IELTS Speaking Tips: Tìm hiểu và khắc phục những lỗi gây mất điểm tiêu chí Fluency (trôi chảy)

Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các lỗi đó và các IELTS Speaking Tips khắc phục để thí sinh hạn chế mắc phải và đạt điểm tốt trong bài thi.
author
ZIM Academy
12/06/2021
ielts speaking tips tim hieu va khac phuc nhung loi gay mat diem tieu chi fluency troi chay

Tiêu chí Fluency and Coherence (tạm dịch là tính trôi chảy) là một trong bốn tiêu chí được đánh giá trong bài thi IELTS Speaking. Điều này có nghĩa là tiêu chí này được chấm 25% tổng số điểm của bài IELTS Speaking. Vì vậy việc hiểu rõ về tiêu chí Fluency cũng như một số lỗi dùng thường gặp là cần thiết để giúp người học cải thiện kỹ năng viết của mình và chuẩn bị tốt hơn cho bài thi. Ngoài những lỗi chung thì do đặc thù cấu âm của tiếng Việt thì người Việt cũng gặp một số khó khăn khác về Fluency. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các lỗi đó và các IELTS Speaking Tips khắc phục.

Tiêu chí Fluency 

Fluency đề cập đến khả năng nói chuyện mượt mà liên tục mà không làm mất tính mạch lạc của bài nói. 

Tiêu chí Fluency được đề cập đến trong bảng mô tả các tiêu chí chấm điểm như sau:

Band 5

Thường giữ được nhịp của bài nói nhưng hay bị lặp, tự sửa lỗi/ hoặc nói chậm để kéo dài bài nói

Band 6

  • Sẵn sàng nói dài mặc dù đôi khi không mạch lạc

  • Có thể đôi khi còn ngập ngừng hoặc bị lặp và/ hoặc tự sửa lỗi

Band 7

  • Có khả năng nói dài mà không không cần quá cố gắng hoặc không làm mất tính mạch lạc

  • Có thể đôi khi còn ngập ngừng về mặt ngôn ngữ hoặc đôi khi còn bị lặp/ hoặc tự sửa lỗi.

Nhìn vào bảng tiêu chí có thể thấy Fluency được đánh giá qua các thành tố sau:

  • Khả năng nói liên tục (Speak at length) và nhịp điệu của bài nói (flow of speech)

  • Liệu thí sinh có hay ngập ngừng (hesitations) không

  • Liệu thí sinh có bị lặp (repetitions) hay không

  • Số lần tự sửa lỗi (Self-correction)

Phần tiếp theo sẽ chỉ ra các lỗi mà người Việt hay mắc phải và cách khắc phục dựa trên các thành tố này.

Các vấn đề gây mất điểm Fluency thường gặp và các IELTS Speaking Tips khắc phục 

IELTS Speaking Tips 1: Không cố gắng nói nhanh để tăng điểm Fluency

tieu-chi-fluency-troi-chay-1Không cố gắng nói nhanh để tăng điểm Fluency

Nhiều người lầm tưởng Fluency tốt là nói nhanh, nói như gió và nói không ngừng. Vì vậy, họ cố gắng nói nhanh khi đi thi để gây ấn tượng với giám khảo. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, Fluency tập trung vào tính liên tục và nhịp điệu của bài nói thay vì tập trung vào tốc độ nói. Tính liên tục là khả năng phát triển ý và nói được trong vòng nhiều câu thay vì chỉ nói được một câu. Nhịp của bài nói là nói có ngắt, nghỉ hợp lý và ngữ điệu phù hợp. Khi nói nhanh, người nói khó có thể đảm bảo được các tiêu chí này vì các lý do sau:

  • Tiếng Anh có phát âm âm cuối (ending sounds) trong khi tiếng Việt không có đặc tính này. Khi trình độ nói chưa cao và nói nhanh thì tỉ lệ bị mất âm cuối lớn và các âm trong từ cũng khó có thể được phát âm rõ ràng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Fluency mà còn ảnh hưởng đến Coherence (tính mạch lạc) của bài nói. Lý do là khi phát âm không rõ, bài nói sẽ trở nên khó hiểu và giám khảo không nắm được thông tin mà thí sinh muốn truyền tải.

  • Khi tốc độ nói của thí sinh quá nhanh, thí sinh đang giảm thời gian suy nghĩ câu trả lời của chính mình (do thời gian suy nghĩ phải theo kịp tốc độ nói). Kết quả là, có những thí sinh sắp xếp thông tin lộn xộn trong bài nói hoặc sử dụng từ ngữ không phù hợp. Một trường hợp thường gặp là tình trạng chia sai thì động từ do nói quá nhanh, không kiểm soát được ngữ pháp.

Ngay cả khi người nói nhận ra lỗi, việc quay lại sửa lỗi từ ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến tính liên tục, mạch lạc của bài nói, có thể gây mất điểm Fluency.

Cách giải quyết: 

Để có tốc độ nói phù hợp thì một trong những cách tốt nhất là nghe tin tức, đài, phim ảnh và dùng kĩ thuật shadowing để nhại lại và làm quen với cách ngắt nghỉ nhấn nhá khi nói. Người học nên chọn các bài nghe phù hợp với trình độ của mình để có các ví dụ về tốc độ nói vừa phải, dễ nhại lại.

Người học có thể tham khảo các trang có chia trình độ để luyện tập, với một số gợi ý sau:

  • Trang web học tiếng Anh của British Council:

  • https://learnenglish.britishcouncil.org/skills/listening (có bài tập để luyện nghe hiểu)

  • https://www.elllo.org/ (có bài tập để luyện nghe hiểu)

  • Bộ sách Oxford Bookworms có bản sách nói theo các cấp độ dành cho người đọc thích nghe truyện.

  • Với người đọc có trình độ từ 5.5 trở lên có thể tham khảo thêm một số kênh như Ted-Talks, Ted-Ed

Nếu nói nhanh không giúp nhiều trong cải thiện fluency thì nói chậm từng từ, đọc rõ từng âm cũng không phải giải pháp để tăng độ trôi chảy vì bài nói trong trường hợp này sẽ trở nên ngắt quãng, không tự nhiên. Vì vậy, ngoài chú ý đến ngữ điệu và tốc độ nói thì việc chú ý đến các hiện tượng phát âm như nối âm, giản lược âm cũng cần thiết để bài nói trôi chảy tự nhiên hơn. 

IELTS Speaking Tips 2: Hạn chế cố gắng nghĩ ra câu trả lời đúng và thú vị

Cố gắng nghĩ câu trả lời thú vị

tieu-chi-fluency-troi-chay-2Cố gắng nghĩ câu trả lời thú vị

Nhiều thí sinh khi đi thi nói với tâm lý câu trả lời phải hay, thú vị và độc đáo thì mới được điểm cao. Ví dụ: mở đầu phải nói ra sao để gây ấn tượng và khiến giám khảo muốn nghe tiếp. Điều này thường khiến thí sinh tốn thời gian để nghĩ câu trả lời cho hay và hấp dẫn và đúng dẫn đến việc ngập ngừng (hesitations) khi không nghĩ ra ý gì để nói hoặc phải triển khai ý ra sao. 

Ví dụ đề bài là: Mô tả một bữa ăn đặc biệt

Thí sinh có xu hướng nghĩ xem bữa ăn đặc biệt phải có món gì thật đặc biệt. Tiếp đến, phải mô tả ra sao để toát lên vẻ độc đáo và đặc sắc của bữa ăn. 

Với 1 phút chuẩn bị, thí sinh sẽ không đủ thời gian để lên ý tưởng nếu quá chú tâm vào từng tiểu tiết và cố gắng cung cấp nội dung phức tạp. Trong thực tế, nhiều thí sinh chỉ nói được một đoạn, và sau đó không thể phát triển tiếp thông tin do họ không kịp nghĩ phần sau của câu trả lời, gây mất điểm trôi chảy của bài nói.

Thí sinh nên tập trung vào tiêu chí đánh giá. Trong tiêu chí đánh giá, không có phần nào đề cập đến ý tưởng hay hay ý tưởng sáng tạo. Vì vậy, thí sinh sẽ không được thêm điểm vì ý tưởng độc đáo hay lạ tai. Tiêu chí được đánh giá ở đây là Tính trôi chảy và mạch lạc, cách sử dụng ngữ pháp và từ vựng đúng và đa dạng, cách phát âm. Tốn thời gian để nghĩ câu trả lời cho hay, hấp dẫn và đúng sẽ không giúp ích cho việc tăng điểm nói.

Cách giải quyết:

Tập trung vào chất lượng của bài nói: cách sử dụng ngôn ngữ, liên kết ý tưởng thay vì tập trung vào chất lượng của ý tưởng. Hãy nói ý mà thí sinh cảm thấy dễ triển khai nhất và tận dụng tối đa được từ vựng, ngữ pháp mà mình có thay vì tập trung vào ý tưởng hay.

Ví dụ: Mô tả một bữa ăn đặc biệt

Nếu tập trung vào nghĩ xem bữa ăn có món gì thật sự đặc biệt không, món ăn đó trông ra sao, cách làm, vị của món ăn như thế nào thì thí sinh có thể bị bí ý tưởng và cả từ vựng. Ví dụ thí sinh muốn nói bữa ăn đó có món “Chả cá Lã Vọng”, món “Sườn xào chua ngọt” nhưng không biết chả cá hay sườn xào là gì thì mỗi lần muốn diễn tả từ đó thí sinh sẽ ngập ngừng suy nghĩ và gặp khó khăn để diễn đạt.

Thay vào đó, thí sinh có thể chọn một bữa ăn bình thường nhưng gắn với trải nghiệm mới của bản thân. Ví dụ, nếu thí sinh đã từng nói về sinh nhật hay lần đầu tiên xa nhà, có thể gắn bữa ăn đó với kỷ niệm đặc biệt vì là bữa ăn được nấu trong ngày sinh nhật hay ngày đầu tiên xa nhà. Như vậy, thí sinh sẽ tận dụng được ý tưởng, từ vựng của bài mình đã nói trước đó mà bài nói vẫn mạch lạc và hợp lý.

Cố gắng nghĩ câu trả lời đúng

Một số thí sinh cố nghĩ câu trả lời đúng cho câu hỏi. Thí sinh sẽ phải chấp nhận một điều là đôi khi câu hỏi ở ngoài tầm hiểu biết của mình hoặc mình không biết rõ kiến thức về lĩnh vực được hỏi đặc biệt trong phần 3. Vì vậy việc cố nghĩ câu trả lời đúng sẽ khiến thí sinh không có ý để nói hoặc sẽ ngắc ngứ trong quá trình trả lời. Một số thí sinh vì không biết mà sẽ trả lời luôn là “I don’t know”, không mở rộng thêm câu trả lời. Giám khảo có thể đánh giá thí sinh không có khả năng nói dài và phát triển ý.

Ví dụ: What are the most difficult jobs that people do? (nghề khó nhất mà mọi người làm là gì?) (from Cambridge 14, test 3)

Không có đáp án chính xác cho câu hỏi này. Thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn đối tượng nghề nghiệp bất kỳ trong câu trả lời của bản thân.

Cách khắc phục: 

Nếu không biết gì hoặc biết rất ít về chủ đề này, thí sinh có thể trả lời thẳng thắn với với giám khảo (trừ phần 2):

  • Phần 1: tất cả các câu hỏi đều liên quan đến thí sinh, vì vậy ý tưởng hay câu trả lời đúng sẽ không phải là vấn đề quá lớn cho phần này. 

  • Phần 3: một số câu hỏi sẽ khó. Thí sinh chấp nhận điều này và cố gắng trả lời chúng tốt nhất có thể. Thay vì chỉ nói “Tôi không biết” thì thí sinh có thể triển khai và mở rộng bằng cách đưa ra lý do tại sao mình không biết hoặc kế hoạch mình sẽ học thêm về vấn đề trong tương lai. 

IELTS Speaking Tips 3: Đừng cố gắng sử dụng cấu trúc và từ vựng phức tạp

Quá chú trọng vào cách dùng từ và cấu trúc phức tạp có thể gây ảnh hưởng đến fluency và coherence vì khi nghĩ quá nhiều đến nên dùng từ nào, cấu trúc nào, thí sinh có xu hướng ngập ngừng và ngắt quãng. 

tieu-chi-fluency-troi-chay-3sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp

Nhiều thí sinh bị áp lực khi sử dụng từ vựng, ngữ pháp đơn giản. Họ thường quay lại sửa để sử dụng cách diễn đạt phức tạp hơn. Việc sửa nhiều lần cách diễn đạt sẽ gây ra lỗi không mạch lạc do quay lại sửa hoặc lặp ngôn ngữ.

Cách giải quyết:

Sử dụng từ vựng chủ động (active vocabulary): sử dụng từ mình biết và tự tin dùng thay vì từ đao to búa lớn. 

Ví dụ:

  • We ate (ăn) at the most famous restaurant in town to celebrate my birthday.

  • We consumed (tiêu thụ) at the most famous restaurant in town to celebrate my birthday.

“Consume” đúng là từ đồng nghĩa của “eat” trong từ điển và ở cấp độ từ vựng cao hơn. Tuy nhiên, ở ví dụ thứ hai thì cách dùng không phù hợp (thông thường, từ “tiêu thụ” sẽ được sử dụng với các trường hợp sử dụng trên diện rộng hoặc sử dụng với một món đồ nhất định), khiến câu khó hiểu và mất tự nhiên.

IELTS Speaking Tips 4: Cố gắng không dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh

Quá trình nói sẽ bị chậm khi nghĩ bằng tiếng Việt rồi chuyển ngữ sang tiếng Anh vì khi đó người nói phải suy nghĩ từng từ sang tiếng Anh rồi sắp xếp lại thành câu cho đúng ngữ pháp trong tiếng Anh. Điều này tạo ra độ trễ khi nói và gây ra sự ngập ngừng cũng như tự sửa lỗi trong khi nói tiếng Anh. Thêm vào đó, sự không tương thích giữa một số hiện tượng ngữ pháp, từ vựng trong tiếng Việt và tiếng Anh dẫn đến quá trình dịch lâu và khó khăn. 

tieu-chi-fluency-troi-chay-4Dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

Khắc phục: Thực hiện một số bài tập sau:

  • Nghĩ gì nói nấy: Khi gặp một sự vật, hiện tượng thì người học hãy bật ngay ra bằng tiếng Anh để diễn tả ý của mình mà không quan trọng đúng sai về ngữ pháp. 

Ví dụ: Khi nhìn thấy một cô gái đẹp, người học có thể thốt ra ngay là “a girl beautiful”. Lúc này từ vựng của người học đã được kích hoạt ngay lập tức mà không thông qua quá trình dịch. Và khi không chắc là đúng hay sai thì người học có thể tra cứu lại rồi sẽ tự sửa như sau: “Oh, it’s not a girl beautiful, it’s a beautiful girl”. 

Luyện tập tốc độ phản xạ bằng tiếng Anh như vậy, người học có thể dần quen với việc suy nghĩ bằng tiếng Anh.

  • Học cụm từ, mẫu câu thay vì học từ đơn lẻ:

Khi học từ đơn lẻ, người học sẽ tốn thời gian để ghép các từ lại thành cấu trúc để nói và đôi khi sẽ ghép sai và không phù hợp. Vì vậy, học theo cụm từ hoặc mẫu câu thì khi cần nói, người học sẽ có cấu trúc và từ phù hợp hơn là học từ đơn lẻ. Cách học theo cụm cũng là cách tốt để xây dựng từ vựng chủ động và kích hoạt ngữ pháp tự động như đã đề cập ở mục trên.

Ví dụ: Thay vì học mỗi từ mua sắm là shopping thì nên học cả cụm là go shopping.

Thay vì dịch các từ trong câu “Chúng ta đi chơi đi!” thì người học hãy học cấu trúc để rủ ai đó làm gì như: 

Let’s + V_inf

How about = What about +N/V_ing

  • Luyện nói với chính mình:

Mỗi ngày tự luyện nói về một vấn đề mà không suy nghĩ quá nhiều đến việc nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch sao cho hay mà dùng vốn từ, ngữ pháp mình có để diễn tả. Để đạt hiệu quả cao trong tập luyện, người học nên đặt ra mục tiêu hôm nay muốn luyện tập từ vựng chủ điểm gì và dạng ngữ pháp nào.

Đặt ra một khoảng thời gian cố định: 5-10 phút mỗi ngày để tập thói quen nói sẽ giúp người học cải thiện đáng kể. 

Các cách luyện tập khác: người học tham khảo thêm cách học qua hình ảnh, diễn tả nghĩa từ mới bằng vốn tiếng Anh đã biết, diễn đạt những thông tin nhỏ, đơn giản qua bài viết sau:

Cải thiện thói quen dịch thầm trong bài thi IELTS

IELTS Speaking Tips 5: Tránh “ah” “um”

tieu-chi-fluency-troi-chay-5Ngập ngừng “ah, “um”

Một vài thí sinh nghĩ là để đạt fluency tốt thì bài không được phép “ah”, “um”. Vì vậy cả bài thí sinh sẽ tránh dùng “ah” “um” nên khi không biết nói gì hoặc bí từ thì sẽ im lặng luôn thay vì “ah” “um” hoặc khi lỡ “ah” “um” một hai chỗ thì lo lắng là mình làm không tốt và ảnh hưởng đến tâm lý của cả bài thi. 

Đúng là nếu “ah” “um” quá nhiều sẽ được tính là ngập ngừng (hesitation) nhưng thỉnh thoảng “ah” “um” là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Ngay cả người bản ngữ khi nói chuyện cũng không tránh khỏi “ah” “um”. Vì vậy cố gắng không “ah”, “um” hoặc quá chú tâm đến việc này đôi khi lại khiến nhịp của bài nói mất tự nhiên.

Cách khắc phục:

Chấp nhận việc đôi khi “ah”, “um” là chuyện bình thường. Ngay cả khi người học “ah”, “um” thường xuyên thì cũng không nên quá lo lắng. Hãy ghi âm lại bài nói và tìm lý do vì sao mình “ah”, “um” nhiều vậy, hoặc “ah”, “um” là do thiếu ý, bí từ, thiếu cấu trúc ngữ pháp hay đơn giản chỉ là thói quen khi nói.

Khi đã tìm được lý do cho việc “ah”, “um”, người học cần tìm cách khắc phục. Nếu vì thiếu ý, bí từ, thiếu cấu trúc ngữ pháp thì xem lại mục 2.2, 2.3. Nếu “ah”, “um” do thói quen thì có thể nói, ghi âm và loại bỏ dần những chỗ “ah”, “um” không cần thiết.

Tổng kết

Trong bài viết trên, tác giả làm rõ các vấn đề thường gặp liên quan đến tiêu chí fluency trong kỹ năng nói và IELTS Speaking Tips giải quyết. Vì vậy, tác giả hy vọng người đọc sẽ áp dụng được những điều đó để tăng tính fluency cho bài nói của mình.

Phạm Thị Hồng

Tham khảo thêm khóa học IELTS online để được trải nghiệm quá trình học tập theo nhu cầu cá nhân và giải đáp những khó khăn gặp phải.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu