IELTS 7.5 làm được gì? Lộ trình học IELTS từ 0 lên 7.5 chi tiết

IELTS 7.5 là mức điểm mục tiêu của nhiều người học khi tham gia kỳ thi này. Bài viết dưới đây giải đáp những thắc mắc thường gặp về mức điểm IELTS 7.5 và gợi ý lộ trình học IELTS từ 0-7.5 chi tiết.
author
Hà Bích Ngọc
16/02/2024
ielts 75 lam duoc gi lo trinh hoc ielts tu 0 len 75 chi tiet

IELTS là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận trên toàn thế giới. Chứng chỉ này là một trong các điều kiện giúp học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, xin học bổng du học, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đối với người đi làm. Khi đăng ký thi IELTS, mỗi người đều đặt ra một số điểm mục tiêu để cố gắng. Trong đó, IELTS 7.5 là mức điểm được đánh giá khá cao và cũng là động lực của nhiều người.

Key Takeaways

  • IELTS 7.5 là số điểm tương đối cao trong thang điểm từ 1-9.

  • Số điểm này giúp học sinh xét tuyển thẳng vào các trường đại học, đạt điều kiện xét duyệt học bổng du học và mở ra nhiều cơ hội việc làm.

  • Với IELTS overall là 7.5, có 2 trường hợp xảy ra là: (1) 1 kỹ năng 8, 3 kỹ năng 7; (2) 2 kỹ năng 7 và 2 kỹ năng 8.

  • Gợi ý lộ trình học IELTS từ 0-7.5 và gợi ý một vài sách tham khảo.

  • IELTS 7.5 đủ điều kiện để xét tuyển các trường đại học như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân…

IELTS 7.5 làm được gì?

Trong thang điểm từ 1-9, IELTS 7.5 là con số khá ấn tượng. Mức điểm này cho thấy khả năng tiếng Anh của người học ở mức khá thành thạo, có thể đọc và nghe hiểu các văn bản tiếng Anh, viết bài mạch lạc, rõ ràng và giao tiếp tốt. Vì vậy, đây là số điểm mà nhiều người học hướng tới, vì có thể đem đến nhiều lợi ích trong học tập cũng như việc làm.

Với IELTS 7.5, thí sinh có thể:

  • Miễn thi/quy đổi theo thang điểm 10 môn tiếng Anh: Thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên được miễn thi môn tiếng Anh trong các kỳ xét tuyển tốt nghiệp, đầu vào đại học, đồng thời điểm IELTS này sẽ được quy đổi thành điểm 10.

  • Đáp ứng điều kiện xét học bổng du học: Hầu hết các trường đại học quốc tế quy định rằng thí sinh phải có IELTS tối thiểu 6.5 để đạt điều kiện xét tuyển và duyệt học bổng. Nếu đạt được điểm IELTS 7.5, cơ hội học tập tại các nước có nền giáo dục tiên tiến sẽ rộng mở hơn với người học.

  • Mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thành thạo tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội việc làm tại các công ty đa quốc gia, tổ chức phi lợi nhuận. Ngoài ra, các ngành nghề có chuyên môn cao như kỹ sư, bác sĩ, luật sư… đều đòi hỏi phải cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục. Do đó, đạt mốc IELTS 7.5 sẽ giúp những người làm việc ở các lĩnh vực này có khả năng đọc hiểu nguồn tài liệu nước ngoài phong phú.

  • Sinh sống và định cư ở nước ngoài: Chứng chỉ IELTS là một trong những điều kiện cần thiết nếu một người muốn sinh sống, làm việc và định cư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có ngôn ngữ chính là tiếng Anh như Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand,…

IELTS 7.5 làm được gì?

IELTS 7.5 có khó không?

IELTS 7.5 được coi là một mức điểm khá khó và đòi hỏi nhiều nỗ lực học tập để đạt được mức điểm này. Tuy nhiên, nếu người học có trình độ tiếng Anh tốt, khả năng học tập hiệu quả, cùng với phương pháp học tập phù hợp, người học hoàn toàn có thể đạt được mức điểm IELTS 7.5.

Các tiêu chí đạt IELTS 7.5

Với số điểm overall là 7.5, có 2 trường hợp xảy ra là (1): 1 kỹ năng 8 và 3 kỹ năng 7 và (2): 2 kỹ năng 7 và 2 kỹ năng 8.

Trường hợp 1: 1 kỹ năng 8 và 3 kỹ năng 7

Ví dụ: Listening: 8.0, Reading - Writing - Speaking: 7.0

  • Listening: thí sinh sinh cần làm đúng từ 35-36 trên tổng số 40 câu.

  • Reading: thí sinh cần đạt từ 33-34/40 câu đúng nếu tham gia kỳ thi IELTS Academic và 36-37/40 câu đúng với kỳ thi IELTS General.

Các tiêu chí đạt mức điểm IELTS 7.5

IELTS Speaking:

  • Fluency and coherence: Thí sinh có khả năng diễn đạt câu hoặc đoạn văn dài một cách dễ dàng mà không làm mất đi tính mạch lạc. Đồng thời sử dụng linh hoạt các từ nối và dấu câu. Đôi khi, thí sinh vẫn gặp khó khăn khi diễn đạt hoặc tự sửa lỗi ngôn ngữ của bản thân.

  • Lexical Resource: Thí sinh có nguồn từ vựng phong phú để biểu đạt đa dạng và thảo luận tốt về nhiều chủ đề. Thí sinh có thể áp dụng một số từ vựng hoặc thành ngữ không phổ biến, nhưng vẫn có một số lỗi sử dụng từ hoặc diễn đạt chưa phù hợp.

  • Grammatical Range and Accuracy: Thí sinh có thể sử dụng nhiều cấu trúc phức tạp khá linh hoạt. Các câu hầu như không mắc lỗi về ngữ pháp, mặc dù đôi khi các lỗi nhỏ vẫn xuất hiện.

  • Pronunciation: Bao hàm tất cả các điểm tích cực của band 6 và một số điểm tích cực của band 8: phát âm chính xác, dễ hiểu và rõ ràng tuy đôi khi còn một số lỗi.

IELTS Writing:

Task 1:

  • Task Response: Bài viết đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đề bài. Nội dung phù hợp và chính xác, mặc dù có thể còn một số điểm yếu. Các ý trong bài được làm rõ, tuy nhiên, có thể mở rộng hoặc minh họa cụ thể hơn.

  • Coherence and Cohesion: Các ý chính, ý bổ sung được sắp xếp logic, có liên kết với nhau và có sự tiến triển hợp lý. Các từ nối và từ thay thế được sử dụng linh hoạt, tuy nhiên vẫn còn vài sai sót như dùng không đúng cách hoặc thiếu từ nối.

  • Lexical Resource: Thí sinh có thể sử dụng thành ngữ hoặc từ ít phổ biến hơn, mặc dù vẫn tồn tại một số lỗi nhỏ về chính tả, cách sử dụng từ, và văn phong…

  • Grammatical Range and Accuracy: Thí sinh sử dụng các cấu trúc phức tạp một cách linh hoạt và chính xác đáng kể. Một số lỗi ngữ pháp có thể vẫn tồn tại nhưng không làm ảnh hưởng đến nộidung bài viết.

Task 2:

  • Task Response: Thí sinh giải quyết được các yêu cầu chính của đề bài trong bài viết. Các ý chính đã được mở rộng và được hỗ trợ bằng các ý phụ, mặc dù đôi khi vẫn còn mơ hồ hoặc không chính xác.

  • Coherence and Cohesion: Thông tin và ý tưởng được tổ chức một cách logic, theo một cách phát triển hợp lý. Các đoạn văn trình bày hoàn chỉnh và tập trung vào một nội dung cụ thể. Các câu, từ nối được sử dụng hợp lý và đa dạng.

  • Lexical Resource: ử dụng từ vựng linh hoạt và chính xác, có các thành ngữ hoặc từ ít phổ biến hơn, tuy nhiên, vẫn còn một số lỗi nhỏ về chính tả, cách sử dụng từ, và văn phong…

  • Grammatical Range and Accuracy: Các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng linh hoạt. Sử dụng tốt ngữ pháp và dấu câu, có một số lỗi nhưng ảnh hưởng không đáng kể.

Trường hợp 2: 2 kỹ năng 7 và 2 kỹ năng 8

Ví dụ: Listening và Reading: 8.0, Speaking và Writing: 7.0

  • Listening: Thí sinh sinh cần làm đúng từ 35-36 trên tổng số 40 câu.

  • Reading: Đạt 35-36 câu/ 40 câu với IELTS Academic và 37-38/ 40 câu với IELTS General.

Tiêu chí của 2 kỹ năng Speaking và Writing giống với trường hợp 1.

Xem thêm: Thang điểm IELTS và cách tính điểm IELTS 4 kỹ năng chuẩn nhất 2024.

Học IELTS từ 0 lên 7.5 mất bao lâu?

Thời gian học IELTS từ 0 lên 7.5 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng tiếp thu, nỗ lực học tập và phương pháp ôn luyện. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chuyên gia, trung bình người học cần dành 16-18 tháng để đạt mức điểm IELTS từ 0 lên 7.5.

Người học có thể kiểm tra test trình độ IELTS miễn phí tại ZIM Academy để biết trình độ bản thân, từ đó điều chỉnh lộ trình học phù hợp.

Test trình độ miễn phí tại ZIM, đăng ký tại đây: Đăng ký test trình độ IELTS

Gợi ý lộ trình học IELTS từ 0 lên 7.5

Lộ trình học IELTS từ 0 lên 7.5

Giai đoạn 1: từ 0-3.5

Thời gian ôn luyện: Khoảng 5-6 tháng.

Mục tiêu: Xây dựng nền tảng, nắm chắc các kiến thức cơ bản về phát âm, từ vựng, ngữ pháp.

Ở giai đoạn đầu, thí sinh cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng ở cả 3 phương diện là phát âm, từ vựng, ngữ pháp. Ba khía cạnh này nên được kết hợp linh hoạt để tránh quá tải, nhàm chán.

Về ngữ pháp, người học cần nắm vững các chủ điểm ngữ pháp cơ bản sau đây:

  • 12 thì trong tiếng Anh, đặc biệt là các thì hay sử dụng như hiện tại đơn, quá khứ đơn, hiện tại hoàn thành, hiện tại tiếp diễn, tương lai đơn…

  • Các từ loại: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, đại từ, mạo từ, giới từ, liên từ.

  • Các loại câu: câu chủ động và bị động, câu trực tiếp và gián tiếp, câu ước, câu điều kiện, câu cầu khiến….

  • Mệnh đề quan hệ và mệnh đề trạng ngữ.

  • Câu đơn, câu ghép và các từ nối thường gặp: not only… but also, but, however, although…

Để đạt được mốc 3.5, người học cần trang bị cho bản thân khoảng 600-700 từ vựng. Thí sinh có thể học từ vựng theo chủ đề thường xuất hiện trong bài thi IELTS như Work, Environments, Healthy, Education, Entertainment, Art, Sports…

Về phát âm, người học cần làm quen và luyện tập cách đọc chính xác của 20 nguyên âm và 24 phụ âm trong bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế IPA. Đây là nền tảng cơ bản để phát âm đúng các từ và câu tiếng Anh. Ngoài ra, người học cũng cần chú ý đến trọng âm và nói với ngữ điệu phù hợp. Một cách phổ biến để luyện tập phát âm là “shadowing” - nghe và bắt chước cách phát âm, nhấn nhá, ngữ điệu, tốc độ của người bản xứ.

Gợi ý tài liệu tham khảo cho giai đoạn 1:

  • Grammar in use (elementary): Sách được viết bởi Raymond Murphy và đại học Cambridge xuất bản. Sách cung cấp 115 chủ điểm ngữ pháp cơ bản cùng ví dụ minh họa, bài tập thực hành, và đáp án kèm theo.

  • English Vocabulary in Use (elementary): Sách do đại học Cambridge xuất bản, cung cấp 60 chủ đề từ vựng thường gặp với hơn 2000 từ vựng cơ bản.

  • Pronunciation in use (elementary): Sách hướng dẫn phát âm cơ bản của đại học Cambridge, cung cấp 50 bài học về các chủ điểm phát âm quan trọng, đi kèm là các ví dụ minh họa, bài tập thực hành, và đĩa CD.

Xem thêm: Trọn bộ sách luyện thi IELTS Listening từ cơ bản đến nâng cao.

Giai đoạn 2: từ 3.5 - 5.5

Thời gian ôn luyện: Khoảng 5-6 tháng.

Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức cơ bản, làm quen với cấu trúc đề và các dạng bài tập cơ bản

Ở giai đoạn 2, người học nên ôn tập 2 kỹ năng Reading và Speaking trước. Đây là 2 kỹ năng bổ trợ cho Speaking và Writing. Thông qua việc đọc, người học sẽ tích luỹ được những từ vựng, cấu trúc, cách diễn đạt có ích cho bài viết. Tương tự, khi nghe nhiều, người học sẽ quen với cách phát âm và cải thiện phản xạ giao tiếp - 2 yếu tố cần thiết cho kỹ năng nói.

Reading: Làm quen và luyện tập Part 1 và 2 trong đề thi IELTS, bao gồm các dạng bài cơ bản như multiple choice, note, summary, sentence completion, flowchart, diagram completion…. Ngoài ra, người học có thể đọc sách báo, tin tức, truyện ngắn để tăng thêm vốn từ.

Listening: Tương tự với kỹ năng Reading, người học luyện tập Part 1 và 2 trong đề thi IELTS, bao gồm các dạng bài Form/ Table completion, Multiple choice question, Labelling map… Nghe podcast, tin tức, xem phim, video… cũng là những cách hay để cải thiện kỹ năng nghe.

Speaking: Ở giai đoạn này, người học có thể làm quen với Part 1 của IELTS Speaking, thường xoay quanh các chủ đề như giới thiệu về bản thân, gia đình, quê quán, công việc, học tập, sở thích…

Writing: Làm quen với IELTS Writing Task 1 và học các từ vựng để miêu tả biểu đồ, các cấu trúc liên quen như so sánh, diễn tả sự phát triển…

Để luyện tập và nâng cao kỹ năng làm bài, người học có thể tham khảo bộ sách “Get ready for IELTS" - phù hợp với đối tượng người học ở trình độ cơ bản, từ band 4.0 trở lên. Bộ sách này gồm 4 cuốn, tương ứng với 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết trong bài thi IELTS. Mỗi cuốn sách bao gồm 12 bài học theo chủ đề, cung cấp các kiến thức từ vựng, ngữ pháp, mẹo làm bài và bài tập thực hành. Các bài tập được thiết kế theo dạng bài thi IELTS, giúp người học làm quen với cấu trúc và yêu cầu của bài thi.

Ngoài ra, cuốn The Official Cambridge Guide to IELTS Student’s Book with Answers cũng là cuốn sách toàn diện, bao gồm tất cả các kỹ năng, chiến lược và mẹo thi cần thiết cho kỳ thi IELTS. Người học sẽ được hướng dẫn từng bước qua các dạng bài và các phần thi khác nhau, cũng như được tham khảo những bài viết mẫu và video minh họa. Cuốn sách cũng có nhiều bài tập luyện tập và bài test mẫu để người học rèn luyện kỹ năng và tự tin hơn khi thi thật.

Giai đoạn 3: từ 5.5 - 6.5

Thời gian ôn luyện: Khoảng 3 tháng.

Mục tiêu: Thành thạo các kỹ năng làm bài, mở rộng kiến thức cả về từ vựng và ngữ pháp.

Ở giai đoạn này, người học cần mở rộng vốn từ vựng để chuẩn bị cho IELTS Speaking và Writing Task 2. Các chủ đề có thể kể đến gồm Technology, Environment, Social Issues, Globalization,… Ngoài ra, người học cũng cần tập sử dụng các từ và idiom ở mức độ cao, ít phổ biến.

Reading và Listening: Luyện tập các dạng bài còn lại: True/False/Not given or Yes/No/Not given, Matching Headings, Matching Information, Short Answer, Diagram/Flowchart completion… Thực hành kỹ năng take note (ghi lại ý chính) với kỹ năng Listening, Skimming và Scanning với kỹ năng Reading.

Speaking: Thực hành Part 2 và 3 với các chủ đề như Travel, Environment, Technology, Art, Health… Khi luyện tập, hãy ghi âm lại và đối chiếu để phát hiện và kịp thời sửa chữa lỗi sai.

Writing: Học cách lên bố cụ cho bài viết ở Task 2, trình bày bài viết logic, có ý chính và ý phụ. Người học có thể ôn tập theo từng dạng bài như Argumentative/Opinion/Agree or Disagree; Advantage and Disadvantage; Discussion; Problem & Solution…

Một số tài liệu tham khảo hỗ trợ người học:

  • Complete IELTS Bands 5-6.5: Đây là một bộ sách bao gồm 4 cuốn, tương ứng với 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết trong bài thi IELTS. Mỗi cuốn sách bao gồm 12 bài học theo chủ đề, cung cấp các kiến thức từ vựng, ngữ pháp, mẹo làm bài và bài tập thực hành.

  • IELTS Trainer: Ccuốn sách cung cấp 6 bài thi thử IELTS, với 2 bài thi có hướng dẫn chi tiết và 4 bài thi để người học tự luyện tập. Cuốn sách cũng có phần giới thiệu về định dạng bài thi, các dạng câu hỏi và các chiến lược làm bài. 

  • IELTS Advantage: Đây là một bộ sách gồm 3 cuốn, tập trung vào 3 kỹ năng Nói, Đọc và Viết trong bài thi IELTS. Mỗi cuốn sách đều có phần giới thiệu về các dạng câu hỏi, các bước làm bài, các ví dụ mẫu và các bài tập luyện tập.

Giai đoạn 4: từ 6.5-7.5

Thời gian ôn luyện: Khoảng 3 tháng.

Mục tiêu: Thành thạo các dạng bài, kỹ năng và nâng cao điểm số cho từng kỹ năng.

Đây là giai đoạn chạy nước rút về đích nên người học có thể tập trung luyện đề trong bộ Cambridge Practice Test for IELTS, đặc biệt là từ cuốn 10 trở đi để rèn luyện kỹ năng làm bài.

Để tránh quá tải, người học có thể chia nhỏ mỗi ngày ôn tập 1 kỹ năng. Với kỹ năng Reading và Listening, hãy kiểm tra lại transcript và bài đọc để ghi chú từ mới. Còn với 2 kỹ năng còn lại, hãy tận dụng tối đa các bài mẫu/ gợi ý để học cách xây dựng bố cục bài viết và ghi chú các từ vựng, ý tưởng hay.

Bên cạnh bộ đề thi thử của Cambridge, người học có thể tham khảo thêm cuốn IELTS Trainer Six Practice Tests with Answers and Audio CDs. Đây là cuốn sách luyện thi IELTS giúp người học cải thiện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Cuốn sách có 6 bài test mẫu, trong đó 2 bài đầu tiên có hướng dẫn chi tiết, còn 4 bài sau có độ khó tăng dần để người học thử sức và làm quen với kỳ thi IELTS.

Lưu ý rằng lộ trình này chỉ mang tính chất tham khảo. Con số thực tế còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ và thời gian học mà mỗi người phân bổ hàng ngày.

Xem thêm: Tổng hợp đề thi IELTS Writing 2024 kèm bài mẫu - Cập nhật liên tục.

Câu hỏi thường gặp

1. IELTS 7.5 là cao hay thấp?

Thực tế, IELTS 7.5 là số điểm tương đối cao, cho thấy người học có một nền tảng tiếng Anh tốt, có thể áp dụng ngôn ngữ để đọc hiểu văn bản dài, phức tạp, nghe hiểu các nội dung bằng tiếng Anh và giao tiếp lưu loát, thành thạo.

2. Quy đổi IELTS 7.5 sang các chứng chỉ khác

Người học có thể tham khảo bảng sau để quy đổi IELTS 7.5 sang các chứng chỉ khác như TOEFL, TOEIC hay Cambridge. Lưu ý rằng số điểm này chỉ mang tính chất tương đối vì mỗi chứng chỉ có khung đánh giá khác nhau.

IELTS

TOEFL

TOEIC

CEFR

PTE

Khung năng lực 6 bậc (Việt Nam)

7.5

96

835 - 900

C1

73

Bậc 6

3. IELTS 7.5 cần bao nhiêu từ vựng?

Để đạt IElTS 7.5, người học cần có một vốn từ vựng phong phú, khoảng 6000-7000 từ. Lượng từ này bao gồm cả từ vựng cơ bản và từ vựng chuyên sâu, đủ để người học có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Một vài cách học từ vựng phổ biến là:

  • Nhóm từ vựng theo chủ đề để học một cách có tổ chức và dễ áp dụng trong các tình huống thực tế.

  • Tạo flashcards với từ vựng mới, viết nghĩa hoặc ví dụ ở mặt sau.

  • Đọc sách, báo, bài viết, xem phim, nghe nhạc hoặc podcast tiếng Anh.

  • Tích hợp từ vựng vào bài viết và bài nói thường xuyên để nâng cao kỹ năng.

4. IELTS 7.5 được tuyển thẳng đại học nào?

Hiện nhiều trường đại học tại Việt Nam áp dụng phương thức xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ IELTS tối thiểu từ 4.0 trở lên. Một số trường đại học nổi bật có thể kể đến như:

  • Đại học Quốc gia Hà Nội: Xét tuyển thẳng chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc kết hợp IELTS với kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

  • Đại học Ngoại thương: Xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên.

  • Đại học Sư phạm Hà Nội: Trường xét tuyển thẳng cho học sinh có bằng IELTS từ 6.0 trở lên.

  • Đại học Kinh tế Quốc dân: Xét tuyển chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên, kết hợp với kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT.

  • Đại học FPT: Xét tuyển thẳng học sinh có bằng IELTS từ 6.0 trở lên.

Tổng kết

Với những thông tin được tổng hợp trên đây, hy vọng người học đã có hình dung cụ thể về lộ trình đạt được IELTS 7.5, cũng như những cơ hội về học tập, làm việc mà chứng chỉ này mang lại. Nếu muốn có lộ trình cụ thể và phù hợp với trình độ của bản thân hơn, hãy tham khảo khoá học IELTS Master của ZIM.


Nguồn tham khảo

How IELTS Is Assessed | Take IELTS. takeielts.britishcouncil.org/teach-ielts/test-information/assessment.

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút. Người học có thể tham gia ôn thi IELTS cấp tốc tại ZIM để được hỗ trợ tối đa, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu