Banner background

Tầm quan trọng của khả năng ghi nhớ trong việc làm bài Listening

Nhiều học viên cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin vừa nghe dẫn đến việc họ làm bài không hiệu quả. Vậy khả năng ghi nhớ ngắn hạn có thực sự quan trọng trong bài thi nghe IELTS hay không?
tam quan trong cua kha nang ghi nho trong viec lam bai listening

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng ghi nhớ tạm thời này, tìm hiểu về tầm quan trọng của nó trong việc làm bài nghe và cách tăng cường khả năng này để cải thiện kỹ năng làm bài nghe. Đồng thời, bài viết cũng đề cập đến các giải pháp mà người học có thể áp dụng khi làm bài nghe nếu như họ có khả năng ghi nhớ tạm thời không thực sự tốt.

Key Takeaways

  • Working memory là khả năng của bộ não để tạm thời lưu giữ và xử lý thông tin trong quá trình tư duy.

  • Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của working memory trong việc làm bài nghe và khả năng ghi nhớ tạm thời trong quá trình lắng nghe. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng bài thi IELTS hướng đến sự công bằng và không test khả năng ghi nhớ của người dự thi. 

  • Cải thiện khả năng ghi nhớ ngắn hạn, tạm thời: tập trung, tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, luyện tập có chủ đích lên khả năng ghi nhớ, cải thiện sức khoẻ.

  • Các giải pháp khác để làm bài khi ghi nhớ không quá tốt: ghi chú, tưởng tượng, vừa nghe vừa làm, nhận diện paraphrase.

Working Memory

Working memory là khả năng của bộ não để tạm thời lưu giữ và xử lý thông tin trong quá trình tư duy. Nói cách khác, nó là khả năng lưu giữ và sắp xếp những thứ ta vừa nghe, và đọc để thực hiện một nhiệm vụ, bài tập nhất định, chẳng hạn như lắng nghe một chuỗi sự kiện đã xảy ra và giữ lại, ghi nhớ được các thông tin đó sau khi nghe. Working memory - khả năng ghi nhớ tạm thời này có thể được tăng cường thông qua việc luyện tập, chẳng hạn như đọc và viết.

Working memory là một khái niệm rất quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học và giáo dục. Nhiều người cũng sử dụng các thuật ngữ short-term memory hoặc temporary memory để diễn đạt khái niệm working memory này. Nó giúp chúng ta lưu giữ các thông tin để phục vụ quá trình xử lý thông tin trong quá trình tư duy, đặc biệt là trong quá trình lắng nghe và hiểu nội dung bài nghe, vốn có thể thấy rằng phụ thuộc vào trí nhớ nhiều hơn so với kỹ năng Đọc, khi người thi được quyền đọc lại bất cứ khi nào họ cần. 

Nhưng liệu khả năng ghi nhớ thông tin ngắn hạn này có thực sự quan trọng trong việc làm bài Nghe hay không? Phần tiếp theo của bài viết sẽ tìm hiểu về nội dung này.

Tầm quan trọng của Working Memory

Trong thực tế, có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của working memory trong việc làm bài nghe và khả năng ghi nhớ tạm thời trong quá trình lắng nghe.

Ví dụ, nghiên cứu của Daneman và Carpenter (1980) đã chỉ ra rằng sự khác biệt về khả năng ghi nhớ tạm thời, ngắn hạn (working memory) giữa các cá nhân ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc lắng nghe và hiểu nội dung bài nghe. Họ đã tìm thấy rằng những người có khả năng ghi nhớ ngắn hạn cao hơn có xu hướng có thành tích tốt hơn trong việc lắng nghe và hiểu nội dung bài nghe so với những người có khả năng ghi nhớ ngắn hạn thấp hơn.

Một nghiên cứu khác của Rönnberg et al. (2013) cũng đã chứng minh rằng khả năng ghi nhớ tạm thời và khả năng xử lý thông tin trong working memory ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe và hiểu nội dung bài nghe của người già. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng việc tăng cường khả năng ghi nhớ ngắn hạn có thể giúp cải thiện khả năng lắng nghe và hiểu nội dung bài nghe của người học lớn tuổi.

Những nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh rõ ràng tầm quan trọng của working memory trong việc làm bài nghe và khả năng ghi nhớ tạm thời trong quá trình lắng nghe. Việc tăng cường khả năng working memory có thể giúp cải thiện kỹ năng nghe của bạn và đem lại nhiều lợi ích trong việc học tập và giao tiếp trong tiếng Anh.

image-alt

Dẫu vậy, khi xét đến tầm quan trọng khi làm bài thi nghe IELTS nói riêng, đây là bài thi chuẩn hoá chỉ kiểm tra năng lực ngôn ngữ và không trực tiếp kiểm tra khả năng ghi nhớ của thí sinh. Tuy nhiên, bài thi này yêu cầu thí sinh lắng nghe và hiểu nội dung của các đoạn hội thoại, bài nói hoặc thông tin tin tức bằng tiếng Anh. Để đạt được điểm số cao trong bài thi này, thí sinh cần có khả năng lắng nghe tốt, xử lý thông tin nhanh chóng và có khả năng ghi nhớ tạm thời các thông tin họ nghe được trong working memory để xử lý.

Nói ngắn gọn, có thể nói rằng bài thi IELTS nghe không kiểm tra trực tiếp khả năng ghi nhớ ngắn hạn của thí sinh, nhưng kiểm tra khả năng lắng nghe và hiểu nội dung bằng tiếng Anh của thí sinh nhưng để làm tốt thì có thể phần nào thí sinh vẫn cần có khả năng ghi nhớ nội dung thông điệp vừa được speaker(s) nói. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng ghi nhớ ngắn hạn có thể là một cách hiệu quả để giúp thí sinh cải thiện khả năng lắng nghe và hiểu nội dung của bài thi IELTS nghe từ đó đạt được điểm số cao hơn.

Dẫu vậy, từ góc nhìn cá nhân của tác giả, bài thi IELTS được thiết kế một cách rất phù hợp và rất ít khi khả năng ghi nhớ lại có ảnh hưởng lớn đến khả năng trả lời câu hỏi. Điều này vốn cũng được chuyên gia IELTS Pauline Cullen chia sẻ trong một webinar vào năm 2014.

Tuy nhiên, không phải thí sinh cũng có khả năng ghi nhớ ngắn hạn ở mức đủ và việc không có khả năng ghi nhớ ngắn hạn đủ tốt có thể thực sự gây khó khăn trong việc làm bài nghe. Đối với một số học viên thực sự có vấn đề với việc ghi nhớ nội dung vừa nghe thì có lẽ họ cũng cần luyện tập cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin tạm thời của mình thêm một chút để có thể làm bài tốt hơn.

Cách cải thiện khả năng ghi nhớ ngắn hạn, tạm thời

Hyperfocus – Tập trung

Cách thứ nhất để người học ghi nhớ thông tin ngắn hạn tốt hơn chính là tập trung cao độ hơn, thậm chí tập trung tất cả năng lượng não bộ vào nội dung bài nghe - phương pháp được gọi là hyperfocus.

Việc hạn chế multitasking cũng được xem như là cần thiết để cải thiện working memory, do việc multitasking không hiệu quả thực tế có thể làm giảm khả năng tập trung của con người.

Luyện tập với ngôn ngữ đích nhiều hơn

Có nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều với tiếng Anh sẽ tăng khả năng lưu giữ thông tin bằng tiếng Anh hơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology (2015) đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc thường xuyên với tiếng Anh thông qua việc học tập và sử dụng tiếng Anh có thể cải thiện khả năng lưu giữ thông tin bằng tiếng Anh của sinh viên đại học.

Luyện tập có chủ đích với một số dạng bài tập liên quan đến cải thiện working memory

Theo một bài viết được kiểm duyệt trên tạp chí Additudemag, các bài tập hoặc nhiệm vụ trực tiếp luyện tập khả năng ghi nhớ của não bộ là cần thiết. Một bài tập có thể là việc người học chọn 6 từ ngẫu nhiên và cố gắng nhớ lại chúng, hay việc người học đọc một câu, viết lại các chữ cái đầu và sau đó hoàn thiện lại câu đó. Những bài luyện tập có chủ đích kiểu như thế này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện working memory của người học.

Cải thiện chế độ ăn uống và sức khoẻ

Cũng theo bài viết trên, working memory có thể được cải thiện thông qua việc cải thiện sức khoẻ, tập thể dục và cải thiện chế độ ăn uống. Ta đều biết là bộ não khoẻ mạnh đi chung với một cơ thể khoẻ mạnh, vậy nên duy trì sức khoẻ tốt là một điều nên làm nếu người học muốn cải thiện working memory của mình.

image-alt

Giải pháp khác mà người nghe có thể áp dụng để làm bài tốt bất kể khả năng của họ về Working Memory

Như cũng đã đề cập, từ góc nhìn cá nhân của tác giả, bài thi IELTS được thiết kế một cách rất công bằng, do đó rất ít khi khả năng ghi nhớ nhiều nội dung ảnh hưởng đến khả năng làm bài của học viên. Dẫu vậy, điều này là đúng cũng một phần là do một số người học có khả năng ngôn ngữ tốt.

Họ có thể liên tục đưa ra các dự đoán trước nội dung sắp nghe dựa vào những âm thanh họ nghe được và cứ như vậy, họ lưu trữ được nhiều thông tin khi những phán đoán của họ được xác minh hoặc được điều chỉnh. Nói cách khác, khả năng ghi nhớ của họ cũng tỉ lệ thuận với khả năng ngôn ngữ của họ. 

Ngược lại, nhiều người với khả năng ngôn ngữ còn hạn chế sẽ thấy việc lắng nghe những ý dài là rất khó, và họ cho rằng khả năng ghi nhớ thông tin tạm thời của họ là chưa đủ để xử lý bài thi học thuật như IELTS. Tuy đã thử nhiều phương pháp cải thiện Working Memory như đã đề cập, một số người thấy rằng họ hầu như không thể cải thiện và vẫn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nội dung vừa nghe của bài nghe.

Vì vậy, trong phần cuối cùng này, bài viết sẽ tìm hiểu cách để vẫn làm bài tốt dẫu cho khả năng ghi nhớ tạm thời của họ không cao. 

image-alt

Luyện tập khả năng ghi chú các ý chính (note-taking) trong khi nghe

Việc take notes khi nghe là một phương pháp hiệu quả để cải thiện khả năng ghi nhớ tạm thời hay working memory của người học. Để take notes hiệu quả, thí sinh có thể viết ghi chú, dùng ký hiệu, viết tắt, v.v. trong lúc nghe. Các kỹ năng này sẽ giúp thí sinh giữ được tập trung và ghi lại các ý chính của bài nghe một cách nhanh chóng và chính xác. Và sau đó thí sinh có thể dựa vào phần ghi chú và nội dung về nghĩa họ đã nắm bắt được để chọn ra đáp án đúng cho các câu hỏi của mình.

→ Đọc thêm về Note-taking

Vừa nghe vừa tưởng tượng hình ảnh

Phương pháp kết hợp tưởng tượng hình ảnh và nghe là một cách khác để cải thiện khả năng ghi nhớ tạm thời trong working memory. Ví dụ, người học có thể tưởng tượng cảnh vật, hình ảnh người nói, v.v. khi nghe để giúp tạo ra các hình ảnh trong đầu và từ đó tăng khả năng ghi nhớ.

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc kết hợp nghe và tưởng tượng hình ảnh có thể giúp người nghe hiểu và ghi nhớ thông tin tốt hơn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Memory and Language, việc tưởng tượng hình ảnh trong khi nghe có thể cải thiện khả năng lưu giữ và phục hồi lại thông tin từ bộ nhớ tạm thời. Nghiên cứu này đã thực hiện trên các tình nguyện viên, yêu cầu họ nghe và ghi nhớ danh sách các từ vựng. Nhóm được yêu cầu tưởng tượng hình ảnh cùng với việc nghe đã có kết quả tốt hơn so với nhóm chỉ nghe mà không tưởng tượng.

Nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc tưởng tượng hình ảnh cũng giúp cải thiện khả năng hiểu các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác nhau. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology, các tình nguyện viên được yêu cầu nghe các câu nói và đọc các câu đồng nghĩa của chúng. Nhóm được yêu cầu tưởng tượng hình ảnh cùng với việc nghe đã hiểu và nhận biết các câu đồng nghĩa tốt hơn so với nhóm chỉ nghe mà không tưởng tượng.

Vì vậy, việc kết hợp nghe và tưởng tượng hình ảnh có thể được xem như là một cách hiệu quả để cải thiện khả năng nghe và ghi nhớ thông tin. Người học có thể chủ động luyện tập điều này để ứng dụng vào quá trình làm bài của mình.

Vừa nghe vừa làm bài (dạng Map)

Trong các dạng câu hỏi trong bài thi Nghe thì dạng Map là dạng bài mà người học có thể vừa nghe vừa đồng thời làm bài để làm giảm áp lực cho trí nhớ tạm thời. Người học trước khi làm bài này cần làm quen với bản đồ để làm giảm áp lực lên khả năng ghi nhớ tạm thời khi người nói nhắc đến các địa điểm trong bài nghe. Khi người nói bắt đầu miêu tả cách đi đến các đáp án đúng, người học lúc này nên đồng thời di chuyển mắt, hoặc sử dụng bút, để bắt đầu đi theo cách mà người nói dẫn đường đi đến đáp án đúng. Áp dụng cách làm bài này với tất cả các bài bản đồ có thể giúp giảm áp lực lên khả năng ghi nhớ tạm thời (working memory) của người học.

Cải thiện khả năng nhận diện paraphrase để làm giảm áp lực lên trí nhớ

Cải thiện khả năng nhận diện paraphrase là một cách hiệu quả để làm giảm áp lực lên trí nhớ trong quá trình làm bài nghe. Trong khi làm bài nghe, người nghe sẽ gặp phải nhiều trường hợp mà thông tin được diễn đạt bằng paraphrase thay vì trực tiếp sử dụng các từ vựng đã học. Việc nghe và hiểu nội dung quá nhiều thông tin có thể gây áp lực và khó khăn cho trí nhớ của người nghe nhưng ngược lại, khi nhận ra thông tin vừa nghe đang paraphrase cho nội dung nào thì thí sinh có thể dùng bút gạch qua phần nội dung đó trong đề, đồng thời có thể “quên” không lưu trữ nội dung đó để làm giảm áp lực cho trí nhớ tạm thời và việc nghe hiểu sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Lưu ý

Từ quan điểm cá nhân của tác giả, working memory chỉ nói đến khả năng giữ lại thông tin sau khi nghe, do đó khó có thể làm tốt bài thi Nghe nếu người học thiếu đi khả năng phân tích, xử lý những thông tin này.

Listening competence là khả năng của con người để hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong quá trình lắng nghe. Nó bao gồm việc phân tích, hiểu và đưa ra phản hồi đúng đắn về nội dung được truyền tải qua âm thanh. Listening competence các Listening sub-skills chính là những thứ mà người học cần luyện tập cải thiện để có thể xử lý tốt nội dung mà não bộ đã lưu trữ lại khi nghe và từ đó có một trình độ lắng nghe tốt.

Bài viết tiếp theo sẽ tìm hiểu về Listening competence và cách để phát triển khả năng nghe của người học.

Tổng Kết

Bài viết đã tìm hiểu về tầm quan trọng của khả năng ghi nhớ tạm thời, ngắn hạn (working memory) trong việc làm bài nghe nói chung và bài nghe IELTS nói riêng. Tác giả cũng đã cung cấp một số cách để cải thiện working memory để người học có thể thoải mái làm bài hơn nếu như học thấy khả năng ghi nhớ của họ cần phải được cải thiện cũng như giải pháp làm bài để bớt phụ thuộc hơn vào khả năng ghi nhớ ngắn hạn này.


Trích dẫn

  • Baddeley, A. D. (1992). Working memory. Science, 255(5044), 556-559.

  • Bialystok, E. (2015). Bilingualism and the development of executive function: The role of attention. Child Development Perspectives, 9(2), 117-121.

  • Daneman, M., & Carpenter, P. A. (1980). Individual differences in working memory and reading. Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior, 19(4), 450-466.

  • Gathercole, S. E., & Baddeley, A. D. (1990). Phonological memory deficits in language disordered children: Is there a causal connection?. Journal of Memory and Language, 29(3), 336-360.

  • "How To Improve Your Students' IELTS Score - Pauline Cullen" YouTube, uploaded by Cambridge University Press ELT, 29 January 2015, https://www.youtube.com/watch?v=saXuenwAhNA.

  • "Improve Working Memory: Brain Training Tricks." Eileen Bailey, 13 July 2022, www.additudemag.com/improve-working-memory/

  • Just, M. A., & Carpenter, P. A. (1992). A capacity theory of comprehension: Individual differences in working memory. Psychological review, 99(1), 122-149.

  • Morey, C. C., Cowan, N., Morey, R. D., & Rouder, J. N. (2011). Flexible attention allocation to visual and auditory working memory tasks: Manipulating reward induces a trade-off. Attention, Perception, & Psychophysics, 73(2), 458-472.

  • Rönnberg, J., Rudner, M., Foo, C., & Lunner, T. (2013). Cognition counts: A working memory system for ease of language understanding (ELU). International Journal of Audiology, 52(6), 369-376.

  • Van der Stigchel, S., Merten, H., Meijer, W. A., & Theeuwes, J. (2007). The effects of a reward on oculomotor selection. Journal of Cognitive Neuroscience, 19(5), 881-892.

  • Wang, C. A., Boehnke, S. E., White, B. J., & Munoz, D. P. (2012). Microstimulation of the monkey superior colliculus induces pupil dilation without evoking saccades. Journal of Neuroscience, 32(11), 3629-3636.

  • Wang, C. A., Boehnke, S. E., & Munoz, D. P. (2013). The influence of emotional expressions on reward-driven oculomotor capture. Attention, Perception, & Psychophysics, 75(1), 92-102.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...