Lateral Thinking – Quyển sách về phương pháp tư duy của sáng tạo và đột phá
Cuộc sống hiện đại ngày càng đòi hỏi con người có năng lực sáng tạo để thích nghi và giải quyết các vấn đề không ngừng phát sinh trong cuộc sống và công việc. Một trong những công cụ đắc lực, được biết đến như một giải pháp tư duy giúp con người gia tăng năng lực sáng tạo chính là Lateral Thinking – tư duy ngoại biên. Khái niệm này tuy còn mới tại Việt Nam nhưng đã được đặt tên và phát triển từ 1967 bởi tiến sĩ Edward de Bono – nhà tâm lý học người Maltese. Tiến sĩ Edward cũng là chuyên gia hàng đầu về Lateral Thinking và sáng tạo, đã xuất bản hơn 62 quyển sách trong lĩnh vực của mình. Trong đó, nhiều quyển sách nổi tiếng về Lateral Thinking đã được dịch sang tiếng Việt như:
6 chiếc mũ tư duy
Tư duy đa chiều
Tôi đúng anh sai
Dạy con trẻ cách tư duy
Bộ sách về tư duy của tiến sĩ Edward
Tác phẩm Lateral Thinking là một trong những quyển sách rất nổi tiếng của ông về chủ đề này. Quyển sách tập trung vào hai vấn đề chính là giới thiệu Lateral Thinking như một kỹ năng không thể thiếu và cách thực hành Lateral Thinking trong trong việc sáng tạo và tái cấu trúc cách nhìn sự vật. Đây là một quyến sách mang đến cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết để người đọc có thể tìm hiểu và thực hành việc học tập cũng như ứng dụng Lateral Thinking.
Lateral Thinking là gì?
Để tìm biết Lateral Thinking là gì, chúng ta hãy cùng bắt đầu với một câu chuyện được chính tác giả Edward de Bono nêu ra để dẫn dắt người đọc hình dung về khái niệm này.
Sự phán xét của vua Solomon (The Judgment of Solomon) là một câu chuyện trong Kinh thánh của người Do Thái, kể về cách xử án của vị vua Do Thái Solomon trong vụ tranh chấp con của hai bà mẹ. Cả hai người phụ nữ đều nhận đó là con của mình, tất nhiên một trong hai là một kẻ giả mạo. Để giải quyết vấn đề, vua Solomon đã yêu cầu cưa đôi đứa trẻ, mỗi người được nhận một nửa đứa trẻ. Bà mẹ thật sự khi nghe phán quyết như vậy đã chấp nhận nhường đứa con cho kẻ mạo danh để bảo vệ tính mạng của con mình. Qua đó, vị vua Solomon thông minh đã biết được ai là người mẹ thật sự thông qua phản ứng của họ khi nghe phán quyết.
Truyện cổ “Sự phán xét của Solomo”
Đây được xem là một ví dụ kinh điển để mô tả về Lateral Thinking, phương pháp tư duy này giúp giải quyết các vấn đề thông qua một cách tiếp cận sáng tạo không tuân theo logic thông thường. Khái niệm Lateral Thinking được dịch theo Hoa ngữ và Nhật ngữ là “thủy bình tư khảo” và được hiểu là tư duy đa chiều, thêm chiều ngang vào chiều dọc (phản biện, phân tích) hoặc phi tuyến tính phân biệt với tư duy theo chiều dọc (Vertical Thinking). Trong tiếng Việt khái niệm này thường được gọi là tư duy ngoại biên. Tư duy này không phải là một phát kiến tư duy hoàn toàn mới của nhân loại mà nó đã xuất hiện từ lâu trong các nền văn minh và được tiến sĩ Edward nghiên cứu và đặt tên gọi chính thức. Bên cạnh đó ông còn phân tích, định nghĩa và tinh chỉnh nó cũng như nghiên cứu và trình bày cách thực hành Lateral Thinking.
Mối quan hệ giữa Lateral Thinking và Vertical Thinking
Phân biệt Vertical Thinking và Lateral Thinking
Thông qua quyển sách này người đọc cũng được làm rõ về khái niệm Vertical thinking (Tư duy theo chiều dọc), đây là loại hình tư duy truyền thống thường được con người áp dụng trong logic và toán học nhưng hiếm khi được định nghĩa cụ thể. Đặc điểm của Vertical Thinking chính là để tiến đến một mục đích người ta cần tuần tự thông qua từng bước nhỏ và mỗi bước đều phải có sự hợp lý của nó, trong khi với Lateral Thinking người ta tiếp cận vấn đề không chỉ theo một hướng mà theo nhiều chiều hướng linh hoạt khác nhau và không đòi hỏi mỗi bước phải theo tuần tự.
Khác biệt trong quá trình tư duy của Lateral Thinking và Vertical Thinking
Theo quan điểm của tác giả, sự khác biệt của hai loại hình tư duy Lateral Thinking và Vertical Thinking nằm ở các trọng điểm quan trọng sau:
“Vertical Thinking là sự chọn lọc, Lateral Thinking là sự tổng hợp.”
Với Vertical Thinking người ta chọn cách tiếp cận có triển vọng nhất đối với một vấn đề, chọn lọc các cách tiếp cận khác nhau cho đến khi người ta tìm thấy một cách đầy hứa hẹn. Với Lateral Thinking, người ta tạo ra nhiều các cách tiếp cận thay thế có thể và tiếp tục tạo ra nhiều cách tiếp cận nhất có thể ngay cả khi một người đã tìm thấy hướng tiềm năng. Bên cạnh đó trong quá trình tư duy, hai loại hình tư duy còn có nhiều điểm khác biệt như:
Vertical Thinking thay đổi khi định hướng thay đổi còn Lateral Thinking thay đổi cách tiếp cận vấn đề để sinh ra định hướng mới
Vertical Thinking là sự phân tích vấn đề theo tuần tự trong khi Lateral Thinking là sự khiêu khích vấn đề và tạo ra bước nhảy.
Vertical Thinking đòi hỏi sự chính xác trong từng bước tuần tự nhưng với Lateral Thinking thì không yêu cầu điều này mà cho phép sự sai lầm được diễn ra để có thể nhìn nhận được vấn đề một cách đa chiều.
Trong Vertical Thinking, người ta sử dụng phủ định để ngăn chặn một số định hướng không đúng hoặc loại bỏ những gì không liên quan để đi theo con đường khả thi nhất. Tuy nhiên đối với Lateral Thinking điều này không hề diễn ra, mà ở loại hình tư duy này khuyến khích các thông tin, khái niệm bên ngoài thoải mái xuất hiện trong quá trình tư duy, qua đó khám phá các định hướng ít tiềm năng hơn.
Do đó, Vertical Thinking là một quá trình hữu hạn còn Lateral Thinking là một quá trình xác suất, người đọc có thể tìm hiểu chi tiết hơn về nội dung này tại phần giới thiệu của sách.
Trích dẫn Edward De Bono
Mối quan hệ giữa Vertical Thinking và Lateral Thinking
Tuy nhiên, trong quyển sách này tác giả cũng làm rõ mối quan hệ giữa hai loại hình tư duy dọc và tư duy ngoại biên là không hề tách rời và phủ định nhau mà ngược lại chúng bổ sung cho nhau. Vertical Thinking (tư duy theo chiều dọc) liên quan đến việc chứng minh hoặc phát triển các mẫu khái niệm trong khi Lateral Thinking (tư duy ngoại biên) liên quan đến việc tái cấu trúc những mô hình đó (đánh giá đa chiều) và khơi gợi những cái mới (sự sáng tạo). Tư duy ngoại biên tăng cường hiệu quả của tư duy theo chiều dọc.
Trích dẫn từ sách Lateral Thinking – Edward de Bono
Hiểu về Lateral Thinking từ định nghĩa đến thực hành cùng Edward De Bono
Không chỉ đơn thuần giới thiệu một cách chi tiết về Lateral Thinking, với cuốn sách này tác giả tập trung lý giải hai câu hỏi lớn:
Tại sao cần coi Lateral Thinking như một kỹ năng không thể thiếu?
Thực hành Lateral Thinking như thế nào để sáng tạo và tái cấu trúc cách nhìn sự vật?
Giống như một tài liệu toàn diện cho việc thực hành và giảng dạy Lateral Thinking, tác giả đã nhấn mạnh ngay từ đầu sách với người đọc rằng:
“Cuốn sách cung cấp cơ hội chính thức để thực hành tư duy ngoại biên và cũng là một giải thích của các quá trình liên quan,… Cuốn sách không nhằm mục đích đọc qua một lần mà là tác phẩm đọc từ từ – trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Vì lý do đó, nhiều các nguyên tắc được lặp lại trong nhiều chương suốt cuốn sách để giữ sự thống nhất với nhau và ngăn sự phân mảnh thành các kỹ thuật đơn thuần. Trong việc thực hành tư duy ngoại biên điều quan trọng cần nhớ là thực hành quan trọng hơn nhiều hiểu biết về quy trình” – Trích dẫn sách Lateral Thinking
Vì vậy, xuyên suốt nội dung Edward lần lượt mang đến các nội dung toàn diện và sâu sắc về việc tìm hiểu và thực hành Lateral Thinking như:
Cách thức hoạt động của trí não
Sự khác biệt của Vertical Thinking và Lateral Thinking
Bản chất của Lateral Thinking
Phương pháp đảo ngược
Tạo ra những lựa chọn thay thế
Thách thức các giả định
Các ví dụ và bài tập được trình bày một cách khoa học và rõ ràng là một ưu thế rất lớn ở quyển sách này, dù là một người đọc để tự tìm hiểu hay để giảng dạy lại nội dung về Lateral Thinking thì đây cũng là một công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực giúp quá trình học tập được chuẩn xác và sát với kiến thức. Đặc biệt với nhóm đối tượng đọc là những người giảng dạy về tư duy, tác giả đặc biệt chú trọng trong việc nhấn mạnh các kỹ thuật, thời lượng, nhóm tuổi phù hợp cho các nội dung quan trọng để người dạy dễ dàng ứng dụng cho học sinh của mình.
Lateral Thinking chìa khóa của sự sáng tạo
Một trong những lý do quan trọng mà tác giả khuyến khích người đọc tìm hiểu và thực hành Lateral Thinking chính là sự hiệu quả trong việc tiếp cận và phân tích vấn đề một cách đa chiều hơn và đặc biệt là gia tăng sự sáng tạo trong cách giải quyết những vấn đề khó mà đôi khi tư duy logic không dễ dàng để giải thích. Nhờ vào Lateral Thinking ta có thể chứng minh và giải thích được những vấn đề khó, khi đã chứng minh được tính đúng của câu trả lời, sẽ dễ dàng hơn để phân tích được trình tự logic để giải quyết vấn đề đó và củng cố thêm cho câu trả lời ấy
Ví dụ: Trong một buổi lên giảng về Lateral Thinking, tiến sĩ Edward đã đưa ra tình huống:
Một tòa nhà làm việc có 2 tầng, nhưng diện tích thừa lại khá rộng. Sau này, ban lãnh đạo xây một tòa nhà mới 12 tầng, tòa nhà 2 tầng cũ chuẩn bị phá bỏ. Nhân viên chuyển sang tòa nhà mới không lâu, đã liên tục phàn nàn về sự chậm trễ và số lượng quá ít của hệ thống thang máy. Thậm chí, giờ cao điểm tan tầm, họ tốn rất nhiều thời gian đợi thang máy.
Các phương án được đưa ra:
Vào giờ cao điểm, một vài thang máy sẽ dừng ở tầng chẵn, số thang máy còn lại sẽ dừng tầng lẻ.
Bố trí thêm vài thang máy.
Phân chia giờ tan ca lệch giữa các bộ phận làm việc.
Các mặt của thang máy đều lắp thêm gương.
Trở lại tòa nhà 2 tầng cũ.
Sau khi sinh viên thảo luận, Tiến sĩ trình bày: các phương án 1, 2, 3, 5 đại diện cho cách tư duy truyền thống. Phương án 4 là tư duy theo phương pháp “Lateral Thinking” – lối tư duy sáng tạo khuyến khích lập luận không cần có logic ngay từ đầu. Cách tư duy này giúp tìm giải pháp thông qua một quá trình tiếp cận gián tiếp. Ban lãnh đạo công ty đó đã chọn phương án 4.
“Khi cùng đợi thang máy, qua gương, đa số nhân viên sẽ lén quan sát đồng nghiệp hoặc chỉnh trang lại dáng vẻ của mình”
Tiến sĩ Bono giải thích, “từ đó, họ sẽ không chú ý đến thời gian đợi thang máy, tâm trạng vội vã được thư giãn phần nào. Tòa cao ốc đó đã được tính toán thiết kế khoa học, thực tế số thang máy không thiếu, chỉ là con người thiếu kiên nhẫn mà thôi”.
Cũng đối với tình huống này nếu sử dụng Vertical Thinking để phân tích lại phương án số 4, ta sẽ thấy phương án này có khả thi và cũng có tính logic. Từ đó có thể khẳng định tính đúng đắn của nó một lần nữa.
(Ví dụ tham khảo từ bài viết tại báo An Ninh Thủ Đô)
Có thể thấy rằng, chính việc nỗ lực tạo ra nhiều cách tiếp cận một cách đa chiều giúp cho việc giải quyết một vấn đề không bị đóng khung trong những suy nghĩ cụ thể mà dễ dàng tạo nên hiệu quả bất ngờ nhờ vào tính sáng tạo. Không chỉ dừng lại ở đó, việc thực hành Lateral Thinking còn mang đến nhiều lợi ích như:
Tạo ra ý tưởng mới
Giải quyết vấn đề
Xử lý lựa chọn cảm quan
Đánh giá lại các vấn đề cũ một cách toàn diện
Ngăn ngừa sự phân chia và phân cực trong việc giải quyết vấn đề
Nguyên tắc cơ bản nhất của Lateral Thinking là bất kỳ cách tiếp cận cụ thể nào với mọi vấn đề chỉ là một trong số nhiều cách khả thi khác. Lateral Thinking quan tâm đến việc khám phá những cách khác bằng cách tái cấu trúc và sắp xếp lại thông tin có sẵn, đặt ra những câu hỏi khiêu khích tính đúng của vấn đề hoặc cách làm cũ. Chính từ ‘lateral’ gợi ý sự chuyển động sang một bên để tạo ra các cách tiếp cận thay thế thay vì di chuyển thẳng về phía trước/ suy luận logic tuần tự từng bước như truyền thống. Do đó, Lateral Thinking là chìa khóa để tạo nên những bước nhảy đột phá và sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề một cách đa chiều và linh hoạt hơn.
Tổng kết
Lateral Thinking hay năng lực tư duy để giải quyết một vấn đề một cách sáng tạo không phải là một phẩm chất bẩm sinh mà có người sẽ may mắn có sẵn hoặc không mà là một thái độ, thói quen trong cách tiếp cận với một vấn đề hóc búa bằng tư duy phân tích nhiều chiều và những luận điểm tách biệt khỏi khuôn khổ truyền thống, thách thức tính đúng đắn của kết luận cũ. Lateral Thinking hoàn toàn có thể được luyện tập và cải thiện nếu có được hiểu biết đúng đắn cũng như quá trình thực hành thường xuyên trong một thời gian dài. Nếu bạn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra những phương án sáng tạo thì quyển sách này là một giải pháp chi tiết để bạn mở rộng tư duy của mình và bắt đầu tư duy một cách khác hơn, thú vị hơn về mọi vấn đề và tìm thấy những giải pháp mang tính đột phá. Sự sáng tạo luôn đòi hỏi người thực thi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn, bước ra khỏi giới hạn an toàn và những khuôn khổ của định kiến. Bạn không thể mong muốn một kết quả mới khi vẫn làm theo cách làm cũ, hãy làm khác đi, tiếp thu một thứ mới và rèn luyện nó.
Let try it!
Pablo Picasso
Bình luận - Hỏi đáp