Banner background

Kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Reading – Phần 2

Giới thiệu về các kỹ năng nhận diện từ vựng trong quá trình học ngôn ngữ nói chung và phát triển kỹ năng đọc đối với bài thi IELTS nói riêng.
ky nang nhan dien tu vung trong ielts reading phan 2

Kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Reading – Phần 1, tác giả đã đề cập tới định nghĩa và ứng dụng của kỹ năng nhận diên từ vựng trong bài thi IELTS Reading. Trong phần này, tác giả sẽ tiếp tục giới thiệu tới người đọc 3 phương pháp cần thiết để nhận diện từ.

Những phương pháp cần thiết có kỹ năng nhận diện từ vựng

5 phương pháp nhận diện từ phổ biến có thể được kể đến như là: 

ky-nang-nhan-dien-tu-vung-6

Sight words – Phonics – Word Patterns sẽ tương ứng với việc “nhận diện các ký hiệu trên giấy bằng một số phương pháp để từ đó có thể được phát âm ra” (đã nêu ở phần trước), các cách nhận diện từ này không quá hữu dụng trong kỹ năng làm bài thi IELTS Reading ngoài việc giúp nhận diện mặt chữ và phát âm của từ xuất hiện trong bài đọc. 

Context clues và Word parts là 2 cách nhận diện sẽ đóng phần nhiều vào quá trình ôn thi IELTS Reading hiệu quả của thí sinh vì chúng đi sâu hơn vào việc hiểu nghĩa của từ và các câu trong bài đọc.  

Tuy vậy, tác giả vẫn sẽ giới thiệu đầy đủ 5 phương pháp trên nhằm mục đích giúp người đọc có được góc nhìn đầy đủ nhất về nhận diện từ vựng, từ đó rèn luyện tư duy lẫn tìm ra được phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả trong cuộc sống chứ không chỉ riêng trong khuôn khổ của bài thi IELTS Reading.

Sight words – Từ vựng thị giác

Sight words, hay còn được gọi là “high frequency sight words” (những từ có tần suất xuất hiện cao) là những từ thường xuất hiện mà trẻ em được khuyến khích ghi nhớ đơn thuần bằng mắt, để có thể tự động nhận ra những từ này trong các văn bản mà không cần sử dụng bất kỳ chiến thuật nào để giải mã từ vựng. (weareteachers.com) 

Sight words chính là thành tố đóng góp vào sight vocabulary – vốn từ vựng thị giác. Đây là những từ vựng riêng của mỗi người được nhận ra do trí nhớ mà không cần giải mã để hiểu. Vốn từ vựng thị giác này là nòng cốt của quá trình nhận diện từ, đồng thời cũng là một phần của “một chu trình tự thúc đẩy” (a self-promoting cycle): Vốn từ vựng thị giác của một người càng lớn, người đó sẽ có khả năng đọc được nhiều từ hơn; việc một người đọc và học được thêm nhiều từ thì sẽ càng làm tăng vốn từ vựng của người đó. 

Do từ vựng thị giác là những từ được sử dụng một cách nhất quán trong văn nói lẫn văn viết và liên tục xuất hiện trong sách, giáo trình và truyện, thế nên việc một người nhanh chóng nhận ra được những từ này sẽ giúp việc đọc và hiểu văn bản trở nên dễ dàng hơn. 

Brian Smith (2014) đã nói rằng: “Từ vựng thị giác không tuân theo các quy tắc chính tả hay các luật lệ âm tiết.” Từ đây chúng ta có thể hiểu được rằng Từ vựng thị giác cần phải được ghi nhớ vì việc giải mã chúng là thật sự khó. Các từ này dù có tần suất xuất hiện cao, nhưng chúng tuân theo các quy tắc mà người đọc có thể chưa được học và chỉ đến khi cần thiết thì người đọc mới có thể chủ động tìm hiểu và đọc được chúng.  

Edward William Dolch đã tổng hợp một danh sách từ vựng tiếng Anh có tuần suất xuất hiện cao được gọi tên là “Dolch word list”. Danh sách từ vựng Dolch này bao gồm 220 từ vựng chức năng (service words) như: who, come, do, under, want,… và 95 danh từ như: thing, men, night, … Theo Dolch, 50% đến 70% tất cả các từ được sử dụng trong sách học, sách thư viện, báo và tạp chí nằm trong danh sách này, và việc thông thạo danh sách từ vựng Dolch sẽ giúp một người đạt được khả năng đọc trôi chảy trong ngôn ngữ tiếng Anh. 

Lưu ý: Danh sách từ vựng Dolch là một nguồn tham khảo có giá trị, nhưng độc giả cũng cần lưu ý cần thận trong quá trình sử dụng vì danh sách này được lần đầu giới thiệu vào năm 1936 và được biên soạn dựa trên những cuốn sách cùng thời kỳ nên sẽ không tránh khỏi sự thiếu sót trong việc cập nhật những từ vựng mới của ngôn ngữ hiện đại.

Phonics – Ngữ âm

Theo từ điển Cambridge, ngữ âm là: “một phương pháp dạy cách đọc, dựa trên việc học các âm thanh mà các chữ cái biểu thị”.

1 kênh youtube tên là “SDictionary” cũng đưa ra một số định nghĩa khác về ngữ âm có thể được kể đến như sau: “Việc nghiên cứu về cách các âm thanh của từ được biểu diễn bằng chính tả” hoặc “Một phương pháp dạy đọc cơ bản dựa trên việc giải thích ngữ âm của chính tả thông thường”.

Từ đó, có thể suy ra rằng học ngữ âm là việc học âm được biểu thị bằng các chữ cái trong bảng chữ cái. Ngữ âm giúp nhận diện và sử dụng các âm thanh khác nhau để phân biệt từ này với từ kháctrong ngôn ngữ tiếng Anh. Việc thành thạo ngữ âm đồng nghĩa với việc một người có thể hiểu được nguyên tắc chữ cái (the Alphabetic principle), tức là mối quan hệ giữa các âm thanh của ngôn ngữ nói và các âm tiết của ngôn ngữ viết. 

Ví dụ:

  1. Từ cat có 3 chữ cái và 3 âm c – a – t, (/ k /, / æ /, / t /), trong khi từ flower có 6 chữ cái nhưng 4 âm: f – l – ow – er, (/ f /, / l /, / aʊ /, / ər /).

  2. Các từ như introduction hay pencil có thể được đọc dễ dàng hơn dựa vào sự chia âm tiết:in-tro-duc-tion và pen-cil.

Một số đặc điểm của ngữ âm:

Ngữ âm liên quan đến việc kết hợp âm thanh của ngôn ngữ nói nói với các chữ cái hoặc nhóm chữ cái riêng lẻ. Ví dụ, âm /k/ có thể được biểu thị bằng các chữ cái: 

ky-nang-nhan-dien-tu-vung-3

Việc biết cách kết hợp âm thanh của các chữ cái với nhau giúp người đọc giải mã các từ lạ hoặc chưa biết bằng cách phát âm chúng. Ví dụ, khi một người biết cách phát âm của các chữ cái t, p, a và s, việc hiểu và sử dụng các từ: “tap” (vòi nước), “taps”, “pat” (vỗ nhẹ), “pats” và “sat” (ngồi) sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nếu coi ngôn ngữ viết như mà một mật mã (code), việc biết âm thanh của các chữ cái riêng lẻ và cách các chữ cái đó được phát âm ra như thế nào khi chúng được kết hợp với nhau sẽ giúp người đọc giải mã các từ mà họ đang đọc. Bên cạnh đó, người viết nếu hiểu ngữ âm cũng sẽ có thể cải thiện cách dùng từ của bản thân vì sự ý hơn trong việc biết cách chọn từ trong quá trình viết. Suy ra, ngữ âm chính là nền tảng cơ bản nhất của quá trình giải mã từ vựng khi đọc và viết.

Word patterns – Kiểu mẫu của từ vựng

Ví dụ: 

  1. Các từ như car, coat, come, cup, clue, crayon (bút sáp màu) có âm /k/ ứng với chữ cái“c”. Âm(/k/) sẽ xuất hiện nếu theo sau chữ cái c là các phụ âm như“l”, “r”, … hoặc các nguyên âm như “a,” “o,” và “u”.

  2. Các từ như bicycle, city, decide, cell có âm /s/ ứng với chữ cái “c”. -> Âm /s/ sẽ xuất hiện nếu theo sau chữ cái c là các nguyên âm “i”, “e” và “y”. 

Dựa vào các kiểu mẫu phát âm ở trên, một người hoàn toàn có thể tự tìm ra cách phát âm cho từ sau:

ky-nang-nhan-dien-tu-vung-2

Đối với mọi quy tắc đều có những ngoại lệ đe dọa quy tắc. Tuy nhiên, trong đa phần các trường hợp, một người vẫn cần nắm vững kiến thức về các kiểu mẫu chính tả vì những kiểu mẫu này giúp giải thích cách đánh vần, đọc và viết các từ. 

Cho dù vậy, khả năng phát âm một từ không đảm bảo rằng một người sẽ biết nghĩa của từ đó. Nếu từ đó không phải là một phần trong vốn từ vựng của một người, việc biết từ đó có nghĩa là gì là điều không thể. Do đó, người đọc không thể liên kết bất kỳ nghĩa nào với từ đó nếu đơn thuần chỉ biết phát âm của một từ không nằm trong vốn từ vựng sẵn có của bản thân. 2 phương pháp tiếp theo sẽ đi sâu hơn vào việc phân tích ngữ cảnh và các thành phần của từ nhằm giải mã ý nghĩa của một từ nằm ngoài vốn từ vựng của một người.

Đọc thêm: Giới thiệu phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh và ứng dụng

Tổng kết

Ở phần này, tác giả đã giới thiệu, phân tích và lấy ví dụ cụ thể về 3 phương pháp nhận diện từ vựng. Trong phần tiếp theo, phần của cuối của kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Reading, tác giả sẽ đưa ra 2 phương pháp quan trọng hỗ trợ nhiều cho kỹ năng IELTS Reading và những phương pháp để rèn luyện kỹ năng này một cách hiệu quả. Người đọc có thể tham khảo các khóa luyện thi IELTS tại ZIM để đạt được band điểm mong muốn.

Đọc thêm: Kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Reading – Phần 3

Nguyễn Quang Hùng

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...