Kỹ thuật Shadowing và cách áp dụng cải thiện kỹ năng nghe hiểu

Những khó khăn gặp phải trong quá trình nghe hiểu và kỹ thuật shadowing giúp người học cải thiện khả năng nghe hiểu một cách hiệu quả.
author
ZIM Academy
01/07/2021
ky thuat shadowing va cach ap dung cai thien ky nang nghe hieu

Khi học ngoại ngữ, nghe hiểu là một kỹ năng quan trọng bởi đây là quá trình người học thu nạp các đặc điểm về ngôn ngữ như phát âm, từ vựng và ngữ pháp. Ngoài ra, nghe hiểu giúp người học mở rộng kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống thông qua quá trình luyện tập với nhiều nguồn nghe đa dạng. Tuy nhiên, đối với một bộ phận người học, nghe hiểu thành công là quá trình không hề dễ dàng bởi rất nhiều lý do. Trong bài viết này, tác giả sẽ giúp người học tìm hiểu về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình nghe hiểu và giới thiệu kỹ thuật shadowing giúp người học cải thiện khả năng nghe hiểu một cách hiệu quả. 

Kỹ thuật shadowing

Định nghĩa

Nhà nghiên cứu Nhật Bản Tamai (1997) định nghĩa Kỹ thuật nhại lại (shadowing) là một hoạt động chủ động và mang tính nhận thức cao khi người học thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ đó là nghe và nhại lại nội dung nghe được một cách rõ ràng nhất có thể. 

Phân biệt shadowing với một số kỹ thuật tương tự khác

Kỹ thuật nhại lại thường bị nhầm lẫn với hai kỹ thuật tương tự là Kỹ thuật nhắc lại (Repetition) và Kỹ thuật bắt chước (Imitation). Việc hiểu chính xác cách thức luyện tập của các kỹ thuật này sẽ giúp người học giải quyết chính xác vấn đề mình đang gặp phải. 

Kỹ thuật nhại lại (shadowing) với kỹ thuật nhắc lại (repetition)

ky-thuat-shadowing-phan-bietPhân biệt kỹ thuật nhại lại (shadowing) với kỹ thuật nhắc lại (repetition)

Theo Khawla và Bouthaina (2018, 2019), kỹ thuật nhại lại được hiểu như sau: người nghe sẽ đồng thời nghe và đọc ra nội dung đang nghe được cùng lúc. Ngược lại, kỹ thuật nhắc lại cho phép người học nghe một đoạn, sau đó dừng lại và nhắc lại nội dung vừa nghe được. Do vậy, quá trình nhại lại sẽ đòi hỏi người học cần sự tập trung cao độ, khả năng xử lý và hiểu phần nội dung trong khi nghe vì quá trình này không quá quãng nghỉ như việc nhắc lại. 

Phân tích ví dụ: 

Cho đoạn nghe sau: “But I want to talk a little bit about happiness, and the relationship to this whole vagina journey, because it has been an extraordinary journey that began eight years ago.” (Trích bài nói: Happiness in body and soul – Eve Ensler – TED Talk)

  • Cách thực hành kỹ thuật nhại lại được mô phỏng như sau:
    Bài nghe: But I want to talk a little bit about happiness,
    Nhại lại:         But I want to talk a little bit about happiness

  • Cách thực hành kỹ thuật nhắc lại được mô phỏng như sau:
    Bài nghe: But I want to talk                              a little bit about happiness,
    Nhắc lại:                                But I want to talk                                                a little bit about happiness

Kỹ thuật nhại lại (shadowing) với kỹ thuật bắt chước (imitation)

Kỹ thuật bắt chước (Imitation) là quá trình người nghe nghe và cố gắng bắt chước từng từ riêng lẻ mà chính họ nghe được (Khawla và Bouthaina, 2018, 2019). 

  • Cách thực hành phương pháp nhại lại được mô phỏng như sau:
    Bài nghe: But I want to talk a little bit about happiness,

    Nhại lại:             But I want to talk a little bit about happiness

  • Cách thực hành phương pháp bắt chước được mô phỏng như sau:
    Bài nghe: But     I want         to    talk      a   little       bit     about           happiness,

    Bắt chước:   But  I       want    to       talk   a       little     bit          about                  happiness, 

Mặc dù các kỹ thuật này có nét tương đồng với nhau trong quá trình thực hiện: nghe và nói lại; tuy nhiên, từ các điểm khác biệt đã được phân tích ở ví dụ trên, nhại lại (shadowing) được coi là một kỹ thuật mang tính thực tiễn hơn khi áp dụng cho việc cải thiện nghe hiểu vì quá trình nghe hiểu không cho phép người nghe dừng lại (giống với kỹ thuật nhắc lại – repetition) hay không yêu cầu người nghe hiểu và nghe được từng từ (giống với kỹ thuật bắt chước – imitation) mà nó yêu cầu người học thực hiện đồng thời quá trình nghe và xử lý thông tin giống như cách thực hiện của kỹ thuật nhai lại – shadowing. Do vậy, việc phân biệt và hiểu được các kỹ thuật này là cần thiết với người học. 

Kỹ thuật Shadowing trong kỹ năng Nghe 

Khó khăn mà người nghe gặp phải khi nghe

ky-thuat-shadowing-kho-khan-khi-ngheKhó khăn mà người nghe gặp phải khi nghe

Đối với người học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, kỹ năng Nghe là một trong số các kỹ năng ngôn ngữ gây cho họ nhiều khó khăn nhất bởi họ không chỉ đối mặt với các vấn đề về ngôn ngữ thông thường như phát âm hay thiếu từ vựng mà còn có các vấn đề khác liên quan đến các yếu tố khác như văn hóa, giọng vùng miền,… 

Rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã đã tìm hiểu và khám phá ra các rào cản khiến người nghe gặp không ít khó khăn trong quá trình nghe hiểu. Trong bài viết, tác giả sẽ tổng hợp lại các vấn đề này, bao gồm (Ahkam, 2015): 

  • Thiếu kiến thức nền tảng: Theo Underwood (1989) thiếu kiến thức nền sẽ gây ra không ít khó khăn cho người nghe vì khi nghe họ chỉ hiểu về mặt chữ nhưng khó có thể nắm bắt được ý nghĩa của thông tin. Do vậy, quá trình nghe hiểu sẽ không thể đạt được. 

  • Phát âm: Rõ ràng, phát âm là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình nghe hiểu của người học vì khi nghe, phát âm là dữ liệu đầu vào duy nhất giúp họ xử lý thông tin. Nói cách khác, khi người nghe không quen với phát âm trong tiếng Anh, họ sẽ không hiểu được các từ, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình nghe hiểu. (Rixon, 1986)

  • Thiếu vốn từ vựng: Có thể nói đây là một trong số các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khó khăn cho người nghe. Trong quá trình nghe hiểu, khi gặp các từ mới, người nghe không thể nhận diện được từ dẫn tới việc không thể ghi nhớ thông tin, do vậy thông tin đó sẽ trôi đi (Yan, 2007). Như vậy, nếu vốn từ của người nghe càng hạn chế, khả năng không nghe hiểu được thông tin của họ sẽ càng cao. 

Các vấn đề nằm ở người nói bao gồm giọng vùng miền, ngôn ngữ và tốc độ nói: 

  • Giọng vùng miền: Không phải lúc nào người nghe cũng có thể tiếp cận hay sử dụng tài liệu nghe ở dạng Anh-Anh hay Anh-Mỹ, do vậy khi bắt gặp giọng vùng miền không quen thuộc chẳng hạn Anh-Ấn hay Anh-Úc, người nghe sẽ gặp khó khăn (Abidin & Juan, 2013).  

  • Ngôn ngữ: người nghe có thể gặp một số cách diễn đạt trong văn nói mà người bản địa sử dụng nhưng chúng lại không được dạy nhiều ở trường, lớp (Abidin & Juan, 2013). 

  • Tốc độ nói: Theo Underwood (1989), tốc độ nói ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình nghe hiểu của người học L2 (người học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai) vì họ cảm thấy khó để bắt kịp và xử lý thông tin. 

Vấn đề đến từ phía người nghe: Việc người nghe luôn khăng khăng cần nghe được từng câu, từng chữ trong bài nghe khiến họ gặp khó khăn trong quá trình nghe hiểu vì thực chất điều đó không cần thiết (Hedge, 2006). Ngược lại, việc làm này có thể tạo ra áp lực cho chính họ – đây cũng được coi là một rào cản khác khiến việc nghe hiểu trở nên khó khăn hơn (King & Behnkle, 2003). 

Shadowing giúp cải thiện kỹ năng Nghe như thế nào? 

ky-thuat-shadowing-cai-thien-nghe-nhu-the-naoShadowing giúp cải thiện kỹ năng Nghe như thế nào?

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong bài viết này, tác giả sẽ đề xuất một số loại Shadowing để giúp những người này cải thiện kỹ năng Nghe một cách đáng kể. 

Loại 1: Shadowing hoàn toàn (Complete shadowing) 

Theo Murphey (2001), shadowing hoàn toàn được hiểu là người nghe sẽ nhại lại toàn bộ nội dung mà họ nghe được từ bài nghe. Về bản chất, phương pháp này hướng đến việc nhại lại từng từ riêng lẻ, do vậy nó giúp người nghe cải thiện khả năng nghe hiểu phát âm, mở rộng từ vựng và nghe hiểu chi tiết.

Loại 2: Shadowing có chọn lọc (Selective shadowing) 

Với loại này, người học sẽ nghe và chỉ nhại lại một số từ/cụm từ quan trọng hay còn gọi là từ khóa trong câu/đoạn (Murphey, 2001). Do đó, phương pháp này giúp người nghe luyện tập khả năng nghe hiểu đại ý. 

Loại 3: Shadowing kết hợp đọc to (Synchronized reading shadowing)

Quá trình diễn ra của loại thứ 3 như sau: người nghe vừa nghe và kết hợp đọc to kịch bản (script) của bài nghe. Về lý thuyết, khi luyện tập phương pháp shadowing, người học không nên nhìn vào phần kịch bản của bài nghe. Tuy nhiên, cách này đã được chứng minh có hiệu quả bởi nó giúp người học có thể hiểu nội dung và thu nạp thêm từ vựng trong quá trình đọc. (Khawla & Bouthaina, 2018, 2019). 

Loại 4: Shadowing vần điệu (Prosody)

Khi thực hành loại shadowing này, người học sẽ không được nhìn vào script như ở loại 3, do vậy loại này giúp người đọc tập trung vào tốc độ và ngữ điệu của bài nói, giúp người đọc giải quyết vấn đề về tốc độ nói và phát âm. (Kadota & Taimai, 2004). 

Loại 5: Shadowing sau khi đọc thông tin (Post-shadowing) 

Theo Hamada (2014), quá trình thực hiện phương pháp này diễn ra như sau: người nghe sẽ đọc phần kịch bản của bài nghe trước để nắm được thông tin sau đó mới thực hành nghe và nhại lại. Với phương pháp này, người nghe sẽ có kiến thức nền và nhận biết được từ vựng trong bài nghe, từ đó khiến việc nhại lại ít gặp khó khăn hơn và người nghe có thể hiểu nội dung bài tốt hơn.  

Hướng dẫn luyện tập kỹ thuật Shadowing 

Các bước thực hiện

ky-thuat-shadowing-cac-buoc-luyen-tapCác bước luyện tập kỹ thuật Shadowing

Shadowing là kỹ thuật mà người học có thể thực hành ở trên lớp hoặc tại nhà với điều kiện có file nghe, kịch bản và thiết bị nghe tốt. Để thực hiện kỹ thuật này, người học nên làm theo trình tự sau: 

Bước 1: Chọn tài liệu 

Người học chú ý chọn các nguồn tài liệu uy tín từ các trang báo nổi tiếng như BBC, CNN, ….hoặc các kênh youtube đáng tin cậy như Ted Ed và Ted talk. 

Bước 2: Nghe trước 1-2 lần 

Ở bước này, người nghe sẽ nghe 1-2 lượt để làm quen. Ngoài ra, người nghe có thể kết hợp nghiên cứu kịch bản nghe trong quá trình nghe, điều này giúp người nghe, đặc biệt là những người ở trình độ mới bắt đầu, có thể hiểu tra cứu từ mới và hiểu khái quát về nội dung.

Bước 3: Nhại theo 

Người nghe bắt đầu quá trình vừa nghe vừa nhại theo. Quá trình này có thể lặp lại 2-3 lần và áp dụng các loại shadowing (như phần 3) để phù hợp với trình độ. 

Bước 4: Nghe lại và điều chỉnh

Sau khi luyện tập khoảng 2-3 lần, người nghe sẽ nghe lại và cố gắng điều chỉnh việc nhại lại của mình sao cho càng giống với file nghe càng tốt.

Một số khó khăn khi luyện tập shadowing

Trong một nghiên cứu về việc chỉ ra các khó khăn cho người học trong quá trình luyện shadowing, Hamada (2014) chỉ ra các yếu tố sau: 

  • Người học thường lo sợ về việc họ không thể nhận ra phát âm/từ vựng đồng thời sợ không thể theo kịp tốc độ nói của bài nghe. 

  • Người học mất đi động lực vì cảm thấy việc luyện tập kỹ năng này không có ý nghĩa với họ. 

Để giải quyết các vấn đề trên, tác giả đưa ra một số giải pháp như sau: 

  • Người học nên thay đổi nhận thức về shadowing: mục đích của shadowing không hướng tới việc cần nhại lại tất cả các âm/từ, mục tiêu của việc luyện tập đó là giúp người học cải thiện khả năng nghe được các âm/từ qua thời gian. 

  • Để giúp người học duy trì được động lực luyện tập, bản thân họ cần hiểu mục đích của việc áp dụng kỹ thuật này: căn cứ vào các vấn đề mà người học đang gặp phải (đối chiếu với phần 3.1), người học sẽ ứng dụng kỹ thuật shadowing phù hợp để khắc phục vấn đề của mình (đối chiếu mục 3.2). 

Ví dụ: Vấn đề của người học hiện tại là thiếu từ vựng, người học có thể sử dụng kỹ thuật shadowing sau khi đọc kịch bản nghe. Với cách làm này, người học sẽ có thời gian nghiên cứu qua về tài liệu và tra cứu từ mới, sau đó thực hành nghe và nhại theo. Làm như vậy sẽ giúp người học nhớ được từ vựng và nhớ được phát âm của từ. Theo thời gian, vốn từ của người học sẽ được mở rộng và vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả. 

Lưu ý giúp tăng hiệu quả shadowing

Tài liệu

Khi mới bắt đầu, người học có thể luyện tập các tài liệu dễ với các chủ đề quen thuộc và ở trình độ cơ bản với bài nghe dài khoảng 2-3 phút. Mặc dù vậy, việc sử dụng tài liệu khó để thực hành kỹ thuật này luôn được khuyến khích bởi nhờ vào tài liệu khó người học có thể mở rộng vốn từ và quan trọng hơn là tăng cường khả năng nghe hiểu thông tin khi người học cần quan tâm nhiều hơn đến thông tin khi sử dụng tài liệu này (Hamada, 2014). 

Ngoài ra, người học nên sử dụng đa dạng các loại tư liệu nghe từ audio sách, podcast, chương trình TV hoặc phim và các tư liệu này phải có thoại chạy liên tục, điều này giúp người nghe có thể làm quen với nhiều kiểu giọng khác nhau đồng thời quen với tốc độ nói của người bản ngữ trong các hoàn cảnh khác nhau. 

Số lần và thời gian luyện tập: 

Theo nghiên cứu của Shiki, Mori, Kadoda và Yoshida (2010), kết quả chỉ ra rằng người học nên luyện tập shadowing từ 5-6 lần với cùng một tài liệu sẽ đem lại hiệu quả cho việc nghe hiểu. 

Với nhóm người học ở trình độ cơ bản, Kato (2009) gợi ý luyện tập kỹ năng này ở mức độ chuyên sâu: mỗi lần luyện tập kéo dài 15 phút; mỗi tuần luyện khoảng 4 lần và kiên trì thực hiện chế độ này trong suốt một tháng để khả năng nghe về mặt âm và từ. 

Với nhóm người học ở trình độ cao hơn, người học có thể áp dụng số lần và thời gian luyện tập như trên nhưng sử dụng với loại shadowing ở mức khó hơn như shadowing hoàn toàn (complete shadowing) hoặc prosody (shadowing vần điệu – không nhìn kịch bản nghe).  

Kết luận

Để cải thiện kỹ năng nghe hiểu, người học sẽ cần nhiều thời gian để luyện tập và từ từ giải quyết các khó khăn hiện có. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích các vấn đề về nghe hiểu mà người học có thể đang gặp phải, đồng thời cung cấp giải pháp là kỹ thuật nhại lại (shadowing) và hướng dẫn cách thức luyện tập kỹ thuật này giúp người học đạt được hiệu quả cao khi thực hiện. Tác giả hy vọng rằng, với kế hoạch luyện tập đúng và kiên trì với kỹ thuật nhai lại, kỹ năng nghe hiểu của người học sẽ được cải thiện một cách đáng kể.

Đọc thêm: Listening for gist: cách nghe hiểu thông tin tổng quan và ứng dụng trong IELTS Listening

Nguyễn Việt Chinh 

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút. Người học có thể tham gia ôn thi IELTS cấp tốc tại ZIM để được hỗ trợ tối đa, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu