Kỹ năng Reading between the lines và ứng dụng trong IELTS Reading dạng Multiple Choice

Bài viết này sẽ giới thiệu và chia sẻ cách ứng dụng kỹ năng reading between the lines này trong quá trình làm dạng câu hỏi suy diễn của IELTS Reading MCQ.
author
ZIM Academy
14/09/2020
ky nang reading between the lines va ung dung trong ielts reading dang multiple choice

Multiple Choice Questions (MCQ) là dạng bài trắc nghiệm phổ biến trong các bài IELTS Reading. Ngoài những câu hỏi hỏi về các thông tin, chi tiết được nhắc đến trực tiếp và rõ ràng trong bài đọc, MCQ còn bao gồm các câu hỏi suy diễn (inference question). Những câu hỏi này đòi hỏi người đọc cần phải có cái nhìn toàn diện và đào sâu hơn về nội dung cần đọc để có thể chọn được đáp án đúng. Một kỹ năng cần thiết để xử lý câu hỏi suy diễn là kỹ năng reading between the lines. Bài viết này sẽ giới thiệu và chia sẻ cách ứng dụng kỹ năng reading between the lines này trong quá trình làm dạng câu hỏi suy diễn của IELTS Reading MCQ.

Reading between the lines là gì?

Định nghĩa

“Reading between the lines” là một thành ngữ (idiom) thông dụng trong tiếng Anh. Dưới đây là một số định nghĩa về thành ngữ này ở các từ điển Anh – Anh khác nhau:

Theo từ điển Tiếng Anh Cambridge, “reading between the lines” nghĩa là: ‘to find meanings that are intended but that are not directly expressed in something said or written’ (tạm dịch: tìm ra những ý nghĩa được dự định truyền tải nhưng không được thể hiện trực tiếp qua văn nói hoặc văn viết).

Một định nghĩa khác của từ điển Oxford Learner’s về “reading between the lines”: ‘to look for or discover a meaning in something that is not openly stated’ (tạm dịch: tìm kiếm và phát hiện một ý nghĩa không được biểu lộ rõ ràng của một đối tượng nào đó).

Ngoài ra, Pado và Dagan (2) cũng đã đưa ra một định nghĩa khá đầy đủ về “reading between the lines” như sau: ‘…một quá trình nhận thức cơ bản mà trong đó, người đọc tạo ra một phiên bản đầy đủ hơn của văn bản mà họ đã đọc bằng cách lồng ghép vào đó những kiến thức họ sẵn có về ngôn ngữ và thế giới. Phiên bản này giúp người đọc đưa ra các suy luận và trả lời được các câu hỏi về những sự kiện không được trực tiếp nêu ra trong văn bản.’

Nhìn chung, cả ba định nghĩa này đều xoay quanh một vấn đề: quá trình suy luận (inference) để tìm ra hàm ý (implications) – những tầng ý nghĩa ẩn sau mặt chữ – của văn bản. Đây chính là kỹ năng “reading between the lines” – một trong những kỹ năng đọc hiểu (reading comprehension) cần có trong IELTS Reading.

Nguồn gốc

Cách sử dụng thành ngữ “reading between the lines” như một phép ẩn dụ đã khởi nguồn từ giữa thế kỉ 19, cụ thể là từ mật mã học (cryptology). Thời đó, thường là trong quân đội, người ta hay sử dụng mực tàng hình để truyền các thông tin mật cho nhau bằng cách viết những mẩu tin mật này lên các lá thư, xen kẽ giữa các dòng thư được viết bằng mực bình thường. Để đọc được thông điệp thật sự của người viết, người đọc buộc phải đọc giữa các dòng (between the lines) theo nghĩa đen (Bloomsbury International).

Tầm quan trọng của kỹ năng “reading between the lines” đối với việc trả lời câu hỏi MCQ

Như đã đề cập ở phần định nghĩa, “reading between the lines” là một quá trình suy luận, và bao hàm trong đó là quá trình phân tích thông tin. Khi tìm kiếm ẩn ý của một đoạn văn, người đọc liên tục phải đặt ra các nghi vấn về những mẩu thông tin mà họ đang đọc: liệu những mẩu thông tin này có liên quan đến yêu cầu của câu hỏi không, liên quan như thế nào và thông tin này còn có thể dẫn đến hoặc mang một ý nghĩa nào khác ngoài nghĩa nổi của nó không? Nói cách khác, bởi vì bản thân nó đã là một quá trình suy luận, và mọi quá trình suy luận đều bắt nguồn từ bước thu thập và xem xét thông tin, kỹ năng “reading between the lines” là một cách hiệu quả để người đọc luyện tập khả năng phân tích thông tin của mình. Nhìn nhận và phân tích những thông tin được nêu ra trong đề bài theo nhiều khía cạnh khác nhau là rất quan trọng, bởi nó cung cấp cho người đọc đủ tư liệu để đánh giá các đáp án còn lại một cách khách quan nhất, từ đó biết được tại sao chúng lại sai. Sau cùng, quá trình này sẽ giúp họ tạo nên một nền tảng vững chắc hơn cho đáp án đã lựa chọn, từ đó tăng độ chắc chắn và chính xác cho câu trả lời của mình.

Với ưu điểm này, kỹ năng “reading between the lines” đem lại lợi ích rất lớn cho người học khi xử lý dạng bài MCQ trong IELTS Reading, vì MCQ đòi hỏi họ cần phải tận dụng được tối đa khả năng phân tích thông tin của mình, đánh giá xem đâu là thông tin cần đọc và tại sao các đáp án còn lại không phải đáp án đúng. Đặc biệt, “reading between the lines” rất quan trọng trong quá trình người học làm các câu hỏi suy diễn (inference question). Đây là một dạng câu hỏi nhỏ khác khá phổ biến trong MCQ với độ khó khá cao, bởi không giống như những câu hỏi MCQ khác với đáp án là những thông tin được biểu đạt rõ trong bài và chỉ khác cách diễn đạt, chúng yêu cầu người đọc phải đi tìm hàm ý của tác giả trong một đoạn văn bất kì.

Một số ví dụ về câu hỏi suy diễn trong IELTS Reading:

  • Which of the following can be inferred about …?

  • It can be inferred from … that:

  • What can be inferred from …?

Với các câu hỏi suy diễn, để chọn được đáp án đúng, trước tiên người đọc buộc phải hiểu được thật rõ ý nghĩa bề nổi của phần nội dung có liên quan đến câu hỏi, từ đó thu thập đủ tư liệu để thực hiện các bước suy luận tiếp theo nhằm tìm kiếm ẩn ý thực sự mà tác giả muốn truyền đạt. Thông tin mà người đọc cần tìm, cũng như thông tin của các đáp án trắc nghiệm đề bài cho trước, sẽ không được nhắc đến một cách trực tiếp trong bài đọc qua câu chữ. Vì vậy, kỹ năng “reading between the lines”, cùng với quá trình phân tích, đánh giá thông tin là rất cần thiết để người đọc có thể làm tốt dạng câu hỏi này.

Cốt lõi/nền tảng của kỹ năng “Reading between the lines”

Theo Pado và Dagan (2), nền tảng của kỹ năng “reading between the lines” chỉ gói gọn và tập trung vào hai giai đoạn:

  • Đưa ra các giả thuyết: ở giai đoạn này, dựa trên những thông tin được cung cấp từ văn bản đã đọc, kết hợp với những hiểu biết chung về thế giới và ngôn ngữ của mình, người đọc sẽ tạo ra một giả thuyết mà họ cho rằng có khả năng đúng cao nhất.

  • Kiểm chứng lại: sau khi đã hình thành được một giả thuyết và chọn được đáp án dựa trên giả thuyết đó, người đọc tiếp tục sử dụng những thông tin có liên quan trong văn bản để đánh giá tính xác thực của hai đối tượng này một lần nữa.

Ứng dụng trong IELTS Reading MCQ

Quá trình xử lý câu hỏi suy diễn trong dạng bài MCQ của IELTS Reading sẽ xoay quanh hai bước nền tảng của kỹ năng “reading between the lines”.

Xét một đề bài ví dụ như sau:

Third paragraph

An increase in the median income of the middle class does not cause average levels of education for the middle class to go up. If they did, then countries with the highest median income of the middle class would also have the highest levels of education for this class. In fact, when the median income of the middle class is made suitably comparable for different countries (accounting for inflation, currency fluctuations and purchasing power parity), there is no such correlation.

Which of the following can be correctly inferred from the third paragraph?

  1. It is difficult to reliably compare the education and income levels of one country with another.

  2. A reduction in the median income of the middle class of the country will not necessarily lower the average level of education for the said class.

  3. Countries with low levels of education for the middle class have comparatively higher levels of median income for the said class.

(Hit Bullseye, Reading Comprehension – Inference Questions)

Bước 1: Phân tích và hiểu rõ câu hỏi

Ở bước đầu tiên này, người học cần đọc hiểu và thu thập được những thông tin cần thiết có trong câu hỏi. Thông thường, các câu hỏi suy diễn sẽ xuất hiện dưới dạng ‘Có thể suy ra điều gì từ…?’ và vị trí của đoạn văn chứa ẩn ý cần được suy ra sẽ được cung cấp sẵn – đây là thông tin đầu tiên người đọc cần lưu ý. Trong một số trường hợp khác, câu hỏi sẽ nhắc đến các đối tượng cụ thể (danh từ chỉ người hoặc vật) và yêu cầu người học tìm ra hàm ý có liên quan đến đối tượng này. Đối với những câu hỏi như vậy, họ cần chú ý tới tên của đối tượng đó bởi đây sẽ là dấu hiệu để tìm được và khoanh vùng các thông tin cần đọc trong bài đọc.

Trong ví dụ trên, không có một đối tượng cụ thể nào được nhắc tới. Từ khóa mà người học cần quan tâm sẽ là cụm ‘the third paragraph’. Như vậy, để trả lời câu hỏi suy diễn này, đoạn văn duy nhất cần đọc trong toàn văn bản là đoạn văn thứ ba. Người đọc có thể tạm thời bỏ qua tất cả các đoạn văn khác.

Bước 2: Đọc các đáp án và thu hẹp phạm vi của hàm ý

Mặc dù các đáp án của câu hỏi suy diễn có nội dung cũng như cách diễn đạt khác nhau, song các đáp án của câu hỏi suy diễn thường đều đề cập tới cùng một vấn đề. Do lượng thông tin thu thập được từ câu hỏi khá ít và có phạm vi rộng, việc đọc qua các đáp án sẽ cung cấp cho người đọc một định hướng nhất định cho ẩn ý mà họ cần phải tìm.

Tạm dịch ba đáp án trong ví dụ trên như sau:

  1. Việc so sánh trình độ học vấn và mức độ thu nhập của hai đất nước với nhau là một việc rất khó thực hiện.

  2. Sự sụt giảm trong thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu ở một nước không nhất thiết sẽ làm giảm trình độ học vấn trung bình của tầng lớp đó.

  3. Các nước có tầng lớp trung lưu với trình độ học vấn thấp thì thường có mức thu nhập trung bình cao hơn ở tầng lớp này.

Có thể thấy rằng cả ba đáp án trên đều đề cập tới hai đối tượng sau: “trình độ học vấn” (education) và “mức thu nhập trung bình” (median income). Nói cách khác, sau khi đọc xong đáp án, người đọc đã có thể thu hẹp lại một cách đáng kể phạm vi của hàm ý mà họ cần phải suy ra: hàm ý đó sẽ liên quan tới mối liên hệ giữa “trình độ học vấn” và “mức thu nhập trung bình” của một đất nước, hoặc có thể rõ ràng hơn – của tầng lớp trung lưu.

Bước 3: Đọc đoạn văn chứa các thông tin liên quan và tự đưa ra một câu trả lời mang tính giả định.

Đây là bước gắn với giai đoạn nền tảng đầu tiên của kỹ năng “reading between the lines”. Sau khi nghiên cứu xong câu hỏi và các đáp án, người đọc sẽ bắt đầu đọc đoạn văn mà câu hỏi yêu cầu. Dựa trên phạm vi của hàm ý đã rút ra từ bước 2 và những thông tin đã đọc, người đọc sẽ tự đưa ra một câu trả lời giả định (một giả thuyết) cho câu hỏi suy diễn trong đề bài theo cách diễn đạt của mình.

Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý để người đọc có thể tự đưa ra một câu trả lời giả định:

  • Chiều hướng ngược lại của thông tin vừa đọc là gì?

(Ví dụ: thông tin trong bài nói về xu hướng gia tăng, từ đó có thể suy ra một câu trả lời nói về xu hướng sụt giảm).

  • Các thông tin trong bài có thể kết nối với nhau không?

(Ví dụ: “Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây bệnh béo phì. Đường thường có rất nhiều trong các loại đồ ăn nhanh và bánh kẹo.” Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh và bánh kẹo sẽ gây bệnh béo phì).

  • Các thông tin trong bài có thể được khái quát thành một ý không?

(Ví dụ: “Những người thổ dân thường dâng những đồ ăn ngon nhất lên các vị thần thiên nhiên và luôn coi động vật như những người bạn của mình.” => Những người thổ dân tôn trọng thiên nhiên).

Việc đưa ra một câu trả lời giả định trước khi quay lại xem xét các đáp án cho sẵn sẽ giúp người học giảm thiểu được khả năng mắc bẫy của những đáp án sai, bởi câu trả lời này được đưa ra dựa trên các sự thật ở trong bài. Bằng cách này, người học có thể nâng cao tính chính xác cho đáp án cuối cùng họ lựa chọn.

Tiếp tục với ví dụ trên. Ở bước 2, người học đã xác định được phạm vi của hàm ý cần tìm là mối liên hệ giữa trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình – đây sẽ là thông tin mà họ cần tìm câu trả lời.

Một số giả thuyết mà người học có thể đưa ra bao gồm:

  • Giả thuyết 1: Nếu mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu bị sụt giảm, điều này vẫn sẽ không gây ra ảnh hưởng gì đến trình độ học vấn của họ.

(Giả thuyết dựa trên câu đầu tiên của đoạn văn, tạm dịch: ‘Sự gia tăng trong mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu sẽ không dẫn đến bất kỳ sự cải thiện tương tự nào trong trình độ học vấn của họ.’).

  • Giả thuyết 2: Những đất nước với mức thu nhập trung bình thấp không đồng nghĩa với việc trình độ của họ cũng sẽ rơi vào hàng thấp nhất trên thế giới.

(Giả thuyết dựa trên câu thứ hai của đoạn văn, tạm dịch: ‘…những nước có tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình cao nhất cũng sẽ ghi nhận trình độ học vấn của tầng lớp này ở thứ hạng cao nhất.’).

Từ những giả thuyết này, người học có thể tóm gọn lại thành một giả thuyết/câu trả lời chung duy nhất (Giả thuyết 3): trình độ học vấn không có bất kỳ mối liên hệ nào với mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu.

Bước 4: Nghiên cứu và so sánh với các đáp án.

Trong bước thứ 4, người đọc có thể sử dụng tất cả những giả thuyết mà họ đã tìm ra để so sánh với đáp án đề bài cho trước. Nếu họ làm tốt ở bước thứ 3, bước 4 sẽ không phải một chướng ngại lớn. Bất cứ đáp án nào hoàn toàn đi ngược lại với các giả thuyết đều có thể sử dụng phương pháp loại trừ để loại bỏ.

Với ví dụ trên, trước hết xét đáp án:

  1. Việc so sánh trình độ học vấn và mức độ thu nhập của hai đất nước với nhau là một việc rất khó thực hiện.

Phương án này có thể được loại trừ đầu tiên bởi nó mâu thuẫn với thông tin mà bài đọc trực tiếp nêu ra ở câu thứ ba, tạm dịch:

Trên thực tế, khi mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu được biến đổi sao cho phù hợp để so sánh giữa các nước khác nhau (được bao gồm trong lạm phát, biến động tiền tệ và sức mua tương đương), không có mối liên hệ nào như vậy tồn tại cả.

Khác với thông tin ‘rất khó thực hiện’ trong đáp án, thông tin trong bài đọc thể hiện rõ rằng mức thu nhập trung bình của các nước hoàn toàn có thể được so sánh với nhau.

Tiếp tục, xét đáp án:

Sự sụt giảm trong thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu ở một nước không nhất thiết sẽ làm giảm trình độ học vấn trung bình của tầng lớp đó.

Đáp án này trùng khớp với giả thuyết 1 và giả thuyết 3 đã đưa ra ở bước 3. Đến đây, người học đã có thể phần nào khẳng định đây là đáp án đúng cần chọn. Tuy nhiên, họ không nên dừng ở đây mà nên tiếp tục phân tích những đáp án còn lại. Biết được tại sao các đáp án khác là sai vừa giúp người học hình thành thói quen phản biện khi làm bài, vừa củng cố vững chắc cho tính xác thực của đáp án đã chọn.

Cuối cùng, xét đáp án:

Các nước có tầng lớp trung lưu với trình độ học vấn thấp thì thường có mức thu nhập trung bình cao hơn ở tầng lớp này.

Nội dung của đáp án này đồng ý với việc trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu có liên quan tới nhau theo chiều tỉ lệ nghịch. Đáp án này đi ngược lại với giả thuyết 3 ở trên, vì vậy, người học có thể loại bỏ đáp án C.

Bước 5: Kiểm tra đáp án đã chọn dựa vào thông tin trong bài.

Sau khi hoàn thành bước 4, để chắc chắn hơn về độ chính xác của đáp án đã chọn, người đọc nên tiếp tục hoàn thiện bước thứ 5 – kiểm chứng lại đáp án đã chọn và giả thuyết của nó. Bước cuối cùng này đơn giản chỉ yêu cầu họ rà soát lại thông tin trong đoạn văn đã đọc và đánh giá xem nội dung của đáp án đã chọn có trùng khớp với đoạn văn hay không.

Đáp án B: Sự sụt giảm trong thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu ở một nước không nhất thiết sẽ làm giảm trình độ học vấn trung bình của tầng lớp đó.

Thông tin trong đoạn văn: ‘…không có mối liên hệ nào như vậy (giữa mức thu nhập trung bình và trình độ học vấn) tồn tại cả.

Do đoạn văn đã khẳng định rằng trình độ học vấn và mức thu nhập trung bình hoàn toàn không liên quan đến nhau, B là suy luận khả thi nhất và là đáp án đúng nhất cho câu hỏi trên.

Áp dụng 5 bước trên với một ví dụ khác như sau:

People are always less happy to accept scientific data they feel contradicts their preconceived beliefs. No surprise here; no human likes to be wrong. But science isn’t supposed to care about preconceived notions. Science, at least good science, tells us about the world as it is, and not as some wish it to be. Sometimes what science finds is consistent with a particular religion’s wishes. But usually it is not.

What can be inferred about good science?

  1. Good science is well received by the educated people.

  2. Good science and religion are the same.

  3. Good science is based on concrete results obtained through testing the hypothesis.

Bước 1:

Đối tượng được nhắc đến trong câu hỏi: good science. Hàm ý cần suy ra sẽ chỉ xoay quanh đối tượng này và nằm trong đoạn văn có liên quan đến “good science”.

Bước 2:

Phạm vi của hàm ý: các đặc trưng của good science.

Bước 3:

Một số giả thuyết gợi ý:

  • Giả thuyết 1: Nếu các dữ liệu khoa học trùng khớp với niềm tin của họ, người ta sẽ vui hơn hoặc tin tưởng hơn vào khoa học (giả thuyết dựa trên câu đầu tiên).

  • Giả thuyết 2: Khoa học luôn dựa trên các sự thật, những điều đã được kiểm chứng với các bằng chứng cụ thể và thực tế (giả thuyết dựa trên câu thứ tư).

Bước 4:

  1. Good science is well received by the educated people (tạm dịch: khoa học đáng tin sẽ được đón nhận bởi những người có giáo dục tử tế) – thông tin này không được nhắc đến trong bài nên có thể loại bỏ.

  2. Good science and religion are the same (tạm dịch: khoa học đáng tin và tín ngưỡng là giống nhau) – thông tin này có thể loại bỏ vì mâu thuẫn với thông tin trong đoạn văn: ‘Sometimes what science finds is consistent with a particular religion’s wishes. But usually it is not, tạm dịch: ‘Thi thoảng những phát kiến của khoa học sẽ trùng với những mong muốn của một tín ngưỡng cụ thể. Nhưng thường thì sẽ không.’

  3. Good science is based on concrete results obtained through testing the hypothesis (tạm dịch: khoa học đáng tin sẽ được dựa trên những kết quả cụ thể có được sau quá trình thử nghiệm các giả định) – thông tin này tương ứng với giả thuyết 2 ở bước 3 nên có thể lựa chọn.

Bước 5:

Đáp án C: Khoa học đáng tin sẽ được dựa trên những kết quả cụ thể có được sau quá trình thử nghiệm các giả định.

Thông tin trong đoạn văn: “Science, at least good science, tells us about the world as it is” (tạm dịch: khoa học, ít nhất là khoa học đáng tin, cho chúng ta biết về thế giới như cách mà nó vốn dĩ đã như vậy). Từ đây, người đọc có thể suy ra rằng nền tảng của khoa học đáng tin là những sự thật sẵn có, hay nói cách khác, kết quả của những cuộc kiểm chứng với bằng chứng là các sự thật thu thập được từ thế giới xung quanh.

Tổng kết

Kỹ năng đọc hiểu “reading between the lines” là một kỹ năng cần thiết trong việc xử lý các câu hỏi suy diễn trong dạng bài MCQ của IELTS Reading. Với nền tảng là một quá trình suy luận, trong đó hai giai đoạn quan trọng nhất là thiết lập và kiểm chứng các giả định dựa trên các thông tin trong bài đọc, kỹ năng này đòi hỏi người học phải phân tích, liên tục đặt câu hỏi và so sánh thông tin. Để có thể thành thạo “reading between the lines”, người học nên luyện tập ứng dụng thường xuyên, làm quen với quá trình tự đưa ra một câu trả lời mang tính giả định trước khi nghiên cứu kĩ các đáp án và hình thành thói quen phản biện trong khi làm bài.

Nguyễn Hồng Oanh

Để đánh giá chính xác trình độ IELTS hiện tại của bản thân, tham gia thi thử IELTS tại ZIM Academy với format bài thi chuẩn thi thật.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu