Làm sao để vượt qua nỗi lo khi nói tiếng Anh cho IELTS Speaking?
Nói là một trong những kỹ năng gây lo âu nhiều nhất cho người học tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng việc lo lắng trong quá trình nói có thể làm giảm hiệu quả giao tiếp tiếng Anh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm bài thi nói của người học (Balemir, 2009; Woodrow, 2006). Vì vậy, việc giảm nỗi lo âu khi nói tiếng Anh là một yếu tố quan trọng để giúp người học luyện nói tiếng Anh hiệu quả hơn và hoàn thành phần thi IELTS Speaking một cách tốt nhất. Bài viết này sẽ giúp người học nhận diện nỗi lo âu khi nói tiếng Anh của bản thân, giải thích tính chất và nguyên nhân đằng sau nỗi lo âu khi nói tiếng Anh, và giới thiệu một số phương pháp người học có thể sử dụng để vượt qua nó.
Key takeaways |
---|
|
Nhận diện nỗi lo âu khi nói tiếng Anh
Nỗi lo âu khi nói tiếng Anh (Foreign Language Speaking Anxiety) là một nhánh cụ thể của Foreign Language Learning Anxiety, và được định nghĩa là nỗi lo lắng hoặc e sợ khi nói tiếng Anh (Balemir, 2009).
Một số biểu hiện của nỗi lo âu khi nói tiếng Anh là:
Cảm thấy lo lắng khi phải nói tiếng Anh trong lớp
Cảm thấy hoảng sợ khi biết rằng bài nói trong lớp sẽ được chấm điểm
Cảm thấy lo lắng đến mức run rẩy khi phải làm bài thi nói
Cảm thấy rất khó chịu khi không thể diễn đạt được suy nghĩ của mình trong tiếng Anh
Cảm thấy lo sợ về việc nói ra câu trả lời sai trong lớp tiếng Anh
(trích từ Foreign Language Speaking Anxiety Scale, Liu & Huang, 2011).
Người học tiếng Anh có thể gặp lo âu khi nói tiếng Anh ở bất cứ trình độ nào (Balemir, 2009).
Ảnh hưởng của lo âu đến quá trình nói tiếng Anh
Nói là một quá trình phức tạp và yêu cầu nhiều năng lượng xử lý của não bộ. Cụ thể hơn, Levelt (1989) đã chỉ ra rằng quá trình nói bao gồm bốn giai đoạn sau:
Lên ý tưởng cho nội dung nói (Conceptualization)
Sử dụng từ vựng và ngữ pháp phù hợp để diễn đạt ý tưởng (Formulation)
Phát âm những từ vựng đó một cách rõ ràng và chính xác (Articulation)
Tự kiểm tra lại quá trình nói để sửa lỗi khi nói (nếu có) (Self-monitoring)
Những giai đoạn này cần xảy ra nhanh và liên tục để người học có thể duy trì phần nói của mình.
Như vậy, nỗi lo âu khi nói tiếng Anh có thể chiếm thêm năng lượng xử lý của não bộ và làm cản trở quá trình suy nghĩ trên (Eysenck, 1979; MacIntyre, 1995). Kết quả là, việc lo lắng có thể làm giảm số lượng ý tưởng mà người học có thể nghĩ đến, giảm số lượng từ vựng người học có thể ứng dụng để diễn đạt ý tưởng của mính, đồng thời giảm độ chính xác trong cách phát âm và độ lưu loát của phần nói của người học. Tất cả những yếu tố trên đều có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nói của người học trong phần thi IELTS Speaking.
Người học có thể thấy rằng để cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh hiệu quả nhất, người học cũng cần giảm độ lo âu khi nói. Vì nỗi lo âu khi nói tiếng Anh có thể do nhiều yếu tố, nên người học cần tự xác định khía cạnh nói mà bản thân cảm thấy lo lắng nhất để chọn phương pháp giảm lo âu phù hợp.
Nguyên nhân và phương pháp để giảm lo âu khi nói tiếng Anh
Nguyên nhân 1 - Tự đánh giá thấp năng lực của bản thân
Tự đánh giá thấp năng lực của bản thân là khi người học tự suy nghĩ tiêu cực về khả năng nói tiếng Anh của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người học có lo âu về việc nói tiếng Anh thường tự đánh giá thấp năng lực của bản thân (Gregersen & Horwitz, 2002) và lo sợ về việc mắc lỗi khi sử dụng tiếng Anh nhiều hơn người không lo âu (Balemir, 2009). Cụ thể hơn, Gregersen & Horwitz (2002) cho thấy rằng khi người học có lo âu xem lại video phần thi nói của họ thì họ thường cảm thấy không hài lòng, kể cả khi phần nói của họ tốt so với khả năng của người cùng mức độ. Ngược lại, với những người có nỗi lo âu nói tiếng Anh, thì khi họ xem video phần nói của mình thì họ có thể nhìn nhận và xác định được lỗi của bản thân nhờ việc tiêu chuẩn thực tế cho bản thân, và hài lòng với phần nói của mình.
Nghiên cứu của cho thấy rằng việc tự nhận định tiêu cực về khả năng nói của bản thân này có thể làm tăng lo âu cho người học (Kitano, 2001). Ngược lại, khi người học tự đánh giá tích cực về khả năng nói của bản thân, họ sẽ có động lực học hơn (MacIntyre và cộng sự, 1997). Hơn nữa, việc lo sợ mắc lỗi sai có thể cản trở người học khi luyện nói tiếng Anh và tiếp tục vòng luẩn quẩn của tự ti về năng lực của bản thân. Vì vậy, việc giảm nỗi lo âu xuất phát từ việc người học tự đánh giá thấp bản thân có thể giúp người học ôn luyện nói tiếng Anh hiệu quả hơn, bằng cách:
Đặt mục tiêu học phù hợp với bản thân
Tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn và tiêu chí chấm điểm của IELTS Speaking
Giải pháp 1.1 - Đặt mục tiêu học phù hợp với bản thân
Một phương pháp để giảm khuynh hướng tự đánh giá thấp bản thân của người học với lo âu khi nói tiếng Anh là thiết lập mục tiêu học hoặc tiêu chuẩn thực tế hơn cho bản thân, bằng cách sử dụng phương pháp S.M.A.R.T. Theo phương pháp này, một mục tiêu học cần có những đặc điểm sau:
Cụ thể (Specific): Mục tiêu càng cụ thể thì người học càng dễ dàng đánh giá năng lực của bản thân và tiến trình học của bản thân. Một mục tiêu phổ biến cho người ôn luyện IELTS là một band điểm IELTS cụ thể.
Có thể đo lường được (Measurable): Đối với việc ôn luyện kỹ năng nói tiếng Anh thì một số cách đo lường quá trình học là số giờ luyện nói, số chủ đề đã luyện, số lượng từ vựng mới hoặc số lượng từ vựng người học biết cách phát âm đúng.
Có thể đạt được (Achievable): Tiêu chí này là tiêu chí quan trọng nhất khi đặt mục tiêu cho người học với lo âu khi nói tiếng Anh. Đây là vì một mục tiêu quá cao có thể làm giảm sự tự tin của người học và gây mất động lực học tiếng Anh về lâu dài. Khi đặt mục tiêu, người học có thể tham khảo thông tin là: thông thường, khoảng thời gian để một người học IELTS có thể tăng 1 band điểm là ba tháng (Jones, 2021).
Liên quan (Relevant): Mỗi người học có những nguyên nhân khác nhau cho việc thi IELTS. Người học nên sử dụng những yếu tố này để tham khảo khi thiết lập mục tiêu học cho mình.
Có kỳ hạn (Time-based): Người học cũng nên xác định mốc thời gian cụ thể của mục tiêu học của mình để lên kế hoạch học tập hợp lý.
Ví dụ một mục tiêu S.M.A.R.T về việc ôn luyện IELTS Speaking là: tăng từ band điểm 3.5 lên band điểm 5.0 trong vòng 6 tháng, bằng cách luyện nói 1 tiếng mỗi ngày.
Người học có thể đọc thêm về cách thiết lập mục tiêu theo phương pháp S.M.A.R.T tại bài viết: Áp dụng phương pháp S.M.A.R.T vào IELTS để thiết lập mục tiêu học hiệu quả
Sau khi đã thiết lập mục tiêu học phù hợp, người học có thể tự đánh giá khả năng và sự tiến bộ của bản thân một cách khách quan hơn. Điều này có thể giúp người học đặt một kỳ vọng thực tế cho bản thân, và nhờ đó, giảm bớt sự tự ti của họ về khả năng của mình.
Giải pháp 1.2 - Tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn và tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking
Người học với lo âu khi nói tiếng Anh có thể tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn và tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking để giảm việc tự so sánh năng lực của bản thân với người khác.
Thứ nhất, khi người học hiểu được tiêu chuẩn của band điểm IELTS Speaking mục tiêu, họ có thể chuyển từ việc so sánh khả năng của bản thân với những người nói tiếng Anh giỏi hơn ở xung quanh họ, sang việc so sánh với tiêu chuẩn của phần thi. Như vậy, người học có thể tái định hướng bản thân theo mục tiêu của mình và tập trung vào việc cải thiện kỹ năng nói của bản thân để đạt được mục tiêu, thay vì cảm thấy tự ti khi so sánh kỹ năng nói của mình với người khác. Hơn nữa, người học có thể xem video những phần thi IELTS Speaking thực tế để hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn tiếng Anh của từng band điểm.
Người học có thể xem mô tả kỹ năng của từng band điểm IELTS Speaking tại bài viết: Chi tiết thang điểm IELTS và cách tính điểm IELTS chuẩn nhất
Người học có thể xem video phần thi IELTS Speaking đời thực tại đây:
Lưu ý: Người học cần xem xét độ tin cậy của nguồn đăng video phần thi IELTS Speaking. Đây là vì một số nguồn không đáng tin cậy có thể đưa thông tin không chính xác về band điểm của các phần thi và gây hoang mang cho người học.
Thứ hai, việc tìm hiểu kỹ tiêu chí chấm điểm cho IELTS Speaking có thể gỡ bỏ một số quan niệm sai lầm và gây lo âu cho người học (Alrabai, 2015). Ví dụ, nếu người học cảm thấy lo âu về điểm yếu trong một khía cạnh của việc nói tiếng Anh, họ có thể giảm lo âu bằng cách tự nhắc bản thân rằng phần thi IELTS Speaking được chấm điểm dựa trên bốn tiêu chí, thay vì chỉ một (Mức độ lưu loát và mạch lạc, Nguồn từ vựng, Cách phát âm, Cấu trúc câu đa dạng và chính xác). Như vậy, kể cả khi người học không tự tin về một kỹ năng nhất định, họ vẫn có thể “bù đắp” bằng việc cải thiện những tiêu chí khác. Hơn nữa, mặc dù vậy, kỹ năng nói của người học cũng không cần phải hoàn hảo để đạt được điểm số mong muốn: phần thi IELTS Speaking thường không yêu cầu người học phải nói với ngữ pháp hoàn hảo, và cũng không yêu cầu phát âm tiếng Anh hoàn toàn giống như người bản xứ.
Vì vậy, người học được khuyến khích tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn và tiêu chí chấm điểm để giảm nỗi lo âu do hiểu nhầm về yêu cầu của phần thi về kỹ năng nói.
Nhìn chung, cả hai phương pháp trên có thể giúp người học giảm nỗi lo âu xuất phát từ việc đặt mục tiêu quá cao đến mức làm họ tự ti về khả năng nói tiếng Anh của mình.
Nguyên nhân 2 - Gặp khó khăn liên quan đến kỹ năng sử dụng tiếng Anh
Như đã giải thích ở phần trên, việc nói tiếng Anh yêu cầu kết hợp nhịp nhàng của nhiều quá trình xử lý của não bộ. Những giai đoạn khó khăn và gây nhiều lo âu nhất cho người học là giai đoạn chọn lọc từ vựng và ngữ pháp để diễn đạt ý tưởng muốn nói, và giai đoạn phát âm những từ vựng đó (Carter & Nunan, 2002; Tanveer, 2008). Nghiên cứu của Aydin (2001) chỉ ra rằng khi người học gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ bản thân, họ có thể sợ bị người khác hiểu nhầm và dần trở nên e ngại khi phải nói tiếng Anh. Tương tự, những người học không tự tin về khả năng phát âm của bản thân cũng có thể lo sợ bị người khác đánh giá và từ đó, cảm thấy lo âu khi nói tiếng Anh (Tanveer, 2008). Vì vậy, ngoài việc giảm lo âu trong quá trình ôn luyện, những phương pháp giúp người học cải thiện kỹ năng sử dụng tiếng Anh cũng có thể giúp giảm lo âu khi nói tiếng Anh cho người học.
Vì việc vốn từ và cách phát âm là hai yếu tố gây lo âu nhiều nhất trong quá trình nói, nên hai cách để người học có thể giảm lo âu là:
Mở rộng vốn từ theo từng chủ đề của IELTS Speaking
Nâng cao kỹ năng phát âm
Giải pháp 2.1 - Mở rộng vốn từ theo từng chủ đề của IELTS Speaking
Có nhiều phương pháp để người học tăng vốn từ của mình. Trong việc luyện thi IELTS Speaking, một trong những cách đơn giản nhất để mở rộng vốn từ là học từ vựng theo từng chủ đề IELTS Speaking. Cụ thể hơn, vì Task 1 của IELTS Speaking có thể bao gồm những chủ đề như gia đình, công việc, học tập, hoặc sở thích (IELTS, n.d.), người học có thể định hướng quá trình học từ vựng dựa theo những chủ đề trên.
Khi người học có thêm từ vựng cho một chủ đề nói, họ có thể diễn đạt bản thân tốt hơn và giảm lo lắng về việc bị người khác hiểu nhầm. Trong quá trình học từ vựng này, người học cũng nên chú ý đến quy tắc ngữ pháp và cách sử dụng từ vựng mới trong câu, vì việc tăng kiến thức ngữ pháp cũng là một yếu tố quan trọng để giảm lo âu khi nói (Tanveer, 2008). Ngoài ra, người học cũng có thể luyện kỹ năng diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, để giảm lo lắng nếu họ quên một số từ vựng trong quá trình nói. Hơn nữa, để giảm lo âu khi nói một cách hiệu quả nhất, người học cũng nên thường xuyên sử dụng từ vựng mới trong phần trả lời của mình khi luyện thi IELTS Speaking.
Khi sử dụng phương pháp này, người học có thể dần xây dựng vốn từ để giúp họ diễn đạt ý tưởng một cách dễ dàng và rõ ràng hơn, để giúp giảm bớt sự lo lắng về việc không thể hiện được suy nghĩ của bản thân hoặc bị người khác hiểu nhầm, để từ đó giảm lo âu khi nói tiếng Anh.
Người học có thể tham khảo một trong những phương pháp học từ vựng: Mind-mapping.
Giải pháp 2.2 - Nâng cao kỹ năng phát âm
Có nhiều phương pháp để người nâng cao kỹ năng phát âm. Nghiên cứu của Peterson (1997) chỉ ra 44 phương pháp học kỹ năng phát âm, được chia thành 6 thể loại: Trí nhớ (Memory), Nhận thức (Cognitive), Bù đắp (Compensation), Siêu nhận thức (Metacognitive), Xã hội (Social), Cảm xúc (Affective).
Trí nhớ: Viết bài hát để nhớ cách phát âm của từ vựng
Nhận thức: Nhại lại cách phát âm của người bản xứ hoặc giáo viên (tương tự như phương pháp Shadowing).
Bù đắp: Thực tập phát âm một từ vựng khó thường xuyên hơn
Siêu nhận thức: Tìm hiểu về ngữ âm (e.g. IPA)
Xã hội: Nhờ ai đó sửa cách phát âm
Cảm xúc: Có khiếu hài hước về việc phát âm sai
Người học có thể chọn một phương pháp học phát âm hoặc kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình ôn luyện tiếng Anh. Khi học từ vựng mới, người học cũng nên ghi nhớ và luyện cách phát âm của từ trong mỗi lần ôn tập. Hơn nữa, Tanveer (2008) cũng lưu ý rằng những người học muốn cải thiện kỹ năng phát âm cũng nên dành nhiều thời gian để tiếng Anh, bằng cách luyện thi IELTS Listening, làm bài tập nghe, hoặc nghe nhạc, podcast hoặc xem phim tiếng Anh. Như vậy, qua thời gian, người học có thể nâng cao kỹ năng phát âm để tăng sự tự tin khi nói tiếng Anh.
Nhìn chung, nếu người học xác định rằng nỗi lo âu của bản thân xuất phát từ những khó khăn khi sử dụng tiếng Anh, họ có thể cân nhắc việc mở rộng vốn từ và nâng cao kỹ năng phát âm của mình. Người học cũng cần lưu ý rằng học ngôn ngữ là một quá trình dài. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng những phương pháp trên, người học cũng cần luyện tập nói thường xuyên để nâng cao trình độ nói.
Tuy nhiên, nếu người học cảm thấy lo âu đến mức gặp nhiều khó khăn kể cả khi luyện nói tiếng Anh, họ có thể cân nhắc nội dung của phần tiếp theo.
Nguyên nhân 3 - Lo lắng về việc bị đánh giá tiêu cực
Nỗi lo về việc bị đánh giá tiêu cực là khi người học cảm thấy lo lắng vì những đánh giá của người khác về khả năng nói tiếng Anh của mình (Horwitz và cộng sự, 1986). Nghiên cứu của Kitano (2001) cho thấy rằng những người học lo lắng hơn về việc nói tiếng Anh thường cũng lo nhiều hơn về việc bị người khác đánh giá. Điều này có thể do:
Người học thường được dạy tiếng Anh bởi người có trình độ tiếng Anh thành thạo và sử dụng tài liệu nghe với giọng của người bản ngữ. Việc chỉ tiếp cận tiếng Anh từ những nguồn như thế này có thể người học có kỳ vọng quá cao về khả năng phát âm của người mới học, và từ đó, đặt những mục tiêu học không thực tế cho bản thân. Những tiêu chuẩn quá cao này có thể khiến người học lo lắng về việc bị đánh giá tiêu cực bởi những người nói tiếng Anh giỏi hơn, và dần cảm thấy thất vọng vì năng lực của bản thân thua kém những người xung quanh (Kitano, 2001).
Người học có lo âu khi nói tiếng Anh cũng thường tự đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân so với những người học không lo âu. Đây là vì những người học lo âu về tiếng Anh thường theo chủ nghĩa hoàn hảo và không thích việc bị mắc lỗi, nên lo sợ việc bị người khác đánh giá (Gregersen & Horwitz, 2002).
Một số phương pháp người học có thể sử dụng để giảm lo lắng về việc bị đánh giá tiêu cực là:
Ứng dụng tư duy phát triển khi học tiếng Anh
Sử dụng một số phương pháp thư giãn
Giải pháp 3.1 - Ứng dụng tư duy phát triển khi học tiếng Anh
Khái niệm tư duy phát triển thể hiện quan điểm rằng trí thông minh và năng lực của một người có thể được phát triển thông qua việc học tập và luyện tập. Ngược lại, tư duy cố định thể hiện quan điểm rằng trí thông minh là không thể thay đổi được (Yeager & Dweck, 2012). Trong việc học ngoại ngữ, người học với tư duy cố định thường nghĩ rằng độ thông thạo ngoại ngữ của một người phụ thuộc vào những yếu tố cá nhân như năng khiếu hoặc đặc điểm cá nhân, trong khi những người học có tư duy phát triển tin rằng ngôn ngữ có thể được cải thiện và phát triển theo thời gian (Lou & Noels, 2020). Lou & Noels (2020) đã chỉ ra rằng những người học tiếng Anh với tư duy cố định thường lo lắng hơn về việc nói, việc mắc lỗi và không thích việc nhận góp ý. Ngược lại, những người học có tư duy phát triển lại ít lo lắng về việc mắc lỗi, sẵn sàng thử sức với những câu hỏi khó và cởi mở khi nhận góp ý, vì họ xem đó là những cơ hội để học hỏi. Vì vậy, để giảm nỗi lo âu khi nói tiếng Anh, người học có thể chuyển từ tư duy cố định sang tư duy phát triển.
Một số phương pháp để người học có thể nuôi dưỡng tư duy phát triển là:
Tập trung vào quá trình học thay vì mục tiêu học
Việc thay đổi này có thể khó khăn với những người học đang ôn luyện thi IELTS vì họ thường đặt một band điểm mục tiêu, để tập trung và tạo động lực cho bản thân trong quá trình học. Tuy nhiên, người học không thể đến được mục tiêu nếu không có quá trình. Nói cách khác, nếu người học không mắc lỗi trong quá trình học, họ sẽ không phát triển được các kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu. Do đó, những lỗi sai mà người học sẽ mắc phải trong quá trình học tập không phải là rào cản đến thành công mà là cơ hội để đạt được nó. Với quan điểm này, người học có thể trở nên khoan dung hơn với những lỗi sai của mình và xem chúng như một phương pháp để xác định được những kỹ năng cần cải thiện.
Suy nghĩ tích cực về khả năng của bản
Tuy rằng người học có thể chưa đạt được trình độ mà mình mong muốn, họ vẫn nên thông cảm với bản thân và công nhận sự tiến bộ của mình, bằng cách sử dụng suy nghĩ tích cực về khả năng của mình hoặc sử dụng self-talk tích cực. Ví dụ, khi người học cảm thấy rằng bản thân trở nên lo lắng khi phải nói tiếng Anh, họ có thể tự an ủi mình bằng cách tự nhủ với bản thân là "Mình vẫn đang làm tốt"; "Việc mắc lỗi sai có nghĩa là mình đang học hỏi."; hoặc "Mình chỉ cần tập trung vào những gì mình định nói và không cần bận tâm đến những gì người khác nghĩ." Bằng cách này, người học có thể trở nên đồng cảm hơn đối với những lỗi sai và thiếu sót của mình; và nhờ vậy, giảm việc quá nghiêm khắc với bản thân (El-Sakka, 2016).
Như vậy, với tư duy phát triển, người học có thể giảm nỗi sợ mắc lỗi và giảm lo âu khi nói tiếng Anh.
Giải pháp 3.2 - Sử dụng một số phương pháp thư giãn
Nếu người học cảm thấy lo lắng đến mức làm khó có thể nói được, họ có thể sử dụng một số phương pháp thư giãn để trấn an bản thân trước khi nói. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng các phương pháp thư giãn là một trong những chiến lược phổ biến nhất mà người học sử dụng để giảm bớt lo âu khi nói (Kondo & Ying-Ling, 2004; Marwan, 2007).
Một số phương pháp thư giãn phổ biến là:
Tập trung vào hơi thở: Nếu người học cảm thấy lo lắng trước khi nói, họ có thể hít những hơi thở chậm và sâu. Họ chỉ nên tập trung vào hơi thở và buông bỏ những suy nghĩ gây lo lắng. Ngay cả việc hít thở sâu chỉ trong vài phút cũng có thể giúp giảm bớt sự lo lắng khi nói của người học.
Thiền chánh niệm: Người học có thể ngồi xuống một cách thoải mái và thực hiện một bài thiền chánh niệm ngắn trước khi bắt đầu phần ôn tập nói. Trong khi thiền, người học nên tập trung vào thời điểm hiện tại và không để tâm trí trôi theo những suy nghĩ lo lắng về quá khứ hoặc tương lai.
Điều chỉnh tư thế: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tư thế "mở", tức là tư thế mà người học mở rộng tay chân và ngồi thẳng lưng, có thể tăng sự tự tin cho người học (Briñol và cộng sự, 2009). Đối với việc nỗi lo âu khi nói tiếng Anh, Kasap & Tanhan (2019) cũng cho thấy rằng việc thay đổi tư thế cơ thể từ khép sang mở cũng có thể làm giảm sự lo lắng của người học và tăng sự tự tin của họ.
Nếu người học đang tìm kiếm tài liệu học tập để cải thiện kỹ năng IELTS Speaking và vượt qua nỗi lo khi nói tiếng Anh trong kỳ thi IELTS Speaking, tác giả khuyên người học nên tham khảo sách “Understanding Vocab for IELTS Speaking - 2nd Edition”.
Sách bao gồm một bộ sưu tập các đề thi IELTS Speaking thực tế, được tổng hợp từ các kỳ thi IELTS trước đó, giúp nắm vững cấu trúc đề thi và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi thực tế. Ngoài ra, sách còn cung cấp các bài tập và hướng dẫn giải chi tiết, giúp người học rèn luyện kỹ năng trả lời câu hỏi một cách chính xác và tự tin.
Tổng kết
Trong bài viết này, tác giả đã giải thích tính chất và nguyên nhân đằng sau nỗi lo âu khi nói tiếng Anh. Ngoài ra, tác giả cũng giới thiệu một số phương pháp mà người học có thể sử dụng để vượt qua nỗi lo âu này, là đặt mục tiêu học phù hợp với bản thân, tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn và tiêu chí chấm điểm của phần thi IELTS Speaking, mở rộng vốn từ, cải thiện kỹ năng phát âm, ứng dụng tư duy phát triển và sử dụng một số phương pháp thư giãn khi nói tiếng Anh.
Để hiểu thêm về cách giảm bớt lo lắng liên quan đến kỳ thi IELTS nói chung, người học có thể đọc thêm tại bài viết: Làm thế nào để không cảm thấy lo lắng trong phòng thi IELTS?
Bình luận - Hỏi đáp