Kết hợp trò chơi trong lớp học đọc: Tăng cường sự tham gia của các nhóm học sinh khác nhau
Key takeaways
Khó khăn trong khi đọc gồm: kỹ năng đọc kém, động lực thấp, phụ thuộc giáo viên, phương pháp giảng dạy hạn chế,…
Động lực và thái độ tích cực trong lớp giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn.
Giáo viên nên dùng trò chơi để khuyến khích sự tham gia của học sinh, tuy nhiên cần chọn lọc phù hợp trước khi ứng dụng.
Kỹ năng đọc được chứng minh là một trong những kỹ năng thiết yếu mà người học ngôn ngữ thứ hai nói chung, cũng như tiếng Anh nói riêng, cần thành thạo để bổ trợ cho sự phát triển các kỹ năng còn lại. Tuy nhiên, một số người học cảm thấy thiếu động lực, thậm chí nhàm chán, khi học kỹ năng này bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Do đó, vai trò của giáo viên trong việc tạo hứng thú cho người học trong lớp học đọc là rất quan trọng để giúp họ tiến bộ hơn trong kỹ năng này; và ứng dụng trò chơi trong lớp học là một trong những cách tối ưu nhất. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về sự cần thiết của việc ứng dụng trò chơi trong lớp học đọc, đồng thời đưa ra đề xuất cho giáo viên giúp tăng sự gắn bó cho học sinh.
Kỹ năng đọc
Đọc hiểu được mô tả là việc đọc và đánh giá một văn bản viết để xác định thông điệp của người viết [1]; và khả năng này từ lâu đã được công nhận là một kỹ năng quan trọng mà người học ngôn ngữ thứ hai cần phải có nếu họ muốn đạt được sự thành thạo trong ngôn ngữ mà họ đang học.
Theo Anderson [2], việc đọc hiểu bao gồm hai cách: từ dưới lên (bằng cách giải mã từ, cụm từ, và câu); và từ trên xuống (bằng cách dự đoán nội dung và sử dụng kiến thức sẵn có để hiểu ý nghĩa). Bởi bất kỳ vấn đề nào trong các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu, việc chú trọng đến tất cả các khía cạnh nêu trên trong lớp học đọc là quan trọng.
Rào cản khi đọc hiểu
Các nghiên cứu ở Thái Lan thực hiện bởi Intratat [3] và Suknantapong, Karnchanathat & Kannaovakun [4] đã chỉ ra rằng việc đạt được khả năng đọc hiểu ngôn ngữ thứ hai là một quá trình thách thức và có rất nhiều người học gặp khó khăn trong việc phát triển kỹ năng này.
Những lý do gây ra rào cản này bao gồm các vấn đề với khả năng đọc ngôn ngữ mẹ đẻ, kỹ năng giải mã ngôn ngữ ở mức độ thấp, thiếu kiến thức văn hóa về ngôn ngữ thứ hai, thiếu động lực học, sự thiếu đa dạng trong tài liệu giảng dạy, sự phụ thuộc quá mức vào giáo viên và việc thiếu tính tự chủ của người học, thiếu cơ hội đọc và ít tiếp xúc với tài liệu đọc.
Ngoài ra, Nuttall [5] cũng cho rằng phương pháp giảng dạy trong lớp học cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu.
Từ các điều trên, các hoạt động khuyến khích học sinh phát huy hết tiềm năng đọc sẽ bao gồm việc thúc đẩy cả động lực bên trong và bên ngoài, phát triển tính tự chủ trong học tập và các hình thức giảng dạy hấp dẫn [6].
Động lực bên trong được mô tả là cảm giác hài lòng mà người học đạt được từ quá trình học tập của mình, còn động lực bên ngoài là các yếu tố khuyến khích sự tham gia trong lớp học [7].
Học tập tự chủ, còn được gọi là học tập tự định hướng hoặc độc lập [8], có thể được mô tả là khả năng của người học trong việc tự quản lý và theo dõi quá trình học của mình [9]. Các yếu tố đã đề cập có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng đọc của học sinh, việc xác định các phương pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả học tập là rất quan trọng.
Sự tham gia của học sinh
Theo Zepke và Leach [10], sự tham gia của học sinh có thể được xác định từ những đóng góp về mặt nhận thức, sự tham gia tích cực về mặt hành vi và phản ứng cảm xúc của họ đối với việc học. Điều này cũng bao gồm những nỗ lực tích cực tham gia của học sinh trong quá trình học, thể hiện sự quan tâm và tò mò của họ đối với việc học [11], từ đó khuyến khích họ cam kết cũng như có trách nhiệm với việc học của mình [12].
Kết quả là, những học sinh tham gia tích cực trong lớp có nhiều khả năng đạt được kết quả học tập tốt hơn. Việc đánh giá sự tham gia học tập thường bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hành vi, nhận thức và cảm xúc liên kết với nhau để đạt được kết quả học tập mong muốn ([13], [14]).
Tuy nhiên, mô hình tham gia học tập này thiếu lý thuyết nhận thức xã hội, do đó, tính chủ động của học sinh được thêm vào như một yếu tố để nhấn mạnh vai trò của học sinh trong việc tự kiểm soát và làm chủ việc học của mình [15].
Hành vi của học sinh trong lớp là những dấu hiệu có thể quan sát được để xác định xem họ có tham gia hay không tham gia vào quá trình học tập của mình. Sự tham gia về mặt hành vi là “sự tham gia vào việc học và các nhiệm vụ học tập, bao gồm các hành vi như nỗ lực, kiên trì, tập trung, chú ý, đặt câu hỏi và đóng góp vào thảo luận trong lớp” [13].
Oga-Baldwin [15] lập luận rằng sự tham gia về mặt hành vi là điểm khởi đầu quan trọng thúc đẩy các yếu tố khác của sự tham gia, cụ thể là cảm xúc, nhận thức và tính chủ động. Chi tiết hơn, tác giả cho rằng các hoạt động học tập giúp học sinh tham gia về mặt hành vi có thể thúc đẩy sự tham gia về mặt cảm xúc, và cảm xúc này có thể dễ dàng nhận thấy qua niềm vui hoặc sự hào hứng của họ trong lớp.
Bên cạnh đó, Oga-Baldwin [15] nhận định rằng sự tham gia về mặt nhận thức liên quan đến mức độ học sinh đầu tư vào việc học, thể hiện qua việc hiểu bài, rèn luyện kỹ năng và nắm vững kiến thức. Chất lượng bài tập của học sinh có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ tham gia nhận thức của họ.
Sử dụng trò chơi trong lớp học tiếng Anh
Động lực và thái độ của người học được cho là một yếu tố quan trọng trong sự tiếp thu của họ, việc giữ tâm trạng thoải mái khi học sẽ giúp người học nhớ kiến thức tốt hơn. Do đó, việc sử dụng các trò chơi khi học đọc, đặc biệt là “đọc khắc phục” (remedial reading) là cần thiết, bởi nó cung cấp môi trường học tập vui nhộn, sáng tạo, và khiến học viên hứng thu hơn, tăng khả năng ghi nhận thông tin bài học [16].
Một nghiên cứu của Deborah [17] đề xuất rằng trò chơi là một công cụ hiệu quả trong giảng dạy, giúp học sinh vừa học vừa giải trí, đồng thời củng cố kiến thức. Trò chơi kích thích sự tham gia tích cực của học sinh và làm cho quá trình học trở nên thú vị.
Do đó, giáo viên nên tích hợp trò chơi và hoạt động vui nhộn vào lớp học để tăng động lực, củng cố kỹ năng và gợi nhớ kiến thức về các chủ đề đã học.
Ngoài ra, theo nghiên cứu “Nhận thức của học sinh về việc sử dụng trò chơi trong việc dạy kỹ năng đọc” [18], cả học sinh nam và nữ đều cảm thấy có động lực và tận hưởng bài học đọc khi sử dụng trò chơi vì chúng mang lại phương pháp học thú vị.
Dựa trên quan sát, trò chơi giúp học sinh, kể cả những người có trình độ thấp, tăng mức độ tự tin và hiểu bài tốt hơn. Điều này được chứng minh qua tinh thần sẵn sàng bày tỏ ý kiến và ý tưởng xuyên suốt quá trình học.
Vì vậy, có thể thấy rằng trò chơi giúp tạo ra một môi trường học tập thuận lợi và mang lại bài học ý nghĩa cho học sinh.
Về kỹ năng đọc và nghe, các trò chơi liên quan đến kể chuyện, đóng vai, hoặc bài tập nghe hiểu có thể nâng cao khả năng hiểu và diễn giải các văn bản tiếng Anh cũng như ngôn ngữ nói. Hơn nữa, trò chơi có thể đặc biệt hữu ích trong việc phát triển và củng cố các kỹ năng ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp, đọc, viết, nghe và nói.
Ví dụ, các trò chơi từ vựng như Scrabble hoặc ô chữ có thể giúp học sinh mở rộng từ vựng và cải thiện kỹ năng đánh vần. Các trò chơi tập trung vào ngữ pháp như bingo ngữ pháp hoặc các hoạt động xây dựng câu có thể làm cho việc học các quy tắc ngữ pháp trở nên thú vị và dễ nhớ hơn đối với học sinh.
Những thách thức khi áp dụng trò chơi vào lớp học đọc
Tuy nhiên, việc ứng dụng trò chơi vào lớp học cũng có những bất lợi. Đối với những trò chơi sử dụng mạng Internet, các thách thức bao gồm tín hiệu Wi-Fi yếu, điện thoại di động hoạt động chậm, sự cạnh tranh giữa các học sinh để đạt điểm cao hơn mà không đọc kỹ câu hỏi và sự trì hoãn [19].
Ngoài ra, một số học sinh không thể sử dụng ứng dụng học tập dạng trò chơi (Kahoot), không chỉ vì các vấn đề về kết nối Internet mà còn do tốc độ nhanh của trò chơi, tính chất cạnh tranh, và thiếu sự giải thích chi tiết sau trò chơi [20].
Theo Li và Chu [21], bảng xếp hạng và sự cạnh tranh có thể khiến một số người học cảm thấy sợ hãi, mất tự tin trong việc thể hiện sự thành thạo của mình trong việc đọc hiểu tiếng Anh qua trò chơi, và không thích đọc.
Đề xuất cho giáo viên
Sử dụng trò chơi để khởi động đầu giờ học (warm-up)
Nhằm tăng cường sự hứng thú của người học để chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho bài học, giáo viên có thể áp dụng các trò chơi nhỏ với thời lượng từ 5 - 10 phút giúp học sinh ôn lại kiến thức cũ, đó có thể là từ vựng hoặc các phương pháp đọc hiểu. Việc sử dụng trò chơi ở đầu giờ không những giúp “phá băng” lớp học mà còn kích thích não bộ học sinh ghi nhớ lại các thông tin đã học ở buổi trước, hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức mới tốt hơn. Một số trò chơi warm-up giáo viên có thể tham khảo:
Pictionary
Mime/Charade
Tic-tac-toe
Hot potato
Story chain
Bingo
Hướng dẫn kỹ thuật làm bài
Các bài đọc tiếng Anh thường sẽ có đa dạng loại câu hỏi, do đó, nếu không nắm rõ cách làm bài của từng dạng, người học sẽ dễ cảm thấy rối bời khi đọc, dẫn đến việc tốn nhiều thời gian khi xử lý văn bản, đồng thời có nguy cơ chọn sai đáp án.
Do đó, giáo viên cần đảm bảo hướng dẫn người học chi tiết các bước làm bài của từng dạng câu hỏi, việc này cần được thực hiện theo từng bước, kèm với hoạt động để học sinh trực tiếp thực hành ngay sau khi học để ghi nhớ bài rõ hơn.
Ví dụ, việc làm bài đọc dạng True/False/Not Given bao gồm 4 bước cơ bản: tìm keyword câu hỏi - scan đoạn văn - đối chiếu thông tin - chọn đáp án, sau khi giáo viên hướng dẫn phương pháp tìm keyword, người học cần được thực hành chọn keywords ngay lập tức với một bài tập nhỏ, tương tự với các bước còn lại. Việc xen kẽ các hoạt động như vậy không những giúp học sinh nhớ bài tốt hơn mà còn giúp giáo viên kiểm tra mức độ hiểu bài của người học.
Dạy từ vựng bằng hình ảnh
Theo nghiên cứu của Yulandari và cộng sự (2022), việc sử dụng hình ảnh lớn, đầy màu sắc giúp các học sinh sơ cấp hiểu từ vựng khó dễ hơn, tăng hứng thú và thu hút sự chú ý đến lời giải thích của giáo viên về từ vựng đó.
Giáo viên có thể soạn từ vựng kèm với hình ảnh bằng các phần mềm phổ biến như PowerPoint hoặc Canva, ngoài ra, các trang web học và ôn từ vựng qua flashcard như Quizlet cũng là một sự lựa chọn tốt để ngoài việc học trên lớp với hình ảnh, người học có thể tự về nhà ôn tập từ vựng mà không cần sự hỗ trợ của giáo viên.
Đối với nhóm học sinh có trình độ trung cấp đến cao cấp, thay vì giao cho họ từ vựng và nghĩa có sẵn, giáo viên có thể sử dụng bài đọc và yêu cầu các nhóm học sinh đọc các từ vựng mới, dựa vào ngữ cảnh bài đọc để tìm hiểu nghĩa và cách phát âm, cách sử dụng, sau đó ghép từ vựng với hình ảnh phù hợp mà giáo viên cung cấp.
Sau khi họ hoàn thành các hoạt động trên, giáo viên mới cung cấp đáp án bao gồm nghĩa, phát âm và cách sử dụng chính thức. Việc này giúp các người học trình độ cao này có cơ hội tiếp thu từ vựng một cách chủ động, từ đó ghi nhớ chúng tốt hơn.
Ứng dụng các trò chơi để trả lời các câu hỏi bài đọc
Thay vì giao cho người học các phiếu bài tập bao gồm đoạn văn và các câu hỏi như thường lệ, giáo viên có thể khiến hoạt động này trở nên thú vị hơn bằng cách áp dụng trò chơi. Các trò chơi như board game, chơi thẻ bài (card game) và trò chơi ghi nhớ (memory game) được chứng minh rằng mang lại nhiều thú vị và thử thách hơn, khiến người học tích cực tham gia.
Người học cũng tỏ ra tò mò hơn khi đọc văn bản và tìm hiểu các từ khó (Yulandari, 2022). Cụ thể, giáo viên chuẩn bị một số board games (cờ tỷ phú, cờ cá ngựa) và xúc xắc, sau đó chia người học thành 2 - 4 nhóm (tuỳ sỉ số lớp). Các ô trống trong ván cờ sẽ tương ứng với một câu hỏi yêu cầu học sinh phải đọc đoạn văn để tìm câu trả lời, các đội lần lượt lắc xúc xắc và trả lời câu hỏi, đội nào trả lời được nhiều câu đúng nhất sẽ là đội chiến thắng. Giáo viên tham khảo mẫu board game tuỳ chỉnh:
Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để kiểm tra đáp án bài đọc
Sau khi người học hoàn thành bài đọc, thay vì để họ kiểm tra đáp án một cách thụ động từ giải thích của giáo viên, người hướng dẫn có thể chia nhóm học sinh để cho họ cơ hội trao đổi, tranh luận, giải thích đáp án, thuyết phục nhau để đưa ra một đáp án chung cuối cùng.
Giáo viên sau đó so sánh đáp án giữa các nhóm học sinh và yêu cầu các nhóm giải thích lý do và đưa ra dẫn chứng cho lựa chọn đó. Hoạt động này giúp tăng khả năng làm việc nhóm của học sinh, ngoài ra, người học có thể chủ động trình bày ý kiến về lựa chọn của họ, tạo cơ hội cho tất cả thành viên hiểu rõ nội dung bài đọc hơn.
Lưu ý khi sử dụng trò chơi trong lớp học đọc
Để tránh lãng phí thời gian trong lớp học, giáo viên cần đảm bảo khả năng truy cập mạng của người học (bao gồm Internet, thiết bị di động) trước khi quyết định tiến hành các trò chơi trên các nền tảng Internet.
Ngoài ra, các trò chơi mang tính hợp tác giúp thúc đẩy tinh thần đồng đội được đánh giá cao hơn các trò chơi mang tính cạnh tranh để các người học không thích cạnh tranh cũng có thể tham gia [21].
Bài viết cùng chủ đề:
Phương pháp Teach-back – Tạo cơ hội cho học sinh dạy lại kiến thức
Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) và hiệu quả cho người học cơ bản
Tổng kết
Bài viết đã cung cấp thông tin về tầm quan trọng của việc sử dụng trò chơi trong giờ học đọc và một số đề xuất cũng như lưu ý cho giáo viên giúp tăng hứng thú cho người học, từ đó cải thiện kỹ năng và điểm số của họ.
Ngoài ra, để giúp thí sinh giải quyết vấn đề thời gian và năng lượng trong bài thi IELTS Reading, đội ngũ chuyên môn tại ZIM đã biên soạn Bộ sách IELTS Reading Techniques: Skimming and Scanning và IELTS Reading Strategies. Những kiến thức trong sách được rút ra từ kinh nghiệm thi thực tế của các tác giả đã đạt được điểm 8.5 – 9.0 Reading, kết hợp với kiến thức học thuật về kỹ năng Skimming và Scanning.
Nguồn tham khảo
“Self-Directed Learning. ERIC Digest..” ERIC Development Team, https://eric.ed.gov/?id=ED459458. Accessed 13 November 2024.
“Practical English Language Teaching.” McGraw-Hill Education, https://books.google.com.vn/books/about/Practical_English_Language_Teaching.html?id=v1DMAAAACAAJ&redir_esc=y. Accessed 13 November 2024.
“Reading difficulties--their diagnosis and correction.” Prentice Hall, https://www.abebooks.com/9780137549788/Reading-difficulties--their-diagnosis-correction-Bond-0137549784/plp. Accessed 13 November 2024.
“STUDENTS’ ENGAGEMENT: WAY FOR EFFECTIVE TEACHING AND LEARNING.” IJERS/ BIMONTHLY/ DR. DIPAK K. CHAVHAN (185-191) SEPT-OCT, 2015, VOL-I, ISSUE-IIIwww.srjis.com Page 185 STUDENTS’ ENGAGEMENT: WAY FOR EFFECTIVE TEACHING AND LEARNING Dipak K. Chavan, Ph.D Associate Professor, , https://fr.scribd.com/document/332759811/2-Dr-Dipak-K-Chavan. Accessed 13 November 2024.
“Identification of Learning Barriers Affecting English Reading Comprehension Instruction, as P ehension Instruction, as Perceived by ESL Under y ESL Undergraduates aduates in Thailand .” Research Online, https://ro.ecu.edu.au/cgi/viewcontent.cgi?article=1009&context=ceducom. Accessed 13 November 2024.
“Fostering learner autonomy: power and reciprocity in the relationship between language learner and language learning adviser.” Cambridge Journal of Education, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/03057640601179442. Accessed 14 November 2024.
“Culminating Experience Action Research Projects, Volume 5, Spring 2004 .” College of Health, Education, and Professional Studies The University of Tennessee at Chattanooga , https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED490030.pdf#page=286. Accessed 13 November 2024.
“Motivation and Education: The Self-Determination Perspective.” Educational Psychologist, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/00461520.1991.9653137. Accessed 13 November 2024.
“School Engagement: Potential of the Concept, State of the Evidence.” Sage Journals, https://journals.sagepub.com/doi/10.3102/00346543074001059. Accessed 14 November 2024.
“Evaluation of CALL Materials for EFL Students at KMUTT, Thailand.” KMUTT Research and Development Journal, https://ph02.tci-thaijo.org/index.php/KMUTT/article/view/3410. Accessed 15 November 2024.
“Elements of Engagement: A Model of Teacher Interactions via Professional Learning Networks.” Journal of Digital Learning in Teacher Education, https://www.researchgate.net/publication/307613833_Elements_of_Engagement_A_Model_of_Teacher_Interactions_via_Professional_Learning_Networks. Accessed 10 November 2024.
“Games, Games, Games -and Reading Class.” International Literacy Association, https://www.jstor.org/stable/40032511. Accessed 11 November 2024.
“Teaching Reading Skills in a Foreign Language. New Edition..” Heinemann, https://www.amazon.com/TEACHING-READING-SKILLS-FOREIGN-LANGUAGE/dp/0435240579. Accessed 10 November 2024.
“Acting, thinking, feeling, making, collaborating: The engagement process in foreign language learning.” Waseda University, School of Education, 1-6-1 Nishi Waseda, Shinjuku, Tokyo, 169 8050, Japan, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0346251X19301368. Accessed 11 November 2024.
“THE IMPACT OF GAMES ON TEACHING ENGLISH LANGUAGE SKILLS.” EURASIAN JOURNAL OF ENTREPRENEURSHIP AND PEDAGOGY, https://cyberleninka.ru/article/n/the-impact-of-games-on-teaching-english-language-skills/viewer. Accessed 12 November 2024.
“An analytical study of humanities and social sciences students’ problems in reading English.” Songklanakarin Journal of Sciences and Humanities, https://scholar.google.com/citations?view_op=view_citation&hl=en&user=7PI4ERsAAAAJ&citation_for_view=7PI4ERsAAAAJ:W7OEmFMy1HYC. Accessed 11 November 2024.
“Student Engagement Literature Review.” The Higher Education Academy, https://www.researchgate.net/publication/322342119_Student_Engagement_Literature_Review. Accessed 11 November 2024.
“Students’ Perception of using Games in the Teaching of Reading Skill.” Universiti Kebangsaan Malaysia, Malaysia, https://core.ac.uk/reader/267023600. Accessed 12 November 2024.
“IMPROVING READING COMPREHENSION SKILL THROUGH LANGUAGE GAMES AT VII GRADE OF JUNIOR HIGH SCHOOL.” JURNAL ILMIAH GLOBAL EDUCATION, https://ejournal.nusantaraglobal.ac.id/index.php/jige/article/view/370/401. Accessed 12 November 2024.
“Improving student engagement: Ten proposals for action.” ctive Learning in Higher Education , https://www.researchgate.net/publication/241643507_Improving_student_engagement_Ten_proposals_for_action. Accessed 11 November 2024.
“STUDENTS’ EXPERIENCES AND CHALLENGES OF LEARNING ENGLISH GRAMMAR THROUGH FLIPPED CLASSROOM AND GAMIFICATION.” Sultan Idris Education University, Tanjung Malim, Perak, MALAYSIA, https://jurnal.usk.ac.id/EEIC/article/view/15882/11702. Accessed 16 December 2024.
“Exploring EFL learners’ perspectives on using Kahoot as a game-based student response system.” Faculty of Humanities, Razi University, Kermanshah, Iran, https://www.researchgate.net/publication/349120299_Exploring_EFL_learners%27_perspectives_on_using_Kahoot_as_a_game-based_student_response_system. Accessed 16 December 2024.
“Exploring the effects of gamification pedagogy on children’s reading: A mixed‐method study on academic performance, reading‐related mentality and behaviors, and sustainability.” British Journal of Educational Technology, https://www.researchgate.net/publication/347843202_Exploring_the_effects_of_gamification_pedagogy_on_children's_reading_A_mixed-method_study_on_academic_performance_reading-related_mentality_and_behaviors_and_sustainability. Accessed 16 December 2024.
Bình luận - Hỏi đáp