Áp dụng kỹ thuật Skimming cho người học có vốn từ hạn chế trong IELTS Reading

Bài viết đưa ra các cách ứng dụng kỹ thuật Skimming được cá nhân hóa, đặc biệt phù hợp với người học có vốn từ hạn chế để giúp cải thiện khả năng đọc hiểu và kỹ năng làm bài thi IELTS Reading.

Đầu mục nội dung có trong bài học

Các nội dung bên dưới sẽ được bao gồm đầy đủ trong buổi học On Demand, nếu bạn muốn tập trung vào một trong những nội dung bên dưới thì bỏ chọn các nội dung còn lại.

Áp dụng kỹ thuật Skimming cho người học có vốn từ hạn chế trong IELTS Reading
Academic
Level: Intermediate
0 Đầu mục

Giới thiệu

Trong số nhiều phương pháp cải thiện khả năng đọc hiểu, kỹ thuật Skimming được xem là một kỹ thuật hiệu quả trong việc xử lý các văn bản dài có nội dung phức tạp, đặc biệt dưới áp lực thời gian của bài thi IELTS. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật này đối với người học tiếng Anh có vốn từ hạn chế gặp không ít khó khăn, do người học khó có thể đọc lướt nhanh mà vẫn nắm được nội dung cốt lõi. Vì vậy, bài viết này nhằm đưa ra các cách ứng dụng kỹ thuật Skimming được cá nhân hóa, đặc biệt phù hợp với người học có vốn từ hạn chế để giúp cải thiện khả năng đọc hiểu và kỹ năng làm bài thi IELTS Reading.

Key takeaways

  1. Lợi ích của kỹ thuật Skimming trong IELTS Reading

  2. Quá trình nhận thức liên quan trong quá trình áp dụng kỹ thuật Skimming: Nhận diện cấu trúc, dự đoán, suy luận

  3. Khó khăn của người học hạn chế vốn từ khi áp dụng Skimming

  4. Điều chỉnh cách áp dụng kỹ thuật Skimming dành cho người học hạn chế vốn từ thông qua: Đọc lướt theo ngữ cảnh, Chia nhỏ nội dung, và Nhận diện cấu trúc

Tổng quan lý thuyết

Bài thi IELTS Reading là một phần thi đặc biệt quan trọng, được thiết kế nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu của người học tiếng Anh. Bài thi gồm ba phần, mỗi phần gồm một văn bản đọc hiểu và các câu hỏi liên quan đến nội dung bài đọc, với tổng cộng 40 câu hỏi trong thời gian 60 phút. Với sự đa dạng chủ đề và độ phức tạp tăng dần qua mỗi phần, người học cần biết cách sử dụng thành thạo các kỹ thuật đọc hiểu, nhằm quản lý thời gian làm bài hiệu quả để đạt kết quả tốt.

Một trong những kỹ thuật đọc hiểu được khuyến khích để xử lý thời gian hiệu quả trong bài thi IELTS Reading là Skimming - Đọc lướt. Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong bài thi IELTS, khi thí sinh phải xử lý lượng lớn câu hỏi trong khoảng thời gian giới hạn vì đọc lướt giúp thí sinh xác định ý chính và các nội dung liên quan đến câu hỏi, từ đó trả lời câu hỏi nhanh và hiệu quả hơn. 

Mặc dù vậy, tính hiệu quả của kỹ thuật Skimming đối với người học tiếng Anh không phải bản ngữ, đặc biệt là người học có vốn từ hạn chế vẫn là một câu hỏi lớn. Điều này là bởi vì đọc lướt phụ thuộc phần lớn vào khả năng nhận diện các từ khóa, cụm từ và cấu trúc câu trong văn bản - những kỹ năng đòi hỏi vốn từ mạnh và vững chắc [1]. Khi thiếu từ vựng, người học có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định ý chính bài đọc một cách nhanh chóng. Thay vì nắm được ý chính nhờ vào việc đọc lướt, người học có thể cảm thấy khó hiểu và bối rối, dẫn đến sự nản chí và cảm giác lãng phí thời gian [2]. Việc không áp dụng kỹ thuật Skimming hiệu quả có thể làm mất đi mục đích ban đầu của phương pháp học, hoặc thậm chí dẫn đến điểm số thấp trong bài thi khi thí sinh có thể bỏ sót thông tin quan trọng hoặc dành quá nhiều thời gian cho việc đọc hiểu ý chính thay vì đọc hiểu thông tin chi tiết [3]

Từ những khó khăn phía trên, bài viết này sẽ đề xuất các điều chỉnh về việc ứng dụng kỹ thuật Skimming được cá nhân hóa cho người học có vốn từ hạn chế. Bài viết sẽ phân tích các quá trình nhận thức liên quan đến kỹ thuật Skimming, các khó khăn thường gặp của người học với vốn từ hạn chế, và các phương pháp thực tế giúp nâng cao tính hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật Skimming trong bài thi IELTS Reading.

Lý thuyết Skimming

Định nghĩa

Skimming là hành động đọc lướt nhanh một văn bản để nắm bắt ý chính mà không tập trung vào các chi tiết cụ thể [4]. Đây là một chiến lược đọc hiểu rất cần thiết, giúp người đọc xử lý lượng văn bản lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn, là công cụ hiệu quả người dùng tiếng Anh nói chung, và người học IELTS Reading nói riêng. Trong bối cảnh học thuật nói chung, Skimming giúp người đọc xác định những phần thông tin quan trọng nhất của văn bản, từ đó có thể đọc kỹ hơn nếu cần thiết [5]. Trong bối cảnh bài thi IELTS Reading, Skimming giúp thí sinh có cái nhìn tổng quan về nội dung bài đọc trước khi bắt đầu trả lời các câu hỏi. Bằng cách nhanh chóng xác định các ý chính, thí sinh có thể tìm kiếm thông tin liên quan đến câu hỏi dễ dàng hơn khi chuyển sang đọc hiểu chi tiết hoặc tìm kiếm thông tin cụ thể. Kỹ thuật này được thiết kế để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả đọc hiểu, tránh việc người đọc bị cuốn vào các chi tiết không cần thiết để trả lời câu hỏi trong đề bài.

image-altTham khảo thêm: Skimming và Scanning là gì? Cách ứng dụng trong IELTS Reading

Quá trình nhận thức

Người đọc cần trải qua một số quá trình nhận thức để có thể nắm bắt được ý chính của văn bản khi sử dụng kỹ thuật Skimming. Một trong những cơ chế chính là nhận diện đặc điểm cấu trúc, trong đó người đọc xác định các từ, cụm từ hoặc cấu trúc câu, cách sắp xếp có sự thống nhất để nhận ra chủ đề tổng thể hoặc lập luận của đoạn văn. Quá trình này xảy ra dựa vào khả năng nhanh chóng nhận ra và phân tích các mẫu văn bản, thường gắn liền với kiến thức và kinh nghiệm học trước đó của người đọc về các văn bản tương tự [2].

Cơ chế tiếp theo trong quá trình nhận thức này là sự dự đoán. Khi người đọc lướt qua văn bản, họ sẽ cần đưa ra các dự đoán về nội dung dựa trên tiêu đề chính, các tiêu đề phụ và từ khóa có trước đó. Việc đọc hiểu ý chính theo dự đoán này giúp người đọc tập trung vào những phần quan trọng nhất của văn bản và bỏ qua những chi tiết kém quan trọng hơn. Điều này cho phép người đọc di chuyển qua văn bản một cách nhanh chóng mà vẫn duy trì cảm nhận về cấu trúc và lập luận tổng thể của nó [6].

Suy luận cũng là một trong những cơ chế quan trọng tiếp theo trong quá trình đọc lướt. Người đọc có thể suy luận ý nghĩa văn bản dựa trên ngữ cảnh của các từ hoặc cụm từ xuất hiện trong đoạn văn đó, giúp họ hiểu được ý chính ngay cả khi không đọc hiểu toàn bộ từ vựng có xuất hiện trong văn bản. Khả năng suy luận này đặc biệt quan trọng khi xử lý các từ vựng không quen thuộc hoặc cấu trúc câu phức tạp [7].

image-alt

Khó khăn của người đọc có vốn từ hạn chế khi áp dụng Skimming

Mức độ ít hay nhiều của vốn từ đóng vai trò quan trọng trong việc đọc hiểu, và do đó, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật Skimming. Kiến thức từ vựng của người đọc ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận diện và hiểu các từ và cụm từ quan trọng, vốn là yếu tố cần thiết cho việc đọc lướt. Nation đã chỉ ra, vốn từ phong phú rất cần thiết để đọc lướt thành công vì nó giúp người đọc xác định nhanh chóng những phần quan trọng nhất của văn bản và nắm bắt được ý nghĩa tổng thể mà không bị “mắc kẹt” ở những từ ngữ không quen thuộc [8]

Đối với người học không phải người bản ngữ với vốn từ hạn chế, họ thường xuyên phải dừng lại để giải nghĩa các từ vựng không quen thuộc, điều này đi ngược lại mục đích của việc đọc lướt. Thay vì nhanh chóng lướt qua văn bản để có một cái nhìn chung, họ lại dành quá nhiều thời gian vào các chi tiết, cố gắng hiểu từng từ. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong các bài kiểm tra chuẩn hóa có giới hạn thời gian như IELTS. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn từ có thể khiến người đọc bỏ lỡ các dấu hiệu quan trọng chỉ ra cấu trúc hoặc chủ đề của đoạn văn, khiến việc đọc lướt trở nên khó khăn hơn. Hạn chế này có thể dẫn đến việc không hiểu rõ văn bản, hoặc tệ hơn, hiểu sai hoàn toàn nội dung. Hơn nữa, khả năng suy luận - một thành phần quan trọng trong quá trình nhận thức khi áp dụng kỹ thuật Skimming - cũng có thể bị cản trở đáng kể bởi vốn từ hạn chế. Khi người đọc gặp phải các từ vựng mới, khả năng suy luận chính xác ý nghĩa của văn bản cũng bị suy giảm. 

Tóm lại, mặc dù Skimming là một kỹ thuật đọc quan trọng giúp nâng cao hiệu quả đọc, nhưng hiệu quả của nó phụ thuộc chặt chẽ vào kích thước vốn từ của người đọc. Đối với người học không phải người bản ngữ, có vốn từ hạn chế, việc áp dụng kỹ thuật Skimming có thể không hữu ích nếu không điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc thiết kế các chiến lược điều chỉnh cách áp dụng Skimming, nhằm đáp ứng những khó khăn cụ thể mà những người học này phải đối mặt khi thiếu từ vựng.

Điều chỉnh chiến lược áp dụng kỹ thuật Skimming cho người học hạn chế từ vựng

Đọc lướt theo ngữ cảnh (Contextual Skimming)

Định nghĩa

Đọc lướt theo ngữ cảnh là một chiến lược mà người đọc tập trung vào việc hiểu ý nghĩa tổng thể của văn bản bằng cách dựa vào ngữ cảnh mà các từ hoặc cụm từ được sử dụng, thay vì tập trung vào nghĩa của từng từ riêng lẻ. Chiến lược này yêu cầu người đọc xác định các từ khóa, tập trung vào câu chủ đề và tận dụng cấu trúc tổng thể của văn bản để nhanh chóng nắm bắt ý chính. Bằng việc tập trung vào các gợi ý có trong ngữ cảnh, người đọc có thể suy luận ý nghĩa dựa trên các phần xung quanh văn bản và mạch ý tưởng, giúp giảm thiểu thời gian dành cho các từ vựng không quen thuộc mà vẫn hiểu ý nghĩa chung để để trả lời một vài câu hỏi [4].

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Xác định từ khóa

Từ khóa trong đoạn văn thường là các danh từ, động từ, và tính từ mang ý nghĩa trung tâm của văn bản. Những từ này thường được lặp lại hoặc xuất hiện ở các phần nổi bật của đoạn văn như tiêu đề, tiêu đề phụ và câu đầu hoặc câu cuối của các đoạn.

  • Bước 2: Tập trung vào câu chủ đề

Trong hầu hết các văn bản, câu chủ đề mang chức năng thể hiện ý nghĩa tổng quát của cả đoạn văn. Câu chủ đề thường xuất hiện ở đầu, hoặc cuối đoạn. Bằng cách nhận diện câu chủ đề, người đọc có thể phần nào nắm được ý nghĩa chính của đoạn văn đó.

  • Bước 3: Dựa vào gợi ý ngữ cảnh

Khi gặp từ không quen thuộc, người đọc không nên dừng lại quá lâu để cố hiểu từng từ. Thay vào đó, người đọc nên suy luận ý nghĩa của chúng dựa trên ngữ cảnh mà chúng xuất hiện bằng cách xem xét các từ và câu xung quanh để tìm manh mối giúp xác định nét nghĩa cơ bản của từ vựng.

  • Bước 4: Sử dụng các từ nối

Người đọc có thể dựa vào các từ nối trong văn bản như “however” (tuy nhiên), “in contrast” (trái lại), “therefore” (vì vậy) để có thể đoán biết sự liên kết các thông tin trong văn bản.

Ví dụ minh họa

“The global shift toward renewable energy sources has become one of the defining features of the 21st century. Countries worldwide are investing in solar, wind, and hydropower in an effort to reduce reliance on fossil fuels and curb greenhouse gas emissions. However, despite the rapid growth of these technologies, challenges remain. The high initial costs of renewable energy infrastructure and the intermittency of power generation pose significant obstacles to widespread adoption. In addition, the political will to implement sustainable energy policies varies greatly between nations, further complicating the transition to a low-carbon economy.”

  • Bước 1: Xác định từ khóa

Các danh từ xuất hiện chủ yếu bao gồm: “global shift” (sự chuyển đổi toàn cầu), “renewable energy” (năng lượng tái tạo), “solar” (năng lượng mặt trời), “wind” (năng lượng gió), “fossil fuels” (nhiên liệu hóa thạch), “greenhouse gas emissions” (khí thải nhà kính). Những từ này đều nằm trong trường từ vựng “môi trường, năng lượng” nên người đọc có thể phần nào nắm được tinh thần chung của bài đọc.

  • Bước 2: Tập trung vào câu chủ đề

Câu đầu tiên của đoạn là “The global shift toward renewable energy sources has become one of the defining features of the 21st century” (Sự chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng tái tạo đã trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của thế 21). Câu này đang giới thiệu chủ đề chính: sự gia tăng của năng lượng tái tạo. 

  • Bước 3: Dựa vào gợi ý ngữ cảnh

Khi đọc lướt qua đoạn văn, từ “intermittency” có thể không quen thuộc với một số người đọc. Bằng việc dựa vào các gợi ý từ các từ ngữ, câu văn xung quanh, người đọc có thể phần nào đoán được nét nghĩa của từ vựng này.

Từ vựng xuất hiện trong câu văn “The high initial costs of renewable energy infrastructure and the intermittency of power generation pose significant obstacles to widespread adoption” (Giá thành ban đầu cao của hạ tầng năng lượng tái tạo và “the intermittency” của việc sản xuất điện là những trở ngại lớn đối với việc sử dụng rộng rãi”). Từ đây, có thể đoán “intermittency” là một trong những trở ngại của việc sử dụng năng lượng tái tạo, và có liên quan đến quá trình sản xuất điện.

  • Bước 4: Sử dụng từ nối

Từ “however” (tuy nhiên) trong câu thứ ba báo hiệu sự chuyển đổi về mặt thông tin. Trước đó, đoạn văn có đề cập đến sự gia tăng, khía cạnh tích cực của việc sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy, sau từ “however” sẽ là khía cạnh khối lập - các mặt tiêu cực, thách thức của việc này. Từ đó, người đọc có thể nhanh chóng hiểu rằng đoạn văn tập trung phân tích lợi ích và thách thức của việc sử dụng năng lượng tái tạo. 

image-alt

Chia nhỏ nội dung (Chunking)

Định nghĩa

Chunking là một chiến lược đọc trong đó một đoạn văn được chia nhỏ thành các phần nhỏ hơn, hay còn gọi là các “khối” (chunks), giúp dễ quản lý và dễ đọc hiểu hơn. Trong quá trình Skimming, chia nhỏ đoạn văn giúp người đọc tập trung vào việc tiếp thu thông tin theo từng phần nhỏ thay vì cảm thấy choáng ngợp bởi toàn bộ văn bản. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những người học có vốn từ vựng hạn chế, vì nó giảm tải nhận thức, cho phép họ tập trung vào từng phần của văn bản một cách tuần tự. Chia nhỏ đoạn văn giúp người đọc lưu giữ được nhiều thông tin hơn vì sự chú ý của họ được hướng tới các cụm ý nghĩa của đoạn văn, thay vì những từ hoặc cụm từ riêng lẻ [2]

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Chia đoạn văn thành các khối logic

Người đọc xác định các dấu hiệu chuyển thông tin trong đoạn văn, ví dụ như cách dòng hoặc từ nối. Mỗi đoạn văn thường bao gồm một hoặc nhiều luận điểm, chia đoạn văn thành một hoặc nhiều đơn vị logic để đọc lướt.

  • Bước 2: Đọc lướt từng khối riêng biệt

Khi đoạn văn đã được chia nhỏ, người đọc tập trung vào đọc lướt từng khối một. Để đọc hiểu nhanh từng khối, người đọc có thể sử dụng các từ khóa, câu chủ đề, các thông tin lặp lại. Sau khi đọc lướt một khối, người đọc có thể tóm tắt khối thông tin vừa đọc bằng từ ngữ của mình. Điều này đảm bảo người đọc đang tích cực xử lý thông tin và không chỉ đọc một cách thụ động.

  • Bước 3: Chuyển sang đoạn văn tiếp theo

Sau khi đã đọc lướt và tóm tắt các khối trong đoạn văn đầu tiên, người đọc chuyển sang đoạn tiếp theo và lặp lại quy trình. Phương pháp từng bước này giúp duy trì sự hiểu biết rõ ràng về tổng thể văn bản bằng việc quản lý nó theo từng phần nhỏ.

Ví dụ minh họa

“Global warming is one of the most pressing environmental issues of our time. The rise in global temperatures has led to the melting of polar ice caps, rising sea levels, and extreme weather patterns. Governments around the world are taking steps to mitigate the effects of global warming through international agreements and national policies. Despite these efforts, many challenges remain. Fossil fuels continue to be a primary source of energy, and transitioning to renewable energy sources has proven to be a slow and costly process.”

Bước 1: Chia đoạn văn thành các khối logic

Dựa vào các từ khóa, từ nối trong đoạn văn, có thể chia đoạn văn thành 3 khối nhỏ như sau:

  • Khối 1: “Global warming is one of the most pressing environmental issues of our time. The rise in global temperatures has led to the melting of polar ice caps, rising sea levels, and extreme weather patterns.”

  • Khối 2: “Governments around the world are taking steps to mitigate the effects of global warming through international agreements and national policies.”

  • Khối 3: “Despite these efforts, many challenges remain. Fossil fuels continue to be a primary source of energy, and transitioning to renewable energy sources has proven to be a slow and costly process.”

Bước 2: Đọc lướt từng khối riêng biệt

Người đọc có thể đọc lướt và tóm tắt nội dung chính của từng khối như sau:

  • Khối 1: Giới thiệu và đề cập đến các tác động của “global warming” (nóng lên toàn cầu).

  • Khối 2: Biện pháp của các chính phủ

  • Khối 3: Khó khăn liên quan đến nhiên liệu hóa thạch

Bước 3: Chuyển sang đoạn văn tiếp theo

Sau khi đọc lướt đoạn văn đầu tiên, người đọc tiếp tục khối tiếp theo và lặp lại quy trình. Đến cuối đoạn văn, người đọc sẽ có một hiểu biết rõ ràng về các điểm chính được thảo luận mà không cảm thấy quá tải bởi lượng thông tin.

Nhận diện cấu trúc (Recognizing Structural Patterns)

Định nghĩa

Nhận diện cấu trúc là chiến lược giúp người đọc hiểu được cách thông tin được tổ chức trong một văn bản. Nhiều văn bản học thuật, bao gồm các bài đọc trong bài thi IELTS Reading, được sắp xếp theo các cấu trúc phổ biến như nguyên nhân - kết quả, vấn đề - giải pháp, so sánh - đối chiếu, hoặc trật tự thời gian. Sự thanh công trong việc hiểu văn bản phần nào dựa vào khả năng của người đọc trong việc nắm bắt cấu trúc của văn bản để hiểu nội dung nhanh hơn [7]. Bằng cách nhận diện được các cấu trúc này, người đọc với vốn từ hạn chế có thể dự đoán được vị trí các ý chính mà không cần phải hiểu hết từng từ.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Nhận diện các từ nối trong đoạn văn

Các từ nối là các manh mối quan trọng giúp xác định mối quan hệ giữa các thông tin của các đoạn văn. Ví dụ “because” hoặc “so” cho thấy mấy quan hệ nguyên nhân - kết quả. Trong khi đó “however” hoặc “in contrast” thể hiện sự liên hệ về tương phản - so sánh.

  • Bước 2: Nhận diện mục đích của đoạn văn

Mỗi đoạn trong văn bản thường có một mục đích cụ thể, ví dụ như giới thiệu vấn đề, đưa ra giải pháp hoặc so sánh hai ý tưởng. Việc nhận diện mục đích của mỗi đoạn giúp người đọc dự đoán loại thông tin nào sẽ được trình bày tiếp theo.

  • Bước 3: Tóm tắt ý chính dựa trên đặc điểm cấu trúc

Sau khi đọc lướt đoạn văn và nhận diện mô hình cấu trúc, người đọc tóm tắt các ý chính bằng cách theo dõi dòng thông tin.

Ví dụ minh họa

“The increasing use of plastic in consumer products has had a significant impact on the environment. Plastic waste has accumulated in landfills and oceans, where it takes hundreds of years to decompose. As a result, marine life has been severely affected, with many species ingesting plastic particles. To combat this problem, governments have introduced various policies aimed at reducing plastic use. For example, some countries have implemented bans on single-use plastics, while others have imposed taxes on plastic bags to encourage consumers to switch to reusable alternatives. However, the effectiveness of these measures remains in question, as plastic consumption continues to rise globally.”

  • Bước 1: Nhận diện các từ nối

Các cụm từ được dùng để chuyển tiếp thông tin như “As a result” (Kết quả là), “To combat this problem” (Để giải quyết vấn đề này) cho thấy mạch sắp xếp của văn bản. “As a result” thể hiện mối quan hệ kết quả, trong khi đó “to combat this problem” ra hiệu phần mở đầu của nội dung giải pháp.

  • Bước 2: Nhận diện mục đích của đoạn văn

Từ các dấu hiệu từ nối, người đọc bắt đầu nhận diện được mục đích của các phần thông tin trong đoạn văn. Văn bản đưa ra nội dung về vấn đề của “plastic pollution” (ô nhiễm nhựa), sau đó đề cập các “effects” (tác động) lên môi trường. Tiếp theo, đoạn văn nhắc đến các “solutions” (giải pháp) có thể thực hiện bởi chính phủ.

  • Bước 3: Tóm tắt ý chính

Từ mô hình cấu trúc nhận diện được ở các bước trên, có thể kết luận ý chính của đoạn văn này xoay quanh: Vấn đề - Tác động - Giải pháp của việc sử dụng nhựa.

Tham khảo thêm:

Tổng kết

Kỹ thuật Skimming là một phương pháp hữu ích trong việc cải thiện khả năng đọc hiểu, đặc biệt khi đối mặt với các văn bản dài và phức tạp như trong bài thi IELTS Reading. Tuy nhiên, đối với những người học có vốn từ vựng hạn chế, việc áp dụng Skimming đòi hỏi sự điều chỉnh và cá nhân hóa phù hợp. Các chiến lược như Đọc lướt theo ngữ cảnh, Chia nhỏ nội dung, và Nhận diện cấu trúc không chỉ giúp người học nắm bắt ý chính nhanh hơn mà còn giảm bớt áp lực từ việc phải hiểu toàn bộ văn bản. Bằng cách áp dụng các chiến lược này, người học có thể cải thiện hiệu quả việc đọc lướt, đồng thời nâng cao kỹ năng làm bài thi trong thời gian giới hạn của IELTS.

Tham khảo các bài học khác