhàng khi học từ vựng tiếng Anh và xác định rõ có thể sẽ quên những từ này trong lần học đầu tiên.

Tuy nhiên, việc ghi chép và tập trung vào từ vựng có thể giúp người học ghi nhớ sâu hơn và khi gặp lại những từ vựng nói trên ở các lần sau, khả năng nhớ từ sẽ cao hơn.

nhung-giai-phap-giup-chuyen-hoa-tu-vung-thu-dongNhững giải pháp giúp chuyển hóa từ vựng thụ động 

Tưởng tượng ngữ cảnh và chủ động đặt câu liên quan đến từ vựng

Một khó khăn trong việc nhớ và sử dụng từ vựng là thiếu ngữ cảnh áp dụng từ vựng đó thường xuyên để khắc sâu ý nghĩa của từ trong não bộ. Do đó, thay vì chờ đến lúc tìm được đúng ngữ cảnh áp dụng từ, người học có thể tưởng tượng ra những ngữ cảnh liên quan và tập viết, nói để sử dụng từ vựng một cách thường xuyên hơn.

Trong quá trình này, nên hình dung ra một số tình huống vui nhộn để tạo dấu ấn đối với từ vựng.

Chẳng hạn, tính từ “lethargic” có nghĩa là “without any energy or enthusiasm for doing things” (không có năng lượng, nhiệt huyết để làm việc gì đó, uể oải, bơ phờ). Người học có thể tưởng tượng ra một ngày nắng nóng ở Hà Nội với nhiệt độ 45 độ C và đang mắc kẹt giữa dòng xe gần 1km:

“Getting stuck in a traffic jam under this weather makes me lethargic.”’ (Tạm dịch: Bị kẹt xe dưới thời tiết như thế này khiến tôi mệt đến không thiết làm gì nữa).

Như vậy trong những lần sau, khi bị tắc đường trong thời tiết khó chịu, người học có thể nghĩ ngay đến từ “lethargic” và ghi nhớ từ này tốt hơn.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, không phải từ vựng nào người học gặp trong quá trình thu nhận ngôn ngữ cũng sẽ phù hợp với ngữ cảnh. Việc quá chú trọng vào áp dụng từ vựng mới đối khi lại phản tác dụng vì có thể gây ra sự khó hiểu, kỳ quặc.

Ví dụ, trong tiếng anh có rất nhiều từ đồng nghĩa chỉ cùng một đối tương. “Man” có nghĩa là một người đàn ông, bên cạnh đó từ “gentleman” với nghĩa “a man who is polite and well educated, who has excellent manners and always behaves well.” (Một người đàn ông lịch sự, có giáo dục, có cách hành xử đúng mực, lịch lãm).

Giả sử, người học cố gắng sử dụng từ gentlemen trong câu “A gentleman was caught stealing money from a passenger” (Một quý ngài bị bắt gặp lấy trộm tiền từ một hành khách).

Đây là một tình huống hài hước, kỳ quặc đối với người nghe, người đọc. Do đó, để quá trình chuyển đổi từ vựng thụ động thành từ vựng chủ động có hiệu quả cao, người học cần phải nắm rõ ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng từ.

Để làm được điều này, người học nên tham khảo định nghĩa của từ điển cũng như những ví dụ liên quan đến từ trong từ điển để hình dung được ngữ cảnh sử dụng từ phù hợp.

Tăng cường sự lặp lại

Tăng cường đầu vào ngôn ngữ và tưởng tượng ngữ cảnh sử dụng từ thôi chưa đủ để biến một từ vựng bị động thành từ vựng chủ động. Khi một từ vựng được học nhưng không được sử dụng thường xuyên, ký ức về từ này sẽ không được củng cố trong não bộ. Kết quả là người học không thể nhớ về từ này nếu không có những tác nhân kích thích như nghe hoặc nhìn thấy từ và đương nhiên không thể không thể sử dụng từ, hoặc tệ hơn là hoàn toàn quên từ đó.

Để hạn chế tình huống này, người học có thể tăng cường sự lặp lại bằng cách sử dụng giấy nhớ dán từ vựng tại những vị trí bắt mắt trên bàn làm việc, trong nhà; thường xuyên viết từ, ghi chép các ví dụ, cách diễn đạt hay liên quan đến từ và quan trọng nhất là tìm ngữ cảnh phù hợp và sử dụng từ vựng ngay khi có thể.

Bên cạnh đó, người học cũng có thể áp dụng kỹ thuật Lặp lại ngắt quãng – một phương pháp dựa vào quy luật ghi nhớ thông tin của não bộ để tăng cường khả năng nhớ từ vựng.

Tổng kết

Từ vựng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc học bất kỳ từ ngôn ngữ nào. Một trong những khó khăn của người học là không thể kích hoạt những từ vựng đã học trở thành từ vựng chủ động để sử dụng linh hoạt, hiệu quả trong học tập, công việc và cuộc sống.

Tuy việc học từ vựng tiếng Anh một cách ôm đồm là không nên, người học vẫn cần phải tích cực sử dụng từ vựng đã học để đạt được tiến bộ và sự thành thạo trong ngôn ngữ đích.

Bài nghiên cứu đã đưa ra một vài phương pháp giúp chuyển hóa từ vựng thụ động thành chủ động, rất mong sẽ hỗ trợ quá trình học từ vựng tiếng Anh diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Chu Minh Thùy

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu